Hạt giống nẩy mầm – Mùa quanh năm – tuần 17 –

print

Hạt giống nẩy mầm

– mùa quanh năm –

– tuần 17 –

“Có những hạt rơi vào đất tốt.

Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :

hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,

hạt thì được một trăm” (Mc 4,8)

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

Thứ Hai :

Mt 13,31-35

  1. Hạt giống…

Dụ ngôn hạt cải và nắm men :

  1. Vấn đề : Có người hồ nghi khi thấy thực tế khiêm nhường của công trình Chúa Giêsu và khi nghe Ngài nói về tương lai to lớn huy hoàng của Nước Trời : một nhóm nhỏ bé những môn đệ như thế này, đứng trước những khó khăn như thế đó, mà sẽ tạo thành Nước Trời huy hoàng như thế kia hay sao ?
  2. Giải đáp : Chúa Giêsu trả lời rằng “đúng thế”, cũng như một hạt cải bé tí sẽ trở nên một cây khổng lồ, hay một nhúm men ít ỏi sẽ làm dậy cả thúng bột, tác động của Thiên Chúa sẽ khiến cho nhóm người bé mọn ít ỏi này trở thành một Dân Mới quy tụ hết mọi dân.

B…. nẩy mầm.

  1. Hạt cải và nắm men cũng giống như một hòn sỏi ở chỗ đều bé nhỏ. Nhưng chúng khác hòn sỏi ở chỗ chúng có sức sống bên trong. Ném hòn sỏi xuống đất thì nó vẫn trơ trơ, còn gieo hạt cải xuống đất hoặc vùi nắm men vào thúng bột thì kết quả khác hẳn. Như thế, điều khác nhau và cũng là điều kỳ diệu chính là sức sống bên trong.

Tôi đón nhận những ơn Chúa và những lời Chúa như đón nhận một hòn sỏi hay một hạt cải, một nắm men ?

Là một Kitô hữu, tôi sống giữa những người khác như hòn sỏi hay như hạt cải, nắm men ?

  1. “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó nguyền rủa bóng tối”. Nhiều người khi thấy xã hội đầy dẫy sự xấu thì chán nản. Họ không tin vào sức cải hóa của Tin Mừng, họ không tin vào tác động của ơn Chúa. Hãy dùng ánh sáng Tin Mừng, hãy dùng ơn thánh Chúa ban cho ta để bắt tay vào cuộc cảm hóa môi trường mình sống. Nếu ngày xưa nhóm 12 tông đồ chùn bước trước tình trạng đầy dẫu khó khăn của đế quốc Rôma thì đã không có Giáo Hội như ngày nay.
  2. Một nhà kinh tế được mời đến nói chuyện với một nhóm thương gia. Ông lấy một miếng giấy trắng lớn, vẽ trên đó một chấm đen và hỏi người ngồi hàng đầu xem anh ta thấy gì. Anh mau mắn trả lời : “một chấm đen”

Ông lần lượt hỏi từng người, tất cả đều trả lời thấy một chấm đen. Lúc đó, diễn giả mới bình tĩnh nói : “Các anh thấy một chấm đen. Đúng. Nhưng sao không một ai thấy cả một tấm giấy trắng lớn !” (Góp nhặt)

  1. “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ gieo trong ruộng mình. Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Mt 13,31-33)

Báo Tuổi Trẻ 96 có giới thiệu khuôn mặt của một nữ triệu phú : Chị đã thoát ra từ cuộc sống dường như đang ở bước đường cùng của mình, với hai bàn tay trắng cùng một tấm thân tật nguyền của chứng bệnh phong cùi mà mọi người xung quanh ai cũng ghê sợ. Chính chị cũng đã có lúc không biết sống để làm gì và làm gì để sống. Nhưng cuối cùng, vì tình yêu dành cho con, chị đã đứng vững và thành công. Nhờ tình yêu và nghị lực của chị, người con trai của chị mới có thể thành đạt, thành công và thành nhân.

Tình yêu mời gọi tình yêu và cứ thế… dậy men cuộc sống.

Lạy Chúa, dẫu có “nhỏ hơn” nắm men, hạt cải, con cũng nguyện xin Chúa cho con can đảm sống và chỉ sống vì yêu thương. (Hosanna)

Thứ Ba :

Mt 13,36-43

  1. Hạt giống…

Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn lúa và cỏ lùng.

B…. nẩy mầm.

  1. Ta hãy suy gẫm về thái độ kiên nhẫn của Chúa đối với những người xấu. Chúa kiên nhẫn vì : a/ nhân từ chờ kẻ xấu ăn năn. “Cây lau bị dập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét Ngài chẳng nở tắt đi” ; “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống” ; b/ vì tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho mỗi người.

Trách nhiệm mỗi người : a/ xử dụng tự do để chọn điều tốt ; b/ tác động lên những người chung quanh để “tranh thủ” họ về phía tốt.

  1. Với thời gian, lúa có thể lớn mạnh lấn át cỏ lùng, nhưng đồng thời cỏ lùng cũng có thể lớn mạnh làm chết lúa. Do đó sự kiên nhẫn chờ đợi của Chúa vừa là cơ hội mà cũng vừa là nguy cơ cho mỗi người chúng ta Hôm nay tôi còn xấu nhưng ngày mai tôi có thể tôi trở thành tốt. Ngược lại hôm nay tôi tốt nhưng ngày mai có thể tôi sẽ xấu.

Bởi đó, tôi chớ nên vội đánh giá người khác, và cũng chớ nên tự mãn về mình. Mọi người đều phải tận dùng thời giờ và cơ hội của Chúa để ngày càng trở nên hoàn thiện như Cha trên trời.

  1. Một giám mục chúc mừng viên quản lý gian hàng điện khí về công việc tốt đẹp của anh. Ngài nói rằng không bao giờ hết ngạc nhiên về khoa điện năng tuyệt vời.

– Đúng, và con cũng chưa bao giờ nghĩ về điều đó mà không ngạc nhiên về sự kiên trì của Chúa.

– Sự kiên trì của Chúa ? Anh muốn nói gì ?

– Ngài có bao giờ tự hỏi sao Đấng sáng tạo phải đợi hàng thế kỷ mới có một vài người khám phá nguồn điện phong phú trong vũ trụ chỉ chờ được sử dụng ? (Góp nhặt)

  1. “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước Cha họ” (Mt 13,43)

Trên đường về quê trời, từ xa chúng ta đã thấy thấp thoáng đích đến. Kìa, tại sao bạn dừng lại ? Không, không thể được ! Đừng dừng lại bạn nhé !

Tôi biết bạn đang chao đảo vì nắng gắt của dư luận. Tôi biết gối bạn đã chồn, chân bạn đã mỏi đã nát vì chông gai, nay lại hụt hẫng do những vực thẳm của bất công và những khúc quanh của lòng người. Đừng cố làm ra vẻ thản nhiên, đừng cố che dấu cái tôi đầy đau khổ thất vọng. Bạn hãy cùng tôi đọc lại câu Tin Mừng này để san sẻ cho nhau niềm hy vọng. Quãng đường còn lại chắc chắn sẽ vui vẻ hơn, đỡ vất vả hơn.

Bạn hãy nhìn về phía trước và cùng tôi dấn bước tiến lên. Tôi đã thấy nghị lực và khát vọng hạnh phúc trong mắt bạn. Chúng ta sẽ cập bến.

Lạy Chúa, được nên công chính trong bí tích Thánh Tẩy, xin cho chúng con biết nâng đỡ nhau trên con đường công chính, con đường về nhà Cha. (Hosanna)

Thứ Tư :

Mt 13,44-46

  1. Hạt giống…

Hai dụ ngôn này có cùng một ý nghĩa : Nước Trời rất quý giá nên đáng cho người ta bán tất cả những gì mình có để đổi lấy.

Hai dụ ngôn này chẳng qua cũng là nhấn mạnh thêm một tư tưởng chủ yếu mà Mt đã nhiều lần nói tới ở những chỗ khác, như : Chúa Giêsu nói với thanh niên nhà giàu “Hãy bán hết những gì anh có, đem chia cho người nghèo, bấy giờ anh sẽ được kho tàng thiên quốc, rồi hãy đến theo Ta” (19,16-22) ; để được Nước Trời, phải sẵn sàng mọi sự, kể cả nếu cần thì chặt tay, chặt chân, móc mắt (18,8-9).. Tóm lại, để được Nước Trời, chẳng có hy sinh nào được kể là quá lớn cả.

B…. nẩy mầm.

  1. Nước Trời quý giá hơn tất cả, bởi vì chỉ có Nước Trời là tồn tại vĩnh viễn, còn mọi giá trị khác có ngày sẽ mất. “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì ?”.
  2. Ngày xưa người ta chưa biết tới dịch vụ ngân hàng, nên cất dấu của cải bằng cách đem dấu ở một nơi người khác không biết. Nhưng cất dấu quá bí mật đến nỗi lắm khi chủ nhân chết đi thì không ai khác biết. Kho tàng trở thành vô chủ. Ta thử nghĩ nếu có ai đó tình cờ biết được kho tàng ấy, người đó sẽ sung sướng thế nào ! Và có ai biết nó mà vẫn thờ ơ chẳng tìm mọi cách để lấy cho bằng được hay không ?

Tôi là người được biết kho tàng Nước Trời đó. Vậy tôi phải cám ơn Chúa. Nhưng tôi có quá ngu dại để không tha thiết gì tới kho tàng ấy không ? Tại sao tôi lại không dám bỏ những thứ khác để đổi lấy kho tàng ấy ?

  1. Nhiều khi tôi tiếc vì phải từ bỏ thứ này thứ nọ. Tôi không nhớ rằng Chúa Giêsu đã hứa sẽ bù lại cho tôi một kho tàng vô giá.
  2. Một người nông dân đang nghe John Wesley giảng về việc xử dụng của cải. Trong phần thứ nhất, nhà giảng thuyết quảng diễn tư tưởng “Hãy thu hoạch (làm giàu) tối đa”. Người nông dân thúc cùi chõ người đứng bên cạnh và nói “Một bài giảng tuyệt vời”. Wesley khai triển điểm thứ hai “Hãy tiết kiệm tối đa”. Người nông dân lại khen “Chưa bao giờ tôi được nghe một bài giảng hay như vậy”. Wesley sang điểm thứ ba “Hãy chia sẻ tối đa”. Người nông dân mất hứng, rút lui khỏi nhà thờ và buồn bã về nhà (Góp nhặt)
  3. Người nông dân bán đi tất cả để mua cho được thửa ruộng vì biết rằng trong đó có kho tàng ẩn dấu. Người thương gia cũng vội vã đầu tư mọi tài sản của mình vào viên ngọc quý.

Vì lợi nhuận, các nhà doanh nghiệp chẳng ngần ngại đầu tư tiền bạc vào các công trình. Vì chiến thắng, các vận động viên đầu tư mọi sức lực vào việc luyện tập. Vì tương lai, người trẻ sẵn sàng đầu tư chất xám và thời gian cho sự học hỏi.

Tôi tự hỏi : “Vì Nước Trời, tôi đã dám nghĩ đến chuyện đầu tư cho đức tin chưa nhỉ ?”

Lạy Chúa, xin thúc đẩy con luôn biết đầu tư tất cả cho đức tin bằng việc đặt Chúa vào trọng tâm cuộc sống, và biến lời thương mến thành hành động tin yêu. (Hosanna)

  1. Khi bước vào trần gian, chúng ta muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Thế nhưng khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta đành phải ra đi với hai bàn tay trắng.

Xuất thân từ bụi tro rồi chúng ta sẽ trở về tro bụi. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời. Không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng được cuộc sống đó như thế nào, chỉ biết rằng Tình Yêu là giá trị sẽ mãi mãi tồn tại, và chỉ có tình yêu mới thắng được sự chết và tất cả những gì trói buộc chúng ta trong giới hạn của cuộc sống này.

Lạy Chúa, cuộc sống hiện tại của con được dệt bằng một chuỗi của vui tươi và sầu khổ, thành công và thất bại, sum họp và li tán. Tất cả những điều đó nhắc nhở con rằng cuộc sống này chóng qua và mời gọi con nghĩ đến giá trị vĩnh cửu. Trong mọi sự, xin cho biết tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời, và biết sống những giây phút hiện tại như chính giờ phút con phải đến gặp gỡ Chúa. (Hosanna).

Thứ Năm :

Mt 13,47-53

  1. Hạt giống…

Dụ ngôn này nói về sự thanh lọc người tốt và kẻ xấu để  cho vào hoặc loại khỏi Nước Trời.

Trong dụ ngôn, có 3 sự so sánh :

  1. a) Thế gian (như biển cả) là nơi người tốt và kẻ xấu lẫn lộn nhau
  2. b) Người xấu và kẻ tốt (như cá tốt và cá xấu – nghĩa là cá ăn được và cá không ăn được)
  3. c) Sự thanh lọc (như lựa cá).

Điều đáng lưu ý là chính Thiên Chúa ấn định thời điểm thanh lọc vì chính Thiên Chúa ấn định lúc nào kéo lưới lên. Một chi tiết nữa đáng lưu ý là đến lúc thanh lọc thì chỉ còn hai hạng người dứt khoát : hoặc là người tốt, hoặc là người xấu, không có hạng lừng khừng đứng giữa.

B…. nẩy mầm.

  1. “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá” : Thay vì bực tức và khó chịu vì có những người xấu ở trong Giáo Hội và trong cộng đoàn của mình, sao tôi không nghĩ đến tình thương của Chúa khi Ngài khoan dung cho những người xấu ấy vào Giáo Hội và cộng đoàn để có cơ hội hoán cải họ ?
  2. Trong chiếc lưới có cả cá tốt và cá xấu. Trong Giáo Hội có người tốt lẫn người xấu. Chúa khoan dung để như thế vì Ngài muốn cho kẻ xấu có thời giờ hoán cải thành người tốt.

Gợi ý cầu nguyện : cầu cho Giáo Hội, cầu cho cộng đoàn mình. Xin ơn biết khoan dung và kiên nhẫn như Chúa…

  1. Thân phận của Giáo Hội dưới thế cũng giống như thân phận của mỗi con người : có tốt và xấu lẫn lộn. Đừng lên án Giáo Hội, đùng lên án ai cả. Cũng đừng bực tức bất mãn với Giáo Hội hay với bản thân mình. Thái độ phải có là khiêm tốn nhìn nhận thực tế và kiên trì sửa đổi để ngày một nên tốt hơn.
  2. Một bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục và tuyên bố : “Con đến cho Đức Cha hay con đang muốn ra khỏi Giáo Hội. Đức Cha nghĩ sao ?” Vị Giám mục xin ông cho biết lý do. Ông nói : “Đức Cha nghĩ coi : Giáo Hội đã có mặt trên trần gian này gần 2000 năm rồi, thế mà con người có khá hơn không ?”. Vị Giám mục bình tĩnh trả lời : “Bác sĩ nói chí lý. Nhưng bác sĩ cũng hãy nghĩ coi : nước đã xuất hiện trên mặt đất này từ bao nhiêu triệu năm nay. Vậy mà sao ngày nào bác sĩ cũng như tôi cũng đều phải rửa tay ?”. Nghe thế, vị bác sĩ thinh lặng ra về, không còn nghĩ tới chuyện rời bỏ Giáo Hội nữa. (“Mỗi ngày một tin vui”)

Thứ Sáu :

Mt 13,54-58

* Đặt trong sơ đồ chung của Mt :

Với 7 dụ ngôn trong phần Diễn từ (13,1-52), Mt đã đặt người ta trước một sự chọn dựa dứt khoát có đáp lại lời mời gọi gia nhập Nước Trời hay không. Ai đáp lại thì được kể là môn đệ của Chúa Giêsu. Dần dần những người môn đệ này làm thành một cộng đoàn nhỏ, một “giáo hội phôi thai”.

Sang phần tường thuật (13,53–16,12. Từ hôm nay đến Thứ Tư tuần 18)), Mt cho thấy Chúa Giêsu huấn luyện từng bước cho cộng đoàn giáo hội này để đưa họ đến Đức Tin. Radermakers đặt tên cho phần tường thuật này là “hành trình đi đến đức tin của giáo hội”.

Thực vậy trong phần này, ta thấy rõ cuộc hành trình đưa đến Đức Tin. Hai thuật ngữ được Mt dùng nhiều trong phần này là TIN và HIỂU.

  1. Hạt giống…

Sau một thời gian hoạt động ở những nơi khác, Chúa Giêsu trở về quê hương Nadarét và vào giảng dạy trong hội đường. “Sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ” của Ngài đã khiến cho những người đồng hương phải ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc nhiên này không dẫn họ đến đức tin, bởi còn một chướng ngại ngăn cản, đó là xuất thân của Ngài : vì người ta biết quá rõ cha mẹ anh em Ngài đều là những người nghèo hèn quê mùa cho nên người ta không tin Ngài là Messia. Do người ta không tin, nên Chúa Giêsu không làm nhiều phép lạ.

B…. nẩy mầm.

  1. Những người Nadarét đã ngạc nhiên và thán phục Chúa Giêsu. Họ đã tiến đến gần tới đức tin. Nhưng rất tiếc, hành trình ấy đã bị chận lại vì thành kiến. Họ nghĩ : một con người có cha mẹ và anh em là những kẻ nghèo nàn và tầm thường như thế không thể nào là Đấng Messia được.

Có những thành kiến thật vô lý, thế nhưng người ta vẫn để cho những thành kiến vô lý ấy ảnh hưởng đến mình.

Phải chăng nhiều lần tôi cũng đánh giá người khác theo những thành kiến : Anh ấy, chị ấy không thể nào khá được ! Con người như thế đó mà làm được cái gì !

  1. “Nào ông ấy chẳng phải là con bác thợ mộc sao ?” : Trong số các thành kiến của chúng ta, có thứ thành kiến quái dị này là “cha nào con nấy”, cha mẹ dở thì con không thể giỏi, cha mẹ xấu thì con không thể tốt. Đành rằng, di truyền cũng có ảnh hưởng phần náo đó, nhưng không phải là tất cả. Có biết bao tấm gương về những đứa con tài giỏi thánh thiện xuất thân từ cha mẹ tầm thường và tội lỗi.
  2. Một du khách mới đi Trung hoa về báo cáo rằng giới trí thức Trung hoa tuyên bố : “Không, việc truyền giáo của quí vị không bám rễ vào đất nước chúng tôi được đâu, vì các nhà truyền giáo của quí vị mới đến chưa hiểu gì đã tuyên bố là đạo của chúng tôi là sai lạc.” Và một người Á đông khác cũng nói : “Các ông muốn chúng tôi bỏ những gì mà chúng tôi tin và chấp nhận những gì mà các ông tin” Đi truyền giáo mà có định kiến thì thà ở nhà còn hơn. (Góp nhặt)
  3. “Ngài không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin” : Phép lạ chỉ diễn ra vì lòng tin và với lòng tin của con người. “Nếu chúng con có đức tin chỉ bằng hạt cát, chúng con có thể bảo quả núi này dời xuống biển…”.

Xin ban thêm đức tin cho con.

  1. “Chúa Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói : “Ông ta không phải là con bác thợ hay sao ? Mẹ ông không phải là bà Maria sao ?… Vậy bởi đâu ông ta được khôn ngoan như thế ?” Và họ vấp ngã vì Người.” (Mt 13,54-57)

Lạy Chúa Giêsu, dân làng Na-da-rét đã không tin vào Chúa vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công. Các muôn đệ đã không tin vào Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự. Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người. Cũng có lúc con không tin có Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh nơi một linh mục yếu đuối trong một Hôi Thánh có nhiều bất toàn. Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê bỏ, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin. Xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn nhận ra Ngài tỏ mình thật bình thường trong cuộc sống. (Hosanna)

Thứ Bảy :

Mt 14,1-12

  1. Hạt giống…

Chuyện Gioan Tẩy giả bị chém đầu. Qua chuyện này, ta biết được đôi điều về Gioan và về Hêrôđê.

  1. Gioan Tẩy giả :

– một ngôn sứ trung thành với sứ mạng

– một con người can đảm dám nói sự thật

– con người ngôn sứ đó được dân chúng kính nể, kể cả kẻ giết ngài cũng phải nễ sợ ngài.

  1. Hêrôđê :

– một con người dám làm tất cả những tội lỗi để thỏa mãn những ước muốn xấu của mình.

– nhưng trong thâm tâm, con người này có nhiều nỗi sợ : sợ lương tâm (nên tưởng Chúa Giêsu là Gioan sống lại), sợ dư luận, sợ vợ.

B…. nẩy mầm.

  1. Cả hai nhân vật Gioan và Hêrôđê đều can đảm nhưng mỗi người một cách khác hẳn nhau : Gioan can đảm làm điều tốt cho dù phải hy sinh tính mạng, Hêrôđê dám phạm bất cứ tội lỗi nào.

Không riêng gì tính can đảm, mà nhiều khả năng khác của con người (như trí thông mình, sức mạnh v.v.) phải được định hướng cho đúng thì mới tốt được. Kẻ càng can đảm, thông minh và mạnh khoẻ mà xử dụng những khả năng đó để làm việc xấu thì tai hại càng lớn.

Cám ơn Chúa đã ban cho con những khả năng. Nhưng xin dạy con biết dùng chúng cho đúng hướng.

  1. Xét đến tâm trạng thì chắc hẳn Hêrôđê tuy là vua nhưng lòng luôn áy náy lo âu, còn Gioan tuy là một tử tội nhưng lúc nào lòng cũng thanh thản. Vì Gioan làm đúng lương tâm, còn Hêrôđê làm trái lương tâm.
  2. Khi thấy hai con trai của mình đã lớn, người cha bảo chúng đi học nghề để tự lực cánh sinh. Ba cha con thu xếp rồi lên đường đến một ngôi làng nọ. Người anh chọn ngay nghề thợ rèn và vui sống với nghề nghiệp của mình. Người cha và đứa em tiếp tục đi tới một ngôi làng khác. Một hôm hai cha con đi ngang một đồng cỏ và thấy một con bò đang gặm cỏ, người chăn ở đâu không thấy, mà làng mạc thì ở xa. Đứa con nói với cha “Con thích làm nghề ăn trộm vì công việc nhẹ nhàng mà thu hoạch lại lớn”. Người cha nhăn mặt nhưng vẫn gật đầu nói “Con hãy đợi cha ở ven rừng. Cha cần vào làng có việc”.

Người cha vừa đi khuất thì người con đã vội vã lùa bò về nhà trọ. Khi người cha về đến nhà, hai cha con bắt tay ngay vào việc làm thịt con bò. Nhưng trước khi thưởng thức món thịt bò, người cha nói : “Ta hãy đo xem ai trong chúng ta sẽ béo lên vì thịt con bò này”.

Hai cha con phải mất nhiều ngày mới ăn hết thịt con bò. Trong khi người cha cứ ung dung ăn thì người con cứ đứng lên ngồi xuống không yên, chốc chốc anh lại ra ngoài xem có ai theo dõi mình không. Sau một tuần lễ, hai cha con kiểm tra xem ai béo hơn ai. Quả thật người cha đã lên cân thấy rõ, còn người con thì ngày một gầy thêm. Lúc bấy giờ người cha mới giải thích : “Con biết không, thịt bò con ăn là thịt bò ăn trộm ; còn thịt bò cha ăn là thịt bò cha đã bỏ tiền ra mua hẳn hoi. Trong khi con ở ven rừng nhìn ngắm con bò thì cha đã vào làng thương lượng với chủ bò để mua nó. Con thấy chưa, của ăn trộm không bao giờ để ta ăn ngon ngủ yên được” (Chờ đợi Chúa)

  1. “Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ đám đông, vì họ coi ông là ngôn sứ… Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô.” (Mt 14,59)

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng được Thiên Chúa ban cho một đặc ân cao quý là có quyền tự do lựa chọn. Chúng ta được quyền chọn bất cứ điều gì, hành động thế nào, cư xử ra sao như chúng ta muốn. Nhưng chúng ta đừng quên phải sử dụng quyền đó như thế nào. Vua Hêrôđê đã cho mình quyền “tự do” của một ông vua, nghĩa là muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết. Nhưng đâu biết rằng chính lúc ông thực hiện quyền tự do quyết định ấy lại là lúc ông bị ràng buộc bởi một sức mạnh khác ; đó là lời thề và danh dự của ông trước mặt các khách dự tiệc.

Và tôi, đã hơn một lần, cũng cho phép mình thực hiện quyền “tự do” ấy. Trong một lần tranh cãi nọ tôi đã quyết định ra đi, tự tạo cho mình một cuộc sống mới ; ở đó tôi sẽ không bị ai quấy rầy. Tôi cảm thấy được “tự do” hơn khi được sống một mình. Thế nhưng tôi đã không biết rằng chính lúc tôi thực hiện quyền “tự do” ấy thì tôi đã và đang bị một sợi dây vô hình ràng buộc ; đó là Thiên Chúa vì tính tự ái và tự cao tiềm ẩn trong tôi. Tôi chợt nhận ra mình hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho biết sử dụng quyền tự do mà Ngài đã ban tặng cho con trong ánh sáng của Lời Ngài. (Hosanna)