DoCat: Làm gì để xây dựng nền văn minh tình yêu?

print

DoCat: Làm gì để xây dựng nền văn minh tình yêu?

Ngày khai mạc Đại hội Giới Trẻ Thế giới 26 tháng 7 năm 2016 tại Krakow Ba Lan, Hồng y Tagle “trình làng” một thành viên mới trong gia đình YOUCAT. Ngài nói với những người trẻ hành hương: “Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn tặng chúng ta một món quà, để ta không còn ngừng lại ở kiến thức và cầu nguyện mà chuyển sang hành động”.

DOCAT chính là món quà đó. Trong video chiếu cho những người trẻ đang hành hương tại quê hương của người sáng lập Ngày Giới trẻ Thế giới, đức Thánh cha định nghĩa DOCAT “là một quyển cẩm nang, một quyển cẩm nang đi đường. Sách nói về lời của Chúa Kitô cũng như của Giáo Hội và của nhiều người. Đó là một công cụ quan trọng trong đời sống hàng ngày của những người trẻ”.

Ngài viết trong Lời dẫn nhập cho quyển DOCAT:

“Động từ tiếng Anh ‘to do’ là một phần của tên quyển sách. DOCAT trả lời các câu hỏi: ‘Chúng ta nên làm gì?’; DOCAT như một quyển cẩm nang giúp chúng ta thay đổi bằng Tin Mừng trước hết chính bản thân mình, sau đó hoàn cảnh xung quanh gần gũi nhất của chúng ta, và cuối cùng là toàn bộ thế giới. Với sức mạnh của Tin Mừng, chúng ta thực sự có thể thay đổi thế giới”.

DOCAT là công cụ để “làm” công bằng xã hội theo phương cách Công giáo.

DOCAT tiếp nối quyển Giáo lý Giới Trẻ YOUCAT ra mắt vào tháng 8 năm 2011 trong Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Madrid. Dựa trên Kinh Thánh, YOUCAT, Giáo lý Giáo Hội Công giáo và quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, DOCAT chỉ cho những người trẻ cách hành động hướng đến việc xây dựng một “nền văn minh tình yêu”.

DOCAT tóm lược các điểm chính của học thuyết xã hội của Giáo Hội, cập nhật đến hết năm 2015, dựa trên bốn nguồn chính này.

DOCAT vì “sinh sau đẻ muộn” nên có thể dẫn chiếu từ kho tàng 10 năm huấn quyền và các tài liệu khác sau khi quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội ra đời, trong đó quan trọng nhất là Thông điệp Caritas in Veritate của đức Giáo hoàng Bênêđictô và Thông điệp Laudato Si’ của đức Giáo hoàng Phanxicô. Đây quả là một ưu điểm độc đáo nổi bật vì ta khó hình dung có một văn bản cập nhật giáo huấn xã hội của Giáo Hội trình bày bằng một văn phong giản dị, dễ hiểu và ngắn gọn như DOCAT.

Bất kỳ câu nào trong toàn bộ 328 câu hỏi-thưa của DOCAT đều có tham chiếu đến một, hai hay cả ba tài liệu là Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, Giáo lý Giáo Hội Công giáo và YOUCAT. 

Ngoài Kinh Thánh, DOCAT thường xuyên trích dẫn thông điệp của các giáo hoàng từ Thông điệp Rerum Novarum của đức Lêô XIII (1891) trở đi, lời của các vị thánh, các nhà lãnh đạo trên thế giới và các người nổi danh trong giới doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội và nhiều người nổi tiếng khác, bao gồm những người của công chúng như cô đào Marylin Monroe và diễn viên phim hành động Bruce Willis.

“Trong những vấn đề thiết yếu, hợp nhất; trong những vấn đề còn nghi hoặc, tự do; trong mọi sự, bác ái” – Thánh Augustinô

“Hollywood là nơi người ta sẽ trả bạn một ngàn đô la cho một nụ hôn và năm mươi xu cho linh hồn của bạn”. –  Marilyn Monroe

“Chúng ta ngày nay ở đâu nếu có người nói với Kha Luân Bố: ‘Kha Luân Bố, cứ ở đây. Đừng đi khám phá, thám hiểm, hãy chờ cho đến khi các vấn đề quan trọng nhất của chúng ta – chiến tranh và nạn đói, ô nhiễm môi trường và bệnh tật, nạn mù chữ và tệ phân biệt chủng tộc – được giải quyết’”? – Bill Gates

DOCAT giải thích tại trang đầu rằng một trích dẫn từ nguồn phi-Kinh Thánh và phi-Huấn quyền “nhấn mạnh ý nghĩa của bản văn; các dịp khác nó tạo ra một căng thẳng với bản văn. Điểm nhắm đến luôn luôn nhằm vun trồng một sự đối chất sống động với sự thật”. Đây là một điểm mới và đặc sắc của DOCAT.

Ta cũng gặp tư tưởng của vị vốn được người xưa tôn là “Vạn thế sư biểu”, là câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Khổng Tử trong sách Đại Học.

Và của vị được người ta tôn là thánh sống là Mahatma Gandhi, người thấm nhuần các lời dạy của Chúa Kitô: “Nếu cứ ăn miếng trả miếng mắt đền mắt thì rồi ra cả thế giới đều mù cả”.

Sách còn có nhiều bức ảnh chụp minh họa đầy màu sắc, chỉ mục các chủ đề (index of subjects) và dĩ nhiên, các hình vẽ minh họa cho nội dung mang đậm phong cách YOUCAT.

Cũng như YOUCAT, DOCAT được viết bằng một văn phong năng động và nhẹ nhàng, giản dị, câu thường ngắn, hầu hết là câu đơn. Thật vậy, Thông điệp Caritas in Veritate 30.000 từ và Laudato Si’ 40.000 từ được DOCAT tóm lại bằng câu đơn chỉ có một động từ mấy chục từ:

Thông điệp Caritas in Veritate năm 2009 của đức Bênêđictô XVI: “Trích dẫn Populorum Progressio, văn kiện này bàn về các bộ mặt khác nhau của toàn cầu hóa”.

Thông điệp Laudato Si’ năm 2015 của đức Phanxicô: “Thông điệp thứ hai của đức giáo hoàng Phanxicô bàn luận các vấn đề giữ gìn môi trường trong bối cảnh rộng lớn hơn về quyền sống và phát triển toàn diện xứng hợp với phẩm giá của toàn thể nhân loại”.

Về nội dung, DOCAT gồm mười hai chương, dưới hình thức hỏi-thưa, đề cập đến những vấn đề quan trọng nhất đối với đời sống người Công giáo như: kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại, sứ mạng xã hội của Giáo Hội, nhân vị, công ích, gia đình, đời sống kinh tế và chính trị, môi trường, hòa bình, hoàn toàn tương thích với quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội.

Thật vậy, ta có thể thấy rõ tính tương thích đó bằng cách lập bảng Mục lục 12 chương của quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội và DOCAT như sau:

Chương một

Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại (20-59)

Kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa: Tình yêu (Câu hỏi 1-21)

Chương hai

Sứ mạng của Giáo Hội và học thuyết xã hội (60-104)

Cùng nhau chúng ta làm nên sức mạnh: Sứ mạng xã hội của Giáo Hội (Câu hỏi 22-46)

Chương ba

Con người và nhân quyền (105-159)

Độc đáo và có giá trị vô hạn: Con người (Câu hỏi 47-83)

Chương bốn

Các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo Hội (106-208)

Công ích, nhân vị, liên đới, bổ trợ: Các nguyên tắc giáo huấn xã hội của Giáo hội (Câu hỏi 84-111)

Chương năm

Gia đình, tế bào sống của xã hội (209-254)

Nền tảng của xã hội: Gia đình (Câu hỏi 112-133)

Chương sáu

Lao động của con người (255-322)

Nghề nghiệp và ơn gọi: Lao động của con người (Câu hỏi 134-157)

Chương bảy

Đời sống kinh tế (323-376)

Phúc lợi và công bằng cho tất cả mọi người: Đời sống kinh tế (Câu hỏi 158-194)

Chương tám

Cộng đồng chính trị (377-427)

Quyền lực và luân lý: Cộng đồng chính trị (Câu hỏi 195-228)

Chương chín

Cộng đồng quốc tế (428-450)

Một thế giới, một nhân loại: Cộng đồng quốc tế (Câu hỏi 229-255)

Chương mười

Bảo vệ môi trường (451-487)

Bảo vệ thế giới tạo thành: Môi trường (Câu hỏi 256-269)

Chương mười một

Cổ vũ hoà bình (488-520)

Sống trong tự do không bạo lực: Hòa bình (Câu hỏi 270-304)

Chương mười hai

Học thuyết xã hội và hoạt động của Giáo Hội (521-574)

Dấn thân cá nhân và dấn thân xã hội: Tình yêu trong hành động (Câu hỏi 305-328)

Có thể nói DOCAT là cuốn cẩm nang hành động cho người trẻ. Đâu là kim chỉ nam cho sự dấn thân trong lĩnh vực xã hội của họ? DOCAT trả lời trong câu 317:

“Không có quyển sách nào quan trọng hơn quyển Kinh Thánh đối với người Kitô hữu. ‘Đọc Kinh Thánh’, Thánh Phanxicô Assisi nói, ‘là để có lời khuyên từ Chúa Kitô’. Bên cạnh Kinh Thánh, Giáo Hội Công giáo còn sống Thánh Truyền, đức tin sống động của Giáo Hội được Chúa Thánh Thần nhóm lên ngọn lửa. Trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo, đức tin này, đã phát triển và trở nên sâu sắc hơn trong quá trình hai ngàn năm, đã tìm thấy các thể hiện cho thời hiện đại. Tất cả mọi điều mà người Kitô hữu nên biết về nội dung và hình thức cần thiết của đức tin được thu thập trong bộ sách này. Một người dấn thân và hoạt động trong lĩnh vực xã hội tìm thấy các giáo huấn trung tâm của Giáo Hội trong các thông điệp xã hội từ Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trở đi. Các thông điệp này được tóm lược trong quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội. Rồi sách YOUCAT, giúp những người trẻ truy cập Giáo lý dễ dàng hơn. DOCAT được soạn thảo để lưu hành giáo huấn xã hội của Giáo Hội rộng rãi trong giới trẻ”.

Sở dĩ Giáo Hội trang bị kim chỉ nam đó, trao vào tay người trẻ cẩm nang “DOCAT: Làm gì?” là để người trẻ thấu hiểu và thực hiện “sứ mạng”, hoàn thành “số phận lịch sử” của mình:

“Với tư cách là người Công giáo, chúng ta có sứ mạng chuyển đổi xã hội trở thành ‘một nền văn minh tình yêu’” (câu 319).

DOCAT trích dẫn lời nhắn nhủ của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Đại hội Giới Trẻ Thế giới 1995 tại Manila: “Thanh niên là nguồn hi vọng của tương lai. Số phận lịch sử của các con là xây dựng một nền văn minh tình yêu, tình huynh đệ và tình liên đới”.

Đáng lưu ý, ngoài bốn nguyên tắc nhân vị, công ích, liên đới và bổ trợ (câu 84), DOCAT đề nghị đưa nguyên tắc phát triển bền vững làm nguyên tắc thứ năm của giáo huấn xã hội:

“263. Bền vững – một nguyên tắc xã hội mới?

Với sự giúp đỡ của các nguyên tắc xã hội cơ bản → NHÂN VỊ  → LIÊN ĐỚI và → BỔ TRỢ (xem 83-102), ta có thể hiểu được các cấu trúc của xã hội và kết nối chúng với các tiêu chuẩn đạo đức. Xét những thách thức cụ thể của thời điểm hiện tại, có vẻ thích hợp việc thêm vào một nguyên tắc khác: nguyên tắc bền vững. Nguyên tắc này về phát triển bền vững liên quan đến và đưa vào hành động các nguyên tắc truyền thống của đạo đức xã hội về các điều kiện sống của con người và sự sống còn của chính trái đất. Khi bàn vấn đề phát triển bền vững, là  nói về việc bảo vệ lâu dài sự ổn định của hệ sinh thái trái đất và khả năng tự nhiên tái tạo các nguồn tài nguyên của nó”.

Để kết luận, ta có thể nhắc lại lời nhận định của đức Thánh cha Phanxicô về quyển Giáo huấn Xã hội mới của Giáo Hội và thấy có một sự đồng điệu về tư tưởng giữa ngài và Khổng Tử về điều mà Karl Marx gọi là công cuộc “cải tạo thế giới”:

“DOCAT như một quyển cẩm nang giúp chúng ta thay đổi bằng Tin Mừng trước hết chính bản thân mình [tu thân], sau đó hoàn cảnh xung quanh gần gũi nhất của chúng ta [tề gia], và cuối cùng là toàn bộ thế giới [bình thiên hạ]”.

Vì với sức mạnh của Tin Mừng, chúng ta thực sự có thể thay đổi thế giới” (Mc 9,23).

Thuận Kiệt

Thuận Kiệt

Nguồn: HKK