Lá thư ngỏ gửi anh cùi ở Samari – Tạp bút của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

print

Lá thư ngỏ gửi anh cùi ở Samari

Anh Phong thân mến!

Trong khi thầy Giêsu đang “bị” bao vây bởi đám quần chúng ái một cuồng nhiệt, thì bọn đệ tử chúng tôi lỉnh ra vườn, ngồi đấu láo với nhau. Một bầu rượu và một chùm nho xanh đang được chuyển từ tay này qua tay kia, chưa hết một vòng, thì  bỗng thấy tiếng ồn ào đổi âm sắc và âm lượng, một cách khác thường. Tôi tò mò chạy ra phía trước để xác minh.

Đám quần chúng ái mộ dãn ra thật nhanh. Một người đàn ông lao tới, quỳ mọp dưới chân Thầy Giêsu, chắp tay xá lia lịa, vừa khóc vừa nói nhệu nhạo. Tôi đánh giá ngay: đây là một người điên, hoặc là một tên quỷ ám. Tôi không có một chút thiện cảm nào đối với những người đàn ông như thế. Hạ cấp! Đốn mạt! Nhưng nhìn kỹ một tí, tôi lại đánh giá khác. Đây là một người phong cùi, vì ngoại hình được thực hiện đúng y như luật đã ấn định. Đó là tóc để xõa, râu ria bịt kín, quần áo rách rưới. Nhìn kỹ thêm một tí nữa, tôi nhận ra Anh, người mà Thầy tôi đã bảo phải đi trình diện với thầy tư tế, Anh đi cùng với chín người nữa. Đang đi thì bệnh cùi biến mất. Thầy tư tế khám nghiệm và tuyên bố “Hết uế”. Chín người kia thấy mình được hết bệnh cùi, thì mừng quá, về sum họp với gia đình, quên trở lại cám ơn đại ân nhân.

Còn anh thì vừa mừng như điên, vừa cám ơn như điên. Vừa cám ơn vừa khóc hụ hụ. Khóc như trẻ con. Khóc như thằng khùng. Khóc đến mức độ đánh mất tất cả tư cách của một đấng nam nhi. Tôi khinh anh là vậy. Tôi coi thường anh là thế. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu anh và thương anh quá chừng.

Để hiểu được cái mừng như điên và cái cám ơn như khùng này, tôi phải trở về với quá khứ dài dằng dặc của anh. Quá khứ đau khổ ngàn trùng.

  1. Cách đây hai mươi năm, anh là một thanh niên sáng giá nhất làng. Đẹp trai quá! Vui tính quá! Trò chơi nào anh cũng tham gia. Lễ hội nào anh cũng có mặt. Trai làng gọi anh là công tử. Gái làng thì liếc mắt đưa tình. Thế rồi bỗng dưng anh trốn biệt tăm. Hỏi anh ở đâu, thì chẳng ai biết. Người biết, thì không dám trả lời.

Anh nằm lì trong căn buồng tối tăm mịt mù. Anh rơi xuống vực thẳm của tuyệt vọng. Anh cảm thấy tê buốt ở các khớp xương. Da mặt da tay như chai như chết 

Ai cũng bảo đó là dấu hiệu của bệnh phong cùi. Ai trong gia đình cũng bảo anh phải đi gặp thầy tư tế, để xin khám nghiệm. Anh muốn chết. Thà chết còn hơn là bị thầy tư tế tuyên bố công khai là mắc bệnh cùi. Mắc bệnh cùi là xô hết cả gia đình xuống vực thẳm của nỗi nhục. Bệnh cùi là hậu quả của tội lỗi. Tôi lỗi cá nhân. Tội lỗi tập thể. Bệnh cùi là bệnh nan y. Mắc bệnh cùi là “mắc uế” suốt đời, là vĩnh viễn bị loại trừ khỏi sinh hoạt loài người.

  1. Mọi bí mật trong căn buồng tối tăm mù mịt cuối cùng bị công khai hóa. Xóm giềng bao vây nhà anh, la hét và nguyền rủa anh, đòi đốt nhà anh. Anh đành phải cuốn gói ra đi, ra đi đúng theo luật của Môsê.

“Người mắc bệnh phong cùi

phải xé áo tả tơi,

phải xõa tóc tơi bời,

phải bịt kín râu ria

(đi đâu) phải hô: “Tôi mắc uế, mắc uế”

(để mọi người tránh xa) (Lv 13,45-46)

Cha mẹ và anh chị em của anh trốn hết trong nhà vì sợ nhục nhã. Anh đi tới đâu, thì láng giềng chạy dạt ra tới đó, vì sợ “mắc uế”. Anh thất thểu đi như một con ma cô đơn. Sau lưng là một rừng người vô tâm. Trước mắt là một rừng cây vô cảm. Bao trùm trên rừng cây và rừng người là luật đạo và luật đời. Luật đạo và luật đời liên kết với nhau, để bỏ tù anh, để đày đọa anh, để giẫm đạp anh. Giẫm đạp trên thân xác. Giẫm đạp trên cả linh hồn.

  1. Trong căn chòi xơ xác, anh đang chậm rãi nhai miếng bánh mì cuối cùng, thì có tiếng phụ nữ réo gọi.

Sam ơi! Mẹ đây!

Mẹ! Con ra ngay.

Hai mẹ con vừa nắm được tay nhau, thì mẹ anh vội vàng lùi lại bốn bước.

Chết rồi! Mẹ “mắc uế” rồi. Con đừng đi tới nữa. Tối hôm nay mẹ lại phải đến nhà thầy tư tế để xin thầy làm lễ thanh tẩy.

Con xin lỗi mẹ. Mừng quá làm con lú lẫn, quên cả luật.

Hai mẹ con đứng cách nhau bốn bước. Vừa nói chuyện vừa khóc. Khóc nhiều hơn nói. Mẹ muốn nhào tới ôm lấy con, nhưng lại sợ tội. Sợ quá nên lại thôi. Con muốn phá luật để được đến ngồi kế bên mẹ. Nhưng sợ mẹ bị mắc uế, nên đành ngồi xuống. Cay cú nhìn khoảng cách bốn bước. Có tiếng cú kêu. Người mẹ giật mình dặn con.

Thịt và bánh mì mẹ để ở gốc cây đằng kia. Mẹ về rồi, con đến mà lấy.

Mẹ  ẹ  ẹ!

Hai người quay lưng vào nhau, cùng đi vào bóng đêm.

  1. Có tin đồn Thầy Giêsu sắp đi qua Samari để về dự lễ ở thủ đô. Thế là người người chờ đợi, làng xóm chờ đợi. Và Thầy Giêsu đã tới thật. Quần chúng xô lấn nhau, để được rờ vào tà áo của Ngài một cái. Sung sướng quá! Hạnh phúc quá!

Mười người phong cùi đứng ở đằng xa, lấy vạt áo rách che miệng, rồi gào lên như người sắp bị cọp vồ.

Lạy Thầy Giêsu, xin cứu chúng tôi với!

Được rồi. Yên tâm. Các anh cứ đi gặp thầy tư tế đã.

Mọi người cúi dìu nhau đi. Đi tới đâu, người ta dạt ra tới đó. Đi mãi. Đi mãi. Mất hút.

Quần chúng lại bám lấy siêu sao Giêsu. Lại chen lấn. Lại rờ tà áo. Lại sung sướng quá chừng!

Anh Phong mến.

Quá khứ của anh là một hỏa ngục khủng khiếp. Sau khi nhìn thấy anh từ hỏa ngục ấy mà đi lên, tôi mới hiểu hết được ý nghĩa của cái mừng điên và cái biết ơn khùng của anh. Nhưng có thể vì anh mừng quá mà quên nghe một lời phát biểu của Thầy chúng ta. Sau khi Thầy khen anh là người duy nhất biết cám ơn Chúa, Thầy con nhấn mạnh: “Mà anh này lại là người ngoại”. Như vậy là Thầy khen anh hai lần đấy.

Công bằng mà nói: anh là người Samari, thì cũng là con cái của Ápraham. Vậy mà người Do Thái đã coi người Samari là người ngoại. Oan ức vô cùng! Bất công quá chừng! Thầy Giêsu đã quyết tâm xóa bỏ tinh thần kỳ thị ấy. Người Do Thái không thèm đặt chân lên mảnh đất Samari. Còn Thầy Giêsu thì cứ đi qua Samari như đất của người thân. Thầy Giêsu con yêu thương và đề cao người Samari, đến độ người Do Thái phải xấu hổ mà gục mặt xuống. Trong dụ ngôn “Người Samari nhân từ”, Ngài cho người Samari đóng vai người lý tưởng. Cuối cùng Ngài bảo ông kinh sư rằng “Ông hãy về và làm như thế”. Làm như thế là thực hiện một đức bác ái không biên giới theo gương mẫu của nhân vật Samari.

Người Samari các anh được Thầy yêu quý như thế đó. Sướng quá đi thôi!

Anh Phong ơi!

Từ hôm ấy tôi không gặp lại anh một lần nào nữa. Nhưng tôi biết anh vẫn không thể quên được Thầy Giêsu. Hình ảnh của Thầy, lời nói của Thầy, nhất là ánh mắt của Thầy ghi khắc thật sâu trong ký ức của anh. Không thể quên được. Phải ghi nhớ mãi đến muôn đời. Và cũng phải yêu mãi đến ngàn đời.

Ôi, Thầy Giêsu!

Chào Anh. Chúng ta cùng nhau yêu Thầy Giêsu và cùng nhau làm cho mọi người biết và yêu Thầy.

Tái bút: Tôi đặt tên cho anh là Phong, tức là phong cùi. Tôi biết anh không giận tôi, vì bệnh phong đang là một kỷ niệm đẹp tuyệt vời của đời anh.

Tạp bút của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn