Bản dịch Docat (hoàn chỉnh): Lời dẫn nhập và chương 1

print

Bản dịch Docat (hoàn chỉnh): Lời dẫn nhập và chương 1

Lời Toà soạn: Chúng tôi sẽ lần lượt đưa lên mục này bản dịch Docat hoàn chỉnh để các bạn sử dụng theo nhu cầu. Cầu chúc các bạn luôn an mạnh và dồi dào ơn Chúa Phục Sinh. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.

DOACT 1

Lời dẫn nhập

Các bạn  trẻ thân mến!

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, vị tiền nhiệm của cha, đã đặt vào tay các con một quyển Giáo lý Giới trẻ, quyển YOUCAT. Hôm nay cha muốn trao tặng cho các con một quyển sách khác, quyển DOCAT, chứa đựng học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Động từ tiếng Anh “to do” là một phần của tên quyển sách. DOCAT trả lời câu hỏi: “Chúng ta nên làm gì?”; DOCAT như một cuốn cẩm nang giúp chúng ta thay đổi bằng Tin Mừng trước hết chính bản thân mình, sau đó hoàn cảnh xung quanh gần gũi nhất của mình, và cuối cùng là tất cả thế giới. Quả thật, với sức mạnh của Tin Mừng, chúng ta có thể thay đổi thế giới.

Chúa Giêsu nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Nhiều vị thánh rúng động đến tận tâm can vì đoạn Thánh Kinh này. Nhờ đoạn này, thánh Phanxicô Assisi đã thay đổi toàn thể cuộc sống của mình. Mẹ Têrêsa đã thay đổi đời tu vì câu nói này. Còn Charles de Foucauld nhìn nhận: “Trong toàn bộ Tin Mừng, không có câu nào ảnh hưởng lớn đến tôi và thay đổi sâu sắc cuộc sống của tôi hơn câu này: “Tất cả những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”. Khi tôi suy niệm lời này phát ra từ miệng Chúa Giêsu, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, và cũng chính miệng đó đã nói rằng, ‘Này là Mình Ta… này là Máu Ta…’, thì tôi thấy rằng mình được kêu gọi để tìm kiếm và yêu mến Chúa Giêsu trong những người hèn mọn này, những người bé nhỏ nhất”.

Các bạn trẻ thân mến! Chỉ có sự hoán cải tâm hồn mới có thể làm cho thế giới đầy khủng bố và bạo lực của chúng ta trở nên nhân bản hơn. Và sự hoán cải này cũng đồng nghĩa cần có sự nhẫn nại, công bằng, khôn ngoan, đối thoại, liêm chính, liên đới với các nạn nhân là những người túng thiếu và nghèo khổ nhất, cần có sự cống hiến vô hạn, dám yêu cho đến chết vì tha nhân. Khi các con đã hiểu sâu sắc điều này, các con có thể thay đổi thế giới như là những Kitô hữu dấn thân. Thế giới không thể tiếp tục đi vào lối mòn như hiện nay mà cần phải thay đổi. Nếu một Kitô hữu, trong bối cảnh hiện tại, lại ngoảnh mặt trước nhu cầu của các người nghèo nhất trong số những người nghèo, thì thật sự họ không phải là một Kitô hữu!

Chẳng lẽ chúng ta không thể làm gì hơn để cho cuộc cách mạng về tình yêu và công bằng này trở thành hiện thực trong nhiều vùng trên hành tinh khốn khổ này sao? Học thuyết xã hội của Giáo Hội có thể giúp biết bao người! Dưới sự chỉ đạo giàu kinh nghiệm của các Hồng y Christoph Schönborn và Reinhard Marx, một đội ngũ đã bắt tay làm việc để làm cho sứ điệp giải phóng của học thuyết xã hội Công giáo lôi cuốn được sự chú ý của giới trẻ trên thế giới. Họ đã cộng tác với các học giả nổi tiếng cũng như với những người trẻ về dự án này. Các người trẻ nam nữ Công giáo từ khắp nơi trên thế giới đã gửi đến các hình ảnh tốt nhất của họ. Những người trẻ khác thảo luận bản văn, đóng góp các câu hỏi và đề nghị, và chắc chắn rằng bản văn đọc lên là có thể hiểu ngay. Học thuyết xã hội gọi đó là “sự tham gia”! Chính đội ngũ làm việc đã áp dụng một nguyên tắc quan trọng của học thuyết xã hội ngay từ lúc khởi đầu. Như thế DOCAT đã trở thành một áp dụng đầu tiên tuyệt vời để hành động theo Kitô giáo.

Những gì chúng ta gọi là giáo huấn xã hội Công giáo ngày nay đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIX. Vào thời đó, công nghiệp hoá, một hình thức thô thiển của chủ nghĩa tư bản, đã tạo nên một thứ kinh tế huỷ diệt con người. Các nhà công nghiệp hoá bất lương đã làm cho người dân vùng nông thôn trở nên nghèo khó đến mức phải nai lưng làm việc vất vả trong các hầm mỏ hoặc trong các nhà máy gỉ sét với đồng lương chết đói. Trẻ em không còn nhìn thấy ánh sáng ban ngày. Các em bị lén lút gửi đi như những nô lệ để kéo các xe than. Các Kitô hữu đã mạnh mẽ dấn thân, ra tay giúp đỡ những người túng thiếu, nhưng họ nhận thấy rằng như thế vẫn chưa đủ. Vì vậy, họ đã phát triển các ý tưởng chống lại sự bất công trong xã hội cũng như chính trị. Trong thực tế, tuyên ngôn nền tảng về học thuyết xã hội Công giáo đã là, và cho đến nay vẫn là Thông điệp Rerum novarum năm 1891 của Đức Giáo hoàng Lêô XIII bàn về “Tư bản và Lao động”. Đức Giáo hoàng đã viết một cách rõ ràng và không thể nhầm lẫn: “Lường gạt ai để chiếm đoạt tiền công chính đáng của họ là một tội ác mà tiếng kêu báo oán thấu tới Trời”. Với thẩm quyền của mình, Giáo Hội đã tranh đấu cho các quyền lợi của công nhân.

Vì nhu cầu của thời đại đòi hỏi, giáo huấn xã hội Công giáo càng ngày càng trở nên phong phú và được tinh luyện trong những năm qua. Nhiều người bàn luận về cộng đồng, công lý, hoà bình, và công ích. Họ đã tìm thấy các nguyên tắc nhân vị, liên đới và bổ trợ, mà cả DOCAT, cũng diễn giải. Nhưng thực ra học thuyết xã hội này không xuất phát từ bất kỳ vị giáo hoàng cụ thể hoặc từ bất kỳ học giả cụ thể nào. Học thuyết xã hội xuất phát từ trọng tâm của Tin Mừng. Học thuyết xã hội xuất phát từ chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là giáo huấn xã hội của Thiên Chúa.

“Nền kinh tế này đang giết hại”, cha đã viết như thế trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, vì ngày hôm nay nền kinh tế mang tính loại trừ và bất bình đẳng này vẫn đang tồn tại. Có những nước trong đó có đến 40 hoặc 50 phần trăm người trẻ không kiếm được việc làm. Trong nhiều xã hội, những người lớn tuổi đang bị gạt ra ngoài lề vì họ bị coi như không có “giá trị” và không còn “sản xuất” được nữa. Có những vùng đất canh tác rộng lớn bị bỏ hoang vì dân nghèo của vùng đất đó bỏ chạy đến các khu ổ chuột trong những thành phố lớn với hy vọng tìm thấy vài thứ còn sót lại ở đó để sống cho qua ngày. Các phương thức sản xuất của nền kinh tế toàn cầu hoá đã phá huỷ các cấu trúc kinh tế và nông nghiệp còn hết sức yếu kém của vùng đất quê hương họ. Hiện nay, khoảng 1 phần trăm dân số thế giới sở hữu đến 40 phần trăm toàn bộ tài sản của thế giới, và 10 phần trăm dân số sở hữu đến 85 phần trăm tài sản thế giới. Phần còn lại, chỉ có khoảng 1 phần trăm tài sản thế giới này “thuộc về” phân nửa dân số thế giới. Khoảng 1,4 tỷ người sống nghèo khổ cùng cực dưới mức 1 euro (khoảng 25.000 VND) mỗi ngày.

Khi cha mời gọi tất cả các con bây giờ hãy thực sự tìm hiểu sâu xa học thuyết xã hội của Giáo Hội, cha đang mơ không chỉ là về các nhóm người ngồi dưới gốc cây và thảo luận về học thuyết xã hội. Điều này tốt đẹp! Các con hãy làm! Giấc mơ của cha hướng về những thứ lớn lao hơn: Cha ước mơ có được một triệu người trẻ Kitô hữu, hoặc thậm chí còn nhiều hơn nữa, là có cả một thế hệ cùng “vừa đi, vừa bàn chuyện học thuyết xã hội cho những người đồng thời với mình”. Không có cái gì khác sẽ làm thay đổi thế giới mà chỉ có những con người cùng với Chúa Giêsu dấn thân cho thế giới, cùng với Người đến những “vùng ven” và đi vào giữa lấm lem của cuộc đời mới thay đổi được. Các con cũng hãy đi vào chính trị nữa, hãy đấu tranh cho công lý và phẩm giá con người, đặc biệt cho những người nghèo nhất trong những người nghèo. Tất cả các con là Giáo Hội. Vậy thì, hãy đoan chắc rằng Giáo Hội này được biến đổi, rằng Giáo Hội vẫn còn đang sống, bởi vì Giáo Hội thừa nhận chính mình bị thách thức bởi những tiếng kêu than của những người bị tước đoạt, bởi tiếng kêu xin của những người khốn cùng, và bởi những người chẳng có ai đoái hoài quan tâm.

Bản thân các con cũng hãy tích cực chủ động nữa. Khi nhiều người làm điều đó với nhau, sẽ có những cải thiện trong thế giới này và mọi người sẽ cảm nhận được Thần Khí của Thiên Chúa đang làm việc qua các con. Và có lẽ rồi đây các con sẽ như các ngọn đuốc làm cho con đường dẫn đến Thiên Chúa sáng tỏ hơn cho những người này.

Và vì vậy cha tặng các con quyển sách nhỏ tuyệt vời này, hy vọng rằng nó có thể đốt lên ngọn lửa trong các con. Cha cầu nguyện mỗi ngày cho các con. Xin hãy cầu nguyện cho cha nữa!

Thân ái,

Phanxicô, ngày 6 tháng 11 năm 2015

Chương 1

Kế Hoạch Tổng Thể Của Thiên Chúa:

TÌNH YÊU

Câu 1 – 21
với sự cộng tác của Peter Schallenberg, Marco Bonacker và Nils Baer
Lý do vì sao chúng ta không hiểu Thiên Chúa nếu chúng ta không biết rằng Thiên Chúa là Tình yêu. Tại sao chúng ta lại cần một “nền văn minh tình yêu,” và chúng ta có thể thay đổi thế giới bằng tình thương yêu như thế nào

Thế giới được tạo dựng để tôn vinh Thiên Chúa.

Công đồng Vaticanô I

Tôi được tạo dựng để thực hiện một điều đặc biệt, để trở nên một người độc đáo; Thiên Chúa đã dự tính cho tôi một vị trí trong kế hoạch của Ngài; dù tôi giàu hay nghèo, dù được người đời khen ngợi hay bị họ khinh thường, Thiên Chúa vẫn biết đến và gọi chính tên  tôi.

Chân phước John Henry Newman (1801-1890), Hồng y và triết gia người Anh

1  Khi Thiên Chúa dựng nên thế giới và loài người chúng ta, có phải Ngài đã hành động theo một kế hoạch đã định?

Đúng thế, Thiên Chúa đã tạo nên toàn thế giới theo ý định và kế hoạch của Ngài. Ngài đã tạo dựng thế giới và loài người, cũng tương tự như chúng ta nghĩ ra môn chơi cờ với những luật chơi hợp thành một nguyên lý tổng thể. Nguyên lý xuyên suốt quá trình tạo dựng của Thiên Chúa chính là tình yêu. Do đó, kế hoạch của Ngài là con người biết yêu mến và đáp lại tình Chúa yêu thương, và từ đó biết suy nghĩ, nói năng, và hành động trong yêu thương (x. Ep 3,9).

 

Ü20 è 2062 ð* 1, 2

Tuy chúng ta nhờ cha mẹ mà được sinh ra và là con cái của họ, nhưng chúng ta cũng bắt nguồn từ Thiên Chúa vì chính Ngài đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài và gọi chúng ta là con cái của Ngài. Do đó, mỗi người không có mặt trên đời một cách ngẫu nhiên tình cờ, mà trong cội nguồn của mỗi con người chính là kế hoạch yêu thương của Chúa.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 7 tháng 9, 2006

2  Thiên Chúa là ai?

Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa là khởi nguyên của muôn vật, muôn loài hiện hữu. Ngài là căn nguyên đầu tiên và nền tảng tối thượng của tất cả, để giữ cho muôn loài tồn tại. Nói theo ngôn ngữ của khoa học hiện đại, Ngài có trước vụ nổ Big Bang tạo nên vũ trụ, và là nguồn gốc của các quy luật tự nhiên. Thiếu vắng Thiên Chúa, tất cả những gì tồn tại đều sụp đổ. Thiên Chúa cũng là mục đích của mọi loài hiện hữu.

 

è 34, 279 tt ð 33

 

Vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên.

Kh 4,11

Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan.

Tv 104,24

3  Thiên Chúa muốn chúng ta hành động ra sao?

Vì Thiên Chúa là nguồn gốc của toàn thể vũ trụ, Ngài cũng là chuẩn mực cho mọi thứ. Tất cả mọi hành động đều được lượng định theo Ngài và kế hoạch của Ngài. Dựa vào điều này, chúng ta có thể nhận ra đâu là hành vi tốt. Có thể nói theo trực giác như sau: Thiên Chúa thiết kế chuỗi DNA cho cuộc đời chúng ta; nếu chọn làm theo những chỉ dẫn mà Ngài đã đặt sâu trong trí và tâm của chúng ta, chúng ta có thể hoàn thành kế hoạch tiềm năng mà Chúa đã dự tính cho chúng ta. Điều Chúa muốn cho chúng ta, và vì chúng ta, là quy tắc và chuẩn mực của một đời sống công chính, tốt đẹp. Các Kitô hữu hành động với tình liên đới vì Thiên Chúa đã đối xử đầy yêu thương với họ trước.

 

Ü 20, 25, 26 è 1694

 Con người cần biết ba điều để được cứu độ: điều gì nên tin, điều nào đáng ước ao, và việc nào cần phải làm.

Thánh Tôma Aquinô(1225-1274), nhà tư tưởng vĩ đại của Kitô giáo thời Trung Cổ, Về Mười Điều Răn (Dẫn nhập)

Điều gì không nằm trong kế hoạch của riêng tôi, vẫn nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Và chuyện như thế càng diễn ra thường xuyên bao nhiêu, tôi càng xác tín rằng – dưới cái nhìn của Chúa – không có gì là ngẫu nhiên cả.

Thánh Edith Stein (1891-1942), triết gia Đức gốc Do Thái, nạn nhân trong trại tập trung, (1935/1936) [Hữu thể hữu hạn và Hữu thể vĩnh hằng]

Mọi loài thụ tạo đều biểu lộ sự tốt đẹp và hào phóng của Đấng Tạo Hoá; mặt trời toả nắng, lửa toả nhiệt, cây vươn cành, ra hoa kết trái, rồi nước và không khí… Mọi thứ trong thiên nhiên đều đong đầy sự hào phóng của Đấng Tạo Hoá. Con người chúng ta, được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, môi miệng tuyên xưng Ngài, nhưng lại hành động trái ngược, chối bỏ Ngài, do tính ích kỷ ác nghiệt và lòng tham lam hám lợi, nên không thể tỏ bày nơi mình một Đấng Tạo Hoá tốt lành.

Thánh Philipphê Neri(1515-1595)

 Chúng ta có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa không?

Nếu bạn suy tư về bản thân, bạn sẽ sớm nhận ra rằng mình không thể tự thân mà có. Không ai hỏi liệu bạn thực sự có muốn hiện hữu hay không. Muốn hay không, thì bạn đã có mặt rồi, một cách thật bất ngờ. Điều tiếp theo là bạn nhận ra rằng mình hữu hạn. Hôm nay, ngày mai, hay ngày kia, đời bạn sẽ chấm dứt. Và một ngày nào đó mọi thứ quanh bạn cũng sẽ tiêu vong. Dẫu sao bạn cũng vẫn có thể nghĩ đến điều gì đó vô hạn: một điều đang hiện hữu nhưng sẽ không mất đi. Giữa bao thứ nay còn mai mất đang bao quanh, bạn hướng đến điều vô hạn và vĩnh cửu. Bạn ước điều gì đó nơi mình là trường cửu. Buồn thay nếu cả thế giới tươi đẹp này chỉ như một ảnh chụp vô nghĩa từ chiếc máy chụp ảnh thoáng qua, để sau đó chìm vào hư vô. Chỉ trong trường hợp thực sự có Thiên Chúa tồn tại, thì bạn mới được gìn giữ an toàn bên Ngài, và mọi thụ tạo mới giữ được hiện hữu. Là người, ai cũng có ý nghĩ về Thượng Đế, và hướng về Ngài. Lòng mong mỏi điều vô hạn và tuyệt đối được tìm thấy trong mọi nền văn hoá.

 

Ü 20 è 1147 ð 20

Nói với ai rằng, “Tôi yêu bạn”, cũng có nghĩa là nói, “Bạn chẳng chết đâu”

Gabriel Marcel (1898-1973), triết gia Pháp

Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.

Kn 11,24

 

5  Vì sao Chúa tạo dựng con người và thế giới?

Thiên Chúa tạo nên thế giới từ tình yêu tuôn tràn của Ngài. Ngài muốn chúng ta yêu mến Ngài như Ngài thương yêu chúng ta. Ngài muốn tập hợp chúng ta trong đại gia đình Hội Thánh của Ngài.

 

è 49, 68, 142 ð 2

Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập.

Xh 3,7-8

 

Tội lỗi là nhà tù, trong đó tất cả mọi người chúng ta chào đời.

Thánh Ignatiô Loyola(1491-1556), Đấng sáng lập dòng Tên

 

Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.

Tông đồ Phaolô trong Rm 7,15

6  Nếu Thiên Chúa tạo nên thế giới từ tình yêu, thì tại sao thế gian lại đầy bất công, áp bức và đau khổ?

Thiên Chúa đã tạo nên một thế giới tự bản chất là thiện hảo. Nhưng chính con người sa lìa Ngài, quyết chống lại tình yêu của Ngài, và đem sự dữ vào thế giới. Kinh Thánh kể về điều này trong câu chuyện về tội nguyên tổ và sự sa ngã của Ađam và Eva. Chuyện về tháp Babel cho thấy rõ con người chỉ muốn được như Chúa Trời. Từ đó, công trình thế giới đã bị lỗi – yếu tố huỷ diệt xâm nhập. Từ đó, không có gì diễn ra hoàn toàn theo ý Chúa dự định. Những quyết định hiện thời của chúng ta cũng xác định thực tế là có sự bất công, áp bức và đau khổ trong thế giới này. Nhiều quyết định sai lầm đôi khi tạo ra các cơ cấu của sự dữ và tội lỗi. Do đó, cá nhân buộc phải sống trong một hệ thống mà toàn thể bị sự dữ và bất công chi phối, và chẳng dễ dàng gì giữ khoảng cách an toàn với nó, ví dụ, khi người lính buộc phải tham gia một cuộc chiến phi nghĩa.

 

Ü 27 è 365 tt, 415 ð 66, 68

 

Chìa khoá của tự do không phải là có toàn quyền làm điều dữ. Ý chí tự do không nằm ở quyền tự quyết của thụ tạo, mà chính là  khả năng phát triển bản thân trong sự cậy dựa hoàn toàn vào Thiên Chúa.

Thánh Catarina thành Siena (1786-1859), tu sĩ Dòng Ba Đaminh, nhà thần bí, và thần học gia

7  Tại sao ngay từ đầu Chúa lại cho con người có tự do chọn lựa làm điều dữ?

Thiên Chúa tạo ra con người để yêu thương. Tuy nhiên, không ai có thể bị ép buộc phải yêu thương. Tình yêu luôn là tự nguyện. Nếu một người thực sự có thể yêu thương, người ấy ắt hẳn phải tự do rồi. Tuy vậy, nếu đã có tự do thực sự, thì cũng có khả năng đưa ra một quyết định về cơ bản là lầm lạc. Con người chúng ta thậm chí có thể phá huỷ chính tự do.

 

è 311 tt ð 286

Có những người nói rằng, “Tôi đã phạm tội nhiều quá rồi, chắc Chúa chẳng tha cho tôi đâu”. Đấy là một lời báng bổ trầm trọng, vì dám đặt giới hạn cho lòng thương xót vô biên của Chúa. Không có gì xúc phạm Thiên Chúa Tốt Lành cho bằng nghi ngờ lòng nhân từ của Ngài.

Thánh Gioan Vianney(1786-1859), Cha sở họ Ars

8  Liệu Chúa có bỏ mặc con người sau khi con người quay lưng với Chúa?

Không. “Tình yêu của Chúa không bao giờ mất được” (1Cr 13,8). Thiên Chúa luôn dõi theo chúng ta, tìm kiếm chúng ta đang lẩn trốn trong hang hốc, muốn đến gặp gỡ chúng ta. Ngài muốn bày tỏ cho chúng ta biết Ngài là ai.

 

è 27, 773

 

Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta – sấm ngôn của Đức Chúa. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.

Is 55, 8-9

9  Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa?

Chúng ta chỉ có thể tìm thấy Chúa nếu Ngài tỏ bày hay mạc khải chính Ngài cho chúng ta. Tự bản chất chúng ta có trực giác về Thiên Chúa, và qua suy tư cũng có thể nhận ra sự thật rằng Thiên Chúa hiện hữu. Tuy thế, Thiên Chúa là ai, tư tưởng và kế hoạch của Ngài ra sao, lại là điều vượt quá trí hiểu của chúng ta. Vì thế, chính Thiên Chúa phải thông truyền cho con người biết Ngài như thế nào. Ngài không làm việc này bằng cách gửi cho chúng ta ý tưởng, sách vở, hay hệ thống chính trị, mà bằng cách trở thành một con người. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa mạc khải chính mình một cách toàn vẹn và chính xác: Thiên Chúa đã làm người để con người có thể hiểu Thiên Chúa là ai. Đức Giêsu là ngôn ngữ diễn đạt của Thiên Chúa.

 

Ü 20, 21 è 36-38 ð 7-10

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

Ga 3,16

10  Trước Đức Giêsu, Thiên Chúa bày tỏ chính mình cho con người cách nào? 

Lý trí của con người luôn có khả năng nhận biết sự tồn tại của Thiên Chúa. Trong dòng lịch sử đức tin của dân Israel, Thiên Chúa đã hé mở phần nào đời sống nội tâm của Ngài, và nói chuyện với Abraham, Isaac và Giacob. Ngài truyền lệnh cho ông Môsê giải phóng dân Ngài khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập. Hết lần này đến lần khác Ngài yêu cầu các ngôn sứ lên tiếng và hành động công khai nhân danh Ngài.

 

è 54 tt ð 7-8

 

 

 

11  Dân Israel phản ứng ra sao trước việc Thiên Chúa thông truyền cho họ về Ngài?

Khi Thiên Chúa tỏ mình, con người phải gác mọi thứ sang một bên, và suy nghĩ xem đời mình thay đổi thế nào trước nhan Đức Chúa hằng sống. Một khi Thiên Chúa được nhận biết, không điều gì còn có thể ở lại trạng thái cũ. Dân Israel đã chứng tỏ việc này thông qua thái độ đáp lại của họ với giao ước mà Đức Chúa ký kết với họ. Đức Chúa đã trao cho ông Môsê Mười Điều Răn trên núi Sinai (Xh 19-24). Nếu chúng ta tuân thủ Mười Điều Răn, và cố gắng hành động đúng đắn, thì đấy là lời đáp lại của chúng ta trước món quà yêu thương của Thiên Chúa. Theo cách đó, chúng ta có cơ hội cộng tác vào kế hoạch tổng thể của Ngài cho thế giới và lịch sử.

 

Ü 22 ð 34

Trong tất cả các nền văn hoá, có sự hội tụ những khuôn mẫu đạo đức trong mọi nền văn hoá. Đó là cách biểu lộ một nhân tính duy nhất, do chính Đấng Sáng Tạo muốn như thế. Truyền thống khôn ngoan của nhân loại gọi là luật tự nhiên.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, từ Thông điệp Caritas in Veritate (CiV 59)

 

Thông điệp

Văn kiện dạy bảo do Giáo hoàng ban hành

12  Mười Điều Răn có ý nghĩa gì đối với toàn thể đời sống của chúng ta?

Trong Mười Điều Răn, Thiên Chúa ban cho ta những nguyên tắc vững bền để sống một đời tốt đẹp. Chúng ta có thể dựa vào đó như cẩm nang hướng dẫn – và điều này mang đến một thế giới như Đức Chúa đã phác hoạ. Nơi Mười Điều Răn, chúng ta biết các nghĩa vụ của mình – ví dụ, không được trộm cắp – và đồng thời, cũng biết các quyền lợi của mình, như: không ai được phép lấy đi thứ gì thuộc về chúng ta. Nội dung của Mười Điều Răn tương tự với luật tự nhiên, hay nói cách khác, là những gì được khắc ghi trong trái tim của mỗi con người về ý niệm phải hành động đúng đắn. Mười Điều Răn diễn tả những đường lối hành động phổ quát ràng buộc tất cả mọi người và mọi nền văn hoá. Như vậy, Mười Điều Răn cũng là những quy luật căn bản của toàn thể đời sống trong xã hội.

 

Ü 22 è 434 ð 335, 348 tt

Tôi luôn lấy làm lạ là có đến hơn ba mươi triệu điều luật trên toàn thế giới để buộc con người thi hành cho đúng chỉ Mười Điều Răn đó!

Albert Schweitzer (1875-1965), bác sĩ truyền giáo và người được giải Nobel Hoà bình

Đức Giêsu là Thiên Chúa của tôi, là đời sống của tôi, là tình yêu độc nhất của tôi, là tất cả trong tất cả đối với tôi. Tôi yêu mến Người với cả tâm hồn, bằng cả cuộc sống của tôi.

Thánh Têrêsa Calcutta(1910-1997), người được giải Nobel Hoà bình

 

Sự yếu kém nơi những phương tiện của con người lại có thể trở thành nguồn sức mạnh. Đức Giêsu là Người Thầy thưc hiện được những điều không thể.

Chân phước Charles de Foucauld (1858-1916)

 

Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.

Mt 25,40

13  Thiên Chúa mạc khải chính mình như thế nào nơi Đức Giêsu Nazareth?

Sự mạc khải của Thiên Chúa đạt đến đỉnh cao nhất nơi Đức Giêsu Kitô. Tình yêu của Thiên Chúa tỏ hiện một cách siêu việt và tuyệt đối nơi Con Người – vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật. Nơi Người, Ngôi Lời Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, như Phúc Âm theo Thánh Gioan đã diễn tả. Điều có vẻ trừu tượng như Thiên Chúa là ai, và Đức Chúa gặp gỡ con người ra sao, bỗng trở nên rõ ràng, hiển nhiên đến độ có thể sờ thấy được nơi Đức Giêsu Kitô. Vì thế, Ngài nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Đức Kitô giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi, do đó, Đức Giêsu là con người lý tưởng – con người theo đúng kế hoạch toàn hảo của Thiên Chúa: đó là Tình yêu. Là người Kitô hữu, nghĩa là phải cố gắng hết mức để ngày càng tiến gần hơn đến Đức Giêsu. Nhờ các phép bí tích, chúng ta thậm chí có thể vào hẳn trong Đức Giêsu, trở thành “thân thể của Đức Kitô”.

 

Ü 28-29 è 456 tt ð 9-10

 

 

 

14  Giới răn yêu thương trong Tân Ước là gì?

Nhiều nền văn hoá xem Quy tắc vàng (“ Hãy cư xử với người khác như bạn muốn họ đối xử với mình ”) như chuẩn mực của đời sống lương thiện. Điều răn yêu thương trong Cựu Ước còn rõ ràng hơn: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Đức Giêsu nhấn mạnh điều răn yêu thương và cụ thể hoá điều răn này bằng cách liên hệ tới chính Người và sự hy sinh mạng sống của Người: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Tình yêu đó hướng đến cả cá nhân và cộng đồng ngang nhau: mỗi người đều quan trọng, vì là một cá thể độc nhất được Chúa thương yêu – và nhờ lòng yêu thương, mỗi người có thể cậy dựa vào anh em đồng loại. Tình yêu siêu nhiên của Thiên Chúa là khởi đầu cho “một nền văn minh tình yêu” (theo lời của Giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II), và tất cả mọi người đều có thể góp phần kiến tạo nền văn minh ấy.

 

Ü 54 è 2055 ð 322

Tình yêu phải bắt đầu ngay hôm nay. Hôm nay ai đó đang đau khổ; hôm nay ai đó đang vất vưởng trên phố; hôm nay ai đó đang đói khát. Công việc của chúng ta là cho ngày hôm nay, vì hôm qua đã qua rồi, và ngày mai lại chưa đến. Chúng ta chỉ có hôm nay để làm cho Đức Giêsu được biết đến và yêu mến, được phục vụ, được nuôi ăn, được che thân, được trú ngụ. Đừng chờ tới ngày mai. Ngày mai chúng ta sẽ không còn gặp lại những anh em của Người nếu chúng ta không lo tiếp đãi họ ngay hôm nay.

Thánh Têrêsa Calcutta

15  Có phải con người được kêu gọi yêu thương?

Vâng, yêu và được yêu là điều phù hợp với ước muốn sâu xa trong bản tính con người. Về điều này, chính Thiên Chúa là lý tưởng cho chúng ta. Đức Giêsu cho thấy bản chất của Thiên Chúa là Tình yêu. Dòng chảy yêu thương luôn luân chuyển giữa Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Một con người biết yêu thương cũng tham dự vào sự hiệp thông yêu thương ấy. Cuộc đời chúng ta chỉ thành công khi chúng ta không khép kín trái tim, mà mở lòng đón nhận dòng chảy yêu thương đó. Tình thương khiến chúng ta không nhắm mắt làm ngơ trước những nhu cầu của người lân cận, mà có khả năng vượt lên trên chính mình. Đức Giêsu đã tự nguyện chấp nhận hy sinh bản thân trên thập giá vì yêu thương nhân loại; Người đã thực hiện hành động yêu thương cao cả nhất chính bằng việc tự do cho đi mạng sống của mình.

 

Ü 34-37 è 1, 260 ð 309

 

Đức hạnh (từ tiếng Latin virtus, năng lực) là tính cách được tôi luyện nhờ thói quen, giúp con người có thể sẵn lòng làm điều tốt

16  Lòng yêu thương người lân cận có phải là điều mà một người có thể thực hành và học hỏi?

Đúng thế. Thật vậy, điều này rất quan trọng. Tình yêu không phải chỉ là cảm xúc. Tình yêu còn là → Đức hạnh, một năng lực được thủ đắc bằng huấn luyện. Thách thức thực sự đối với từng người Kitô hữu, là phải trở nên ngày càng can đảm và mạnh dạn hơn, đồng thời càng thêm ngay chính và yêu thương hơn. Chúng ta cũng phải học nhìn thế giới bằng nhãn quan của người khác. Những ai mà chúng ta tiếp xúc bằng thiện ý chân thành sẽ cảm nhận rằng họ được trân trọng như những con người, và nhờ đó, họ có thể biểu lộ chính mình một cách tự do. Nếu chúng ta thực hành tình yêu thương trong điều kiện dễ dàng, thì với ơn Chúa, chúng ta sẽ có nhiều khả năng yêu thương hơn ngay cả trong hoàn cảnh gian nan, hay khi chúng ta gặp phải cảnh “yêu mà không được đáp lại”. Đây là trường hợp dấn thân chăm lo cho những người nghèo nhất trong số các người nghèo, và còn rõ ràng hơn khi chúng ta phải đối phó với kẻ nghịch thù theo một đường lối mới: từ chối việc báo thù, trả đũa và bạo lực.

 

Ü 105, 160, 184, 193 è 2052, 2055, 2069, 2443-2446 ð321, 328

Khó có thể hiểu được lịch sử, nếu vắng bóng tôn giáo.

G.K. Chesteron (1874-1936), nhà văn và nhà báo người Anh

 

Các Kitô hữu là những người vẫn giữ được niềm hy vọng giữa bao nỗi thất vọng dồn dập.

Al Kresta, nhà văn, nhà báo, và phát thanh viên

 

17  Có ý nghĩa và tiến bộ trong dòng lịch sử không?

Ơn cứu độ, nghĩa là hạnh phúc trọn vẹn và sự viên mãn tột đỉnh dành cho chúng ta nhờ Đức Giêsu Kitô, không phải là điều chỉ vài người mới đạt được. Thiên Chúa muốn toàn thể nhân loại được cứu độ. Sự cứu độ giải phóng con người trong mọi chiều kích của mình: tinh thần và thân xác, cá nhân và xã hội, nơi lịch sử trần thế của mỗi người và vĩnh viễn trên thiên quốc. Sự cứu độ này đã bắt đầu trong dòng lịch sử, như thế nghĩa là ngay trong dòng thời gian nơi chúng ta tìm thấy chính mình. Tuy nhiên, sự cứu độ chỉ hoàn toàn trọn vẹn trong cõi vĩnh hằng. Vì vậy, chúng ta phải loại trừ tất cả các ý thức hệ chính trị hứa hẹn cứu rỗi con người ngay trên trần thế. Việc chúng ta thực sự sẽ chỉ tìm thấy thiên đàng ở trên trời không phải là một phần thưởng an ủi, cũng không phải là chúng ta coi thường thế giới mình sống. Đúng hơn, vì chúng ta hy vọng vào đời sống vĩnh cửu, nên chúng ta có thể định hình cho cái bây giờ và ở đây bằng công lý và tình yêu. Không điều tốt đẹp nào chúng ta làm trên trần gian là vô ích, vì tất cả mọi điều sẽ mang lấy giá trị hoàn hảo trong cõi vĩnh hằng.

 

Ü 40-58 è 450 ð 110

Đối với tôi, dường như chúng ta không thể làm nên điều gì tốt đẹp khi chúng ta chỉ chiều theo ý riêng mình.

Thánh Têrêsa thành Lisieux (1873-1897), nữ tu Dòng Cát Minh, Tiến sĩ Hội Thánh

Ai không yêu thương, dù thương chỉ một người, thì không thể làm hài lòng Thiên Chúa. Chúng ta hãy yêu mến tất cả mọi người, như Đức Giêsu yêu họ: ước muốn điều tốt cho họ, làm việc tốt vì họ, dấn thân cho sự cứu rỗi linh hồn của họ, và sẵn lòng đổ máu vì từng người trong họ.

Chân phước Charles de Foucald

 

18  Một sự thay đổi trong xã hội diễn ra như thế nào?

Tin Mừng trong Thánh Kinh, hay việc Thiên Chúa tự bày tỏ chính mình, thay đổi chúng ta toàn diện. Chúng ta đạt được một cách nhìn mới về thế giới và xã hội của mình. Tất cả mọi thay đổi bắt nguồn từ trái tim con người: đầu tiên, một người phải thay đổi nội tâm, suy nghĩ và sống theo mệnh lệnh của Chúa; sau đó, người ấy mới có thể thay đổi môi trường bên ngoài. Sự hoán cải tâm hồn – điều chúng ta phải cố gắng thực hiện mỗi ngày – là bước khởi đầu thực sự cho một thế giới tốt đẹp hơn. Chỉ bằng sự hoán cải như thế chúng ta mới có thể nhận biết cách thức thay đổi và cải thiện các thể chế và hệ thống.

 

Ü 42 è 1889

Nếu bạn không thể yêu thương  người anh em ngay trước mắt bạn, bạn cũng không thể yêu mến Thiên Chúa – Đấng mà bạn không nhìn thấy.

Thánh Augustinô (354-430), Tiến sĩ Hội Thánh, nhà tư tưởng danh tiếng nhất của Giáo Hội thời kỳ đầu

Đối với những người yêu mến Chúa, Ngài biến mọi thứ nên tốt đẹp; thậm chí Ngài cho phép cả những lầm lạc và sai lỗi xảy ra nơi họ để làm thành điều tốt cho họ.

Thánh Augustinô (354-430)

19  Tại sao sự ích kỷ của con người là cốt lõi của mọi tội lỗi?

Chừng nào con người còn quy về mình một cách ích kỷ, con người trở nên hao mòn, kiệt quệ. Chúng ta được tạo dựng như một cá thể tự mình chưa hoàn chỉnh. Chúng ta cần cộng đồng con người, và cần giải phóng những chiều hướng vươn lên tới ý nghĩa và nguồn gốc hiện hữu của chúng ta để cuối cùng vươn tới Thiên Chúa. Chúng ta phải ra khỏi bản thân, vì chúng ta được tạo dựng để yêu thương. Nhờ yêu thương, chúng ta vượt lên chính mình, để hướng tới người khác, và cuối cùng, hướng đến Thiên Chúa. Quy về mình đồng nghĩa với đi sai hướng, nghĩa là phạm tội. Một người không (hay không thể) yêu thương, thì sống trong sự tha hoá do tự áp đặt cho mình. Điều này cũng đúng đối với mọi xã hội. Nơi nào xem sản xuất, tiêu thụ, và sống lâu là mục tiêu trên hết, nơi đó sẽ thiếu vắng tình liên đới và tình người đích thực.

 

Ü 47-48 è 400 ð 315

Liệu có ích gì chăng, nếu một người phấn đấu tranh giành được cả thế gian, và rồi cuối cùng ngồi đó, ôm lấy đủ thứ bệnh hoạn trên người?

John Steinbeck (1902-1968), nhà văn Mỹ

 

Giáo Hội phục vụ những người túng thiếu, không phải vì họ là người Công giáo, nhưng vì chúng ta là người Công giáo.

Giám mục Fulton J. Sheen (1895-1979), Giám mục Hoa Kỳ, vị giảng thuyết qua truyền thanh và truyền hình

20  Nhiệm vụ của Giáo Hội là gì trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa?

Kế hoạch tổng thể của tình yêu Thiên Chúa là cứu độ và cứu chuộc nhân loại nhờ Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Giáo Hội có mặt vì Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta đi vào sự hiệp thông sâu xa và có sức cứu độ với Người. Sự hiệp thông này, “Thân thể của Đức Kitô”, chính là Hội Thánh. Qua phép Rửa và các bí tích khác, chúng ta thuộc về Đức Kitô, và nhờ đó, chúng ta được trao ban một sự sống mới mẻ, vĩnh hằng. Lưu tâm đến lời Chúa, chúng ta làm theo ý muốn của Người. Giáo Hội là nơi chúng ta có thể tăng trưởng trong tình yêu của Thiên Chúa. Giáo Hội không đi tìm mục tiêu ở nơi mình, mà đứng ra gánh trách nhiệm về loài người và xã hội, để qua công việc của mình, Giáo Hội góp phần vào nền hoà bình và sự phát triển của gia đình nhân loại.

 

Ü 49-51 ð 122, 123

Giáo Hội được kêu gọi ra khỏi chính mình, để đi đến các vùng ngoại vi, không chỉ về mặt địa lý, mà còn đến các vùng ngoại vi về mặt hiện sinh:vùng ngoại vi của huyền nhiệm tội lỗi, của nỗi đau, của bất công, của dốt nát và lãnh đạm với tôn giáo, của những trào lưu tư tưởng và của mọi hình thức nghèo khổ.

Hồng y Bergoglio (Giáo hoàng Phanxicô) trước thời điểm của Mật tuyển viện, 2013

 

Đức Giêsu mở sách và gặp đoạn chép rằng:‘Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa”. Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Trong hội đường, mọi con mắt đều đổ dồn về phía Người. Người bắt đầu  nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe’.

Lc 4,18-21

21  Có phải Vương quốc Thiên Chúa đã hữu hình nơi Giáo Hội?

Giáo Hội hiện hữu “để thế giới có thể trở thành nơi Thiên Chúa cư ngụ, và thế gian này có thể hoá thành “Vương quốc” của Ngài (Joseph Ratzinger). Nhờ Đức Giêsu Kitô, Vương quốc của Thiên Chúa đã thực sự khởi đầu ở thế gian. Bất cứ nơi đâu các bí tích được cử hành, thế giới cũ của tội lỗi và sự chết bị đánh bại đến tận cội rễ của nó, và được biến đổi. Một công trình tạo thành mới khởi đầu và Vương quốc Thiên Chúa trở nên hữu hình. Tuy nhiên, nếu các Kitô hữu không chuyển đổi sự sống mới, đã được ban tặng cho họ, thành hành động đích thực, các bí tích sẽ chỉ là những dấu chỉ trống rỗng. Một người không thể nào đến nhà thờ đón nhận Thánh Thể, mà đồng thời lại chối từ không cho kẻ khác bánh ăn hàng ngày. Các bí tích đòi hỏi chúng ta một tình yêu sẵn sàng “ra khỏi chính mình, để đi đến vùng ngoại vi, không chỉ về mặt địa lý, mà còn về mặt hiện sinh: đến với những con người bị chi phối bởi mầu nhiệm của tội lỗi, của nỗi đau, bất công, dốt nát, sự dửng dưng với tôn giáo, những trào lưu tư tưởng, và của mọi hình thức nghèo khổ” (Bài diễn văn của Hồng y Bergoglio trước thời điểm của Mật tuyển viện, 2013).

 

Ü 49, 51 ð 123, 124

 

Trích dẫn các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

1

TÌNH YÊU

 

Mater et Magistra Tình yêu của người Kitô hữu

Được khích lệ từ lòng bác ái của Đức Kitô, [người Kitô hữu] cảm thấy sự thôi thúc phải yêu thương anh em đồng loại. Người đó xem nhu cầu, nỗi đau, và niềm vui của họ như của chính mình. Các hoạt động trong mọi lĩnh vực của người tín hữu ấy luôn mang tính kết nối vững chắc với tha nhân. Mỗi hành động đều năng động, rộng lượng và ân cần. Vì “đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật; đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (1961), 257

 

Redemptor Hominis Tình yêu có một tên gọi

Thiên Chúa Sáng tạo mạc khải mình như Thiên Chúa Cứu chuộc, như  một Thiên Chúa “trung tín với chính mình” và giữ lời hứa yêu thương đối với con người và thế giới. Đó là điều Ngài đã bày tỏ vào ngày tạo dựng. Tình yêu của Ngài là tình yêu không thoái lui trước bất kỳ điều gì mà lẽ công bằng đòi buộc. Do đó, “vì chúng ta, Thiên Chúa đã biến Người Con vô tội thành tội nhân”. Nếu Ngài “làm thành tội nhân” chính Người Con không có bất cứ tội nào, điều đó cho thấy tình yêu luôn lớn hơn toàn thể thụ tạo, tình yêu là chính Ngài, vì “Thiên Chúa là tình yêu”. Trên hết, tình yêu lớn hơn tội lỗi, hơn tính hèn yếu, và hơn “tính phù phiếm của mọi loài thụ tạo”; tình yêu mạnh hơn sự chết. Đó là tình yêu không ngừng trỗi dậy, tha thứ, sẵn sàng gặp gỡ người con hoang đàng, luôn tìm cách “mạc khải cho những người con của Thiên Chúa” – những người được mời gọi đến với vinh quang sẽ được bày tỏ. Sự mạc khải về tình yêu này còn được diễn tả như lòng thương xót, và trong lịch sử loài người, sự mạc khải về tình yêu và lòng thương xót đã mang lấy một hình hài và một tên gọi: đó là Đức Giêsu Kitô.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis (1979), 9

 

Redemptor Hominis Con người không thể sống thiếu tình yêu

Con người không thể sống thiếu tình yêu. Nếu tình yêu không được tỏ bày cho con người, nếu con người không tìm gặp tình yêu, nếu con người không thể cảm nghiệm và tiếp nhận tình yêu, nếu con người không tham dự mật thiết vào tình yêu, thì con người vẫn là một hữu thể không hiểu nổi chính mình. Đây là lý do, như đã được nói đến rồi, vì sao Đức Kitô – Đấng Cứu chuộc – “mạc khải trọn vẹn cho con người biết về Ngài”. Nếu chúng ta có thể diễn tả như thế, thì đó là do trong huyền nhiệm Cứu chuộc đã có chiều kích nhân loại. Nơi chiều kích này, con người tìm lại được phẩm giá, tính cao cả, và giá trị của nhân tính. Trong mầu nhiệm Cứu chuộc, con người mang “diện mạo” mới, và có thể nói, như thể được dựng nên cách mới mẻ. Đúng là con người được làm mới lại! “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28). Ai muốn hiểu thấu chính mình, không phải dựa theo những thước đo và tiêu chuẩn nhất thời, phiến diện, thường nông cạn, và thậm chí ảo tưởng về bản chất con người, thì phải đến gần Đức Kitô với những bất toàn và bất định của mình, mặc cho sự yếu đuối và tội lỗi của bản thân, bằng cả sự sống và cái chết của mình. Có thể nói người đó phải đi vào Đức Kitô với tất cả những gì riêng tư của mình, phải “nhận lấy” và đồng hoá toàn bộ thực tại của mầu nhiệm Nhập thể và Cứu rỗi vào bản thân để có thể tìm lại được chính mình. Nếu tiến trình trên diễn ra nơi một con người, thì người ấy sẽ thu nhận được kết quả không phải chỉ tôn thờ, thần phục Thiên Chúa mà còn ngạc nhiên sâu xa về chính mình. Con người thật quý giá trong mắt Đấng Sáng tạo, nếu người ấy “có nơi mình một Đấng Cứu chuộc tuyệt vời”.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis (1979), 10

 

Evangelium Vitae Cảm nghiệm về Thiên Chúa và nhận thức về con người 

Khi cảm nghiệm về Thiên Chúa mất đi, thì nhận thức về con người, về phẩm giá và sự sống của con người, cũng có khuynh hướng mất theo. Hậu quả tiếp theo là sự vi phạm có hệ thống mọi phép tắc luân lý, đặc biệt trong vấn đề sinh tử: tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, dần dần làm lu mờ khả năng nhận biết sự hiện diện cứu rỗi và sống động của Thiên Chúa.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), 21

 

Deus Caritas est Cơ sở để trở thành người Kitô hữu

Trở thành người Kitô hữu không phải là kết quả có được từ một chọn lựa đạo đức, hay một ý tưởng cao cả, mà là từ cuộc chạm trán với một sự kiện, từ lần gặp gỡ với một con người nhờ đó mở ra một chân trời mới, dẫn đến một đường hướng mang tính quyết định cho đời sống. Phúc Âm theo Thánh Gioan miêu tả sự kiện đó như sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì … được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est (2005), 1

 

Deus Caritas est  Yêu mãi mãi

Tình yêu luôn tăng trưởng hướng đến những tầm cao hơn và thanh luyện tự bên trong, vì thế, tình yêu đòi hỏi phải dứt khoát, theo một nghĩa kép: theo nghĩa loại trừ (chỉ một người đặc biệt này thôi), và theo nghĩa “vĩnh viễn”. Tình yêu bao quát toàn bộ cuộc hiện hữu, trong mọi chiều kích của nó, kể cả chiều kích thời gian. Điều này không thể khác đi được, vì, lời hứa của tình yêu nhắm đến đích điểm rõ ràng: tình yêu nhắm vào sự vĩnh cửu.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est (2005), 6

 

Deus Caritas est Tình yêu của Giáo Hội là phục vụ

Toàn bộ hoạt động của Giáo Hội là lời diễn tả tình yêu – một tình yêu tìm kiếm điều tốt đẹp trọn vẹn cho con người: Giáo Hội tìm cách Phúc Âm hoá con người qua Lời Chúa và bí tích – một nhiệm vụ thường đòi phải dũng cảm để thực hiện trong lịch sử; và tình yêu này tìm cách thăng tiến con người trên những lĩnh vực khác nhau của đời sống và hoạt động con người. Do đó, tình yêu chính là công việc phục vụ mà Giáo Hội tiến hành để luôn đáp ứng với đau khổ và những nhu cầu của con người, kể cả những nhu cầu vật chất.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est (2005), 19

 

Deus Caritas est Xã hội thiếu vắng tình yêu?

Tình yêu – caritas – sẽ luôn được chứng tỏ là cần thiết, ngay cả trong một xã hội công bằng nhất. Không bao giờ tồn tại một trật tự nào của Nhà nước công bằng đến độ có thể tuyên bố không cần sự phục vụ xuất phát từ tình yêu. Bất cứ ai muốn loại bỏ tình yêu, thì cũng đang chuẩn bị huỷ diệt con người. Luôn có nỗi đau và cô đơn lên tiếng kêu gọi sự an ủi và trợ giúp. Luôn có những tình huống ngặt nghèo về vật chất đòi hỏi một dạng thức tương trợ cụ thể, thiết thực. Nhà nước nào cung ứng mọi thứ, nắm lấy mọi thứ, cuối cùng cũng sẽ thành một bộ máy quan liêu không thể đảm bảo cho con người đang lâm nạn điều tối cần thiết – điều mà mỗi người đều cần đến: đó là sự quan tâm đầy tình yêu thương cho từng cá nhân.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est (2005), 28b

 

Caritas in Veritate Tình yêu: Giá trị trọng tâm

Bác ái là tâm điểm trong học thuyết xã hội của Giáo Hội. Mỗi trách nhiệm và cam kết được giải thích trong học thuyết, đều bắt nguồn từ đức bác ái, điều mà theo lời dạy của Đức Giêsu là tổng hợp của toàn thể Lề luật (x. Mt 22,36-40). Lòng bác ái mang đến chất liệu tinh tuyền cho mối liên hệ của cá nhân với Thiên Chúa và với người thân cận; lòng bác ái là nguyên lý không phải chỉ của các mối quan hệ vi mô (với bạn bè, người thân, hay trong các nhóm nhỏ) mà còn của các mối liên hệ mang tính vĩ mô (xã hội, kinh tế, và chính trị)… Mọi thứ đều bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, mọi thứ đều được định hình bởi tình yêu, mọi thứ đều quy hướng về tình yêu. Tình yêu là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa trao ban cho loài người; tình yêu là lời hứa của Ngài, và là niềm hy vọng của chúng ta.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009), 2

 

Evangelii Gaudium Tình yêu cứu chuộc và giải thoát

Chúng ta được giải thoát khỏi óc hạn hẹp và thói vị kỷ chỉ nhờ vào cuộc gặp gỡ này – hay cuộc gặp gỡ đã được làm mới – với Tình yêu của Thiên Chúa, cuộc gặp triển nở thành một tình bạn sâu sắc và phong phú. Khi chúng ta vượt lên con người tầm thường của mình, và dám để cho Chúa nâng chúng ta lên trên những mối bận tâm về bản thân để hiểu được sự thật đầy đủ nhất về sự hiện hữu của mình, chính khi đó, chúng ta lại trở nên một con người trọn vẹn. Tại đây, chúng ta tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng cho tất cả những nỗ lực Phúc Âm hoá của mình. Vì nếu chúng ta đã đón nhận tình yêu – một tình yêu khôi phục ý nghĩa cho đời mình, thì làm sao chúng ta lại không thể san sẻ tình yêu đó với người khác?

Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 8

 

Evangelii Gaudium Kế hoạch vĩ đại của tình yêu

Thuộc về Giáo Hội cũng có nghĩa là trở thành dân Chúa, theo kế hoạch yêu thương lớn lao của tình phụ tử. Điều này có nghĩa là chúng ta cần trở nên men giữa lòng nhân loại, tuyên xưng và mang sự cứu độ của Chúa vào trong thế giới – nơi con người hay lầm lẫn và cần được khích lệ, trao ban hy vọng, và kiện toàn sức mạnh trên đường đời. Giáo Hội phải là một nơi phản ánh lòng thương xót vô điều kiện, nơi mọi người cảm thấy được đón nhận, mến yêu, tha thứ và khuyến khích sống cuộc đời tốt lành theo Tin Mừng.

Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 114

 

Evangelii Gaudium Tổng luận cuối cùng

Rõ ràng, bất cứ khi nào các tác giả Tân Ước muốn trình bày trọng tâm của sứ điệp luân lý Kitô giáo, họ đều nói đến đòi hỏi cốt yếu là yêu thương người lân cận: “Vì ai yêu người lân cận, thì đã chu toàn lề luật… Yêu thương là chu toàn lề luật vậy” (Rm 13,8.10). Đây là lời của thánh Phaolô, vì đối với ngài mệnh lệnh yêu thương không chỉ tổng hợp lề luật mà còn hình thành nên chính trọng tâm và mục đích của lề luật: “Vì tất cả lề luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này: Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Gl 5,14). Thánh Phaolô mô tả đời sống của người Kitô hữu như một cuộc hành trình tăng trưởng trong tình yêu: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết” (1Tx 3,12). Thánh Giacôbê cũng kêu gọi các Kitô hữu chu toàn “luật chính yếu được Kinh Thánh đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (2,8), để không bỏ qua bất kỳ mệnh lệnh nào.

Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 161

 

Laudato Si Tình yêu đón nhận thách đố

Thách thức trước mắt là bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, bao hàm mối bận tâm: cần phải quy tụ gia đình nhân loại để cùng tìm kiếm một hướng phát triển trọn vẹn và bền vững, vì chúng ta biết mọi thứ có thể thay đổi. Đấng Sáng Tạo không bỏ rơi chúng ta; Ngài không bao giờ từ bỏ kế hoạch yêu thương, hay nuối tiếc vì đã tạo dựng chúng ta. Nhân loại vẫn còn khả năng cùng nhau làm việc để xây dựng ngôi nhà chung của mọi người.

Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si (2015), 13

 

*Ü Tóm lược Học thuyết Xã hội; è Giáo lý; ð YOUCAT

Nguồn: HKK