Lời Sống Hằng Ngày Thường Niên – Tuần XXII TN – Dòng Ngôi Lời

print

Lời Sống Hằng Ngày Thường Niên – Tuần XXII TN – Dòng Ngôi Lời

Chúa Nhật – Ngày 02 – Tháng 9.

Thứ Hai – Ngày 03 – Tháng 9.

Thứ Ba – Ngày 04 – Tháng 9.

Thứ Tư – Ngày 05 – Tháng 9.

Thứ Năm – Ngày 06 – Tháng 9.

Thứ Sáu – Ngày 07 – Tháng 9.

Thứ Bảy – Ngày 08 – Tháng 9.

 

 

Chúa Nhật – Ngày 02 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Ngày Quốc Khánh. Cầu cho Tổ Quốc.

Bài đọc 1 : Ðnl 4,1-2.6-8

Bài đọc 2 : Gc 1,17-18.21b-22.27

Tin Mừng : Mc 7,1-8a.14-15.21-23

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do Thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”. […]

GIỮ LUẬT

Luật lệ có một vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Xã hội của chúng ta sẽ hoạt động như thế nào nếu không có một điều luật nào? Con người của chúng ta sẽ sống như thế nào khi không có những định chế của các điều răn?

Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm Chúa Giêsu lại chỉ trích những người Pharisêu và các kinh sư về việc giữ luật. Vì sao? Chúng ta biết rằng, trong xã hội Do Thái thời bấy giờ có rất nhiều luật được đưa ra để cho mọi người sống và thi hành. Thế nhưng những người này họ chỉ thi hành luật theo nghĩa mặt chữ mà thôi, họ không thi hành luật theo tinh thần của luật. Do đó, Chúa Giêsu chỉ trích họ rằng “các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của phàm nhân”. Vì mọi cái ô uế không phải từ bên ngoài, nhưng xuất phát từ bên trong vì từ lòng người phát xuất mọi ý định xấu.

Trong cuộc sống nhiều lúc chúng ta cũng chỉ chú trọng đến câu chữ của luật nhiều hơn là tinh thần của luật. Chúng ta vẫn đọc kinh, đi lễ hàng ngày nếu không chúng ta sẽ thấy lương tâm áy náy vì lỗi bổn phận. Trong khi đó đôi khi chúng ta coi nhẹ mối tương quan với tha nhân. Chúng ta vẫn giữ mình khỏi phạm tội, giữ để không phạm luật này luật kia, nhưng lại không lưu tâm đủ đến điều răn quan trọng nhất là mến Chúa, yêu người. Trái lại, chúng ta chưa ý thức được rằng vì yêu mến Chúa, yêu thương tha nhân mà tôi muốn tránh xa các dịp tội. Tóm lại, nhiều khi chúng ta vẫn còn nặng về hình thức  giữ luật hơn là tinh thần của luật.

Lạy Chúa, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng con cởi mở con tim trong tinh thần yêu thương để ý thức thi hành luật bằng cả tấm lòng với sự yêu mến hơn là chỉ giữ luật cách hình thức. Amen.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Thứ Hai – Ngày 03 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Lễ thánh Grêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : 1 Cr 2,1-5

Tin Mừng : Lc 4,16-30

Khi ấy, Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” […]

Ở GẦN NHƯNG XA LẠ

Khi trở về quê hương Nadarét, Chúa Giêsu vào hội đường đọc Sách Thánh và giảng dạy thì ai nấy đều thán phục những lời hay ý đẹp của Người. Nhưng bên cạnh đó cũng có những người hoài nghi và không tin Chúa Giêsu. Nghịch lý thay, những người thân thuộc, quen biết, những người láng giềng với Chúa, lại không tin nhận quyền năng Người.

Nghe qua đoạn Tin Mừng trên chúng ta thường lên án, hay trách móc những dân làng Nadarét. Nhưng biết đâu chính chúng ta cũng không khác gì những người làng Nadarét xưa. Nhiều người tín hữu, là con cái của Chúa, ngay cả những người sống bậc tu trì, là những người được Chúa mời gọi sống gần gũi với Chúa, nhiều khi lại không tin vào Chúa. Chúng ta bỏ Chúa để chạy theo đam mê vật chất, chạy theo danh vọng lợi lộc, thế gian; chúng ta xem Chúa như là người dưng là ‘con bác thợ mộc’ mà thôi.

Điều gì đã làm cho chúng ta không nhận biết Chúa? Phải chăng chủ nghĩa tiêu thụ đã làm cho con người chỉ biết chạy theo tiền tài, danh vọng, tôn thờ vật chất, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ, đến nỗi không còn mở lòng ra với người khác, không còn nhận thấy Chúa trong tha nhân và trong chính đời sống của mình?

Tin Mừng hôm nay một lần nữa nhắc nhớ về niềm tin của chúng ta vào Chúa. Chúng ta đã sống trọn niềm tin mà chúng ta đã tuyên xưng hay chưa ? Hay chúng ta chỉ là những người ‘láng giềng’ ở rất gần Chúa nhưng lại rất xa lạ với Chúa?

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận biết Chúa qua từng biến cố trong cuộc đời chúng con, đừng để chúng con trở nên người xa lạ với Chúa. Amen.

Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD

Thứ Ba – Ngày 04 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Bài đọc : 1 Cr 3,18-23

Tin Mừng : Lc 4,31-37

Khi ấy, Đức Giêsu xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày sabát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền. Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

LỜI CỦA NGƯỜI CÓ UY QUYỀN

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca đã cho tôi thấy được sức mạnh của Lời. Lời tôi muốn nhấn mạnh ở đây là lời quyền năng phát xuất từ Chúa Cha; đồng thời, Lời ấy cũng ngụ ý là Ngôi Lời, là Con Một của Thiên Chúa.

Khởi đầu sách Sáng Thế, khi trời đất còn trống rỗng, Thiên Chúa đã dùng Lời quyền năng của Ngài để dựng nên trời đất muôn vật. Ngài phán hãy có ánh sáng liền có ánh sáng… Đó là lời của Đấng có uy quyền. Và trong Tin Mừng hôm nay, tôi lại thấy được sức mạnh của Lời. Đám đông thì “sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền” (Lc 4, 32);

ma quỷ, thế lực của sự dữ thì “la to lên … ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”

(Lc 4,33-34); còn dân chúng thì rất đỗi kinh ngạc: “Ông ấy lấy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải xuất”. Hay trên đường Emmau, lòng hai môn đệ đã bừng cháy lên khi nghe Đức Giêsu dùng lời Kinh Thánh mà giảng giải cho họ.

Lời Chúa có là lời uy quyền đối với tôi? Ngôi Lời Thiên Chúa có sức cảm hóa cuộc đời tôi? Để có được một cảm thức nhạy bén với Lời Chúa, và để Lời Chúa có thể sinh hoa kết quả, tôi thiết nghĩ, mỗi chúng ta phải luôn biết kinh ngạc và sửng sốt trước Lời Chúa. Để có được sự nhạy bén với Lời Chúa, không gì khác hơn là phải học hỏi Lời Chúa và tiếp xúc với Lời Chúa mỗi ngày. Để  Lời Chúa có thể biến đổi và chữa lành tôi, thì tôi phải ý thức được giá trị của Lời, tin tưởng vào sức mạnh của Lời và yêu mến Lời.

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn yêu mến Lời của Người, và luôn lấy Lời của Người là đèn soi con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD

Thứ Tư – Ngày 05 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Bài đọc : 1 Cr 3,1-9

Tin Mừng : Lc 4,38-44

Khi ấy, Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simôn. Bấy giờ, bà mẹ vợ ông Simôn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài. Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Kitô. Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giuđê.

THIÊN CHÚA QUYỀN NĂNG VÀ GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

Cuộc sống con người gắn liền với đau khổ, đau khổ thể xác và đau khổ tinh thần. Đối diện với đau khổ, ta cần đến lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa hơn bao giờ hết.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đến nhà ông Phêrô trong lúc bà mẹ vợ của ông đang bị sốt nặng và họ đã xin Người chữa lành cho bà. “Ra lệnh cho cơn sốt” là cụm từ mà thánh Luca đã dùng để mô tả cách Chúa Giêsu dùng quyền năng để chữa lành; đồng thời, thái độ của Người cũng thật khiêm nhường khi “cúi xuống gần bà” để chữa lành bà.

Đứng trước nỗi đau khổ và sự cầu xin của con người, Chúa Giêsu đã bày tỏ quyền uy của Người, một sức mạnh chiến thắng ma quỷ và tội lỗi. Người bày tỏ một lòng thương xót vô biên trước những yếu đuối của con người và luôn sẵn sàng chữa lành khi ta chạy đến cầu xin. Quyền năng của Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở việc chữa lành những đau khổ phần xác, vì đau khổ phần xác là biểu hiện của đau đớn phần hồn. Khi Chúa Giêsu cúi xuống để chữa lành phần xác cho ta, thì Người cũng ban cho ta sức mạnh để chống lại bệnh tật phần hồn; đó mới là điều quan trọng hơn và là sức mạnh thật sự giúp ta chiến thắng mọi tội lỗi.

Nhưng vấn đề là ta có biết chạy đến với Thiên Chúa và cầu xin Ngài hay không? Tôi cũng tự vấn bản thân rằng, đã bao giờ tôi chạy đến với Chúa để xin Người chữa lành tôi chưa?

Lạy Chúa Giêsu, bản chất con người vốn mỏng dòn, đầy tội lỗi và yếu đuối. Xin Chúa chữa lành những đau khổ thể xác và tinh thần cho chúng con, vì chúng con luôn cần đến Ngài.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD

Thứ Năm – Ngày 06 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Bài đọc : 1 Cr 3,18-23

Tin Mừng : Lc 5,1-11

Khi ấy, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. Giảng xong, Người bảo ông Simôn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

VÂNG LỜI THẦY, CON THẢ LƯỚI

Deitrich Bonheoffer đã từng nói: Khi tin, ta sẽ vâng lời. Và chỉ khi vâng lời, ta mới thực sự tin.” Trong đoạn Tin mừng, Chúa Giêsu đã bảo ông Simon Phêrô: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”, dù trước đó ông đã vất vả cả đêm mà chẳng bắt được gì. Thật nghịch lí khi một người thợ mộc như Chúa Giêsu lại chỉ cho một người chài lưới chuyên nghiệp là ông Phêrô bắt cá. Nhưng đứng trước nghịch lí ấy, ông vẫn thưa: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” và ông đã bắt được rất nhiều cá, “đến nỗi hầu như rách cả lưới”.

Niềm tin và sự vâng phục của ông Phêrô đã thay tiếng “xin vâng”,  đáp trả lại lời mời gọi tình yêu của Chúa Giêsu, lời mời gọi trở nên môn đệ và “kẻ thu phục người ta”. Như C.S Lewis đã nói trong cuốn “Kitô giáo đơn thuần”, rằng niềm tin của người Kitô hữu là sự thừa nhận – chấp nhận, và xa hơn thế nữa, là chính sự vâng phục – thi hành thánh ý Chúa. Và hoa trái của việc thi hành thánh ý Chúa, đó là đem lại niềm vui, bình an và niềm hạnh phúc. Thập giá mở ra cho ta một con đường nên thánh, từ đó biến đổi ta trở thành người môn đệ đích thực của Thầy Giêsu Chí Thánh.

Lạy Chúa, đã nhiều lần con chối từ lời mời gọi của Chúa, để sống theo ý riêng của mình, xin cho con mỗi ngày biết lắng nghe, tin tưởng và thực thi thánh ý Chúa để đáp lại lời mời gọi và trở nên người môn đệ đích thực của Ngài.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD

Thứ Sáu – Ngày 07 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

Bài đọc : 1 Cr 4,1-5

Tin Mừng : Lc 5,33-39

Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” Người đáp lại rằng: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy”.

Người còn nói với họ thí dụ này rằng: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: ‘Rượu cũ thì ngon hơn’ “.

TIỆC CƯỚI VÀ CHÀNG RỂ

Khi Chúa Giêsu và các môn đệ đang dự tiệc tại nhà ông Lêvi – người thu thuế được Chúa hoán cải, những người Pharisêu và những kinh sư mới nói với Người rằng: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” Ðức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi, ngày đó, họ mới ăn chay” (Lc 5,33-35).

Các môn đệ là khách dự tiệc, còn Chúa Giêsu là chàng rể. Không ai dự tiệc cưới mà trang điểm sự rầu rĩ trên khuôn mặt, vả lại cũng chẳng  ai dự tiệc cưới mà lại ăn chay. Vì tiệc cưới là một bữa tiệc tràn ngập không khí vui vẻ – hạnh phúc. Khi nào tiệc cưới vẫn còn sự hiện diện của “Chàng Rể”, thì khi ấy tiệc cưới vẫn diễn ra trong niềm vui của khách dự tiệc. Bởi lẽ, chính Chúa Giêsu là nguồn vui đích thực. Khi ta có Chúa, trong ta tràn đầy niềm vui, và “Chàng Rể” sẽ chẳng bao giờ còn “bị đem đi” nữa, vì “Chàng Rể” đã chiến thắng cái chết và phục sinh trong vinh quang, mở ra cho ta một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của niềm vui dù ta có phải chịu đựng bao nhiêu thử thách.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Chàng Rể và Chúa đã đến ban niềm vui, sự bình an cho chúng con. Xin cho chúng con biết đón Chúa vào lòng và giữ Người mãi bên mình, để niềm vui của chúng con không bao giờ lụi tắt, để chúng con có sức mạnh vượt qua mọi gian nan thử thách, để được phục sinh, dự phần vinh quang và sống trong niềm hạnh phúc viên mãn trên Thiên Đàng cùng với Người.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD

Thứ Bảy – Ngày 08 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXII

SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA. Lễ kính (Tr).

Bài đọc : Mk 5,1-4a

Tin Mừng : Mt 1,1-16.18-23

[…] Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”

SINH NHẬT ĐỨC MARIA

Mỗi người đều có ngày chào đời, ngày sinh nhật, ngày ghi dấu giây phút một con người có mặt trên đời này. Đây là ngày mà người ta nhớ đến như một kỷ niệm, một mốc thời gian đáng nhớ, bắt đầu cho một cuộc đời mới của một con người trên trần gian.

Ngày sinh nhật Đức Maria đánh dấu một cột mốc lịch sử quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Quả vậy, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Đức Maria nhận lấy sứ mạng trở nên Mẹ của Đấng Cứu Thế.

Đức Maria đã lớn lên thành một thiếu nữ, như bao cô gái Do Thái khác: lớn lên, rồi lập gia đình, và đính hôn với Giuse. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân với Giuse mang một ý nghĩa khác; đó là sự cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, dù ngay lúc đó Đức Mẹ không hoàn toàn hiểu rõ tất cả.

Hơn nữa, Đức Maria luôn đáp trả xin vâng và tin tưởng vào Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh: “Phần con đây, con tin cậy vào tình thương Chúa, được Ngài cứu  độ, lòng con sẽ vui mừng. Con sẽ hát lên bài ca dâng Chúa, vì phúc lộc Ngài ban” (Tv 13,6).

Hôm nay là lễ Sinh nhật Đức Maria là ngày vui chung của toàn thế giới, chứ không phải niềm vui của riêng ai. Mẹ sinh ra để giữ đúng lời hứa của Thiên Chúa, bởi Mẹ có liên quan trực tiếp đến biến cố Ngôi Lời Nhập Thể.

Lạy Chúa, Chúa đã mở đầu kỷ nguyên cứu độ, thì hôm nay, sinh nhật Mẹ, xin Chúa cũng rộng ban cho con được bình an, được muôn vàn phúc lộc, để con vâng theo ý Chúa theo gương Mẹ Maria.

Tu sĩ Antôn Cao Xuân Thành, SVD