Dẫn Vào Thánh Lễ Và Suy Niệm Chúa Nhật 24 Thường Niên – B

print

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN – B

Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35

Chủ đề: ĐỨC KITÔ, ĐẤNG THIÊN SAI

Lời Chúa: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29).

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 24 thương niên hôm nay cho chúng ta thấy, Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống, nghĩa là Đấng được Chúa Cha xức dầu sai đến trần gian để cứu độ loài người bằng con đường đau khổ của thập giá:

Cho dù đau khổ ngập đầu,

Nhưng người tôi tớ dám đâu ngã lòng.

Vững tin vào Đấng vô song,

Chở che, nâng đỡ trong vòng tay ôm.

Tựa nương vào Chúa sớm hôm,

Vác cây Thập Giá, kính tôn theo Người.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta luôn sẵn sàng vững bước đi theo Chúa trên con đường thập giá để vào hưởng hạnh phúc vinh quang phục sinh với Người. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

Sám hối:

1.Lạy Chúa, Chúa là con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng cứu độ trần gian. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

2.Lạy Chúa Kitô, Chúa chịu treo trên thập giá để nâng đỡ loài người sa ngã lên. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

3.Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con hãy từ bỏ mình và vác thập giá mà theo Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Suy niệm:

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Sợi dây xuyên suốt lịch sử cứu độ là Thiên Chúa yêu thương và loài người phản bội. Thiên Chúa yêu thương dựng nên loài người giống hình ảnh Thiên Chúa và được sống hạnh phúc trong tình yêu thân thiện của Ngài. Nhưng cũng ngay từ bước đầu, tội lỗi đã xâm nhập thế gian, loài người đã phản bội Chúa. Tuy nhiên, trong chính lúc tuyên án phạt loài người, Thiên Chúa lại biểu lộ tình yêu thương của Ngài qua lời hứa cứu độ. Tiên tri Isaia trong bài đọc 1 loan báo, nhờ niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa, người tôi trung sẵn sàng lắng nghe mệnh lệnh của Thiên Chúa và quyết tâm rao truyền lời của Thiên Chúa cho dân chúng, bất chấp mọi chống đối và đau khổ. Người tôi trung chấp nhận mọi đau khổ, mọi hành hạ và mọi sỉ nhục vì ông xác tín rằng: Thiên Chúa ở với tôi và đau khổ, sỉ nhục là điều Thiên Chúa muốn nên tôi sẵn sàng chấp nhận.

Thưa anh chị em, lời sấm này chúng ta có thể thấy được ý nghĩa Thiên sai. Có một sự tương đồng giữa hình ảnh người tôi trung và hình ảnh của Chúa Giêsu được thánh ký Marcô thuật lại trong Tin mừng hôm nay. Chính Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại”. Chúa Giêsu diễn tả rõ ràng Đấng Kitô không phải là người toàn thắng trong vinh quang như một vị đại anh hùng theo nghĩa chính trị. Nhưng Đấng Kitô phải toàn thắng qua những hy sinh và đau khổ: Qua đau khổ để tiến tới chiến thắng, qua thập giá để tiến tới vinh quang. Chết đi để được sống vĩnh cửu. Đây là ý nghĩa nền tảng thích hợp nhất để chúng ta đón nhận một mạc khải tuyệt vời, sứ mạng cứu rỗi của Chúa Giêsu được đặt trên cơ sở lời tuyên xưng của Phêrô: Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống, nghĩa là Đấng được Chúa Cha xức dầu sai đến trần gian để cứu độ loài người bằng con đường đau khổ của thập giá. Chúa Giêsu ra đi mang sứ mạng cứu rỗi với danh nghĩa là Con Thiên Chúa. Người cứu rỗi loài người theo cách người tôi trung mà Isaia đã loan báo từ ngàn xưa. Đường cứu rỗi của Người là truyền rao chân lý, tôn trọng tự do, giáo dục lương tâm, kêu gọi cõi lòng. Phương cách của Người là nêu gương khiêm nhường và kêu gọi loài người hãy từ bỏ chính mình để sống cho Thiên Chúa. Người đòi hỏi ai muốn làm môn đệ của Người cũng đi con đường đó: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Từ bỏ và vác thập giá theo Chúa chính là biết sống cho Chúa và nhìn nhận Người là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa.

Có câu chuyện kể rằng, khi các nhà truyền giáo lần đầu tiên đến Nhật Bản, có một thanh niên đến xin học tiếng Anh. Sau thời gian vỡ lòng, các ngài đưa cho anh cuốn Tin Mừng bảo tập dịch sang tiếng bản quốc. Sau một thời gian, các ngài thấy anh thay đổi hẳn. Một vị hỏi: “Chúa Giêsu mà anh đang đọc đó, anh thấy Người là người thế nào?”. Nghe hỏi vậy, anh vội cãi lại: “Chúa Giêsu mà các vị dám gọi là người à?  Ngài là một Thiên Chúa!”.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

“Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến thế gian để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu rỗi”. Chính Chúa Giêsu đã đến trong trần gian và bước đi trên con đường khổ giá. Người đã hy sinh mạng sống mình “vì người mình yêu” để cứu độ nhân loại. Người mời gọi chúng ta từ bỏ chính mình mà đi theo Người. Từ bỏ mình và vác thập giá theo Người chính là biết sống theo đòi hỏi của đức tin, một đức tin có việc làm kèm theo. Vì, “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Do đó, việc làm của đức tin cụ thể là cầu nguyện cho nhau, từ bỏ cái tôi của mình, chấp nhận khổ đau thể xác, tinh thần hay tâm hồn, biết tận tình chia sẻ và tự nguyện dấn thân phục vụ lợi ích người khác. Đây là con đường dẫn chúng ta tới sự sống vĩnh cửu.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tin tưởng bước đi theo Chúa trên con đường khổ giá để chúng ta cũng được phục sinh với Người. Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.