Lá thư ngỏ gởi Ni cô Diệu Thảo – Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

print

Lá thư ngỏ gởi Ni cô Diệu Thảo

Chị Diệu Thảo mến!

Tôi đã gặp chị nhiều lần. Chị kể cho tôi nghe về Đức Phật. Tôi kể cho chị nghe về Đức Chúa. Lần gặp cuối cùng cách nay ba mươi ba năm. Ba mươi ba năm xa cách. Ba mươi ba năm biệt tăm. Nhưng những kỷ niệm về chị vẫn đầy ắp và vẫn nóng hôi hổi.

KỶ NIỆM MỘT

Một ngôi chùa xinh xinh ẩn mình trong một góc vườn nhãn bạt ngàn. Ni cô Diệu Thảo ngồi thiền trước tượng Phật Thích Ca. Cặp mắt lim dim. Sợi khói hương thơm nhẹ nhàng lan tỏa. Tiếng mõ cốc cốc nghe khô khốc làm ai đó giật mình. Tiếng chuông coong… ngân nga… ngân nga mãi, ru hồn người ấy vào thế giới thần linh…

Tiếng mõ khô khốc nhắc nhở “Đời là bể khổ”. Tiếng chuông ngân nga xoa dịu nỗi khổ của kiếp người.

Sau một giờ ngồi thiền, Ni cô Diệu Thảo chậm rãi đứng lên, nhẹ nhàng vuốt lại tà áo màu xám tro, lặng lẽ đi ra cổng chùa.

KỶ NIỆM HAI

Ni cô Diệu Thảo cúi mình chui vào căn lều xiêu vẹo.

– Ai đó?

– Con đây. Diệu Thảo đây. Bà Hai khỏe chưa?

– Ni cô đấy hả? Còn hơi sức đâu mà khỏe. Cầu Trời khấn Phật cho tôi chết sớm ngày nào hay ngày nấy.

Mười ngón tay ngọc ngà xếp mười quả quýt thành một vòng tròn xinh xắn bên cạnh cái gối đầu xám xịt của bà Hai.

– Con biếu bà Hai một chục quýt. Bà Hai ăn để lấy sức. Quýt Đoan Hùng từ ngoài Bắc đem vào. Quýt bá tánh cúng dường quý lắm đấy.

– Cám ơn ni cô. Ni cô tốt hết biết.

Ni cô thoăn thoắt bóc quýt, miệng cười nhỏn nhoẽn. Bà Hai nhai nhóp nhép, miệng móm xọm, cặp mắt hấp háy. Bệnh là khổ, già là khổ. Nhưng khổ cứ vơi dần, vơi dần.

KỶ NIỆM BA

Chiếc xe Môbylét xanh chậm chậm lăn bánh. Tà áo màu xám tro nhẹ nhẹ bay. Một chiếc xe Dream láng coóng từ phía sau vượt lên. Một bàn tay đặt lên lưng ni cô Diệu Thảo. Một cảm giác ấm ấm. Ni cô nhô vai lên, rụt cổ xuống.

– Gái xinh thế mà đi tu. Uổng phí một đời người.

– Anh Thắng làm gì mà kỳ vậy?

– Kỳ diệu trên tuyệt vời!

– Em… Tôi không đùa đâu nhé.

– Anh van xin em. Anh yêu em thật tình. Nếu không lấy được em, thì anh xin làm Romêô – Sống mà không được em yêu, thì sống làm gì?

– Không nói chuyện với anh nữa.

Ni cô Diệu Thảo lấy tay áo gạt nước mắt. Chiếc xe Môbilét xanh lại lăn bánh. Bánh lăn không bình thường.

KỶ NIỆM BỐN

Chiếc xe Môbilét xanh đứng chơ vơ dưới gốc cây phượng cổ thụ. Ni cô Diệu Thảo quỳ mọp trước hang đá Đức Mẹ, hai tay bưng lấy mặt, khóc rấm rứt.

– Lạy Đức Mẹ đồng trinh, xin giúp con giữ được đời đồng trinh. Tình yêu và tình dục đời thường vẫn quấy nhiễu con.

– (Văng vẳng tiếng của Thắng): Nếu anh không lấy được em, nếu em không yêu anh, thì anh sống để làm gì?

– Mẹ đồng trinh ơi, cứu con với.

Ni cô Diệu Thảo nhìn lên ảnh Đức Mẹ với cặp mắt xuất thần – Nhìn mãi – Nhìn mãi – không chớp mắt, y như đang thấy một cái gì lạ lắm…

KỶ NIỆM NĂM

Ni cô Diệu Thảo và Ni cô Diệu Hạnh ngồi bên nhau trong phòng khách của tôi. Hai ni cô đơn sơ và hồn nhiên như hai bé mầm non. Dễ thương quá chừng! Là ni cô nhưng vẫn gọi tôi là cha và tự xưng là con, nghe cứ ngọt xớt như đường phèn.

– Cha ơi! Đọc Cựu Ước, con thấy buồn nôn quá à!

– Ủa, tại sao vậy? Nói thật hay nói đùa?

– Thiệt mà. Sứ ngôn Êlia ra lệnh giết hơn bốn trăm sãi thần Baal trên núi Carmel, làm đỏ ngầu cả dòng suối. Còn khủng khiếp hơn là Pônpốt.

– (Diệu Hạnh phụ họa thêm): Samuel ra lệnh giết cả trẻ thơ. Ghê tởm quá chừng!

Hai ni cô lấy hai bàn tay úp chéo trước ngực, cúi đầu, nhắm mắt. Dường như hai tâm hồn đang tê tái trước nỗi đau của kiếp người. Dường như hai linh hồn đang chết lịm vì tội sát sinh chồng chất, chồng chất…

Tôi chẳng biết nói gì, đành cúi mặt, làm thinh. Bầu khí vui tươi của phòng khách trở nên trang trọng lạ thường.

KỶ NIỆM SÁU

Ni cô Diệu Thảo ôm cuốn Tân Ước trước ngực. Cặp mắt khép hờ. Tâm tư trầm lắng. Hai giọt nước mắt lăn nhẹ xuống gò má, chạm phải đôi môi đang run run. Tà áo màu xám tro chùi nhanh hai giọt lệ.

– Cha ơi! Cái chết của Chúa đẹp quá! Không buồn, không giận, không than, chỉ một niềm yêu, chỉ một lời cầu “Xin tha cho họ”. Hai mắt Chúa khép lại. Đầu Chúa gục xuống. Chỉ còn lại một chữ yêu. Chỉ còn lại một lời tha thứ. Chúa đi rồi, nhưng yêu thương và tha thứ vẫn còn đó, lan tỏa khắp nơi. Nỗi đau vơi dần, vơi dần.

– Như vậy là Diệu Thảo thấm tình Chúa rồi phải không?

– Còn hơn thế nữa cha ạ.

Chị Diệu Thảo mến.

Cái lối xưng hô “cha – con” ngọt xớt của ba mươi ba năm về trước, bây giờ phải khép lại. Có lẽ chị đã là một thiền sư của một ngôi chùa lớn nào đó. Cũng có thể chị đã là một Kitô hữu như tôi? Nhưng chắc chắn là con đường chị đã đi qua bắt tôi phải suy nghĩ.

1. Là một Phật tử thấm nhuần tinh thần từ bi, hỷ xả của Đức Phật, chị bị sốc nặng khi thấy máu tuôn chảy suốt dòng lịch sử củadân tộc Do Thái. Chị kinh hãi khi thấy Êlia ra lệnh sát hại hơn bốn trăm sãi của thần Baal trên núi Carmel. Chị lợm giọng khi thấy tín đồ Do Thái cầu nguyện tỉnh bơ: “Nhờ danh Chúa, tôi trừ diệt chúng”. Họ còn cảm tạ Chúa, vì chân của họ chìm ngập dưới bùn trộn máu kẻ thù. Họ cũng còn hãnh diện vì thấy chó của họ được liếm thây quân thù, nằm ngổn ngang trên chiến trường…

Tôi hối hận vì đã tặng chị cuốn Cựu Ước, trước khi chị gặp được Đức Giêsu. Tôi thành thật xin lỗi chị về điều ấy.

Cựu Ước chỉ là con đường dẫn đến Đức Giêsu. Cựu Ước chưa có mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha. Mạc khải trọn vẹn ấy chỉ có trong Đức Giêsu mà thôi. Môsê chưa phải là “Thầy”. Các sứ ngôn trong Cựu Ước chưa phải là “Thầy”. “Thầy” ấy chỉ là Đức Giêsu mà thôi. Gioan Tẩy Giả là sứ ngôn cao trọng nhất đã phải thú nhận rằng:“Thầy đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng xách dép cho Thầy”.

Chị Diệu Thảo ơi!

Dường như chị đã cảm nghiệm được Đức Giêsu. Dường như chị đang “có” Đức Giêsu. Tôi mừng cho chị và tôi không còn hối tiếc nữa khi đã lỡ tặng chị cuốn Cựu Ước, trước khi chị ôm vào ngực cuốn Tân Ước một cách trìu mến.

2. Chị tu thiền. Chị ngồi thiền. Chị tạo được cái “tâm” trong như pha lê. Chị tạo được một cái “tư” trống không, mênh mông như một bầu trời, cao vời vợi, không vương một sợi mây.

Tu thiền là tiền sảnh của chính điện. Chính điện của tôi là Đức Giêsu, là mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha. Tôi đã vào chính điện. Tôi đã gặp được Đức Giêsu, “Thầy” của tôi.

Nhưng… tôi phải ghen với chị. Dường như… tôi chưa cảm được ngài, như chị đã cảm. Hôm ấy tôi thấy chị như xuất thần, hai tay đặt chéo trước ngực, rưng rưng hai giọt lệ. Chị cảm thấy Chúa là tình yêu, một tình yêu lan tỏa. Một tình yêu xóa hết nỗi đau của đời người.

Tôi mừng cho chị, vì chị đã đi qua cái “tiền sảnh” ấy trước khi vào gặp Đức Giêsu. Bây giờ tôi mới hiểu được lời giáo huấn của Thầy:“Ai muốn theo tôi, thì phải từ bỏ chính mình”. Thiền của chị là một cách từ bỏ chính mình. Thời gian chị ngồi thiền là thời gian chị quét dọn cái có, để có cái không. Cái không là điều kiện để có Đức Giêsu một cách trọn vẹn.

Cầu mong để chị có Đức Giêsu. Có thật nhiều. Có trọn vẹn.

Thân mến.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn