Ngày 17 tháng 10: Thánh Phanxicô Isidôrô Gagelin Kính,Linh mục (1799-1833)

print

Ngày 17 tháng 10:Thánh Phanxicô Isidôrô Gagelin Kính,Linh mục (1799-1833)

 

Thánh Phanxicô Isidôrô Gegelin Kính sinh ngày 10 tháng 5 năm 1799 tại làng Montperreux thuộc giáo phận Besancon, nước Pháp, trong một gia đình trung lưu, Công giáo đạo hạnh. Thời điểm cậu Phanxicô Isidôrô Gagelin chào đời cũng chính là thời điểm của nước Pháp đang bị xáo trộn về mọi phương diện do cuộc Cách Mạng Pháp đang diễn ra.

Trong thời điểm này, đạo Công Giáo bị bách hại, các linh mục bị truy nã, tôn giáo bị cấm cách. Do đó các linh mục trung thành với Giáo Hội phải ẩn trốn và lén lút làm việc mục vụ một cách rất khó khăn. Chính vì lý do này mà mãi tới gần một năm sau, tức ngày 14 tháng 7 năm 1710, cậu Phanxicô Isidôro Gagelin mới được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy.

Năm cậu lên hai tuổi thì cha cậu qua đời, để lại người vợ hiền và ba con, một trai hai gái. Người góa phụ hiền lành, đạo đức ở vậy thờ chồng nuôi con. Nhưng đời sống của bà cũng nhiều lần bị xáo trộn buồn khổ vì cậu con trai của mình. Cậu lớn lên bao nhiêu thì cậu sinh ngỗ nghịch, bướng bỉnh bấy nhiêu. Bà kiên tâm cầu nguyện và nhẫn nại khuyên bảo, dạy dỗ đứa con trai duy nhất của minh. Tới năm 11 tuổi, cậu Phanxicô Isidôrô Gagelin được xưng tội rước lễ lần đầu. Mẹ và hai chị vô cùng sung sướng lo lắng giúp đỡ cậu dọn tâm hồn thật sốt sắng để được rước Chúa Giêsu Thánh Thể lần đầu tiên tới ngự trong linh hồn mình. Cậu Phanxicô Isidôrô Gagelin cũng cảm thấy vô cùng sung sướng nên cũng rất trịnh trọng đọc kinh cầu nguyện theo lời khuyên dụ của mẹ và hai chị. Thế là từ sau khi được xưng tội rước lễ lần đầu, cậu Phanxicô Isidôro Gagelin tính tình thay đổi một cách lạ lùng. Cậu trở nên một học sinh hiền hoà, tính tính điềm đạm, lễ độ thật dễ thương. Bà mẹ và hai người chị vô cùng sung sướng khi thấy cậu được Chúa biến đổi cách lạ thường như vậy.

Năm 1812, chính phủ nước Pháp ký hoà ước với Giáo Hội, đạo Công giáo được phép trở lại hoạt đồng bình thường, cha chánh xứ Montperreux chính thức mở trường tại xứ đạo. Cậu Phanxicô Isidôrô Gagelin may mắn có trường ngay tại nhà xứ để tiếp tục đi học.

Tại nhà trường cậu Phanxicô Isidôrô Gagelin là một học sinh học giỏi, thường đứng đầu trong lớp, cậu lại ngoan ngoãn, chăm học, là một học sinh gương mẫu của trường. Các thầy cô rất thương và cha chánh xứ cũng rất quí mến. Về nhà cậu biết lo lắng chăm sóc mẹ, sẵn sàng giúp đỡ các chị thu dọn các việc trong nhà. Cậu thích được ở bên mẹ để nghe mẹ kể chuyện về người cha mất sớm của cậu. Người chị cả của cậu tên là chị Antonette kể lại một cậu chuyện khá hấp dẫn về cậu rằng, “một hôm trời mưa bão rất lớn, mưa đổ xuống như thác lũ, cậu Gagelin từ chuồng nuôi thỏ ở ngoài vườn chạy về áo quần ướt như chuột. Chi vội lấy quần áo khô cho cậu thay thì cậu em vui cười nói với chị: Chị để em thử xem em có chịu được lạnh không, vì biết đâu sau này em phải đi giảng đạo ở nơi xa thì sao”. Cô chị sững sờ trước câu nói của cậu em. Bà mẹ nghe cậu nói thì cười. Nhưng ý Chúa thật nhiệm mầu, có ai ngờ ân sủng của Chúa đã hoạt động thật sớm trong tâm hồn cậu bé Gagelin như thế.

Thế là ơn Chúa cứ tiếp tục đổ vào tâm hồn cậu bé Gagelin và tới năm cậu được 18 tuổi thì Chúa mới gọi cậu theo lời mời gọi của Chúa. Ngày 5 tháng 11 năm 1817, cậu đã nhận ra tiếng Chúa và cậu hiên ngang bước qua mọi hứa hẹn và hấp dẫn của trần thế để gia nhập Đại chủng viện Besancon theo đuổi ơn gọi trở thành linh mục Thừa Sai. Học tại Đại chủng viện Besancon 2 năm thì năm 1819 thầy Phanxicô Isidôrô Gagelin lại chính thức xin gia nhập Hội Thừa Sai Paris với ước nguyện sẽ được đi truyền giáo tại Viễn Đông.

Ngày 24 tháng 5 năm 1820, thầy Phanxcô Isidôrô Gagelin lãnh chức Năm rồi theo lệnh bề trên đáp tàu từ Bordeaux đi Macao rồi từ Macao có tàu tới cửa Thuận An chính thức đặt chân trên đất Việt Nam ngày 17 tháng 9 năm 1821. Thầy được Đức Cha Labartette nhận và giúp đỡ thầy trau đồi ngôn ngữ và thực tập công việc truyền giáo trong các vùng lân cận. Một năm sau, tức năm 1822, Đức cha Labartette truyền chức linh mục cho thầy Phanxicô Isidôrô Gagelin Kính tại Cổ Vưu rồi bổ nhiệm cha đi làm mục vụ tại xứ An Ninh. Mặc dù khi ấy hoàn cảnh đất nước khó khăn và đời sống rất cơ cực, nhưng cha luôn cảm thấy hạnh phúc và sung sướng.

Sau hai năm làm việc mục vụ trong thiên chức linh mục, bề trên lại chuyển cha về miền Nam làm việc tại Chủng viện Lái Thiêu. Thời bấy giờ tuy miền Nam cũng trong thời kỳ cấm đạo nhưng nhờ ảnh hưởng của Thượng Công Lê Văn Duyệt bao che, người Công giáo tạm được yên ổn, bằng an. Cha vui vẻ làm giáo sư Thần học tại chủng viện được một thời gian không lâu thì lệnh bắt đạo trở nên sôi động, chủng viện phải đóng cửa và ban giáo sử phải giải tán.. Trong một lá thư gửi về thăm mẹ và các chị, cha Gagelin Kính có đoạn viết như sau: “Vấn đề bắt đạo tại Việt Nam đã được đưa ra bàn trong Đại Hội Đồng. Tất cả các quan trong triều đều không tán thành và chính bà Hoàng Thái Hậu, mẹ của vua đã khuyên can vua không nên hành động như thế. Nhưng vì một số ít quan nịnh thần ghét đạo Công giáo bày mưu kế thúc đẩy vua Minh Mạng hành động, gây nên tang tóc như vậy”.

Vì sự thúc đẩy của một ít quan “nịnh thần” ghét Công giáo nên đầu năm 1825 vua Minh Mạng đã hạ bút ký những sắc lệnh cấm đạo rất gay gắt.

Năm 1827, vua Minh Mạng lấy cớ là mời tất cả các linh mục Thừa Sai tây phương về kinh đô để dịch sách và làm thông ngôn cho triều đình, nhưng hậu ý là để giam lỏng các vị Thừa Sai tây phương. Tất nhiên trong các linh mục Thừa sai ấy có cả cha Phanxicô Isidorô Kính nữa  Để che lấp ý đồ xấu xa và ác ý, vua hứa thăng chức quan cho các cha và hứa hẹn ban nhiều bổng lộc khác.  Nhưng tất cả các cha đều cúi đầu cảm tạ và từ chối mọi bổng lộc và chức quyền.

Trong một thư gửi về cho bạn hữu ở Pháp, cha Gagelin Kính đã viết những lời sau đây: “Tôi đã nói dứt khoát với quan lớn do vua sai đến ban ân huệ cho chúng tôi. Tôi cho ông biết rõ mục đích chúng tôi tới đây làm gì và chức linh mục cao trọng hơn chức quan như thế nào. Tôi cũng nói rõ chúng tôi đã từ bỏ gia đình, quê hương và tất cả những lợi lộc trần gian để chỉ truyền giảng Tin Mừng,  thì không dễ gì chúng tôi lại từ bỏ nhiệm vụ này. Tuy nhiên những công việc nào có thể dung hoà với nhiệm vụ của chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ nhà vua”.

Trong một chuyến công du về kinh hồi tháng 8 năm 1827, Tả Quân Lê Văn Duyệt đã vào triều yết vua, xin vua giữ lời hứa. Nhờ vậy mà vua đã trả tự do cho ba linh mục là cha Tabert Từ, cha Odoricô Phương và cha Phanxicô Isidorô Gagelin Kính.

Ngày 1 tháng 6 năm 1828, cha Kính lên đường trở về Đồng Nai đi thăm viếng các tín hữu trong khắp vùng từ Đồng Nai đến Vũng Tàu, bà Rịa. Sau đó đi xuống miền Lục Tỉnh tới Hà Tiên.  Đến năm 1829 cha lại trở về Chủng viện Lái Thiêu, được Đức cha Tabert Từ bổ nhiệm làm Bề trên địa phận và cử cha đi hoạt động mục vụ tại miền Trung, khởi đầu từ Phú Yên, tới Binh Định, Quảng Ngãi. Tới vùng đất khô chồi và nóng cháy này, cha kiên trì đem hết sức lực ra phục vụ giáo dân, dẻo dai đi bộ từ tỉnh này sang tỉnh khác để gặp gỡ, khuyên dạy và giảng giải giáo lý cho mọi lớp người, từ già tới trẻ, đi tới đâu cha cũng được người trên kẻ dưới hết lòng quí mến. Tất cả những người đã một lần gặp cha đều chuyền miệng khen ngợi cha rằng: “Cha rất hiền từ, đạo đức, tinh thần khó nghèo, sống khổ hạnh và tính tình chính trực, không ai có thể trách cha được điều gì”.

Tình thế cấm đạo mỗi ngày một thêm gay gắt, ngày 6 tháng 1 năm 1833 vua Minh Mạng lại ra thêm một chiếu chỉ cấm đạo gay gắt hơn. Công cuộc truyền giáo mỗi ngày bị xiết chặt khó khăn thêm. Đứng trước thời thế quá ngặt nghèo như thế, có người đưa ra ý kiến khuyên cha nên trở về quê hương ngài một thời gian, đợi tới khi tình thế thay đổi thì cha hãy trở lại. Nhưng cha vội bác bỏ ý kiến đó ngay. Cha nói;

– “Một công dân có nhiệm vụ thi hành nghĩa vụ quân sự, huống chi tôi được trao chức vụ lãnh đạo, làm sao tôi có thể thoái thác nghĩa vụ của tôi được?”.

Bất chấp những khó khăn trước mắt, cha vẫn tiếp tục hăng say hoạt động, tiếp tục giảng đạo cho một số người Thượng trong vùng Bình Định và Phú Yên.

Một hôm được một vị quan rất thân với cha, mật báo cho cha biết là sắp có cuộc truy lùng bắt các linh mục tây phương trong miền này. Xin cha cẩn thận trốn lánh đi một thờI gian. Được mật báo, cha cũng đã dự tính đi ẩn lánh nhưng khi thấy nhiều giáo hữu bị bắt để tra tấn phảI khai danh sách và nơi ẩn trú của các linh mục. Nhìn đoàn chiên bị tan tác thì đau lòng xót dạ. Cha liền biên một lá thư xin phép Đức Giám mục cho cha ra tự thú, nộp mình để cho các giáo dân được tha. Sau đó, ngày đầu tháng 5 năm 1833 cha đến trình diện với quan huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định, xưng mình là đạo trưởng tây phương. Thế là cha bị bắt ngay và giải về kinh đô nộp cho triều đình. Đi từ Bình Định ra tới Huế thời đó đường xá đi lại còn rất khó khăn nên mãi tới ngày 23 tháng 8 năm 1833 đoàn quân áp giải cha mới tới Huế. Vì đi đường quá mệt nhọc nên cha được đưa ngay vào nhà giam ở trấn phủ. Nơi đây một số các linh mục Thừa Sai đã bị bắt và đang bị giam giữ tại đây, trong đó có cha Jaccard Phan thuộc Hội Thừa Sai Paris, cha Odôricô Phương dòng Phanxicô bị bắt tại Cái Nhum. Cha Phương sau sáu tháng bị lưu đày thì chết rũ tù gần đèo Lao Bảo giáp ranh giới Ai Lao, còn cha Jaccard Phan sau cũng được phúc tử vì đạo một cách anh dũng như cha bề trên Phanxicô Isidorô Gagelin Kính..

Riêng cha bề trên Phanxicô Isidôrô Kính vua Minh Mạng đã quá biết rõ về cha, biết không có cách nào lay chuyển được lòng tin của cha cho nên các quan cũng không tra vấn, đánh đập hay hành nhục cha nữa. Nhưng tới ngày 12 tháng 10 năm 1833 thì có lệnh xiềng xích tay chân cha và phải canh gác cha cách cẩn trọng hơn, lại không cho cha được tiếp xúc chuyện trò với người khác. Cha có linh cảm là sằp tới ngày cha được về với Chúa. Và quả nhiên là như thế, Cha Jaccard Phan vì có liên hệ với triều đình gần gũi hơn nên biết tin và báo cho cha Phanxicô Isidorô Gagelin Kính biết ngày lãnh triều thiên tử đạo sắp tới. Cha Gagelin Kính xin cha Phan báo tin cho Đức Giám mục và Bề trên Hội Thừa Sai Paris cùng gia đình. Cha viết cho cha Phan: “Cha Phan ơi! Tôi xin tỏ bày niềm hân hoan vui mừng khi biết tin sắo được đổ máu mình ra vì đạo Chúa. Tôi từ gĩa cõi đời nà không hề thương tiếc một sự gì, chỉ nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đanh, đủ an ủi tôi về mọi điều đau khổ và cả cái chết nữa. Tất cả ước vọng của tôi là sớm được thoát khỏi thân xác tội lỗi này, để kết hiợp cùng Chúa Giêsu trong nơi vĩnh phúc. Tôi muốn thành tro bụi để kết hợp với Chúa Giêsu”.

Có lẽ vì trước kia cha đã giúp đỡ và truyện trò nhiều lần với vua Minh Mạng, nên vua rất qúi trọng cha, vì vậy mà bản án của cha vua giữ bí mật cho đến phút chót. Sáng sớm ngày 17 tháng 10 năm 1833 một đội lính đến nhà giam gọi tên cha. Cha hỏi đội lính:

– “Có phải các anh đến dẫn tôi đi xử phải không”

Anh đội trưởng trả lời:

– “Phải, theo lệnh vua, chúng tôi phải thi hành phận sự.

Cha bình thản trả lời:

– “Cám ơn các anh. Tôi đã sẵn sàng.

Thế là cha vui vẻ từ gĩa bạn bè trong nhà tù và theo đội quan ra pháp trường. Khi đi tới đầu cầu ngăn cách kinh thành và khu ngoại ô Bãi Dâu, vì chiếc gông nặng quá cha bước đi không nổi nên bốn anh lính phải đỡ bốn góc chiếc gông nặng nề để cha có thể bước qua cầu. Đi đầu lá một anh lính mang tấm bảng lớn ghi rõ: “Tên tây phương Dương Nhân Hoài Hà (phiên âm chữ Hán tên Gagelin) có tội vì đã rao giảng và truyền đạo Gia Tô trong nhiểu tỉnh trong nước, do đó sẽ bị án xử giảo”. Hai bên là hai hàng lính đi theo, ở giữa là hai quan cỡ ngựa đi sauDân chúng kéo nhau tới xem rất đông Đoàn quân đi nhịp nhàng, cứ đi chừng mấy trăm thước thì lại dừng lại, một anh lính đánh mấy tiếng trống, đọc bản án rồi lại đi tiếp.

TớI pháp trường quan quân đứng vòng tròn vây quanh, cha Gagelin Kính tiến vào giữa, họ để cha cầu nguyện ít phút rồI bọn lý hình tiến tớI bắt cha ngồI duỗI chân ra, lột áo, rồI trói ch vào cột cây đã chôn sẵn, lấy giây cuốn vòng quanh cổ rồI cuốn hai đầu giây vào hai cọc hai bên Hiệu lệnh thứ nhất, tiểu độI quân lính cầm lấy hai đầu giây..Hiệu lệnh thứ hai thì độI lính kéo thật mạnh, trong khoảnh khắc thì cha Gagelin Kính bị ngộp thở và tắt hơi thở cuốI cùng ngay tạI chỗ. Theo tục lệ, một lý hình tớI đốt ngón chân ngài để minh chứng nạn nhân đã thật sự chết rồi.

Ngay chiều hôm ấy, một người học trò cũ của cha Odoricô và một thầy Giảng của cha Phan đến xin xác, cùng với dân chúng rước về an táng trong một ngôi nhà tư của giáo dân xứ Phú Cam. Nhưng một chuyện hi hữu là vua Minh Mạng lại nghi ngờ rằng có thể như Chúa Giêsu chết sau ba ngày sống lại, cha Gagelin Kính cũng sẽ sống lại nên vua ra lệnh cho kiểm soát cẩn thận và bắt khai quật mồ vị tử đạo, khám nghiệm để biết chắc là đã chết rồi mới cho chôn táng lại.Thế mà vua Minh Mạng vẫn chưa an tâm, vua truyền cho dân Phú Cam phải trông coi giữ mồ.

Đến năm 1847 hài cốt của vị chứng nhân của Chúa được đem về Pháp đặt tại Nhà Nguyện Tử Đạo của các cha Hội Thừa Sai Paris.

Ngày 27 tháng 5 năm 1900 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bặc Chân Phước Tử Đạo và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.