Người dân thành phố Indonesia đổi vỏ chai nhựa lấy vé xe buýt miễn phí

print

Người dân thành phố Indonesia đổi vỏ chai nhựa lấy vé xe buýt miễn phí

Chính quyền thành phố Surabaya của Indonesia đã đưa ra giải pháp vô cùng sáng tạo để khuyến khích người dân tái chế rác thải: đổi vỏ chai nhựa đã qua sử dụng để được đi xe buýt miễn phí.  

Chương trình này đã được Surabaya – thành phố lớn thứ 2 của Indonesia – đưa vào thực hiện từ tháng 4 năm nay.

Theo đó, hành khách có thể lên những chuyến xe buýt màu đỏ trong thành phố bằng cách để lại các vỏ chai nhựa ở các nhà chờ xe buýt hoặc trao chúng trực tiếp cho lái xe.

Một chuyến xe buýt 2 giờ “có giá” 10 chiếc cốc nhựa hoặc 5 chai nhựa, tùy vào kích cỡ.

Chương trình nằm trong mục tiêu biến Surabaya trở thành thành phố không có rác thải nhựa vào năm 2020. Đây cũng là thành phố đầu tiên của Indonesia thực hiện chương trình này.

“Rác thải như chai nhựa chất đầy ở khu nhà nơi tôi sống, nên tôi mang chúng tới đây để môi trường sạch sẽ hơn và giúp những người đi thu gom rác giảm bớt khối lượng công việc”, cô Linda Rahmawati – một cư dân thành phố, nói.

Đồng tình với quan điểm trêm, cô Sulastri cho biết: “Chúng tôi có thể làm giảm lượng rác thải để chúng không chất đống lên tại nhà qua việc mang chúng tới đây và để chúng được sử dụng vào những việc hữu ích hơn. Đó là việc làm 2 bên cùng có lợi”.

Theo số liệu của chính quyền thành phố, 15% tổng lượng rác thải hàng ngày tại Surabaya là các sản phẩm nhựa, tương đương 400 tấn. Một chiếc xe buýt có thể giúp thu thập 250 kg chai nhựa mỗi ngày, tương đương 7,5 tấn/tháng.

Sau khi được thu thập, các nhãn mác và nắp chai sẽ được loại bỏ. Sau đó, chúng sẽ được bán lại cho các công ty tái chế. Số tiền thu được sẽ được đầu tư vào việc vận hành các tuyến xe buýt hoặc các khu vực công viên cây xanh trong thành phố.

Indonesia là đất nước có mức độ ô nhiễm cao thứ 4 trên thế giới.

“Indonesia là 1 trong những quốc gia tạo ra lượng rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới. Mặc dù đây mới chỉ là bước đầu, chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới rác thải nhựa”, ông Irvan Drajad – người đứng đầu Sở Giao thông Surabaya, cho biết.

Theo một nghiên cứu công bố năm 2015 trên tạp chí Science, Indonesia là quốc gia thải ra các đại dương lượng rác thải nhựa ô nhiễm lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Hoàng Anh (Tổng hợp)