Ngày 5 tháng 11:Thánh Đa Minh Mầu,Linh Mục (1794-1858)

print

Ngày 5 tháng 11:Thánh Đa Minh Mầu,Linh Mục (1794-1858) *

 

Thánh Đa Minh Mầu sinh năm 1794 tại làng Phú Nhai, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định thuộc giáo phận Bùi Chu ngày nay. Cha là ông Gioan Mỹ và bà Maria Lang, gia đình Công giáo ngoan đạo. Ngay từ nhỏ cậu Mậu đã có ý định sẽ dâng mình cho Chúa. Cậu thích theo mẹ đi nhà thờ, đọc kinh xem lễ và ước mong lớn lên sẽ xin vào Hội Giúp Lễ. Lúc 12 tuổi cậu được nhận vào Hội Giúp lễ và được vào sống chung với các bạn cùng tuổi trong nhà Chúa. Nơi đây cậu được học chữ nghĩa và tập tành các nhân đức. Sau đó, cha xứ thấy cậu ngoan ngoãn, học hành xuất sắc nên giới thiệu cậu vào chủng viện. Được nhận vào chủng viện, cậu Mầu vô cùng sung sướng, cậu tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Cậu hứa với Chúa và Đức Mẹ sẽ cố gắng hết sức học tập và trau dồi đời sống đạo đức để Chúa thương ban cho ơn làm linh mục của Chúa.

Con đường ơn gọi của cậu Mầu thật là tốt đẹp, trôi xuôi một cách thoải mái. Sau mấy năm tại tiểu chủng viện, cậu gặt hái được những thành quả rất tốt, rất xuôi thuận. Khi mãn chương trình tại tiểu chủng viện, thầy Mậu được gọi lên học triết rồi thần học. Tuy không phải là chủng sinh luôn luôn đứng đầu trong việc học, nhưng thầy Mầu luôn được ban giáo sư khen tặng là một chủng sinh gương mẫu về lòng đạo đức và hạnh kiểm. Do đó, khi hoàn tất chương trình học tập và đào tạo, thầy Đa Minh Mầu được thụ phong linh mục cùng với 10 linh mục khác của giáo phận. Sau đó, các Ngài xin vào Dòng Đa Minh để có thể sống đời sống dâng hiến tốt lành và tích cực hơn. Đức Giám mục giáo phận biết rằng những linh mục này xin vào Dòng nhưng dầu sao thì các ngài vẫn phải tiếp tục làm mục vụ cho giáo dân trong giáo phận. Vì thế, Đức Giám mục sẵn lòng chấp nhận để những linh mục này vào Dòng.

Sau một năm, tức năm 1830, 11 linh mục này khấn ba lời khấn của dòng Đa Minh và chính thức trở thành linh mục dòng Đa Minh. Điều đặc biệt đáng nói là trong số 11 linh mục này, sáu vị sau này đã được phúc tử đạo và đã được phong hiển thánh trong số 117 hiển thánh tử đạo Việt Nam.

Cuộc đời linh mục thi hành thiên chức linh mục của cha Đa Minh Mầu thật là man vàn khổ cực. Cha phải trải qua những ngày gian khổ dưới những cuộc cấm đạp ác nghiệt của vua Minh Mang, rồi Thiệu Trị, nối tiếp 10 năm đầy tàn bạo của thời vua Tự Đức. Mặc dầu khó khăn tới mấy, cha Đa Minh Mầu cũng tìm đủ mọi cách vượt qua để được sống gần gũi với đoàn chiên. Cha không bao giờ quản ngại, vất vả, không lùi bước trước những thách đố, cha đem hết tâm trí, sức lực của minh để lo chu toàn công việc do Chúa trao ban. Cha đảm trách nhiều giáo xứ và bất cứ nơi nào cần, cha mau mắn vượt mọi khó khăn nguy hiểm để đến tận nơi thi hành mục vụ.

Ngày 27 tháng 8 năm 1858, quan quân đến vây làng Kẻ Điền, giữa lúc cha Đa Minh Mầu đang lo công tác mục vụ tại đó. Cha bị bắt lúc cha vừa 50 tuổi, cùng với một số những người đang phục vụ trong nhà xứ và một số giáo dân ngoan đạo khác. Những người khác thì bị trói, riêng cha thì họ bắt cha đeo gông và xiềng xích tay chân. Tất cả bị giải về tỉnh Hưng Yên. Ở đây cha bị giam tù hơn  2 tháng tại nhà giam do Quán Án chỉ định và bị tra tấn, ép buộc cha phải bỏ đạo Gia Tô. Nhưng một lòng cương quyết  cha nhất định không bỏ đạo.

Tại nhà giam, cha Đa Minh Mầu tiếp tục khích lệ giáo dân và giúp đỡ họ xưng tội, đọc kinh cầu nguyện xin Chúa giúp sức chịu mọi đau khổ vì đạo Chúa.

Mặc dầu bị gọi ra toà nhiều lần, nhưng cha luôn bình tĩnh, tay luôn cầm tràng hạt Mân Côi Cha rất vững vàng trong mọi lần tra vấn. Khi quan án hỏi cha lần cuối:

– Này ông Mầu, tôi thấy ông là người học cao biết rộng, tôi không muốn tranh luận với ông về giáo lý của đạo ông nữa. Bây giờ tôi lấy tình nhân đạo, tôi thành thật khuyên ông vui lòng nghe theo tôi cũng như vâng lệnh vua, ông hay bước qua Thánh Giá để được cha ngay. Thực tình, tôi không muốn kết tội ông.

Cha khiêm tốn và vui vẻ trả lời:

– Thưa quan lớn, Tôi biết quan lớn quí mến tôi. Tôi xin hết lòng cám ơn quan lớn. Còn việc quan lớn khuyên tôi bước lên Thánh Giá để chối đạo thì việc này tôi không thể làm theo lời yêu cầu của quan lớn được, dù phài chết, tôi sẵn lòng chịu chết. Xin quan lớn đừng ép buộc tôi.

Nghe cha nói dứt khoát như thế. Quan Án lắc đầu, không nói thêm điều gì nữa. Quan cho lệnh đưa cha về nhà giam.

Theo lời chứng của bà Anna Ngoan, là người thường xuyên thăm nuôi cha trong thời gian 2 tháng tù tại đây như sau: “Tôi thường đem thức ăn cho cha trong 2 tháng cha bị giam giữ tại nhà giam của quan án. Tôi luôn thấy cha vui vẻ, tươi cười hiền hoà đến nỗi các chú linh canh cũng phải khen ngợi và mến phục cha. Cha thường khuyên những tín hữu tới thăm cha là hãy bền vững trong cơn khốn khó hiện tại và sẵn sàng ban phép hòa giải cho họ. Chính tôi đã dẫn nhiều người đến với cha. Cha luôn đeo tràng hạt bên ngoài cổ và dành nhiều thờui giờ để cầu nguyện. Trong các lần bị gọi ra trước mặt các quan, cha can đảm xưng đạo ra trước mặt các quan và cha nói, cha sẵn sàng chịu chết bất cứ khi nào vì Chúa Kitô”.

Các nhân chứng không biết rõ cha Đa Minh Mầu bị kết án như thế nào, chỉ biết khoảng trưa ngày 5 tháng 11 năm 1858 cha bị dẫn ra pháp trường Hưng Yên và bị chém đầu.

Qua nhiều lần tra vấn và thuyết phục cha Đa Minh Mầu chối đạo bất thành, quan tổng đốc tỉnh Nam Định làm án trảm quyết cùng với 21 giáo hữu khác. Bản án gửi về triều đình và được vua Tự Đức mau mắn châu phê, thế là bản án được cấp tốc thi hành. Đang lúc sốt sắng cầu nguyện trong góc nhà tù thì được tin này, cha Đa Minh Mầu vui mừng tạ ơn Chúa và hân hoan, sốt sắng giúp đỡ các tín hữu cùng xưng tội, cầu nguyện để chuẩn bị đón nhận hồng phúc được đổ máu mình ra vì đạo Chúa, được làm chứng nhân cho Chúa Kitô.

Ngay từ sáng sớm cha và các đồng bạn bị xử đã thức sớm cầu nguyện để sẵn sàng lên đường lãnh nhận triều thiên tử đạo. Các quan và một đội quân hùng hậu tới kêu tên cha ra và áp giải cha ra pháp trường. Trên đường đi, cha nghiêm trang cầu nguyện như đang cử hành thành lễ. Hai tay bị xích chắp lại, cha ngước mắt lên trời và chân đều đếu bước, dẫn đầu đoàn người tử đạo. Tới pháp trường là một khoảng đất rất rộng, nằm bên bờ sông Hưng Yên, cha quì gối, ngước mắt lên trời, vẻ sung sướng, hân hoan, cha cầu nguyện rồi đưa cổ sẵn sàng cho lý hình chém. Chiêng trống vang lên từng hồi. lý hình đợi tiếng chiêng trống cuối cùng thì vung gươm lên thật cao chém một nhát, đầu cha rơi xuống đất. Rất đông người theo tới nơi để chứng kiến, cả lương lẫn giáo, họ đã đổ xô tớI thấm máu vị chiến sĩ Đức Tin và xin thi hai để an táng. Hôm đó là ngày 5 tháng 11 năm 1858. Giáo dân đã xin được thi hài của Ngài và đưa về an táng tại nhà thờ mai Lĩnh, tỉnh Hưng Yên. Nhờ lời bầu cử của cha thánh tháng 11 năm 1858. Giáo dân đã xin được thi hài của Ngài và đưa về an táng tại nhà thờ Mai Lĩnh, tỉnh Hưng Yên. Năm 1874 nhờ lời bầu cử của cha thánh mà ông Đa Minh Đỗ thuộc họ Đức Bà ở Thượng Lạc thuộc xứ Kẻ Điền đã được khỏi bệnh đau bụng nguy kịch cách lạ lùng Ông Đỗ đã làm chứng trước toà án điều tra ngày 16 tháng 6 năm 1894. Cũng trong cuộc đdiều tra này còn một nhân chứng khác quả quyết bà Thị Chi 50 tuổi thuộc làng Lập Bái khẩn cầu với cha thánh Đa Minh Mầu mà đã được chữa khỏi quỉ ám năm 1884 Cũng trong năm đó, một người lương tên là Cai Thìn cũng được chữa khỏi quỉ ám nhờ cầu khấn trên mộ cha thánh Đa Minh Mầu Các phép lạ này được tám giáo dân xác thực và đã thề để làm chứng sự thật.

Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngáy 29 tháng 4 năm 1951 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng hiển thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Chứng Nhân Anh Dũng

Cha đang  đi đến pháp trường

Cổ đeo tràng hạt để trương ra ngoài

Hai tay chắp, bước khoan thai

Hân hoan chứng tỏ Cha hài lòng vâng

Tựa như trăng sáng một vầng

Cha đi lòng trí lâng lâng nguyện cầu

Ý trên tiền định đã lâu

Kỷ nguyên mười tám cha Mầu đã sinh

Khoảng năm lẻ tám sử trình

Hầu ghi lại ánh quang vinh nơi Ngài

Làng sinh tên gọi Phú Nhai

Xuân Trường tên phủ trần ai lưu truyền

Hiền lành như một con chiên

Tỉnh là Nam Định giữ nguyên đến giờ

Quả tôi thán phục một người

Ra đi chịu chết miệng cười hân hoan

Xác chôn trong đất nhân gian

Nhà thờ Mai Lãnh nghỉ an muôn đời

Hưng Yên tỉnh lị hiện thời

Uy danh Con Đức Chúa Trời tỏa lan

Nan  y, quỉ ám, bất an

Cầu Người, Chúa đã khứng ban chữa lành

Chúa làm cốt để vinh danh

Người con turng tín, tốt lành cõi dương

Giờ đang hưởng phúc Thiên Đàng

Đuốc dâng cao, chiếu tứ phương rạng ngời.

(Trương Hoàng)

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS

*Thánh Ðaminh Đinh Đức Mậu, Lm.

Ngày 19 tháng 12:Thánh Phanxicô Xavier Hà Trọng Mậu,Thầy Giảng  (1790-1839)