Chọn Đấng Chịu Đóng Đinh

print

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Chọn Đấng Chịu Đóng Đinh

 

Năm 1837, vua Minh Mạng triệu tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh về kinh và trao cho 40 cây Thánh Giá, rồi ra lệnh phải áp dụng gắt gao chiếu chỉ cấm đạo. Từ đó, tổng đốc Khanh trở thành “Hùm xám Nam định”.

40 cây Thánh Giá trở thành dụng cụ để thử thách niềm tin của người tín hữu. Người có đạo khi bị bắt, buộc phải “quá khoá” phải bước qua Thánh Giá. Nếu bước qua sẽ được sống, được trả lại tất cả những gì đã mất, và còn được tặng thêm phú qúi vinh hoa. Không bước qua phải bị tù đày, gông cùm đòn vọt và mất cả mạng sống.

Thánh Giá chính là cột mốc để phân định giữa sống và chết, giữa Thiên Chúa và thế gian. Khi đối diện với Đấng Chịu Đóng Đinh, người tín hữu luôn phải thực hiện một sự chọn lựa có tính quyết định.Chỉ cần một bước chân thôi là mọi sự thay đổi. Đã có người bước qua, và cũng có người không.

Có người bị khiêng qua thánh giá nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận. Đó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âutinh Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt. Cũng có những vị được quan quân khuyến dụ hãy giả vờ bước qua thập giá để cho quan có cớ mà tha, còn sau đó về nhà thì muốn sao tuỳ ý; nhưng các thánh tử đạo vẫn không chấp nhận một thoả hiệp như thế. Các ngài vẫn khẳng khái nói không. Không bước qua thập giá, không bỏ đạo, không chối Chúa.

Đứng trước thập giá là đứng trước một lựa chọn. Tôi chọn Chúa hay tôi chọn tôi? Không có giải pháp dung hoà hay lấp lửng.Giây phút đứng trước thập giá là giây phút quan trọng.Quyết định không bước qua thập giá là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện, của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo, của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm, của những Vườn Dầu trong ngục thất…

Các Thánh Tử Đạo có chung một chọn lựa dứt khoát : theo Đức Kitô hay theo vua quan? Theo Đức Kitô là vác thập giá, sống trong gông cùm và chết trong đau thương. Theo vua quan là thừa hưởng vinh hoa phú quý nơi trần gian. Các Ngài có chung một quyết định tối hậu là theo Đức Kitô. Giây phút quyết định ấy chỉ có các Ngài với Thiên Chúa, chỉ có linh hồn với cõi phúc vô biên. Giây phút ấy không bị ảnh hưởng bởi gia đình, tổ quốc, nhân sinh. Người chết trong máu tử đạo đã coi nhẹ nghĩa phu thê, đã xem thường đường phụ tử. Họ khao khát một tình yêu vô biên mỹ lệ như giải ngân hà sao sa vời vợi, như vầng nhật nguyệt huy hoàng khôn tả. Các Ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nổi, không bút hoạ nào vẽ thành và không hùng biện nào tuyên dương cho trọn. Người chết trong gông cùm mòn mỏi đã đặt tổ quốc đàng sau những giá trị vĩnh cửu. Ước vọng của họ không phải là được người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì đức tin thúc đẩy. Họ chỉ muốn thực hiện điều đã từng nghe biết : “Ai tuyên xưng danh Ta trước mặt trần gian, Ta sẽ tuyên danh nó trước mặt Cha Ta trên trời” (Mt 10,32). (x.Thiên Hùng Sử trang 4).

Trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Giáo Hội Việt Nam đã có hơn 100 ngàn Đấng Tử Đạo được ghi nhận trong sổ sách. Trong đó, có 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Italia, 15 Linh mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 270 Nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân. Đó là chưa kể con số rất đông các tín hữu bị chết mất tích trong các đợt bắt Đạo vì lưu đày, vì phải trốn tránh vào những nơi hẻo lánh.Đó là chưa kể rất nhiều tín hữu phải chết do cuộc Phân Sáp 400 ngàn người Công Giáo dưới triều Vua Tự Đức.Đó còn là chưa kể con số hơn mười mấy vạn người Công Giáo bị chết khi có Phong trào Văn Thân nổi lên tàn sát người Công Giáo…Như thế, con số Tử Đạo phải tính lên đến 300 ngàn người trong vòng 300 năm. Nếu tính theo tỷ lệ, 100 năm thì có 100 ngàn Vị Tử Đạo. Và theo tỷ lệ này, cứ một năm, có một ngàn Vị Tử Đạo; và đổ đồng, cứ một ngày, có hơn hai Vị Tử Đạo!

Thánh Giá luôn là điểm hẹn tình yêu,là nơi gặp gỡ của những người sống cho tình yêu và chết cho tình yêu. Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng Chịu Đóng Đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá.

Thánh Giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.Thánh Giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn. Ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống. Ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời. Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa, bởi lẽ “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Đức Cha Lambert de la Motte sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Đây là Hội Dòng chọn Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của tình yêu của lòng trí. Không chọn cái gì nhẹ nhàng mà lại chọn Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá. Chọn con đường theo Chúa là đi vào con đường hẹp. Một chọn lựa khôn ngoan vì đã chọn chính Đấng Cứu Độ. Thánh Giá là đỉnh cao ơn cứu độ.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh Thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.

Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước đổ ra, Máu của Đấng Cứu thế bị giết chết trên thập giá. Bởi đó Thánh Thể và Thánh Giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh Giá, Thánh Thể không có ý nghĩa. Không có Thánh Thể, Thánh Giá chỉ là thất bại.Từ Thánh Giá đến Thánh Thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh Giá đến tình yêu Thánh Thể.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhờ sức mạnh của Thánh Thể nên đã chọn Thánh Giá cách tuyệt đối và quyết liệt, dám liều mất cả mạng sống cho sự lựa chọn của mình. Các ngài thật khôn ngoan. Là con cháu của các Ngài, xin cho chúng con luôn khôn ngoan trong những chọn lựa của đời sống hàng ngày. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An