5 Phút Giáo Lý GPCT 2018: Bài 21-52

print

GIÁO PHẬN CẦN THƠ

HỌC HỎI 5’ CHÚA NHẬT

CN 4 PHỤC SINH – CN 34 THƯỜNG NIÊN

Tập II / Giáo Huấn 21 – 52

 2018

MỤC LỤC

TẬP I: CN I MÙA CHAY – CN III PHỤC SINH.

Lời ngỏ

Giáo huấn 12: Phụng Vụ (1): Ý nghĩa Phụng vụ.

Giáo huấn 13: Phụng Vụ (2): Công trình của Ba Ngôi.

Giáo huấn 14: Bí tích (1): Bí tích là gì?

Giáo huấn 15: Bí tích (2): Bí tích của Chúa Ki-tô.

Giáo huấn 16: Bí tích (3): Ấn tín Bí tích.

Giáo huấn 17: Cử hành Phụng vụ của Hội Thánh (1).

Giáo huấn 18: Cử hành Phụng vụ của Hội Thánh (2):  

Ngày Chúa Nhật.

Giáo huấn 19: Cử hành Phụng vụ của Hội Thánh (3):

Năm Phụng vụ.

Giáo huấn 20: Bí tích Rửa tội (1): Bí tích Rửa tội là gì ?

TẬP II: CN IV PHỤC SINH – CN 34 THƯỜNG NIÊN.

Mục Lục…………………………………………………………………………….. 02

Lời Ngỏ…………………………………………………………………………….. 04

Giáo huấn 21: Bí tích Rửa tội (2): Các ơn ban………………………… 05

Giáo huấn 22: Bí tích Thêm sức (1) là gì ?……………………………… 06

Giáo huấn 23: Thừa tác viên BT Thêm sức (2)………………………… 07

Giáo huấn 24: Bí tích Thánh Thể (1) là gì ?…………………………….. 08

Giáo huấn 25: Bí tích Thánh Thể (2): Những điều kiện?…………… 09

Giáo huấn 26: Bí tích Thánh Thể (3): Những ơn ích………………… 10

Giáo huấn 27: Bí tích Thống hối (1) là gì ?……………………………… 11

Giáo huấn 28: Bí tích Thống hối (2): Những việc cần làm………… 12

Giáo huấn  29: Ân xá là gì ? Các thứ ân xá?…………………………… 13

Giáo huấn 30: Bí tích Xức dầu bệnh nhân (1) là gì?…………………. 14

Giáo huấn 31: BT Xức dầu bệnh nhân (2): Mấy lần ?………………. 15

Giáo huấn 32: BT Truyền chức thánh (1) là gì ?……………………… 16

Giáo huấn 33: BT Truyền chức thánh (2): Các bậc?………………… 17

Giáo huấn 34: Ơn gọi linh mục, tu sĩ……………………………………… 18

Giáo huấn 35: Bí tích Hôn phối (1) là gì ?………………………………. 19

Giáo huấn 36: Bí tích Hôn phối (2): Những điều kiện………………. 20

Giáo huấn 37: Gia đình Công giáo………………………………………… 21

Giáo huấn 38: Á bí tích (1) là gì ?………………………………………….. 22

Giáo huấn 39: Á bí tích (2): Bốn loại……………………………………… 23

Giáo huấn 40: Việc đạo đức bình dân…………………………………….. 24

Giáo huấn 41: Nghi thức an táng Ki-tô giáo……………………………. 25

Giáo huấn 42: Cầu nguyện (1) là gì ?…………………………………….. 26

Giáo huấn 43: Cầu nguyện (2): Vì sao ta cầu nguyện ?……………. 27

Giáo huấn 44: Thánh vịnh là lời cầu nguyện…………………………… 28

Giáo huấn 45: Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện……………………….. 29

Giáo huấn 46: Chúa Thánh Thần hướng dẫn cầu nguyện…………. 30

Giáo huấn 47: Các hình thức kinh nguyện Ki-tô giáo……………….. 31

Giáo huấn 48: Những nguồn mạch giúp ta cầu nguyện…………….. 32

Giáo huấn 49: Cầu nguyện với Mẹ Maria……………………………….. 33

Giáo huấn 50: Các Thánh giúp ta cầu nguyện…………………………. 34

Giáo huấn 51: Thời điểm để cầu nguyện………………………………… 35

Giáo huấn 52: Kinh Lạy Cha………………………………………………… 36

Chú Thích………………………………………………………………………….. 37

 

LỜI NGỎ

Kính quí Cha,

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã xác quyết:

“Ở cấp địa phương cũng như toàn cầu, Hội thánh càng dành ưu tiên cho việc Huấn giáo…thì Hội thánh càng tìm được sức mạnh củng cố cho đời sống bên trong của cộng đoàn tín hữu, cũng như cho hoạt động truyền giáo bên ngoài của Hội thánh…Giáo hội mong ước chúng ta đừng bỏ sót bất cứ việc gì cần thiết, cho một công cuộc dạy giáo lý có tổ chức và định hướng đúng đắn”[1].

Vì vậy, theo Quyết Định Thực Hành Mục vụ 2018 của Giáo Phận, kính mời quí Cha thực hiện, cho các Cộng đoàn Phụng vụ Chúa nhật, chương trình “Học hỏi 5 phút, Giáo huấn 12 đến 52, về Phụng vụ – các Bí tích – Kinh nguyện Kitô giáo[2].

Mỗi bài gồm: Lời Chúa – Câu Giáo lý[3] – Diễn giải.

Theo “Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam” (HĐGMVN 2017), mỗi bài được thu gọn trong một trang, với những gì Cộng đoàn có thể và cần học hiểu, để “Hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, với Hội Thánh và với Nhân loại”.

Trong năm 2018, kỷ niệm 30 năm 117 vị tử đạo Việt Nam được tuyên phong lên bậc Hiển Thánh (1988-2018), nên ở mỗi bài, chúng ta sẽ cùng chiêm ngắm tấm gương của các Thánh tử đạo Việt Nam, để cùng các Ngài “Học hỏi, cử hành và sống đức tin”.

Kính mời quí Cha tùy nghi sử dụng tài liệu này để trình bày, hoặc cho Xướng viên đọc sau khi rao lịch Công giáo.

Thân mến

Ban Giáo lý/HĐ Mục Vụ GPCT: Lễ Dầu 27.3.2018.

 

Giáo huấn 21:      BÍ TÍCH RỬA TỘI (2): Các ơn ban.

“Anh em hãy chịu phép Rửa, để được ơn tha tội;
và nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2, 38)

  1. Bí tích Rửa tội ban cho chúng ta những ơn nào ? (c. 257)
  2. Bí tích Rửa tội ban cho chúng ta những ơn này:

– Một là được tha tội tổ tông và các tội riêng đã phạm;

– Hai là được làm con cái Thiên Chúa;

– Ba là được tháp nhập vào Đức Ki-tô và Hội Thánh;

– Bốn là được ghi vào linh hồn dấu ấn thiêng liêng không bao giờ xóa được.

Như vậy, ơn trọng đại nhất của bí tích Rửa tội là ơn được làm con cái Thiên Chúa[1]. Đây là niềm tin nền tảng, cần được lớn lên trong Hội Thánh và nhờ Hội Thánh, vì vậy hằng năm trong đêm vọng Phục Sinh, Hội Thánh mời các tín hữu nhắc lại lời hứa rửa tội. Hội Thánh cũng mời gọi ta luôn củng cố và sống đức tin qua việc cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, học hỏi giáo lý, tham dự phụng vụ, quảng đại phục vụ…

Từ thời xa xưa, Hội thánh đã Rửa tội cho các trẻ em: Vì đây là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa; vì dù các em chưa phạm tội riêng, nhưng các em đã được sinh ra với bản tính con người đã sa ngã và hoen ố do tội  tổ tông; vì khi dẫn các em vào đời sống Ki-tô hữu, Hội Thánh không làm tổn thương mà đã đưa các em đến tự do và hạnh phúc đích thực; vì đây thực sự là quyền lợi của các em. Điều quan trọng là cha mẹ và vú bõ đỡ đầu phải là những tín hữu tốt, sẵn sàng chăm sóc để ơn sủng của bí tích Rửa tội được phát triển[2].

v Như tấm gương của mẹ thánh An-rê Trông, bà chăm sóc cho đời sống làm con cái Chúa của con bà đến cùng: Bà đón con trên đường đi xử và hỏi ngay: “Con có nợ nần ai chăng để mẹ sẽ trả thay”. Khi lính chém đầu An-rê, bà kêu lớn trước mặt quan: “Ðây là con tôi, tôi đã cưu mang dưỡng dục…”, và bà mở rộng vạt áo, bọc lấy cái đầu đẫm máu của con, dâng lên Thiên Chúa.

 

Giáo huấn 22:      BÍ TÍCH THÊM SỨC (1) là gì ?

“Bấy giờ, hai ông đặt tay trên họ,
và họ nhận được Thánh Thần” (Cv 8, 17)

  1. Bí tích Thêm sức là gì? (259)
  2. Là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để ban tràn đầy Chúa Thánh Thần, hầu giúp chúng ta sống ơn Bí tích Rửa tội cách mạnh mẽ và tốt đẹp hơn.

– Chính Chúa Giê-su đã lập bí tích Thêm sức: sau khi sống lại, Người hiện ra, thổi hơi cho các Tông đồ được “nhận lấy Thánh Thần”[3], và vào ngày lễ Ngũ tuần, Người đổ tràn ơn Chúa Thánh Thần như đã hứa.

– Khi lãnh nhận bí tích Thêm sức, ” Bạn đã lãnh nhận ấn tín thiêng liêng của Chúa Thánh Thần, là thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức, thần trí dạy cho biết kính sợ Thiên Chúa “[4].

– Vì vậy, để lãnh nhận bí tích Thêm sức, tín hữu phải được chuẩn bị nhằm kết hợp mật thiết hơn với Chúa Ki-tô, gắn bó chặt chẽ với Chúa Thánh Thần, với hoạt động, hồng ân và lời mời gọi của Người, và hăng hái nhận lấy trách nhiệm tông đồ. Do đó, cần cố gắng giúp cho người chịu bí tích cảm nhận họ thuộc về Hội Thánh Chúa Ki-tô, Hội Thánh toàn cầu cũng như cộng đoàn giáo xứ. Giáo xứ có trách nhiệm đặc biệt trong việc chuẩn bị cho những người sắp chịu phép Thêm sức[5]. Tóm lại, “Người lãnh Thêm sức nhận được sức mạnh để công khai tuyên xưng đức tin như một bổn phận”[6].

v Cha thánh Bô-na Hương người Pháp đã tâm sự: Trước mặt vua quan, tôi có kinh nghiệm cụ thể lời Chúa Giê-su nói: Chúa Thánh Thần sẽ nói thay các con[7]. Thực vậy, chưa bao giờ tôi nói tiếng Việt lưu loát và dễ dàng như thế. Thánh Phaolô Đổng đã bị khắc lên má 2 chữ tả đạo, ông can đảm chịu đau lần thứ hai để xóa bỏ chữ tả đạo, rồi lại chịu đau lần thứ ba để khắc thay vào đó 2 chữ “Chính đạo”.

 

Giáo huấn 23:   THỪA TÁC VIÊN BT THÊM SỨC (2)

  1. Những ai là thừa tác viên của bí tích Thêm sức ? (265)
  2. Thừa tác viên của bí tích Thêm sức thông thường là Giám mục và những linh mục được chỉ định; nhưng trong trường hợp khẩn cấp, thì bất cứ linh mục nào cũng đều có nhiệm vụ ban bí tích này.

– Thừa tác viên thông thường của bí tích Thêm sức là Đức Giám mục, vì Giám mục kế nhiệm các Tông đồ, nên khi Ngài đích thân ban bí tích Thêm sức sẽ càng nhấn mạnh cho ta hiểu rằng: Bí tích Thêm sức kết hợp người lãnh bí tích với Hội Thánh, với nguồn gốc Tông đồ, với sứ mệnh chứng nhân cho Chúa Ki-tô.

– Đức giám mục có thể trao quyền cử hành cho các linh mục khi cần. Khi ban rửa tội cho người lớn, thì chính Linh mục cũng ban bí tích Thêm sức. Trong trường hợp nguy tử, bất cứ Linh mục nào cũng có quyền, mà còn có bổn phận ban Thêm sức, vì Hội Thánh mong muốn: không một người con nào, cho dù còn nhỏ, lìa đời mà chưa được Chúa Thánh Thần kiện toàn bằng ân sủng tràn đầy.

v Ý thức sâu xa về trách nhiệm thêm sức cho giáo dân, nên các Giám mục Thừa sai đã bất chấp mọi khó khăn bách hại để đến với họ. Hạnh thánh Giám mục Clê-men-tê Y[8] kể lại:

Ngay từ những ngày đầu, Ngài đã thích ứng được với khí hậu, ngôn ngữ, phong tục và những món ăn địa phương. Công việc Đức Cha quan tâm nhất là đến thăm tất cả các họ đạo. Ngài đã phải đi hàng trăm cây số đường mòn bờ đê, phải xuyên rừng leo núi…thế mà không họ lẻ nhỏ nhất nào không được Ngài đến thăm nhiều lần”.

Giáo phận Đông Đàng Ngoài[9] chỉ trong 10 năm có hơn 10.000 người lớn xin rửa tội. Con số 114.000 tín hữu khi Đức Cha Y nhận quyền giáo phận đã tăng lên 160.000 vào năm 1815, với gần 800 họ đạo.

Giáo huấn 24:      BÍ TÍCH THÁNH THỂ (1) là gì ?

“Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì được sống muôn đời” (Ga 6, 54)

  1. Bí tích Thánh Thể là gì? (267)
  2. Là bí tích Chúa Giê-su đã lập, để tiếp tục lễ hy sinh trên Thánh giá và để ban Mình Máu Ngài, làm của ăn nuôi sống chúng ta.
  • Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc ly, là bữa tiệc sau hết với các Tông đồ[10]… Người muốn Hy tế đẫm máu, được thực hiện một lần duy nhất trên thập giá, được tái diễn và tưởng niệm cho đến tận thế[11].
  • Vì vậy, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để nhớ đến Thầy. Cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: đây là chén Máu Thầy, máu đổ ra để lập Giao ước mới, mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”[12].
  • Sau khi chủ tế đọc lời Truyền phép, Chúa Giê-su hiện diện thực sựtrọn vẹn cùng với bản tính Thiên Chúa của Người dưới hình bánh hình rượu. Khi nói: “Anh em cầm lấy mà ăn…mà uống”, Người yêu thương ban chính Mình Người đã hiến tế, và ban Máu Người đã đổ ra “cho mọi người được tha tội”, nghĩa là được sự sống đời đời[13]. Nhờ Bí tích Thánh Thể, ngay từ bây giờ, chúng ta được hợp với Phụng vụ trên trời, và tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa[14].

v Chính vì Thánh Thể và nhờ Thánh Thể, các thánh linh mục tử đạo đã không hề chùn bước: Thánh Vinh-sơn Yến[15] chấp nhận ẩn trú, ban ngày thăm viếng và ban đêm dâng lễ cho giáo dân. Cha Phê-rô Tự mỗi sáng dâng lễ ngay trong vườn nơi cha trú ẩn. Cha Gio-an Đạt[16] bị bắt khi vừa dâng lễ xong tại nhà một giáo dân. Cha Mat-thêu Đậu[17] bị quân lính vây bắt đang lúc dâng lễ; Cha ôm bình thánh và rước hết Mình Chúa.

Giáo huấn 25:      BÍ TÍCH THÁNH THỂ (2)

“Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn bánh và uống chén này”.

  1. Phải có điều kiện nào để được rước lễ ? (289)
  2. Phải có những điều kiện này:

– Một là hoàn toàn thuộc về Hội thánh Công giáo;

– Hai là ý thức mình không có tội trọng;

– Ba là phải giữ chay theo quy định của Hội thánh;

– Bốn là có thái độ tôn kính Đức Ki-tô.

– Chúa khẩn thiết kêu mời chúng ta trong bí tích Thánh Thể: “Tôi bảo thật anh em: nếu anh em không ăn thịt và uống Máu Con Người, anh em không có sự sống nơi mình”[18].

Thánh Phao-lô khuyên ta: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn bánh và uống chén này”[19]. Ai biết mình đang mắc tội trọng, phải đi xưng tội trước khi rước lễ[20]. Phải giữ chay theo qui định của Hội Thánh[21]. Thái độ bên ngoài (cử chỉ, cách ăn mặc) phải biểu lộ lòng tôn kính và niềm vui của giây phút được Chúa ngự đến trong tâm hồn.

Hãy khiêm tốn và thâm tín lặp lại lời viên đại đội trưởng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì con được lành mạnh”[22].

v Các Thánh giáo dân tử đạo Việt Nam luôn nêu gương cho chúng ta về lòng kính yêu Thánh Thể: Cô Lu-xi-a Nụ, con bà thánh Đê đã nói trước tòa án phong thánh: “Mẹ chúng con rất chăm lo giáo dục con cái. Chính bà dạy đọc sách và học giáo lý, sau lại dạy cách tham dự Thánh lễ và xưng tội rước lễ. Bà thúc giục chúng con bằng được mới thôi…”.

Con của Thánh An-tôn Nguyễn Đích thì làm chứng: “Bố tôi luôn quan tâm đến đời sống đạo đức của mười người con, và của những gia nhân giúp việc. Mỗi ngày, ông chỉ định một hay hai người coi nhà, còn những người khác thì đi Lễ”.

Giáo huấn 26:      BÍ TÍCH THÁNH THỂ (3)

“Kẻ ăn Ta sẽ nhờ Ta mà được sống”

  1. Việc rước lễ đem lại cho chúng ta những ơn ích nào ? (290)
  2. Việc rước lễ làm cho chúng ta được kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô và Hội thánh, được tẩy xóa các tội nhẹ, gia tăng ân sủng và lòng yêu mến tha nhân.

– Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác, việc rước lễ cũng đem lại hiệu quả chính yếu là sự sống kết hiệp thâm sâu với Chúa Ki-tô: “Như Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ được sống nhờ Tôi như vậy”[23].

Như của ăn phục hồi sức lực đã tiêu hao, Thánh Thể củng cố đức mến mà trong đời sống hằng ngày có xu hướng suy yếu đi. Đức mến sống động này giúp ta xa lánh tội lỗi, có thể xóa đi các tội nhẹ[24], gìn giữ ta khỏi phạm tội trọng. Như Thầy Đường[25] đã viết trong thư gửi cha Ma-rết: “Hôm nay chúng con được rước Mình Thánh Chúa. Xin tạ ơn Chúa đã viếng thăm và làm vơi nhẹ những xiềng xích của chúng con…”.

Khi được kết hiệp chặt chẽ với Chúa Ki-tô, Người sẽ kết hiệp chúng ta với các tín hữu khác, thành một một thân thể duy nhất là Hội Thánh[26].

v Đặc biệt, bí tích Thánh Thể đòi buộc chúng ta nhận ra và chăm sóc Chúa nơi những người nghèo[27], như hạnh Thánh Án Khảm[28] có ghi: Người nhà phải kiếm những kẻ nghèo vào ngồi chung cụ mới chịu ăn cơm”. Có lần cụ cho mõ làng đi rao mời mọi người ra ruộng tổ chức đua diều. Thắng thua không thành vấn đề, miễn là cả làng được một bữa no. Với ông Cai Tả[29], thì “Mình quên nợ người, Chúa tha tội mình”. Còn ông Năm Quỳnh[30] thì nói với vợ con: Nếu bà và các con không cho tôi lấy của nhà giúp người nghèo, tôi sẽ vay mượn hay làm thuê kiếm tiền giúp họ. Tôi chưa thấy ai vì giúp người nghèo mà phải túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao ?

Giáo huấn 27:   BÍ TÍCH THỐNG HỐI (1)

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20, 22-23)

  1. Bí tích Thống hối là gì ? (294)
  2. Là bí tích Chúa Giê-su đã lập, để tha các tội riêng chúng ta đã phạm từ khi lãnh bí tích Rửa tội về sau, cùng giao hòa chúng ta với Thiên Chúa và Hội Thánh.

– Chúa Giê-su lập bí tích thống hối cho những tội nhân trong Hội Thánh, cho họ cơ hội mới để hoán cải và tìm lại ơn làm con cái Chúa, vì tội trước hết kéo ta xa lìa Thiên Chúa là Cha, đồng thời cũng lìa xa Hội thánh là mẹ.

Khi hoán cải chúng ta được Thiên Chúa tha thứ: Đức Giê-su tự khẳng định: “Con Người có quyền tha tội dưới đất”, và Người thực thi quyền ấy: “Tội con đã được tha”[31].

Người cũng ban cho Hội thánh quyền tha tội nhân danh Người[32], để ta được giao hòa với Hội Thánh. “Thầy ban cho con chìa khoá Nước Trời…”[33]. Đây chính là những điều được diễn tả và thực hiện qua bí tích thống hối và giao hòa nơi Tòa giải tội[34].

v Các vị tử đạo Việt Nam luôn quý trọng và được nâng đỡ bởi bí tích thống hối: Các linh mục tìm đủ mọi cách vào thăm để giải tội và đưa Thánh Thể. Cha thánh Mậu[35] đã biến nhà giam thành nơi hoạt động mới: Cha giúp nhiều tội nhân hoán cải đời sống; đặc biệt, một số phụ nữ đạo đức còn tìm cách đưa giáo hữu ở ngoài vào thăm để được xưng tội với cha. Còn Thầy Chiểu[36] thì quỳ xuống trước mặt Đức cha Hê-na-rết Minh[37] ngay tại pháp trước Bảy Mẫu để lãnh bí tích giải tội.

Được tha thứ, các ngài cũng nêu cao gương tha thứ: Cha Thê-ô-phan Ven[38] nói: Tôi chẳng ghét gì ai cả, tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho quan. Còn thánh Em-ma-nu-en Phụng[39] thì nói với các thân hữu: Hãy tha thứ, vì chính tôi đã thứ tha !

Giáo huấn 28:      BÍ TÍCH THỐNG HỐI (2)

“Xin ban lại cho con niềm vui vì được Chúa cứu độ” (Tv 50, 14)

  1. Muốn lãnh bí tích Thống hối chúng ta phải làm gì? (297)
  2. Muốn lãnh bí tích Thống hối ta phải làm bốn việc này:

– Một là xét mình;                                – Ba là xưng tội;

– Hai là ăn năn và dốc lòng chừa;      – Bốn là đền tội.

– Chúa Giê-su kêu gọi hoán cải và thống hối, trước hết nhắm đến hoán cải trong lòng, thống hối nội tâm. Hoán cải trong lòng, thống hối nội tâm thúc đẩy ta diễn tả ra bằng những cử chỉ và những việc làm khi đến với bí tích nơi Tòa giải tội[40], đó là “Xét mình, thật lòng ăn năn, xưng tội, khiêm tốn và thành tâm đền tội”[41].

. Xét mình là thành tâm nhớ lại các tội đã phạm từ lần xưng tội trước cho đến nay, phạm mấy lần và những trường hợp làm cho tội ra nặng hơn.

. Ăn năn tội là “đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm tội nữa”[42].

. Xưng tội là thành thực đến thú nhận với linh mục đại diện Chúa Ki-tô các tội mình đã phạm. Nên xưng cả các tội nhẹ[43], vì sẽ giúp ta rèn luyện lương tâm, chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu, sẵn sàng để Đức Ki-tô chữa lành, và tiến tới trong đời sống theo Thánh Thần.

. Đền tội là làm việc mà cha giải tội chỉ định để tạ lỗi cùng Thiên Chúa, và đền bù, sửa lại những thiệt hại do tội gây ra.

v Chúng ta có tấm gương ăn năn, đền tội tuyệt vời của 3 Thánh binh sĩ Au-gu-ti-nô Huy, Ni-cô-la Thể, Ða-minh Ðạt[44]: Sau khi yếu đuối chối Đạo, 3 ông quyết tâm trở lại cùng Chúa. Nhờ ơn Chúa thúc đẩy, sau khi đi xưng tội, 3 ông quyết lên tỉnh để tuyên xưng Đạo. Ba ông thưa với quan: “Bẩm quan lớn, Đạo Thiên Chúa là Đạo thật, Chúa là Đấng cao cả phép tắc vô cùng, bởi chúng tôi đã quá dại mà chịu bước qua Thánh giá, nay chúng tôi xin trả tiền lại cho quan lớn, và xin thật lòng tuyên xưng Đạo Thiên Chúa”… Các quan tỉnh Nam Định giải quyết không xong…Các ông quyết định “Vào kinh đô Huế, xin vua Minh Mạng”…Đến tháng 6.1839, cả 3 ông đã “được chết vì Đạo, để sửa lại gương mù gương xấu đã làm”.

Giáo huấn  29:                 ÂN XÁ

“Thánh Thần Chúa sai tôi đi công bố năm hồng ân” (Lc 4,18-19)

  1. Ân xá là gì? Có mấy thứ ân xá? (310-311)
  2. Ân xá là việc tha thứ những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội chúng ta đã phạm, dù những tội này đã được tha thứ. Có hai thứ ân xá:

– Một là đại xá: tha tất cả các hình phạt;

– Hai là tiểu xá: tha một phần các hình phạt.

– Ân xá là việc tha những hình phạt tạm do tội gây nên: Giáo lý Hội thánh dạy: Qua bí tích Giải tội, ta được tha thứ tội lỗi và lập lại tình nghĩa với Thiên Chúa; và ta cũng được tha hình phạt đời đời do tội gây nên. Nhưng những hình phạt tạm vẫn còn. Ta cần biết đón nhận các hình phạt tạm này như một ân sủng, bằng cách nhẫn nại chịu đựng những đau khổ và thử thách đủ loại, ngay cả cái chết. Ta cần cởi bỏ “con người cũ” và mặc lấy “con người mới”[45], nhờ làm những việc bác ái cũng như cầu nguyện và sám hối.

Muốn hưởng ân xá, Ki-tô hữu cần thi hành những điều Hội Thánh qui định[46], vì Hội thánh là trung gian phân phát kho tàng công phúc của Đức Ki-tô và các thánh”. “Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá, hoặc nhường cho người qua đời”.

v Các thánh tử đạo Việt Nam rất quý trọng những nguồn Ân xá, vì vậy, các ngài luôn nhẫn nại chịu đựng những đau khổ và thử thách đủ loại…Các ngài coi cái chết như một hiến tế; khi vừa biết chính xác ngày xử, các ngài thường chuẩn bị tinh thần bằng những hy sinh tự nguyện, ăn chay hãm mình, hoặc bằng những thời gian dài suy niệm. Cha Bô-na Hương viết: “Giờ long trọng đã điểm…Cậy vào lòng Chúa Giê-su nhân từ, tôi tin Ngài thứ tha muôn vàn tội lỗi cho tôi. Tôi tự nguyện hiến dâng máu và mạng sống vì yêu mến Ngài, và vì những linh hồn yêu dấu mà tôi muốn phục vụ hết mình…”.

Giáo huấn 30:   BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN (1)

“Các ông xức dầu cho nhiều người đau ốm…(Mc 6,12-13).

  1. Bí tích Xức dầu bệnh nhân là gì ? (312)
  2. Là bí tích Chúa Giê-su đã lập, để ban ơn nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu, về phần hồn cũng như phần xác.

– Chúa Giê-su cảm thương người bệnh tật, đến nỗi Người đồng hóa với họ: “Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom”[47]. Người chữa lành nhiều kẻ yếu đau[48], phần hồn lẫn phần xác[49], như dấu chứng Thiên Chúa viếng thăm Dân Người[50] và Nước Trời đã gần kề.

Chính Người thiết lập bí tích Xức dầu bệnh nhân, đã được thánh Mác-cô nhắc đến[51], và thánh Gia-cô-bê tông đồ đã ra chỉ thị và công bố[52].

Nhờ Xức dầu, nếu bệnh nhân đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha, dù họ chưa thể nhận được ơn tha thứ qua bí tích Hòa Giải; nếu Chúa muốn, thì nhờ việc Xức dầu, thể xác bệnh nhân cũng có thể được chữa lành, sức khỏe được hồi phục.

Nhưng ơn căn bản của bí tích Xức dầu là ơn sức mạnh, bình an và can đảm, để bệnh nhân tin cậy, phó thác vào Thiên Chúa hầu lướt thắng  cơn cám dỗ ngã lòng và sợ hãi trước cái chết; hầu biết kết hiệp với Đức Ki-tô khổ nạn, dâng hiến những đau khổ thể xác cũng như tinh thần để cầu nguyện cho Giáo hội và mọi người.

v Cuối cùng, với việc rước Mình Thánh Chúa như  Của Ăn đàng, bí tích này chuẩn bị cho người bệnh vượt qua từ cõi đời tạm này, vững lòng tin tưởng sẽ được về cõi sống đời đời, như gương Thầy Uyển[53] đã nói với quan: “Hãy chém đi…tôi lại được cái đầu khác”. Còn ông Án Khảm[54] vui vẻ nói: “Cha con chúng tôi hôm nay vào Nước Thiên Đàng đây”. Thầy Mậu[55] đại diện anh em nói: “Thưa quan, chúng tôi mong về bên Chúa như nai mong tìm thấy suối”.

Giáo huấn 31: BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN (2)

  1. Chúng ta được lãnh bí tích Xức dầu mấy lần? (321)
  2. Chúng ta có thể lãnh bí tích Xức dầu nhiều lần, mỗi khi bệnh trở nặng hay mắc phải một cơn bệnh nặng khác.

Bí tích Xức dầu nhắc nhở Ki-tô hữu những thái độ phải có:

Bản thân: biết vâng theo thánh ý Chúa khi gặp bệnh tật; biết kết hiệp những đau khổ bệnh tật của ta với cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô; biết quý trọng và lo liệu để lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân đúng lúc.

Đối với người khác: trong tình hiệp thông, bác ái, chúng ta cần thăm viếng, giúp đỡ các bệnh nhân. Nhắc nhở họ biết có thái độ tin, cậy, mến trước bệnh tật, trước cả cái chết, biết vui lòng chịu đau khổ để kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô. Cần lo cho họ được lãnh các bí tích sau hết.

Thời gian thích hợp cần “mời linh mục của Hội Thánh đến” là khi người bệnh bắt đầu lâm cơn nguy tử, chứ không chỉ đợi tới lúc hấp hối[56]. Trước khi đại phẫu, hoặc khi người cao tuổi thấy sức lực suy yếu cũng được lãnh nhận Xức dầu.

Bệnh nhân có thể lãnh nhận bí tích này nhiều lần, cứ mỗi lần trở nặng. Bệnh nhân cần chuẩn bị tâm hồn để nhận bí tích cách xứng đáng. Các mục tử và cộng đoàn phải trợ giúp, chăm sóc và cầu nguyện cho họ.

v Các thánh Tử đạo Việt Nam nêu lên những tấm gương cao đẹp: Đức cha Henares Minh[57] đi đâu cũng mang theo Dầu và tráp thuốc chữa bệnh miễn phí. Ông Trùm Đích[58] thường xuyên thăm viếng trại cùi và sẵn sàng nuôi người mắc bệnh dịch tại nhà. Cha Hoàng Khanh[59] trong tù sẵn sàng chữa bệnh cho thân nhân viên cai ngục.  Còn trong Phong trào Thánh Nhi[60]: các y sĩ, các dì phước và các bà đỡ tìm mọi cách thăm nom, săn sóc, nuôi nấng, thuốc men các em bị bệnh nặng;  rửa tội và an táng cho trẻ em chết yểu; nếu các em sống sót, thì dạy giáo lý và dạy nghề, cho đến khi các em tự lập được.

Giáo huấn 32:   BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH (1)

Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy,
nhưng phải được Thiên Chúa gọi” (x. Dth 5, 1-4)

  1. Bí tích Truyền Chức Thánh là gì? (324)
  2. Là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để ủy thác sứ vụ của Ngài cho các Tông đồ, nhờ đó sứ vụ này tiếp tục thực thi trong Hội Thánh cho đến ngày tận thế.

– Chỉ có Đức Ki-tô là Đấng “thánh thiện, vẹn toàn, vô tội”[61], nên cũng chỉ có người là vị Thượng Tế duy nhất, mà trên thập giá, Người đã hoàn tất hy lễ duy nhất cứu độ nhân loại. Tuy nhiên, cũng như Người đã trao quyền rửa tội và tha tội, Người cũng trao quyền cử hành Hy lễ duy nhất của Người cho các Tông đồ trong Bữa Tiệc Ly[62]. Rồi các Tông đồ lại đặt tay trao quyền lại cho những người kế vị các Ngài liên tục qua các thời đại, đó là các Giám mục. Các Giám mục lại đặt tay trao ban chức Linh mục và Phó tế cho những người mà các ngài tuyển chọn để lập thành Hàng Giáo Sĩ.

Như vậy, khi trao quyền cho các Tông đồ, chính Chúa Ki-tô đã thiết lập bí tích Truyền Chức Thánh để thông ban chức Linh mục, Tư tế  của Người cho những người được tuyển chọn, để các vị tiếp tục phục vụ Dân Chúa bằng việc Giảng dạy, Tế tự và Chủ chăn.

v Hơn ai hết, các giám mục, linh mục tử đạo tại Việt Nam xác tín sâu xa về sứ vụ Giảng dạy, Chủ chăn, nhất là trở nên Hy Lễ. Đức cha An[63] viết: “Chớ gì máu tôi hòa với máu Đức Ki-tô, tẩy rửa tôi sạch muôn vàn tội lỗi”. Cha Kính[64] nói : “Chỉ nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh đủ an ủi tôi trước mọi đau khổ, và cả cái chết nữa”. Cha Dụ[65] tâm sự: “Sức tôi tuy đã giảm, nhưng còn chịu đựng được. Chúa chúng ta đã chịu bao hình khổ để cứu độ nhân loại. Tôi cũng sẵn lòng chịu những sự khó này để nên giống Chúa Ki-tô phần nào”. Cha Hiển[66] thì nói: “Tôi sẵn sàng chết vì Đấng đã chết cho tôi”.

Giáo huấn 33:      BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH (2)

  1. Bí tích Truyền Chức Thánh gồm những cấp bậc nào? (330)
  2. Bí tích Truyền Chức Thánh gồm ba cấp bậc này: một là phó tế, hai là linh mục, ba là giám mục.

– Giáo lý Công Giáo ghi nhận có hai cấp bậc tham dự như thừa tác viên vào chức tư tế của Đức Ki-tô, đó là hàng giám mục và hàng linh mục. Còn hàng phó tế có nhiệm vụ giúp đỡ và phục vụ các giám mục và linh mục. Tuy nhiên, cả ba đều được trao ban qua bí tích Truyền Chức Thánh.

Các ngài đã được Thiên Chúa tuyển chọn giữa loài người, với Chức Thánh, các ngài gánh vác những trách nhiệm đối với Hội Thánh và mọi người, tuy nhiên các ngài vẫn mang thân phận con người yếu đuối, có giới hạn. Vì vậy, trong tình hiệp thông, mỗi Ki-tô-hữu có bổn phận:

. Cầu nguyện cho các ngài luôn được nhiều ơn Chúa.

. Tôn kính, mến yêu, vâng lời các ngài vì các ngài là các vị thay mặt Chúa.

. Cộng tác với các ngài trong việc xây dựng Hội Thánh, xây dựng Họ đạo.

. Giúp đỡ các ngài về tinh thần cũng như vật chất.

v Hơn ai hết, các Vị tử đạo Việt Nam xác tín sâu xa về trách nhiệm sống chết với các chủ chăn: Khi quan nói dối Thầy Úy: Cha Tự chối đạo rồi, sao anh còn cố chấp thế? Thầy bình tĩnh trả lời: Vô lý, Cha tôi không bao giờ làm vậy! Còn Cha Tự và cụ lang Cảnh: Trên đường ra pháp trường nô nức như ngày hội, vẫn thong thả vừa đi vừa xướng kinh Cầu các Thánh, cụ Lang Cảnh bước đi vất vả hơn vì yếu sức, nhưng vẫn đều đặn thưa: “Cầu cho chúng con”. 

Thánh Em-ma-nu-en Phụng đã dặn dò con trai: Đừng chôn cất Ba rầm rộ, nhưng nhớ chôn Ba bên cạnh cha sở (Phê-rô Đoàn công Quý), để cha con sống chết có nhau !

Giáo huấn 34:      ƠN GỌI LINH MỤC, TU SĨ

“Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 37-38)

  1. Ơn gọi sống đời thánh hiến là gì? (357)
  2. Ơn gọi sống đời thánh hiến là lời Thiên Chúa ngỏ với một số người, để mời gọi họ sống đời tận hiến trong bậc tu trì hay giáo sĩ.

Có 3 dấu hiệu cho biết một người có Ơn kêu gọi ?

. Một là có ý ngay lành và ước muốn dấn thân phục vụ Chúa.

. Hai là có đủ điều kiện Hội thánh qui định.

. Ba là được những người có trách nhiệm tuyển chọn.

Vì vậy, người muốn dâng mình cho Chúa phải cầu nguyện, suy nghĩ, xin người khôn ngoan chỉ dẫn và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa, để tự nguyện sống theo ba lời khuyên của Tin Mừng là khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

Họ được thánh hiến cho Thiên Chúa cách đặc biệt, để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh cách hoàn hảo hơn trong các bậc “Tu sĩ” (Linh mục hoặc nam nữ tu sĩ thuộc các Dòng tu) và “Giáo sĩ” (Linh mục và Phó tế).

Cha mẹ nói riêng và gia đình nói chung, có vai trò quan trọng trong việc khám phá, vun trồng và nuôi dưỡng ơn gọi linh mục tu sĩ.

v Những bà mẹ như mẹ của cha Giắc-ca Phan[67] hoặc Cát-ta-nê-đa Gia[68] chắc chắn đã là nguồn sức mạnh cho các ngài khởi đầu và trung thành đến cùng với ơn gọi linh mục: Khi nghe tin con chịu chết vì đạo, mẹ của cha Phan đã reo lên : “Thật là tin vui, gia đình ta có một vị tử đạo…Xin chúc tụng Chúa, tôi sẽ buồn biết bao, nếu con tôi chịu khuất phục trước gian khổ và cực hình”.

Còn mẹ của cha Gia thì chỉ mong con mình “chết vì đức tin”, vừa nghe tin con được tử đạo, Bà vội đến Nhà thờ để cùng các cha Dòng Đa-minh hát bài Te Deum (Ca ngợi Chúa).

Giáo huấn 35:      BÍ TÍCH HÔN PHỐI (1)

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,

loài người không được phân ly” (Mt 19, 4-6)

  1. Bí tích Hôn Phối là gì ? (345)
  2. Là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để kết hợp hai người tín hữu một nam một nữ thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, cùng ban ân sủng để họ yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương Hội Thánh.

Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân”[69]. Vì Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, nên tình yêu giữa họ trở thành hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bền vững mà Thiên Chúa dành cho con người[70]. Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu này được sung mãn và thể hiện trong việc bảo tồn công trình sáng tạo: “Người phán, hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất”[71].

 Còn Chúa Giê-su đã xác định: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”[72].

Hôn nhân Ki-tô giáo là bí tích của giao ước giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh, nên Thánh Phao-lô đã viết: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh, để thánh hoá Hội Thánh…”[73].

v Phải nhận rằng: trong số các vị tử đạo Việt Nam, không phải tất cả đã luôn trung thành với lời cam kết hôn nhân, như ông Gẫm[74], binh sĩ Huy[75]Cai Thìn[76] … đã có lúc sa ngã, thế nhưng tất cả đều đã trở về vun đắp lại mái ấm gia đình.

Hơn nữa, chính vì tình nghĩa vợ chồng, các ngài đã giúp nhau nên thánh, như bà Lý Mỹ, dù nghẹn ngào nhưng vẫn can đảm khích lệ chồng: “Vợ con ai mà chẳng thương, nhưng ông hãy hy sinh vác thánh giá nặng nề vì Chúa. Hãy trung thành đến cùng, đừng lo nghĩ đến mẹ con tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả”.

Giáo huấn 36:      BÍ TÍCH HÔN PHỐI (2)

  1. Muốn lãnh bí tích Hôn phối phải có những điều kiện nào?
  2. Muốn lãnh bí tích Hôn phối phải có những điều kiện này:

. Một là đã lãnh nhận bí tích Rửa tội;

. Hai là không bị ngăn trở bởi luật tự nhiên và luật H.thánh;

. Ba là hiểu biết về bí tích Hôn phối và đời sống gia đình;

. Bốn là có tự do kết hôn và công khai nói lên sự ưng thuận của mình theo nghi thức Hội thánh.

Hội Thánh dạy các tín hữu kết hôn theo nghi thức của Hội Thánh[77], bởi lẽ :

– Hôn nhân là một bậc sống trong Hội Thánh, có những nghĩa vụ và quyền lợi giữa đôi vợ chồng và đối với con cái;

– Bí tích Hôn phối là một hành vi phụng vụ, công khai. Chính đôi bạn cử hành bí tích khi trao đổi sự tự do ưng thuận[78].

– Là một bậc sống trong Hội Thánh, nên phải có sự chắc chắn, buộc phải có những người làm chứng.

– Việc công khai bày tỏ sự ưng thuận sẽ giúp bảo vệ lời cam kết và chung thủy cùng nhau hơn.

Như vậy, điều kiện thiết yếu “làm nên hôn nhân”[79] chính là sự ưng thuận, được bày tỏ công khai.

Do đó, việc chuẩn bị hôn nhân qua việc học giáo lý, cầu nguyện, sống tốt thời gian đính hôn…là những điều rất quan trọng, để lời cam kết của đôi hôn phối thực sự có ý thức, tự do.

v Thánh Micae Hy[80] đã ý thức sâu xa: hôn nhân chính là giao ước với Thiên Chúa và Hội Thánh, nên khi bị ảnh hưởng xấu của bạn bè quan lại, đã quan hệ và có con với một thiếu nữ trẻ, Ông đã chuộc lại lỗi lầm bằng việc rửa tội và nuôi nấng ba đứa con ngoại hôn như con chính thức. Ông làm nhiều việc thiện để xin Chúa thứ tha. Ông tâm sự với bạn bè: “Tôi chỉ có thể chuộc lại phần nào bằng chính máu của tôi!”. Ông đã được phúc tử đạo như ý nguyện ngày 22.5.1857, tại Huế.

Giáo huấn 37:      GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO

  1. Vì sao gia đình công giáo được gọi là “Hội Thánh tại gia” ? (356)
  2. Vì gia đình công giáo biểu lộ bản chất của Hội thánh là gia đình của Thiên Chúa; và vì gia đình công giáo: vừa là cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, trường dạy các đức tính nhân bản và Kitô giáo, vừa là nơi đầu tiên đức tin được loan truyền cho con cái.

– Chúa Giê-su đã muốn sinh ra và lớn lên trong gia đình thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a. Đó là Hội thánh đầu tiên, là “gia đình của Thiên Chúa”. Từ đầu, Hội Thánh được hình thành thường từ những người “cùng với cả gia đình”, trở thành tín hữu[81]. Khi theo đạo, họ ao ước cho “cả nhà” được ơn cứu độ[82].

Ngày nay, trong một thế giới thường hững hờ và có khi thù nghịch với đức tin, các gia đình tín hữu có tầm quan trọng hàng đầu, vì đó là những lò đức tin sống động và toả sáng. Chính trong các gia đình, các bậc làm cha mẹ “bằng lời nói và gương sáng, đang là những vị rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái, phục vụ cho ơn gọi riêng của mỗi đứa con, đặc biệt là ơn gọi linh thánh”[83].

v Gia đình thánh Mi-ca-e Lý Mỹ thực là một “Hội thánh tại gia”: cô Mỹ, mới 12 tuổi, nhưng cũng thưa với cha: “Xin bố can đảm chịu chết vì Chúa”. Cậu Tường, mới 9 tuổi, cũng nài nỉ dân làng chuyển lời cho cha: “Bố đừng lo cho chúng con, bố hãy an tâm vững lòng xưng Đạo và chịu chết vì Đạo!”. Bà Lý bồng con mới sinh được mấy tháng lên thăm chồng, bà trao con cho ông ẵm, nước mắt giàn giụa, nhưng bà vẫn can đảm khích lệ chồng, bà nói: “Vợ con ai mà chẳng thương tiếc, nhưng ông hãy hy sinh vác thánh giá rất nặng Chúa trao, hãy trung thành với Chúa đến cùng. Ông đừng lo nghĩ gì về mẹ con tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả. Đến thăm ông lần này là lần sau hết! Cầu xin Chúa cho ông vâng theo thánh ý Người đến cùng!”. Ông Lý lòng đau như cắt, nhưng cũng bình tĩnh nói với bà: “Lời bà khuyên nhủ đốt thêm lửa kính mến Chúa trong lòng tôi. Bà đem con về săn sóc thay tôi, sớm tối cầu nguyện. Hẹn ngày sau gặp bà và các con chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi quê thật là Nước Thiên đàng”.

Giáo huấn 38:             Á BÍ TÍCH (1)

  1. Á bí tích là gì? (362)
  2. Á bí tích là những dấu hiệu thánh thiêng do Hội Thánh thiết lập, để giúp các tín hữu thánh hóa một số hoàn cảnh trong cuộc sống.

Hội Thánh đã thiết lập những á bí tích. Đây là những dấu chỉ thánh thiêng, nhờ đó, phần nào phỏng theo các Bí tích, những hiệu quả, nhất là những hiệu quả thiêng liêng được thông ban nhờ lời khẩn cầu của Hội Thánh (Vd. Việc Rảy nước thánh trong nghi thức sám hối Lễ Chúa nhật là phỏng theo việc xối nước thanh tẩy của bí tích Rửa tội). Nhờ các á bí tích, ta được chuẩn bị lãnh nhận hiệu quả chính yếu của các bí tích và những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống của ta được thánh hóa (vd. Làm phép xe để xin Chúa ban phúc lành khi giao thông)[84].

Á bí tích luôn luôn gồm một kinh nguyện, và thường kèm theo một dấu chỉ xác định như đặt tay, dấu Thánh giá, rẩy nước thánh (để nhắc lại bí tích Rửa tội).

Các Á bí tích không ban ơn Thánh Thần như các bí tích, nhưng chuẩn bị chúng ta đón nhận ân sủng và giúp chúng ta cộng tác với ân sủng (Vd. Việc làm phép chuỗi Mân côi giúp chúng ta sốt sắng suy niệm 20 mầu nhiệm).

Cha thánh Giuse Hiển[85], 71 tuổi, nêu gương tôn kính các dấu chỉ thánh nhất là qua dấu chỉ Thánh Giá:

Cha cặm cụi mỗi tối vẽ trên vải những hình Thánh giá với những nét hoa văn thật đẹp, tặng cho các tín hữu vào thăm, giúp cho một số tội nhân thống hối, một số người nhát đảm được can trường. Rất đông người đến xin hình Thánh giá, tạo nên phong trào sùng kính Thánh giá rộng rãi ở Nam Định.

Giáo huấn 39:             Á BÍ TÍCH (2)

  1. Có mấy loại Á bí tích ? (364)
  2. Có bốn loại này:

– Một là việc chúc lành;

– Hai là việc thánh hiến con người;              

– Ba là việc dâng hiến những đồ vật được dùng vào việc thờ phượng;

– Bốn là việc trừ tà.

Trong số các Á bí tích, đứng đầu là các phép lành: Bất cứ sự chúc lành nào cũng đều là lời ngợi khen và là lời cầu xin Thiên Chúa. Trong Chúa Kitô, các Kitô hữu được Chúa Cha chúc lành[86]. Bởi vậy khi ban phép lành Giáo hội kêu cầu Danh thánh Giê-su, kèm với dấu Thánh Giá.

Có những Phép lành phục vụ cộng đoàn, như phép lành Tòa thánh, nghi thức cha sở mới nhậm chức; phép lành trên người như chúc lành cho đôi tân hôn; phép lành trên nơi chốn như làm phép nhà thờ, nhà ở, xe cộ…hoặc phép lành trên sự vật như làm phép chuông, làm phép ảnh tượng, chuỗi mân côi…Thánh Em-ma-nu-en Phụng đã rất mực tôn kính những vật thánh này: Tại pháp trường, ông gặp các con mình, ông đeo vào cổ con gái – cô Anna Nhiên – ảnh Thánh Giá và nói: Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật của ba. Đây là ảnh Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ảnh này quý hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé.

Cũng có Nghi thức trừ tà: Nhân danh Chúa Ki-tô, Hội Thánh công khai và có thẩm quyền cầu xin, để một người hay một sự vật được Thiên Chúa bảo vệ, và giải thoát khỏi quyền lực và ách thống trị của xa-tan. Chúa Giê-su đã từng trục xuất thần dữ[87]; Người ban cho Hội Thánh quyền và nhiệm vụ trừ tà[88].

Giáo huấn 40:      VIỆC ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN

  1. Ngoài phụng vụ, đời sống kitô hữu còn được nuôi dưỡng bằng những hình thức đạo đức bình dân nào? (365)
  2. Ngoài phụng vụ, đời sống kitô hữu còn được nuôi dưỡng bằng những hình thức đạo đức bình dân như việc tôn kính các di tích thánh, viếng nhà thờ, hành hương, rước kiệu, chặng đàng Thánh giá, lần chuỗi Mân côi…

Có nhiều hình thức đạo đức bình dân khác nhau, quy tụ quanh đời sống bí tích của Hội Thánh, như tôn kính các Thánh tích, Viếng các thánh điện, Hành hương, Rước kiệu, Đi Đàng Thánh giá, Dâng hoa, Lần chuỗi Mân côi, Đeo ảnh thánh[89]

Những hình thức đạo đức này nối dài chứ không thay thế đời sống phụng vụ của Hội Thánh nên “Cần xếp đặt các việc ấy cho hòa hợp với các mùa phụng vụ, để tiến dẫn dân chúng đến với phụng vụ”[90].

Khi nói về lòng đạo đức bình dân, ĐTC Phan-xi-cô viết:

“Tôi nghĩ đến lòng tin kiên vững của các bà mẹ chăm sóc những đứa con bệnh tật, họ rất yêu mến chuỗi mân côi dù có lẽ họ chỉ biết sơ sài kinh Tin kính; tôi cũng nghĩ đến niềm hi vọng trọn vẹn được đổ vào một cây nến đốt lên trong nhà để cầu xin ơn trợ giúp của Đức Mẹ, hay cái nhìn trìu mến hướng lên tượng Chúa Ki-tô chịu nạn”[91]

v Như gương cha thánh Mậu[92]: Dù phải ra tòa nhiều lần, cha vẫn luôn giữ trong mình chuỗi Mân côi. Ngay trong tù, Cha vẫn dành ra những giờ để suy niệm Đàng Thánh giá Chúa Giê-su.

Còn thánh An-rê Tường và các bạn tử đạo[93] thì trước khi chịu hành hình, các ngài đã đọc kinh Ăn năn tội, kinh Phó dâng, và vì lòng đạo đức còn xin lý hình chém ba nhát để kính Chúa Ba Ngôi. 

Giáo huấn 41:      NGHI THỨC AN TÁNG KI-TÔ GIÁO

“Chúng tôi lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2 Cr 5, 8)

  1. Lễ nghi an táng Kitô giáo có ý nghĩa và mục đích nào? (367)
  2. Lễ nghi an táng Kitô giáo làm nổi bật đặc tính vượt qua của cái chết trong niềm hy vọng sống lại, cũng như sự hiệp thông trong lời cầu nguyện với người đã qua đời.

Đối với Ki-tô hữu, ý nghĩa sự chết được sáng tỏ trong ánh sáng của cái chết và sống lại của Chúa Ki-tô: Ngài đem lại cho Ki-tô hữu chúng ta niềm hy vọng duy nhất, đó là khi được cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta lìa bỏ thân xác này để được ở bên Chúa mãi mãi![94].

Lễ an táng theo nghi thức Ki-tô giáo là một cử hành phụng vụ của Hội Thánh: Hội Thánh muốn vừa diễn tả sự hiệp thông hữu hiệu với người đã qua đời, vừa giúp cộng đoàn tham dự mầu nhiệm hiệp thông này, và công bố niềm tin vào sự sống đời sau.

Mẹ hiền Hội Thánh đã dùng các bí tích cưu mang người tín hữu suốt cuộc lữ hành trần thế, nay cũng đồng hành đến cuối đường để trao họ lại “trong tay Chúa Cha”. Trong Đức Ki-tô, Hội Thánh dâng lên Chúa Cha người con của ân sủng, và gửi lại lòng đất thân xác của họ như hạt giống, trong niềm hy vọng thân xác sẽ trỗi dậy vinh quang[95]. Nghi thức phó dâng được cử hành long trọng trong Thánh lễ; kèm theo các á bí tích là những nghi thức làm phép trước và sau Thánh lễ.

v Hơn khi nào hết, niềm tin phục sinh bừng sáng vào thời các Vị tử đạo, nên bất chấp đe dọa, dân làng Ki-tô hữu vẫn kéo chuông, đốt đuốc, đón rước thi hài cha thánh Năm[96], thánh Đích, thánh Mỹ, đưa về an táng tại Vĩnh Trị rất long trọng!  Còn chính các vị tử đạo thì luôn hân hoan tuyên xưng niềm tin phục sinh: Ông án Khảm[97] vui vẻ nói: “Cha con chúng tôi hôm nay vào Nước Thiên đàng đây”. Thầy Uyển[98] trả lời nhà quan: “Hãy chém đi, tôi lại được cái đầu khác mà”. Cha Tịnh[99] nói: “Tôi chết đi, nhưng rồi sẽ sống lại vinh quang”.

Giáo huấn 42:      CẦU NGUYỆN (1) là gì ?

“Con muốn rằng con ở đâu, thì họ cũng ở đó với con” (Ga 17, 24)

  1. Cầu nguyện là gì ? (584)
  2. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để gặp gỡ và hiệp thông với Ngài trong tình yêu thương.

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, như thánh Tê-rê-sa đã viết: “Cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng lên trời, là lời kinh tri ân và yêu mến Chúa giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan”[100].

Vì vậy, chúng ta không được cầu nguyện với lòng kiêu hãnh, theo ý riêng mình, nhưng với tâm tình khiêm nhường và thống hối thẳm sâu[101], “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”[102]. Khiêm nhường là tâm tình căn bản của cầu nguyện, “vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải”[103]. Khiêm nhường là tâm tình phải có để nhận được ơn Chúa vì trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ là những kẻ van xin[104].  

Cầu nguyện là gặp gỡ và yêu thương Thiên Chúa: Khi cầu nguyện, người tín hữu tỏ lòng con thảo kính với Thiên Chúa là Cha nhân lành vô cùng của mình, với Con của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô và với Thần Khí của Ngài là Chúa Thánh Thần. Đáp lại, ta được hưởng hồng ân Nước Trời là “được Ba Ngôi Chí Thánh kết hợp với toàn thể tâm trí con người chúng ta”[105], như Chúa Giê-su đã khẩn nguyện trong bữa Tiệc Ly: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”[106].

v Các thánh tử đạo Việt Nam luôn tin chắc rằng: lời cầu nguyện sẽ giúp các ngài vượt qua mọi thử thách để được về bên Chúa, nên cha Hạnh[107]đã nói với cha già Duệ khi đến pháp trường Bảy mẫu: “Đến nơi rồi, chúng ta hãy cầu nguyện cho sốt sắng hơn”. Và như cha Đắc Lộ ghi lại: Thầy giảng An-rê Phú Yên, cho đến khi đầu Thầy sắp lìa khỏi cổ, miệng Thầy vẫn thều thào 2 tiếng nguyện cầu “Giê-su”.

Giáo huấn 43:      CẦU NGUYỆN (2): Vì sao ta cầu nguyện ?

“Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” Ga 15, 5.

  1. Vì sao chúng ta phải cầu nguyện ? (585)
  2. Vì tự bản chất con người luôn khao khát hướng về Thiên Chúa là nguồn sự sống, và vì Ngài vẫn hằng kêu mời chúng ta đến gặp gỡ, thưa chuyện với Ngài.

Tự bản chất con người luôn khao khát hướng về Thiên Chúa: Như thánh Au-gus-ti-nô đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên lòng chúng con vẫn mãi khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”[108].

Thực ra, trong cầu nguyện, Thiên Chúa trung tín và yêu thương luôn đi bước trước; phần con người luôn chỉ là đáp lời. Khi Thiên Chúa từng bước tỏ mình ra và mặc khải cho con người biết về chính họ, thì cầu nguyện như là một cuộc trao đổi lời mời, một diễn tiến giao ước. Qua lời nói và hành vi, diễn tiến này là cam kết của con tim. Diễn tiến này đã diễn ra trong suốt lịch sử cứu độ, và trong từng giây phút đời ta.

Chính Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”[109].

v Ý thức rằng cầu nguyện chính là lời mời gọi thân thương của Thiên Chúa là nguồn sức sống cho mình, nên các Thánh tử đạo Việt Nam luôn cùng nhau cầu nguyện, như hạnh của 3 thánh quân nhân Đa-minh Đạt[110], Au-gus-ti-nô Huy[111] và Ni-cô-la Thể[112] có ghi:  Trong ngục tù, các ông ăn chay hãm mình bốn lần một tuần: thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy. Dù đồ ăn trong ngục đã ít oi, các ông vẫn hy sinh nhường cho những tù nhân khác. Các ông cầu nguyện không ngừng và còn xin các bổn đạo khi đến thăm các ngài: “Xin các ông bà cầu cho chúng tôi để chúng tôi bền vững, vì chúng tôi biết mình rất yếu đuối”.

Giáo huấn 44:   THÁNH VỊNH LÀ LỜI CẦU NGUYỆN

“Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài”  (TV 51)

  1. Thánh Vịnh là gì? (587)
  2. Thánh Vịnh là lời cầu nguyện được Thiên Chúa linh hứng, giúp con người ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và trong lịch sử cứu độ.

Những lời cầu nguyện dưới nhiều thể loại khác nhau của Thánh vịnh được hình thành từ phụng tự Đền thờ, cũng như từ trái tim con người. Dù là những thánh thi, những lời kêu cầu trong cơn nguy khốn, là bài ca tạ ơn, là lời khẩn cầu cá nhân hay cộng đoàn, là bài ca cung đình hay khúc hát hành hương, hoặc bài suy niệm giáo huấn…Các Thánh vịnh luôn phản ánh công trình cứu độ của Thiên Chúa, bằng cách vừa diễn tả vừa ca tụng những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện, trong lịch sử Dân Ngài và trong những hoàn cảnh của mỗi tác giả.

Đây là những lời cầu nguyện được Thiên Chúa linh hứng, vì cùng một Thánh Thần đã tạo nên công trình của Thiên Chúa cũng gợi hứng lên những lời ca khen của Dân Ngài.

Dù một Thánh vịnh có thể chỉ nói lên những biến cố đã qua, nhưng vẫn bình dị đến nỗi con người mọi thời, mọi hoàn cảnh, đều có thể dùng để cầu nguyện. Được Chúa Ki-tô sử dụng để cầu nguyện và kiện toàn, nên các Thánh vịnh luôn chiếm vị trí thiết yếu trong kinh nguyện của Hội Thánh[113].

v Các thánh tử đạo Việt Nam cũng vẫn thường cầu nguyện và sống tâm tư của các Thánh vịnh, như thánh Mậu[114] đã thưa với quan bằng tâm tình của Thánh vịnh 41: Xin quan cứ thi hành án của nhà vua, chúng tôi “mong về với Chúa như nai rừng mong tìm về suối nước trong”. Cũng vậy, sáng ngày 5.6.1862, hai ông Đa-minh Toại[115] và Đa-minh Huyên[116] bước lên giàn hỏa thiêu. Trong khi ngọn lửa bốc cháy, hai ông cất tiếng hát ngợi khen và cầu xin Chúa thêm sức mạnh để hoàn thành sứ vụ.

Giáo huấn 45:   CHÚA GIÊ-SU DẠY TA CẦU NGUYỆN

“Đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra” (Lc 3, 21)

  1. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện thế nào? (594)
  2. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với ý hướng ngay lành, với niềm tin mạnh mẽ, sự kiên trì và tình con thảo.

Đức Giê-su rất thường cầu nguyện: như khi chịu phép rửa ở sông Gio-đan[117], trước khi gọi Nhóm 12[118]; Ngài thường cầu nguyện một mình nơi thanh vắng, trên núi, ban đêm[119]

Ngài dạy ta khiêm tốn và tin tưởng, có ý ngay lành, nghĩa là hòa hợp ý muốn nhân loại của ta với thánh ý yêu thương của Chúa Cha. Ngài nhấn mạnh việc hoán cải tâm hồn khi cầu nguyện: phải thật lòng tha thứ[120], phải làm hòa trước khi đến dâng lễ vật[121], phải yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù nghịch[122], phải “cầu nguyện cùng Chúa Cha, Đấng hiện diện nơi kín đáo”[123]; đừng lải nhải nhiều lời[124], hãy giữ tâm hồn trong sạch, lo tìm kiếm Nước Trời[125]. Cuộc hoán cải này hoàn toàn hướng về Chúa Cha với tình con thảo.

Ngài dạy ta dạn dĩ, vững tin như con cái: “Tất cả những gì anh em xin khi cầu nguyện, anh em cứ tin là mình đã được rồi”[126] vì “Cái gì cũng có thể đối với người tin”[127]; sức mạnh của đức tin là “không chút nghi nan”[128]. Hãy kiên trì như trong dụ ngôn người bạn hoặc bà góa quấy rầy[129].

v Hơn ai hết, các thánh tử đạo Việt nam đã tuyên xưng niềm tin vững vàng và lòng thảo kính với Chúa Cả trời đất khi các ngài sốt sắng cầu nguyện đến hơi thở cuối cùng: Cha Dũng[130] và Cha già Thi[131] vui mừng hát thánh ca theo chân các lý hình ra khỏi thành. Tới nơi, các ngài quì cầu nguyện, rồi ngước mắt lên trời và nghiêng cổ ra cho lý hình chém!  Ngày 13.1.1859, trên đường ra pháp trường 7 Mẫu, thánh án Khảm, cai Tả, cai Thìn và 7 giáo hữu làng Quần Cống lớn tiếng đọc kinh. Đến nơi xử các vị đọc kinh tin, cậy, mến và nhiều lần kinh Ăn năn tội, rồi lớn tiếng kêu Tên cực trọng Giê-su.

Giáo huấn 46: CHÚA THÁNH THẦN
HƯỚNG DẪN TA CẦU NGUYỆN

“Chính Thần Thần cầu thay nguyện giúp cho ta” (Rm 8, 26-27).

  1. Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong kinh nguyện của Hội Thánh? (599)
  2. Chúa Thánh Thần dạy Hội Thánh cầu nguyện và hướng dẫn Hội thánh đi sâu vào việc chiêm ngắm và kết hợp với mầu nhiệm khôn lường của Đức Kitô.

Lúc dạy các môn đệ cầu nguyện với Chúa Cha, Đức Giê-su còn dạy hãy “Nhân danh Thầy mà cầu xin”[132], vì khi ta hiệp nhất lời nguyện của ta với lời cầu của Đức Giê-su, Chúa Cha sẽ ban cho ta “Một Đấng Bảo Trợ”, là Thánh Thần Chân Lý[133] đến ở mãi với chúng ta.

Với ơn tác động của Chúa Thánh Thần, kinh nguyện của chúng ta được hiệp thông đầy yêu thương với Chúa Cha, không chỉ nhờ Đức Ki-tô mà còn trong Đức Ki-tô để “Anh em cứ xin thì sẽ được”[134]. Thánh Phao-lô cũng đã dạy: “Anh em đã không lãnh nhận Thánh Thần khiến anh em thành nô lệ và phải sợ sệt, nhưng là Thánh Thần làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó ta được kêu lên Áp-ba! Cha ơi!..

Hơn nữa, vì ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nên chính Thần Thần cầu thay nguyện giúp cho ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Chúa Cha biết Thánh Thần muốn nói gì, vì Thánh Thần luôn cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa[135].

v Cha Bô-na Hương tâm sự : 

Trước mặt vua quan, tôi có kinh nghiệm cụ thể Lời dặn bảo của Chúa Giê-su:

“Chúa Thánh Thần sẽ nói thay các con”. Thực vậy, chưa bao giờ tôi nói tiếng Việt lưu loát và dễ dàng như thế. 

Giáo huấn 47:   CÁC HÌNH THỨC KINH NGUYỆN KI-TÔ GIÁO.

  1. Các hình thức chính yếu của kinh nguyện Kitô giáo là gì? (600)
  2. Các hình thức chính yếu của kinh nguyện Kitô giáo là chúc tụng và thờ lạy, xin ơn và chuyển cầu, tạ ơn và ca ngợi. Thánh lễ chứa đựng và diễn tả tất cả những hình thức cầu nguyện này.

Chúa Thánh Thần là Đấng dạy dỗ và nhắc lại cho Hội Thánh tất cả những gì Đức Giê-su đã nói, chính Ngài dạy Hội Thánh cầu nguyện bằng cách khơi lên những cách diễn tả mới cho các hình thức kinh nguyện quen thuộc là chúc tụng và thờ lạy, xin ơn và chuyển cầu, tạ ơn và ca ngợi.

Những hình thức kinh nguyện này được chứa đựng và diễn tả khi Hội Thánh cử hành bí tích Thánh Thể trong Thánh lễ, là “lễ dâng tinh tuyền” của toàn Thân Thể Chúa Ki-tô “vì vinh quang Danh Người”.

Đặc biệt, mọi vui buồn, mọi biến cố và nhu cầu, đều là dịp để chúng ta dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện tạ ơn và ca ngợi: Tham dự vào kinh tạ ơn của Đức Ki-tô, cả cuộc đời người Ki-tô hữu là bài ca tạ ơn Thiên Chúa: “Anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh”[136]. Và chúng ta cũng dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện ca ngợi, thuần túy vô vị lợi, để tôn vinh Ngài, không chỉ vì những việc Ngài đã làm cho ta, mà còn vì Ngài chính là Thiên Chúa.

v Các vị tử đạo Việt nam luôn xác tín tử đạo chính là kinh nguyện tạ ơn và ca khen bất tận dâng lên Thiên Chúa, nên Đức cha An[137]  đã xin được chém 3 nhát: “Một để tạ ơn Thiên Chúa đã cho con được làm người và đến Việt Nam giảng đạo; một để cám ơn mẹ cha sinh dưỡng; một để nêu gương cho các tín hữu”. Và cả 5 anh hùng đức tin Anrê Tường[138], Vincentê Tương[139], Đaminh Mạo[140], Đaminh Nguyên, Đaminh Nhi, cũng yêu cầu lý hình chém 3 nhát để tôn vinh Ba Ngôi.

Giáo huấn 48:   NHỮNG NGUỒN MẠCH GIÚP TA CẦU NGUYỆN

  1. Có những nguồn mạch nào giúp chúng ta cầu nguyện? (609)
  2. Có bốn nguồn mạch này: Một là Lời Chúa; hai là phụng vụ của Hội thánh; ba là các nhân đức tin cậy mến; bốn là những biến cố vui buồn trong đời sống hằng ngày.

Chúa Thánh Thần là “mạch nước tuôn chảy sự sống đời đời”[141]; Ngài khiến tâm hồn những ai cầu nguyện biết đón nhận Ngài tận nguồn mạch đích thực của cầu nguyện là Đức Ki-tô, vì Đức Ki-tô luôn chờ đợi để ban Thánh Thần, qua 4 nguồn mạch giúp chúng ta cầu nguyện, đó là:

– Lời Chúa, vì khi cầu nguyện chúng ta nghe Lời Chúa nói với chúng ta qua các sấm ngôn thần linh[142]  .

– Phụng vụ, vì phụng vụ bao gồm những hành vi, những tâm tình và những lời để cầu nguyện của Hội Thánh, giúp ta hiệp thông với Chúa Ba Ngôi.

– Các nhân đức tin, cậy, mến, vì chúng ta chỉ có thể cầu nguyện khi tin rằng Chúa luôn hiện diện và lắng nghe chúng ta; khi vững lòng trông cậy rằng “Chúa nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu”[143]; và khi chúng ta cảm nhận được rằng Chúa yêu ta và chúng ta muốn yêu Ngài.

– Những biến cố vui buồn của cuộc sống cũng là nguồn mạch giúp ta cầu nguyện, vì Chúa luôn quan phòng chăm sóc ta qua từng biến cố, và Ngài mời gọi ta: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng”[144].

v Thánh tử đạo Mác-ti-nô Thọ[145] luôn xác tín cuộc sống chính là lời nguyện mỗi ngày ta phải dâng lên Thiên Chúa, nên ông đã căn dặn: “Ý Chúa muốn cha xa lìa các con, nhưng các con còn có mẹ, hãy vâng lời mẹ. Hãy yêu thương nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Nhớ đọc kinh sáng tối và lần chuỗi Mân côi hàng ngày. Chúa trao cho mỗi người một Thánh Giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo”.

Giáo huấn 49:   CẦU NGUYỆN VỚI MẸ MARIA

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1, 28)

  1. Hội Thánh cầu nguyện với Đức Maria bằng cách nào? (613)
  2. Hội Thánh cầu nguyện với Đức Maria bằng Kinh Kính mừng, Chuỗi Mân côi, Kinh Cầu Đức Bà, các Thánh thi và Thánh ca.

Những lời kinh trên, cùng với những Lễ kính Đức Mẹ…cho chúng ta thấy: Đức Ma-ri-a là Người-Phụ-Nữ-cầu-nguyện trọn hảo, là hình ảnh của Hội-Thánh-cầu-nguyện. Khi cầu cùng Mẹ, chúng ta cùng với Mẹ liên kết vào ý định của Chúa Cha, Đấng cử Con Một Người đến để cứu độ toàn thể nhân loại. Mẹ của Đức Giê-su đã trở thành Mẹ của toàn thể nhân loại[146], nên như Người Môn đệ được Chúa dấu yêu, chúng ta hãy rước Mẹ về nhà mình. Chúng ta có thể cầu nguyện cùng với Mẹ và kêu cầu Mẹ.

Nhờ sự cộng tác đặc biệt của Mẹ vào tác động của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh thường kết hợp với Đức Mẹ trong kinh nguyện, để cùng với Mẹ ngợi khen Thiên Chúa vì biết bao điều cao cả Chúa đã làm cho Mẹ, và dâng lên Mẹ lời khẩn cầu và ca ngợi, trong niềm cậy trông[147].

v Các Thánh tử đạo Việt Nam là những tấm gương chói ngời về lòng kính yêu và cậy trông Đức Mẹ: Thánh Au-gus-ti-nô Mới[148] dù cả ngày lao động vất vả đến khuya mới về nhà, vẫn không quên đọc kinh Mân Côi kính Đức Mẹ.

Cha Vê-na Ven[149] đã ghi lại lời nguyện trong thư gửi Đức cha Tơ-rel: “Lạy Mẹ Vô Nhiễm, khi đầu con rơi xuống, xin Mẹ nhận lấy tôi tớ nhỏ bé như trái nho chín, như bông hồng nở rộ được ngắt về dâng kính trên bàn thờ. Ave Maria”.

Còn Cha Khoa[150], cha Cao[151], cha Điểm[152] thì luôn cùng nhau lần chuỗi, và hát vang bài Ave Maria Stella “kính chào Mẹ Maria, sao mai rực rỡ, xin Mẹ chuyển cầu cho chúng con”. Mấy ngày đầu trong tù chưa tìm ra tràng hạt, 3 cha nhổ lông quạt để đếm kinh lần chuỗi.

Giáo huấn 50:      CÁC THÁNH GIÚP TA CẦU NGUYỆN

  1. Các Thánh giúp chúng ta cầu nguyện thế nào? (614)
  2. Các Thánh là những gương mẫu cầu nguyện. Các ngài hằng chuyển cầu cho chúng ta và để lại nhiều linh đạo dạy chúng ta cách sống và thực hành việc cầu nguyện.

Các Thánh là những chứng nhân đã đi trước chúng ta vào Nước Thiên Chúa[153], các Ngài tham dự vào truyền thống cầu nguyện sống động của Hội Thánh, bằng gương mẫu đời sống, bằng các văn phẩm để lại, và bằng lời cầu nguyện hiện nay của các ngài. Các ngài đang chiêm ngưỡng, đang ca ngợi Thiên Chúa và không ngừng quan tâm đến những kẻ còn ở trần gian. Khi “vào chung hưởng với Chủ”, các ngài được “đặt lên coi sóc nhiều việc”[154].

Công việc thật cao quý của các Thánh theo ý định của Thiên Chúa là chuyển cầu cho Hội Thánh trần thế. Chúng ta có thể và có bổn phận xin các Thánh chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới.

v Hơn ai hết, các vị tử đạo Việt Nam luôn tha thiết hiệp thông với Thần Thánh trên trời. Như cha Tự[155] và cụ Cảnh[156]: Trên đường ra pháp trường, lính xếp hàng đi hai bên, hai vị đi ở giữa, vừa đi hai ngài vừa sốt sắng đọc kinh cầu các Thánh.

Còn Cha Khoan[157] và thày Hiếu[158], thày Thành[159], thì chia bè hát kinh Tạ ơn “Te Deum” bằng tiếng La-tinh, lời kinh nối kết các vị với cộng đoàn các Thánh trên trời:

” Suy tôn Chúa, bậc tông đồ hợp xướng
Tán tụng Ngài bao thế hệ tiên tri
Đoàn tử đạo quang huy hùng dũng
Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài…

Xin được họp đoàn cùng muôn thần thánh,
Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang”.

 

Giáo huấn 51:                  THỜI ĐIỂM ĐỂ CẦU NGUYỆN

  1. Thời điểm nào thích hợp cho việc cầu nguyện? (617)
  2. Mọi thời điểm đều thích hợp cho việc cầu nguyện, nhưng để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, Hội thánh đề nghị các Ki-tô hữu những thời điểm sau: ban sáng ban tối, trước sau bữa ăn, Phụng vụ các giờ kinh, Thánh lễ, Kinh Mân côi, các Lễ mừng trong Năm Phụng vụ.

Những thời điểm kể trên là những thời gian dành đặc biệt, những giờ phút cao điểm để cầu nguyện chuyên chú và lâu dài hơn. Đúng ra, chúng ta phải cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, vì Thiên Chúa chính là Sự Sống và là Tất Cả đối với chúng ta. Ngài đổi mới tâm hồn và làm sinh động đời sống chúng ta mọi lúc, vì thế, những bậc thầy về đời sống thiêng liêng đều nhấn mạnh: cầu nguyện là “nhớ đến Chúa”, là thường xuyên hướng tâm hồn lên Chúa. “Phải nhớ đến Chúa nhiều hơn cả nhịp thở của mình”[160].

Chúa hoàn toàn tự do hướng dẫn mỗi người cách cầu nguyện riêng. Tuy nhiên, truyền thống Ki-tô giáo ghi nhận 3 hình thức chính: Khẩu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm. Cả 3 có một nét căn bản chung là Tịnh tâm, nghĩa là luôn tỉnh thức để giữ lấy Lời Chúa và để hiện diện trước nhan thánh Ngài.

v  Có thể nói, sức mạnh can trường của các thánh tử đạo cha ông chúng ta là do các ngài đã kiên trì cầu nguyện: Thánh nữ I-nê Thành đã dặn dò: “Các con hãy giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh dự lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá Chúa đến cùng”. Thánh Phụng thì đeo vào cổ con gái – cô Anna Nhiên – ảnh Thánh Giá và nói: “Con hãy nhận lấy kỷ vật của ba. Đây là ảnh Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Con hãy đeo luôn trên cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều nhen con”. Thánh Mác-ti-nô Thọ nói với các con: “Nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hàng ngày”. 

Giáo huấn 52:             KINH LẠY CHA

“Anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con…”[161]

  1. Ai dạy chúng ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, và có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống Ki-tô giáo thế nào? (x.627-629)
  2. Chính Chúa Giê-su đã dạy kinh Lạy Cha, lời kinh có tầm quan trọng đặc biệt, vì là kinh nguyện tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là kinh nguyện của Chúa và của Hội Thánh.

 Đáp lại lời xin của các môn đệ, Đức Giê-su đã dạy các ngài kinh Lạy Cha.

Kinh Lạy Cha thực sự là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng, vì Chúa Giê-su trực tiếp loan báo và cho phép ta được vui sống Tin Mừng vĩ đại nhất: Thiên Chúa là “Cha chúng con ở trên trời” để cùng nhau chúng ta sống như những anh chị em “một lòng một linh hồn”[162].

Kinh Lạy Cha là “Lời kinh của Chúa”  vì do chính Chúa Giê-su dạy, nhất là vì Ngài là Vị Thầy mẫu mực, nên Lời kinh của Ngài chẳng những là lời cầu nguyện tuyệt hảo[163], mà còn là chính con đường dẫn chúng ta trực tiếp đi vào cung lòng Chúa Cha.

Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của Hội Thánh, vì được đọc trong các Giờ kinh phụng vụ chính, cũng như trong khi cử hành các bí tích khai tâm Ki-tô Giáo: Rửa tội, Thêm sức, Thánh thể. Riêng trong Thánh lễ, kinh Lạy Cha còn cho thấy: cộng đoàn Hội Thánh cầu nguyện và chờ đợi “cho tới khi Chúa lại đến”[164].

v Lời kinh Lạy Cha không những đã được vang lên trên môi miệng các Thánh tử đạo Việt Nam, mà còn được tuyên xưng bằng chính mạng sống các Ngài: Ngày 24.11.1839, Thầy Mậu[165] thay mặt 4 anh em nói với quan: “Chúng tôi chỉ tôn thờ một Thiên Chúa là Cha muôn loài…là Đấng chúng tôi mong được đổ máu ra để chứng tỏ lòng trung thành và yêu mến”.

[1] X. Tông huấn về Huấn Giáo, s. 15; 64.

[2] TẬP I: Giáo Huấn 12 – 20; TẬP II: Giáo Huấn 21-52.

[3] HĐGMVN.UB.Giáo Lý Đức Tin/ Nxb. Tôn Giáo 2013.

CHÚ THÍCH

[1] x. Rm 6,3-4; Cl 2,12.

[2] x. CIC khoản 872- 874.

[3] Ga 20, 22.

[4] x. Thánh Am-rô-xi-ô, Bàn về các mầu nhiệm 7,12.

[5] x. OCf, Tiền chú 3.

[6] x.Thánh Tô-ma A-qui-nô, Tổng luận Thần học 3,72,5, AD 2.

[7] Mt 10, 19.

[8] 1762-1838.

[9] Ngày nay là 5 giáo phận Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Thái Bình.

[10] x. Lc 22, 14-16.

[11] x. 1Cr 11, 23.

[12] 1 Cr 11, 23-25.

[13] Mt 26, 28.

[14] 2 Pr 1, 4.

[15] Vincentê Ðỗ Yến, Sinh năm 1764 tại Trà Lũ, Phú Nhai, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 30/06/1838 tại Hải Dương dưới đời Minh Mạng. 

[16] Gioan Ðạt, linh mục; sinh khoảng 1764 tại Ðồng Chuối, Thanh Hóa; tử đạo ngày 28/10/1798. Thụ phong linh mục năm 1798. Sau khi bị bắt vì tội làm linh mục bất hợp pháp, ngài bị tù 3 tháng, rồi bị xử trảm. 

[17] Matthêu Ðậu (Matthaeus Alonso Leciniana), Sinh năm 1702 tại Nava del Rey, Tây Ban Nha, Linh Mục thừa sai dòng Ða Minh, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 22/01/1745 tại Thăng Long dưới đời Trịnh Doanh.

[18] Ga 6,53.

[19] 1Cr 11, 29.

[20] 1 Cr 11, 27-29.

[21] x. CIC khoản 919.

[22] Mt 8, 8.

[23] Ga 6, 57.

[24] x. CĐ Trentô : DS 1638.

[25] Thầy giảng Phêrô Nguyễn Văn Ðường, sinh năm 1808 tại Kẻ Sở, Hà Nam, bị xử giảo ngày 18.12.1838 tại Sơn Tây, đời Minh Mạng.

[26] x. 1 Cr 12, 13.

[27] x. Mt 25, 40.

[28] Ðaminh Phạm Trọng Khảm, chánh án, Dòng Ba Ða-minh; sinh năm 1780 tại Quần Cống, Nam Ðịnh; tử đạo ngày 13.1.1859 tại Nam Ðịnh.

[29] Giuse Phạm Trọng Tả, sinh năm 1796 tại Quần Cống, Nam Ðịnh, Giáo dân, Cai Tổng, bị xử giảo ngày 13.1.1859 tại Nam Ðịnh, đời Tự Ðức.

[30] Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm) là một y sĩ và là thầy giảng; sinh năm 1768 tại Mỹ Hương, Quảng Bình; tử đạo 10.7.1840 tại Ðồng Hới. 

[31] Mc 2, 10; Mc 2,5; Lc 7,48.

[32] x.Ga 20, 21-23.

[33] Mt 16, 19.

[34] x. LG 11.

[35] Ðaminh Hà Trọng Mậu (1794-1858).

[36] Phanxicô Ðỗ Văn Chiểu (1797-1838). Thầy giảng.

[37] Ðaminh Henares Minh (1765-1838). Giám mục dòng Đaminh.

[38] Gioan Ven (Théophane Vénard/1829-1861), Linh mục Thừa sai Ba-lê.

[39] Emmanuel Lê Văn Phụng (1796 – 1859). Trùm họ Đầu Nước, Cù-lao-Giêng.

[40] x. Ge 2,12-13; Is 1,16-17; Mt 6,1-6. 16-18.

[41] x Giáo lý Rô-ma II, V,21; x. CĐ Trentô : DS 1673.

[42] x. CĐ Trentô : DS 1676.

[43] x CĐ Tren-tô : DS 1680; CIC, can. 988, 2.

[44] Au-gu-ti-nô Phan viết Huy (1795-1839), Nicôla Bùi Ðức Thể (1792-1839), Ðaminh Ðinh Ðạt (1803 – 1838).

[45] x. Ep 4, 24.

[46] Như việc Xưng tội, Rước Lễ, Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng…

[47] Mt 25, 36.

[48] x. Mt 7, 24.

[49] x. Mc 2,17.

[50] Lc 7,16.

[51] Mc 6, 13. 

[52] x. Gc 5,14-15.

[53] Giuse Nguyễn Ðình Uyển (1775-1838).

[54] Ðaminh Phạm Trọng Khảm (1780-1859).

[55] Ðaminh Hà Trọng Mậu (1794-1858).

[56] x. SC 73, x. CIC, khoản 1004, triệt 1; 1005;1007; CCEO, khoản 738.

[57] Ðaminh Henares Minh (1765-1838).

[58] Antôn Nguyễn Ðích (1769-1838).

[59] Lm. Phêrô Hoàng Khanh (1780-1842).

[60] Nhiều gia đình nhận trẻ mồ côi làm con nuôi. Giáo phận đàng, năm 1843, rửa tội 8273 em. GP Trung Đàng Ngoài, năm 1855, rửa tội được 35.349 em.

Trong các nạn dịch khắp nơi năm 1850-185: giai đoạn các linh mục được đi lại tự do, các tín hữu có mặt bên giường các bệnh nhân, đưa đến nhà thương chăm sóc. Ngay tại kinh đô Phú Xuân, người ta chứng kiến những nghi lễ an táng trọng thể, với Thánh giá nến cao, hai hàng tín hữu, và linh mục với phẩm phục khăn choàng, vừa đi vừa hát vang những bài thánh ca.

[61] Dt 7, 26.

[62] Lc 22, 19.

[63] Giuse Maria Diaz Sanjuro An (1818-1857).

[64] Phanxicô Kính (Francois Isidore Gagelin).

[65] Tôma Ðinh Viết Dụ (1783-1839). Lm dòng Ða Minh.

[66] Giuse Ðỗ Quang Hiển (1796-1840). Lm dòng Ða Minh.

[67] Phanxicô Giắc-ca Phan (1799-1838). Lm Thừa sai Ba-lê.

[68] Henricô Gia (1743-1773). Lm Dòng Đaminh.

[69] x. GS 48,1.

[70] x. St 1, 31.

[71] St 1, 28.

[72] Mt 19, 6.

[73] Ep 5, 25-26.

[74] Matthêu Lê Văn Gẫm (1813-1847), thương gia.

[75] Augustinô Phan Viết Huy (1795-1839). Binh sĩ.

[76] Luca Phạm Viết Thìn (1820-1859). Cai tổng.

[77] x. CĐ Trentô: DS 1813-1816; CIC 1108.

[78] x. CIC 1103.

[79] x. CIC 1057, 1.

[80] Micae Hồ đình Hy, sinh năm 1808 tại Như Lâm, Thừa Thiên, Giáo dân, Quan Thái Bộc, bị xử trảm ngày 22.5.1857 tại An Hòa, đời Tự Ðức.

[81] x. Cv 18, 8.

[82] x. Cv 16, 3; 11,14.

[83] LG 11.

[84] x. SC 60; CIC 1166; CCEO 867.

[85] Giuse Ðỗ Quang Hiển, Sinh 1796 tại Quần Anh, Nam Ðịnh, LM dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 9/05/1840 tại Nam Ðịnh, thời Minh Mạng.

[86] Ep 1, 3.

[87] x. Mc 1,25 tt.

[88] x. Mc 3, 15;6,7.13;16,17.

[89] x. CĐ Ni-xê-a 2: DS 601;603; CĐ Trentô: DS 1822.

[90] x. SC 13.

[91] x. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, s. 125.

[92] Ða-Minh Hà Trọng Mầu, sinh: 1794 tại Phú Nhai, Bùi Chu, LM Dòng Ða Minh, bị xử trảm: 5.11.1858, tại Hưng Yên, thời Tự Ðức.

[93]Anrê Tường, thầy giảng; sinh: 1812 tại Ngọc Cục, Nam Ðịnh; tử đạo: 16.6.1862, tại Làng Cốc.

[94] x. 2 Cr 5,8.

[95] x. 1Cr 15,42-44.

[96] Giacôbê Ðỗ Mai Năm, Sinh: 1781 tại Ðông Biên, Thanh Hóa, Linh mục, bị xử trảm ngày 12/8/1838 tại Bẩy Mẫu, đời Minh Mạng

[97] Ðaminh Phạm Trọng Khảm, chánh án, Dòng Ba Ða-minh; sinh năm 1780 tại Quần Cống, Nam Ðịnh; tử đạo ngày 13.1.1859 tại Nam Ðịnh.

[98] Giuse Nguyễn Ðình Uyển, Sinh: 1775 tại Ninh Cường, Nam Ðịnh, Thầy giảng, dòng ba Ða Minh, chết rũ tù ngày 4/7/1838 tại Hưng Yên, đời Minh Mạng.

[99] Phaolô Lê Bảo Tịnh, Sinh năm 1793 tại Trịnh Hà, Thanh Hóa, Linh mục, bị xử trảm ngày 6/04/1857 tại Bẩy Mẫu, đời Tự Ðức.

[100] Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su, tự truyện.

[101]  Tv130, 14.

[102] x. Lc 18, 14.

[103]  Rm 8,26.

[104] x. T. Au-gu-ti-nô bài giảng 56, 6, 9.

[105] T.Ghê-gô-ri-ô thành Naz 16, 9.

[106] Ga 17, 21.

[107] Ðaminh Nguyễn Văn Hạnh (Đômingô Du), linh mục Ða Minh; sinh: 1772 tại Năng A, Nghệ An, tử đạo: 1.8.1838, tại Ba Tòa.

[108] Thánh Au-gus-ti-nô:  Tự thuật 1,I,1.

[109] Ga 15, 5.

[110] Ðaminh Ðinh Ðạt: binh sĩ; sinh năm 1803 tại Phú Nhai, Nam Ðịnh; tử đạo: 18.7.1838, tại Nam Ðịnh. 

[111] Augustinô Phan Viết Huy, binh sĩ, sinh 1795 tại Hạ Linh, Bùi Chu, Nam Ðịnh; tử đạo: 13.6.1839, tại Thừa Thiên. 

[112] Nicôla Bùi Ðức Thể, sinh năm 1792 tại Kiên Trung, Bùi Chu, Binh sĩ, bị lăng trì ngày 12.06.1839 tại Thừa Thiên, đời Minh Mạng.

[113] IGLH 100-109.

[114] Phanxicô Xaviê Hà trọng Mậu, Dòng ba Ða-minh, thầy giảng; sinh 1790, tại Kẻ Ðiều, Thái Bình, bị xử giảo cùng với 4 bạn tử đạo ngày 19.12.1839, tại Cổ Mễ.

[115] Ðaminh Tọai, ngư dân; sinh năm 1811 tại Ðông Thành, Thái Bình; bị thiêu sống ngày 5.6.1862, tại Nam Ðịnh. 

[116] Ðaminh Huyên, giáo dân; sinh năm 1817 tại Ðông Thành, Thái Bình; chết thiêu ngày 5 tháng 6, 1862, tại Nam Ðịnh.

[117] x. Lc 3, 21.

[118] x. Lc 6, 12.

[119] Lc 5, 15-16…

[120] x. Mt 6, 14-15

[121] x. Mt 5, 23-24.

[122] x. Mt 5, 44-45.

[123] x. Mt 6, 6.

[124] x. Mt 6, 7.

[125] x. Mt 6, 21.25.33.

[126]  Mc 11, 24.

[127]  Mc 9, 23.

[128]  Mt 21, 22.

[129] Lc Lc 11,5- 13; 18,1-8.

[130] Cha Anrê Trần An Dũng Lạc, sinh năm 1795, trong một gia đình ngoại giáo ở Bắc Ninh; theo cha mẹ vào Kẻ Chợ (Hà nội); được một thày giảng nuôi dạy và rửa tội, tên thánh Anrê. Chịu chức Linh mục ngày 15.3.1823, bị xử trảm ngày 21.12.1839 tại Ô Cầu Giấy, đời Minh Mạng,

[131] Phêrô Trương Văn Thi, sinh năm 1763 tại Kẻ Sở, Hà Nội, Linh mục, bị xử trảm năm cha 76 tuổi, ngày 21.12.1839 tại Ô Cầu Giấy, đời Minh Mạng.

[132] Ga 14, 13.

[133] Ga 14,16-17.

[134] Ga,16, 24.

[135] x. Rm 8, 15.26-27.

[136] 1Tx 5,18.

[137] Giuse Maria Diaz Sanjuro An, Giám mục Ða-minh, Ðại diện Tông tòa; sinh năm 1818 tại Santa Eulalia de Suegos, Lugo, Tây ban nha; bị xử trảm và xác bị ném xuống biển ngày 20.7.1857 tại Nam Ðịnh.

[138] X. Chú thích số 87. 

[139] Vin-cen-tê Tương, Sinh nẵm 1814 tại Phú Yên, Giáo dân, tử đạo ngày 16.6.1862 tại Làng Cốc, đời Tự Ðức.

[140] Ða-Minh Nguyễn Ðức Mạo, là một giáo dân sinh năm 1818 tại Phú Yên, Ngọc Cục, bị xử trảm ngày 16.6.1862 tại Làng Cốc, đời Tự Ðức cùng với các vị tử đạo An-rê Tường, Vin-cen-tê Tương, Đa-minh Nguyên và Đa-minh Nhi.

[141] Ga 4, 14.

[142] T. Am-rô-xi-ô, nhiệm vụ thừa tác viên 1,88; DV 25.

[143] Tv 40, 2.

[144] Tv 95,7-8 .

[145] Mác-ti-nô Thọ, sinh năm 1787 tại Kẻ Bàng, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 8.11.1840 tại Bẩy Mẫu, đời Minh Mạng,

[146] Ga 19, 27.

[147]  LG 68-69.

[148] Au-gus-ti-nô Nguyễn Văn Mới là một nông dân, Dòng Ba Ða-minh; sinh năm 1806 tại Phú Trang, Nam Ðịnh; tử vì đạo ngày 19 tháng 12 năm 1839, tại Cổ Mễ. Ngài nổi tiếng vì lòng sốt sắng, và bác ái mặc dầu rất nghèo nàn.

[149] Gio-an Ven (Théophane Vénard), sinh năm 1829 tại St. Loup sur Thouet, Poitiers, Pháp, Linh mục Hội Thừa sai Ba-lê, địa phận Tây Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 2.2.1861 tại Ô Cầu giấy, đời Tự Ðức,

[150] Cha Phê-rô Võ Ðăng Khoa, Sinh năm 1790 tại Thuận Nghĩa, Nghệ An, bị xử giảo ngày 24.11.1838 tại Ðồng Hới, đời Minh Mạng.

[151] Ðức Cha Phê-rô Cao (Pierre Rose Dumoulin Borie), sinh năm 1808 tại Beynat, Tulle, Pháp, Hội Thừa Sai Ba-lê, địa phận Tây Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 24.11.1838 tại Ðồng Hới, đời Minh Mạng,

[152] Cha Vin-cen-tê Nguyễn Thế Ðiểm, sinh năm 1761 tại Ân Ðô, Quảng Trị, bị xử giảo ngày 24.11.1838 tại Ðồng Hới, đời Minh Mạng

[153] x. Dt 12, 1.

[154] Mt 25, 21.

[155] Phê-rô Nguyễn Văn Tự, sinh năm 1796 tại Ninh Cường, Bùi Chu, Linh mục dòng Ða-minh, bị xử trảm ngày 5.9.1838 tại Bắc Ninh, đời Minh Mạng.

[156] Giuse Hoàng Lương Cảnh, sinh năm 1763 tại Làng Ván, Bắc Giang, Giáo dân dòng ba Ða-minh, Trùm Họ, Y Sĩ, xử trảm ngày 5.09.1838 tại Bắc Ninh. 

[157] Phao-lô Phạm Khắc Khoan, sinh năm 1771 tại Duyên Mậu, Ninh Bình, Linh mục, bị xử trảm ngày 28.4.1840  tại Ninh Bình, dưới đời Minh Mạng.

[158] Phê-rô Nguyễn Văn Hiếu, sinh năm 1777 tại Ðồng Chuối, Ninh Bình, Thầy giảng, bị xử trảm ngày 28.04.1840 tại Ninh Bình, dưới đời Minh Mạng.

[159] Gio-an Bao-ti-xi-ta Ðinh Văn Thành, sinh năm 1796 tại Nộn Khê, Ninh Bình, Thầy giảng, bị xử trảm ngày 28.4.1840 tại Ninh Bình, dưới đời Minh Mạng cùng với Thánh Phê-rô Hiếu và Thánh Phao-lô Khoan.

[160] T. Grê-gô-ri-ô thành Na-di-en, Bài giảng thần học 1, 4.

[161] Mt. 6, 7-13.

[162] Cv 4, 32.

[163] Thánh Tô-ma A-qui-nô.

[164] 1Cr 11, 26.

[165] Phan-xi-cô Xa-vi-ê Hà trọng Mậu, Thầy giảng dòng ba Đaminh (1790-1839).