Chú Giải Tin Mừng Marcô 3,13-6,6 – Lm Carolo

print

GIAI ĐOẠN 2

TỪ LÚC LẬP NHÓM 12 ĐẾN LÚC PHÁI HỌ ĐI TRUYỀN GIÁO

(3,13 – 6,6)

            Đức Giêsu tiếp tục qua những hành động của mình gợi lên câu hỏi “Ông này là ai?”, ba chuỗi sự việc đã đặt ra câu hỏi ấy:

       * Chuối thứ I (3,13-15) cho thấy Đức Giêsu muốn lập một gia đình mới không chỉ giới hạn trong liên hệ huyết thống, mà còn muốn mở rộng cho mọi người:

            – Đức Giêsu lập nhóm 12 (3,13-19).

            – Sự can thiệp của những người bà con của Đức Giêsu (3,20-21).

            – Gia đình thật của Đức Giêsu (3,31-35)

       * Chuỗi thứ II (4,1-34) gom những dụ ngôn của Đức Giêsu:

            – Dụ ngôn gieo giống (4,1-9).

            – Lý do của những dụ ngôn (4,10-12).

            – Giải thích dụ ngôn gieo giống (4,13-20).

            – Dụ ngôn cây đèn (4,21-23).

            – Dụ ngôn cái đấu (4,24-25).

            – Dụ ngôn hạt giống mọc lên một mình (4,26-29).

            – Du ngôn hạt cải (4,30-32).

            – Kết thúc phần giảng dạy bằng dụ ngôn (4,33-34).

       * Chuỗi thứ III (4,35-6,6) gom chung 4 hành vi quyền năng của Đức Giêsu. Ý nghĩa những hành vi quyền năng này là Đức Giêsu đem ra thi hành những điều Ngài đã dạy trong các dụ ngôn; nghĩa là Tin Mừng phải được loan báo, không phải chỉ ở Israel mà còn cho lương dân nữa

            – dẹp yên bão tố (4,35-41).

            – Người bị quỷ ám ở Gêrasa (5,1-20).

            – Con gái ông Giairô và người phụ nữ bị băng huyết (5,21-43).

       Kết thúc giai đoạn này, Mc tóm lại nhận thức của dư luận về Đức Giêsu: người ta mới đi được nửa đường mà thôi (6,1-6).

CHUỖI THỨ NHẤT

BÀI 18: LẬP NHÓM (3,13-19)

  1. Giải thích

c 13 – “Đức Giêsu lên núi”:

            * Trong Mc, nơi Đức Giêsu giảng dạy và gặp gỡ dân chúng là bờ hồ (2,13; 3,7-8; 4,1-2; 5,21) còn “lên núi” là khi Ngài muốn xa đám đông để cầu nguyện (6,46) hoặc để làm một việc quan trọng nào đó đối với các môn đệ. (3,13; 9,2).

            * Ngoài ra có lẽ Mc muốn so sánh Đức Giêsu với ông Môsê trên núi Sinai qui tụ 12 chi tộc Israel thành một dân tộc của Thiên Chúa (Xh 24,4).

c 14 – “Và Ngài kêu những kẻ Ngài muốn chọn”: sang kiến là của Ngài, không do ai gợi ý, không do ai gửi gắm.

       – “Ngài lập nhóm 12”: Hai lần Mc dùng công thức này (c 14a & c 16a). Các thủ lãnh mới của dân mới phải đủ số 12 như ngày xưa có 12 chi tộc Israel (St 49,28). Sauk hi Giuđa phản bội, sẽ tái lập con số 12 ấy (Cv 1,26).

       – “để sống với Ngài và để Ngài sai đi rao giảng”: các tông đồ có hai nhiệm vụ rõ rệt. Riêng chi tiết “sống với Ngài” chỉ một mình Mc ghi nhận (5,18).

c 16b – Danh sách nhóm 12 cũng được chép trong các Tin Mừng khác, nhưng có vài chi tiết không giống nhau (Mt 10,2-4; Lc 6,14-16).

       – Bắt đầu danh sách là 4 người đã được gọi đầu tiên (1,16-20) trong đó có 3 người được đổi tên. Đổi tên là đổi sang một cách sống mới, là một dấu chỉ ơn gọi mới.

       – Đứng đầu là Simon được đổi tên là Phêrô. Tên mới nghĩa là “tảng đá”. Đây là ám chỉ tới quyền tối thượng sẽ được ban cho ông sau này (Mt 6,15-19).

c 17 – Hai anh em Giacôbê và Gioan được Đức Giêsu gọi là Boanerguès nghĩa là con của sấm sét. Đây không phải là tên mới cho hẳn, đúng ra chỉ là một biệt danh hợp với cá tính của họ (Lc 9,54).

c 18 – Simon Nhiệt thành: có người dựa vào chữ “nhiệt thành” (zélé) mà suy đoán rằng ông này là đảng viên của một đảng chính trị tôn giáo chủ trương dùng bạo lực để tái lập nước Israel (gọi là đảng Zélotes). Nhưng suy luận như thế là đã đi trước thời gian (anachronisme), vì cuộc nổi dậy của đảng này chỉ xảy ra sau này (vào năm 66). Vậy chữ “nhiệt thành” đây chỉ muốn nói đến cá tính của ông, cũng như chữ “con của sấm sét” đối với hai anh em Giacôbê và Gioan vậy thôi.

c 19 – Giuđa Iscariốt là “kẻ đã nộp Thầy”. Ta hãy chú ý động từ ở thì quá khứ chứ không phải thì tương lai như một số bản dịch Việt ngữ, Nghĩa là câu chuyện này do cộng đoàn của Mc ghi lại sau này. Mà sau này họ vẫn nhớ chi tiết Giuđa nộp Thầy, chứng tỏ chi tiết đó ăn sâu trong ký ức của họ.

  1. 3. Kết luận

            Chuyện này cho thấy Mc quan tâm – mà cũng là quan tâm của GH sơ khai – khẳng định rằng GH và các Tông đồ là do chính Đức Giêsu lập ra.

BÀI 19: SỰ CAN THIỆP CỦA BÀ CON ĐỨC GIÊSU (3,20-21)

*** Chuyện này chỉ một mình Mc ghi lại.

c 20 – Tình huống đã diễn ra ở Capharnaum (2,1-2) nay lại tái diến: người ta đến với Đức Giêsu quá đông, đông đến nỗi ngôi nhà Ngài đang ở chật cứng, đến nỗi Ngài và các môn đệ không thể ăn được. Như thế là có ảnh hưởng tới sức khỏe.

c 21 Khi đó, những người bà con của Ngài can thiệp. Tại sao? Có phải vì lo cho sức khỏe của Ngài không? Cũng có thể có nguyên nhân đó. Nhưng nguyên nhân chính là họ cho rằng Ngài “mất trí”, làm việc tới độ có hại cho sức khỏe. Ngoài ra Mc còn nhìn thấy thái độ này có một ý nghĩa khác nữa: chú ý tời động từ mà ông dùng: “bắt”. Đây cũng là động từ ông sẽ dùng tới 4 lần trong tường thuật thụ nạn (14,10). Phải chăng ông coi sự can thiệp này đã khiến những người bà con của Đức Giêsu cũng bị liệt vào số những kẻ thù của Ngài?

BÀI 20: GIÊSU VÀ SATAN (3,22-30)

  1. Văn mạch

     Giữa hai cuộc can thiệp của những người bà con của Đức Giêsu (3,20-21&31-35), Mc chen vào một cuộc tấn công của nhóm thông giáo. Nếu những người bà con đã coi Ngài là “mất trí”, thì nhóm thông giáo lại lên án Ngài là công cụ của Satan. Lời kết án này nghiêm trọng hơn nhiều.

  1. Giải thích

c 22 – Beelzeboul: một trong những tên gọi của Satan, xuất phát từ tên của một thần ngoại “Baal đại vương” (Baal le prince).

     Nhóm thông giáo không thể phủ nhận việc Đức Giêsu trừ quỷ. Nhưng họ xuyên tạc rằng Ngài làm việc đó không phải bằng sức Thiên Chúa, mà bằng quyền lực của quỷ vương Beelzeboul.

c 23 “dụ ngôn”: đây là lần đầu tiên trong Mc Đức Giêsu nói dụ ngôn. Dụ ngôn là một câu chuyện dễ hiểu bằng những hình ảnh thông thường trong cuộc sống để so sánh với một điều khó hiểu hơn về mầu nhiệm Thiên Chúa. Ở đây Đức Giêsu dùng hình ảnh một nước, một gia đình.

c 27“Người mạnh khỏe”: ám chỉ đến suy nghĩ của một số người rằng Satan là kẻ mạnh khỏe; nhưng cũng ám chỉ đến Is 49,24-25  53,12: Đức Giêsu là “người mạnh thế hơn”.

     Lý luận của Đức Giêsu trong hai dụ ngôn trên (cc 24-27): Satan không thể tự chống lại nó được. Những việc trừ quỷ mà Đức Giêsu thực hiện là dấu chỉ Đức Giêsu mạnh thế hơn Satan, vương quyền của Satan sắp bị tiêu diệt để nhừng chỗ cho vương quyền của Thiên Chúa.

c 28 – Sau đó Đức Giêsu đưa ra một lời cảnh cáo nghiêm khắc.

     “Lộng ngôn”: theo nghĩa hẹp, “lộng ngôn” là nói lời xúc phạm tới Thiên Chúa, tới Thánh Danh Ngài (Xh 22,27; Lv 24,11-16), tới uy quyền Ngài (Mc 2,7ss  14,64ss; Ga 10,30-36), tới sứ giả Ngài (Cv 6,11). Ở đây chữ này có nghĩa là xúc phạm tới Đức Giêsu, có thể tha thứ được.

     – Nhưng không thể tha thứ cho tội “lộng ngôn với Thánh Linh”. Cho dù chúng ta có thể liệt kê hết các “tội trọng”, ta cũng sẽ không gặp được tội nào không thể tha thứ. Vậy tội lộng ngôn tới Thánh Linh là tội gì mà không tha thứ được? Ta phải giải thích theo văn mạch: c 30 viết “Đức Giêsu nói như trên vì người ta nói rằng ‘ông ta bị uế thần nó ám’”. Mc đã nhấn mạnh rằng ngay từ đầu sứ mạng Đức Giêsu đã được Thánh Linh tấn phong, và với quyền lực của Thánh Linh Ngài thi hành sứ mạng cứu độ và tha thứ (1,9-12). Nay nhóm thông giáo đã xuyên tạc những việc làm nhờ quyền lực cứu độ của Thánh Linh, tức là họ không chịu đón nhận ơn cứu độ, bởi đó họ không thể được tha thứ.

  1. Kết luận

            Vào lúc Mc soạn Tin Mừng, các Kitô hữu thường bị những người Do thái công kích vì những người này không thừa nhận uy quyền của Đức Giêsu Kitô, Đấng Messia đến để giải thoát con người khỏi quyền lực của Satan. Mc viết chuyện này để trả lời cho những công kích đó.

BÀI 21: GIA ĐÌNH THẬT CỦA ĐỨC GIÊSU (3,31-35)

  1. Giải thích

* Mc viết tiếp câu chuyện về liên hệ giữa Đức Giêsu và gia đình tự nhiên của Ngài (3,20-21).

c 31“Anh em”: Truyền thông vẫn tin rằng Đức Giêsu là con duy nhất của gia đình. Vì thế chữ “anh em” ở đây không phải là anh em ruột, mà là anh em bà con.

     – “ở ngoài”: chú ý Mc 2 lần nhấn mạnh tới chi tiết những bà con của Ngài “ở ngoài” (cc 31-32), nghĩa là họ không phải gia đình thật của Ngài vốn là những người ở trong.

c 34 – “nhìn vòng quanh”: trong Mc cách nhìn này báo trước Đức Giêsu sắp nói một điều quan trọng (3,5  10,23  11,11).

c 35 – Điều quan trọng mà Đức Giêsu nói là xác định ai là gia đình thật của Ngài: những người nào thi hành thánh ý Thiên Chúa mới là gia đình thật của Ngài!

  1. Kết luận

1/ Đây là một lời an ủi cho các Kitô hữu của giáo đoàn Mc đang bị bách hại khiến họ phải xa cách gia đình của mình. Mc muốn nói rằng bù lại họ có một gia đình khác, đó là gia đình của Đức Giêsu. Hơn thế nữa Mc cũng cho họ thấy rằng nhiều khi phải chọn lựa giữa gia đình xác thịt với gia đình thiêng liêng: chính Đức Giêsu cũng đã chọn lựa như vậy.

2/ Mc đang muốn cho thấy 2 loại liên hệ giữa Đức Giêsu với những người đương thời:

  1. a) một bên là những kẻ từ chối Ngài. Bên này gồm những người pharisêu và thông giáo đã lộng ngôn đến Thánh Linh khi dám nói rằng Ngài bị quỷ ám (c 30), và có cả những người bà con của Đức Giêsu đã nói rằng Ngài bị mất trí (c 21).
  2. b) bên kia là những bà con thật của Ngài gồm nhóm 12 đã đi theo Ngài (3,13-19), và rộng hơn nữa là tất cả những ai đón nhận Tin Mừng (3,31-35).

3/ Đoạn này không phải là một sự từ chối của Đức Giêsu đối với Đức Maria, trái lại càng làm tang uy tín của Người, bởi vì Người không chỉ làm Mẹ của Ngài về phần xác thịt, mà còn vì Người luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa.

CHUỖI THỨ HAI: NHỮNG DỤ NGÔN

BÀI 22: DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG (4,1-9)

  1. Giải thích

c 1 – “ở bờ hồ”: nơi Đức Giêsu thường gặp gỡ dân chúng. Phần Đức Giêsu thì “ngồi thuyền”. vì dân quá đông ở trên bờ, nhưng Mc cũng có ý cho thấy cảnh trang trọng, tư thế ngồi của Đức Giêsu giống tư thế các Rabbi đang giảng dạy. Chi tiết “ở bờ hồ” đối lại với chi tiết “khi Đức Giêsu ở riêng một mình” (c 10) cho thấy dụ ngôn này (và nhiều dụ ngôn khác nữa) gồm có phần nói chung với dân chúng và phần giải thích riêng cho các môn đệ.

c 3 – “các ngươi hãy lắng nghe”: ở cuối dụ ngôn, Đức Giêsu lại kêu gọi “ai có tai nghe được thì nghe”. Hai lần kêu gọi như thế cho thấy dụ ngôn hàm chứa những điều khó hiểu (vì liên quan đến Mầu Nhiệm Nước Trời), do đó phải chú ý tìm hiểu.

     – “Kìa người gieo giống ra đi” (sortir), ám chỉ Đức Giêsu là kẻ từ cung lòng Chúa Cha ra đi đến trần gian để loan báo Tin Mừng (1,38).

c 8 – Thứ tự các con số tăng dần từ 30,60 và 100 (khác với thứ tự đi xuống trong Mt 13,8), ngụ ý lạc quan.

  1. Kết luận

1/ Chính Đức Giêsu là người ra đi từ cung lòng Chúa Cha để gieo hạt giống Tin Mừng. Ban đầu Ngài gặp nhiều khó khăn cản trở: bởi Satan, biệt phái, thông giáo và bởi cả những người bà con của Ngài. Nhưng chắc chắn tương lai rất hứa hẹn.

2/ Khi ghi lại dụ ngôn này, Mc cũng muốn an ủi các tín hữu mình trong giáo đoàn Rôma đang gặp rất nhiều khó khăn.

BÀI 23: LÝ DO ĐỨC GIÊSU DÙNG DỤ NGÔN (4,10-12)

  1. Vấn đề:

     Những câu này khiến người đọc hiểu rằng Đức Giêsu mặc dù giảng dạy dân chúng nhưng muốn dành riêng cho các môn đệ hiểu, còn dân chúng thì không được hiểu ”kẻo họ ăn năn và được tha thứ”. Thực ra ta phải ghi nhận điều này là Đức Giêsu không bao giờ muốn che dấu sứ điệp của Ngài cho dân chúng và ngăn cản những kẻ “ở bên ngoài” ăn năn sám hối, trái lại những dụ ngôn của Ngài kêy gọi dân chúng khám phá mầu nhiệm Nước Trời.

      Nhưng chúng ta cũng phải biết hoàn cảnh của giáo đoàn Mc ở Rôma khỏang năm 70 (là lúc Mc soạn Tin Mừng): sứ điệp của Đức Giêsu đã thất bại ở Palestina, đa số người Do thái không đón nhận, chỉ có một thiểu số đón nhận là các môn đệ.

     Cần lưu ý đến 2 sự kiện trên thì mới giải thích đúng dụ ngôn này.

  1. Giải thích

c 10 – Khi Đức Giêsu ở riêng một mình thì không chỉ nhóm 12, mà có cả “những kẻ chung quanh Ngài” tới hỏi ý nghĩa của dụ ngôn. Đây chính là gia đình thật của Đức Giêsu, những người muốn tìm hiểu thánh ý Chúa Cha để thi hành (3,35). Họ là những người “ở trong” và được bày tỏ cho biết tất cả mầu nhiệm Nước Trời, dù họ là Do thái hay dân ngoại cũng vậy. Ngược lại là những kẻ “ở ngoài”, đó là những người không chấp nhận sứ điệp của Đức Giêsu. Chính vì họ không chấp nhận nên họ không hiểu. Lỗi là tại họ, Phaolô đã mô tả việc này rất đúng như sau: Đức Giêsu chịu đóng đinh “là cớ vấp phạm cho người Do thái, là sự điên rồ đối với người ngoại” (1Cr 1,23)

c 12 – Người Kitô hữu đã tìm hiểu lỳ do của tình trạng đó. Họ chạy tới Thánh Kinh. Và họ đã gặp được lời giải đáp trong sách Isaia: Việc Israel từ chối Đấng Messia đã được dự trù trong chương trình của Thiên Chúa (Cv 13,44-48). Cũng như Isaia ngày xưa đã gặp rất nhiều thất bại tạm thời thì Đức Giêsu ngày nay cũng gặp thất bại, tuy nhiên đừng thất vọng, vì dụ ngôn người gieo giống đã hứa hẹn một tương lai tươi đẹp (4,1-9).

     – Phàn thứ hai của câu trích Isaia có nhiều người dịch là: “Kẻo họ ăn năn trở lại và được tha thứ”. Thực ra “kẻo” (sinon) không có ghi mục đích (Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn cho người ta đừng ăn năn), mà có nghĩa hậu quả: vì họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, cho nên họ không ăn năn trở lại và không được tha thứ. Đây cũng là lời cảnh cáo đồng thời là lời khuyến khích tín hữu hãy cố gắng hiểu Lời Chúa.

BÀI 24: GIẢI THÍCH DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG (4,13-20)

c 13 – Lần đầu tiên  đề cập đến chủ đề các môn đệ không hiểu. Đây là một chủ đề quen thuộc trong Tân Ước (Mc 6,52  7,18  8,17.18.20.33 9,10-32  10,38).

c 14 – “Lời”: Trong GH sơ khai “Lời” có nghĩa tương đương với Tin Mừng. Chú ý chữ Lời được dùng tới 8 lần trong đoạn ngắn này.

c 15 – Từ câu này, Đức Giêsu giải thích ý nghĩa dụ ngôn. Trong dụ ngôn, trọng tâm là sự phong phú của Lời. Nhưng sang phần giải thích thì trọng tâm đổi sang những trạng thái tâm hồn của người nghe.

     Có 8 hạng người mà Lời không sinh hiệu quả

     * Những kẻ bị Satan phá.

     * Những kẻ không kiên trì trong gian truân và bắt bớ.

     * Những kẻ lo lắng chuyện thế gian và quá ham mê của cải vật chất.

     Nhưng cũng có hạng người mà Lời sinh hiệu quả phong phú, đó là những kẻ đón nhận và đem Lời ra thi hành.

*** Lời giải thích này vừa cảnh giác tín hữ hãy coi chứng những yếu tố có thể gây hại cho Lời, vừa khuyến khích họ hãy biết đón nhận và đem Lời ra thi hành.

BÀI 25: DỤ NGÔN CÂY ĐÈN (4,21-23)

c 21 – “Họ”:  cũng là những người đã nghe dụ ngôn trước, tức là những kẻ chung quanh Ngài: không chỉ nhóm 12, mà còn tất cả những ai đang nghe Ngài. Ở đây Mc cũng muốn gồm những tín hữu giáo đoàn Rôma.

     – “Đến”: động từ này dùng cho cây đèn thì kỳ lạ, nhưng Mc ám chỉ việc Đức Giêsu đến

c 22 – “Không gì dấu kín mãi mà không lộ ra, không gì dấu lâu mà sau không biết”: ám chỉ đến: 1/ Tin Mừng; 2/ Mầu nhiệm Nước Trời; 3/ Bản thân Đức Giêsu.

     – Ý nghĩa dụ ngôn: Đức Giêsu đem Tin Mừng đến trần gian, giảng dạy về Nước Trời, thành lập GH. Ngài không muốn những điều trên dành riêng cho một nhóm nười nào riêng biệt, nhưng muốn thông ban cho mọi người. Riêng các Kitô hữu, họ phải sống sao cho người ta nhìn vào mà nhận ra Tin Mừng Nước Trời. Họ đã được hưởng ánh sang Tin Mừng thì họ đừng giữ cho riêng mình, đừng dập tắt, trái lại phải tìm cách làm lan tỏa ánh sang đó ra chung quanh.

c 23 – Một lần nữa Đức Giêsu kêu gọi “ai có ai nghe được thì hãy nghe”: phải chú ý để Lời Ngài khỏi ra vô ích.

BÀI 26: DỤ NGÔN CÁI ĐẤU (4,24-25)

c 24 – Đức Giêsu bắt đầu bằng lời khuyến cáo hãy coi chừng về sự nghe, sau đó dùng hình ảnh cái đấu để giải thích. Đấu là đồ người ta dùng để đong. Có Đức Giêsu muốn nói rằng ai càng biết lắng nghe Lời thì càng được ban nhiều, ngược lại ai không đón nghe Lời thì chẳng được gì cả.

c 25 – Những người có mà còn được cho thêm có lẽlà các tín hữu chăm nghe Lời Chúa; còn những người không có mà cái gì họ có cũng bị lấy đi có lẽ là những người Do thái.

BÀI 27: DỤ NGÔN HẠT GIỐNG (4,26-29)

*** Dụ ngôn này chỉ một mình Mc ghi lại.

c 26 – Câu đầu tiên của dụ ngôn không xác định rõ thính giả như dụ ngôn trước. Có lẽ lần này Đức Giêsu nói với đám đông dân chúng chứ không phải với một nhóm ở chung quanh Ngài. Câu cuối cùng của loạt bài dụ ngôn khiến ta có thể hiểu như vậy (4,33).

c 27 – “Về Nước Chúa”: Chính Đức Giêsu xác định dụ ngôn này là so sánh cho ta hiểu về mầu nhiệm Nước Chúa.

     – Đức Giêsu dùng hình ảnh nghề nông với tất cả các giai đoạn: gieo, nảy mầm, mọc lên, sinh hoa trái. Nhưng trọng tâm là khâu nào? Là sức lớn tự nhiên của Nước Chúa dù cho hoàn cảnh bên ngoài có thế nào đi nữa.

     – Ý nghĩa dụ ngôn:

            1/ Đức Giêsu trấn an các môn đệ rằng thế nào Nước Chúa cũng phát triển mạnh mẽ.

            2/ Mc cũng khuyến khích các tín hữu giáo đoàn Rôma để họ đừng nản chí trước những khó khăn nhất thời.

c 29 – Dụ ngôn kết thúc với hình ảnh mùa gặt: dù con người phản ứng thế nào trước Tin Mừng, Thiên Chúa vẫn kiên trì thực hiện cho đến cùng kế hoạch của Ngài. Thật là một tương lai đầy an ủi.

BÀI 28: DỤ NGÔN HẠT CẢI (4,30-34)

c 30 – Thính giả cũng như dụ ngôn trên. Và đối tượng so sánh cũng là Nước Chúa.

c 31 – Điểm riêng biệt của dụ ngôn này không những là sức phát triển tự nhiên của Nước Chúa, mà còn là sức phát triển vô địch: một hạt cải bé tí xíu mà lớn thành một cây to.

c 32 – “Chim trời có thể nương thân núp bóng”: Hình ảnh này quen thuộc trong Cựu Ước (Ed 17,23  31,6; Dn 4,9-18): Nước Chúa sẽ phổ cập tới muôn dân muôn nước.

c 34 – Các môn đệ nhờ liên kết với Đức Giêsu nên có thể hiểu sâu xa hơn dân chúng.

4 HÀNH VI QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC GIÊSU

            Qua những hành vi quyền năng này, Mc muốn chứng minh rằng Vương triều Thiên Chúa không chỉ thể hiện bằng lời giảng dạy của Đức Giêsu mà còn bằng hành động của Ngài.

            4 hành vi quyền năng này được sắp xếp theo một thứ tự địa dư có tính toán: trước tiên Đức Giêsu dẫn các môn đệ đi qua hồ Ghênêzarét và có việc làm cho bão tố yên lặng. Từ bờ phía Tây Đức Giêsu đi sang bờ phía Đông là phần được gọi là Thập tỉnh, phần đất của dân ngoại, ở đó diễn ra việc cứu một người bị quỷ ám ở Ghêrasa. Rồi Ngài trở về phần đất của Israel và cứu sống con gái ông Giairô và chữa bệnh cho một phụ nữ bị băng huyết.

BÀI 29: BÃO TỐ LẶNG YÊN (4,35-41)

  1. Giải thích

c 35 – “Ngay hôm đó”: Mc xếp những hành vi quyền năng vào cùng một ngày với việc Đức Giêsu đi rao giảng nhằm cho thấy sức mạnh của Vương triều Thiên Chúa tỏ ra trong cả giáo huấn lẫn việc làm của Đức Giêsu.

     – “Đức Giêsu liền bảo”: sáng kiến này là của Đức Giêsu.

     “khi chiều đã xuống”: sang kiến dùng thuyền đi trên hồ như thế thật là táo bạo, vì:

  1. a) hồ này thường có bão, mà bão ban chiều thì nguy hiểm hơn ban ngày.
  2. b) người ta tin rằng bão là sào huyệt của những sức mạnh gian tà, và các sức mạnh này hay nổi dậy vào ban đêm.

     – “sang bờ hồ bên kia”: bờ phía Tây, vùng đất của dân ngoại thù địch.

c 37 – “Cơn bão tố ầm ầm”: Hồ này thường bị bão và lốc nổi lên đột ngột khi những luồng gió từ Địa Trung Hải và Syri chạm nhau. Mc cho thấy sự nguy hiểm đang đe dọa con thuyền, vì “sóng tạt cả vào khoang làm thuyền đầy nước”.

c 38 – Nhưng Đức Giêsu vẫn gối đầu nằm ngủ. Đây là cái ghế đằng lái, dành cho tài công, có lót nệm.

c 39 – “Hăm đe gió”: Động từ này được Mc dùng trong những tường thuật trừ tà (1,25).

     “Truyền lệnh cho biển”:  việc làm này là của Thiên Chúa.

c 41 – “Các con chưa có lòng tin hay sao?”: Đây là lòng tin vào quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong Đức Giêsu.

     – “kinh hoàng sợ hãi”: sự sợ hãi thánh khi đứng trước uy quyền của Thiên Chúa.

  1. Ý nghĩa

1/ Tất cả câu chuyện diễn tiến trong bầu khí căng thẳng, hiểm nguy, để làm nổi bật phần kết thanh thản bình an và câu hỏi “Ngài là ai mà cả gió và biển cũng phải vâng phục?”

2/ Chuyện này như tóm tắt số phận của Đức Giêsu: cả cuộc đời Ngài là một cuộc chiến đấu với thế lực gian tà giữa biển cả thế gian này. Thánh Kinh lại hay dùng giấc ngủ để diễn tả cái chết. Đức Giêsu ngủ tượng trưng rằng Ngài sẽ bị chết. Ngài đi vào cõi chết một cách bình an thanh thản, trong khi đó các môn đệ sợ hãi cuống cuồng. Ở đây cũng như sau này khi Đức Giêsu ở trên thập giá, sự thiếu đức tin của các môn đệ hiện ra rõ ràng. Nhưng sau đó Đức Giêsu “thức dậy”, đây cũng là động từ chỉ việc phục sinh, Đức Giêsu sẽ sống lại.

3/ Câu hỏi “Ngài là ai mà cả gió và biển cũng phải vâng phục” đã hạm chứa câu trả lời: Trong Thánh Kinh, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền chế ngự được biển cả của sự chết (Tv 107,23-30).

4/ Mc cũng có hai bài học muốn nhắn gởi giáo đoàn của ông:

  1. a) họ đang bị bách hại, như là bị bao vây bởi bão tố trong khi Đức Giêsu xem ra như ngủ. Mc an ủi rằng thế nào Ngài cũng “thức dậy”.
  2. b) bão tố nổi lên ngay khi Đức Giêsu quyết định dẫn các môn đệ mình ra đi truyền giáo ở miền lương dân. Phải chăng các tín hữu của giáo đoàn Rôma cũng coi việc đem Tin Mừng cho lương dân là một công việc nguy hiểm.

           

BÀI 30: NGƯỜI BỊ QUỶ ÁM Ở GÊRASA (5,1-20)

  1. Giải thích

c 1 – “Bờ hồ bên kia thuộc xứ Gêrasa”: Ta không biết Gêrasa ở đâu, nhưng biết nó ở phía bên kia hồ, tức là phía Đông, phía của người ngoại.

c 2 – Mc mô tả người bị quỷ ám bằng nhiều nét rất thê thảm:

     * Hắn ở trong mồ mả: đây là những hang hốc tự nhiên hoặc những hang người ta khoét sâu trong núi để vất vào đó những xác chết vốn bị coi là ô uế.

     * Hắn như một người điên với một sức mạnh ma quái “dù có lấy xiềng cũng không ai trói hắn lại được”.

     * lại bị ám ảnh bởi ý muốn tự hủy hoại: “lấy đá đập mình bị thương”.

     Tóm lại hắn là tượng trưng cho Sự Dữ và Sự Chết.

c 7t c 6 – “chạy đến phục lạy Ngài”: ngay từ khi mới gặp Đức Giêsu, quỷ đã công nhận sức mạnh vô địch của Thiên Chúa nơi Ngài, cho nên hắn không kháng cự mà chỉ năn nỉ Ngài.

     – Diễn tiến tiếp theo giống y như chuyện trừ quỷ ở Hội đường Capharnaum (1,23-27):

     * Trước tiên là quỷ kêu tên Đức Giêsu, nhưng không phải để chống lại mà để năn nỉ “Xin Ngài đừng làm khổ thân tôi”

     * Đức Giêsu buộc hắn phải khai tên: theo người thời đó, biết tên ai là có quyền trên người đó.

     * Hắn khai tên là “cơ binh”: theo quân đội La Mã, mỗi cơ binh gồm 6.000 quân. Anh này bị quỷ ám nặng nề. Mc còn ngụ ý anh này là nơi cư ngụ của toàn thể nước Satan.

c 11 – “đàn heo”: heo là một vật bị người Do thái coi là ô uế. Ở đây có cả đàn heo nghĩa là xứ này rất ô uế.

c 12 – Theo quan niệm thời đó, quỷ xuất khỏi đâu thì phải có chỗ khác cho nó ở, vì thế quỷ xin cho nhập vào đàn heo.

c 13 – Cả đàn heo chết đuối dưới hồ: chi tiết này chứng tỏ quỷ đã hết quyền trên miền đất ấy, miền ấy đã được giải phóng khỏi vòng ô uế.

c 15 – Khi người ta đến xem thì thấy người đó đã hoàn toàn thay đổi.

     * “mặc áo”: nhân phẩm đã được trả lại

     * “ngồi yên, trí khôn tỉnh táo”

     * Người ta “kinh hoàng sợ hãi”: sự sợ hãi thánh khi đứng trước quyền năng Thiên Chúa.

c 17 – Họ xin Đức Giêsu rời khỏi xứ họ: lý do 1 là vì tiếc của: mất tới chừng 2.000 con heo (c 13); nhưng còn lý do thứ hai nữa là họ từ chối Đấng Messia.

c 18 – “ở với”: Đức Giêsu là đặc tính của Nhóm 12 (3,14).

c 19 – Đức Giêsu từ chổi lời xin này vì chưa tới lúc cho những người ngoại mới trở lại được tham gia sinh hoạt của Nhóm 12.

     – Nhưng Ngài bảo anh “loan báo”: động từ này chỉ việc loan báo Tin Mừng.

     * Điểm đặc biệt: Đức Giêsu không cấm mà lại bảo loan báo. Lý do 1 là đang ở xứ dân ngoại; lý do 2 là loan báo không phải về bản thân Ngài mà là về những việc làm của Chúa Cha.

  1. Ý nghĩa

1/ Mc muốn cho thấy sức mạnh Đức Giêsu toàn thắng sức mạnh của nước Satan. Giáo đoàn Rôma cũng đang sống giữa lương dân, Mc muốn khuyên họ đừng ngại “loan báo” Tin Mừng cho lương dân: chính Đức Giêsu đã làm thế và đã chiến thắng.

2/ Về bí mật Messia. Có điều này đáng ta chú ý là trong khi chưa ai biết được Đức Giêsu là ai thì ma quỷ – và chỉ có ma quỷ – biết và biết rất rõ: Ngài là Đấng Messia đến để chấm dứt triều đại của Satan. Mc thường cho ma quỷ nói lên điều đó, giống như một người núp trong cánh gà sân khấu để nhắc tuồng. Các chuyên viên Thánh Kinh thì gọi đây là những “révélations furtives”. Đây là kỹ thuật Mc xử dụng để kích thích ta tiếp tục đi tìm câu trả lời cho câu hỏi mà ông thường đặt ra “Đức Giêsu là ai?”

BÀI 31: CON GÁI ÔNG GIAIRÔ VÀ MỘT PHỤ NỮ BĂNG HUYẾT (5,21-43)

  1. Giải thích

c 21 – “Đi về phía bên này”: phía của người Do thái

c 22 – “Chủ hội đường”: danh hiệu này chỉ người phụ trách Hội đường, nhưng cũng có thể chỉ một người nổi tiếng trong cộng đoàn nữa.

c 25 – “Có một bà băng huyết”

     * Mc thường chen chuyện này vào giữa chuyện kia, thí dụ 3,20, ở đây 6,33  11,11-21  14,1-11.Khi làm như vậy thì thường vì hai chuyện có đặc tính chung là:

  1. a) cả hai nhân vật được ơn đều là phụ nữ (một bà băng huyết và một cô gái vừa chết)
  2. b) cả hai đều được cứu nhờ Đức tin.

     * Ta cũng cần lưu ý rằng bệnh băng huyết bị liệt vào những bệnh ô uế và không ai được đụng tới bệnh nhân, cũng như bệnh nhân không được đụng tới ai(Lv 15,19-27)

c 26 – Một mình Mc trong các Tin Mừng nhât lãm lưu ý tới tình trạng bất trị của bà này.

c 27 – “Đụng tới áo Ngài”

     * Người ta coi áo cũng là người, đụng áo tức là đụng người> Bà này không dám đụng người của Đức Giêsu vì sợ vi phạm luật Lêvi vừa kẻ trên, nên chỉ đụng áo và đụng lén.

     * Cái đụng này khác với cái đụng của dân chúng đông đảo chung quanh Đức Giêsu, vì nó phát xuất từ Đức tin, như lời tự nhủ của bà (c 28).

c 32 – “Nhưng Ngài nhìn khắp chung quanh”: cử chỉ này rất có ý nghĩa (xem những bài trước).

c 33 – “Bà ấy vừa sợ vừa run”: bà sợ bị Đức Giêsu rầy vì bà đã vi phạm luật Lêvi.

c 34 – “Con ơi, Đức tin của con đã cứu chữa con”:

– Câu này có thể có nhiều nghĩa bổ túc cho nhau:

  1. a) chính Đức tin của con tự nó đã cứu chữa con.
  2. b) Đức tin của con đã cứu chữa con vì nó đã đặt con vào mối tương quan với Ta là nguồn mọi ơn cứu chữa.
  3. c) vì Đức tin của con là thái độ duy nhất đẹp lòng Ta (vì là hành vi khiêm tốn tỏ lòng tín nhiệm Ta) nên Ta ban cho con điều con thỉnh cầu.

     – Đức Giêsu nhiều lần nói câu này: xem thêm Mt 9,22; Lc 7,50.

     – Chú ý: Đức Giêsu đã dùng lại những chữ mà bà này trước đó đã tự nhủ (c 28).

c 35 –“Con hãy về bằng yên và Ta cho con lành bệnh”: đây là một sứ điệp giải phóng

c 36 – “Con gái ông đã chết, còn quấy rầy Thầy làm chi nữa”: một bằng chứng thiếu Đức tin vì cho rằng quyền năng của Đức Giêsu phải dừng lại trước biên giới sự chết (có lẽ cũng vì thế mà trong phần tiếp theo, Đức Giêsu dùng những động từ có mầu sắc phục sinh).

c 37 – “Đừng sợ, ông cứ tin đi”: trong tình huống như thế, lời mời gọi của Đức Giêsu quả là vượt sức tự nhiên, nhưng có tin như thế mới xứng đáng là Đức tin.

c 38 “Ngài không để ai theo gài, ngoại trừ Phêrô và 2 anh em Giacôbê và Gioan”: Phần sau của chuyện cứu sống con gái ông Giairô diễn ra trong bí mật. Hơn nữa đây là một bí mật quan trọng có liên quan tới tư cách Messia của Ngài. Vì thế chỉ có 3 môn đệ đã được phép hiện diện trong những biến cố quan trọng chứng kiến.

c 39 – “Nhiều người khóc lóc kêu la”: như thường thấy trong những đám tang ở phương Đông.

c 40 – “Em ngủ đấy thôi”: không phải Đức Giêsu nói đùa, vì Thánh Kinh coi cái chết chỉ là giấc ngủ (Mt 27,52; 1Cr 11,30  15,6; 1Tx 4,13-15)

c 41 – “Thiên hạ chế giễu Ngài”: thêm một bằng chứng về sự không tin.

     – “Talitha qoum”: tiếng Aram. Thông thường Mc dịch những kiểu nói Aram cho độc giả Hy Lạp dễ hiểu. nhưng đôi khi ông chép nguyên văn trước rồi mới dịch sau, để cho độc giả thấy tầm quan trọng của sự việc đó (7,34).

c 43 – “Hãy thức dậy”: động từ đồng nghĩa với sống lại.

     – “Đừng nói cho ai biết”: bí mật Messia, chỉ có thể nói ra sau khi Đức Giêsu chết và sống lại. vì chỉ lúc đó người ta mới hiểu tư cách Messia của Ngài và mới hiểu đúng ý nghĩa của sự việc.

  1. Ý nghĩa

1/ Mc coi đây là tiên báo những chuyện sau này: “Người ta chế diễu Ngài” tiên báo những lời chế diễu trong cuộc thụ nạn (15,31); việc cứu sống con gái ông Giairô tiên báo việc Đức Giêsu sẽ sống lại.

2/ Bài tường thuật này kết thúc chuỗi 4 hành vi quyền năng của Đức Giêsu (4,35-5,43) nhằm chứng minh Đức Giêsu có quyền trên cả sự sống lẫn sự chết, có quyền trong cả lời nói lẫn việc làm.

BÀI 32: ĐỨC GIÊSU Ở NAZARÉT (6,1-6)

  1. Giải thích

c 1 – Đức Giêsu trở về quê. Có lẽ từ khi bắt đầu sứ vụ tới giờ, đây là lần đầu tiên Ngài về quê.

c 2 – Những người đồng hương ban đầu có thái độ thuận tiện đối với Ngài. Nhưng họ phải đặt vấn đề về Ngài. Đây là câu hỏi căn bản mà Mc thường lặp đi lặp lại “Giêsu là ai?”.

     “Bởi đâu… ông ta khôn ngoan… tay ông làm những phép lạ nổi tiếng xiết bao”: Tát cả những điều họ nghe thuật lại hoặc nghe tận tai lẽ ra đều phải dẫn họ tới đức tin.

c 3 – Nhưng thực tế ngược lại: họ đã không tin, bởi vì họ đã quá quen biết gốc gác tầm thường của Ngài.

     * “Ông ta lại không phải là người thợ mộc…”: thời đó thợ mộc không chỉ làm gỗ mà còn chế tạo mọi dụng cụ, kể cả xây nhà.

     * “Con bà Maria”: việc không kẻ tên người cha là điều bất thường. Nhưng có lẽ Mc có 2 ngụ ý:

  1. a) Vì Mc muốn nhắc rằng Thiên Chúa mới là Cha của Đức Giêsu (8,38 13,32  14,36)
  2. b) Mc chia sẻ niềm tin của GH sơ khai về sự đồng trinh của Đức Maria (Mt 1,18-20; Lc 1,30-35)

     * “Anh em”:  theo nghĩa rộng, vừa anh em ruột vừa anh em bà con.

     * “Chị em”:  chỉ có ở đây và 3,32 nhắc tới chị em của Đức Giêsu, và dĩ nhiên cũng là chị em bà con.

     – “Chính vì  thế mà họ không tin vào Ngài”: ta nên so sánh chuyện này được chép trong Mc với trong 2 Tin Mừng nhất lãm khác (Mt 13,54-58; Lc 4,16-24). Mc gần với Mt hơn và xa cách Lc. Theo Mc lý do khiến dân làng Nazarét không tin Đức Giêsu là nguồn gốc quá rõ ràng của Ngài (gần với tâm lý “gần chùa gọi Bụt bằng anh” hay “Bụt nhà không thiêng”)

c 4 – Đức Giêsu trích một câu tục ngữ và áp dụng vào trường hợp này. Câu tục ngữ ấy là “Chẳng ai làm ngôn sứ ở quê hương mình”. Ngài đã thay đổi chút ít về từ ngữ.

c 5 – Sự không tin của dân Nazarét khiến Đức Giêsu không thể làm phép lạ. Sự không thể này không phải là do Ngài thiếu quyền phép, cũng không phải là do tâm lý người nhận (gần như trường hợp bệnh nhân tin tưởng thì dễ khỏi bệnh), mà là vì phép lạ và đức tin liên hệ chặt chẽ nhau, nếu không có đức tin thì phép lạ thành vô ích.

     – Nhưng Mc cho thêm chi tiết làm dịu đi sự không thể ấy: “ngoại trừ đặt tay chữa lành mấy người bệnh”.

  1. Ý nghĩa

*** Không đâu bằng ở đây Mc nhấn mạnh tới sự liên hệ giữa đức tin và phép lạ. Ta hãy nhớ lại những chỗ khác Đức Giêsu trách các môn đệ thiếu lòng tin đang cơn bão tố (4,40), chính sự không tin của dân làng Gêrasa đã rút ngắn thời gian Ngài lưu lại đó (5,17), cũng chính vì người nhà của ông Giairô không tin mà cứ khóc la inh ỏi nên Ngài đã đuổi họ ra khỏi nhà (5,39-40).