Chú Giải Tin Mừng Marcô 6,7-8,26 – Lm Carolo

print

GIAI ĐOẠN 3

TỪ LÚC SAI PHÁI NHÓM 12

ĐẾN LỜI TUYÊN XƯNG CỦA PHÊRÔ

(6,7-8,26)

– Trong giai đoạn 1 (1,14-3,12), Đức Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ hãy theo Ngài. Tiếp đó dù bị các luật sư và biệt phái chống đối, Ngài đã hé cho dân chúng Galilê thấy vài khía cạnh của mầu nhiệm về bản thân và sứ mạng của Ngài.

– Sang giai đoạn 2 (3,13-6,6), Đức Giêsu củng cố những gì Ngài đã dạy cho các môn đệ và dân chúng về bản thân và sứ mạng Ngài.

– Đến giai đoạn 3 này, Đức Giêsu củng cố thêm nữa 2 nội dung trên. Giai đoạn này gồm 2 chuỗi sự việc:

     a/ Chuỗi thứ 1, rất ngắn (6,7-29):

     * Bắt đầu bằng một việc quan trọng là sai phái nhóm 12 đi truyền giáo (6,7-12).

     * Tiếp đó Mc mở ngoặc để nói về Hêrôđê và triều đình của ông:

            *- Dư luận về Đức Giêsu (6,14-16)

            *- Cuộc chịu nạn của Gioan Tẩy Giả (6,17-29).

     Sau đó Mc đóng ngoặc để tiếp tục nội dung chính của giai đoạn này: tiếp tục hé lộ mầu nhiệm Messia.

     b/ Chuỗi thứ 2, rất dài (6,30-8,21), thường được gọi là “phân đoạn về bánh”. Chữ “bánh” được dùng 9 lần. Có những tường thuật như sau:

     * Phép lạ hóa bánh ra nhiều (6,30-44). Đi trên mặt nước (6,45-52).

     * Chữa bệnh tại Gênêsareth (6,53-56).

     * Đức Giêsu đối với truyền thống biệt phái (7.1-3).

     * Đức tin của một người ngoại (7,24-30).

     * Chữa một người câm điếc (7,31-37).

     * Phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ 2 (8,1-9).

     * Đức Giêsu từ chối không cho một dấu lạ từ trời (8,10-12).

     * Sự không hiểu của các môn đệ (8,13-21).

            Chủ đề chính của giai đoạn 3 này là Đức Giêsu dần dần dẫn cácmôn đệ khám phá những quyền Messia của Ngài: Ngài có khả năng quy tụ quần chúng lại thành một dân mới của Thiên Chúa, dân mà Ngài có thể nuôi ăn no nê. Tuy nhiên sự không hiểu của các môn đệ càng ngày càng tang đang khi Đức Giêsu càng ngày càng vượt khỏi ranh giới Do thái để mở rộng cửa phòng tiệc Messia cho dân ngoại.

            Giai đoạn 3 kết thúc bằng việc chữa một người mù ở Betsaida (8,23-26). Tường thuật này rất có ý nghĩa: tiên báo rằng các môn đệ sẽ mở mắt và tuyên xưng Đức Giêsu là Messia (8,27-30).

BÀI 33: SAI PHÁI NHÓM 12 (6,7-13)

  1. Giải thích

c 7 – “Sai phái”: Mc đã kể rằng trước đây Đức Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ (1,16-20), kế đó tuyển ra 12 người để ở với Ngài và chia sẻ sứ mạng của Ngài (2,13-19). Nay đã đến lúc Ngài sai họ đi thi hành sứ mạng. Họ xứng đáng mang danh hiệu mà sau này người ta sẽ gọi họ, đó là “Tông đồ” tức là “kẻ được sai đi”.

c 8 “Từng 2 người một”: có 2 lý do:

  1. a) Đnl quy định rằng lời chứng của 2 người trở lên mới có giá trị.
  2. b) Các vị thừa sai trong GH không làm việc cá nhân riêng lẻ mà phỉa hợp tác với nhau. Lêh thói này vẫn được GH tiếp tục tuân giữ (Cv 3,1 4,12: Phêrô và Gioan; Cv 13,2: Phaolô và Barnabê; Cv 15,22b: Giuđa và Sila…)

c 9 – “Ban cho họ quyền phép trên thần ô uế”: Đức Giêsu đã chia sẻ cho các thừa sai chính quyền phép của Ngài. Đó chính là một trong những dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến.

     – Điểm đặc biệt trước tiên trong những lời Ngài dặn dò các thừa sai là họ phải sống như những kẻ du thuyết: giản dị, nghèo nàn.

     – Những nhu cầu thiết thân như bánh và tiền cũng phải do người ta cho.

     – Quần áo thì tối thiểu để dễ dáng di chuyển: không mang bị, không  cần bộ đồ thứ hai để thay.

     – Khác vơi Mt và Lc, c cho phép giữ lại “gậy”“dép” (vài thủ bản chỉ có “gậy”). Mc muốn trình bày người thừa sai như kẻ lúc nào cũng sẵn sàng lên đường (Xh 12,11: tay cầm gậy, chân mang dép, nai nịt gọn gàng để lên đường). Cũng nên biết rằng thời đó người ta thường đi chân không, nhưng nếu đi xa thì phải mang dép.

cc 10&11: Tiếp theo là chỉ dẫn về việc ở trọ: thừa sai phải trọ tại bất cứ nơi nào người ta cho trọ (không được so đo kén chọn). Nếu nơi nào người ta không tiếp mình thì mình cũng phải tôn trọng sự tự do từ chối đó, vì Tin Mừng không ép buộc ai cả. “Thủ tục” ra đi được mô tả ở đây theo tục lệ phương Đông: rũ bụi chân ra đi để tỏ ra đoạn tuyệt.

c 12 – Nội dung rao giảng của thừa sai là “phải ăn năn trở lại”. Đây là điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa, mà cũng là nội dung lời rao giảng của Đức Giêsu (1,15).

c 13 – “xức dầu”: đây không phải là xức dầu để trị bệnh, mà là một cử chỉ làm phép lạ. GH coi đây là nguồn gốc của bí tích Xức dầu bệnh nhân.

  1. Ý nghĩa

            Tin Mừng phải được mang đi loan báo cho người khác với một tính di động tối đa nhưng với những phương tiện tối thiểu.

            Tin Mừng là một món quà biếu không, chờ đợi người ta đón nhận.

            Tin ừng cũng là lời rao giảng kèm theo những dấu chỉ chiến thắng của Thiên Chúa trên sự dữ và sự chết.

BÀI 34: DƯ LUẬN VỀ ĐỨC GIÊSU (6,14-16)

  1. Giải thích

            * Trong lúc các môn đệ đang đi rao giảng, Mc dùng khoảng trống này để cho độc giả biết một số dư luận về Đức Giêsu.

c 14 – “Danh tiếng Ngài”: Sau một thời gian đi rao giảng và nhất là làm phép lạ, Đức Giêsu đã có danh tiếng khá lớn, loan truyền tới tận triều đình của Hêrôđê. Nhưng dư luận về Ngài rất khác nhau.

     – Dư luận thứ nhất coi Ngài là “Gioan Tẩy Giả sống lại”. Người Do thái thời đó nghĩ rằng sống lại là trở lại cuộc sống và có thêm những quyền phép siêu nhiên, chẳng hạn quyền làm những phép lạ. Do đó khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ thì họ nghĩ Ngài là Gioan Tẩy Giả sống lại.

c 18 – Êlia: Dư luận thứ hai coi Ngài là Êlia trở lại. Theo Cựu Ước (2V2,1-11) ngôn sứ Êlia không chết nhưng đã rời trần gian một cách huyền diệu trên một chiếc xe bằng lửa. Và theo Ml 3,23-24,trước khi tận thế ông sẽ trở lại trần gian để kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn sám hối nên được coi là Êlia.

     – Dư luận thứ ba coi Ngài là “một trong hàng ngôn sứ thuở xưa”: Từ thế kỷ II trước CN đã không còn ngôn sứ nữa và người Do thái nôn nóng sẽ có một ngôn sứ tầm cỡ như Mosê xuất hiện.

c 16 – Phần Hêrôđê thì coi Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại. Hẳn ông luôn bị dằn vặt ám ảnh vì tội đã giết Gioan.

  1. 2. Ý nghĩa

            Những dư luận trên đây tuy khác nhau những đều chung một điểm là coi Đức Giêsu là ngôn sứ, một kẻ có nhiều quyền năng. Người ta nghĩ như thế vì người ta đang khao khát có ai đó đầy quyền năng đến giải phóng họ khỏi cảnh khổ hiện tại.

BÀI 35: CUỘC CHỊU NẠN CỦA GIOAN TẨY GIẢ (6,17-29)

  1. Giải thích

            * Sau khi thuật rằng Hêrôđê tưởng Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại. Mc kể rõ Gioan đã chết cách nào. Bài tường thuật có thể chia làm 2 cảnh:

cc 17-20 – Cảnh thứ nhất: Các vai trong cảnh này là Hêrôđê, Hêrôđia và Gioan Tẩy Giả.

     – Hêrôđê: Đây là Hêrôđê Antipas, con của Hêrôđê Cả, đang nắm quyền cai trị vùng Galilê, ông có người em trai là Philippe.

     – Hêrôđia: là cháu nội hoặc cháu ngoại của Hêrôđê Cả. Ban đầu nàng kết hôn với Philippe (tức là chú hoặc cậu ruột). Sau đó lại kết hôn với Hêrôđê Antipas.

     – Gioan không thể làm ngơ trước tội ngoại tình và loạn luân này nên thẳng thắn kết án. Hêrôđia tức giận muốn giết Gioan. Nhưng Hêrôđê lại nể Gioan, vì dân chúng đang ngưỡng mộ ông. Vì thế ông chỉ dám bỏ tù Gioan thôi.

cc 21-29 – Cảnh thứ hai: thêm một người con gái nhập cuộc. Đó là con riêng của Hêrôđia, Mc không nói tên nàng, nhưng sử gia Flavius Josèphe cho biết nàng là Salomê… Lời hứa hào phóng của Hêrôđê hợp với thói quen của những ông hoàng phương đông… Thế là Gioan phải bị chém đầu… Các môn đệ của Gioan đến lấy xác và an tang.

  1. 2. Ý nghĩa

            Cái chết của Gioan có nhiều nét tiên báo cái chết của Đức Giêsu: sự ác tâm của con người, người công chính phải bị giết, các môn đệ tẩm liệm.

BÀI 36: HÓA BÁNH RA NHIỀU (6,30-44)

  1. Giải thích

c 30 – Sau một thời gian thực tập truyền giáo, nay các môn đệ trở về báo cáo với Thầy về công tác đã làm. Đến đây Mc chính thức gọi họ là “Tông đồ” vì quả thực họ xứng đáng như thế: Họ đã được sai đi.

c 31 – Xong Đức Giêsu bảo họ nghỉ ngơi, một sự nghỉ ngơi xứng đáng đối với những người vừa hoàn thành một chuyến công tác cực nhọc.

c 33 – Thế nhưng dân chúng lại kéo tới đông đảo.

c 34 – “Đức Giêsu chạnh lòng thương”: Động từ này trong nguyên ngữ Hy lạp có nghĩa rất mạnh. Như ruột bị dứt ra vậy! (Hs 11,8).

     – “Vì họ như đoàn chiên thiếu người chăn giữ”: Ở đây Mc liên kết với một chủ đề Cựu Ước. Cựu Ước (Ed 34) so sánh Israel với một đoàn chiên mà những kẻ chăn tức các lãnh tụ của họ thường bỏ bê, đến nỗi Thiên Chúa hứa sẽ đích thân chăn đoàn chiên của Ngài. Hôm nay lời hứa đó đã được thực hiện.

     – “Ngài cất tiếng giảng dạy họ”: Mc thường nhấn mạnh đến việc giảng dạy (xem thêm 1,22  4,1-2). Nhưng không lần nào Mc cho biết noọi dung lời giảng dạy. Trước khi cho dân chúng ăn. Đức Giêsu ban lời cho họ. Như thế việc hóa bánh ra nhiều và việc giảng dạy có liên kết với nhau. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn song song nhau.

c 35 – Chú ý: câu chuyện diễn ra “nơi hoang vu”: trong nguyên ngữ chữ được dùng cũng có nghĩa là “sa mạc”. Mc muốn cho thấy chuyện này và chuyện manna trong sa mạc thời xuất hành liên quan nhau (Xh 13,6tt). Hoàn cảnh một đám đông đói khát cũng giống như ngày xưa. Các môn đệ nghĩ đến giải pháp đơn giản là giải tán cho họ về.

c 37 – Nhưng Đức Giêsu bảo họ phải lo cho dân ăn. Đó là trách nhiệm của chủ chăn.

     – Các ông lại nại đến khó khan tài chánh. “Bạc” là đồng Denier, giá trị bằng lương một ngày công.

c 38 – Một lần nữa Đức Giêsu buộc các môn đệ rat ay “Các con đi xem có bao nhiêu bánh”. Ngài muốn các ông hợp tác với việc làm của Ngài.

c 39 – “5 cái bánh và 2 con cá”: số lượng quá ít. Nhưng ngày xưa cũng với một số lượng ít gần như vậy, ngôn sứ Êlisê cũng làm ra đủ lương thực cho một đám đông người ăn (2V 4,42-44).

     – Chi tiết “cỏ xanh” mâu thuẫn với chi tiết “sa mạc” ở phía trên. Nhưng Mc có ý so sánh Đức Giêsu với người mục tử của Tv 23, dẫn đoàn chiên tới chỗ cỏ xanh.

c 40 – “nhóm 100, nhóm 50”: Những con số này lấy theo cách sắp xếp dân Israel trong sa mạc thời xuất hành (Xh 18,21-25).

c 41 – “Đức Giêsu cầm lấy, chúc tụng, bẻ ra, trao”: cùng những động từ của việc lập bí tích Thánh Thể.

cc 42-43 Ăn no và còn dư cũng là một chủ đề của Cựu Ước (2V 4,43).

     – “12 thúng”: con số tương đương với con số chi tộc và số tông đồ, Có lẽ Mc muốn nói rằng một dân khác (khác Israel) vẫn có thể no nê với phần lương thực dư thừa này.

c 44 – “Số người ăn là 5.000”: con số này hợp với cách chia nhóm đã nói phía trên: 50×100=5.000.

  1. Ý nghĩa

1/ Đức Giêsu chính là mục tử đích thực mà Cựu Ước đã hứa, Ngài quy tụ một đoàn chiên bằng Lời và bằng lương thực cho chúng ăn no nê.

2/ Các môn đệ Đức Giêsu được mời hợp tác vào sứ mạng của Ngài.

BÀI 37: ĐỨC GIÊSU ĐI TRÊN MẶT NƯỚC (6,45-52)

  1. Giải thích

c 45 – “Bắt đi ngay”: Một sự bó buộc và một sự khẩn trương. Đức Giêsu không muốn môn đệ nấn ná lại để thụ hưởng sự biết ơn và ngưỡng mộ của dân chúng sau phép lạ bánh. Họ phải tiếp tịc sứ mạng.

Betsaida: thành này ở mạn bên kia hồ, là biên giới phân chia lãnh thổ của Do thái với dân ngoại. Ta cũng đoán được là họ không thích đến vùng dân ngoại, nhất là sau thái độ không thân thiện của dân ngoại trong truyện Gêrasa (5,1-20). Vì thế mà Đức Giêsu “bắt” họ đi

c 46 – Đang lúc đó thì Đức Giêsu giải tán dân chúng, rồi Ngài lên núi cầu nguyện. Hành động này báo trước Ngài sắp làm một việc quan trọng.

c 47 – Câu này mô tả tình cảnh của các môn đệ:

     * Lênh đênh giữa hồ: người Do thái quen sống trên đất liền và trong sa mạc (Jacques Hervieux gọi họ là gens du sable) nên khi ở dưới nước thì rất sợ.

     * Thánh Kinh thường coi biển là sào huyệt của thần Chết và thần Dữ.

     * Hơn nữa lúc ấy là “chiều đến”.

     * Và nghiêm trọng nhất là không có Đức Giêsu trên thuyền.

     Hẳn là Đức Giêsu muốn cho môn đệ mình trải qua một cảm nghiệm đặc biệt.

c 48 – Canh tư: khoảng 3-6 giờ sang.

     – Ngài đi trên mặt hồ: đi trên mặt nước là việc chỉ có quyền phép Thiên Chúa mới làm được (ĐG 9,8; Tv 77; Hc 24,5).

     – Đến với các ông và muốn vượt các ông: chi tiết này làm ta liên tưởng đến chuyện sau này Đức Giêsu phục sinh hiện đến với các môn đệ và đến Galilê trước chờ các ông (16,6-7).

cc 49-50 –Phản ứng của họ cũng giống phản ứng khi thấy Đấng Phục sinh: sợ, tưởng là ma, la hét…

     Thầy đây: âm vang của lời “Ta đây” Thiên Chúa nói với Môsê để giúp ông an tâm đến với Pharaon (Xh 3,14).

c 51 – Kinh hoàng: phản ứng của những người ở trước sự hiện diện của Thiên Chúa.

c 52 – Cuối truyện, Mc đưa ra một đánh giá về các môn đệ: tâm trí họ còn chai đá, họ chưa hiểu.

     – Phép lạ bánh: Mc liên kết truyện này với phép lạ bánh liền trước đó. Cả hai nhằm mặc khải con người Đức Giêsu> Ngài là Đấng uy quyền có khả năng nuôi dân và thừa sức thống trị mọi quyền lực tà thần. Thế nhưng sau 2 sự lạ này các môn đệ vẫn chưa hiểu.

  1. Ý nghĩa

1/ Chuyện này mặc khải thêm một nét về Đức Giêsu: kẻ có quyển thống trị sức mạnh thần dữ.

2/ Mc cũng đưa ra một lời an ủi tín hữu giáo đoàn Rôma đang bị bắt bớ: họ đừng sợ vì Chúa sẽ đến với họ và sẽ cứu họ.

BÀI 38: CHỮA BỆNH TẠI GHÊNÊSARÉT (6,53-56)

  1. Giải thích

c 53 – Cặp bén Ghênêsarét: chuyện trước cho biết là thuyền hướng về phía Betsaida tức là phía Đông song Giođan, phía dân ngoại. Nhưng không biết tại sao thuyền lại cặp bến ở Ghênêsarét, một nơi gần Capharnaum, vẫn ở phía Tây song Giodan, tức là phần đất Do thái. Có lẽ Mc lầm hoặc có ngụ ý gì mà ngày nay ta vẫn chưa rõ.

c 54t – Cảnh người ta tấp nập đến với Đức Giêsu lại tái diễn (so sánh với 1,32-34 và 3,7-12). Có lẽ đây là một “toát yếu” nữa của Mc về hoạt động nhộn nhịp của Đức Giêsu.

     Họ rảo khắp miền ấy: Đức Giêsu là một nhà du thuyết nên di chuyển địa điểm luôn. Vì thế muốn tìm Ngài thì cũng phải rảo khắp miền.

     – Mọi nơi… mọi người…: cách viết tổng quát hóa vấn đề.

     – Sờ vào tua áo:  chi tiết này chững tỏ Đức Giêsu trung thành với tục lệ Do thái, mặc áo có tua theo quy dịnh của Luật Môsê (Ds 15,38-39; Đnl 22,12).

     – Người Do thái tin rằng tua áo cũng biểu thị người mặc áo. Sờ vào tua áo cũng là sờ vào người.

     – Người Do thái cũng tin rằng người bệnh là kẻ tội lỗi (bệnh và tội liên hệ chặt chẽ với nhau) nên phải bị khai trừ. Đức Giêsu để cho bệnh nhân sờ vào mình chứng tỏ lòng thương xót của Ngài đối với họ.

  1. Ý nghĩa

     Đức Giêsu là mục tử tốt lành đang quy tụ những con chiên bơ vơ khổ sở không người chăn dắt.

BÀI 39: TRANH LUẬN VỀ TẬP TRUYỀN BIỆT PHÁI (7,1-23)

  1. Giải thích

c 1 – Đây là một trong nhiều cuộc tranh luận của Đức Giêsu. Đối thủ lần này là những biệt phái và thông giáo.

c 2 – Dịp gây tranh luận là các môn đệ Người dùng bữa mà  không rửa tay trước.

cc 3-4 – Đối với độc giả Rôma, Mc thấy cần giải thích rõ vấn đề đang gây tranh luận đây. Nhằm bảo vệ dân Do thái được tinh tuyền về mặt xã hội và tôn giáo trong giai đoạn họ vừa vào Đất Hứa, Luật Môsê cấm họ tiếp xúc với bất cứ người nào hoặc thức ăn nào bị coi là nhơ uế (Lv 11,16). Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi từ một nơi công cộng hoặc từ chợ trở về nhà, người Do thái tự cảm thấy đã bị lây nhơ uế, vì biết đâu ở những nơi đó họ đã đụng chạm tới người ngoại và người tội lỗi. Bởi vậy họ thường tẩy uế mỗi khi đi chợ về nhà. Họ còn tẩy uế nhiều thứ khác nữa.

c 5 – Nhưng các môn đệ Đức Giêsu không làm như vậy. Do đó mới gây tranh luận.

cc 6-7Vừa mở lời đáp trả, Đức Giêsu vạch mặt giả hình của họ ngay. Và bởi họ thạo Thánh Kinh nên Đức Giêsu trưng dẫn Is 29,13. Thực ra ngay từ thế kỷ VIII, ngôn sứ Hôsê cũng từng trách người Do thái về sự giả hình tôn kính Chúa bề ngoài, mà không có tâm tình chân thực bên trong. (Hs 5,21-25).

c 8 – Rồi Ngài kết luận: họ đã lấy tập truyền của loài người để thay thế lệnh truyền của Thiên Chúa.

cc 10-13 – Để chứng minh cho lời kết luận ấy, Đức Giêsu trưng dẫn một thí dụ về tập truyền của họ: vấn đề Corban. Corban là của đã dâng cúng cho Thiên Chúa. Mặc dù Xh 20,12 buộc con cái phải phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng để khuyến khích người ta đóng góp cho Đền thờ, biệt phái và thông giáo đã dạy rằng nếu ai khấn hứa đem những gì phải giúp cha mẹ để dâng cho Đền thờ thì không còn phải giúp cha mẹ nữa. Quả thực đây là một cách bóp méo luật Chúa.

cc 14-15 – Tiếp theo, Đức Giêsu nói một dụ ngôn về cái từ ngoài vào trong con người và cái từ trong ra ngoài.

cc 1623 – Và vẫn theo thói quen, Mc dành sự giải thích dụ ngôn cho riêng nhóm môn đệ (4,33-34): cái thực sự làm cho người ta ra nhơ uế không phải là cái từ bên ngoài vào những là cái từ bên trong ra. Theo Thánh Kinh “trong lòng” là chỗ ở của tư tưởng và tình cảm.

  1. Ý nghĩa

1/ Biệt phái thích phân biệt sạch và dơ: thức ăn sạch và thức ăn dơ, người sạch và người dơ. Đức Giêsu hủy bỏ sự phân biệt ấy. Ngài đem ơn cứu rỗi cho mọi người. Ngài dạy mọi người phải hòa mình với nhau như anh em cùng một Cha.

2/ Khi ghi lại cuộc tranh luận này, Mc cũng muốn nói với tín hữu cộng đoàn ông: trong GH sơ khai cũng có vấn đề chế độ ăn uống, vấn đề ăn cùng bàn với người ngoại (Cv 10,1  11,8). Mc ghi lại gương của Đức Giêsu để làm tiêu chẩn cho tín hữu noi theo.

BÀI 40: ĐỨC TIN CỦA MỘT PHỤ NỮ NGOẠI (7,24-30)

  1. Giải thích

c 24 – Sang miền Tyrô:  Mnày ở biên giới Bắc Galilê. Dân cư pha trộn và phần nhiều ngoại giáo. Từ trước tới giờ Đức Giêsu quanh quẩn trong miền Galilê (6,53). Nay Ngài sang miền dân ngoại (hiện nay là nước Liban). Chuyện này bắt đầu cho một chuyến lưu lại dài của Đức Giêsu bên ngoài lãnh thổ Do thái. Trước đây Ngài chỉ có một lần đi ngang qua nhanh chóng ở vùng Thập tỉnh phía Tây song Giodan (5,1-20). Bây giờ Ngài thực sự khai mạc giai đoạn truyền Tin Mừng cho lương dân, sẽ còn kéo dài tới sau phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ 2 (8,1-10). Ngài đã chuâmr bị sứ mạng này bằng lời tuyên bố trong cuộc tranh luận với biệt phái về vấn đề “sạch và dơ” (7,1-23). Theo Ngài lương dân không phải là dơ và không phải không tới gần được.

     –Không muốn cho ai biết: Tuy nhiên đã có sẵn thành kiến phân biệt Do thái và lương dân. Để tránh gây phiền phức, Đức Giêsu phải đi kín đáo. Dù vậy Ngài cũng không ẩn mình được.

cc 25-26– Mc cố ý nêu rõ những chi tiết cho thấy Đức tin mạnh dạn của người tìm đến Đức Giêsu: đó là một phụ nữ mà lại là kẻ ngoại, 2 chi tiết khiến bị người Do thái khai trừ, nhưng bà không ngại gì cả.

c 27 – Câu nói của Đức Giêsu làm nản lòng bà:

     * “Con cái”: ám chỉ dân Israel

     * “chó con”: người Do thái coi khinh người ngoại, gọi họ là chó. Mặc dù Đức Giêsu đã sửa thành “chó con” cho nhẹ hơn, nhưng nội dung câu nói cũng còn nặng.

     Tại sao Đức Giêsu từ chối bà?

            1/ Vì theo kế hoạch Thiên Chúa, ơn cứu độ phải ban cho dân Do thái trước.

            2/ Ngài cũng muốn thử bà.

c 28 – câu đáp của bà chứng tỏ bà có đức tin mạnh. Đức Giêsu sẽ ban ơn cho bà vì:

     1/ Đức tin áy đã làm cho bà trở thành con cháu Abraham đích thực (bằng đức tin chứ không bằng huyết thống)

     2/ Xưa nay, mỗi khi gặp một người có đức tin, cho dù đó là người ngoại, thì Đức Giêsu sẵn sàng ban ơn.

c 29 – Quỷ đã ra khỏi con bà rồi: một phép lạ từ xa.

  1. Ý nghĩa

1/ Bức tường ngăn cách với lương dân đã được Đức Giêsu phá đổ.

2/ Chuyện này cũng là một bài học cho tín hữu sơ khai. Những tín hữu gốc Do thái vẫn còn thành kiến với tín hữu gốc lương, thể hiện cụ thể trong việc không chịu ăn cùng bàn. Thái độ của Đức Giêsu là một lời mời gọi họ phải nhanh chóng dẹp bỏ thành kiến đó, vì bàn tiệc Messia là dành cho mọi người.

BÀI 41: CHỮA MỘT NGƯỜI ĐIẾC VÀ NGỌNG (7,31-37)

c 31– Bỏ miền Tyrô… tới biển hồ Galilê: Đức Giêsu vẫn còn ở trong miền đất lương dân

c 32 – Một anh vừa điếc lại vừa ngọng: Đức Giêsu chữa bệnh cho một người ngoại, nay lại chữa cho một người ngoại khác.

cc 33-34– Cách thức  chữa trị của Đức Giêsu hơi lạ với chúng ta ngày nay, nhưng rất dễ hiểu với độc giả trực tiếp của Mc vì Ngài chữa trị theo cách của thời đó:

     * Đưa bệnh nhân cách xa những người khác

     * Tiếp xúc thẳng với cơ thể người bị bệnh: thò ngón tay vào tai anh, nhỏ nước miếng và đaungj vào lưỡi anh”.

     * Riêng chi tiết nước miếng ta cũng phải hiểu theo cách chữa trị thời đó: Đức Giêsu đang muốn làm cho anh hết ngọng nên Ngài dùng nước miếng là thứ gần gũi nhất với cái lưỡi.

     * Than thở: vừa có nghĩa là việc này khó làm, vừa có nghĩa Đức Giêsu cầu nguyện.

     * Hãy mở ra: công thức này được đem vào nghi thức Phép Rửa.

c 38 – Đức Giêsu dặn họ đừng nói với ai: bí mật Messia chưa tới lúc bật mí.

     – Nhưng càng căn dặn họ càng cao rao. Lý do:

     1) Mc muốn đề cao nhiệt tình của lương dân.

     2) Khi viết lại chuyện này thì Đức Giêsu đã sống lại, không cần che dấu bí mật về Đấng Messia nữa.

c 37 – Lời cao rao của lương dân đúng với lời tiên tri của ngôn sứ Isaia về Đấng Messia: Ngài làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được (Is 35,5-6).

BÀI 42: HÓA BÁNH RA NHIÈU LẦN THỨ HAI (8,1-9)

  1. Giải thích

     Phép lạ này có rất nhiều điểm giống với phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất (6,30-44). Nhưng cũng có một số điểm khác nhau. Vì thế có người cho là 2 phép lạ, và có người cho là 1 phép lạ được Mc tường thuật lại 2 lần (do lấy tài liệu từ 2 truyền thống khác nhau và đặt vào 2 địa điểm khác nhau: lần thứ nhất trong lãnh thổ Do thái, lần thứ hai này trong phần đất lương dân).

     Có lẽ lập trường thứ hai đúng hơn.

     Ta đã tím hiểu kỹ tường thuật thứ nhất, nên đối với tường thuật này, chỉ cần chú ý một số chi tiết khác biệt thôi:

c 2 – Họ đã theo Ta ba ngày rồi: ám chỉ mầu nhiệm chết và sống lại. Người lương cũng được thông phần ích lợi của mầu nhiệm này.

c 3Trong số họ, có những người đến từ xa: câu này nhắc nhớ Gs 9,6-9 và Is 60,4. Một công thức nói đến lương dân tìm tới ánh sang Thiên Chúa.

c 5 – Khác với lần thứ nhất hóa bánh ra nhiều, lần này chính Đức Giêsu đưa sáng kiến trước.

     7 cái bánh: lần thứ nhất 5 cái. Các thành phố Hy lạp được điều hành bởi một hội đồng gồm 7 vị. vậy số 7 nói tới tính phổ quát nơi dân ngoại (c 8: còn dư 7 thúng bánh so sánh với lần thứ nhất dư 12 thúng, con số 12 chi tộc Israel).

c 9 số người khoảng 4.000: (so sánh lần thứ nhất 5.000) 4 cũng là con số phổ quát: 4 phương trời.

  1. Ý nghĩa

     Phép lạ này được thực hiện trong phần đất dân ngoại và bài tường thuật có nhiều chi tiết mang ý nghĩa phổ quát. Mc muốn nói rằng Đức Giêsu mở rộng Nước Trời cho dân ngoại, mời họ tham dự bàn tiệc Messia.

BÀI 43: BIỆT PHÁI ĐÒI DẤU LẠ (8,10-12)

  1. Giải thích

c 10 – Đức Giêsu không thích nán lại để hưởng lòng biết ơn của dân chúng sau phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai, nên Ngài xuống thuyền ngay với các môn đệ để đến biển Dalmanoutha. Tuy không thể xác định rõ địa điểm này, nhưng chắc chắn nó ở bờ Tây của hồ Tibêriad, nghĩa là Đức Giêsu đã trở về phía Do thái.

c 11 – Mỗi lần biệt phái gặp Đức Giêsu là có tranh luận. Lần này họ đòi Ngài làm một dấu lạ từ trời. Ngày xưa ở sa mạc dân Do thái luôn đòi Thiên Chúa làm phép lạ vì muốn thử thách Ngài (Xh 16,1-36; Ds 14,1-38). Nay biệt phái cũng đòi dấu lạ từ trời để chứng minh Đức Giêsu có quyền phép thần linh. Thế những ngay từ đầu, khi bị Satan cám dỗ, Đức Giêsu đã từ chối.

c 12 – Bởi thế khi biệt phái đòi điều tương tự thì Đức Giêsu buốn bã xót xa, và Ngài chối từ. Thực ra Đức Giêsu cũng đã làm nhiều phép lạ. Nhưng đó không phải để lôi kéo sự ngạc nhiên của người ta hay để thỏa mãn tính hiếu kỳ của họ, mà chỉ để cho người ta thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa.

     “Người thời nay”: cũng có nghĩa là “thế hệ này”, kiểu nói luôn luôn ngụ ý từ chối hoặc lên án (Mt 11,16  12,39  16,4; Lc 11,29; Cv 2,40).

  1. Ý nghĩa

     Đây không phải là một lời tuyên bố chấm dứt thời kỳ làm phép lạ, mà chỉ là một lời cảnh cáo đừng đòi phép lạ để thử thách Thiên Chúa.

BÀI 44: TRÁCH MÔN ĐỆ KHÔNG HIỂU (8,13-21)

c 13 – Một lần nữa Đức Giêsu lại di chuyển, lần này sang bờ lương dân.

c 15 – Vẫn còn buồn vì sự cứng lòng tin của biệt phái, Đức Giêsu nói với môn đệ “Chúng con hãy coi chừng men biệt phái và Hêrôđê”. Trong xã hội Do thái, “men” ám chỉ tới khuynh hướng xấu xa. Rõ rang bọn biệt phái và bọn Hêrôđê luôn có ý xấu muốn hại Ngài và các môn đệ Ngài.

c 16 – Nhng các môn đệ đầu óc quá thiên về vật chất nên nghe men là nghĩ tới bánh. Họ tưởng Đức Giêsu trách họ quên mang bánh theo.

cc 1721 – Suy nghĩ ngây ngô của các môn đệ chứng tỏ họ chưa hiểu gì về con người và sứ mạng của Đức Giêsu, mặc dù Ngài đã làm rất nhiều phép lạ trước mặt họ hầu mở trí cho họ. Do đó Ngài lên tiếng trách. Thật ra nhiều lần Đức Giêsu cũng trách môn đệ (6,52) nhưng lần này trách nặng nề hơn: Ngài không ngại dùng những lời nặng nề của Giêrêmia trách dân Do thái ngày xưa để trách môn đệ mình: “Có mắt mà khôgn thấy, có tai mà không nghe” (Gr 5,21; Êd 12,12).

BÀI 45: CHỮA NGƯỜI MÙ TẠI BETSAIDA (8,22-26)

  1. Giải thích

c 22Tới thành Betsaida: tới miền dân ngoại. Đây là sứ mệnh thứ ba của Đức Giêsu tại miền đất này. Lần thứ nhất ở miền Thập tỉnh (5,1-20), lần thứ hai ở thành Tyr (7,24 – 8,9). Có một người mù tới xin Đức Giêsu chữa trị.

c 23Ngài tiến hành cách chữa trị theo thời đó: Trước hết dẫn bệnh nhân đi xa khỏi đám đông ồn ào:

     * Rồi dùng nước miếng, thứ thời đó người ta tin là có sức chữa bệnh để xoa vào phần cơ thể mắc bệnh.

     * Nhưng Ngài thêm một cử chỉ là đặt tay lên đầu bệnh nhân.

cc 24-26 – Điếm đáng ngạc nhiên là Đức Giêsu phải đặt tay lên đầu bệnh nhân tới 2 lần. Lần thứ nhất bệnh nhân chỉ thấy lờ mờ. Sau lần thứ hai bệnh nhân mới thấy rõ.

  1. 2. Ý nghĩa

     Một chứng bệnh đối với Đức Giêsu có vẻ tầm thường nhưng Ngài phải đặt tay hai lần mới làm cho khỏi. Rõ ràng là Ngài có ngụ ý. Không phải là Ngài đang chữa lành bệnh mù cho bệnh nhân đang đứng trước mặt, mà là chữa sự mù tối của các môn đệ Ngài. Chính vì thế, chuyện này xảy ra sau khi Đức Giêsu trách các môn đệ “có mắt mà không thấy”, và trước chuyện Phêrô tuyên xưng đức tin. Việc mở mắt cho người mù ta thấy được con người và sứ mạng của Đức Giêsu thật là khó khan.

     Tuy nhiên chuyện này cũng an ủi rằng ai kiên trì tìm kiếm để hiểu được con người và sứ mạng của Đức Giêsu thì cuối cùng cũng sẽ được làm cho thấy.