Bài 38:
CÓ NHỮNG KỶ NIỆM
KHÔNG BAO GIỜ QUÊN
- Cuộc gặp gỡ đầu tiên chớp nhoáng ở Đại Chủng Viện Thánh Quý năm 2003
Lễ phong chức giám mục cho Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên là dịp tốt nhất để các thầy trò Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý vừa vui mừng vừa tự hào vì từ Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý, Toà Thánh đã chọn cho Giáo hội Việt Nam một giám mục. Mọi thành phần trong giáo phận Cần Thơ đã có mặt tại chính nơi trước đây là Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý nay là Đại Chủng Viện Thánh Quý để tham dự lễ phong chức (18-2-2003). Lễ xong tôi thấy nhiều bộ mặt thân quen tụ lại chung quanh tôi: các cha, các thầy, cựu chủng sinh Á Thánh Quý, chúng tôi xa cách nhau từ khi rời chủng viện, có lẽ tới ba bốn chục năm mới gặp lại. Năm 2003 tôi đã xấp xỉ U 70 rồi, còn các cựu chủng sinh có người đã tới tuổi “tri thiên mệnh”, tôi gặp những nét mặt còn nhớ ngay tên, cũng có nhiều người đã quên tên, tất cả vây quanh tôi như trăm hoa đua nở, tíu tít hỏi thăm… Tôi trả lời cho biết tôi đang ở xứ Trung Hải, một xứ nhỏ vùng thôn quê Đại Hải. Tôi chớp thời cơ để nói lên bức xúc lớn là tôi phải lo xây cất lại nhà thờ Trung Hải, đã tới tuổi 40, đang xuống cấp, từ mái tôn đến vách tường và nền móng. Các bạn cựu chủng sinh bỗng im lặng, rồi tôi thấy một chủng sinh “tu ra” còn trẻ lớp 1967 phát biểu một câu “xanh rờn”: “Cha đừng lo, mỗi học trò của cha góp một triệu đồng là cha có thể làm được…” Câu nói như toát ra hết sức đột nhiên từ một tấm lòng, từ tình thầy trò, làm tôi xúc động vui mừng vì không thể ngờ tới, chỉ còn biết nói lên lời cám ơn.
Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên chớp nhoáng giữa thầy trò của Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý, giữa cha giáo Antôn Đồng và một số chủng sinh, rồi chúng tôi lặng lẽ chia tay, mỗi người mang theo câu nói tự tấm lòng của anh Thuỳ: “Cha đừng lo, mỗi học trò của cha góp một triệu đồng là cha có thể làm được…”, mặc dầu câu nói chỉ ít người biết, nhưng tấm lòng đã có sẵn…
- Cuộc gặp gỡ thứ hai trong vòng hai tháng sống chung tại xứ Trung Hải năm 2003, giữa cha Antôn Đồng và cựu chủng sinh Antôn Phan Văn Dưỡng lớp Têrêsa 1962.
Về Trung Hải tôi tổng hợp những góp ý của các cha bạn đã trải qua việc xây lại nhà thờ. Tôi chọn trước hết là lập nhóm thiếu nhi khấn Thánh Giuse và khấn Thánh Antôn giúp xứ đạo xây lại nhà thờ. Thứ hai là họp giáo xứ để mỗi gia đình đóng góp theo khả năng, đa số làm ruộng nên việc đóng góp rất khiêm tốn. Thứ ba là xin Đức Cha Emmanuel Thuận cho giấy giới thiệu bên Đức, không may lúc đó họ không còn giúp nữa, Thứ tư là bắt đầu gặp các cựu chủng sinh có khả năng nhất, đó là Cha Phêrô Duyên, quản hạt Sóc Trăng, ngài giúp cho mấy chục triệu và giới thiệu với một đại gia là bà Út Xi, giúp cho 50 bao xi măng. Rồi đến cha Gioan-baotixita Lẫm, mới khánh thành nhà thờ An Thạnh xong, ngài nhường cho toàn bộ ván làm cốt pha. Tới lễ Thánh Antôn Pađua 13-6-2003 anh Antôn Phan Văn Dưỡng ở Sài Gòn đến mừng lễ bổn mạng và hỏi thăm việc xây dựng lại nhà thờ tới đâu rồi. Tôi cho anh biết: sơ đồ và giấy phép đã sẵn, tiền bạc thì mới bắt đầu xin ở xứ đạo và vài nơi, nhưng nay thời thế khó khăn hơn. Tôi kể lại cho anh chuyện cha Giuse Phạm Đức Chỉnh trong lễ khánh thành nhà thờ Lương Hoà, trong bài giảng sau khi cám ơn Chúa và Đức Mẹ cũng như mọi người, ngài kết thúc bài giảng bằng lời hứa với Chúa là từ nay đến chết không bao giờ xây nhà thờ nữa; lúc đó ngài 47 tuổi, bởi vì ngài phải trở thành ông cha xứ “hai bảy”, như giáo hữu bình dân nghĩ, đó là một cha xứ cứ thứ hai thì ra đi lên thành phố xin tiền làm nhà thờ, thứ bảy mới về xứ lo làm lễ Chúa nhật… tình cảnh các xứ nhà quê, chỉ sống nhờ ruộng đất là thế. Rồi tôi nói với anh Dưỡng, tôi năm nay U 70 rồi, nghĩ mà tởn, tôi làm không nổi như cha Chỉnh. Anh Dưỡng cảm thương an ủi tôi:” cha đừng lo, con sẽ tìm cách giúp cha. Con vừa xây cất xong cơ sở làm ăn của gia đình con gồm ba tầng lầu, và mới giúp sửa lại Nhà Thờ Cha Tam ở Chợ Lớn, con sẽ đem thợ và máy móc xuống giúp cha khởi công phần cơ bản.” Thật là hết sức bất ngờ, tôi không hề nghĩ tới. Tôi tin rằng thánh Antôn đã xui khiến anh xuống giúp tôi. Tôi báo tin mừng cho cả họ đạo và thúc đẩy nhóm thiếu nhi khấn lòng thương xót sốt sắng hơn. Thế là ngày 23 – 9 – 2003 anh Dưỡng và nhóm thợ cùng đồ nghề xuống Trung Hải để cùng với nhân công họ đạo bắt đầu chia nhau làm, từ đào lỗ, đóng cừ tràm, đúc đà, đúc nền, xây cột, xây tường, lợp mái tôn, lợp trần… thi công đến đâu anh luôn nhờ một kỹ sư bạn xuống giám sát phẩm chất. Tháng đầu, có lần anh thổ lộ với tôi : từ ngày lập gia đình anh chưa bao giờ xa nhà một tháng. Tôi ghi nhớ tình thầy trò của anh. Khi hoàn thành phần cơ bản, ngày 15 – 12 – 2003, anh và nhóm thợ cùng máy móc dụng cụ rút về Sài Gòn, không đòi một đồng lương, chỉ để lại cho tôi và giáo xứ Trung Hải một kỷ niệm tinh thần và vật chất không bao giờ quên…
Đây là cuộc gặp gỡ lần thứ hai giữa cha Antôn Đồng và anh Antôn Phan Văn Dưỡng lớp Têrêsa 1962, tại giáo xứ Trung Hải trong ba tháng, để thầy trò bày tỏ tấm lòng trong hành động yêu thương cụ thể chưa từng thấy, đó là xây dựng phần cơ bản của nhà thờ Trung Hải, phần còn lại là tháp chuông, đài Thánh Gia, hồ nước, đều được trang trí theo hội nhập văn hoá thống nhất với nhau (Xin xem tờ gấp về Nhà Thờ Trung Hải), cha xứ và giáo xứ tiếp tục hoàn thành vào cuối năm 2005. Đây là chuyện mà mọi người tưởng là trong mơ…
- Hiểu sâu sắc hơn thế nào là “tấm lòng thầy trò”
Hai cuộc gặp gỡ giữa thầy trò, cha Antôn Đồng và một số cựu chủng sinh Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý, đã để lại hai kỷ niệm không bao giờ quên về tấm lòng thầy trò. Nói đến tấm lòng, tôi không thể quên được cuộc gặp gỡ giữa nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và ca sỹ Khánh Ly, được ghi lại trong Google. Sau 20 năm xa cách nhau vì thời cuộc, có dịp được gặp lại nhau, Khánh Ly đã hỏi Trịnh Công Sơn; “ Sống trong đời sống anh nghĩ điều gì là cần nhất?” Nhạc sỹ trả lời liền: “đó là tấm lòng. Từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Vậy tấm lòng là gì? Tấm lòng là toàn thể tình cảm thân ái tha thiết hay sâu sắc nhất đối với người mình yêu quý hay cảm phục. Tấm lòng ở con người là một tấm lòng biết chia sẻ, cảm thông, hiểu và giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn.” Rồi nhạc sỹ còn đưa ra câu hỏi: “Tấm lòng để làm gì em biết không? Lúc còn trẻ, tôi nghĩ tiền không có, tấm lòng để làm gì, dù chả làm gì cả chỉ để gió cuốn đi” (xem bài hát “Để gió cuốn đi”). Đây là một sự ví von, để nói lên rằng, khi ta làm điều gì cao đẹp hãy để tấm lòng của ta cho gió thổi bay, bay xa bay mãi, và chia sẻ sự yêu thương của chúng ta cho hết mọi người. Tấm lòng để làm đẹp cho đời, cho cuộc sống, cho những người chung quanh và cho ngay cả chính bản thân ta. Nhạc sỹ muốn khẳng định: cần có một tấm lòng không phải để mong được người khác ghi nhận, không phải để mong được trả ơn và cũng không phải để phô trương hay trang sức cho bản thân mình… mà để gió cuốn đi”, nghĩa là để biết cảm thông và chia sẻ, để tha thứ và khoan dung, để có sức chịu đựng chấp nhận, những thiệt thòi về mình, để biết phê phán những kẻ “thiếu tấm lòng”, sống ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ biết vun vén cho bản thân, đó là lối sống biểu hiện sự nghèo nàn của tâm hồn… càng ngày tôi càng thấm và sống theo như vậy. Em cứ sống với tấm lòng mình đi dù chả để làm gì cả, chỉ để gió cuốn đi”. Và nhạc sỹ nhắn nhủ: “một ngày có 24 giờ, chúng ta dùng 8 giờ để làm việc, 8 giờ để ngủ, 8 giờ để vui chơi ăn uống. Hãy thử bỏ ra một thời gian để yêu thương, bạn sẽ thấy cuộc sống này tươi đẹp biết bao. Vật chất có lúc sẽ thừa, còn yêu thương thì luôn luôn không đủ. Vậy: mỗi sớm mai thức dậy hãy cám ơn đời, ta có thêm ngày nữa để yêu thương.”
Đây là kỷ niệm thứ ba không bao giờ quên mà tôi muốn chia sẻ cho anh chị em của gia đình cựu chủng sinh Á Thánh Quý về ý nghĩa, về tình thầy trò. Ước mong những suy nghĩ về giá trị sâu sắc của “tấm lòng”, của “tình thầy trò” trong cuộc sống, giúp cộng đồng cựu chủng sinh chúng ta biết kết nối những tấm lòng và tình thầy trò ấy lại với nhau, để làm được việc gì cao đẹp, dù chỉ để gió cuốn đi, bay xa bay mãi. Có như vậy xã hội mới thoát ra khỏi căn bệnh vô cảm, và chúng ta có thể tự hào rằng, “mình không còn xa Nước Thiên Chúa đâu” (Mc 12,34).
Linh Mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ.