Diệu Vợi Tinh Thần Tử Đạo…

print

 Diệu Vợi Tinh Thần Tử Đạo…

 Ngày 19 tháng 6 năm 1988, tại quảng trường thánh Phê-rô, thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã long trọng tuyên phong 117 vị Tử Đạo tại Việt Nam lên  hàng hiển thánh.

Thời điểm đó, sự kiện này đã dấy lên trên quê hương Việt Nam những vấn đề – thậm chí có cả những buổi học tập về các Tử Đạo Việt Nam cho những người ở bên trong cũng như bên ngoài đức tin Công Giáo.

Người viết vẫn thầm cám ơn Chúa và chia sẻ niềm vui với các vị Tử Đạo tại Việt Nam, vì chỉ trong một khoảng thời gian thôi, mà cái chết vì Đạo và rất anh dũng của các ngài đã được mọi con dân Việt Nam biết đến mặc dù – ở giai đoạn ấy – mạng xã hội chưa rộn ràng như bây giờ…Chúa vẫn có những cách hành động của Người rất lạ thường ở những gì bình thường để cho con người nhận ra rằng: nếu Người muốn…thì “phản chứng” lại là những chứng cớ rõ ràng nhất để nói lên sự công nhận…

Và ngày mùng 1 tháng 5 năm 2018 này , Hội Đồng Giám Mục đã có Thư Chung công bố Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhân kỷ niệm 30 năm ngày các ngài được phong hiển thánh…Năm Thánh khai mạc vào ngày 19-6-2018 và bế mạc vào ngày 24-11-2018…Nghĩa là tuy là “năm”, nhưng thời gian thực sự chỉ vỏn vẹn 5 tháng 5 ngày – một “Năm Thánh” khá là ngắn gọn…

Các vị bề trên trong Giáo Hội Việt Nam kêu gọi cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam sống tinh thần tử đạo và có cho từng giới những giáo huấn cụ thể:

Với các gia đình Công Giáo, các ngài kêu gọi các thành viên trong mỗi gia đình “từ bỏ những ham muốn bất chính và tính toán ích kỷ, để làm chứng rằng Tin Mừng về hôn nhân Công Giáo là nẻo đường hạnh phúc.”

Với anh chị em sống đời thánh hiến – tức là các tu sĩ nam/nữ – các ngài kêu gọi sự “từ bỏ những ham muốn tự nhiên để sống trọn vẹn theo các lời khuyên Phúc Âm, làm chứng cho Nước Trời là giá trị tuyệt đối và kho tàng vô giá; qua đó, chúng ta có thể góp phần “thức tỉnh thế giới” như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô kêu gọi.”

Với các Linh Mục, các ngài kêu gọi “hãy trung thành với lời thề hứa khi chịu chức, tận tụy thi hành bổn phận đã được trao phó trong khiêm tốn và cậy trông, làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô là Mục Tử nhân lành, “hiến mạng sống cho đoàn chiên” (Gio 10, 15), và hăng say rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.”

Trong tập san Hiệp Thông số 107 ( tháng 7&8) với chuyên đề “Noi gương Các Thánh Tử ĐạoViệt Nam”, Lm Phaolô Nguyễn Thành Sang có một bài viết nhan đề “Vẻ đẹp của Tử ĐạoCông Giáo” khá chuyên môn và hay…

Tuy nhiên điều đáng buồn là “văn hóa đọc” hay “thói quen đọc sách” – dù đã có những cố gắng vực dậy – nhưng quả thật vẫn chưa hề nhúc nhích gì bao nhiêu, nhất là  những dạng sách báo nặng về chuyên môn…Giới trẻ nhà tu – thú thật – là có những thuật ngữ họ hiểu rất đỗi mù mờ…Người viết nhớ lại rằng trong một dịp có bài kiểm tra nào đó của một vị giảng thuyết nói về vấn đề Phúc Âm hóa – Tân Phúc Âm hóa – hội nhập văn hóa…Vài ba người trẻ nhà tu gặp để xin giải thích những thuật ngữ này chỉ trong vòng mười phút trước khi đi làm bài !!! Khi giải thích thì họ đòi phải nói đến từng chữ một…và càng giải thích họ càng thấy như mới nghe đến lần đầu !!! Tội nghiệp !!! Người viết không “làm nghề giảng dạy”…nên không nắm được mặt bằng trình độ chung của học viên các khóa Thần Học, hay của các chủng sinh tại các chủng viện, nhưng không biết có có không tình trạng thuộc lòng mà không hiểu, hiểu không đến nơi đến chốn, và dù sao thì cũng qua đi vài ba năm, mỗi năm vài tháng hè là tốt nghiệp…Ngay cả “bản tin của Hội Đồng Giám Mục” – tờ Hiệp Thông đây – Nhà Hưu có 15 vị mà chỉ ba vị đặt mua – nghĩa là một tỷ lệ cực thấp…Trong khi đó hình ảnh bắt mắt nhất khi nói về Nhà Hưu là một cụ già với áo dòng đen và cuốn sách trên tay trên một băng ghế trong áng chiều buông…Khác đi cái hình ảnh này thì không mấy tập chí lên khuôn bài viết đâu !!!

Trong bài viết của Cha Phaolô Nguyễn Thành Sang, ở phần III.3 “Sống vẻ đẹp của sự tử đạo”…gần cuối chương là lời đề nghị một số nội dung nhằm giúp  bạn đọc có thể tìm ra giải pháp cho những thách đố trong “Linh đạo sống vẻ đẹp của tử đạo”…Tác giả đưa ra nhiều nội dung…Người viết chỉ xin mượn của ngài dăm ba điều để mà suy nghĩ…

Dăm ba điều ấy là :

– Giáo dục văn hóa sự sống để biết rời xa những hành vi gây ra chết chóc,

– Giáo dục văn hóa kính trọng phẩm giá mọi người để biết rời xa thái độ kỳ thị chủng tộc,

– Giáo dục văn hóa hy sinh cho tha nhân để biết rời xa lối sống ích kỷ cho bản thân,

– Giáo dục văn hóa hành thiện để biết rời xa lối sống gian tà,

– Giáo dục văn hóa hòa bình để biết rời xa mọi hành vi bạo lực.

Người viết thiết nghĩ việc đầu tiên là phải xem xem “văn hóa” là gì khi chúng ta suy nghĩ về dăm ba đề nghị như thế…

Đụng đến hai chữ “văn hóa”, người ta sẽ thấy mênh mông một trời những chuyện để mà nói…Không tin thì cứ gõ Google mà xem…

Ở đây, người viết chỉ xin nôm na và vắn gọn dựa trên nội dung các vấn đề được tác giả bài báo nói đến : văn hóa – cách dễ hiểu – là những “thói quen tốt và rất tốt” trong cung cách ứng xử mà một người có học hành và được huấn luyện kỹ càng để có thể được coi là “trưởng thành”thường có trong những tương quan với mọi người ở những sinh hoạt hằng ngày…

Vậy thì:

-Khi nói đến vấn đề “giáo dục văn hóa sự sống để biết rời xa những hành vi gây ra chết chóc”, người viết nghĩ ngay đến hai chuyện cụ thể: -thứ nhất là chuyện ngừa thai và phá thai; -thứ hai là chuyện bạo lực trong gia đình và bạo lực ngoài xã hội…

Khi đề cập đến “Linh đạo sống vẻ đẹp của tử đạo”, tác giả có nói đến những thuận lợi và những thách đố trong đời sống đức tin của chúng ta trong vấn đề này…

Thuận lợi…thì có thể nói là mạng xã hội, các phương tiện truyền thông truyền hình, sự phát triển của ngành du lịch, hiện tượng toàn cầu hóa và đô thị hóa…đã đưa con người đến rất gần với nhau, tạo nên những mối giao thoa văn hóa lớn…

Thách đố…từ đó cũng không phải là ít…và – như tác giả thú nhận – thật không dễ để tìm ra giải pháp…

Sinh hoạt tại các Giáo Xứ – trong bối cảnh hôm nay – có thể nói là luôn ở trong tình trạng “đối phó” – nghĩa là ít có thể có được một kế hoạch lâu dài, bền bỉ…mà chỉ là chuyện “tùy cơ ứng biến”…Kế hoạch lớn hình như nằm ở chuyện xây cất…đến độ một bài sai…mà không thấy có chuyện xây cất chi, ngược lại chỉ quan tâm đến việc cố gắng tạo nên những mối tương quan thâm tình với Chúa, đề cập đến những thái độ đức tin…thì có vẻ như bà con giáo dân thấy bài sai ấy không kết quả !!! Não trạng này của giáo dân đã tạo nên cái vòng lẩn quẩn xây rồi đập – đập rồi xây…nơi nhiều thế hệ mục tử…

Nói đến kiểu nói “bà con giáo dân”…thì chúng ta cũng ngầm hiểu rằng đấy là thế hệ của những vị ở tuổi “ngũ thập” trở lên…chứ giới trẻ thì – phải thẳng thắn mà nói – họ ở ngoài tầm tay của Giáo Xứ…Và nòng cốt cũng như sự sống còn của đức tin lại ở nơi giới “nằm ngoài tầm tay” này và nỗ lực của các mục tử là để kéo họ vào lại và giữ họ trong vòng tay của mình…Điều này là một thách đố và là thách đố lớn…mà hình như cả đôi bên – bên cần được hướng dẫn và bên có bổn phận phải hướng dẫn – vẫn loay hoay chưa có một giải pháp…

Tìm ra được một giải pháp và thực hiện được giải pháp ấy là sự diệu vợi của tinh thần tử đạo trong hôm nay, bởi vì tử đạo ở giai đoạn chạm đến nền công nghiệp 4.0 không còn là những bắt bớ rõ ràng như thời của cha ông chúng ta…mà là sự cám dỗ của bàn tay của quỷ – mập mờ, lôi cuốn, chờn vờn, khó nhận ra và không dễ để lắc đầu…Nhận ra được và dứt khoát phẩy tay mới tạo được diệu vợi…Và sự diệu vợi này chỉ có thể có khi một con người được huấn luyện để biết suy nghĩ, biết chọn lựa, và biết dứt khoát bỏ cái này, chọn cái kia…Ngó thì có vẻ như tổ chức giáo lý – bao gồm cả việc giáo dục đức tin lẫn giáo dục nhân bản – của các Giáo Xứ khá là chặt chẽ: các lớp giáo lý đi từ sơ cấp tới vào đời, khóa giáo lý hôn nhân, các khóa huấn luyện của các hội đoàn…và các khóa huấn luyện dành cho những người đứng lớp, các huynh trưởng, các trưởng hội đoàn…Thế nhưng thực tế và thực chất thì như thế nào ???

Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã chọn cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 15 vào tháng 10 năm 2018 tới đây chủ đề : “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi.” Theo cha Gioan Lê Quang Việt – từ nguồnwww.libreriaeditricevaticana.va – trong bài viết CHO NGƯỜI TRẺ LỚN LÊN – Hiệp Thông số 107 – ở chương II. Đối Thoại với người trẻ, có một số câu hỏi được đề ra và các câu trả lời sẽ giúp soạn thảo  “tài liệu làm việc” để các nghị phụ có thể thảo luận…Người viết xin được ghi lại đây những câu hỏi ấy:

1.Giáo Hội lắng nghe thế nào về kinh nghiệm sống của người trẻ ?

2.Đâu là các thách đố lớn và các cơ hội có ý nghĩa nhất dành cho người trẻ tại quốc gia của quý vị ?

3.Trong giáo phận có trung tâm hội họp dành riêng cho giới trẻ không, được định chế hay không,có lợi thế thành công lớn không, và tại sao ?

  1. Có trung tâm nào của giới trẻ, được định chế hay không, đạt thành công hơn hết ở bên ngoài môi trường Giáo Hội không ? và tại sao ?
  2. Ngày nay, người trẻ thực sự yêu cầu gì ở Giáo Hội tại đất nước của quý vị ?
  3. Đâu là điều kiện thuận lợi tại đất nước của quý vị dành cho giới trẻ để họ tham gia vào đời sống của cộng đồng Giáo Hội ?
  4. Làm thế nào và bằng cách nào để tiếp xúc với những người trẻ không hay lui tới với các môi trường của Giáo Hội ?
  5. Các gia đình và các cộng đồng tham dự ra sao vào việc phân định ơn gọi của người trẻ ?
  6. Các trường học và các đại học hay các định chế giáo dục (dân sự hay Giáo Hội) đã dóng góp ra sao vào việc huấn luyện giới trẻ trong việc phân định ơn gọi ?
  7. Quý vị xem xét ra sao về việc thay đổi văn hóa mà việc khai triển kỹ thuật số đã mang lại?
  8. Những ngày Giới Trẻ Thế Giới và các biến cố quốc gia và quốc tế khác đã trở thành một phần trong thực hành mục vụ của quý vị như thế nào ?
  9. Các kinh nghiệm và tiến trình mục vụ dành cho ơn gọi của người trẻ đã được quan niệm ra sao tại giáo phận của quý vị ?

Lướt qua một số những câu hỏi ấy – dĩ nhiên người có trách nhiệm trả lời – là các Bản Quyền địa phương rồi…Có thể việc trả lời được Bản Quyền địa phương gom lại từ những người được trao nhiệm vụ phụ trách Giới Trẻ bao gồm nhiều thành phần trong các Hội Đoàn chẳng hạn, nhưng trách nhiệm chính vẫn là Bản Quyền địa phương, và THĐGM/TG coi những câu trả lời ấy là “lương tâm” của các vị nhằm giúp cho hoạt động THĐ có kết quả là mang lại cho giới trẻ trên thế giới một thứ kim chỉ nam hướng dẫn họ trong hành trình đức tin của mình…

Cho nên có thể nói là không một giây phút nào Giáo Hội lãng quên trách nhiệm của mình với người trẻ…Tuy nhiên việc giúp cho từng cá nhân người trẻ có được một bản lãnh để sống “sự diệu vợi của tinh thần tử đạo” thì vẫn là công sức của những người gần gũi nhất với họ, tức là gia đình và Giáo Xứ…Người trẻ hôm nay có quá nhiều những sinh hoạt giữa xã hội đầy hấp dẫn đối với họ cũng như quá nhiều những cơ hội gặp gỡ có thể nói là rất thoải mái…Do vậy hầu như không được ai nhắc nhở chi về những giới hạn phải có…Thật ra xã hội này cố ý tạo nên tình trạng đó…và tình trạng ấy đã làm băng hoại nhiều giá trị làm người của con người…Giáo Hội là tiếng nói cảnh tỉnh gần như duy nhất để hướng người trẻ đến những gì cao hơn những thứ mà xã hội đang tạo ra cho họ…Điều quan trọng là họ thấy được rằng :

            -Làm chủ chính mình là một sự diệu vợi…

            -Biết nói không với những tầm thường là một điều diệu vợi…

            -Trân trọng mầm sống và sự sống của mình và của người khác là một điều diệu vợi…

-Từ việc trân trọng ấy sẽ đưa đến việc phân biệt phải/trái và đủ can đảm để hành xử theo lẽ phải, dứt khoát với điều trái…là một điều diệu vợi…

Những diệu vợi nhẹ nhàng ấy trong cuộc sống hằng ngày làm nên sự diệu vợi của tử đạo – nghĩa là sẵn sàng để giữ gìn điều tốt cho mình và cho mọi người, dù phải đối mặt với những hy sinh và thử thách…

Có lẽ bài viết này nên dừng lại ở đây… để rồi có thể tiếp nối những nội dung khác ở những ngày còn lại trong Năm Thánh kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam…

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Trích GSVN số 332