Suy Niệm Mùa Vọng: Kinh Hòa Bình – Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm

print

Suy Niệm Mùa Vọng

Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm

 

Bài 1. XIN LÀM CHO CON NÊN KHÍ CỤ BÌNH AN.

Bài 2. KHÍ CỤ BÌNH AN TRONG GIA ĐÌNH.

 

KINH HÒA BÌNH

Mùa Vọng là thời gian giúp các tín hữu chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Giáng Sinh, lễ của bình an và hòa bình như tiếng hát thiên thần lừng vang trên cánh đồng Bêlem: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Vì thế, những suy niệm được chia sẻ ở đây mong giúp mọi người đón nhận bình an như hồng ân Giáng Sinh, và trở thành khí cụ bình an của Chúa. Nội dung suy niệm được chia thành 3 bài: (1) Xin làm cho con nên khí cụ bình an của Chúa; (2) Khí cụ bình an trong gia đình; (3) Linh đạo bình an.

Bài 1. XIN LÀM CHO CON NÊN KHÍ CỤ BÌNH AN

  1. Kinh Hòa Bình

Ngày 4-9-2016 tại Rôma, Mẹ Têrêxa Calcutta được tuyên thánh trong niềm vui và sự kính phục của cả thế giới. Với Hội Thánh Công giáo, việc tuyên thánh cho Mẹ Têrêxa trong Năm Thánh Lòng Chúa thương xót 2016 là để làm nổi bật khuôn mặt của một chứng nhân Lòng Chúa thương xót. Tuy nhiên Mẹ Têrêxa không chỉ được các tín hữu Công giáo quý trọng và ngưỡng mộ nhưng còn nhận được sự quý mến và kính phục của cả thế giới, trong đó có cả những người không có niềm tin tôn giáo. Bằng chứng cụ thể nhất là Mẹ đã được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1979.

Người nhận giải Nobel thường có hai diễn văn: một bài thuyết trình (Nobel Lecture) và một bài phát biểu khi nhận giải (Acceptance Speech). Trong bài phát biểu khi nhận giải, Mẹ Têrêxa đã mở đầu bằng việc mời mọi người hiện diện cầu nguyện bằng Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi:

“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Xin Chúa dùng con như khí cụ bình an của Chúa,

để con đem yêu thương vào nơi oán thù,

đem thứ tha vào nơi lăng nhục,

đem an hòa vào nơi tranh chấp,

đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”.

 

  1. Trở thành khí cụ bình an của Chúa

Lãnh giải Nobel Hòa Bình mà lại bắt đầu diễn văn nhận giải bằng Kinh Hòa Bình, Mẹ Têrêxa đã tôn vinh vẻ đẹp của lời kinh ấy, qua đó cho thấy vẻ đẹp của Đạo Kitô và cách riêng của Kinh Hòa Bình. Trong bài kinh nổi tiếng này, Thánh Phanxicô không xin ơn bình an cho ngài nhưng xin Chúa làm cho ngài trở thành khí cụ bình an của Chúa cho mọi người.

Tâm tình đó được thể hiện trong chính cuộc đời của Mẹ Têrêxa.

Mẹ trở thành khí cụ bình an của Chúa cho người nghèo bị bỏ rơi: đi nhặt những bệnh nhân nghèo ngoài đường về để chăm sóc và để họ được chết một cái chết xứng với phẩm giá con người.

Mẹ trở thành khí cụ bình an của Chúa trong việc bảo vệ các thai nhi : Mẹ lên án mạnh mẽ việc phá thai, coi đó là hành động hủy diệt hòa bình.

Mẹ trở thành khí cụ bình an của Chúa khi can thiệp với các nhà lãnh đạo thế giới trong việc gìn giữ và xây dựng hòa bình, chẳng hạn viết thư cho Tổng thống Bush của Hoa Kỳ để ngăn cản chiến tranh Iraq.

Có lẽ đây là điều đáng cho chúng ta suy nghĩ: chúng ta xin ơn bình an rất nhiều cho bản thân và gia đình (cầu nguyện riêng, xin lễ), nhưng ít khi ý thức chính mình phải là khí cụ bình an, nghĩa là tích cực cộng tác với ơn Chúa để thực hiện chính điều chúng ta cầu xin, và đem bình an đến cho người khác. Như thế, Kinh Hòa Bình mời gọi suy nghĩ lại về cầu nguyện: không chỉ chờ đợi cách thụ động nhưng còn cộng tác với ơn Chúa để hành động tích cực như thánh Phanxicô và Mẹ Têrêxa nêu gương.

 

  1. Bình an của Chúa

Một chi tiết khác cũng dễ quên là trong Kinh Hòa Bình, thánh Phanxicô – và mỗi tín hữu khi cầu nguyện bằng kinh ấy, khi xin Chúa làm cho ngài thành khí cụ bình an, đã nhấn mạnh là “khí cụ bình an của Chúa” (chứ không phải bình an của thế gian!).

“Bình an của Chúa” là bình an của Đấng đã hứa: “Thầy ban cho anh em phúc bình an của Thầy”, đồng thời xác định rằng, “Thầy không ban như thế gian ban tặng” (x. Ga 14,27).

“Bình an của Chúa” là bình an của Đấng nói với các môn đệ: “Bình an cho các con”, đồng thời cho các ông xem tay và cạnh sườn, bàn tay còn lỗ đinh và cạnh sườn còn in dấu lưỡi đòng! (x. Ga 20,19-20). 

Như vậy, có thứ bình an của thế gian và có thứ bình an của Chúa.

Thế nào là bình an của thế gian? Thường là thứ bình an từ ngoài vào: được đảm bảo vì có tiền bạc, quyền lực, tiện nghi… Nhưng thử hỏi, liệu người ta có thực sự bình an? Trở thành triệu phú, có ngủ ngon hơn? Gia đình bình an hơn hay đổ vỡ nhiều hơn? Quyền lực ngất trời, liệu có bình an hơn hay lo sợ hơn?

Còn bình an của Chúa là bình an từ trong ra, sự bình an được ví như đáy đại dương yên tĩnh dù mặt biển dậy sóng. Lời chất vấn của Thánh Giacôbê Tông đồ vẫn còn đó: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không được, nên anh em chém giết nhau; anh em ghen ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gia 4,1-2).

Rất nhiều khi, đặc biệt trong thời đại ngày nay, người ta đi tìm bình an ở ngoài thay vì ở trong. Có chuyện kể về một ông thầy đánh mấy chìa khóa vào nhà và cặm cụi tìm kiếm ở khoảng sân trước cửa. Đám học trò thấy vậy mới đến tìm giúp. Lật từng ngọn cỏ, bới từng cục gạch, vẫn không thấy. Một anh học trò hỏi: Thầy có nhớ là để quên ở đâu không? Ông thầy ngẫm nghĩ một lúc mới nói: Thầy để quên chìa khóa trong nhà rồi sập cửa lại! Cả đám học trò kêu lên: Thế mà thầy không nói, làm bọn con mệt chết được. Lúc đó, ông thầy mới nói: nhiều khi chìa khóa hạnh phúc là ở trong tâm hồn, còn chúng ta cứ nong nả tìm ở bên ngoài nên tìm hoài không thấy!

“Bình an của Chúa” là bình an nội tâm, đồng thời không phải là thứ bình an dễ dãi. Hình ảnh Đấng Phục sinh chúc bình an cho các môn đệ, đồng thời cho môn đệ xem tay và cạnh sườn, giúp chúng ta hiểu được điều đó. Hình ảnh nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của Mẹ Têrêxa Calcutta làm sáng lên sự bình an đó. Đó là niềm bình an xuyên qua đau khổ và hi sinh vì tình yêu phục vụ. Có tình yêu đích thực nào mà không đòi hỏi phải hi sinh, có tình thương chân thành nào không đòi hỏi phải quên mình? Vì thế, khi xin Chúa làm cho mình trở thành khí cụ bình an của Chúa, điều đó cũng hàm nghĩa là phải xin Chúa ban cho ơn can đảm để chấp nhận những hi sinh và từ bỏ cần thiết, nhờ đó có thể thực sự trở thành sứ giả bình an.

 

Lạy Chúa,

Chúng con thường xuyên xin ơn bình an cho bản thân và gia đình, nhưng ít khi ý thức rằng Chúa muốn chúng con trở thành sứ giả hòa bình, khí cụ bình an: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Xin giúp chúng con biết tìm kiếm bình an nội tâm bằng sự vun trồng tình yêu thương và các nhân đức, nhờ đó chúng con có thể trở thành khí cụ bình an của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

 

  

Bài 2. KHÍ CỤ BÌNH AN TRONG GIA ĐÌNH

 

Tôi đến thăm nước Mỹ lần đầu tiên cách đây 20 năm. Khi một người bạn đưa tôi đến thăm một gia đình quen, nhìn khung cảnh an bình của những ngôi nhà êm đềm bên thảm cỏ xanh, tôi buột miệng khen, “Bình an quá, hạnh phúc quá”; không ngờ người bạn nói ngay: “Nhưng nếu ở trong nhà, họ đang đánh nhau thì sao!”

Một phái đoàn 14 giáo sư đại học từ Hoa Kỳ đến thăm nhà bác ái của Mẹ Têrêxa ở Calcutta. Cuối chuyến thăm, họ nói: “Chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy những việc tốt lành Mẹ đã làm, bây giờ chúng tôi xin Mẹ một lời khuyên, để chúng tôi có thể làm điều gì đó góp phần xây dựng hòa bình”, Mẹ Têrêxa trả lời: “Các anh chị hãy bắt đầu từ gia đình của mình, hãy mỉm cười với nhau, dành thời giờ cho nhau”. Hóa ra hòa bình thế giới được bắt đầu từ sự bình an trong mỗi gia đình, và sự bình an đó được xây dựng từ những việc nhỏ bé hằng ngày.

Chúng ta đã suy nghĩ về lời mời gọi trở thành khí cụ bình an của Chúa, hãy tiếp tục suy nghĩ xem phải làm gì để trở thành khí cụ bình an của Chúa trong gia đình.

 

  1. Thực trạng và nguyên nhân gây đổ vỡ gia đình

Kết quả điều tra của bộ Văn hóa – Thể thao Du lịch cho thấy tỷ lệ ly hôn ngày một tăng, cụ thể là năm 2000, có 51.361 vụ ly hôn; 5 năm sau, năm 2005, số ly hôn là 65.929. Con số hiện nay, 2017-2018, tuy chưa có thống kê chính thức nhưng chắc chắn là lớn hơn nhiều. Riêng với người Công giáo, nếu trước đây ít khi nghe nói đến chuyện ly hôn, ly dị, thì ngày nay, ngày càng nghe nói nhiều hơn. Con số ly hôn gia tăng là chỉ dấu về tình trạng mất bình an trong đời sống hôn nhân, gia đình; đó là chưa kể đến biết bao gia đình tuy chưa ly hôn nhưng đang đứng ở bờ vực đổ vỡ.

Khi phân tích những lý do dẫn đến ly hôn, người ta thấy một số nguyên nhân chính: mâu thuẫn lối sống (27,7%); ngoại tình (25,9%); kinh tế (13%); bạo hành gia đình (6,7%).

Dĩ nhiên người Công giáo cũng đồng ý với phân tích trên, tuy nhiên đức tin còn giúp chúng ta nhìn thấy nguyên nhân sâu xa hơn. Theo cách nhìn của sách Sáng Thế, tội lỗi là nguyên nhân làm mất bình an trong gia đình (St 3). Vì đánh mất sự hiệp thông với Thiên Chúa – hình tượng hóa qua việc ăn trái cây mà Thiên Chúa cấm, con người cũng đánh mất mối hiệp thông đích thực trong tương quan vợ chồng (Adam & Eva), tương quan huynh đệ (Cain & Abel). Đây vẫn là thực tế trong cuộc sống con người ở mọi thời đại.

Thực tế đó lại càng dễ xuất hiện trong bối cảnh xã hội và văn hóa ngày nay. Chẳng hạn, tình trạng di dân ngày càng phổ biến trong xã hội kéo theo những hậu quả cho đời sống gia đình: chồng đi lao động nước ngoài, để vợ con ở lại nhà, rất dễ xa cách; hoặc cả hai vợ chồng đi làm, để con ở nhà cho ông bà nuôi, ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục con cái; hoặc cả nhà đưa nhau lên thành phố, sống trong khung cảnh chật chội, vất vả, ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình.

Ngoài ra, văn hóa thời đại cũng tác động rất lớn đến cách sống, suy nghĩ và chọn lựa của mỗi người. Qua các phương tiện truyền thông, văn hóa phương Tây lan rộng rất nhanh đến mọi miền đất nước và mọi ngõ ngách của đời sống. Nền văn hóa đó thúc đẩy khuynh hướng chiếm hữu và hưởng thụ, tác động lên cách nhìn và cách sống của con người nói chung và giới trẻ nói riêng: lối sống thực dụng, duy vật chất, cá nhân chủ nghĩa… thể hiện qua cách ăn mặc, ứng xử, tiêu xài, hưởng thụ của nhiều người trẻ.

 

  1. Gia đình, Hội Thánh tại gia

Trước tình trạng đổ vỡ của nhiều gia đình như thế, phải làm gì để gìn giữ và vun đắp bình an trong gia đình của mình? Ngoài những kĩ năng tâm lý được đề cao, đâu là phương thế riêng của gia đình Công giáo?

Nếu theo Kinh Thánh, tội lỗi là nguyên nhân gây đổ vỡ gia đình thì điều cần thiết phải làm là xây dựng gia đình mình thành nơi có Chúa hiện diện, nhà của Chúa, một cộng đoàn thờ phượng. Đức Tổng giám mục Fulton Sheen, nhà giảng thuyết lừng danh của Công giáo Hoa Kỳ, kể rằng ngài được nhiều đôi hôn phối mời làm lễ cưới cho họ, ngài chấp thuận với yêu cầu đôi bạn phải hứa lần chuỗi Mân Côi chung hằng ngày. Ngài nói với họ: nếu chính Thiên Chúa đã liên kết chúng con nên một thì tại sao vợ chồng lại không cầu nguyện chung với nhau?

Đây chính là lý do tại sao các Giám mục Việt Nam tha thiết kêu gọi các gia đình cố gắng duy trì giờ kinh chung, cụ thể là giờ kinh tối trong gia đình. Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra những lời khuyên rất cụ thể về giờ kinh gia đình: “Gia đình nên dành vài phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cho một ai đó đang gặp khó khăn, xin Ngài trợ giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về cuộc sống và bao ơn lành khác, cầu xin Đức Mẹ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Với những lời đơn sơ như thế, giờ cầu nguyện này có thể đem lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình” (Tông huấn Niềm vui của tình yêu, số 318).

Nếu gia đình là nhà của Chúa thì gia đình cũng phải là mái ấm của tình yêu vì Thiên Chúa chúng ta tuyên xưng không phải là vị Thiên Chúa đơn độc và ích kỷ, nhưng là Cha và Con và Thánh Thần, nghĩa là một “gia đình” (nói đúng hơn về thần học, là một cộng đoàn các ngôi vị), ở đó tràn ngập yêu thương. Và tình yêu này là tình yêu đích thực, chấp nhận xóa mình đi vì hạnh phúc của người khác như Chúa Giêsu minh chứng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống cho bạn hữu”.

Đây là lý do Đức Giáo hoàng Piô XII huấn dụ các gia đình: “Gia đình nào mà ở đó, người cha quên mình để chỉ nghĩ đến vợ và các con, người mẹ quên mình để chỉ nghĩ đến chồng và các con, các con quên mình để chỉ nghĩ đến cha mẹ và anh chị em”, thì gia đình đó chính là Thiên đàng!

Thực tế là ngày nay, có nhiều người bị bỏ rơi, không được yêu thương, không được quan tâm chăm sóc… ngay trong gia đình mình, vì mỗi người chỉ quan tâm đến nhu cầu và sở thích riêng của mình. Cũng từ đó con cái dễ vướng vào những tệ nạn như ma túy hoặc những tệ nạn khác, cha mẹ già bị bỏ rơi… Theo Mẹ Têrêxa, đó cũng là một thứ nghèo đói và thứ nghèo đói này khó chữa trị hơn nghèo khổ vật chất nhiều! Cho nên không hẳn cứ sống trong một xã hội giàu sang thì người ta cũng no nê tình yêu! Có khi ngược lại.

Trong khung cảnh Mùa Vọng, hướng đến lễ Giáng Sinh, không thể quên điều này: khi Thiên Chúa xuống thế làm người, Ngài nên giống chúng ta trong mọi sự, vì thế Ngài cũng phải học làm người, và ở đó, Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì lý do này mà Hội Thánh lấy Chúa nhật sau lễ Giáng Sinh làm lễ Thánh Gia thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Vì thế, nếu gia đình Công giáo là nhà của Chúa, mái ấm yêu thương, thì cũng phải là ngôi trường giáo dục những giá trị nhân bản và đức tin. Đồng thời, phương cách giáo dục tốt nhất chính là gương sáng của các bậc cha mẹ.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mồ côi mẹ từ khi lên 9 tuổi, đến năm 11 tuổi lại mất người anh trai, chỉ còn người cha và là người cha tuyệt vời. Thánh nhân kể lại rằng ngài nhớ mãi hình ảnh cha của ngài qùy gối cầu nguyện giữa đêm khuya, hình ảnh đó thấm sâu vào tâm hồn ngài. Cha của ngài còn dạy cho ngài bài kinh Chúa Thánh Thần, và chính lời kinh đó đã gợi hứng cho ngài – khi làm Giáo hoàng, viết thông điệp về Chúa Thánh Thần.

Thánh Augustinô cũng nói lên những nhận xét tuyệt vời về người mẹ của ngài là thánh nữ Mônica: “Mẹ tôi sinh ra tôi hai lần, một lần về phần xác, một lần về phần linh hồn”.

Những bậc cha mẹ đó không phải là những nhà thông thái, các ngài dạy con sống Đạo không bằng những giáo huấn cao siêu nhưng chủ yếu bằng chính gương sáng đời sống, và đã đem lại những hoa trái tuyệt hảo không những cho gia đình mà còn cho cả Hội Thánh và xã hội loài người. Như thế, chúng ta thấm thía hơn lời khuyên của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I: người cha khuyên con đi xưng tội đã tốt, nhưng không bằng người cha cùng với con đi xưng tội.

 

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã làm người trong khung cảnh một mái ấm gia đình, để chúng con hiểu được vẻ đẹp và tầm quan trọng của đời sống gia đình.

Xin làm cho chúng con thành khí cụ bình an của Chúa ngay trong gia đình mình, để mọi lời nói và việc làm của chúng con góp phần gìn giữ và vun đắp sự bình an trong gia đình, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. 

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

giaophanmytho.net