Tuổi già

print

Tuổi già

Đêm qua trong một giấc mơ, tôi thấy mình đang thao thao bất tuyệt về một vài cảm nghiệm Tuổi Già. Vì thế, thức dậy phải ghi ngay ra để khỏi quên… Và đây, xin trình làng: Kính thưa… và toàn thể Qúy Vị, Trước hết, xin cám ơn Qúy Vị đã cho tôi vinh dự được trình bày đề tài tuổi già trong buổi sinh hoạt hôm nay. Bản thân tôi nay cũng đã già. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, thấy Ông Nội mình lúc đó sáu mươi mấy tuổi… thấy Ông tôi đạo mạo và oai vệ quá. Tôi thầm nghĩ: “Giá mà mình cũng sống đến sáu mươi tuổi thì hay lắm nhỉ.” và hôm nay nhìn lại, cảm thấy như mới ngày nào mình còn trẻ… thế mà nay đã hơn “tám bó” rồi…

Cảm nghiệm đầu tiên của tôi về tuổi già là sắc diện và tính tình bắt đầu thay đổi rất nhanh. Làm cho chúng ta sắc diện thì thành “tóc bạc da mồi”, tính tình thì lẩm ca lẩm cẩm. Tuy nhiên, chúng ta cùng nhau điểm qua những yếu tố tích cực và tiêu cực của tuổi già:

I. Trước hết, chúng ta cùng nhìn đến những cái hay cái đẹp và những điểm tích cực của tuổi già

  1. Quan niệm chung về tuổi già. Tự ngàn xưa, trong Kinh Thánh cũng như các cụ nhà ta thường lấy cái mốc 70 làm chuẩn cho tuổi đời: “Nhân sinh thất thập cổ lai hi.” nghĩa là hiếm ai sống được bảy mươi tuổi. Kinh Thánh cũng cùng một quan điểm khi nói: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, Mạnh giỏi chăng là được tám mươi, Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, Cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi”. (Tv.89, 10)
  2. Tuổi già là một ân huệ. Kinh Thánh đã ca tụng tuổi già vì tuổi già là hồng ân của Thiên Chúa, là phúc lành của Chúa (x. St 11, 10-32), người già được kính trọng bởi “người đầu bạc thì khôn ngoan” (Kn 4, 7-15). Sách Châm ngôn viết: “đầu bạc là một triều thiên vinh dự” (Cn 16,31). Thánh vịnh 92 cũng ca tụng: Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn (TV 92,15). Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng nói: “Được sống đến tuổi già là một ân huệ. Không phải vì tất cả mọi người có thể sống đến tuổi này, nhưng vì trước hết, tuổi già cho chúng ta khả năng đánh giá quá khứ, được hiểu và sống mầu nhiệm Phục sinh một cách sâu xa hơn, và được trở nên kho tàng kinh nghiệm quý báu cho Giáo hội”.
  3. Tuổi già thì đạo đức. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong “Thư mục vụ cho những người công giáo cao niên” của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ: “Trong khi mọi người đều được mời gọi nên thánh, để ‘kết hợp thân mật chặt chẽ với Đức Kitô’, thì sự quan tâm đạo đức thường thừa nhận rằng lời mời gọi này quan trọng hơn đối với các vị cao niên. Nhiều người trong quí vị bây giờ đã có nhiều thời giờ và hoàn cảnh thuận tiện để suy nghĩ sâu xa hơn và hành động với cái nhìn có nhiều tính cách luân lý hơn. Với nhiều người già, thánh lễ hằng ngày là trung tâm của đời sống tinh thần và là cơ hội để gặp gỡ và làm bạn với nhiều người cùng lứa tuổi. Nhiều vị cũng biết cầu nguyện dưới hình thức suy gẫm mà lời nói không còn cần thiết nữa, chỉ còn im lặng bình tâm lắng nghe tiếng Chúa. Sự giảm yếu của các giác quan cũng có thể xảy ra trong tuổi già thường được coi là tiêu cực, nhưng đôi khi đó lại hữu ích cho việc suy gẫm. Nhiều vị lại thích tìm hiểu và gia nhập những nhóm học hỏi Kinh Thánh, nhóm chia sẻ đức tin hoặc những nhóm huấn luyện đức tin cho người trưởng thành.”

Quả thật, con người sinh ra, sống và phải già đi, đó là lẽ thường trong cuộc sống con người, nhưng tuổi già phải có một cái gì để lại, Vì thế George Granville nói: “Tuổi trẻ là mùa của yêu thương, Tuổi già là mùa của ĐẠO ĐỨC. Tuổi già có thể trở thành một giai đoạn qúi nhất của cuộc đời. Có người nói: Chúa định cho sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi trẻ là ở thể chất. Nhưng sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi già là trong tâm linh.” Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, dù đã già nua nhưng người cũng vẫn là một thần tượng cho cả giới trẻ cũng như giới già. Vì thế, trong Phẩm Giá của Người Già, The Dignity of Older People, viết: “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sống tuổi già của người với sự tự nhiên thoải mái dễ chịu. Người không che giấu gì hết, mà còn biểu lộ ra cho mọi người biết. Với sự hết sức chân thành, người nói: ‘Tôi là một linh mục già yếu’. Người sống tuổi già của người trong niềm tin. Người không hề để người bị giới hạn bởi tuổi tác”.

  1. Người già thì khôn ngoan và kính sợ Chúa. Sách Huấn ca ví người già như cành lá của cây khôn ngoan: Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa Cành lá của khôn ngoan là cuộc đời trường thọ. (Hc.1,20)
  2. Người già biết lo liệu, phán đoán và giàu kinh nghiệm. Về vấn đề này sách Huấn ca viết như sau: “Còn trẻ con không lo dành dụm, về già lấy đâu ra mà có? Người khôn ngoan phán đoán, bậc lão thành chỉ bảo, thật đẹp đẽ biết bao! sự khôn ngoan của các vị bô lão, tư tưởng và ý kiến của các bậc danh nhân thật đẹp đẽ chừng nào! giàu kinh nghiệm là triều thiên hàng bô lão lòng kính sợ Đức Chúa là niềm hãnh diện của các đấng ấy” (Hc.25,3-6).

Sách châm ngôn cũng ca ngợi người già: Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển (Cn 16,31) Sách Khôn Ngoan viết: “Tuổi già đáng kính trọng, không phải vì trường thọ, cũng không phải vì cao niên, nhưng vì người đầu bạc thì khôn ngoan.” Sách Khôn Ngoan còn nói thêm: “Người tuổi già thì đẹp lòng Chúa, được Chúa yêu dấu” (Sách Khôn ngoan, 4:7).

II. Vài điểm tiêu cực nổi bật

  1. Tuổi già hay quên và lẩm cẩm.Cảm nghiệm hiển nhiên về vấn đề này là bắt đầu quên, bắt đầu lẩm cẩm. Kinh nghiệm bản thân, có những lần rõ ràng khi ra khỏi nhà, đã khóa cửa cẩn thận, mà khi đã đi được một đoạn đường, sao tự nhiên mình quên hẳn không nhớ ra là đã khóa chưa; thế là buộc lòng phải quay trở lại… tôi có thể nghĩ khá lâu mới nhớ được tên một người bạn, quên ngay một việc mình định làm, tìm không thấy đồ vật mình vừa đặt xuống, không nhớ mình đã làm việc đó chưa, nhưng một lúc sau thì có thể nhớ lại.

Một ví dụ khác: Vừa ở trong phòng ra ngoài định lấy cái gì đó, thế mà khi đã ra ngoài lại quên bẵng đi, không biết đến đó làm gì. Ðứng một hồi mới nhớ ra được: “À, thì ra định lấy cái…” Hơn nữa, nhiều khi vừa nói một vấn đề nào đó rồi mà tưởng chưa nói, lại lập lại, khiến cho người nghe phát ngán. Nhất là khi nói chuyện thì cứ nói vòng vo Tam quốc, rào trước đón sau, nói mãi mà chưa vào đề, khiến cho người ta dễ bực mình. Ấy thế nhưng, có những vấn đề không đáng nhớ thì lại nhớ dai. Nhất là những chuyện ngày xưa, đúng như người ta thường bảo, người già thì hay sống với quá khứ. Vâng, “già sinh tật, đất sinh cỏ.” Ở tuổi già, những điều đáng nhớ thì lại quên, mà những điều đáng quên thì lại nhớ.

Để tuổi già được bình an thư thái, chúng ta phải nhất quyết quên đi những hận thù quá khứ. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cũng đã nói: “Trí nhớ của Chúa rất tồi, nhiều khi Người chẳng nhớ gì cả. Ðọc Phúc Âm, chúng ta thấy nhan nhản những câu chuyện tương tự về ‘bệnh’ quên của Chúa. Trước giờ Chúa bị đóng đinh, có anh trộm lành nói rằng: ‘Lạy Thầy, khi nào Thầy về nước Thiên Ðàng, xin nhớ đến con cùng!’ Nếu chúng ta ở vào địa vị Chúa thì dù có tha cũng phải hạch sách, cảnh cáo anh trộm lành này, chứ đâu có tha cách dễ dàng được: ‘Anh có biết rằng anh đi ăn trộm, anh làm khổ cho bao nhiêu gia đình, anh phải đền tội đã rồi mới được tha!’. Nhưng Chúa thì không như vậy, Người đã trả lời ngay cho anh: ‘Ta bảo thật, ngày hôm nay, ngươi sẽ được cùng ta ở trên nước Thiên Ðàng.’ Chúa quên hết tội lỗi của anh kẻ trộm, cho nên anh ta lại trộm luôn cả nước Thiên Ðàng. Đó là thánh trộm lành tên Dismas (?)”. Vậy chúng ta hãy bắt chước Chúa: Quên đi hết những lỗi lầm, những bực bội đối với anh em chúng ta.

  1. Tuổi già hay tủi thân và cô đơn.Cảm nghiệm thứ hai của tuổi già là hay tủi thân và sợ cô đơn. Tại sao lại hay tủi thân? Vì nay tuổi già sức yếu, làm không được nữa thì phải nhờ con cháu. Mà nhờ vả chúng nó, thì nó không chịu làm, hoặc nếu có, thì làm một cách miễn cưỡng, lại còn la mắng mình nữa. Như nay không lái xe được nữa, nhờ con cháu chở đi nhà thờ thì có khi chúng chở và cũng có lúc chúng nó nói ở nhà đọc kinh cũng đủ rồi, việc gì cứ phải đến nhà thờ hoài vậy… Thế là tủi thân. Buồn ơi là buồn!

Lại còn cảnh cô đơn nữa. Nay về già, ngồi một chỗ, nói không ra hơi, nói chuyện nọ xọ sang chuyện kia, chẳng con cháu nào muốn nghe nữa. Có gọi chúng nó đến thì rồi lấm la lấm lét, câu trước câu sau, chúng nó cũng lỉnh đi luôn. Ðối với những cụ còn đủ cặp, thì sớm tối còn thủ thỉ với nhau được. Ông xướng bà họa, ông “Kính Mừng.” bà “Thánh Ma”, kể ra cũng còn đỡ, nhưng khi goá bụa, thì sự cô đơn buồn tủi càng ghê gớm hơn nữa.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khích lệ người già vui sống và đồng thời đề cao giá trị người già trong xã hội và Giáo Hội. Người nhắn nhủ người già đừng nhìn lại quá khứ để thương tiếc trong sự sầu muộn, để rồi coi giai đoạn sống hiện nay như thời xế chiều. Người nhấn mạnh rằng: “Thật là đẹp ở trong tuổi già! Trong mỗi lứa tuổi, ta cần biết khám phá sự hiện diện và phúc lành của Chúa và những phong phú mà lứa tuổi ấy chứa đựng. Đừng bao giờ để cho mình bị khép kín trong sầu muộn! Chúng ta đã lãnh nhận hồng ân sống lâu. Sống, thật là điều tốt đẹp, kể cả với lứa tuổi chúng ta, mặc dù có một số khó khăn và giới hạn. Ước gì trên khuôn mặt chúng ta, luôn có niềm vui vì cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, và không bao giờ buồn sầu.”

Người cũng nhắn nhủ người già đừng bao giờ nản chí: “Anh chị em là một sự phong phú cho xã hội, cả khi gặp đau khổ và bệnh tật. Giai đoạn này trong cuộc sống là một hồng ân để đào sâu quan hệ với Thiên Chúa. Anh chị em đừng quên rằng trong số những nguồn lực quí giá mà anh chị em có, điều thiết yếu là kinh nguyện. Anh chị em hãy trở thành những người chuyển cầu nơi Thiên Chúa, cầu nguyện trong sự tin tưởng và kiên trì. Anh chị em hãy cầu nguyện cho Giáo Hội, cho tôi nữa, cho các nhu cầu của thế giới, cho người nghèo, để thế giới không còn bạo lực nữa.”

  1. Tuổi già thì bất lực.Có chân đó, nhưng chân không đủ sức để di chuyển thân xác từ chỗ này đến chỗ kia. Có tay đó, nhưng tay không còn khả năng cầm giữ một vật gì cho chắc. Có tai đó, mà có khi người ta hét bên tai cũng không nghe thấy gì. Có mắt đó, mà không còn xác định được người hay vật ngay trước mặt mình. Ðó là tình trạng bất lực. Tuy tới tuổi già, thân xác và tinh thần sẽ lâm vào tình trạng bất lực. Nhưng có một khả năng tâm linh không trở thành bất lực. Ðó là khả năng cầu nguyện và kết hợp với Chúa. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thư gửi cho những người già vào năm 1999, đã tâm sự với các tu sĩ già rằng: “Hội Thánh tin tưởng nơi phần đóng góp của anh em qua lời cầu nguyện liên lỉ, chờ đợi các lời khuyên già dặn kinh nghiệm cụ thể của anh em, và chứng tá cho Tin Mừng mà anh em sống hằng ngày làm giầu cho Hội Thánh.”
  2. Tuổi già giống trẻ thơ?Nếu đem so sánh hình ảnh một em bé mới sinh ra với một cụ già thập tử nhất sinh, người ta thấy khác nhau một trời một vực. Em bé như chiếc bông hoa xinh tươi mới nở. Còn cụ già như chiếc hoa đã héo tàn. Tuy nhiên, trong cái khác biệt già trẻ đó, tôi vẫn thấy có những điểm tương đồng rất ngộ nghĩnh:
  • Một bé thơ không thể tự ăn uống được và thức ăn phải là đồ lỏng. Một cụ già ăn uống cũng phải có người đút và cụ cũng không thể ăn thức ăn cứng được nữa.
  • Một em bé cần phải mặc tã thì một cụ già cũng cần phải mang cái thứ đó khi không còn khả năng kiềm chế bộ phận bài tiết của mình.
  • Một em bé ăn rồi lại nhắm mắt ngủ li bì thì một cụ già nằm trên giường bệnh cũng y hệt như vậy.
  • Một em bé thường hay hờn hay dỗi, có khi còn giả vờ đau đớn để được mẹ vỗ về an ủi. Các cụ đến tuổi về già tính nết cũng y hệt như vậy, động một tí là hờn là dỗi, bỏ cơm không chịu ăn, bắt phải năn nỉ muốn đứt hơi mới chịu ăn trở lại. Có những cụ đau yếu được các con thay phiên săn sóc y như thể ra mặt nhõng nhẹo, giận hờn, đòi này đòi kia đủ thứ, hỏi gì cũng chỉ nhắm mắt, không thèm trả lời, ra điều mệt mã lắm.
  • Khi Chúa Giêsu nói rằng chỉ những người giống như trẻ thơ mới được vào nước Thiên Ðàng. Nhiều cụ sợ không được lên Thiên Ðàng vì làm sao già lụ khụ mà giống trẻ thơ được. Vậy thì hôm nay, các cụ yên trí, các cụ cũng có nhiều điểm giống trẻ thơ lắm! Nước thiên đàng là của các “cụ bé thơ” đấy!
  1. Tuổi già hay bệnh tật. Tuổi già gắn liền với bệnh tật. Phật giáo nói rằng trên đời có 4 cái khổ: Sinh, Bệnh, Lão, Tử. Đúng là có trẻ thì có già, mà già thì tất nhiên có Bệnh và rồi dẫn tới Tử. Khi phải đối diện với đau khổ, con người cố gắng tìm cách xa lánh nó, hoặc có tôn giáo dạy cách diệt trừ nó. Nhưng hỏi rằng xưa nay đã có ai trên đời diệt được Sinh, Bệnh, Lão, Tử chưa?

Ðạo Công Giáo dạy con người phải thánh hoá khổ đau, biến khổ đau thành tình thương và rồi khổ đau sẽ trở thành niềm hoan lạc. Ðời sống của các thánh đều chứng minh rằng các đấng đã không sợ đau khổ, trái lại, vì lòng yêu Chúa và yêu tha nhân, chính các đấng đã chấp nhận chịu đau khổ cho chính mình. Nhưng, còn việc Sinh, tại sao lại nói Sinh là một trong 4 cái khổ? Chúng ta biết chắc rằng mỗi khi một em bé được sinh ra, cả gia đình mừng rỡ. Vì sự Sống là một ơn huệ cao trọng nhất Chúa ban cho loài người. Trong thư của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 1-10-1999, gửi riêng cho người già, với tâm hồn thi sĩ, người đã viết rằng: “Chỉ cần nhìn cảnh vật thay đổi quanh năm, trên núi đồi, trên đồng bằng, trên đồng cỏ, trong thung lũng, trong rừng rậm, trên cỏ cây, thì đủ hiểu. Có sự tao phùng giữa nhịp sống của con người và các chu kỳ của thiên nhiên, mà con người là một thành phần.”

Về những đau khổ do bệnh tật gây ra, ÐGH Gioan Phaolô II cũng đã nói với các bệnh nhân rằng: “Chính tình yêu Kitô giáo mang lại giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta, cả khi tật nguyền bệnh hoạn, lấy mất đi sự toàn vẹn của thân xác. Thưa anh chị em, như Chúa Kitô trên Thập giá, anh chị em thật mạnh mẽ.” Nói đến đây, tôi nhớ lời Ngôn sứ Isaia: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” Mt. 8,17. Vậy là các cụ hãy quẳng gánh lo đi các cụ nhé!

  1. Tuổi già và sự Chết. Ngày xưa, có lẽ những người thuộc thế hệ già như chúng ta thường nghe trong kinh bổn có hai chữ: “Tứ chung”. Vâng, đó là bốn cái cuối cùng của con người: Chết, Thiên đàng, Hoả ngục, và Phán xét, mà mọi người phải trải qua. Nhưng có một điều chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã thấy và chứng kiến cái chết của nhiều người trong đó có những người thân; nó hiển nhiên phải xẩy đến, nhưng không biết khi nào. Đúng thế, Tình trạng này chắc chắn phải xảy đến, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ được. Vậy, Chúng ta phải chuẩn bị, để một ngày không xa, khi chúng ta phải đối mặt với nó. Tuy có nhiều người chết trong lúc còn trẻ vì tai nạn, vì bệnh tật. Nhưng tuổi già thì gắn liền với sự chết. Thêm một tuổi đời là tiến gần đến sự chết.

Cái chết có thực sự đáng sợ lắm không? Xin hãy nghe Thánh Phaolô khi về già người viết: “Còn tôi sắp phải đổ máu ra để làm lễ tế, đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp, đã chạy hết chặng đường mà giữ vững đức tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa công chính mà Chúa là Ðấng phán xét dành cho tôi” (1Tim.4, 6-8). Trong bài giảng cho giáo triều Roma vào năm 2000, Ðức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã nói về sự chết như sau: “Ðó là ‘giờ’ xinh đẹp nhất, ‘giờ’ của sự sống chứ không phải của sự chết. Ðó là lúc gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ trông thấy Người. Người đứng đó chờ đợi chúng ta và cùng với Người chúng ta cũng sẽ gặp Mẹ Maria. Vì thế, nên khi còn sống đã biết bao nhiêu lần chúng ta cầu khấn Mẹ để xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta: ‘Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử’. Mẹ sẽ tiếp đón chúng ta như một Hiền Mẫu yêu thương và dẫn đưa chúng ta là con cái dấu yêu của Mẹ đến với Thiên Chúa Cha.”

Thưa quý vị, như vậy thì “Sinh, Bệnh, Lão, Tử.” theo quan niệm của đạo Công Giáo không còn phải là những nỗi khổ đau trên đời nữa. Tuy nhiên, có một vài vấn đề chúng ta thường gặp thấy trong khi dự các đám tang mà tôi nghĩ chúng ta phải cùng nhau xem xét lại hôm nay.

Trong một số tờ Cáo Phó, chúng ta thường đọc rằng: “Gia đình chúng tôi vô cùng đau đớn báo tin cùng thân bằng quyến thuộc: Cha của chúng tôi là ông Giuse … vừa được Chúa gọi về.” Thưa quý vị, nếu thân nhân chúng ta “được Chúa gọi về.” thì có gì mà phải “vô cùng đau đớn”? Vì thế, tôi xin đề nghị chúng ta sửa lại lời cáo phó đó. Chẳng hạn: “Trong niềm hy vọng vào mầu nhiệm Phục Sinh, chúng tôi xin loan báo đến thân bằng quyến thuộc: Cha của chúng tôi là Ông Giuse…. vừa được an nghỉ trong Chúa…”

KẾT LUẬN

Để kết luận, tôi xin kể lại một câu chuyện vui do chính Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã kể trong một buổi thuyết giảng cho giới già tại Chi Dòng Ðồng Công Missouri, vào Năm Thánh 2000: Có một cha sở già đến tuổi về hưu. Người xin Ðức Giám Mục cho người rời nhiệm vụ để về nhà dưỡng lão chuẩn bị dọn mình chết lành. Bổn đạo nghe vậy thì buồn lắm, liền kéo nhau đến năn nỉ cha ở lại: – Thưa cha xứ, cha về hưu, bỏ lại chúng con mồ côi, mồ cút, không ai trông nom dạy dỗ chúng con. Xin cha thương ở lại với xứ chúng con. Khi nào cha chết chúng con hứa sẽ làm ma thật lớn để chôn cất cha. Cả giáo xứ sẽ đội khăn tang và sẽ đọc kinh cầu nguyện cho cha vĩnh viễn, suốt đời.

Cha xứ cứ một mực xua tay lắc đầu: – Thôi, cụ ở với chúng bay mấy chục năm nay đủ rồi. Bây giờ cụ phải lo việc phần hồn của cụ. Mai ngày cụ chết chúng bay không chôn thì cũng có người khác chôn, chẳng ai để cụ nằm chết thối tha. Ðám ma lớn hay nhỏ cụ cũng chẳng cần, vì chết rồi cụ đâu còn biết gì nữa. Còn việc chúng bay hứa cầu nguyện cho cụ thì cũng tốt thôi, nhưng việc đó còn tùy nơi cụ. Cụ mà ăn ở đẹp lòng Chúa thì cụ được lên thiên đàng. Lúc đó cụ chẳng cần chúng bay cầu nguyện. Mà nếu chẳng may cụ có phải xuống hỏa ngục thì tụi bay có cầu nguyện đời đời hay vĩnh viễn thì cũng vô ích thôi. Hoặc giả mà cụ có vào lửa luyện tội thì ai sao mình vậy. Người ta ra thì từ từ cụ cũng có ngày được ra vậy.

Đức Thánh Cha Biển Đức nhắn nhủ người già đừng nhìn lại quá khứ để thương tiếc trong sự sầu muộn, để rồi coi giai đoạn sống hiện nay như thời xế chiều. Người nhấn mạnh rằng: “Thật là đẹp ở trong tuổi già! Trong mỗi lứa tuổi, ta cần biết khám phá sự hiện diện và phúc lành của Chúa và những phong phú mà lứa tuổi ấy chứa đựng. Đừng bao giờ để cho mình bị khép kín trong sầu muộn! Chúng ta đã lãnh nhận hồng ân sống lâu. Sống, thật là điều tốt đẹp, kể cả với lứa tuổi chúng ta, mặc dù có một số khó khăn và giới hạn. Ước gì trên khuôn mặt chúng ta, luôn có niềm vui vì cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, và không bao giờ buồn sầu”.

Thưa quý vị, Trước khi dứt lời, còn một thứ mà tôi biết chắc chắn ai cũng có, có dư thừa, nhưng đôi lúc chúng ta không muốn cho đi: Ðó là NỤ CƯỜI. Chúng ta phải công nhận rằng nhiều khi trong cuộc đời chỉ có một nụ cười xuề xòa, nụ cười tha thứ, nụ cười dễ dãi, mà chúng ta cũng không muốn cho đi… Ðổi lại, chúng ta toàn cho con cái, cháu chắt hay anh em trong Cộng Ðồng những cái nhăn nhó, quặu cọ, phê bình và chỉ trích. Tắt một lời, chỉ có NỤ CƯỜI mới có thể hoán cải được những sai trái của con cháu hoặc anh em chúng ta. Vậy hãy cho đi và phải cho đi hết những nụ cười mà chúng ta còn có thể cho được. Cuối cùng, Tôi xin mượn lời một triết gia để kết thúc: “Bạn phải sống làm sao để khi vừa sinh ra thiên hạ cười trong lúc bạn khóc, nhưng khi bạn chết thì thiên hạ khóc trong lúc bạn cười.” REQUIESCANT IN PACE. Xin cám ơn.

Vũ Huy Thiện

Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org