Về quê ăn tết: Con đường đẹp nhất của cuộc đời

print

Về quê ăn tết: Con đường đẹp nhất của cuộc đời

TTO – Những ngày này khi màu của Tết, mùi của Tết… đã tràn ngập mọi nẻo đường Việt Nam, tôi lại buồn vì đường về quê xa ngái.

 

 

Những năm trước khi còn sống và làm việc ở Sài Gòn, đường về vốn đã chẳng gần khi quê tôi thuộc một tỉnh miền Tây cách Sài Gòn hai trăm cây số. Giờ sống ở Bắc Âu xa xôi lạnh giá, đường về nhà không còn là điều cứ muốn là được.

Bật khóc khi nhận được tấm ảnh mẹ gửi qua mạng, hình ảnh cây mai già trước sân đã được lặt lá sạch sẽ, những lộc non nhú ra đầy cành… 

Nhớ những ngày còn có ba, năm nào tầm mười mấy tháng chạp ba cũng gọi nhắc “nhớ đặt vé xe sớm để cận Tết hết vé nhen con”. 

Nhớ mẹ cứ hỏi có lịch nghỉ Tết chưa, vì cây mai vẫn để dành đợi con về lặt lá. Nhớ những ngày cuối năm công việc bộn bề nhưng vẫn xin nghỉ làm vài tiếng ra nhà xe trên đường Lê Hồng Phong xếp hàng để lấy vé. 

Có được tấm vé rồi cứ thế yên tâm đợi ngày lên xe, ngồi vài tiếng là về đến nhà.

Nhớ một năm nọ trên chuyến xe về quê đón Tết, ở trạm dừng chân, tôi gặp một người phụ nữ tầm tuổi mẹ tôi ngồi một góc nhìn mọi người ăn uống, còn bà lặng lẽ ôm chiếc túi xách cũ kỹ. 

Đoán có lẽ bà đói nên tôi mua ổ bánh mì thịt mời bà, bà cảm ơn rối rít rồi ăn ngay. Bà kể bà đi theo con gái út lên Sài Gòn làm nghề bán bắp dạo để nuôi con học đại học. 

Chồng bà ở nhà làm thuê làm mướn chỉ đủ sống. Tiền buôn bán vừa vặn cho tiền học phí, tiền thuê nhà và ăn uống của hai mẹ con. 

Năm ấy con gái bà không về quê ăn Tết mà ở lại đi làm việc thời vụ để kiếm tiền, chỉ mình bà về quê. 

Tôi mua ít bánh kẹo và trà gửi bà để mang về đặt lên bàn thờ cho ấm nhà, bà trố mắt nhìn tôi rồi đưa tay quẹt nước mắt, nói mãi lời cảm ơn.

Như một cái duyên kỳ lạ, sau đó ít lâu tôi gặp bà đẩy xe bắp luộc bán trước hẻm nhà tôi ở. Hoá ra bà vẫn bán quanh khu vực đó suốt mấy năm rồi. 

Từ đó trở đi, thỉnh thoảng những sáng tôi mở cửa đi làm, lại thấy có túi bắp luộc treo ngoài tay nắm cửa, ấm lòng và vui vui vì chút nhân duyên mà mình gieo trồng, không ngờ “hái” được quả thật.

Một năm khác, trong lúc đợi lấy vé tôi thấy cô sinh viên nhỏ nhắn ngồi đếm từng tờ tiền trong ba lô, hết đứng lên rồi ngồi xuống, vét từ túi nọ đến túi kia nhưng vẫn không đủ trả tiền vé. 

Em bước ra ngoài gọi cho ai đó, rồi lại trở vào ngồi phịch xuống ghế chờ. Tôi hỏi em còn thiếu bao nhiêu, em ngại ngần mãi mới nói còn thiếu mấy chục ngàn nữa mới đủ tiền vé, em không có bà con thân thích ở thành phố này, bạn bè ai cũng khó như em. 

 

Tôi tặng em số tiền còn thiếu và thêm ít tiền lì xì, em nghẹn ngào đến không nói được. Khi tôi lấy vé xong chuẩn bị về thì em chạy theo xin số điện thoại, em nói sẽ trả lại khi có tiền. 

Tầm tháng 4 năm ấy tôi nhận được điện thoại của em, xin phép gởi lại số tiền nhưng tôi từ chối nhận lại và bảo em đừng ngại. 

Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng những dịp lễ tết, tôi vẫn nhận được từ em một dòng tin nhắn thăm hỏi và chúc mừng.

Thế mới hiểu tình người qua những hội ngộ bất ngờ có khi mang lại cho chúng ta những kỷ niệm và trải niệm rất đáng yêu như thế.

Những ngày này, ngồi nhìn tuyết rơi ngoài khung cửa, nức lòng nhớ những chuyến xe về quê mà mình đã đi. 

Chợt ước ao có được cánh cửa thần kỳ như cánh cửa của Mèo máy Đô Rê Mon, để mở ra là thấy nhà, thấy những người thân thương nhất. 

Những người Việt xa quê đều có chung một ước ao là được về nhà đón Tết, đó là điều vô cùng thiêng liêng và quý giá. 

Đường về nhà dẫu gần hay xa, dẫu trơn tru hay khúc khuỷu gồ ghề vẫn là con đường đẹp nhất của cuộc đời mỗi chúng ta. 

Đó là nơi có những người thân ngóng đợi người thân, nơi của hội ngộ và chia ly, để người ta lại mong chờ lần hội ngộ tiếp theo như một động lực để để sống.

Nhớ lắm, đường về quê!

PHẠM THƯ (Thụy Điển) (tuoitreonline