Hạt Giống Nảy Mầm Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria

Hạt Giống Nảy Mầm Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria

Ngày 8/9

SINH NHẬT ĐỨC MARIA

Mt 1,1-6.18.23

* Lịch Sử

Thánh lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria xuất phát từ Giáo hội Đông Phương, có lẽ từ thánh lễ cung hiến thánh đường dâng kính thánh Anna tại Giêrusalem ; địa điểm của ngôi thánh đường được cung hiến được các tín hữu tin rằng đó là nơi sinh Đức Mẹ. Theo truyền thuyết khác thì Đức Maria được sinh tại Galilê.

Vào cuối thế kỷ thứ VII bên Giáo hội Tây Phương, Giáo Hoàng Sergius (687-701) xác nhận có 4 thánh lễ được cử hành trong năm để kính Đức trinh nữ Maria trong phụng vụ Rôma:

– lễ Truyền Tin

– lễ Hồn xác về trời

– lễ Sinh nhật và

– lễ “Gặp gỡ” (tức lễ nến ngày 2.2)

Từ ngày Sinh Nhật này (đương nhiên không có một chứng cứ khoa học nào cả !) người ta xác định ngày thụ thai là ngày 8.12.

Sự kiện cụ thể là thánh lễ này được cử hành long trọng phụng vụ cho chúng ta thấy rõ các tín hữu lúc đó đã xác tín rằng Đức Maria khi được sinh ra đời không vương chút tội nào (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh).

A. Hạt giống…

Đoạn Tin Mừng này (và toàn bộ Tân Ước) không cung cấp cho chúng ta những chi tiết cần thiết để chúng ta biết lý lịch của Đức Maria, chỉ có vài chi tiết liên quan tới Chúa Giêsu thôi :

– Người là Mẹ của Chúa Giêsu

– Người thụ thai Chúa Giêsu bởi phép Chúa Thánh Thần.

– Người được Thánh Giuse mang về nhà để chăm sóc.

Từ sự kiện Thánh Kinh không quan tâm tới lý lịch Đức Maria, chúng ta có thể hiểu rằng : Maria chỉ là một con người tầm thường, sở dĩ Người được nên cao trọng là hoàn toàn do vận mạng của Người đã gắn liền với vận mạng của Chúa Giêsu.

B… nảy mầm.

  1. Một khối đá chẳng là gì cả, nhưng nếu được giao trong tay một nhà điêu khắc tài ba thì nó sẽ trở thành một kiệt tác nghệ thuật. Con người cũng chẳng là gì cả nhưng nếu để cho Chúa hướng dẫn đời mình thì người đó sẽ trở thành một kiệt tác của Chúa. Đức Maria là như thế. Xin Chúa và Đức Mẹ giúp con biết để cho Chúa xử dụng con như xưa đã xử dụng Đức Mẹ.
  2. Có những người sinh ra trên đời đã thực sự là một diễm phúc cho đời, chẳng hạn Đức Maria. Nếu không có Người thì công trình cứu độ của Thiên Chúa đã không được thực hiện. Có những người khác sinh ra chỉ làm hại cho đời, “thà nó đừng sinh ra còn hơn”.

Phần con, lạy Chúa, xin cho con biết việc con sinh ra trên đời này có đem lại lợi ích gì cho anh chị em con không, hay con chỉ làm chật đất, tốn cơm và khổ sở cho họ.

  1. Trong đoạn Tin Mừng này, số phận Đức Maria đang như “ngàn cân treo sợi chỉ” : nếu thánh Giuse rước Người về nhà thì mọi việc khác được giải quyết êm thắm, nhưng nếu thánh Giuse tố giác Người thì Người sẽ bị ném đá. Thế mà chúng ta không thấy Người làm gì và nói gì cả. Người phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trao sứ mạng cho Người mang thai Ngôi Hai thì Thiên Chúa sẽ lo liệu cho Người.

Lạy Chúa, xin thêm cho con tinh thần phó thác trong khi thi hành nhiệm vụ Chúa giao.

  1. Một nông dân trồng bụi tre nơi góc vườn. Thân tre mỗi ngày mỗi cao lớn, thẳng đuột. Ngày kia, người ấy đến nói với cây cao nhất : “Này bạn, ta cần bạn”. Cây tre nói : “Thưa ông, tôi sẵn sàng, ông cứ sử dụng tôi theo ý ông”.

– Được, ta sẽ chẻ anh ra làm đôi.

   Nghe thế, cây tre phản đối :

– Chẻ tôi ? Sao vậy ? Trong vườn có cây nào đẹp hơn tôi đâu ? Xin ông đừng…Ông dùng tôi thế nào cũng được, nhưng xin đừng chẻ tôi ra…

– Nếu không chẻ anh ra thì anh chả được việc gì.

  Một làn gió nhẹ thổi qua, cây tre cúi đầu thở dài : “Thưa ông, nếu chỉ còn cách đó, thì xin ông cứ làm theo ý ông”.

  Người nông dân nói tiếp : “Ta sẽ tước bỏ hết các cành của ngươi”.

  – Ông tước cành tôi ? Như vậy còn gì là vẻ đẹp của tôi? Lạy Chúa, xin ông thương đừng làm thế…

  – Nếu không tước cành, anh chả được việc gì.

  Gió thổi mạnh hơn. Cây tre quằn quại trong gió và nắng. Rồi nó mạnh dạn thưa : “Thưa ông, xin ông chặt tôi đi”.

  Ông chủ nói : “Bạn thân mến, thực thì ta buộc lòng phải làm bạn đau, phải tước cành, róc đốt bạn ; nếu không, ta không thể dùng bạn”.

  Cây tre cúi rạp xuống đất nói : “Thưa ông, xin ông cứ việc chặt, dùng tôi theo ý ông”.

  Người nông dân chặt tre, tước cành, chẻ đôi và lóc ruột làm thành cái máng chuyển nước từ dòng suối vào cánh đồng. Và sau đó, người nông dân có một vụ mùa bội thu. (Góp nhặt)

print