Người đã khuất đang nói gì với chúng ta?

Người đã khuất đang nói gì với chúng ta?

 
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta?

 

TGPSG — Ngày 2-11 vừa qua, toàn thể Giáo Hội tưởng nhớ và cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Tôi tham dự thánh lễ thật sốt sáng lúc 10g tại nghĩa trang của Đồng Hương Báo Đáp – Củ Chi, để cầu nguyện cho người thân. Nơi đây có phần mộ của ông bà nội ngoại, những người bà con có liên hệ và những người cùng một làng quê.

Trong ngày này, Giáo Hội  mời gọi chúng ta suy niệm về sự chết, về cuộc đời thật mong manh và chóng qua, nhưng cũng là ta học sống với những chọn lựa. Đâu là những điều quan trọng nhất trong cuộc đời này? Điều gì tôi cần phải xây dựng và tìm kiếm?

Trong thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn tại nghĩa trang Đồng Hương Báo Đáp, linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Hạnh, Dòng Chúa Cứu Thế  đã chia sẻ về những gì mà người đã khuất muốn nói với chúng ta:

Nếu biết trần gian là quán trọ
Hơn thua hờn oán để mà chi
Thử ra ngồi kề bên nấm mộ
Hỏi người bên dưới mang theo được những gì?

Ý nghĩa của ngày cầu nguyện cho những người đã chết là ngày của tình hiệp thông Giáo Hội và của tình liên đới.

Dường như những người đã khuất đang nói với chúng ta trong thinh lặng.

Trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta không muốn nói đến sự chết, coi như là “điều xui xẻo” hoặc cho là “điềm gở”, nhưng sự chết luôn có, nó đến với chúng ta nhiều khi thật bất ngờ, nó không trừ một ai, lứa tuổi nào, có những người hôm trước còn mạnh khỏe, nói năng, đi lại, đang làm việc, hôm sau lại ra đi mãi mãi.

 Gần 2 tháng qua, ngày 8.9.2024  cầu Phong Châu ở Phú Thọ bị sập làm cho nhiều người  chết, trong đó có 1 nữ tu trẻ, ra đi trong sự bàng hoàng đau xót của mọi người.

 Trong tháng 10, Linh mục đoàn TGP Sài Gòn vừa tiếc thương chia tay một linh mục chánh xứ. Ngài ra đi ở tuổi 60, khi còn đang làm việc mục vụ, tới giờ dâng lễ bà con giáo dân vào phòng, ngài đã ra đi rồi. Đó là hình ảnh đẹp của Linh mục ra đi khi còn đang ở với đoàn chiên, thi hành sứ vụ mà Chúa giao phó cho mình. Tưởng là ra đi bất ngờ, nhưng thực ra ngài đã chuẩn bị, nhất là ngài luôn sống dưới ánh sáng của Lời Chúa hướng dẫn.

Bài học đầu tiên chúng ta nghe được từ người đã chết là sự bất ngờ. Cuộc đời luôn có những điều bất ngờ và không ngờ. Chúng ta sẽ ra đi lúc nào, không ai biết, nên chúng ta chỉ có thể chuẩn bị.

Tháng 11, Phụng vụ Giáo Hội mở đầu bằng mầu nhiệm Các Thánh Thông Công với 2 lễ: lễ các thánh và lễ cầu nguyện cho các linh hồn, nhưng trải dài tháng này, Giáo Hội cho chúng ta nghe các bài Sách Thánh nói về ngày Chúa đến vào lúc không ngờ. Lời Chúa vang lên trong tháng 11, khi chúng ta chuẩn bị kết thúc năm phụng vụ với lễ Chúa Kitô Vua và bước sang năm Phụng Vụ mới với Mùa Vọng.

 “Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. (Lc 12, 40)

Thật hạnh phúc biết bao cho những người chu toàn bổn phận Chúa đã giao phó và luôn chuẩn bị cho ngày giờ Chúa đến. Đó là bổn phận giáo dục con cái của các bậc cha mẹ, việc truyền dạy cho con về đức tin trong gia đình, để gia đình là trường giáo lý đầu tiên cho con trẻ, trước khi chúng vào đời.

Chúng ta sống thế nào để khi kết thúc cuộc đời, Chúa sẽ nói với mỗi người: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh  (Mt 25, 23)

Với tháng 11, chúng ta đang ở những ngày cuối năm. Dừng chân tại nghĩa trang, bên phần mộ của người thân, hay bên một hũ tro tàn, chúng ta được nhắc nhớ phải sống chân thành với nhau, bỏ qua những nhỏ nhen, hơn thua, những  lời khen tiếng chê trong cuộc đời, để mà đi tìm kiếm những  giá trị bền vững.

Có thể nói: Cầu nguyện cho những người đã ra đi, tưởng nhớ đến họ với biết bao công ơn họ đã làm cho chúng ta, còn là nhắc nhớ mình luôn sống trong ơn nghĩa với Chúa và anh chị em.

Để kết bài, xin chia sẻ câu chuyện như sau :

Người chủ của một nông trại ở ven biển thông báo cần tuyển người giúp việc. Nông trại này khá rộng, lại nằm gần bờ biển nên nguy cơ đương đầu với gió bão là thường xuyên. Cho nên, dù mức lương được trả khá cao nhưng nhiều người xin đến thử việc đều sớm rời đi vì không chịu nổi sự vất vả của công việc và sự rủi ro bất ngờ của những cơn gió bão từ biển thổi vào.

Một ngày nọ, có một chàng thanh niên tìm đến nông trại này để xin vào làm việc. Người chủ nhìn chàng thanh niên có dáng vẻ điển trai, phong thái ung dung, với nụ cười trên gương mặt rạng rỡ thì thấy có thiện cảm, nhưng ông lại thấy do dự vì trông anh không giống một người tháo vát công việc thì không biết có làm được việc hay không. Ông hỏi:

 Anh có thể làm gì khi rủi ro có những cơn giông bão ập đến nông trại này?

Người thanh niên thản nhiên đáp:

 Tôi có thể ngủ được ngay cả khi giông bão ập đến.

Người chủ trang trại rất ngạc nhiên khi nghe câu trả lời, và vì tò mò xen một chút thiện cảm với chàng thanh niên, ông đã đồng ý nhận anh vào làm việc cho nông trại. Chàng thanh niên làm việc rất chăm chỉ. Bất cứ lúc nào vợ chồng chủ nông trại rảo quanh quan sát đều thấy anh đang mải mê làm việc. Vài ngày sau, vợ chồng người chủ nông trại giật mình tỉnh giấc vào giữa đêm, vì nghe tiếng gió rít dữ dội. Họ vội vàng đi kiểm tra mọi thứ trong nhà thì thấy các cánh cửa đã được đóng rất kỹ, các nông cụ đã được cất gọn gàng vào trong kho, máy cày đã được cho vào nhà xe và chuồng gia súc đã được khóa cẩn thận. Ngay cả những con vật cũng no nê, và chìm vào giấc ngủ. Mọi thứ đều an toàn và nhìn vào khe cửa phòng của chàng thanh niên, họ thấy anh đang ngủ ngon lành. Lúc này, người chủ nông trại đã hiểu lời quả quyết của chàng trai khi đến xin việc: “Tôi có thể ngủ được ngay cả khi giông bão ập đến”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống mầu nhiệm Hiệp Thông của Giáo Hội. Mỗi lần chúng con đứng trước phần mộ của người thân để kính viếng và cầu nguyện, chúng con tự nhắc mình, phải sống sao cho đẹp lòng Chúa,  biết yêu thương nhau chân thành, đón nhận người khác, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ cho những ai đang còn túng thiếu. Nhờ đó, khi kết thúc hành trình cuộc đời này, chúng con sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời mà Chúa hứa ban. Amen.

Bài: Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)

print