Truyền Thống Lòng Đạo Đức Bình Dân Của Giáo Phận Qui Nhơn Trong Công Cuộc Tân Phúc Âm Hóa

print

Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 11.2018

TRUYỀN THỐNG LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN CỦA GIÁO PHẬN QUI NHƠN
TRONG CÔNG CUỘC TÂN PHÚC ÂM HÓA

  1. LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN NÓI CHUNG[1]
    1.1 Vài khía cạnh của lòng đạo đức bình dân
    Cách nói “lòng đạo đức bình dân” có thể được dùng để chỉ những khía cạnh khác nhau[2]
    – Các thực hành đạo đứctức là «những diễn tả riêng tư hay công khai của lòng đạo đức Kitô giáo, không phải là một phần của phụng vụ nhưng hài hòa với phụng vụ, với tinh thần, quy tắc và nhịp điệu của phụng vụ»[3] (Sacrosanctum Concilium, số 13). 
    – Lòng sùng mộ, tức là những thực hành đạo đức thể hiện bên ngoài… Được đức tin thúc đẩy, các thực hành bên ngoài này biểu lộ mối tương quan đặc biệt giữa người tín hữu với các ngôi vị Thiên Chúa, với Đức Trinh Nữ Maria hoặc với các thánh.[4]
    – Lòng đạo đức bình dân còn để chỉ «những thể hiện thờ phụng riêng tư hay cộng đồng khác nhau không theo những hình thức phụng vụ nhưng dùng những hình thức rút ra từ một quốc gia, một dân tộc hay từ nền văn hóa của họ»[5].

    1.2 Phân loại
    Lòng đạo đức bình dân, tùy theo đối tượng của nó, có thể được chia thành 4 loại[6]:
    – Lòng sùng kính Đức Kitô, Đức Mẹ, các thánh: chẳng như Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giờ Thánh, Chầu Mình Thánh, lần chuỗi, đọc kinh cầu, lễ bổn mạng, hành hương Đền Thánh…
    – Lòng đạo đức có liên quan đến phụng vụ, năm phụng vụ, ví dụ như, cầu nguyện và ăn chay trong Mùa Chay,…
    – Các thực hành truyền thống liên hệ với các cử hành bí tích và các nghi thức Kitô giáo khác, chẳng hạn như tang lễ, sát tế con vật, xuống tóc, … 
    – Kính các đồ vật hay những vật thể có tính tôn giáo, ví dụ mộ các thánh, nơi sinh trưởng, sinh quán, tượng đeo và tranh ảnh, đồ dùng của các vị thánh…

    2. GIÁ TRỊ CỦA LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN 
    Theo Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ (2001) của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, lòng đạo đức bình dân thực thụ có những giá trị sau đây: 
    – Cảm thức về sự vô tận và trọn hảo của Chúa vượt qua khỏi hiện hữu của con người (số 61).
    – Quy chiếu về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô và cuộc sống đời sau (số 62).
    – Nhấn mạnh về Chúa Ba Ngôi (số 79).
    – Dựa vào Kinh Thánh (các số 88-89).
    – Quy Thiên Chúa (Thông điệp Mediator Dei, số 33)
    – Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn (số 78).
    Một cách cụ thể hơn, gần đây Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại một số giá trị của lòng đạo đức bình dân trong công cuộc Tân phúc Âm hóa[7] và có thể nói rất đúng cho giáo phận chúng ta trong quá khứ cũng như thích hợp để áp dụng trong hiện tại.

    2.1 Đó là ơn Chúa Thánh Thần
    Trước hết, chúng ta cần xác tín rằng «lòng đạo bình dân là ơn Chúa Thánh Thần. Nó là một cách sống đức tin hợp lệ, một cách cảm nhận mình là thành phần của Hội Thánh và biểu lộ tư cách người truyền giáo”; nó mang theo mình ơn gọi làm người truyền giáo, chúng ta đừng bóp nghẹt hay tìm cách kiểm soát sức mạnh truyền giáo này!»[8].

    2.2 Giá trị về hội nhập văn hóa và Tân phúc âm hóa
    Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định «lòng đạo bình dân giúp chúng ta thấy rằng đức tin, sau khi được lãnh nhận, sẽ hội nhập vào một nền văn hoá và không ngừng được truyền lại cho các thế hệ sau như thế nào. Từng có thời bị coi thường, lòng đạo bình dân đã được đánh giá cao trở lại trong những thập niên sau Công đồng. Trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI […] nói rằng lòng đạo bình dânbiểu lộ một lòng khao khát Thiên Chúa mà chỉ những kẻ đơn sơ và nghèo khó mới cảm nhận được” và “nó khiến người ta có thể quảng đại và hy sinh đến mức anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin»[9].
    Sau nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta phải ý thức rằng «lòng đạo bình dân như là kết quả của Tin Mừng hội nhập trong văn hoá, là một sức mạnh phúc âm hoá tích cực mà chúng ta không được coi nhẹ: nếu không, chúng ta sẽ không thể nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần. Trái lại, chúng ta được kêu gọi cổ vũ và tăng cường lòng đạo bình dân để đi sâu vào tiến trình không bao giờ kết thúc của hội nhập văn hoá. Các biểu hiện của lòng đạo bình dân dạy chúng ta nhiều điều; với những ai có khả năng đọc được những biểu hiện này, chúng là một locus theologicus (“cơ sở thần học”) mà chúng ta phải chú ý, đặt biệt ở thời điểm chúng ta đang hướng về cuộc tân phúc âm hoá»[10].

    2.3 Nâng đỡ đức tin và khích lệ lòng đạo đức 
    Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định «chỉ với sự đồng cảm chân thật phát sinh từ tình yêu, chúng ta mới có thể đánh giá cao đời sống hướng thần hiện tại trong lòng đạo của các dân tộc Kitô giáo, đặc biệt giữa những người nghèo» và cụ thể hơn, Đức Thánh Cha viết: «Tôi nghĩ đến lòng tin kiên vững của các bà mẹ chăm sóc những đứa con bệnh tật của họ, họ là những người rất yêu mến chuỗi mân côi dù có lẽ họ chỉ biết sơ sài những điểm của Kinh Tin Kính; tôi cũng nghĩ đến niềm hi vọng trọn vẹn được đổ vào một cây nến đốt lên trong nhà để cầu xin ơn trợ giúp của Đức Mẹ, hay cái nhìn trìu mến hướng lên tượng Chúa Kitô chịu nạn. Không một ai yêu mến dân thánh của Thiên Chúa mà có thể coi những hành động này chỉ là biểu hiện của một cố gắng thuần tuý phàm trần trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa. Chúng là biểu hiện của một đời sống hướng thần được nuôi dưỡng bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được đổ vào lòng chúng ta (xem Rm 5,5)»[11].

    3. LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN TRONG GIÁO PHẬN QUI NHƠN 
    Từ cách hiểu, phân loại và giá trị của lòng đạo đức bình dân nói trên, chúng ta dễ thấy lòng đạo đức bình dân nơi dân Chúa của giáo phận Qui Nhơn được thể hiện rất phong phú trong suốt dòng lịch sử của giáo phận và đã trở nên một truyền thống tốt đẹp. Truyền thống này đã và đang góp phần tích cực cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa của giáo phận chúng ta ngày nay.

    3.1. Một số thể hiện của lòng đạo đức bình dân trong Giáo phận Qui Nhơn xưa nay
    Việc thực hành lòng đạo đức bình dân rất phong phú và tùy theo mỗi địa phương. Chúng ta có thể kể ra một số hình thức thể hiện của lòng đạo đức bình dân thường thấy xưa nay trong giáo phận như sau.
    – Nhiều tín hũu thuộc làu làu nhiều kinh, kể cả các kinh khá dài và khó nhớ, các “Kinh cầu” trong sách Sách kinh giáo phận Qui Nhơn và coi đó là điều bình thường cần phải có đối với một người tín hữu.
    – Đọc kinh liên gia. Nhiều giáo xứ vào dịp thuận tiện trong năm, ví dụ tháng Kính Đức Mẹ, thì tổ chức đọc kinh luân phiên từ gia đình này đến gia đình khác. Có thể nói đây là một hình thức mang lại hiệu quả tốt cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa.
    – Đọc kinh theo ngày trong tuần, ngày nào thì đọc những kinh theo ngày đó, ví dụ Thứ hai đọc kinh Cầu lễ, Thứ sáu thì đi Đàng Thánh Giá, Thứ bảy đọc kinh Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ,…
    – Vào giờ rảnh rỗi, hoặc lúc ru con cháu cho dễ ngủ hay dỗ dành cho chúng khỏi khóc thì đọc kinh với cung giọng thích hợp một cách tha thiết, không chút ngại ngùng.
    – Ông bà, cha mẹ chú trọng việc đọc kinh chung trong gia đình và dạy con cái ngay từ lúc còn rất bé phải biết làm Dấu Thánh Giá trước khi ăn, trước khi ngủ, thuộc những kinh đơn sơ như Sáng Danh, Kính mừng, Lạy Cha,…
    – Vào dịp lễ trọng hay Chúa Nhật, dịp bổn mạng của giáo xứ, giáo họ thì đọc kinh kiểu “đối đáp” nhịp nhàng hai bên nam-nữ, có những kinh đọc kèm theo chiêng trống, giựt chuông…
    – Việc lần chuỗi Mân Côi hàng ngày và có khi nhiều lần trong ngày vào những lúc rảnh rỗi, đọc kinh lòng Chúa thương xót,… Quý trọng tràng chuỗi Mân Côi, trước và sau khi đọc kinh Mân Côi đều hôn tràng hạt cách tôn kính.
    – Đôi tân hôn đọc kinh dâng mình, làm việc Đức Mẹ tại nhà thờ sau Thánh lễ hôn phối hay tại nhà trước khi tiệc cưới.
    – Khi có người trong giáo xứ, giáo họ qua đời, giáo dân quy tụ và chia phiên để đọc kinh cầu lễ liên tục, đồng thời tổ chức canh giữ thi hài và than kinh,…
    – Quy tụ họ hàng, con cháu trong nhà để đọc kinh cầu lễ, hay đọc kinh cầu nguyện cho Ông Bà Cha Mẹ, người thân vào dịp lễ giỗ, đọc trước và trong ngày lễ giỗ tại nhà.
    – Tham dự thánh lễ Thứ Tư lễ tro rất đông và sốt sắng vì có xức tro, cha mẹ dẫn cả trẻ em hay em bé để chúng cũng được xức tro; còn vào thứ Sáu tuần thánh đi hôn chân Chúa, trẻ em cũng được cha mẹ dẫn theo hay bế theo để cho chúng được hôn chân Chúa. Tham gia đọc kinh lễ đèn trong Tam Nhật Thánh khá đông và sốt sắng.
    – Dọn dẹp, viếng nghĩa trang, tham dự đọc kinh cầu nguyện dịp lễ Các Đẳng Linh Hồn.
    – Có cử chỉ bái chào thể hiện tôn kính khi đi ngang qua những ảnh tượng, khi đi ngang qua nhà thờ thì lấy nón mũ khỏi đầu và bái chào dù đang ở trong sân hay đang đi ngoài đường.
    – Khi người giáo dân mua chuỗi, tranh ảnh tượng Chúa hay các thánh không dám nói “mua-bán” vì sợ xúc phạm, sợ tội, nên nói là “chuộc”.
    – Nhiều giáo dân rất chú trọng đến việc làm phép ảnh tượng, chuỗi, làm phép nhà mới, làm phép đồ vật… Chuỗi, tranh ảnh tượng chưa được làm phép thì không dùng.
    – Nhiều nơi hình thành những “hội” tự phát mang tinh thần đạo đức như Hội con Đức Mẹ, hội các bà mẹ đạo đức, hội làm công tác nhà thờ,… Đây không phải là một Hội đoàn đúng nghĩa nhưng chỉ là nhóm người tự nguyện làm những công việc bình thường như cắm hoa, dâng hoa, sửa soạn đèn nến, trang trí nhà thờ, quét nhà, dọn rác, lau nhà thờ, nhà xứ, chăm sóc sân vườn.
    – Ảnh tượng Chúa, các Thánh, Đức Mẹ,… khi cũ, rách hay bị hư hỏng không dám vứt bỏ bừa bãi, thường là bỏ xuống giếng sâu, hay để ở một góc ở bàn thờ tại nhà và đôi khi đốt hoặc có khi đem đến nhà thờ giáo xứ để ở nơi thích hợp nào đó, ví dụ dưới chân hang đá Đức Mẹ.
    – Dịp thuận tiện trong năm như tháng Đức Mẹ, tháng Thánh Tâm tổ chức múa, hát, rước kiệu Đức Mẹ, rước Kiệu thánh thể một cách trọng thể.
    – Giáo xứ nào hầu như cũng chú trọng để xây cho được hang đá Đức Mẹ hoặc đài Đức Mẹ, đài Thánh Giuse; gần đây thì xây tượng đài Lòng Chúa Thương Xót,…
    – Dịp Tết nguyên Đán: đi lễ giao thừa hái lộc Lời Chúa, đọc kinh gia đình sau khi đi lễ giao Thừa về và cũng đọc kinh gia đình sau khi đi dự lễ minh niên. Ngoài ra còn có việc “mừng tuổi” Chúa, Đức Mẹ và các thánh vào thánh lễ đầu năm.
    – Vào dịp giỗ hay ngày “dãy mả” (có khi còn gọi là chạp mả), thì lo đi xin thánh lễ cầu nguyện và cùng nhau viếng mộ, đọc kinh.
    – Cùng nhau dọn dẹp nhà thờ, trang hoàng, làm hang đá mừng Giáng sinh tại nhà giáo xứ và đồng thời cũng lo làm hang đá tại nhà riêng.
    – Chú trọng việc học giáo lý và kinh; lo cho con cháu được học giáo lý để xưng tội rước lễ lần đầu và được thêm sức; cha mẹ ông bà dạy kinh cho con cháu và thường đọc cùng với chúng ngay lúc chúng còn rất bé.
    – Tổ chức phiên chầu lượt của giáo xứ một cách trọng thể: làm tuần tam nhật (thứ năm, thứ sáu và thứ bảy), có thể mời cha khách giảng, giải tội; sau Thánh Lễ, đặt Mình Thánh Chúa vào hào quang rồi đặt trên tòa chầu; có trang hoàng đèn, hoa xứng hợp, rồi theo phiên chầu của mỗi họ hay mỗi đoàn thể và cứ lượt đã chia mà chầu ít là một giờ, cuối cùng là chầu chung (Chầu Hội) trọng thể để bế mạc… (theo hướng dẫn trong lịch phụng vụ xưa nay của giáo phận Qui Nhơn)
    – Tổ chức lễ bổn mạng giáo xứ hay giáo họ một cách long trọng, tạo bầu khí hân hoan quy tụ người đang làm ăn xa trở về, làm tuần tam nhật để cầu nguyện, lo sửa sang trong nhà thờ, làm sân vườn nhà thờ sạch sẽ khang trang, treo cờ, cắm hoa, đèn nến và tổ chức hát kính.
    – Viếng hang đá máng cỏ Chúa hài đồng vào dịp mùa Giáng Sinh, cha mẹ cũng thường dẫn con cháu còn nhỏ đi theo và dạy chúng cầu nguyện, đọc kinh, bái lạy Chúa Hài Đồng.
    – Nhiều ông bà cha mẹ ý thức đưa cho con cháu lúc còn bé chút ít tiền mỗi khi chúng đi dự lễ ngày Chúa Nhật để dạy con cháu biết hi sinh qua việc “bỏ giỏ”.
    – Đọc kinh dâng ngày vào sáng mới thức dậy và dâng mình trước khi ngủ. Trong ngày, vào giữa trưa (11 hoặc 12 giờ), khi nghe chuông nhà thờ thì làm dấu đọc Kinh Truyền Tin hoặc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, tùy mùa phụng vụ.
    – Khi biết có người mới qua đời trong giáo xứ thì giựt chuông báo tử (nam 7, nữ 9 tiếng chuông) để nhiều người trong giáo xứ có thể nghe rồi đọc một kinh hay dâng một lời nguyện cho người mới qua đời (chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho linh hồn mới qua đời được lên chốn nghỉ ngơi…).
    – Nhiều người xin những ý cầu nguyện riêng kèm theo một số tiền nhỏ để cộng đoàn giáo xứ hiệp thông cầu nguyện chung với nhau qua, cũng có khi xin làm tuần Tam nhật, cửu nhật Đức Mẹ hay tương tự để cầu nguyện theo ý người xin.
    – Có những giáo dân tự nguyện mua hoa dâng Đức Mẹ hàng tuần, hàng tháng,…
    – Giáo dân tham dự khá đông giờ Thánh như dịp Thứ năm đầu tháng, Chầu Thánh Thể.
    – Đứng trước một sự việc xảy ra có tính bất ngờ hay nguy hiểm, buộc miêng kêu lên “Giêsu, Maria, Giuse” hay “ôi Lạy Chúa”, hoặc làm Dấu Thánh Giá…
    – Thường xuyên đeo trên cổ, để trong mình một cây Thánh Giá, đeo ảnh tượng Đức Mẹ, các Thánh, có khi đeo tràng hạt Mân Côi, đeo “áo Đức Bà”…
    – Tổ chức đi hành hương để tạ ơn hoặc xin ơn cho mình hoặc cho người khác. Tại địa điểm hành hương hái lá, hoa cỏ, lấy đá sỏi, lấy nước uống tại chỗ hoặc đem về với ý nghĩ đó là đồ thánh và có khả năng chữa lành.
    – Khi viếng hang đá Đức Mẹ, thánh Giuse, các thánh… sau khi cầu nguyện thì dùng tay chạm vào tượng (chân, tay, tà áo của tượng) rồi vuốt lên tóc, lên đầu, lên người… với ý xin được chữa lành bệnh tật đang mắc phải.

    3.2. Đọc kinh – lần chuỗi
    Trong những cách thực hành nói trên thì có việc đáng lưu ý là việc đọc kinh, lần chuỗi, không chỉ nơi người giáo dân mà còn nơi những chủ chăn. Đức cha Stêphanô Thể đã từng khẳng định: «Dầu các Cha tây, huống lựa là tôi, phải ẩn mặt luôn nơi hang nơi hố núi non tất tưởi, khác nào đã chôn lấp rồi, chẳng còn làm đặng việc gì, chỉ đọc kinh lần hột mà thôi, song nội sự ở lại mà chỉ dẫn các Cha bổn quốc, lại thông công chịu khổ vì đạo với con chiên, thì còn có ích hơn bội phần»[12].
    Ý thức việc đọc kinh có thể giúp nâng đỡ đức tin cho người tín hữu, Đức cha Stêphanô Thể lúc đang ở Gia Hựu đã miệt mài: «lo soạn và dọn in các thứ sách giúp phần ích bổn đạo, cho đặng thêm lòng thờ phượng Chúa, cùng nên đạo đức hơn, như sách Gẫm ba mươi mốt điều; sách Tứ chung, giảng về bốn sự sau; sách Thánh giáo Chúa nhựt pháp; sách Thánh giáo nhựt khóa; sách Thánh giáo yếu lý. Sách Tử hầu bảo hữu qui thơ; sách Lề luật họ Môi khôi; sách Bổn gẫm đàng thánh Giá; sách Sấm truyền cũ và mới; sách Gương phước; sách Chú giải bài Evan; và nhứt là sách Biện phân tà chánh. Sách nầy phân giải lẽ đạo cho kẻ ngoại, tỏ sự phải trái hơn thiệt trong đạo như, việc thờ ông bà, cùng các việc dị đoan nước nầy, sau hết lại chỉ đàng khử tà qui chánh: lý chắc thật, tiếng nói xuôi tai; tưởng các thứ sách in xưa nay, không sách nào ví cho bằng. Những sách trên nầy thảy là sách hay và sốt sắng, xưa nay các địa phận Nam-kỳ cũng đều dùng làm chánh bổn»[13].
    Giáo dân hàng ngày quy tụ tại nhà thờ giáo xứ hay giáo họ để đọc kinh lần chuỗi chung dù không có linh mục hay không có cử hành thánh lễ lúc đó (thường là vào chiều tối), có phân chia phiên giựt chuông, đánh trống mở cửa nhà thờ, chủ sự giờ kinh (theo ban kinh của mình).
    Theo Lời Tựa của Sách Kinh Giáo Phận Qui Nhơn (ấn bản 2008), Giáo phận Qui Nhơn từ thời Thánh Giám Mục Stêphanô Cuénot Thể, đã có Sách Kinh, gồm những kinh đọc hàng ngày và những kinh đọc các ngày lễ, biên dịch từ bản kinh bằng tiếng La tinh sang quốc ngữ để phổ biến cho giáo dân. Sách Kinh ấy qua thời gian đã có những sửa đổi và có những tên gọi khác nhau:
    – Thời Đức Giám Mục Đamianô Grangeon Mẫn gọi là Sách Kinh Nhật Khóa.
    – Thời Đức Giám Mục Augustinô Tardieu Phú gọi là Sách Mục Lục.
    – Thời Đức Giám Mục Phêrô-Maria Phạm Ngọc Chi gọi là Sách Kinh Lớn.
    – Và ngày nay được gọi là Sách Kinh Giáo Phận Qui Nhơn.
    Sách Kinh Giáo Phận Qui Nhơn hiện nay có nhiều thay đổi so với các sách trước là để phù hợp với việc canh tân Phụng vụ cũng như nhu cầu của giáo hữu khắp nơi.
    Sách Kinh nói trên dù mang những tên khác nhau theo từng thời kỳ nhưng đều rất phổ biến và hầu như gia đình nào cũng có. Nhiều giáo dân ở các giáo phận khác cũng tìm cách để mua được sách kinh của giáo phận Qui Nhơn.  
    Có thể nói qua kinh nghiệm cá nhân mỗi người chúng ta cũng như thực tế tại các giáo xứ và giáo họ, hay trong gia đình và các cộng đoàn việc đọc kinh và lần chuỗi đã góp phần nâng đỡ đức tin, tăng thêm lòng đạo đức cho người tín hữu trong mọi hoàn cảnh lúc bình an cũng như lúc khó khăn bị bách hại, bị thử thách đức tin. Có những khi người giáo dân ở nơi không có nhà thờ, nơi hẻo lánh, hay những khi vì hoàn cảnh không thể tham dự Thánh lễ được thì việc đọc kinh, lần chuỗi càng trở nên quan trọng. Cha mẹ cũng thường căn dặn con cái sống xa nhà xa quê phải luôn nhớ ngoài việc đi lễ thì phải lo đọc kinh, lần chuỗi hằng ngày, nhất là trước khi đi ngủ.

    4. THAY CHO LỜI KẾT
    Dù không được xem là những điều cần thiết cho ơn cứu rỗi, nhưng nhiều hình thức đạo đức bình dân được Giáo Hội nhìn nhận là có khả năng nâng đỡ đức tin cho người tín hữu. Có những thực hành của lòng đạo đức bình dân trong giáo phận chúng ta xưa kia nay vẫn còn giá trị vì đó là một nguồn lực nuôi dưỡng, nâng đỡ đời sống đức tin của đoàn dân Chúa giáo phận chúng ta trong suốt dòng lịch sử hơn 400 năm qua, nhờ đó mà người tín hữu «có thể quảng đại và hy sinh đến mức anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin»[14]
    Bên cạnh đó cũng có những cách thể hiện của lòng đạo đức bình dân không còn phù hợp hay đi quá đà đến mức có xu hướng mê tín dị đoan. Nhiệm vụ của người mục tử là cần phân định để loại bỏ những hình thức không phù hợp đồng thời khuyến khích và hướng dẫn người giáo dân thực hành những cách có giá trị nuôi dưỡng và nâng đỡ đức tin thực sự. Ngoài những cách đã có, tùy điều kiện, hoàn cảnh và thói quen lành mạnh mà mỗi nơi có thể thêm bớt những việc thực hành lòng đạo đức bình dân, chẳng hạn như vào những dịp bổn mạng cá nhân và hội đoàn, kỷ niệm ngày cưới, hình thức tổ chức hiếu hỉ, ngày gia tộc,…
     Truyền thống của lòng đạo đức bình dân nơi giáo phận chúng ta rất phong phú và nhiều nơi ngày nay vẫn còn giữ gìn truyền thống ấy rất tốt. Khi nhìn lại gương tông đồ của Thánh Stêphanô Thể ngày xưa khi hướng dẫn đoàn chiên cũng như lối sống đạo đức của cha ông, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn nhận định rằng: «Chúng ta thấy có nhiều điểm ngày hôm nay chúng ta đã không bằng người xưa, mặc dầu chúng ta sống trong hoàn cảnh trăm ngàn lần dễ dãi hơn. Chớ gì gương sáng ấy lôi cuốn chúng ta hành động, đổi phương cách mục vụ của chúng ta. Chớ gì tinh thần ấy, tu đức ấy, được ghi nhớ hôm nay và được cấp tốc thi hành, để các xứ đạo chúng ta sống lại và hoạt động tốt, kẻo phụ lòng người xưa»[15] 
    Đối với lòng đạo đức bình dân, người tín hữu, nhất là các mục tử, «cần tiếp cận nó bằng cái nhìn của người Mục Tử Nhân Hậu, không xét đoán nhưng tìm cách yêu thương»[16]. Việc thực hành lòng đạo đức bình dân, mà người tín hữu nào cũng có thể làm được, được coi là bước khởi đầu thuận lợi cho con đường nên thánh. Rất nhiều tín hữu thành tâm sốt sắng thể hiện lòng đạo đức bình dân của mình một cách kiên trì và trung thành dù ở trong hoàn cảnh khó khăn nào đi nữa. Có thể nói đó là dấu chỉ của lòng yêu mến Chúa và khao khát sống thánh thiện. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng «Tôi thích chiêm ngắm nét thánh thiện nơi sự kiên nhẫn của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi con với tình yêu bao la, nơi những người nam nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những tu sĩ già yếu không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung của họ tôi nhìn thấy tính thánh thiện của Giáo hội chiến đấu. Rất thường, đó là một sự thánh thiện được gặp thấy nơi những con người ngay bên chúng ta, những người sống giữa chúng ta và phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là “tầng lớp bậc trung của sự thánh thiện»[17].
    Tất cả những thực hành đạo đức bình dân nói trên rất dễ đi vào lòng người, và thực tế đã và đang đi vào lòng người, không chỉ nơi người tín hữu, mà một số trường hợp đã đi vào lòng người lương dân. Có thể coi đây là những cách rất tốt không chỉ để nâng đỡ đức tin, khích lệ người tín hữu sống thánh thiện trong mọi sinh hoạt đời thường mà còn giúp ích hữu hiệu cho công cuộc Tân Phúc âm hóa của giáo phận chúng ta hiện nay.
    Với những gì đã nói trên đây, có thể nói một trong những ưu tiên mục vụ chúng ta cần lưu tâm thực hiện đó là phải phát huy truyền thống lòng đạo đức bình dân trong từng giáo xứ, giáo họ, từng gia đình, cộng đoàn; nơi từng người, từ già tới trẻ, từ giáo dân đến tu sĩ, chủng sinh, linh mục. Trong hoàn cảnh hiện nay, dù có nhiều thách đố, nhưng một khi toàn giáo phận đồng lòng tìm cách giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp về việc thực hành lòng đạo đức bình dân nơi mọi thành phần Dân Chúa, chúng ta sẽ góp phần làm cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa của giáo phận ngày càng được khởi sắc hơn. 

[1] Để tìm hiểu sâu sắc hơn về lòng đạo đức bình dân chúng ta có thể tham khảo bài «Lòng đạo đức bình dân – hội nhập văn hóa để rao giảng Tin mừng» của linh mục Phaolô Nguyễn Minh Chính, trong tập tài liệu khóa thường huấn linh mục giáo phận Qui Nhơn năm 2014, Niềm vui Tin mừng, một Hội Thánh mở cửa, trang 119-178.

[2] Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Các Bí Tích, Directory on Popular Piety and The Liturgy: Principles and Guidelines (Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ: Nguyên tắc và định hướng), nguyên bản tiếng Anh:http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccdds/documents/rc_con_ccdds_doc_20020513_vers-direttorio_en.html

[3] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 7.

[4] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 8.

[5] Directory on Popular Piety and The Liturgy, số 9.

[6] D. Sartore, Nuovo Dizionario di Liturgia, Eds. D. Sartore & A. M. Triacca, Paoline, Roma.

[7] Xem Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, Niềm vui Tin mừng, về việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay (24.11.2013), các số từ 123-126.

[8] Evangelii Gaudium, số 124.

[9] Evangelii Gaudium, số 123.

[10] Evangelii Gaudium, số 126.

[11] Evangelii Gaudium, số 125.

[12] R. P. Tardieu, Hạnh Đức Cha Thể, Nhà in Làng Sông 1907, tr. 60.

[13] R. P. Tardieu, Hạnh Đức Cha Thể, Nhà in Làng Sông 1907, tr. 52.

[14] Evangelii Gaudium, số 123.

[15] Phêrô Nguyễn Soạn, “Tông đồ theo gương Thánh Têphanô”, trong Bản Tin Hiệp Thông, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 12. Tháng 5.2002, tr. 60.

[16] Evangelii Gaudium, số 125.

[17] Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultatevề lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay, 19.3.2018, số 7.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ