5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày Tháng 6.2021 – Abba

print

5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày Tháng 6.2021

Trích Tập Sách 5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày

https://abbalaycha.wordpress.com

Ý CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC THÁNH CHA

THÁNG SÁU 2021

 CẦU CHO NÉT ĐẸP CỦA HÔN NHÂN

 Xin cho những người trẻ đang chuẩn bị bước vào đòi sống hôn nhân, luôn có sự nâng đỡ của cộng đoàn Kitô hữu, để họ có thể lớn lên trong tình yêu, sự đại độ, trung thành và kiên nhẫn 

01/06/21 THỨ BA TUẦN 9 TN Thánh Giustinô, tử đạo Mc 12,13-17.

06/06/21 CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – B  Mình Máu Thánh Chúa Kitô Mc 14,12-16.22-26.

13/06/21 CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN – B Mc 4,26-34.

20/06/21 CHÚA NHẬT TUẦN 12 TN – B.

27/06/21 CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN – B  Mc 5,21-43.

01/06/21 THỨ BA TUẦN 9 TN
Thánh Giustinô, tử đạo
Mc 12,13-17

SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI

          Chúa Giêsu bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da, của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa.” (Mc 12,17)

          Suy niệm: Vin vào câu nói của Chúa Giêsu: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” người ta cổ võ cho chủ trương tách biệt đạo đời. Theo trào lưu tục hoá, cuộc sống người kitô hữu bị phân mảnh làm đôi: “việc đạo” là việc “riêng tư” bị đóng khung trong khuôn viên nhà thờ; ngoài ra, cuộc sống đời thường và các sinh hoạt xã hội không được mang nội dung, dấu hiệu gì để diễn tả niềm tin; bất quá, nếu có, thì bị “khử thiêng” để chỉ còn là những hình thức văn hoá lễ hội. Nguy hại thay, chính các kitô hữu lắm khi lại “vô tư” chấp nhận cách thức phân loại này. Công đồng Vaticanô II dạy chúng ta cách hiểu đúng về Lời Chúa trên đây: chẳng những phải tôn trọng tính cách riêng của các thực tại trần thế, mà còn phải đem những giá trị Tin Mừng thấm nhập vào đó nữa: “Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người thân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của họ bị đe dọa” (GS 43).

          Mời Bạn: Là người tín hữu đang sống giữa những thực tại trần thế, chúng ta có nghĩa vụ chu toàn sứ mạng của mình trong cả hai đời sống này. Bạn có ý thức đến việc xây dựng xã hội trần thế tốt đẹp theo tinh thần Phúc Âm chưa? Làm thế nào để đem Tin Mừng vào mọi ngõ ngách của cuộc sống của bạn?

          Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, dâng lên Chúa một lời nguyện tắt xin Chúa thánh hoá việc bạn sắp làm.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa, Xin ban cho chúng con luôn can đảm và sức mạnh để chúng con đủ sức chu toàn bổn phận hàng ngày của mình. Amen.

02/06/21 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Thánh Marcellinô và Phêrô, tử đạo
Mc 12,18-27

ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI

          Đức Giêsu nói: “Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn chuyện lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời… Thiên Chúa không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống.” (Mc 12,25.27)

          Suy niệm: Báo Newsweek năm 96 có kể trường hợp các thiếu niên cảm tử thuộc một tổ chức khủng bố Hồi giáo ở Trung Đông được hứa hẹn : nếu ôm bom xông vào đám đông thì sẽ được lên thẳng thiên đàng, nơi chảy sữa và mật, có 70 cô trinh nữ xinh đẹp hầu hạ và có 72 vé vào cửa thiên đàng để phân phối cho thân nhân. Rõ ràng một thiên đàng như vậy xa lạ với Kitô giáo chúng ta. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói cho ta biết thế giới mai sau khác hẳn thế giới hiện tại; thật sai lầm khi dùng những hình ảnh của thế giới này để áp dụng cho thế giới mai sau. Đức Giêsu chỉ nói rằng: “Khi ấy người ta sẽ giống các thiên thần trên trời.”

          Mời Bạn: Ghi nhớ đích điểm của đời bạn là hạnh phúc vĩnh cửu, là sự sống đời đời cùng với Thiên Chúa. Để đạt được đích điểm cuộc đời ấy, bạn phải theo sự hướng dẫn của Đức Giêsu, Đấng từ trời xuống, Ngài vừa chỉ lối, vừa cầm tay dắt bạn đi đến đích.

          Chia sẻ: Tôi đã sống theo sự hướng dẫn của Đức Giêsu như thế nào để có thể đạt được hạnh phúc Nước Trời?

          Sống Lời Chúa: Để sống theo sự hướng dẫn của Đức Giêsu, mỗi ngày tôi cố gắng làm một cử chỉ yêu thương phục vụ người lân cận.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con có đời sống mai sau, và đời sống ấy khác hẳn với đời sống hiện tại. Xin giúp chúng con nhớ đến đích điểm cuộc đời chúng con, để chúng con luôn hăng hái và quyết tâm bước theo Chúa trên hành trình trần gian. Amen.

 

 

03/06/21 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN

Thánh Carôlô Lwanga và các Bạn tử đạo
Mc 12,28b-34

TÌNH YÊU VÀ CỦA LỄ

          “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)

          Suy niệm: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.” Sắm sửa một mâm cỗ để mời ai đó thì quá quí rồi. Ấy vậy mà nó bị đánh giá thấp hơn ‘tiếng chào’ là thứ chẳng tốn kém gì! Điều này cho thấy trong suy nghĩ của ông bà chúng ta, lễ vật, quà tặng tuy đáng quí nhưng những tâm tình quí mến đối với người mình tiếp xúc là điều còn đáng quí hơn nhiều. Nói đến việc giữ đạo, ta nghĩ ngay đến lễ bái, kinh kệ, dâng cúng của lễ. Đối với Chúa Giêsu, nhân tố cốt yếu phải có là tình yêu bên trong đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu này cao quí hơn mọi thứ của lễ. Khi nói yêu “hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực,” Chúa muốn nói đến một tình yêu chân thành và ngày càng được thanh luyện để trở nên sâu xa hơn, tinh tuyền hơn.

          Mời Bạn: Mười điều răn cũng như luật Hội thánh buộc chúng ta tham dự thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần. Nhưng chúng ta giữ luật đó với tâm tình và thái độ nào? Có phải vì tình yêu Chúa hay không? Và sẽ rất thiếu sót nếu chỉ quan tâm đến nghi thức hoàng tráng mà hoàn toàn vô cảm trước những khổ đau của tha nhân, những người nghèo bị áp bức bất công trong xã hội.

          Chia sẻ: Trong hoàn cảnh của cộng đoàn tôi đang sống, có hoàn cảnh nào mà theo lương tâm Kitô hữu, chúng tôi không thể làm ngơ được?

          Sống Lời Chúa: Tôi tập sống quan tâm đến nhu cầu, quyền lợi vật chất hay tinh thần của người sống bên tôi và làm việc cụ thể để chia sẻ với họ.

          Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến cách chậm rãi, và suy gẫm: Lạy Chúa, con kính mến Chúa

04/06/21 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Mc 12,35-37

TIN ĐỨC GIÊSU CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI

          “Chính Đavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Đavít được?” (Mc 12,37)

          Suy niệm: Hình ảnh Đavít, vị vua lý tưởng, đã đi vào lòng dân tộc Do Thái cộng thêm với lời các ngôn sứ khiến cho họ vẫn mong đợi một Đấng Cứu Thế xuất thân từ dòng tộc Đavít. Hôm nay, Chúa Giêsu đặt vấn đề cho các luật sĩ: Họ nói Chúa Giêsu là con vua Đavít. Thế tại sao Đavít, trong Thánh vịnh 110, mà ông được coi là tác giả, lại gọi Đấng Mêsia bằng “Chúa Thượng tôi”? Đây chính là chìa khoá để họ hiểu sự thật về Đức Giêsu – tiếc thay họ lại không sử dụng chìa khoá này: Họ chỉ nghĩ đến Đấng Mêsia thuộc dòng dõi Đavít, xét theo nhân tính; còn trong bản tính thần linh, Ngài chính Con Thiên Chúa và do đó Ngài là Chúa Thượng của Đavít.

          Mời Bạn: Tiếp nối sứ mạng nhập thể của Chúa Kitô, Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 của HĐGMVN minh định Giáo hội là mầu nhiệm vì xuất phát từ Chúa Ba Ngôi, nhưng được sai đi vào trong thế giới nên cũng mang đặc tính nhân loại. Sống trong một thế giới tục hoá muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống cá  nhân cũng như xã hội, người kitô hữu có sứ mạng đem Ngài trở lại với thế giới bằng cách thực thi những giá trị của Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày của mình. Phần bạn, bạn đã tiếp nối việc nhập thể của Chúa Giêsu trong đời sống của bạn thế nào?

          Sống Lời Chúa: Dâng một lời nguyện tắt trước mỗi công việc để biến việc đó thành việc loan báo Tin Mừng.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con tôn vinh danh Chúa cách thực sự qua cuộc sống chứng tá của chúng con.

 

05/06/21 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Thánh Bônifaciô, GM tử đạo
Mc 12,38-44

HIẾN DÂNG TẤT CẢ LÀ HIẾN DÂNG CHÍNH MÌNH

          “Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền (vào thùng dâng cúng). Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.” (Mc 12,41-42)

          Suy niệm: Hai đồng tiền kẽm (trị giá một phần tư đồng xu Rôma), thế mà Chúa Giêsu lại bảo: “Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết;” vì “mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có” (cc 43-44). Khi so sánh nhiều – ít, Chúa Giêsu không dựa trên số lượng, mà Ngài xét trên mức độ hy sinh. Khi dâng “tiền dư bạc thừa”, người ta vẫn dành lại cho mình một “khoảng an toàn”. Còn bà goá khi dâng hết hai đồng tiền kẽm là tất cả tài sản của mình, bà đã đánh liều cả sự sống còn của mình. Nhìn xem bà góa nghèo dâng cúng, Chúa Giêsu đã gặp sự đồng cảm nơi bà: Ngài đã tự nguyện trở nên nghèo để dám cho đi tất cả – kể cả mạng sống. Quả thật, chỉ khi hiến dâng chính mình, bạn mới hiến dâng tất cả.

          Mời Bạn: Chỉ có tình yêu mới thúc đẩy người ta dám cho đi, và cao điểm của tình yêu là dám cho chính mình. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu trọn vẹn; và tình yêu luôn đòi đáp trả bằng tình yêu.

          Chia sẻ: Có sự liên hệ nào giữa đời sống khó nghèo và tình yêu?

          Sống Lời Chúa: Khi cầu nguyện với Chúa hay khi phục vụ tha nhân, bạn làm với tất cả sự tận tuỵ quảng đại như bà goá dâng tất cả những gì mình có.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa, chỉ khi thấu hiểu chân lý “ai cố giữ thì sẽ mất”, bà góa nghèo đã sẵn sàng cho đi tất cả. Xin giúp con hiểu chân lý cao quí ấy, để con dám cho đi chính mình, ngõ hầu Chúa sẽ trao lại cho con tất cả.

 

06/06/21 CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – B
Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Mc 14,12-16.22-26

TIỆC MÌNH MÁU CHÚA KITÔ

          “Anh em hãy cầm lấy, này là mình Thầy … Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.” (Mc 14,22.24)

          Suy niệm: Để tỏ lòng hiếu khách, người ta thường đãi khách những món ăn ngon lạ và bổ dưỡng; những món ăn chọn lọc, do mình tự nuôi trồng và chế biến lấy thì lại càng quý. Dù bằng cách nào, các món ăn đó cũng chỉ là những thứ ngoài họ. Chúa Giêsu mời chúng ta đến dự một bữa tiệc có một không hai trên đời. Bất cứ bữa tiệc nào bằng mọi thứ sơn hào hải vị quí giá cũng không bằng bữa tiệc Người thết đãi chúng ta bằng chính Thân Mình Người: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy. Anh em hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Thầy.” Không ai có thể đãi bạn bữa tiệc quý như thế, và Chúa Giêsu cũng không thể đãi ai bữa tiệc quý hơn bữa tiệc Mình và Máu Người. Đúng là Chúa đã yêu thì yêu đến kỳ cùng!

          Mời Bạn: Được ăn Mình và uống Máu Chúa, chúng ta trở nên một với Chúa. Diễm phúc nên một này mời gọi chúng ta hãy nên một cả trong hành động. Chúa đã hiến mình làm của nuôi chúng ta. Đến lượt chúng ta cũng cần hiến mình để trở nên của ăn cho người khác. Bằng cách hiến cho tha nhân thời gian, sức lực, của cải, tình yêu, sự quan tâm… Để qua chúng ta, việc hiến Mình và Máu của Chúa Giêsu được sống động. Cũng nhờ đó bí tích Thánh Thể được nhân thừa và đi vào cuộc sống.

          Sống Lời Chúa: Để trở thành “tấm bánh bẻ ra và cho đi”, luôn sẵn sàng phục vụ quảng đại, với tất cả tấm lòng.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu con, Chúa không quản ngại cho đi chính thân mình Chúa làm sức sống cho linh hồn con. Xin cho con cũng biết chia sẻ cho tha nhân tình yêu con nhận được từ Chúa.

 

07/06/21 THỨ HAI TUẦN 10 TN
Mt 5,1-12

TIN VÀ ĐƯỢC TÁI SINH

          “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3)

          Suy niệm: Chúa muốn cho chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10,10) chứ đâu có muốn chúng ta phải sống nghèo khổ, túng quẫn! Vậy phải hiểu thế nào về nghèo khó? Theo chú thích từ cuốn Kinh Thánh Tân Ước do Nhóm Phiên dịch CGKPV, nghèo khó không phải là thiếu thốn mà là “tin và được tái sinh.” Vì vậy, thay vì nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,” ta có thể nói: “Phúc thay ai có lòng tin và ai được tái sinh, vì Nước Trời là của họ.” Tin và được tái sinh là điều kiện để được vào Nước Trời. Quả vậy, Đức Giêsu đã sai các môn đệ đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng để “ai tin và chịu phép rửa thì được cứu rỗi” (x. Mc 16,15-16). Chúa cũng đã nói với ông Nicôđêmô: “Thật tôi bảo thật ông, không ai có thể thấy nước Thiên Chúa, nếu không được sinh lại bởi ơn trên” (Ga 3,3).

          Mời Bạn: Điều kiện để được vào Nước Trời là tin và được tái sinh. Những ai tin và được tái sinh, thì được trở thành con của Thiên Chúa. Họ được phú ban sự sống mới, sự sống siêu nhiên và viên mãn mà sự sống tự nhiên không thể nào sánh bằng. Lòng tin đó khiến họ có tinh thần phó thác, vì có Chúa làm gia nghiệp đời mình. Làm giàu bằng của cải vật chất không còn là mục tiêu phải đạt được với bất cứ giá nào nữa.

          Sống Lời Chúa: Chỉ tạo vật nào giúp tôi đạt đến hạnh phúc Nước Trời mới làm tôi trở nên giàu có trước mặt Chúa.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con đã tin và được tái sinh. Xin cho chúng con cảm nghiệm được hạnh phúc cao cả này, để chúng con có thể nói rằng, phúc cho chúng con là những người nghèo khó, vì Nước Trời là của chúng con.

 

08/06/21 THỨ BA TUẦN 10 TN
Mt 5,13-16

MUỐI CHO ĐỜI, ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN

          “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?… Cũng chẳng ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi sáng cho mọi người trong nhà.” (Mt 5,13.15)

          Suy niệm: Bản chất của người kitô hữu là vừa đơn sơ như hạt muối trắng, vừa bé nhỏ như ngọn đèn dầu, nhưng lại cao cả trong sứ mệnh.

          Mặn là bản chất của muối. Muối thấm vào thức ăn, giữ cho nó khỏi hư và thêm đậm đà. Cũng thế, người kitô hữu hoà nhập vào trần thế, để làm cho môi trường thế gian trở nên tốt đẹp hơn nhờ bản chất “Kitô” của chính mình.

          Và hãnh diện thay “anh em là ánh sáng cho trần gian”. Người Kitô hữu là con cái sự sáng, bắt nguồn từ nguồn sáng Đức Kitô. Ánh sáng Tin Mừng của Chúa phải được minh chứng qua lối sống của người kitô hữu. Đáng tiếc thay, nhiều kitô hữu khi hoà mình vào trần thế, đã để cho thế trần làm biến chất “kitô hữu”; họ sợ hãi: sợ dấn thân, sợ nguy hiểm, sợ mất địa vị, chẳng khác nào đặt ngọn đèn mình dưới thùng.

          Mời Bạn: Khi hoà mình vào giòng đời hôm nay với nền đạo đức xuống cấp, phẩm giá con người bị chà đạp, bạn có nghĩ rằng thực trạng đó một phần cũng do muối của bạn kém mặn, đèn của bạn kém sáng chăng?

          Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy đến với Chúa Giê-su Thánh Thể để bạn được ướp mặn lại bằng muối của Ngài và đèn bạn được thắp sáng bằng ánh sáng của Ngài.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con là muối, là ánh sáng cho đời, xin cho chúng con biết sống bác ái, phục vụ để làm trọn sứ vụ này. Amen.

 

09/06/21 THỨ TƯ TUẦN 10 TN
Thánh Êphrem, Phó tế, tiến sĩ Hội Thánh       
Mt 5,17-19

MỖI NGƯỜI MỘT VIỆC

          “Cả anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” (Mt 20,4)

          Suy niệm: Theo qui luật, hễ nền kinh tế suy thoái, thì nạn thất nghiệp gia tăng vì các ông chủ thường tìm cớ sa thải công nhân. Ông chủ vườn nho trong dụ ngôn lại không hành động theo qui luật kinh tế thị trường. Thợ được kêu vào làm vườn nho cho ông bất kể thời gian làm việc nhiều hay ít vẫn hưởng trọn số lương của một ngày lao động. “Lẽ công bằng” của ông là không ai phải thất nghiệp, trái lại “mỗi người một việc” ai cũng có một vai trò trong vườn nho của ông và vì thế đáng hưởng lương một đồng theo đúng lẽ công bằng.

          Mời Bạn: Bạn thân mến, mỗi người chúng ta đầu là con cái Chúa và được Ngài yêu thương; mỗi người đều có một phẩm giá độc đáo trước mặt Ngài, đi kèm với những nghĩa vụ phải hoàn thành theo phận sự riêng, ơn gọi riêng của mình trong Đức Kitô. Mỗi người đều phải nhận biết ơn gọi của mình và dành tất cả tài năng, sức lực phục vụ Nước Chúa với tâm tình người con cái Chúa.

          Chia sẻ: Cộng đoàn, giáo xứ không phải thiếu nhân lực, vật lực, nhưng công việc chung nhiều khi vẫn bị dở dang, trì trệ. Vì sao? Làm thế nào để mọi người đều tham gia trong công cuộc xây đắp Giáo Hội trong tinh thần hiệp thông?

          Sống Lời Chúa: Sẵn sàng từ bỏ ý riêng của mình để tham gia công việc vì lợi ích chung của cộng đoàn.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã mời con vào làm vườn nho của Chúa với tư cách là người con, chứ không phải kẻ làm thuê. Xin cho con biết nỗ lực làm việc cho Nước Chúa không phải vì tìm kiếm phần thưởng hay lợi lộc nhưng vì tình yêu của người con thảo hiếu đối với Chúa là Cha của con.

 

10/06/21 THỨ NĂM TUẦN 10 TN
Mt 5,20-26

LỄ VẬT XỨNG ĐÁNG

          “Vậy nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23-24)

          Suy niệm: Lời Chúa hôm nay nhắc nhở  chúng ta một điều kiện tiên quyết, để xứng đang dâng của lễ lên Thiên Chúa, đó là: sự hòa giải, và tâm hồn an bình. Chúa dạy chúng ta phải nắm thế chủ động trong việc làm hoà: – phải làm hoà không chỉ khi mình bất bình với anh em mà ngay khi anh em bất bình với mình; – không đợi anh em đến xin lỗi mình mà mình phải “đi bước trước” đến làm hoà với anh em. Tâm hồn hoà bình hoá ra còn quan trọng hơn của lễ vì nếu trong lòng ta còn “bất bình” thì việc dâng của lễ trở nên vô nghĩa thậm chí còn là “trò hề” phản chứng nữa.

          Mời Bạn: Có bao giờ bạn đi dâng của lễ mà lòng còn nhiều “gay cấn” với anh chị em mình không? Và mỗi lần như thế bạn có cảm thấy sự bình an thật sự trong tâm hồn?

          Chia sẻ: Trong gia đình, cộng đoàn, hay nơi bạn làm việc, có ai đang không đồng quan điểm hoặc bất hoà với bạn không? Bạn đã làm thế nào để nối lại mối quan hệ thân thiết với họ?

          Sống Lời Chúa: Làm một cử chỉ thân ái với người đang có mối bất hòa với bạn, và nhất là cầu nguyện cho họ.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa dạy chúng con biết dâng tiến lên Chúa của lễ của sự quả cảm, dám chấp nhận đi bước trước đến hòa giải với những anh chị em của con khi chúng con đang có mối bất hòa với nhau. Xin cho con sống tình yêu Chúa cách thật lòng, thật dạ với anh chị em của con. Vì chúng con là anh chị em trong đại gia đình của Chúa.

11/06/21 THỨ SÁU TUẦN 10 TN
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Lễ Trọng
Ga 19,31-37

CÓ TÂM NHƯ THÁNH TÂM

          Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Nguời đã chết, họ không đánh dập ống chân Người. Nhưng có một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. (Ga 19,33-34)

          Suy niệm: Ngắm nhìn kỹ một tấm ảnh hay một pho tượng Thánh Tâm, bạn sẽ nhận ra một điều khác thường: Trái Tim Chúa Giêsu không nằm trong lồng ngực, nhưng bày ra bên ngoài. Trước khi gia nhập Kitô giáo, năm 1597 quan đại thần Tsukamoto đã phát hiện ra điều lý thú này. Ông đã ghi vào bức ảnh Thánh Tâm: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả” và nói với ông bạn Osaki: “…Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo. Để ông bạn coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu tâm”, còn đối với bản thân mình thì “Vô tâm”. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài… Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời giúp người (…). Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của Thiên hạ vậy”.

          Mời Bạn suy gẫm lời nhận định trên đây của một người lương dân trước khi gia nhập Kitô giáo. Bạn có nhận thấy như Tsukamoto không?

          Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thay đổi quan điểm sống trong cuộc đời: có tấm lòng, có cái tâm như Thánh Tâm Chúa Giê-su khi sống với đồng loại.

          Cầu nguyện: “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa. Xin biến đổi con để con yêu tha nhân bằng trái tim của Chúa. Amen.

12/06/21 THỨ BẢY TUẦN 10 TN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria
Lc 2,41-51

TRÁI TIM NGƯỜI MẸ

          Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây phải cực lòng tìm con !” (Lc 2,46-51)

          Suy niệm: Dù rằng Đức Maria nhờ lời Thiên sứ truyền tin đã biết rằng người Con mình sinh ra đây là chính Con Đấng Tối Cao (Lc 1,32), Mẹ cũng  không khỏi “sửng sốt” khi thấy Con ngồi giữa vòng vây của các thầy thông thái trong đền thờ, đồng thời Mẹ cũng không ngăn được những tâm tình bức xúc, “cực lòng” trước việc Người Con yêu dấu của mình ở lại trong đền thờ mà không cho cha mẹ hay biết. Đức Maria đã bày tỏ những tâm tình rất “người” của một người mẹ đối với con mình. Mặt khác, Người Con đó vẫn luôn đặt ra cho Mẹ một dấu hỏi huyền nhiệm: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Dù không hiểu lời Con vừa nói, nhưng Mẹ vẫn âm thầm đáp lại như ngày nao Mẹ đã thưa lời “xin vâng”: “Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19.51).

          Mời Bạn: Nếu Đức Giê-su vừa là người vừa là Thiên Chúa thì Đức Maria cũng vừa là Mẹ vừa là môn đệ của Ngài: một người mẹ theo con từng bước để yêu thương ấp ủ, đồng thời một người môn đệ cũng theo sát gót Thầy để lắng nghe và thực hiện lời Thầy. Mời bạn cùng đi với Đức Maria để cũng dành cho Chúa những tâm tình giống như Mẹ.

          Chia sẻ: Bạn quyết tâm bắt chước Mẹ Maria để nên giống Mẹ và giống Chúa hơn ở điểm nào?

          Sống Lời Chúa: Siêng năng lần hạt Mân côi, nhất là lần hạt chung trong gia đình vì đó là phương thế cầu nguyện mà Mẹ ưa thích nhất.

          Cầu nguyện: Đọc Kinh Kính Mừng.

 

13/06/21 CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN – B
Mc 4,26-34

ĐẶC TÍNH NƯỚC THIÊN CHÚA

          “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ… đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” (Mc 4,31-32)

          Suy niệm: Cây cỏ có sức tăng trưởng mạnh mẽ khiến ta lắm lúc phải kinh ngạc. Chẳng hạn một rễ cây có thể âm thầm làm nứt cả mảng sân bê tông hay một ngọn cỏ lại ngạo nghễ nhô lên khỏi kẻ nứt của nhựa đường. Dùng hình ảnh hạt giống hay hạt cải, Đức Giêsu cũng muốn cho thấy Nước Thiên Chúa khởi sự trong nhỏ bé, khiêm tốn, nhưng âm thầm tăng trưởng và rốt cuộc sẽ đạt kết quả lớn lao, tốt đẹp. Dù việc tăng trưởng của Nước Thiên Chúa diễn ra cách “tiệm tiến và lâu dài” nhưng chắc chắn, vì dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Mặc dầu loài người chống đối, bách hại… nhưng kế hoạch của Thiên Chúa vẫn tiếp diễn cho đến tận cùng lịch sử và không có gì ngăn chặn nổi.

          Mời Bạn: Giáo Hội khởi sự từ nhóm mười hai tông đồ nhỏ bé, để rồi đến hôm nay con số tín hữu đã trên một tỷ người. Bạn có tin chương trình kế hoạch của Thiên Chúa luôn luôn âm thầm tiến triển không?

          Sống Lời Chúa: Tôi xác tín rằng tất cả mọi việc, lớn hay nhỏ, công khai hay âm thầm, nếu làm vì tình yêu Chúa thì đều có giá trị để xây dựng Nước Thiên Chúa ngay từ bây giờ.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa, không một yếu đuối nào của chúng con mà không nhắc tới quyền năng Chúa. Và trong cái yếu hèn của chúng con in sẵn dấu ấn Chúa Quyền Năng. Đứng trước sự chia rẽ của loài người, Tình Yêu vô song của Chúa là lời đáp của sự Viên Mãn cho cái bất toàn của chúng con. Amen.  (François Chagneau)

14/06/21 THỨ HAI TUẦN 11 TN
Mt 5,38-42

HÃY PHẢN XẠ SIÊU NHIÊN

          Đức Giê-su nói: “Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5,39)

          Suy niệm: Phản xạ tự nhiên của con rắn khi bị đạp là cắn chân người đạp mình. Phản xạ tự nhiên của ong khi tổ bị xâm phạm là chích kẻ xâm phạm. Phản ứng tự nhiên của con người chúng ta khi bị xúc phạm là trả đũa, trừng trị đích đáng kẻ xúc phạm. Đức Giê-su dạy chúng ta không được ứng xử như vậy. Ngài muốn chúng ta phải vượt qua phản xạ tự nhiên để tiến sang phản xạ siêu nhiên với lòng từ tâm, với tình nhân ái. Ngài mong chúng ta vượt qua phản xạ thường tình để thắng sự ác bằng tình thương, dập tắt bạo động bằng lòng khoan dung. Khoan dung không phải là cung cách của kẻ yếu, mà là của người mạnh, mạnh tự chủ, mạnh nhân cách, mạnh niềm tin. Đức Phật cũng chung một giáo huấn đó: Lấy oán báo oán, oán còn mãi; lấy ân báo oán, oán tiêu tan.

          Mời Bạn: Đừng hiểu lời Đức Giê-su theo nghĩa đen, nhưng hãy hiểu đúng ý chính của Ngài. Vấn đề không phải là giơ thêm má trái, đưa thêm áo ngoài, đi thêm hai dặm, nhưng là lòng nhân từ, thái độ quảng đại, tâm hồn tha thứ.

          Chia sẻ: Tôi có tin rằng có thể làm theo Lời Chúa dạy hôm nay không?

          Sống Lời Chúa: Để sống theo Lời Chúa, tôi sẽ tập phản ứng lại bằng cách nhân ái, từ tâm mỗi khi bị xúc phạm.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con vượt lên những phản ứng thông thường để có những tâm tình người môn đệ Chúa. Xin Chúa giúp chúng con có được trái tim nhân hậu như Chúa, để chúng con không lấy oán báo oán, nhưng luôn lấy lòng nhân ái, và tình yêu mến Chúa để cư xử với đồng loại của mình. Amen.

 

15/06/21 THỨ BA TUẦN 11 TN
Mt 5,43-48

CHỈ VÌ YÊU CHA

          “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48)

          Suy niệm: Thông thường trong cuộc đời ai trợ giúp đang lúc ta túng thiếu, nâng đỡ lúc ta ngặt nghèo, an ủi khi đau buồn… ta sẽ nhớ ơn và yêu mến họ. Yêu mến như vậy là tình cảm tự nhiên, thuộc loại bẩm sinh của con người, cần gì Đức Giêsu phải dạy! Yêu thương theo Đức Giêsu thuộc về một bình diện khác là yêu thương kẻ thù nghịch với mình: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em.” Chính lời dạy đó chất vấn, thôi thúc chúng ta nỗ lực sống yêu thương kẻ thù. Không phải vì chúng ta phải thi hành một khoan luật, nhưng vì chúng ta khát khao nên giống Cha trên trời, muốn trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

          Mời Bạn: Mỗi khi nghe Lời Chúa “hãy yêu kẻ thù,” ta muốn để nó ra ngoài tai, vì tận đáy lòng ta chưa muốn tha thứ! Nhưng mặt khác, nếu chúng ta chỉ yêu kẻ yêu thương mình thì cần gì phải đến nhà thờ hằng ngày, hằng tuần để lắng nghe lời dạy yêu thương của Chúa. Thế giằng co đó chỉ được giải quyết ổn thỏa khi chúng ta vì yêu mến Cha mà thi hành tất cả những lời Cha dạy bảo!

          Chia sẻ: Việc chuyên cần cầu nguyện có giúp bạn dễ tha thứ cho nhau hơn không?

          Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi cố gắng thực hiện Lời Chúa dạy: “Cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”

          Cầu nguyện: Lạy Cha! Tha thứ không phải là điều dễ thực hiện, bởi vì không phải chúng con thực hiện lời dạy này theo tình cảm, nhưng bằng ý chí. Xin thêm tình mến cho chúng con, để vì yêu Cha mà chúng con sẵn sàng yêu mọi người, ngõ hầu trở nên giống Cha nhiều hơn. Amen.

 

 

16/06/21 THỨ TƯ TUẦN 11 TN
Mt 6,1-6.16-18

CẦU NGUYỆN LÀ CUỘC SỐNG

          “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,6)

          Suy niệm: Báo La Vie số 144 đã thực hiện một cuộc thăm dò về việc cầu nguyện với kết quả như sau:  trong 100 Kitô hữu có 11 người cầu nguyện mỗi ngày, 17 người thỉnh thoảng cầu nguyện, 29 người ít cầu nguyện và 42 người không bao giờ cầu nguyện. Phải chăng cầu nguyện không còn cần thiết nữa cho đời sống người Kitô hữu? Không! Cầu nguyện là hành vi thờ phượng cơ bản nhất cần phải có nơi người tín hữu. Nếu tin Chúa mà không thường xuyên gặp gỡ Ngài qua cầu nguyện, thì làm sao chúng ta quen biết, trở nên thân thiết và yêu mến Ngài. Cầu nguyện là phương thế giúp ta kết hiệp với Thiên Chúa, đồng thời nhận được sức mạnh và nguồn trợ lực cho cuộc sống sinh động và phong phú hơn.

          Mời Bạn: Cầu nguyện là trò chuyện sống động và tha thiết với Chúa. Càng cầu nguyện bạn càng gần gũi Thiên Chúa, biết thánh ý Ngài và nỗ lực thi hành ý ấy trong cuộc đời để trở nên giống Ngài hơn. Vậy, mời bạn siêng năng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa để Thiên Chúa, Đấng tốt lành, thanh luyện con tim bạn và đồng hành với bạn từng giây phút, ngõ hầu có thể sẵn sàng sống cho Thiên Chúa và cho mọi người.

          Sống Lời Chúa: Tập cầu nguyện, nhớ đến Chúa khi thức dậy hay đi ngủ, khi ăn hay uống, khi làm việc hay nghỉ ngơi, khi vui chơi hay học hành…

          Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con tin Chúa luôn ở bên chúng con trong cuộc sống. Xin cho chúng con ý thức hồng ân cao cả ấy khi an vui cũng như khi sầu đầy. Amen.

 

17/06/21 THỨ NĂM TUẦN 11 TN
Mt 6,7-15

LỜI CẦU CHÂN THÀNH ĐƠN SƠ

          “Đừng nghĩ cứ nói nhiều là được nhận lời… Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.”          (Mt 6,7-8)

          Suy niệm: Một điều đáng khích lệ cho việc cầu nguyện trong Kitô giáo, đó là Chúa của ta “đã biết rõ” ta cần gì trước khi ta xin. Nhưng khổ nỗi lắm lúc điều ta xin lại không phù hợp với điều Chúa muốn chúng ta xin. Vì vậy có sự trì trệ, ngã lòng trông cậy của một số người. Nhu cầu của cuộc sống thì quá nhiều, do đó lời cầu của ta cũng đa dạng, hết ơn này đến ơn khác. Còn Chúa thì lại muốn ta đơn sơ, chân thành, xin cái gì là chính đáng nhất, rồi các nhu cầu khác cứ thế sẽ được đáp ứng. Xin đưa ra đây một ví dụ: để gia đình thuận hoà êm ấm ta thường xin giàu có. Đáng lý ra ta nên xin cho gia đình biết gìn giữ ơn Chúa nhờ mọi thành phần biết đọc kinh, cầu nguyện sáng tối, vì có ơn Chúa là có tất cả. Nhiều khi ta “đau đầu” vì những lời xin của mình thì làm sao ta có thể khiến Chúa làm như ta muốn được!

          Mời Bạn: Đâu là nhu cầu cấp thiết nhất của cá nhân, của gia đình, của cộng đoàn bạn lúc này mà bạn cần xin Chúa? Những nhu cầu ấy có làm cho “danh Chúa cả sáng” không hay chỉ làm thoả mãn tính hiếu kỳ của ta?

          Chia sẻ: Chia sẻ cho nhau một ơn nào mà ta thấy mình “không xin” hay “chưa nghĩ tới” mà vẫn có được; và kiểm tra xem nhờ lời cầu xin nào mà ta có được những ơn huệ nhưng không ấy.

          Sống Lời Chúa: Tôi tin rằng tha lỗi cho người khác cũng là điều kiện để được Chúa nhậm lời: “Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,15).

          Cầu nguyện: Sốt sắng đọc hay hát Kinh “Lạy Cha” trong giờ kinh gia đình.

18/06/21 THỨ SÁU TUẦN 11 TN
Mt 6,19-23

ĐÔI MẮT TÂM HỒN

Đèn của thân thể là con mắt.” (Mt 6,22)

          Suy niệm: Ai cũng biết cặp mắt vô cùng quan trọng, nó giúp ta mở ra với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, có cặp mắt khác, cặp mắt nội tâm, mở vào thế giới bên trong, cho thấy lòng dạ thật của con người. Thật diệu kỳ, vì con mắt là “cửa sổ của tâm hồn”, nó phản ánh nội tâm của một người: hiền lành đạo đức, hay hung dữ độc ác, thường hiển hiện qua ánh mắt họ.

          Mời Bạn: Con người thường để ý tô điểm cặp mắt trần mà ít chú trọng đến cặp mắt thiêng, cũng giống như thích quan tâm đến thân xác bên ngoài mà coi nhẹ tâm hồn bên trong của mình. Lời Chúa mời gọi bạn để ý đến cặp mắt tâm hồn bên trong hơn là cặp mắt thể lý bên ngoài. Đôi mắt của một tâm hồn đẹp hệ tại ánh nhìn yêu thương, nhân hậu, cảm thông, tha thứ, trong sáng, không gian ác, tà ý, dâm bôn, thù hận, đố kỵ… Chính những điều tự nội tâm thâm sâu, không ai thấy, sẽ ảnh hưởng và thể hiện ra bên ngoài, trong cách ăn nói, cách xử thế của một người.

          Sống Lời Chúa: Kitô hữu sống lời Chúa dạy bằng cách lo điểm trang nội tâm mình, giữ gìn tâm hồn mình luôn trong sạch, thánh thiện, không vương tì ố, xứng đáng là đền thờ thiêng liêng của Chúa Ba Ngôi. “Ta khuyên ngươi đến với Ta mà mua thuốc để xức mắt cho ngươi nhìn cho rõ” (Kh 3,18).

          Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đôi mắt của Chúa, để con không nhìn anh em con bằng vẻ hời hợt bên ngoài, mà nhìn vào sâu thẳm tâm hồn họ, như Chúa đã nhìn Phêrô và Phaolô để hoán cải hai ông, nhìn Giakêu để làm cho ông nên công chính, nhìn Lêvi để ông từ bỏ bạc tiền mà đi theo Chúa. Ước gì ánh mắt của Chúa nên ánh mắt của con, mọi nơi, mọi lúc và đến mọi người.

 

19/06/21 THỨ BẢY TUẦN 11 TN

Kính Đức Mẹ – Thánh Rômulđô, LM, Viện Phụ
Mt 6,24-34

LO GÌ!

          “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)

          Suy niệm: Cuộc sống con người gắn liền với những sinh hoạt trần thế. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền vẫn luôn là mối lo hàng ngày của nhiều người. Suốt ngày con người phải vất vả làm việc để kiếm cái ăn, để có cái nuôi sống bản thân và gia đình. Đôi khi vất vả suốt ngày như vậy mà nhiều người vẫn đói ăn, vẫn chật vật với cuộc sống hằng ngày. Đức Giêsu không dạy ta sống vô tư, không lo lắng gì hết, nhưng Ngài dạy ta sống tâm tình phó thác, tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha yêu thương ta, đồng thời tập trung cho điều quan trọng nhất trong cuộc đời là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, nghĩa là lo vuông tròn làm theo thánh ý Thiên Chúa.

          Mời Bạn: “Đói cho sạch, rách cho thơm” vẫn là bài học cho mọi người, cho mọi thời: Đức tính thanh liêm, lương thiện là giá trị lớn nhất của con người, ông bà ta đã dạy con cháu như vậy. Với lời mời gọi tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, là giá trị lớn nhất của người kitô hữu, chúng ta càng phải sống sạch và thơm hơn nữa giữa những cám dỗ và cạm bẫy của cuộc đời này.

          Chia sẻ: Chim trời, hoa huệ ngoài đồng dạy cho bạn bài học gì? Bạn thể hiện sự tín thác vào Chúa cách nào?

          Sống Lời Chúa: Tôi xác tín và cố gắng sống phó thác như Lời Chúa dạy: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).

          Cầu nguyện: Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.

20/06/21 CHÚA NHẬT TUẦN 12 TN – B

Ngày Hiền Phụ

Mc 4,35-41

ĐẤNG DẸP YÊN BAO SÓNG CẢ

          “Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4,41)

          Suy niệm: Thuở xa xưa khi khoa học chưa phát triển, người ta sợ hãi trước sức mạnh của thiên nhiên và thờ lạy chúng như những bậc thần linh. Bao nhiêu là thứ thần: thần sông, thần biển, thần nước, thần lửa… được tôn thờ khắp nơi và trong tâm thức của mỗi người. Khi đặt câu hỏi “Người này là ai…” các môn đệ không chỉ bày sự ngỡ ngàng trước Thầy Giê-su, nhưng còn tuyên xưng Ngài là Thần trên hết các thần vì đã làm cho gió và biển phải lặng yên. Chúa là vị Thần rất gần gũi: cùng ở với họ trên một chiếc thuyền con; vị Thần vẫn “ngủ” đang khi các môn đệ sợ hãi, chèo chống vô vọng trước cơn bão biển kinh hoàng. Ngài là vị Thần đặc biệt gần gũi với những biến cố của cuộc đời con người.

          Mời Bạn: Là người tin và theo Chúa Giê-su, có bao giờ bạn tự hỏi Ngài là ai, nhất là khi gặp gian nan thử thách? Câu hỏi được đặt ra trong những hoàn cảnh như thế giúp bạn xác tín hơn nữa vào Đấng bạn tôn thờ. Đấng có thể dẹp yên bao sóng cả sóng cồn chỉ bằng mấy tiếng giản đơn “Im đi! Câm đi!” thì lẽ gì Ngài không thể cứu bạn khỏi vòng vây của ma quỷ và ban cho bạn những điều tốt lành? Mời bạn tự vấn lương tâm để xác định thái độ và hành vi đối với chính bản thân mình và với chính Đấng là Thiên Chúa của bạn.

          Sống Lời Chúa: Tôi ghi nhớ quyền năng tuyệt đối của Chúa để loại trừ mọi việc làm mê tín dị đoan, đồng thời cảm nhận được điều an ủi: Chúa gần gũi những ai kêu cầu Người.

          Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin thêm lòng tin cho chúng con để mỗi người trong chúng con khỏi bị Chúa phiền trách: “Sao nhát thế?” Amen.

 

 

 

21/06/21 THỨ HAI TUẦN 12 TN

Thánh Louis Gonzaga, tu sĩ
Mt 7,1-5

ĐỪNG XÉT ĐOÁN, HÃY BAO DUNG

          “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.” (Mt 7,1)

          Suy niệm: “Có một sự sáng suốt đáng buồn, khi chỉ nhìn thấy những điều xấu nơi người khác. Cũng có một xét đoán đầy yêu thương, khi đã nhìn thấy những điểm sáng tốt đẹp, ngay từ bóng tối những điều không tốt đẹp nơi anh em mình” (Đức hồng y PX. Thuận). Rất tiếc ta thường có “sự sáng suốt đáng buồn” (xét đoán người khác) hơn là sự “xét đoán đầy yêu thương” (nhìn thấy những điểm tích cực nơi người lầm lỗi). Ta có khuynh hướng rất xấu là nhìn thấy thói hư tật xấu của tha nhân hơn là nhận ra những điều tích cực nơi họ. Đức Giêsu dạy ta không ai có quyền xét đoán người khác, vì chẳng có ai tốt lành, thánh thiện đủ để làm việc này. Nhìn kỹ vào mình, ta sẽ nhận ra mình còn có những lầm lỗi tệ hại hơn.

          Mời Bạn: Có thể đây là mệnh lệnh của Đức Giêsu hay bị bạn coi thường, xem nhẹ và vi phạm nhiều hơn cả! Chỉ trong một ngày, bao lần bạn xét đoán người khác mà không ý thức rằng mình không thể nào biết đầy đủ về một con người, hay thấu hiểu tường tận những sự việc liên quan đến người ấy.

          Chia sẻ: Tại sao bạn dễ thấy cái rác trong con mắt của người khác mà khó thấy cái xà trong mắt mình?

          Sống Lời Chúa: Tôi tập thói quen nhìn thấy những điểm tích cực nơi người chung quanh và cắt nghĩa lành cho các công việc họ làm.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con đừng xét đoán người khác để khỏi bị Chúa xét đoán. Thế nhưng, không biết chúng con lỗi phạm điều này bao nhiêu lần trong một ngày. Chúng con xin lỗi Chúa vì sự coi thường và vi phạm này. Xin giúp chúng con tập nhìn thấy điều tốt của nhau. Amen.

 

22/06/21 THỨ BA TUẦN 12 TN

Thánh Thomas More, tử đạo
Mt 7,6.12-14

ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN SỰ SỐNG

          “Cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong… Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mc 7,13-14)

          Suy niệm: Cánh cửa hẹp và con đường chật mà Chúa Giêsu nói đến là con đường “từ bỏ”, “vác thập giá mình mà đi theo Chúa,” con đường Ngài đã đi và sẽ dẫn ta đến Chúa Cha, đến sự sống; thế mà ít người muốn đi con đường này. Trái lại đi trên đường thênh thang con đường ăn chơi phóng túng thì thoải mái thật, nhưng lại dẫn đến diệt vong; đường này lại có quá nhiều người muốn đi. Lời cảnh báo “khó nghe” này của Chúa vẫn có giá trị cho mọi thời đại.

          Mời Bạn: Trước trào lưu hưởng thụ và tục hoá của thế giới hôm nay, việc từ bỏ “cánh cửa rộng” và “con đường thênh thang” để bước qua “cánh cửa hẹp” và đi trên “con đường chật” quả là một thách thức không nhỏ đối với mỗi Kitô hữu, nhất là các bạn trẻ. Nhưng hãy biết rằng con đường “sống” thì chỉ có một mà thôi, đó là “con đường Giêsu”, con đường Chúa đã đi qua! Hãy xác định con đường ta sắp đi để có thể bước tới hay chọn con đường khác. Xem lại con đường ta đang đi sẽ dẫn ta về đâu. Đối với Chúa không khi nào là quá trễ cho ta trở lại với Ngài.

          Chia sẻ: Chia sẻ cho nhau một kinh nghiệm “trật đường” nào đó mà bạn trải qua, chỉ ra những “cám dỗ chết người” bạn gặp phải trên con đường đó.

          Sống Lời Chúa: Tâm niệm Lời Chúa: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con bước đi trong chính lộ ngàn đời, con lộ mà Chúa cùng các thánh đã đi qua; và khi con có vấp ngã, thì xin Chúa thương nâng con dậy.

 

23/06/21 THỨ TƯ TUẦN 12 TN
Mt 7,15-20

XEM QUẢ BIẾT CÂY

          “Cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu… Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai.” (Mt 7,17.20)

          Suy niệm: Ngay trong những ngày sơ khai của Giáo Hội, các tín hữu đã phải đối đầu với nạn ngôn sứ giả; thậm chí có kẻ còn mạo xưng là Kitô. Thánh Phêrô nói: “Trong dân cũng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả; giữa anh em cũng vậy, sẽ có những thầy dạy giả hiệu lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong” (2Pr 2,1). Để phân biệt, nhận biết đâu là ngôn sứ giả, Chúa Giêsu đưa ra một kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống: cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Thật vậy, hoa trái tức là những công việc của một người là dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận biết người đó là ngôn sứ đích thực của Chúa hay chỉ là ngôn sứ giả.

          Mời Bạn: Con đường để trổ sinh hoa trái tốt đẹp là con đường mà Chúa Giêsu vạch ra: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,4). Thế nhưng chúng ta thường dễ bị ảnh hưởng bởi những thói tục xấu hơn là tập theo những nhân đức tốt. Là môn đệ Chúa Kitô chúng ta dám lội ngược dòng, dám nói “không” với điều xấu, dù điều xấu đó có đông người theo; vì “cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,14).

          Chia sẻ: “Cây nào không sinh quả tốt sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa”. Bạn có bao giờ nghĩ đến những hậu quả của công việc bạn đã làm không?

          Sống Lời Chúa: Dành thời giờ mỗi tối để nhìn lại công việc mình đã làm và nhận định đó là những quả tốt hay xấu.

          Cầu nguyện: Xin Chúa soi sáng và hướng dẫn để mọi việc con làm đều sinh ích cho mọi người.

 

24/06/21 THỨ HAI TUẦN 13 TN
Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả – Lễ Trọng
Lc 1,57.66-80

“NIỀM VUI ĐƯỢC MỞ MẮT”

          Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai… Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. (Lc 1,57.66)

          Suy niệm: “Trên nền nhạc du dương của ca khúc ‘Cha Mẹ Không Cho’…, bài múa là câu chuyện day dứt của những sinh linh không bao giờ được cất tiếng khóc chào đời… thể hiện ngay trong những ca từ của bài hát: ‘Có những đôi mắt chưa bao giờ được mở, đôi bờ mi chưa bao giờ được khóc, có những bàn tay chưa bao giờ được duỗi thẳng ra, cầm gì đó, sờ vào ai đó’…” (Tuổi Trẻ Online ngày 09/05/2013). Lời hát như tiếng khóc xé lòng: “Con nào có biết đâu vì sao lại như thế này… Vì sao lại không cho?… Không cho con niềm vui được mở mắt?…” Thánh Gioan Tẩy Giả được diễm phúc chào đời trong vòng tay của “láng giềng thân thích đến chia vui” vì thấy “bàn tay Chúa phù hộ em”. Ngày sinh của Gioan đã trở nên “tiếng kêu trong sa mạc”, đòi trả lại quyền làm người cho biết bao triệu sinh linh mà “cha mẹ không cho chào đời” đó.

          Mời Bạn: Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày 12/05, ngỏ lời với hơn 20.000 người tham gia cuộc Tuần Hành Vì Sự Sống đã kêu gọi mọi người “tôn trọng sự sống con người ngay từ giây phút thụ thai” và ủng hộ việc “đòi hỏi sự bảo vệ pháp lý đối với các phôi thai, để con người phải được bảo vệ ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc sống.” Bạn đã làm gì để góp phần bảo vệ sự sống ngay trong môi trường bạn đang sống?

          Sống Lời Chúa: Dành một phút để tưởng nhớ những sinh linh bị từ chối quyền sống khắp nơi trên thế giới.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa là chủ của sự sống, xin cho mọi người biết tôn trọng sự sống mà Chúa đã ban cho thế giới.

 

25/06/21 THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Mt 8,1-4

NẾU CHÚA MUỐN

          “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,3)

          Suy niệm: Nhu cầu của con người thì bất tận, không bao giờ hết, mà đã có nhu cầu thì luôn mong muốn được thỏa mãn. Vì thế mà con người luôn đi tìm kiếm mọi cách để lấp đầy những nhu cầu ấy. Không những thế, người ta còn coi thần linh như một thứ công cụ để đáp ứng những nhu cầu đời sống của mình. Cứ nhìn cảnh cả rừng người chen lấn, xô đẩy, thậm chí dẫm đạp cả lên nhau để “cướp ấn” “giành lộc” tại các đền chùa trong những dịp đầu năm, lễ hội sẽ thấy rõ. Lời Chúa hôm nay kể lại thái độ của người bị bệnh phong cho biết phải cầu xin thế nào cho đúng đắn. Anh ta rất muốn được khỏi bệnh phong, anh cũng cầu xin cho được khỏi bệnh nhưng với một điều kiện: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch.”

          Mời Bạn: Có lẽ bạn và tôi cũng có thói quen “xin bằng được” nhưng không phải cho ý Chúa được thể hiện mà là xin cho được như ý của mình. Bạn cứ cầu xin vì Chúa muốn như thế (x. Mt 7.7-11; 18,19; Ga 14,13-14; 16,24-26), nhưng khi cầu xin bạn hãy nói như anh bị bệnh phong: “Nếu Chúa muốn” và bạn hãy xin: “Xin cho ý Chúa được thể hiện.”

          Chia sẻ: Điều gì bạn đang cần mà bạn nghĩ rằng cũng hợp với ý Chúa? Bạn hãy cầu xin Chúa về điều đó.

          Sống Lời Chúa: Sau giờ kinh tối gia đình, bạn thinh lặng cầu xin Chúa cho gia đình mình điều mà bạn nghĩ hợp với ý Chúa nhất.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã cho con thấy thánh ý Chúa trong những lúc gặp khó khăn, để con luôn biết nói với Chúa ‘nếu Chúa muốn’ trong mọi lúc. Nhưng cũng xin thêm cho con lòng can đảm để có thể trung thành với thánh ý Chúa suốt đời con. Amen.

 

26/06/21 THỨ BẢY TUẦN 12 TN
Mt 8,5-17

CHỈ CẦN MỘT LỜI THÔI!

          Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông, tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế.” (Mt 8,10)

          Suy niệm: Điều làm ta ngạc nhiên là “sự ngạc nhiên” của Chúa. Ngài không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như viên đại đội trưởng, một người ngoại giáo. Viên sĩ quan này chỉ cần một lời thôi để bày tỏ lòng tin của mình, và Chúa cũng chỉ phán một lời thôi để gia nhân ông được khỏi bệnh và nhà ông được cứu độ.

          Mời Bạn: Điều làm Chúa ngạc nhiên có làm cho những kẻ theo Người phải “ngạc nhiên” không? Và chúng ta ngày nay có “ngạc nhiên” để nhìn lại chính mình không? Động cơ nào đang thúc đẩy chúng ta đi theo Chúa hôm nay? Là một Kitô hữu và được kêu mời trở nên môn đệ của Chúa mỗi ngày, Bạn đang tìm kiếm gì nơi Đức Kitô và Hội thánh của Ngài? Viên sĩ quan chỉ thưa với Chúa một lời thôi và Chúa đã đáp lời ông. Còn bạn bạn sẽ thưa với Chúa lời gì? Đó có phải là lời đặt tất cả niềm tin tưởng, phó thác của bạn nơi Ngài không? Tin Mừng của Ngài có là kim chỉ nam cho đời bạn không?

          Chia sẻ: Giữa cuộc sống xô bồ với bao tiếng nói ồn ào bên ngoài cũng như bên trong tâm hồn bạn có cảm thấy nhu cầu thinh lặng nội tâm để lắng nghe tiếng Chúa và đối thoại với Ngài không?

          Sống Lời Chúa: Dành ít phút thinh lặng, chọn một câu Lời Chúa và lặp đi lặp lại nhiều lần để sẵn sàng cho cuộc đối thoại với Chúa.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết khám phá rằng: cuộc sống không phải để hưởng thụ, nhưng là để phục vụ, và “phục vụ là niềm vui”…. Phần thưởng duy nhất là con đã làm theo thánh ý Chúa”. Amen.

 

27/06/21 CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN – B
Mc 5,21-43

LẠY CHÚA, CON CẦN ĐẾN CHÚA!

          Đức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. (Mc 5,21)

          Suy niệm: Đứng trước cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Tây Ban Nha, một tổ chức có tên “Sứ Giả Hoà Bình” vừa khai trương trang mạng “Ngân Hàng Liên Đới” (Bancosolidario) để những người nghèo tại đó có thể truy cập và yêu cầu trợ giúp bất cứ điều gì họ đang cần đến, từ lương thực, quần áo, sách vở cho tới cả xe lăn. Chỉ trong ít ngày, hàng trăm người nghèo khổ đã vào trang mạng này và họ đã nhận được những gì cần thiết cho cuộc sống của họ. Phúc Âm nhiều lần kể lại đông đảo dân chúng tuốn đến với Chúa Giêsu (x. Mc 4,1; 6,34; 8,1). Ngài như người chủ ngân hàng vô tận của tình thương, chấp nhận bị người ta quấy rầy, thậm chí lợi dụng, vì Ngài luôn chạnh lòng thương trước những thảm cảnh, những nỗi thống khổ của dân chúng. Và khi giải thoát họ khỏi những khốn cùng ở cuộc sống này, Chúa còn lôi kéo họ tới cuộc sống vĩnh cửu mai ngày nữa.

          Mời Bạn: Nhiều người ngày nay tỏ ra lãnh đạm đối với vấn đề tôn giáo. Phải chăng đó là dấu hiệu cảnh báo người ta đã quá thoả mãn với cuộc sống hưởng thụ vật chất đến độ không còn cảm thấy mình cần đến Chúa để được Ngài cứu độ? Hay nói cách khác, phải chăng đời sống thiêng liêng cũng đã bị vật chất hoá đến độ không còn sức đánh động cảm thức về sự linh thánh nơi tâm hồn con người nữa? Thế nên một điều cấp bách mà bạn cần cầu xin ngay lúc này cho mình và cho mọi người chính là ơn nhận ra mình đang cần đến Chúa.

          Sống Lời Chúa: Đọc kinh Lạy Cha mỗi ngày để ý thức những điều mình cần cầu xin với Chúa.

          Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha.

 

28/06/21 THỨ HAI TUẦN 13 TN

Thánh Irênê, GM tử đạo
Mt 8,18-22

ĐI THEO ĐẤNG KHÔNG CÓ CHỖ TỰA ĐẦU

          “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8,20)

          Suy niệm: Alfred Plummer, một học giả Thánh Kinh người Anh, nhận xét: “Cuộc đời Chúa Giêsu bắt đầu trong một chuồng bò đi mượn và kết thúc trong một ngôi mộ cũng đi mượn.” Đó chính là thực trạng trần trụi về cuộc đời của Chúa Giêsu, “Con Người không có chỗ tựa đầu,” mà bất cứ ai muốn làm môn đệ của Ngài phải biết và dám đảm nhận. Chúa Giêsu hẳn đã gây một ấn tượng sâu đậm nơi vị kinh sư nào đó khiến ông này nhất quyết xin làm môn đệ Ngài: nguyện đi theo Thầy, bất cứ Thầy đi đâu. Chẳng biết vị kinh sư ấy cuối cùng có trở thành môn đệ của Ngài không nhưng ít nhất những lời vừa rồi cũng giúp xua tan đi những ảo tưởng mà ông vẽ ra về một Đấng Mêsia vinh quang, để lôi ông về với thực tại của Đấng Mêsia Tôi Tớ đau khổ của Giavê, một thực tại rất khó chấp nhận đối với người Do Thái, và cả với chúng ta.

          Mời Bạn: Những lời đó cũng là sứ điệp Chúa gửi đến với chúng ta: cái giá phải trả để làm môn đệ của Chúa Kitô là dám đi theo Đấng không có chỗ tựa đầu. Chúa mời gọi chúng ta thanh luyện những động lực trần tục khi đi theo Ngài: làm môn đệ Chúa không phải để được chỗ nhất trong Vương quốc của Ngài, mà trước tiên là “từ bỏ mọi sự, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).

          Sống Lời Chúa: Xét mình cách sâu xa để khám phá và thanh lọc những động lực trần tục xen lẫn trong những việc thiện, việc đạo đức của mình.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp con dám loại bỏ những gì không phải là Chúa để đạt được chính Chúa và chỉ mình Chúa mà thôi.

 

29/06/21 THỨ TƯ TUẦN 13 TN

Thánh Phêrô và Phaolô, tông đồ  – Lễ Trọng   

Mt 16,13-19

BẠN THẬT CÓ PHÚC!

          “Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16,17)

          Suy niệm: Anh thật là người có phúc! Vì đâu mà Phêrô được Chúa Giêsu khen tặng như vậy? Phải chăng vì ngài là đá tảng Hội thánh, là thủ lãnh tông đồ? Không. Một Phêrô hèn nhát, nói dối để chối Thầy trước một cô hầu gái thì không xứng với một thủ lãnh. Vậy bởi đâu? Bởi vì, Phêrô được ơn từ trời của Chúa Cha –“Không phải phàm nhân mặc khải cho anh, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” Ơn thiêng ban cho Phêrô, khiến Phêrô mạnh mẽ đến nỗi ma quỷ không chiến thắng nổi – “Trên đá này, quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” Phêrô được Chúa Giêsu gọi là đá tảng Hội thánh, được đặt là thủ lãnh các tông đồ, đó chưa phải là phúc cho Phêrô. Phêrô thật có phúc vì được ơn mặc khải từ Chúa Cha. Đó là ơn nhận biết và tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian.

          Mời Bạn: Người Việt Nam cũng khen ai đó thật có phúc, để diễn tả việc một người nào đó được sự may lành ngoài sự mong đợi như được tích luỹ từ muôn kiếp trước, như được xếp đặt từ ơn trên. Bạn thật có phúc vì từ muôn thuở bạn đã được Chúa yêu thương, và được Chúa kêu gọi bạn làm con cái của Ngài qua ơn Bí tích Rửa Tội. Chẳng phải bởi công trạng của bạn, mà chỉ vì tình Chúa yêu thương. Bạn quả là diễm phúc!

          Sống Lời Chúa: Lặp lại nhiều lần Danh Thánh Chúa Giêsu với tâm tình cảm tạ.

          Cầu nguyện: Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì qua Bí tích Rửa tội, con được biết và tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Con Chí Ái Cha và là Đấng Cứu độ chúng con.

 

30/06/21 THỨ NĂM TUẦN 13 TN
Các Thánh Tử Đạo Tiên Khởi Ở Rôma
Mt 8,28-34

SỰ SỐNG CON NGƯỜI LÀ SỐ MỘT

          Các người chăn heo chạy trốn vào thành, kể lại mọi sự và những gì đã xảy ra cho mấy người bị quỷ nhập. Bấy giờ cả thành ra đón Đức Giêsu, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ. (Mt 8,33-34)

          Suy niệm: Một việc trừ quỷ thật ‘đắt đỏ’: để chữa lành cho hai người, mất toi cả đàn heo! Phản ứng của dân thành cũng thật quyết liệt: xin Người rời khỏi vùng đất của họ, bởi vì biết đâu Người chẳng chữa thêm vài người bị quỷ ám nữa, và họ lại có thể phải mất thêm vài đàn heo khác! Bậc thang giá trị của họ thật rõ ràng: đàn heo quý hơn sinh mạng con người. Hình như nhiều lúc chúng mình cũng cư xử y như dân thành Gadara đó thôi! Coi trọng vật chất hơn con người, quyền lợi của mình hơn cả sự sống của người khác. Có thể không đến nỗi “đốt nhà hàng xóm chỉ để luộc chín một quả trứng” như phát biểu của một nhà văn, thế nhưng, chúng mình cũng thật ích kỷ khi chấp nhận tình trạng ai chết mặc ai, miễn là quyền lợi, tài sản tôi không xuy xuyển chút nào!

          Mời Bạn: Điều chỉnh lại cách ứng xử của bạn: coi trọng con người hơn vật chất của cải, sự sống con người hơn danh giá, quyền lợi…

          Chia sẻ: Lâu nay tôi đã coi trọng sự sống, sinh mạng con người hay coi trọng của cải vật chất, danh tiếng?

          Sống Lời Chúa: Tôi sẽ hành động theo bậc thang giá trị của Tin Mừng: coi trọng con người hơn của cải vật chất.

          Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa buồn lòng vì thấy dân thành Gadara coi trọng đàn heo hơn sự sống con người. Xin Chúa giúp chúng con biết sống theo Lời Chúa dạy: coi trọng sự sống con người hơn mọi giá trị khác trên đời. Xin giúp chúng con sẵn sàng nâng đỡ anh em, dù sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Amen.