05-09: Thánh Têrêsa Calcutta

Thánh Teresa Calcutta

(1910-1997)

Agnes Gonxha Bojaxhiu, sau này là Mẹ Têrêsa, vào đời ngày 26/8/1910 ở Skopje, Macedonia, theo huyết tộc Alnania. Cha của bé là một thương gia được trọng vọng ở địa phương, qua đời khi bé mới được 8 tuổi, để lại mẹ của bé, một người phụ nữ sốt sắng đạo hạnh, làm nghề thêu thùa như kế sinh nhai cho gia đình. Sau thời gian niên thiếu hiết sức tham gia các hoạt động giáo xứ, Agnes đã rời gia đình vào tháng 9/1928 để nhập Nữ Tu Viện Loreto ở Rathfarnam (Dublin), Ái Nhĩ Lan, nơi cô đã được trở thành thử sinh ngày 12/10 và mang tên Têrêsa, tên của vị thánh quan thày là Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu.

Thử sinh Agnes đã được nhà dòng Loreto sai đến Ấn Ðộ, tới Calcutta ngày 6/1/1929. Khi đến nơi, chị thử sinh này nhập tập viện ở Darjeeling. Chị tập sinh này đã khấn trọn đời như là một sơ dòng Loreto ngày 24/5/1937, và sau đó sơ được gọi là Mẹ Têrêsa. Trong thời gian sống ở Calcutta vào thập niên 1930 và 1940, sơ đã dạy ở Trường Trung Học đệ nhất cấp Bengali Thánh Mary.

Vào ngày 10/9/1946, trên chuyến xe lửa từ Calcutta đến Darjeeling, Mẹ Têrêsa đã nhận được điều Mẹ gọi là “ơn gọi trong ơn gọi”, một ơn gọi làm phát sinh ra gia đình Thừa Sai Bác Ái của các Sư Muội, Sư Huynh, Linh Mục và Cộng Tác Viên. Nội dung của ơn soi động này được thể hiện nơi mục đích và sứ vụ Mẹ phác họa cho cơ cấu mới của Mẹ, đó là “làm giản cơn khát vô cùng của Chúa Giêsu trên thập giá vì yêu thương vì các linh hồn”, bằng “việc tận lực hoạt động cho phần rỗi và sự thánh hóa của thành phần nghèo nhất trong các người nghèo”. Vào ngày 7/10/1950, hội dòng mới Thừa Sai Bác Ái được chính thức thành lập như là một tổ chức tu trì đối với Tổng Giáo Phận Calcutta.

Suốt thập niên 1950 và 1960, Mẹ Têrêsa đã phát triển công cuộc của hội dòng Thừa Sai Bác Ái cả ở Calcutta lẫn khắp Ấn quốc. Ngày 1/2/1965, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban Sắc Lệnh Khen Tặng cho Hội Dòng này bằng việc nâng hội dòng này lên cấp trực thuộc Tòa Thánh. Cơ sở đầu tiên được thành lập ngoài Ấn Ðộ ở Cocorote, Venezuela năm 1965. Hội dòng này lan tới Âu Châu (ở Tor Fiscale ngoại ô Rôma) và Phi Châu (Tabora, Tanzania) năm 1968.

Từ hậu bán thập niên 1960 cho đến năm 1980, hội dòng Thừa Sai Bác Ái phát triển cả về địa dư khắp thế giới lẫn về nhân số phần tử. Mẹ Têrêsa đã thành lập những nhà ở Úc Ðại Lợi, ở Trung Ðông và Bắc Mỹ Châu, cũng như mở nhà tập đầu tiên ở Luân Ðôn ngoài Calcutta. Năm 1979, Mẹ được giải thưởng Nobel Hòa Bình. Cũng trong năm nay đã có tới 158 cơ sở của hội dòng Thừa Sai Bác Ái.

Hội dòng Thừa Sai Bác Ái lan tới các nước Cộng sản vào năm 1979, với một nhà ở Zagreb, Croatia, và vào năm 1980 một nhà ở Ðông Bá Linh, cứ thể tiếp tục phát triển suốt thập niên 1980 và 1990 với những nhà ở hầu như tất cả mọi quốc gia Cộng sản, kể cả 15 cơ sở ở Liên Sô trước đây. Tuy nhiên, cho dù đã nhiều lần cố gắng, Mẹ Têrêsa cũng không thể thiết lập một cơ sở nào ở Trung Hoa.

Mẹ Têrêsa đã nói trước Tổng Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 10/1985, dịp kỷ niệm thành lập 40 năm của tổ chức này. Vào ngày áp Lễ Giáng Sinh cùng năm, Mẹ đã mở “Món Quà Yêu Thương” ở Nữu Ước, nhà đầu tiên Mẹ đã thiết lập cho các bệnh nhân bị chứng liệt kháng AIDS. Những năm sau đó các nhà khác theo nhau xuất hiện, ở Hiệp Chủng Quốc cũng như ở các nơi khác, đặc biệt dấn thân cho những ai mắc hội chứng liệt kháng này.

Từ cuối thập niên 1980 tới hết thập niên 1990, mặc dù tăng phát vấn đề sức khỏe, Mẹ Têrêsa cũng du hành khắp thế giới về vấn đề khấn hứa của các tập sinh, vấn đề mở các nhà mới, cũng như vấn đề phục vụ thành phần nghèo khổ và gặp tai ương hoạn nạn. Những cộng đồng mới được thành lập ở Nam Phi Châu, ở Albania, Cuba và Iraq tàn khốc chiến tranh. Cho tới năm 1997, con số Nữ Tu lên đến gần 4 ngàn phần tử, và được thiết lập ở hầu hết 600 cơ sở ở 123 quốc gia trên thế giới.

Sau một mùa thu đi đến Rôma, Nữu Ước và Washington, với tình trạng sức khỏe suy yếu, Mẹ Têrêsa trở lại Calcutta vào tháng 7/1997. Vào lúc 9 giờ 30 tối ngày 5/9, Mẹ Têrêsa qua đời ở Nhà Mẹ của Hội Dòng. Thân thể của Mẹ được chuyển đến Nhà Thờ Thánh Tôma, gần nữ tu viện Loreto, nơi đầu tiên Mẹ đã đến Ấn Ðộ gần 69 năm trước. Hằng trăm ngàn người thuộc tất cả mọi tầng lớp và mọi tôn giáo, từ Ấn Ðộ cũng như ngoại quốc đã tỏ lòng ngưỡng mộ Mẹ. Mẹ đã được quốc táng vào Ngày Thứ Bảy 13/9/1997, thi thể của Mẹ đã được rước trên chiếc xe đã từng chở thi thể của Mahandas K. Gandhi và Jawaharlal Nehru, qua các đường phố Calcutta. Các vị tổng thống, thủ tướng, nữ hoàng và đặc sứ thay mặt quốc gia trên khắp thế giới đã hiện diện trong cuộc lễ an táng Mẹ.

Không đầy hai năm sau ngày qua đời, do sự thánh thiện mà mọi người đã đồng thanh ca ngợi và những báo cáo về các ơn thiêng nhận được qua Mẹ, nên Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép tiến hành xem xét hồ sơ phong thánh cho Mẹ. Ngày 20 tháng 12 năm 2002, ngài phê chuẩn sắc lệnh công nhận nhân đức anh hùng và các phép lạ của Mẹ.

Ngày 19 tháng 10 năm 2003, Mẹ được nâng lên hàng chân phước. Mẹ là người được phong chân phước nhanh nhất trong lịch sử giáo hội từ trước đến nay: chỉ 6 năm sau ngày qua đời. Trước Mẹ, thánh Gioan Bosco và thánh Maximilian Kolbe được phong chân phước 30 năm sau ngày qua đời và là những người được phong chân phước nhanh nhấtNgày 4 tháng 9 năm 2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tuyên thánh cho Mẹ.

print