Vô Cảm, Cái Chết Từ Trong Tâm Hồn

print

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM C 2019

Vô Cảm, Cái Chết Từ Trong Tâm Hồn

Lm. Giuse Nguyễn

Những ngày này, chỉ cần vài giây, Google sẽ cho ra hàng triệu kết quả với cụm từ vụ án VN Pharma, là vụ án gây chấn động và bức xúc trong dư luận về việc mua bán thuốc điều trị ung thử giả xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma. Những người liên quan đến vụ án này không chỉ phạm pháp, mà hơn thế nữa họ còn mang trong mình căn bệnh vô cảm. Thực tế trong y học không có bệnh vô cảm. Đó là căn bệnh của cách hành xử, căn bệnh của lối sống khi người ta không biết quan tâm đến người khác. Sự vô cảm càng nặng nề hơn khi họ lợi dụng nỗi đau của kẻ khác để trục lợi cho bản thân mình, trong khi lẽ ra họ phải là những người xoa dịu nỗi đau cho người khác. Dư luận lên án và bức xúc là phải, vì vụ án xảy ra liên quan đến nghành y tế, là nghành chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhưng nay lại lấy đi sức khỏe và mạng sống của họ. Ấy vậy mà trong quá trình xét xử, lại xuất hiện những hồ sơ mật. Báo Pháp Luật đưa tin: “Trong phiên xét xử ngày 24/09, đáng chú ý, trước khi chuyển sang phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa có lưu ý: Hồ sơ vụ án có một số tài liệu đóng dấu mật, tuyệt mật. Những người nào sử dụng tài liệu này phải chú ý, còn ai cố tình làm lộ bí mật sẽ bị xử lý theo quy định”. Vô cảm đến thế là cùng! Khi người ta phạm pháp mà còn cố tình dùng mọi cách để bao che.

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 26 Thường Niên hôm nay sẽ nói với chúng ta về chứng bệnh vô cảm này.

Bài đọc I (Am 6, 1a.4-7): Thời của tiên tri Amos là thời vinh quang tột đỉnh của miền Bắc Israel. Dân chúng sống sa hoa hưởng thụ, bám víu vào của cải vật chất, thể hiện một sự thịnh vượng mà không có nền tảng đạo đức. Nhưng đến thời đất nước lâm nguy bởi kẻ thù là Assua, họ vẫn quen với lối sống đó. Chính vì vậy Amos được sai đến để khiển trách họ. Họ bị lên án là vì lo hưởng thụ, ăn uống, chè chén say sưa mà không quan tâm đến vận mạng của đất nước. Tiên tri nói rõ: “Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày…. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!” (Am 6, 7). Đức Chúa không chấp nhận lối sống vô cảm, tức là sống mà không biết nghĩ đến người khác, không biết nhìn ra xung quanh.

Như thêm bằng chứng tố cáo lối sống vô cảm, Tin Mừng (Lc 16, 19-31) thuật lại việc Đức Giêsu kể một dụ ngôn mang tên ông nhà giàu và người nghèo khó Lazarô. Người giàu có trong dụ ngôn này không có lỗi gì để đáng bị hình phạt hỏa ngục. Đức Giêsu không hề nói sự giàu có của ông là nhờ ăn hối lộ, bán thuốc tây giả, làm ăn bất chính, hay trộm cắp, cướp giật… Ngài cũng không nói ông vi phạm ngày Sabat hay lề luật khác như bất hiếu, giết người, tà dâm… Ngài chỉ nói: “Ông ta mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Như vậy hưởng thụ tài sản do mình làm ra cũng có tội sao? Hay ông ta có tội không giúp đỡ Lazarô?

Lazarô không hề mở miệng xin: “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại!” Lazarô chỉ “nằm trước cổng, thèm ăn những miếng bánh vụn từ trên bàn ông nhà giàu rớt xuống”. Không nói thì ai biết. Không xin thì ai cho. Chết đói là phải! Nhưng ông nhà giàu vẫn phải sa hỏa ngục không phải vì ông có tội, không phải vì ông ích kỷ, nhưng vì ông vô cảm. Thấy người kế bên mình đau khổ mà không một chút xót thương. Tội của ông là vô tâm, vô tình dẫn đến hậu quả tệ hại cho người khác. Hoặc chỉ đơn giản ông không hay có người nghèo trước cổng nhà mình.

Lời Chúa soi dẫn như vậy để chúng ta đừng tưởng mình không làm gì sai trái, mình giữ đạo đàng hoàng là đương nhiên lên thiên đàng. Thưa đó chỉ là giữ đạo. Bước theo Đức Kitô là phải sống đạo. Sự sống động của đạo Công giáo như chính dòng máu chảy trong con người, nó phải được luân chuyển chứ không thể ở yên một chỗ. Nếu ngày nào máu không được lưu thông, con người sẽ chết ; hoặc nếu lưu thông quá chậm chạp, sự sống cũng rất mong manh.

Sống đạo không phải chỉ là việc mến Chúa, mà còn phải là yêu người, vì đó là “mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy”. Thường thì chúng ta chỉ dừng lại ở việc mến Chúa: đi lễ, tuân giữ giới răn của Chúa, lề luật của Hội thánh thế là xong; có vất vả, có nặng nề, nhưng nếu cố gắng cũng sẽ được. Còn yêu người thì đòi hỏi ta phải hy sinh, chấp nhận dấn thân, chịu mất mát; thường ta chưa làm, hoặc làm mà chưa được, hoặc được mà chưa đủ.

Thiên Chúa là Tình Yêu nên Ngài không thể làm ngơ trước nỗi đau của nhân loại. Ngài phải đánh đổi bằng việc để Ngôi Hai xuống thế làm người, chuộc tội, chịu chết cho nhân loại. Con người không biết kêu đến ai, nhưng Thiên Chúa thấy được nỗi đau của họ nên đã ra tay cứu giúp.

Dân tộc Việt Nam sẽ chẳng biết Chúa là ai, chẳng thể kêu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con!” nếu không có các nhà thừa sai Châu Âu tình nguyện đi truyền giáo, chấp nhận mọi gian lao, khổ cực, kể cả hy sinh mạng sống. Họ không an phận để tìm sự an nhàn cho bản thân.

Ngược lại với những tâm hồn dạt dào tình yêu, “trái tim không ngủ yên” là những con người vô cảm, họ yêu nhưng yêu chính bản thân họ. Vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc, dửng dung, thờ ơ, “máu lạnh” với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Họ đã chết từ bên trong tâm hồn.

Có thể dễ dàng nhận thấy đó là những người chẳng quan tâm gì đến việc chung của cộng đoàn, của Giáo xứ. Họ nghĩ rằng đó là việc của cha sở, của những người có trách nhiệm… Đúng vậy, trước hết nó là việc của những người có trách nhiệm, nhưng sự vô cảm, lối sống cầu an chính là nguyên nhân khiến người phú hộ phải rơi vào hỏa ngục. Sức sống của một Giáo xứ thể hiện qua tinh thần đoàn kết, qua việc mỗi người đều góp phần vào việc chung của Giáo xứ ; nếu không Giáo xứ đó đã chết từ bên trong vì lối sống vô cảm.

Lối sống vô cảm còn được nhìn thấy qua việc chúng ta sống quá giàu sang, sung túc, trong khi còn quá nhiều những người nghèo bên cạnh chúng ta. Đành rằng sự hưởng thụ của tôi chẳng làm hại ai, nhưng thử nghĩ một phần niềm vui của tôi nếu được san sẻ thì chắc chắn có nhiều người khác được nhờ.

Không khó nhận ra căn bệnh vô cảm trong cuộc sống khi càng ngày càng có nhiều người thờ ơ trước những đau khổ, trước những hoàn cảnh đáng thương của người khác, nhưng làm sao để chữa trị căn bệnh ung thư trầm kha này mới là vấn đề, nhất là người Công giáo luôn tự hào là đạo của yêu thương. Nếu không lo chữa trị thì căn bệnh này sẽ giết chết tâm hồn chúng ta khiến đời sống khô khan, cằn cỗi, không có sức sống.

Trước hết mỗi người phải kiên trì làm gương về sự phục vụ dù nhiều người muốn sống hưởng thụ. Cuộc đời vẫn tươi đẹp khi còn rất nhiều người âm thầm lo việc chung, thậm chí việc “bao đồng”. Cụ già 82 tuổi ở Đồng Tháp đã miệt mài 15 năm đi vá đường cho người dân đi. Ông già ngoài 70 tự nguyện đến nhà nào có cây kiểng trong xã để cắt tỉa.

Kế đến cần lập những nhóm bạn để chung tay giúp sức làm những việc có ích. Ví dụ đội tình nguyện cứu hộ SOS của các bạn trẻ ở Cà Mau, sẵn sàng giúp đỡ những ai gặp trục trặc về xe cộ. Những em thiếu nhi ở các Họ đạo bỏ ống heo để giúp đỡ những người nghèo…

Sau cùng, cần tập cho đi nhiều hơn là lãnh nhận.

Lạy Chúa, xin cho con một trái tim nhạy cảm để con biết “vui với người vui, khóc với người khóc”  ; đừng để con “chơi một mình”, nhưng biết đi cùng với người khác, dù việc đi cùng lắm lúc gây phiền toái cho con.