Mấy Cảm Nghiệm Trong Tuần Tĩnh Tâm Lm Giáo Phận Cần Thơ

Mấy Cảm Nghiệm

Trong Tuần Tĩnh Tâm Lm Giáo Phận Cần Thơ

Do Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn Hướng Dẫn, Gợi Ý,

Về Đề Tài Chúa Thánh Thần

(23/11 – 27/11/2020)

– Tôi xin viết bài này, trước hết như là một sự sám hối, lời thú tội công khai về những sai sót của mình; và cũng là dịp để cảm tạ Chúa đã cho tôi biết chấn chỉnh để đi đúng đường sau đó.

–  Buổi tĩnh tâm đầu tiên, tối thứ hai, 23/11, khi nghe vị hướng dẫn gợi ý, tôi gặp khó khăn rất nhiều, có phần thất vọng và chán nản. Tôi đã nhiệt tình lắng nghe và rất sẵn sàng ghi chép, vì đây là vị giảng phòng mới. Nhưng hầu như tôi chẳng ghi chép được gì, hoặc đúng hơn, chẳng thấy có gì đáng ghi chép. Tôi tự nhủ lối giảng phòng này không hợp với mình. Thế là có khả năng đi đoong, mất toi một tuần cấm phòng. Mình sẽ phải ứng xử ra sao đây. Hoặc sẽ tiếp tục tham dự với vẻ bề ngoài đầy lịch sự, và đành phải ôm “nhân đức chịu vậy” suốt tuần; hoặc phải tính tới “bài chuồn”, từ ngày mai, lấy cớ này cớ nọ để lặn không dự nữa.

– Tôi có cảm tưởng mình ngồi nghe mà câu trước câu sau chẳng dính dáng gì đến nhau, bời rời, bố cục không logic, không biết đường nào mà lần, không biết đường nào mà ghi chép cho mạch lạc. Nhìn vào tập tài liệu được phát, mỏng tanh, và nhìn kỹ, có bài chỉ vỏn vẹn mấy chục giòng, chẳng thấy các giòng ăn khớp với nhau mấy tí.

– Vị giảng phòng lại còn nói rằng “Con nói tứ lung tung”; “Các cha đừng hy vọng sẽ được nghe bài giảng hay”; “Đừng hy vọng có một tập tài liệu ngon lành để làm vốn”; “Trong khi con trình bày, có lúc các cha sẽ thấy có chất gây mê”…

– Lạy Chúa tôi, sao con thấy bí lối và ngại ngùng quá.

– Bài hướng dẫn tiếp theo, ngay sáng hôm sau, tôi thấy sung sướng, phấn khởi. Khi hướng dẫn xong, vị giảng phòng bước ra khỏi nhà nguyện, tôi chân thành và hồn nhiên tới chào và nói rằng cám ơn đức cha, con rất thích cách gợi ý của đức cha.

– Tại sao lại có sự thay đổi đột ngột, quay ngoắt đúng 180o như vậy? Theo tôi nghĩ, chủ yếu là do Chúa Thánh Thần ban, cùng với sự nỗ lực nhỏ bé của tôi. Chúa Thánh Thần ban, bởi vì vị giảng phòng cứ nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần Kinh Cúi Xin Chúa Sáng Soi, Kinh Chúng Con Lạy Ơn Đức Chúa Thánh Thần… Và thế là Chúa Thánh Thần đã nhận lời, Ngài đã “đốt lửa kính mến… đức cha giảng phòng, và cách giảng phòng của ngài” trong lòng con, đồng thời CTT cũng “sửa lại mọi sự trong ngoài… của con”.

– Nhìn lại thật kỹ tiến trình thay đổi tâm thế của mình, tôi lần ra con đường mà Chúa Thánh Thần đã biến đổi tôi như sau.

– Tôi đã nhiều lần trình bày trong lớp:

– “Thưa các thầy, thưa các sơ, xin các thầy các sơ lưu ý giùm tôi: Chúng ta có thể có lập trường sống khác nhau tùy theo tính tình Chúa ban. Chúng ta có thể có cách trình bầy và cách lắng nghe, cách tiếp thu hoàn toàn khác nhau…”.

– “Chúng ta hoàn toàn có quyền sống theo những cái tốt do tính tình riêng Chúa ban. Đời sống nhân bản chúng ta có triển nở thành công rực rỡ hay không, thậm chí chúng ta có nên thánh hay không, cũng do chúng ta biết dựa theo những cái nền móng tự nhiên Chúa ban này, cùng với những sự điều chỉnh cần thiết và thích hợp…”.

– “Thưa các… bản thân tôi là loại tính tình ưa phê phán và muốn có những trình bày và  kết luận rõ ràng, minh bạch, đâu ra đó”.

– Loại tính tình này muốn rằng khi được giao một nhiệm vụ gì: Phải chịu khó chuẩn bị kỹ lưỡng cẩn thận, phải có tinh thần trách nhiệm, phải có chương trình, có kế hoạch dự liệu rõ ràng, phải đúng trình tự, phải biết sắp xếp thứ tự phân minh rạch ròi, khi trình bày phải có lý luận chặt chẽ, phân câu phân ý,  thứ tự các ý tưởng và các liên ý phải hợp lý…

– Nếu người khác sống không đáp ứng những tiêu chuẩn định sẵn như vậy, sẽ dễ bị gán là thiếu trách nhiệm, không nghiêm túc, thiếu chuẩn bị, chuẩn bị hời hợt, lè phè, nói theo kiểu ngẫu hứng, bạ đâu nói đó, hời hợt, lung tung, không đâu vào đâu…

 

– Thưa các…   Thế nhưng, có những người khác lại được Chúa trao ban loại tình tình hoàn toàn khác hẳn với những tiêu chuẩn trên. Họ e ngại với những sự chuẩn bị gò bó, ngại sắp xếp trước, ngại những quy định cứng ngắc. Khi chủ tọa các buổi hội họp, họ không muốn đi đến kết thúc với những quyết định rõ ràng. Họ rất thích những gì gọi là: còn bỏ ngỏ, còn tự do, còn đầy bất ngờ, linh động, cứ tùy nghi thích ứng; hy vọng sẽ có những tình cờ ngẫu nhiên; họ muốn tìm kiếm thêm cơ hội; cứ để cho cuộc sống tự nó diễn biến;  cứ chờ xem sao… 

 

– Đối với họ, nếu sống chung với những người quen quy định rõ ràng, quen chuẩn bị chi li, tỉ mỉ kỹ lưỡng… hẳn họ sẽ rầu rầu: “ – Còn đâu là sự tự do của con cái Chúa! – Còn đâu là cái vui, còn đâu là nét thích thú của cuộc đời với những bất ngờ đầy ngạc nhiên! – Nếu cái gì cũng quy định sẵn, đầy chặt chẽ cứng ngắc, còn đâu là thoải mái, thảnh thơi của cuộc đời… sao cuộc đời nó gò bó, ngột ngạt khó thở như vậy! – Hãy để cho sự bỏ ngỏ, để cho tự do, cho ngẫu hứng có đất sống! … – Cởi mở, bỏ ngỏ, tự do, tương lai muôn năm!

 

– “Thưa các thầy, các sơ, đó là tôi lấy ý từ cuốn “Hiểu Mình, Biết Người”, dịch giả Hà Hoàng Tâm, Nxb Xuân Tâm 1997, dịch từ Please Understand Me – Character & Temperament Types, David Keirsey & Marilyn Bastes, Del Mar, CA 1984. – (Dựa theo Cách phân loại tính tình theo MBTI, Myers-Briggs Type Indicator).

– Nói với người khác trong lớp như vậy, bây giờ ngồi nghe giảng, tôi xin CTT cho tôi biết áp dụng, thích ứng, sửa đổi vào ngay cuộc đời tôi, lúc này, và ở đây.

– Thế là với Ơn Chúa cho, tôi ngồi nghe với một tâm thế thoải mái như chưa bao giờ có trong các lần tĩnh tâm khác trước đây trong đời. Tôi không chờ đợi vị hướng dẫn phải nói theo cái khung mặc nhiên tôi định sẵn trong đầu. Ngài nói gì hoặc không nói gì hoàn toàn tùy ngài. CTT như nước, như gió, như lửa, không thể bị gò bó định sẵn, “gió muốn thổi đâu thì thổi”, tùy Ngài muốn linh hứng cho vị hướng dẫn ra sao là quyền của Ngài. Vì thế, khi vị hướng dẫn hạ giọng nói, như kiểu máy bay sắp đáp xuống để chấm dứt bài nói, thì tôi vẫn sẵn sàng vui vẻ nghe tiếp, nếu ngài lại lên giọng như kiểu máy bay lại bốc lên. Hơn nữa, cũng chẳng cần phải nhiệt tình ghi chép liên miên nữa.

– Vậy thử hỏi, phương pháp gợi ý hướng dẫn của vị giảng phòng kiểu này sẽ dẫn ta tới đâu, tới kết quả nào. Tôi tự nhắn nhủ rằng: – “Thôi đừng theo thói quen, thói quen “dai” như giẻ rách xưa nay, cứ muốn được trình bày theo kiểu diễn dịch (deduction), nghĩa là từ đầu đưa ra một chủ đề sơ khởi, rồi từ đó suy diễn, phăng tới, với những lý luận chặt chẽ, với những liên ý đầy mạch lạc.” – “Hãy theo kiểu mới, quy nạp (Induction), kiểu trình bày với nhiều dữ kiện, nhiều minh họa, nhiều hình ảnh, mà thoạt nhìn, chẳng thấy ăn khớp và liên hệ với nhau; nhưng khi gom lại tổng thể, cuối cùng lại thấy chúng phục vụ cho một chủ đề rất rõ. Người trình bày sẽ không hoàn toàn dựa theo kiểu lý luận, suy nghĩ (thinking), nhưng dựa theo cảm nhận (feeling) trong cuộc sống”.

– Tôi cũng hình dung cách gợi ý của vị giảng phòng như thể ngài đang thực hiện một bức-họa-ghép kiểu mosaic (bức khảm); nghĩa là khi đang thực hiện bức họa, ta chẳng thấy ý nghĩa gì rõ rệt. Nghệ sĩ cứ nhặt những mảnh ghép, để vào chỗ này chỗ kia, xem ra, chẳng logic chút nào, chẳng có thứ tự gì hết, chẳng thấy ý nghĩa gì. Nhưng khi đã hoàn thành tác phẩm, nghĩa là vào lúc cuối, ta lại nhận ra một hình ảnh rất rõ. Nghĩa là phải đợi đến lúc kết thúc, khi đã tổng hợp mọi dữ kiện, ý nghĩa sẽ lộ ra thật hiển nhiên.

Ngồi đọc lại những ấn tượng của mình về toàn bộ cuộc tĩnh tâm tôi nhận thấy:

– Giọng nói của vị giảng phòng hoàn toàn mang nét tâm tình, rỉ rả tâm sự, không có dáng dấp của một bài giảng, của sự lên lớp dạy dỗ.

– Ngài đã thiết tha nhắn nhủ ngay từ đầu: “Đừng nghe vị giảng phòng nói, hãy nghe CTT nói”. – “Không chờ đợi nghe những điều mới, nhưng tiếp nhận những cách nói khác, nghe những tiếng gọi khác, tìm những cách đáp trả khác, khơi dậy những tâm tình khác, sống những cảm nghiệm thiêng liêng khác” (tập tài liệu, trang 2). – “Đừng nghĩ tôi sẽ trình bày một Thần khí luận, hoặc Thánh Linh học”. (Mà là những cảm nghiệm sống với CTT).

– Vậy thử đoán mò xem vị giảng phòng đã chuẩn bị chất liệu cho tuần tĩnh tâm này ra sao, có kỹ lưỡng không? Tôi nghĩ là rất kỹ; chuẩn bị bằng cả cuộc đời mình, bằng chính cuộc sống, bằng thành quả, có thể nói là, của tiến trình “thiền mọi lúc trong đời thường” và đem hết tâm huyết để truyền đạt; trao ban những gì quý giá nhất. Đây không phải là trao ban mớ kiến thức. Không phải là kiểu trao những thực phẩm sống để mang về nấu thành món ăn; nhưng là trao tặng chính món ăn đã nấu sẵn, đang hưởng, và nay đưa cho ta để cùng hưởng ké.

– Từ đó, tôi lấy làm ngạc nhiên, vào mỗi đầu giờ chia sẻ, vị hướng dẫn nhập đề với những dữ kiện của cuộc sống tại chỗ: – “Bài hát chúng ta vừa cùng nhau hát…Bài Thánh thi Kinh Sách lúc nãy chúng ta đọc… – Khi ăn cơm tối hôm qua, chúng ta nghe đọc sách về đức khiêm nhường… v.v…”. Chất liệu và đề tài để chia sẻ là ngay từ cuộc sống. Nếu không hiểu sâu như thế, chúng ta dễ cắt nghĩa là: – Nói lạc đề tài, nói miên man, nói truyện trên trời dưới đất kiểu ruồi bu, nói bâng quơ để lấp đầy giờ trống…

– Khi trình bày, xem ra vị hướng dẫn trình bày rất đơn giản, dễ dàng, như kiểu chợt nghĩ ra điều gì nói điều đó; nhưng theo tôi nghĩ, đây chính là kiểu “đơn giản cao cấp”; thứ đơn giản, thoải mái, thảnh thơi, mà ta chỉ có được khi đã đạt tới một trình độ nào đó, vì các dữ liệu đã thấm vào xương tủy, vào cuộc sống.

– Lúc đầu, tôi thấy tập tài liệu mỏng quá, bời rời quá. Nhưng khi vào cuộc mới thấy không phải vậy. – Mỗi giòng có khi là cả một đề tài, một chủ đề đã cảm nghiệm, nếu triển khai, có thể tốn nhiều trang. – Mỗi giòng có thể coi như là một File nén, nếu bung ra, e không đủ giờ nói. (Thí dụ: – 7 Ơn CTT – Hoa Trái (số ít) Của Thần Khí). Vị giảng phòng nhắc chúng ta, đừng trình bày CTT như thể Ngài đứng đó rồi ban cho ta ơn này ơn kia, hoặc hoa trái này hoa trái kia. Hãy nhớ: Thần trí Khôn Ngoan, nghĩa là khi ta có ơn khôn ngoan, cũng đồng nghĩa chính CTT, Đấng Khôn Ngoan đến ngự trong lòng ta. – Rõ ràng đây là cảm nghiệm, chứ không chỉ là kiến thức.

– Bàn về “chất gây mê”, mà được gọi  bóng gió là “linh đạo thánh Giuse”. Không hẳn là dễ buồn ngủ đâu. Lâu lâu lại nghe “choảng” một câu làm cả nhà cười ồ lên, thế là “Linh đạo thánh Giuse” bị phá vỡ. Thí dụ: “Trình độ khiêm tốn của tôi đã đạt mức tuyệt vời rồi, ai mà chê tôi kiêu ngạo, coi chừng vỡ mặt với tôi.”

 

Cuối cùng, vậy kết quả của tuần tĩnh tâm này ra sao?

+ Đây cũng là vấn đề phải xét lại. Nếu cứ kiểu đánh giá xưa nay, “trình độ hiểu biết của tôi về Chúa Thánh Thần năm nay cao hẳn so với trước, có khi cao hơn… gần 2 mét”.

+ Kết quả do đong đếm, hay kết quả do thấm sâu, biến đổi, cảm nghiệm trong cuộc sống?

+ Dẫu sao, cũng phải dựa theo tiêu chuẩn đã được vị hướng dẫn đề ra ở ngay trang đầu tập tài liệu, để mỗi người tự đánh giá: – “Nhìn lên Thánh Thần – lắng nghe TT – Vâng theo TT – sống trong TT – bước nhờ TT – ngoan ngoãn”.

+ Từ đánh giá, mỗi người chúng ta đi đến kiểm chứng kết quả nơi mình:

Dựa theo bố cục của tài liệu, vị hướng dẫn mong chúng ta đi theo tiến trình:

   – Vâng nghe TT.

   – Lớn lên trong TT (Để Lm lớn lên trong thánh chức – lớn lên trong tác vụ).

   – (rồi soi rọi vào) Hành trình mục tử (- trái tim mục tử – bước chân mục tử – sứ vụ mục tử).

– Bài học cơ bản cho tôi trong dịp này là sự thay đổi và thích ứng trong đời mình. Người ta nói rằng nhiều khi phải có Sự Thay Đổi Mô Hình (Paradigm Shift), một sự thay đổi cơ bản và tận gốc.  – Cần thay đổi, cần bỏ kiểu cũ; đó là điều mà vị giảng phòng cứ nói đi nói lại rằng kiểu cũ nó dai nhách, khó thay đổi lắm. – Đổi cách nghe – Đổi tiêu chuẩn lượng định, đánh giá, cần xem lại cái máy lọc cố hữu của tâm hồn mình. – Cần đổi cách nhận. Nếu người ta rót tặng rượu quý cho ta, mà ta vẫn theo kiểu nhận cũ xưa nay, mang rổ rá để hứng, thì chẳng nhận được mấy tí.

– Trên đây là một số cảm nghiệm, có thể mang tính cá nhân riêng tư, chủ quan, nhưng cũng dựa vào một số nguyên tắc tâm lý và tu đức, xin được mạo muội nói lên.

Xin cám ơn Đức Cha, con coi dịp này là một HỒNG ÂN, con hy vọng hồng ân này lớn như một trái NÚI.

Linh mục Mátthêu Hoàng Đình Ninh,

Bình Thủy, Cần Thơ

 

print