Sám Hối và tin vào Phúc Âm vì Nước Chúa Trong Tầm Tay.  

print

Sám Hối và tin vào Phúc Âm vì Nước Chúa Trong Tầm Tay.  

Chúa Nhật III Thường Niên B

vo ha

Chúa Nhật Thứ III  thường niên B tuần nầy ngày 24/01/2021, Phụng Vụ Lời Chúa tiếp tục chủ đề chính của tuần trước là Chúa mời gọi và con người đáp lại. Gọi 4 môn đệ nồng cốt, đồng thời cũng kèm theo lời khuyên sám hối hoán cải và tin vào Phúc Âm, vì nước Trời đã đến gần. Tức là Chúa Giêsu đã xuất hiện công khai rồi.   

Bài đọc I trong Cựu Ước, Thiên Chúa sai tiên tri Giona đi loan báo tối hậu thư cho dân Thành Ninivê, phải quay đầu là bờ trong 40 ngày, kẻo bị hình phạt huỷ diệt nguyên cả thành phố. Qua bài Phúc Âm, Chúa Gọi 4 Tông đồ đầu tiên: Anrê, Phêrô, Giacôbê và Gioan. Và Bài Đọc II, trích trong thư Thánh Phaolô gởi tín hữu  Côrintô, nhắc về việc cần kiếp đáp lại tiếng Chúa, vì thời giờ hay cuộc sống trên thế gian vắn vỏi. Để hiểu thêm, ta cùng đọc nguyên văn Lời Chúa bên dưới và xin Chúa hướng dẫn thêm. 

 

BÀI ĐỌC I: Gn 3: 1-5, 10 “Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay”.

Bài trích sách Tiên tri Giona.

Lời Chúa phán cùng Giona rằng: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi”. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. 

Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giona tiến vào thành phố đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ”. 

Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 7, 29-31   “Bộ mặt thế gian này đang qua đi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi.

PHÚC ÂM: Mc 1, 14-20 “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình

Trước hết, bài Đọc I được trích rất ngắn gọn về việc Chúa gọi Tiên Tri Giona. Theo bản trích dẩn hôm nay, Ông ngoan ngoãn vâng lệnh Chúa đi rao giảng việc hoán cải cho thành Ninivê. Và dân thành từ lớn tới nhỏ, từ người đến thú đều nghe ông, từ bỏ đời sống xấu xa, nên Chúa thứ tha, không phạt họ.

Cũng nên biết thêm một chút tổng quát về chuyện ngắn gọn của Tiên Tri Giona. Không nghiêm túc như sách Isaia hay nhiều tiên tri khác, mà truyện Ông Giona có vẻ lý thú,  pha thêm hài hước, châm biếm, như chuyện dụ ngôn Sự Tích Trầu Cau của Việt Nam, đưa tới bài học tôn giáo.  

Sách nầy nói về thái độ đáp ứng lời Chúa của nhà Tiên Tri, cũng thêm dạy mọi người và cách riêng cho cấp lãnh đạo tinh thần. 

Giôna là tiên tri thời vua Giêrôbôam II (782-753 TCN)  có ghi trong sách  II Vua (14:23-28) và sách của Ông được biên soạn trong khoãng từ thế kỷ VI – năm 200 TCN. Bên trời Á Đông, ông bà tổ tiên Việt Nam ta đã từng nói: ăn cơm chúa (thì phải) múa tối ngày. Chúa ở đây, thời ông bà mình là vua chúa trần gian. Ai làm công chức, tức công bộc, đầy tớ nhân dân thì phải phục vụ dân hết việc hơn là hết giờ trong bình đẳng và công lý. Riêng lời dạy phục vụ dân trong lãnh vực tinh thần nơi sách nhà đạo nầy, thì còn cao hơn nữa. 

Chúa gọi Ông Giôna, dù ông không muốn. Chúa sai ông đi rao giảng sám hối cho Thành Ninivê, thủ đô của kẻ thù là đế quốc Assyria. Họ đã từng bắt dân Israel Miền Bắc làm nô lệ từ năm 721 TCN. Ông đâu có ưa gì kẻ thù nầy, mà còn muốn Chúa hủy diệt họ. Nên Ông trốn xuống thuyền vượt biển qua xứ khác. Khi ra khơi, giông gió nổi lên, Ông bảo thuỷ thủ bỏ ông xuống biển thì được yên. Chúa đã chuẩn bị một con cá to lớn như chiếc tàu lặn, nuốt ông vào bụng 3 ngày, rồi ói ông lên bờ biển – theo đị lý dài chừng 850 km – để đi tới thành Ninivê.

Khi chạy đàng trời (nào) cũng không khỏi nắng, là lệnh và ý Chúa, ông Giôna phải ráng cam lòng mà chịu. Chịu gì? – Ông miễn cưỡng làm nhiệm vụ rao giảng, còn dân ngoại thì trông chờ và đáp lại ngay khi được nghe. Từ vua tới dân, thú, gió, biển, cá, sâu, thuỷ thủ, cây thầu dầu, mặt trời đều phục vụ Chúa, trừ Giôna cự nự Ngài tới cùng. Bài học của Vị Ngôn Sứ nầy, cũng dạy riêng cho những ai được chức vụ đặc biệt trao ban, để hầu việc Chúa, thì lấy Sách của nhà tiên tri nầy làm gối đầu giường. Luôn phục vụ dân Chúa và mọi người,  trong công bình, chính trực vượt trên phe phái, tình cảm và cả quyền lợi thế gian. 

Ý chính của sách là Chúa còn muốn dạy bài học mới: ơn Cứu Độ là catholic, công giáo, phổ quát cho mọi người, không riêng chỉ cho Do Thái như thời ông Esdra và Nêhêmi-a  trong sách mang tên hai Ông. 

Thời Tân Ước, thái độ của dân thành nầy được Chúa Giêsu lập lại để lên án sự cứng lòng của phần lớn người Do Thái không tin Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, cao trọng hơn Giôna mọi đàng (MC 20:15; Lc 11: 29-32)

Cuối sách, Chúa đặt ra câu hỏi cho Ngôn Sứ Giôna cũng như cho mọi người nữa,  chẳng lẽ Chúa không thương xót cả kinh thành lớn Ninivê đã hoán cải ngay khi nghe rao giảng. Còn thái độ của con cái đạo cũ xưa nay thì sao? Chúa đang chờ câu trả lời từ mỗi chúng con. 

Qua Bài Phúc Âm, Chúa Giêsu công bố nước Chúa trong tầm tay và gọi bốn môn đệ đầu tiên Anrê, Phêrô, Giacôbê và Gioan. Lời mời gọi hay ơn gọi nầy phát xuất từ Chúa trước nhất và các ông tin tuởng cùng từ bỏ cuộc sống bình thường mà theo Ngài.

Từ ngữ Ơn Gọi trong sách vở xưa nay, thường được hiểu theo nghĩa hạn hẹp, là làm tu sĩ nam nữ, giữ vâng lời, khó nghèo, độc thân để hầu việc Chúa,  lo chuyện tông đồ. Nhưng chưa đủ, còn phải hiểu theo nghĩa rộng là Chúa gọi mọi người, kẻ tu, người đời, để phục vụ Chúa trong hoàn cảnh riêng tư từng người. 

Chúa gọi con hay nói với con trong kinh nguyện, qua bài giảng, trong Lời Thánh Kinh. Chúa còn gọi con qua mọi biến cố vui buồn sướng khổ ở đời, riêng trong những ngày ưu tư trầm trọng trước thời cuộc và biến cố chính trị  có tầm vốc thế giới hôm nay. Có vẻ như cỏ dại đang lấn lướt khắp mọi nơi kể cả trong đền thánh Chúa. Vô thiên, vô pháp nhan nhản trong thế giới giàu có cũng như nghèo khó. Con phải hiểu thế nào và phải làm gì đây? Sự thất vọng với người phàm, giúp con cũng hiểu rằng chỉ có Chúa là chính trực và thế giới đầy gian ác nầy sẽ qua đi mau chóng. 

Chúa vẫn còn nói, còn gọi con qua người thân, kẻ thương, kể cả qua người sơ kẻ ghét và cũng qua những  câu chuyện hay, cùng với lời hay ý đẹp  trong sách vở và cả trên mạng điện não hôm nay.  Nhưng con có mở lòng ra, có nhạy cảm đủ để nhận ra hoặc bỏ qua.

Rồi khi con hiểu được tiếng Chúa. Chúa muốn con làm gì trong môi trường của con, thì con có ngại ngùng chần chừ hay nhanh lẹ đáp lại theo như gương 4 môn đệ  trong bài Phúc Âm hôm nay không?

Trở lại bài đọc II,  ba câu trong lời khuyên bên trên, của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô, có vẻ bi quan yếm thế, dễ làm người ta bị lộn xộn, lẫn lộn. Khá  là khó hiểu  với Nhà Thông Thái Thánh Thiện nầy khi Ngài viết:  “ai có vợ hãy ăn ở như không có, người than khóc hãy ăn ở như không than khóc, kẻ hân hoan hãy ăn ở như không hân hoan, người mua sắm hãy ăn ở như không có gì”. Tại sao?

Xin ném một chút nhìn tổng quát lên thành Côrithô thời  đó, hi vọng có thể giúp hiểu được ý chính của ba câu trên.

Côritô là một trong vài thành phố quan trọng nhất của Hy lạp, bị người Roma tàn phá năm 146 TCN và được xây dựng lại năm 44 TCN. Thời Thánh Phaolô viết thư trên khoãng năm 53 -55 SCN, thành nầy vẫn đang là trung tâm văn hoá Hy Lạp, tổng hợp nhiều trào lưu tư tưởng và tôn giáo với nếp sống hưng thịnh, nhưng xô bồ, gần như những thành phố lớn hôm nay. Nhóm tín hữu Chúa chỉ là con số rất nhỏ so với 600 ngàn dân cư. Với tệ nạn chia rẽ, bất hoà, kiện tụng, loạn luân, mại dâm, rượu thịt…  gương xấu lan tràn mà số người tin Chúa  nơi đó, chỉ là số ít,  nhưng cũng không tránh khỏi. 

Cái nhìn của Thánh Phaolô thuộc về chân lý nước trời, hướng tới cánh chung là mục đích sau cùng của đời người, trở về sống vĩnh cữu với Chúa trên thiên quốc. Nói cách khác, chỉ có nước trời mới, là mục tiêu cuối cùng sau cuộc sống trần thế nầy. 

Thánh Phaolô không kêu gọi sống thờ ơ hay coi thường những thực tại trong đời  sống con nơi trần thế, mà nhấn mạnh tới ý nghĩa tạm bơ thay đổi. Đời người thật chóng qua. Tất cả rồi cũng ra đi không bao lâu nữa. Mọi vui buồn sướng khổ ở đời nầy không bền. Nên đừng quá ỷ lại. Không quá bám, đừng quá liều vào những gì hiện tại mà hưởng thụ một cách quá lẽ, coi  như không bao giờ hết, không có ngày mai. 

Xin Chúa giúp chúng con hiểu rằng có thể hôm nay là ngày sau cùng của cuộc đời nầy mà lo chuẩn bị cho kiếp tới.

Chung lời kinh nguyện 

Chúa luôn mời gọi chúng con làm tông đồ Chúa,  như đã mời gọi 4 môn đệ đầu tiên. Xin giúp chúng con lắng nghe tiếng Chúa.  

Xin giúp chúng con, mọi thành phần dân Chúa, biết nhận ra chính mình và tránh gương xấu cho anh em chung quanh

Xin giúp chúng con thật lòng ăn năn sám hối và canh tân cuộc sống mỗi ngày

Xin cho nạn nhân của gương xấu, việc xấu, còn biết nhận ra Chúa là mẫu gương tốt lành mà  tin tưởng, để được nâng đỡ và ủi an.

Xin giúp xứ đạo chúng con biết nhận ra gương xấu của mình, mà ăn năn sám hối và trở về với Chúa.

 Qua lời rao giảng của Giôna, cả thành lớn Ninivê động lòng và ăn năn cải hóa. Xin cũng đánh động chúng con, biết mọi sự đời nầy chóng qua, mà sử dụng chúng cho phải lẽ, để đưa tới cuộc sống lâu bền mai sau. 

Chúng con cầu xin, nhờ danh Giêsu Kitô, Chúa chúng con