Thiên Chúa Tặng Quà Giêsu Kitô cho con người. 

print
 
Thiên Chúa Tặng Quà Giêsu Kitô cho con người. 
Chúa Nhật Thứ II  Mùa Chay Năm B
 
vo ha
 
Hơn hai tuần trước,  người Việt Nam nói riêng, chung vui ăn Tết Nguyên Đán. Mỗi năm vào ba ngày nầy, ngoài việc tụ họp gia đình, chung nhau bữa cơm thân ái và chúc  mừng nhau với những thứ quà  hiện kim hiện vật. Quà không thể thiếu, vì đó là đấu chỉ tấm lòng thành kính, nhớ ơn, tôn trọng  của kẻ dưới với người trên. Ngược lại cũng vậy, quà tặng cũng là tấm lòng yêu thương,  quan tâm của người trên với kẻ dưới. 
 
Trở qua phạm vi tôn giáo hay tinh thần,  Lời Chúa được đọc trong Thánh Lễ  Chúa  Nhật Thứ II Mùa Chay năm B nầy,  cho thấy Abraham của Cựu Ước đã dâng I-sa-ác  làm lễ vật như quà hiến tặng lớn lao nhất lên Thiên Chúa. Món quà ngày đó, minh chứng cho lòng trung thành của ông.
 
 Sang thời Tân Ước, Chúa Cha lại trao tặng chính Người Con độc nhất làm hiến vật cứu chuộc loài người.  Xin giúp chúng con hiểu thêm lý nghĩa tiềm ẩn trong Lời Chúa hôm nay. 
 

BÀI ĐỌC I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18 “Của hiến tế ca Abraham T ph chúng ta”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Khi hai người đến nơi Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên bàn thờ trên đống củi. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông thưa lại: “Dạ, con đây”. Người nói: “Ðừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”.

 Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình. Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: “Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.

  

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 31b-34

“Thiên Chúa không dung tha chính Con mình”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? 

Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Ðấng làm cho nên công chính?

 Ai sẽ kết án? (Chẳng lẽ là) Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta?

 

PHÚC ÂM: Mc 9, 2-10

“Ðây là Con Ta rất yêu du”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”.

 Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

 
Trước hết trong bài đọc I, Tiên Tổ Abraham được Thiên Chúa chọn chừng 4000 năm trước, để lập một dân riêng, dọn đường cho Chúa Con làm người cứu thế. Vào lúc Ông đã già, chỉ còn lại người con duy nhất là Isaác, sau khi đã cho Ishmael, con chung với nàng hầu Haga ra đi về hướng Ai Cập (St. 21: 9-21). 
 
Thời đó nhân loại nhiều nơi, đã dùng sinh mạng kẻ thù hay trẽ con của phe đối nghịch dâng cúng thần linh. Ở đây Thiên Chúa lại bảo ông đem Isaac, con Ông,  đi tế lễ cho Ngài. Lẽ thường, dưới mắt cận thị của loài người,  phải hiểu là tiêu diệt  dòng dõi của Ông. Làm sao dòng tộc của ông đông đúc như Chúa hứa trước kia,  khi chính người Cha  bị đòi hỏi phải giết đứa con một. Thêm nữa, khi dùng dao sát tế con mình, Abraham phải có cảm giác đau đớn như mũi dao ấy đâm vào con tim và  xương thịt  chính ông. 
 
Những ai đã từng là cha mẹ lương thiện, mới có thể trực tiếp hiểu được tình cảnh nầy. Con đau một, cha mẹ có thể đau mười. Tuy nhiên Ông vẫn vâng Lời Chúa, và dùng hai ngày để chuẩn bị mọi thứ cần thiết đầy đủ. 
 
Rồi Thiên Thần Chúa can ngăn Ông, khi Abraham đưa tay lấy con  dao sát tế người con. Thay vào đó, ông lại bắt con cừu đực đang mắc sừng trong bụi gai thay vào. 
 
Chúa biết ông kính sợ Chúa đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất. Nên Chúa thề sẽ chúc phúc, làm cho dòng dõi ông đông đảo như sao trời cát biển. Nhờ đó mà muôn thế hệ về sau, gọi ông là Tổ Phụ của niềm tin phổ quát cho những ai chịu chấp nhận làm con Thiên Chúa.
 
 Abraham là hình ảnh đi trước. Với Isaac, được Thiên Chúa cho thoát chết và để dành lại cho người cha. Tới thời Tân Ước Chúa Cha lại không tha cho Con của Ngài, mà lại cống hiến Người con duy nhất là Giêsu. Ngài phải chịu chết, để làm quà Tế lễ đền tội cho cho nhân loại.
 
 Ôi! Lòng Chúa bao la với con người là thể nào?. Chúng con có nhận ra và đáp lại lòng Chúa được bao nhiêu?
 
Qua Bài Phúc âm, thường thì bài đọc I mở đầu với ý chính lót đường cho bài Phúc Âm. Hai bài nầy luôn cùng một đại ý.  Trong bài nầy Thánh Marcô tường thuật cảnh tượng Chúa Giêsu biến hình trên núi, còn gọi là  Chúa Hiển Dung. Ý chính với bài đọc I là ở đâu?. Thưa, Chúa Con trong thân phận con người, bằng chứng là đi bộ lên núi, đã biến hoá nên vẻ huy hoàng của thần thánh, mà Chúa Cha biếu không con người.  
 
  Trong bài nầy, áo Chúa Giêsu chói lọi,  trắng tinh như tuyết.  Đó là những màu sắc vinh hiển, tinh tuyền của  người công chính  trong Nước Thiên Chúa, như các tiên tri mô tả (Đn 12,3. Kh 7: 9 ). 
 
ý thứ hai, Chúa Giêsu biến hình cũng để  củng cố niềm tin cho các tông đồ sau khi loan báo lần I cách đấy mấy  ngày.   Ngài sẽ bị loại bỏ, bị giết chết, khiến Phêrô kéo riêng Người ra và bắt đầu phiền trách (Mc 8: 31-33).
 
 
Tới đây, xin thắc mắc, hai Ông Môsê và Elia hiện đến gặp Chúa Giêsu để làm gì? Trong những phút vinh quang trên,  có thể hiểu hai ông là sứ giả đại diện cho Cựu Ước, đến để bàn giao thời kỳ trị dân theo chữ  của lề luật, qua thời kỳ Tân Ước cho Chúa Giêsu. Ngài sẽ chiêu mộ một dân mới và cai trị theo tinh thần của lề luật (Rm 7:6). Vì chưng tới lúc con người mới sẽ thờ Chúa không phải chỉ tại Giêrusalem hay trên núi Galizim, mà trong Thần Khí và sự thật (Ga 4: 20-26).  
 
Trước khi vào sa mạc ăn chay 40 đêm ngày chuẩn bị cho cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã tình nguyện chịu phép rửa của Gioan. Ngày ấy khi từ trong nước bước lên, thì Thánh Thần qua hình chim câu đậu trên Ngài với Lời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3: 13-17. Mc 1: 9-11). Hôm nay tại núi cao trong bài đọc nầy, một lần nữa, Thiên Chúa thêm vinh danh, tuyên phong và xác nhận cho thế giới biết, khi Chúa Giêsu sắp kết thúc sứ mệnh công khai. Nên từ đám mây đang bao phủ ba Vị bên trên,  có tiếng phán (của Thiên Chúa): “Đây là Con rất yêu quí của Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Do đó, Lời của Chúa Giêsu cũng chính là Lời của Cha và Thánh Thần. Nên khi chúng con nghe và thực hành Lời của Chúa Giêsu, cũng cùng vừa làm đẹp lòng Ba Ngôi Thiên Chúa.
 
Trờ lại Bài Đọc II,  Thánh Phaolô viết cả trích đoạn 4  câu bên trên, theo thể văn hỏi, hơi dài,  khá phức tạp, để  tín hữu Rôma thêm động não, mà thấy  rõ lòng Chúa bao la khi hiến tặng chính Con của Ngài. 
 
Ý chính của Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức  Giêsu Kitô, vượt lên trên hay chống lại  mọi ngăn cản  đến với ơn cứu độ,  cho những kẻ được tuyển chọn.
 
 Ngài lý giải rằng: Thiên Chúa đã không để dành, tha mạng, miễn cho, dung tha (spare) Con của Ngài, mà lại trao Người Con đó (ví như khối kim cương) cho chúng ta, thì chẳng lẽ không chịu ban mọi sự khác (như đồng, chỉ, nhôm, sắt, thép, đất sét, bụị trần …) hay sao?. Nên  Thiên Chúa  là Đấng công chính làm sao tố cáo những kẻ Người đã chọn?.
 
Thêm ý nữa, còn Đức Giêsu Kitô đã chết (cho ta) sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, trở thành biện hộ viên (cho ta) thì làm sao kết án ta được? 
 
Nên ta phải thấy Thiên Chúa  là nguồn hi vọng và tình yêu, luôn thu phục  con người đến với Ngài. Rồi khi Chúa ủng hộ ta, thì nào ai có  thể chống ta được. Nên đừng sợ   (Is 43:1; Mt 10: 26-33). 
 
Xin dâng lời cầu.
Chúng con luôn cậy dựa vào Chúa, như đứa con thơ nương nhờ cha mẹ.
 
Xin giúp Hội Thánh gồm mọi thành phần dân Chúa, vững tin vào Ngài, lúc an vui vinh quang cũng như trong cơn gian nguy thử thách.
 
Xin cho nhà cầm quyền các cấp đủ can đảm phục vu dân, trong công bình, bác ái mà không  sợ sệt áp lực của bóng tối hay tử thần

Xin cho dân tộc Việt chúng con biết đoàn kết, yêu thương nhau hầu xây dựng công ích cho mọi người.

Xin soi sáng thêm cho chúng con hiểu rõ, mà siêng năng tới Bàn Tiệc Thánh, là nơi Chúa vẫn còn biến thể biến hình trong tấm bánh và chén rượu, vì yêu thương chúng con.

Chúa đã vào vinh quang vĩnh cửu, xin nâng đỡ đức tin non yếu của đoàn dân Chúa, để chúng con cùng với Chúa vượt qua mọi khó khăn thử thách của thời đại nầy. 

Xin cho bổn đạo giáo xứ chúng con, ráng chu toàn bổn phận có thể mỗi ngày, làm thành món quà nhỏ bé, đáp lại lòng Chúa bao la.  Amen