5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày Tháng 3.2021 – Abba

print

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Mục Vụ Giới Trẻ 2021

ĐỒNG HÀNH VỚI GIỚI TRẺ

 HƯỚNG ĐẾN SỰ TRƯỞNG THÀNH TOÀN DIỆN

THÁNG 03/2021

5 PHÚT LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Trích Tập Sách 5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày

https://abbalaycha.wordpress.com


CẦU NGUYỆN THEO Ý ĐỨC THÁNH CHA

THÁNG 03/2021

Xin cho chúng ta cảm nghiệm sâu xa Bí tích Giao Hòa

 hầu hưởng nếm Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa.

01/03/21 THỨ HAI TUẦN 2 MC
Lc 6,36-38

NHÂN TỪ NHƯ CHA NHÂN TỪ

            “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)

            Suy niệm: “Chúng ta cầu xin lòng Chúa nhân từ; lời cầu nguyện ấy cũng phải dạy chúng ta đáp trả bằng những hành vi nhân ái” (W. Shakespeare). Đức Giêsu dạy ta bày tỏ lòng nhân từ qua bốn mệnh lệnh: – hai mệnh lệnh tiêu cực: không xét đoán, không lên án; và hai mệnh lệnh tích cực: hãy tha thứ, hãy cho. Tại sao ta phải cố gắng bỏ thói quen hay xét đoán và lên án người khác? Tại sao ta phải nỗ lực vượt lên trên bản năng tự nhiên để tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình và cho đi cách quảng đại? Thưa, chỉ vì ta muốn noi gương Chúa Cha là Đấng nhân từ. Cha nào con nấy, hổ phụ sinh hổ tử; cũng vậy, chúng ta phải trở nên giống Cha của mình, để xứng danh là con cái Ngài.

            Mời Bạn: Có thể diễn tả quan hệ giữa Thiên Chúa, bạn và người khác qua một hình tam giác, mà Thiên Chúa là đỉnh của tam giác ấy. Càng tha thứ và cho đi với người lân cận, bạn càng được Thiên Chúa thứ tha và cho lại dồi dào. Càng tha thứ và cho đi, bạn càng trở nên cao thượng như Cha của mình. “Nhân từ là dấu hiệu đích thực của sự cao thượng” (nhà văn W. Shakespeare).

            Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay tôi sẽ  (1) không lên án bất cứ người nào; và (2) chia sẻ một cái gì đó thân thiết với mình (thời giờ, tiền bạc, sự quan tâm…) như một cách bày tỏ lòng nhân từ cho những ai đang cần đến.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường sống theo bản năng tự nhiên: hay xét đoán, thích lên án người anh em, khó khăn khi tha thứ và do dự khi cho đi. Xin Chúa nhân từ tha thứ cho chúng con. Xin cũng giúp chúng con đáp trả bằng cách bày tỏ lòng nhân từ với nhau. Amen.

02/03/21 THỨ BA TUẦN 2 MC
Mt 23,1-12

TỰ TÔN – TỰ HẠ

            “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Mt 23,12)

            Suy niệm: Thời đại ngày nay nhiều người, trong đó có nhiều bạn trẻ, mắc hội chứng muốn nổi tiếng. Họ không ngại dùng bất cứ chiêu trò nào, kể cả những việc gây sốc, tạo xì-căng-đan để gây chú ý, được nổi trội, để có được cái tiếng hotgirl, hotboy, topten, vô địch… Chúa Giêsu dạy chúng ta chân lý về sự nghịch đảo giữa thái độ của chúng ta và hệ quả của nó: hễ ai tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, và đảo lại, ai sống khiêm hạ thì sẽ được tôn vinh. Đó chính là lối sống đẹp theo Tin Mừng mà Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta qua chính cuộc sống của Ngài: Ngài đã không nề từ bỏ vinh quang của Con Một Thiên Chúa, tự hạ làm người, sống khó nghèo, vâng phục cho đến chết trên thập giá; chính vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người là Chúa, là Trưởng Tử đứng đầu mọi loài trên trời dưới đất (Pl 2,6-11; Cl 1,15-20).

            Mời Bạn: Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã luôn nhủ bản thân: “Tôi càng ẩn dật bao nhiêu, càng được đẹp lòng Chúa bấy nhiêu”, bạn có suy nghĩ gì về câu này? Bạn cũng đặt cho mình một châm ngôn để sống đẹp theo Tin Mừng nhé.

            Sống Lời Chúa: Tôi luôn ý thức sống khiêm tốn trong tư tưởng, lời nói việc làm giữa mọi người, trong gia đình, nhà trường, nơi công sở, v.v….

            Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong con luôn có khuynh hướng muốn hạ người khác xuống để đưa mình lên. Xin giúp con biết noi gương Chúa sống khiêm nhường tự hạ để mở lòng đón nhận anh chị em con với tất cả tình yêu thương và tôn trọng. Xin giúp con trở nên người tôi tớ luôn sẵn sàng phục vụ họ trong tình bác ái vui tươi.

 

 

03/03/21THỨ TƯ TUẦN 2 MC

Thánh Catherine Drexel, đồng trinh

Mt 20,17-28

LỜI CẦU XIN CHO HÔM NAY

            “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả.” (Mt 20,21)

            Suy niệm: Lo lắng tương lai cho con và nghĩ rằng Chúa sẽ lập một chính phủ, bà mẹ xin cho hai con được ngồi ‘bên hữu, bên tả trong Nước Chúa’. Nhưng Nước Chúa cần môn đệ chứ không cần quan chức. Chúa không lên danh sách chức danh, bổng lộc để ban phát, nhưng Ngài tuyển chọn một số môn đệ, huấn luyện họ rồi sai đi rao giảng Tin Mừng. Cơ chế ở đây, không phải là ‘xin-cho’ nhưng là ‘ở với-sai đi’. Cho nên điều bà mẹ xin ‘được ở bên tả bên hữu’ sẽ rất chính đáng nếu đó là lời xin cho hôm nay bởi vì lúc này họ rất cần ở với Chúa, gắn bó với Chúa, học hiểu giáo huấn của Chúa, dám uống chén đắng của Chúa để cùng Chúa cứu độ thế gian.

            Mời Bạn: đi vào đời sống nội tâm để hằng ngày được ở với Chúa. Ở với Chúa không chỉ là hiện diện về thể lý nhưng với cả con người của bạn, sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa, sống thân mật với Chúa và làm theo ý Ngài.

            Sống Lời Chúa: Đến với Chúa, tôi cởi bỏ tham vọng, quan điểm cá nhân để tôi nhìn thế giới với ánh mắt của Chúa, đi con đường của Chúa và rao giảng chân lý của Ngài.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được ngồi “bên tả bên hữu” Chúa ngày hôm nay nghĩa là khi Chúa đang “uống chén đắng” và vác thập giá. Cho con ở gần Chúa để con được thanh luyện khỏi những lây nhiễm thế gian hầu trở nên khí cụ Chúa dùng cho vinh quang Chúa. Xin cho con ở với Chúa để con hiểu rằng tư tưởng Chúa vượt quá trí hiểu con người, để con biết tin tưởng vào Chúa mà không tìm cậy dựa vào khả năng bản thân, để con được đổi mới, được Chúa sống và hành động trong con. Amen.

 

 

04/03/21 THỨ NĂM TUẦN 2 MC

Thánh Casimirô, Hoàng tử Ba-lan
Lc 16,19-31

“GIÀU HƠN KHI BIẾT CHO ĐI”

            “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,…” (Lc 16,19-20)

            Suy niệm: Mười người giàu nhất hành tinh năm 2013 được nêu tên trong tạp chí Forbes, mỗi người sở hữu tài sản nhiều chục tỷ đôla, số tiền lớn gấp hàng trăm triệu lần thu nhập bình quân đầu người tại mười nước nghèo nhất thế giới. Xã hội càng tiến bộ, văn minh thì sự phân hoá giàu nghèo lại càng tăng, “người ăn không hết, kẻ làm không ra”. Trong dụ ngôn, thánh sử Luca cũng vẽ lên bức tranh tương phản đó. Hình ảnh người phú hộ áo quần sang trọng, yến tiệc linh đình tương phản đến phát sốc bên cạnh người nghèo Ladarô, ghẻ lở, đói khát nằm trước cửa nhà ông, “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”. Sự tương phản ấy sâu xa đến tột cùng và đảo chiều khi cả hai bước sang cõi đời sau. Ông nhà giàu bị trầm luân trong địa ngục, còn Ladarô có một vị trí thật ấm cúng trong lòng Ápraham trên thiên đàng.

            Mời Bạn: Giàu hay nghèo không phải là tội, nhưng tội ở chỗ là không biết quan tâm chia sẻ, tội khi thờ ơ dửng dưng với những người nghèo sống bên cạnh. Bạn có nhận ra và quan tâm đến người nghèo: nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo niềm hy vọng, nghèo sự cảm thông, sống bên cạnh bạn chưa?

            Chia sẻ: “Người giàu thật là người biết cho đi”. Bạn suy nghĩ gì về câu nói ấy?

            Sống Lời Chúa: Tiết giảm chi tiêu để dành phần chia sẻ cho người nghèo.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận tất cả những gì Chúa ban với lòng biết ơn, đồng thời cũng biết quan tâm chia sẻ cho những anh chị em thiếu thốn.

05/03/21 THỨ SÁU TUẦN 2 MC

Thánh Gioan Giuse Thánh Giá

Kiêng thịt  (14 tuổi trở lên)    

Mt 21,33-43.45-46

THIÊN CHÚA VÀ NƯỚC CỦA NGÀI

            “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” (Mt 21,38)

            Suy niệm: Bọn tá điền này thật quá quắt đến độ được ông chủ giao cho việc coi sóc vườn nho, nhưng lại muốn đoạt vườn nho bằng cách giết hại những người chủ sai đến, thậm chí giết luôn đứa con thừa tự của ông. Sự hung ác của bọn tá điền thật quá đáng đến độ tưởng như không có trong thực tế, thế nhưng đó lại là điều Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến các thượng tế và Pharisêu – mà họ cũng hiểu như thế. Và vì hiểu như thế nên họ đã rắp tâm giết hại luôn “đứa con thừa tự” là chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa bởi vì họ quá biết rằng “ông chủ vườn nho” sẽ kíp loại trừ họ mà trao vườn nho cho người khác.

            Mời Bạn: Vườn nho đó chính là hình ảnh của Nước Thiên Chúa, nơi qui tụ mọi người tin vào Đức Giêsu Kitô để được cứu độ nhờ Danh Ngài. Nước Chúa đã khởi đầu và sẽ hoàn tất trong ngày cánh chung mà Giáo Hội trên trần gian chính là dấu chỉ hữu hình của Nước đó. Mỗi kitô hữu vừa là thành phần trong “vườn nho của Chúa” vừa được đặt làm người chăm sóc vườn nho đó. Hẳn là sai lầm khi chúng ta nói mình đang phục vụ Nước Thiên Chúa mà lại hành động như “những tá điền chiếm đoạt vườn nho” và “giết hại” những sứ giả Chúa sai đến. Đúng hơn, Chúa mời gọi chúng ta làm việc trong vườn nho của Chúa không phải như người làm thuê mà là như người con thảo đi làm vườn nho cho cha mình.

            Sống Lời Chúa: Cầu nguyện đặc biệt cho những vị chủ chăn của bạn.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức sứ mạng của mình trong Giáo Hội để chúng con tham gia xây dựng Giáo Hội Chúa với tinh thần trách nhiệm và trong tình hiệp nhất yêu thương.

.06/03/21 THỨ BẢU TUẦN 2 MC

Lc 15,1-3.11-32

EM CON ĐÃ CHẾT, NAY SỐNG LẠI

            “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15,32)

            Suy niệm: Hành vi bất hiếu với cha, bỏ nhà ra đi và ăn chơi phung phá của người con thứ là những tội rất nặng. Mang những tội này, anh ta tuy còn sống đó, nhưng bị coi như đã chết. Nay anh sám hối trở về, khác nào anh đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Được gặp lại người con thứ trở lại, người cha vui mừng khôn tả: ông mở tiệc ăn mừng. Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa trọn vẹn vì còn người con trưởng không muốn hiệp thông, chia sẻ niềm vui với gia đình và không muốn tha thứ đón nhận em.

            Mời Bạn: Tha thứ là điều kiện của hiệp thông và niềm vui. Chúng ta thường khó tha thứ cho tha nhân vì không nhận ra tội lỗi của mình, giống như người con trưởng chỉ thấy em mình là đứa bỏ nhà đi hoang, mà không nhận ra chính mình từ chối cha và từ chối chính em mình nên anh ta không tha thứ, không đón nhận em. Không tha thứ thì không thể có hiệp thông và không có niềm vui được. Trong Mùa Chay, Chúa mời gọi mỗi người trở về bằng cách sám hối tội lỗi của mình nhưng đồng thời cũng tha thứ cho người khác. Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót và yêu thương đang chờ đợi chúng ta sám hối và sống trong niềm vui của Chúa.

            Chia sẻ: Bạn đã kinh nghiệm được niềm vui khi tha thứ cho tha nhân như thế nào, xin chia sẻ.

            Sống Lời Chúa: Hãy vui niềm vui của các thánh trên thiên đàng. Họ vui mừng vì một người tội lỗi sám hối trở về.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban cho con khả năng nhận ra thân phận tội lỗi của con, để con biết quý trọng những tâm hồn tội lỗi sám hối trở về.

07/03/21 CHÚA NHẬT 3  MÙA CHAY B            

Ga 2,13-25

BẢO VỆ SỰ LINH THÁNH

     “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” (Ga 2,16)

            Suy niệm: Trong những năm gần đây, báo chí thường chạy những bài phóng sự về cảnh tượng xô bồ nơi các đền chùa trong những dịp lễ hội đầu năm: nào là chen lấn xô đẩy để lĩnh ấn đền Trần, nào là buôn bán chặt chém khách hành hương Chùa Hương, nào là hỗn loạn xin lộc đền bà Chúa Kho. Dễ thấy rằng chính não trạng vụ lợi muốn biến thần thánh thành công cụ phục vụ lòng ham muốn của mình đã mở đường cho việc thương mại hoá những giá trị cao quý linh thiêng của văn hoá và tín ngưỡng. Cũng với não trạng ấy, người Do Thái đã biến sân đền thờ, nơi thánh thiêng để thờ phượng Thiên Chúa, trở thành một cái chợ để buôn bán. Là Con Thiên Chúa và là Đấng Thánh, Chúa Giêsu không chấp nhận để đền thờ, “nhà của Cha Ngài,” bị tục hoá. “Hiền lành và khiêm nhường” như Ngài mà cũng phải nổi giận, dùng roi xua đuổi những người buôn bán nơi đền thờ như thế thì đủ hiểu những gì thuộc về Thiên Chúa là linh thánh và bất khả xâm phạm.

            Mời Bạn: Nhà thờ là nơi thờ phượng Thiên Chúa. Đến đó, bạn mặc y phục  chỉnh tề, cử chỉ tác phong trang nghiêm cung kính, đó là điều chính đáng. Nhưng xin bạn cũng lưu ý đến những đền thờ khác của Thiên Chúa; đó là bàn thờ Chúa trong gia đình bạn; đó là đền thờ Chúa Thánh Thần nơi tâm hồn bạn cũng như nơi anh chị em của bạn. Bạn đã giữ gìn sự linh thánh và tôn nghiêm nơi những đền thờ đó chưa? Bạn đã coi đó là nơi cầu nguyện, nơi bạn gặp gỡ Thiên Chúa chưa?

            Sống Lời Chúa: Dù bận rộn, bạn quyết tâm dành thời giờ, dù ít dù nhiều, để cầu nguyện với Chúa mỗi ngày.

            Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

08/03/21 THỨ HAI TUẦN 3 MC

Thánh Gioan Thiên Chúa, tu sĩ

Lc 4,24-30

KHI KHÔNG CÒN CHỖ CHO TIN MỪNG

            Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi, họ kéo Người lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi. (Lc 4,28-30)

            Suy niệm: Rất có thể Đức Giêsu đã dự cảm được phản ứng tiêu cực của đồng hương Nadarét với Tin Mừng Người rao giảng, nhưng Người vẫn cứ lên tiếng để rồi bị từ chối và thậm chí bị xua đuổi như một tên gây rối ngay tại làng quê của mình. Nhưng sứ giả Tin Mừng bị xua đuổi thì không có nghĩa Tin Mừng không còn đất sống. Thánh Giám mục Cuénot Thể gởi báo cáo về Hội Thừa sai cho biết đã gởi 20 lượt thầy giảng từ Quy Nhơn lên truyền giáo trên Tây Nguyên mà đã thất bại, mới đây lại gởi thêm một đoàn nữa cũng thất bại trở về. Nhưng ngày nay sau 150 năm truyền giáo Tây Nguyên, chúng ta biết rằng Tin Mừng đã ăn rễ sâu nơi vùng đất xa xôi đó như thế nào. Người gieo đã ra đi nhưng hạt giống đã được vùi trong lòng đất và đây chính là lúc hạt giống chịu mục nát để nảy mầm và vươn lên. Đây cũng là chuyện rất thường tình.

            Mời Bạn: Chấp nhận cách khiêm tốn, bình an những phản bác khi phục vụ Tin Mừng, không nản lòng khi nỗ lực của bạn có vẻ vô hiệu.

            Chia sẻ: Tôi có thái độ nào khi làm việc tông đồ mà thất bại?

            Sống Lời Chúa: Nói hoặc làm theo Lời Chúa dạy dù gặp phản ứng tiêu cực.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho các sứ giả Tin Mừng của Chúa sự bình an và can đảm để kiên trì phục vụ lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện. Xin cho họ biết quên mình để chỉ tìm vinh danh Chúa mà thôi. Amen.

 09/03/21 THỨ BA TUẦN 3 MC

Thánh Phanxica Thành Rôma, nữ tu

Mt 18,21-35

THA MÃI MÃI

            “Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,22)

            Suy niệm: Đối với người Việt Nam chúng ta: quá tam ba bận, tha thứ tới ba lần đã là quảng đại quá mức rồi, huống gì là bảy mươi lần bảy! Cho đi tiền bạc, thì giờ, và cả chính mạng sống mình là điều xem ra còn dễ hơn là tha thứ, vì những thứ đó nằm bên ngoài ta; còn sự xúc phạm làm tổn thương ta tận đáy lòng, nên tha thứ thật là khó khăn. Nhưng chỉ khi tha thứ, ta mới trở nên giống Chúa. Thiên Chúa có quyền xét xử, song Ngài đã xét xử bằng tình yêu và lòng thương xót. Trong bất cứ hành vi tội lỗi nào của ta, thì chính Chúa là Đấng bị xúc phạm. Thế nhưng, Ngài luôn luôn tha thứ và cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chúng ta phải tha thứ vì chúng ta là con cái Chúa, vì chúng ta đã được Ngài tha thứ. Tha vô điều kiện! Tha mãi mãi!

            Mời Bạn: Nhìn lại số nợ tôi và bạn nợ Chúa hàng trăm triệu đồng vàng, mà Ngài vẫn tha hết, còn anh em chỉ mắc nợ ta chừng vài ba đồng bạc giấy, tại sao lại không tha thứ cho anh em?

Chia sẻ: Kinh nghiệm về một lần bạn tha thứ cho người xúc phạm đến mình, và một lần cảm nghiệm niềm vui trong lòng khi được thứ tha.

            Sống Lời Chúa: Làm theo lời dạy của kinh Lạy Cha: Xin Cha tha nợ cho chúng con, cũng như chúng con cũng tha kẻ có nợ với chúng con.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong cuộc đời bon chen này, làm sao tránh được những gây gỗ, bất hòa? Xin cho con đừng nuôi hờn giữ oán, nhưng luôn biết tha thứ và quên đi lỗi lầm của người khác. Xin cho con nhớ rằng: tha thứ là của lễ đẹp lòng Chúa nhất và qua đó, con được nên giống Chúa nhiều hơn.

10/03/21 THỨ TƯ TUẦN 3 MC

Thánh Đaminh Savio

Mt 5,17-19

ĐỂ KIỆN TOÀN

            “Thầy đến không phải để phá đổ nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)

            Suy niệm: Những giá trị mạc khải trong Cựu Ước là để chuẩn bị Dân Chúa đón nhận mạc khải Tân Ước. Đức Kitô dạy chúng ta loan Tin Mừng cho mọi dân tộc, Ngài cũng muốn kiện toàn những giá trị tốt đẹp bàng bạc không những trong Cựu Ước mà cả trong từng nền văn hoá của từng dân tộc. Thư chung của HĐGMVN năm 1980 kêu gọi chúng ta thực hiện lời dạy này của Đức Kitô “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, điều mà lắm khi chúng ta quên. Cha Lôrenxô Phạm Hân Quynh chia sẻ: “Biết bao giá trị Việt Nam chúng ta có thể tiếp thu và nâng cao thánh hoá được: chữ Tín của cô Tấm, chữ Chung Thuỷ của Cúc Hoa, chữ Nghĩa của Thạch Sanh, chữ Liêm của Chu Văn An, chữ Hoà của Trần Hưng Đạo… Và nếu những giá trị ấy được đưa vào trong Giáo Hội…, bà con vào trong Giáo Hội sẽ thấy như vào “Nhà Mình”, rất thân thương nhận ra Thiên Chúa là gốc của gia tài ấy…” (Bài giảng tĩnh tâm cho các linh mục giáo phận Đà Nẵng 2005).

            Mời Bạn: Có thể bạn chưa đọc các giáo huấn của Giáo Hội như Hiến Chế “Ánh Sáng Muôn Dân”, tông huấn “Giáo Hội tại Á Chau”? Nếu chưa, bạn cần tìm đọc cho bằng được. Ít là trong lúc này, bạn ý thức yêu cầu cấp bách đang đặt ra cho bạn là sống Tin Mừng thế nào để những giá trị tốt đẹp trong văn hoá của dân tộc mình được kiện toàn.

            Chia sẻ & Sống Lời Chúa: Thảo luận tìm ra một việc làm cụ thể để kiện toàn một giá trị truyền thống của dân tộc.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con dâng dân tộc và đất nước Việt Nam thân yêu lên Chúa. Xin cho Tin Mừng của Chúa ngày càng thấm sâu trong lòng dân tộc chúng con.

11/03/21 THỨ NĂM TUẦN 3 MC

Lc 11,14-23

LẮNG NGHE LỜI SỰ THẬT

            Đức Giêsu trừ một tên quỉ, và nó là quỉ câm. Khi quỉ xuất rồi, thì người câm nói được. (Lc 11,14)

            Suy niệm: Những kẻ không tin thấy phép lạ trước mắt nhưng lại phủ nhận quyền năng của Chúa: “Ông ấy dựa vào thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ”. Một lối gán ghép gắng gượng, một lời nói xuyên tạc sự thật, không đủ lý chứng thuyết phục. Lời bịa đặt đó ngăn cản họ và người khác đến với Chúa và đưa họ đến gần với ma quỷ vì nó là “cha của sự dối trá” (Ga 8,44).

            Cần tỉnh thức và can đảm đến với Chúa Giêsu và đặt niềm tin nơi Ngài; Ngài là “Đường, Sự Thật và là Sự Sống”. Ngài cho ta biết Chúa là ai, ta là ai, ta từ đâu tới, ta đi về đâu, ta phải đi con đường nào để đạt đến sự sống đời đời.

            Mời Bạn: Mùa Chay kêu mời ta trở về sống trong chân lý, sống đúng thân phận của ta trước mặt Chúa. Đức Giáo Hoàng đương kim nhắc nhủ: “Đây là chương trình thích đáng và cốt yếu của Mùa Chay: Lắng nghe Lời sự thật, sống, nói và thực thi sự thật, loại bỏ gian dối đã đầu độc nhân loại và mở cửa cho mọi xấu xa.”

            Chia sẻ: Trong xã hội ngày nay sự dối trá được bình thường hóa. Điều này ảnh hưởng tới đời sống đạo thế nào?

Sống Lời Chúa: Xét mình mỗi ngày, sám hối về những điều lầm lỗi của mình, và quyết tâm trở về với Chúa.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa, ánh sáng phá tan bóng tối trong con và đòi buộc con phải hoán cải. Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối chỉ vì chút tự ái cỏn con. Xin cho con khiêm tốn để đón nhận những tia sáng nhỏ mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày. Xin cho tìm kiếm Chân lý để Chân lý cho con được tự do. (Thắp Sáng Niềm Tin, 170)

12/03/21 THỨ SÁU TUẦN 3 MC

(Kiêng thịt 14 tuổi trở lên)

Mc 12,28b-34

YÊU CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ

            “Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sưc lực ngươi.”

                                                                        (Mc 12,29-30)

            Suy niệm: Người kinh sư lúng túng không biết điều nào quan trọng nhất trong 613 khoản luật người Do Thái phải giữ. Ông ta có thiện chí muốn tìm hiểu để chu toàn bổn phận, đồng thời không để mất cơ hội sống theo luật thánh. Ông đến hỏi Chúa để biết điều răn nào quan trọng nhất. Chúa Giêsu nói rõ với ông, đó là điều răn yêu Chúa, yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Nghĩa là, trọn vẹn con người của ông trong mọi tuổi đời, tuổi xuân, tuổi hạ, tuổi thu, tuổi đông phải diễn tả rõ ràng và sống động tình yêu ấy. Chúa chờ đợi ông sống như ông hiểu.

            Mời Bạn: Suốt mùa Chay, chúng ta được Chúa mời gọi sửa đổi đời sống cho phù hợp với Tin Mừng, để ta yêu mến Chúa đến mức cao nhất. Ngài không bằng lòng bất cứ một sự sửa đổi nửa vời nào. Bạn đừng để mất cơ hội Chúa cho bạn hôm nay nữa nhé! Chúa đang chờ đợi bạn diễn tả tình yêu của bạn dành cho Ngài cách cụ thể và sống động đấy!

            Chia sẻ: Bạn nghĩ sao về mức độ “được chừng nào hay chừng nấy” trong việc tín hữu diễn tả tình yêu với Chúa?

Sống Lời Chúa: Làm một nghĩa cử dâng cho Chúa, diễn tả tâm tình yêu Chúa cách đậm đà của bạn.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương Chúa Cha đến cùng, bằng cách vui lòng vâng phục ý Cha. Xin cho chúng con tận dụng mọi cơ hội, nhất là trong mùa Chay này, diễn tả lòng mến Chúa với hết cả tâm tình và cuộc đời chúng con. Xin đừng để chúng con đánh mất cơ hội này. Amen.

13/03/21 THỨ BẢY TUẦN 3 MC

Lc 18,9-14

SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN KHIÊM HẠ

            Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,13)

            Suy niệm: Không thể có đời sống tôn giáo thật sự nếu không cầu nguyện. Tuy nhiên, việc cầu nguyện sẽ mất hết ý nghĩa nếu ta chen vào đó thái độ khinh chê người khác. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở ta mỗi người là một phần nhân loại đang đau khổ, đang buồn sầu, đang phạm tội… cần phải quỳ gối van nài lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, để được Thiên Chúa đón nhận và chúc phúc, lời cầu nguyện phải được đặt trong mối tương quan yêu thương, khiêm tốn với Thiên Chúa và với tha nhân. “Cửa lên trời rất thấp nên chỉ những ai biết quỳ gối xuống mới vào được” (W. Barclay).

            Mời Bạn: Không khí cần cho buồng phổi thế nào, thì đời sống cầu nguyện cũng cần thiết cho người Kitô hữu như vậy. Bạn đã thật sự thấy đời sống cầu nguyện cần thiết cho bạn chưa?

            Chia sẻ: Mời bạn đọc cuốn Tâm Hồn Nhỏ nói về Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu để thấy sức mạnh của đời sống cầu nguyện như thế nào trong cuộc sống hằng ngày.

            Sống Lời Chúa: Mỗi ngày khi thức dậy và trước khi đi ngủ, tôi sẽ dâng lên Chúa những lời cầu nguyện ngợi khen, cảm tạ với tâm tình người con thảo.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, đời sống chúng con quá ngắn ngủi, sinh hoạt đạo đức của chúng con lại thiếu nhiệt tình. Xin Chúa giúp chúng con luôn khiêm tốn cầu nguyện không ngừng, không mệt mỏi, ngõ hầu trong ngày Chúa đến, Chúa còn thấy niềm tin trên mặt đất này. Amen.

14/03/21 CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC – B

Ga 3,14-21

CÓ MỘT TÌNH YÊU NHƯ THẾ!

            “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người… được sống muôn đời.” (Ga 3,17)

            Suy niệm: Khi yêu thương đạt đến mức tuyệt đỉnh, người ta không còn dè giữ, tiếc nuối, nhưng sẵn sàng “rút ruột” trao tặng những gì quí giá nhất của mình. Với Chúa Cha, tột đỉnh của tình thương nhân loại là trao tặng Con Một mình cho họ, cho dù nhân loại ấy chẳng tốt lành gì. Đến lượt mình, Chúa Con lại cũng yêu thương nhân loại đến nỗi trao ban cho họ mạng sống quí giá, chịu giương cao trên thập tự để nói cho nhân loại biết Thiên Chúa là Tình Yêu và “yêu đến cùng” (Ga 13,1). “Tình Yêu đã tận dụng hết mọi khả năng để cứu con người. Tình Yêu đã làm cho nhân loại không còn là một nhân loại mất đi, bị kết án, nhưng là một nhân loại được cứu thoát” (A. Degeest).

            Mời Bạn: Tình yêu ấy chỉ hữu hiệu cho bạn khi nào bạn tin vào Chúa Giêsu và bước theo Ngài. Cùng với thánh Phaolô, phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta nhận ra “ân sủng dồi dào phong phú” của Thiên Chúa qua Đức Kitô, “để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,10).

            Sống Lời Chúa: Trong hai tuần còn lại của Mùa Chay, tôi sẽ bày tỏ niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho mình qua việc dành thời gian sốt sắng cầu nguyện, chay tịnh miệng lưỡi và chia sẻ thời giờ, sự quan tâm, vật chất (nếu có thể) với người lân cận.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường chọn mình và từ chối tình thương của Chúa. Xin nâng đỡ chúng con mỗi ngày, để chúng con lặp lại niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến để giao hòa mỗi người chúng con với Chúa. Amen.

15/03/21 THỨ HAI TUẦN 4 MC
Ga 4,43-54

TIN VÀO LỜI CHÚA

            Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Chúa nói với mình, và ra về. (Ga 4,50)

            Suy niệm: Thoạt đầu, có lẽ viên sĩ quan chỉ tin vào Đức Giêsu một cách cầu may. Có lẽ ông đã tìm thầy chạy thuốc nhưng tất cả đều đành bó tay. Nghe nói về Chúa Giêsu và những “điềm thiêng dấu lạ” Ngài thực hiện, ông đánh liều đến xin. Biết đâu, may mà được. Ít ra, ông cũng đặt niềm tin tưởng vào Đức Giêsu, dù đó mới chỉ là “một thoáng đức tin”. Chúa Giêsu chấp nhận đức tin còn non yếu của ông, để nâng cấp trở thành niềm tin đích thực: Ngài không đến Caphácnaum để chữa con ông theo như ông yêu cầu, nhưng đã thanh luyện đức tin của ông chỉ bằng vỏn vẹn một lời, Lời có sức cứu sống, có quyền năng sáng tạo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông đã tin không phải vì thấy những “điềm thiêng dấu lạ” nữa, nhưng chỉ dựa vào Lời Chúa mà thôi.

            Mời Bạn: Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta ngày càng trưởng thành hơn trong đức tin, để càng ngày chúng ta càng nhận ra Chúa một cách nhanh chóng và rõ ràng dù những dấu chỉ khả giác được tinh giản đến mức tối thiểu: qua Lời Chúa trong Thánh Kinh và qua hình Bánh-Rượu nơi Bí tích Thánh Thể.

            Chia sẻ: Người ta không thể dùng phương pháp thực nghiệm để phân tích những mầu nhiệm, đối tượng của đức tin. Có phải vì thế mà đức tin trở thành mơ hồ hay vô lý và không đáng tin hay không?

            Sống Lời Chúa: Bạn hãy làm một cử chỉ diễn tả niềm tin của mình: hôn kính sách Lời Chúa hoặc bái chào Mình Thánh Chúa một cách thật cung kính.

            Cầu nguyện: Lặp lại nhiều lần lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cho chúng con.”

16/03/21 THỨ BA TUẦN 4 MC

Ga 5,1-16

CHỮA BỆNH LIỆT TÂM HỒN

            Đức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi! Đừng phạm tội nữa.” (Ga 5, 8.14)

            Suy niệm: Trong sứ điệp ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2012, Đức Giáo Hoàng  Bênêđitô xác tín rằng Thiên Chúa, trong Con của Ngài, không bỏ mặc chúng ta trong những lo âu, đau khổ, nhưng gần gũi, nâng đỡ, gánh vác và chữa lành chúng ta tận nơi sâu thẳm của tâm hồn. Quả thế, nhìn quang cảnh náo động và hối hả của dân chúng tranh giành để được lành bệnh tại hồ nước Bếtdatha, Chúa Giêsu không khỏi chạnh lòng xót thương. Ngài sẵn lòng chữa lành bệnh cho người bại liệt đã nằm chờ quá lâu này. Tuy nhiên, để phép lạ chữa bệnh thành hiện thực, ông phải nỗ lực bằng cách tỏ bày lòng muốn và sử dụng ý chí để đứng dậy, cộng tác với quyền năng của Ngài.

            Mời Bạn: Mùa Chay là cơ hội tốt nhất để chúng ta “khám và chữa” bệnh liệt tâm hồn. Giận hờn, gian dối, kiêu căng, trộm cắp hay bất hoà… là những “virút” làm tê liệt tâm hồn, khiến bạn không thể đi đến với đồng loại và với Chúa. Vậy, trước tiên bạn hãy nhanh chân đến với Chúa qua bí tích hòa giải để được Chúa chữa lành và biến đổi. Rồi sau đó, nhờ ơn Chúa giúp, bạn dễ dàng đến làm hòa với anh chị em.

            Chia sẻ tâm trạng của bạn sau khi lãnh nhận bí tích hòa giải hay làm hòa với người mình xúc phạm.

            Sống Lời Chúa: Quyết tâm đến với Chúa qua nỗ lực dành thời gian cho cầu nguyện, tham dự các bí tích và đến với anh em qua việc tha lỗi cho nhau.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót và chữa lành con vì con đắc tội với Ngài. Xin cho con quyết lòng đi theo Chúa cũng như quyết tâm đem tình thương Chúa đến cho mọi người. Amen.

 17/03/21 THHỨ TƯ TUẦN 4 MC

Thánh. Patríck, GM

Ga 5,17-30

LÀM GÌ ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI?

            “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.” (Ga 5,24)

            Suy niệm: Làm thế nào để được sống đời đời? Thưa: phải nghe lời Chúa Giêsu và tin Ngài là Đấng mà Chúa Cha phái đến trần gian để tỏ cho con người biết ý định và việc làm của Thiên Chúa. Có những điều mắt thấy tai nghe thì tin được ngay, nhưng cũng có lắm điều nghe đó, thấy đó mà vẫn chưa thể tin được vì có nhiều lý do: nghe chưa tới nơi, tới chốn, chỉ thấy bề ngoài còn hậu trường ra sao, ai mà biết được! Chính vì vậy, khi lãnh nhận sứ vụ Chúa Cha trao, Chúa Giêsu không ngừng rao giảng Lời Thiên Chúa và làm nhiều phép lạ, “tự huỷ mình ra không” trên thập giá… để làm cho người ta tin vào Thiên Chúa hầu đem lại cho con người “sự sống đời đời và khỏi bị xét xử.”

            Mời Bạn: Chúng ta đã nghe Lời Chúa nhiều, nhưng tin thì chưa tỷ lệ thuận với những gì mình nghe. Tiêu chí phân định giữa thánh và chưa thánh là ở đó. Vậy để trở nên thánh thiện hơn, không có cách nào khác là đem những gì đã nghe vào cuộc sống, vì hành động minh chứng cho niềm tin.

            Chúng ta cần phải làm gì để ơn ấy sớm trở thành hiện thực trong cuộc sống mỗi người?

            Sống Lời Chúa: Hãy thể hiện lòng tin bằng những việc cụ thể: ăn chay, hãm mình, cầu nguyện, làm phúc chia sẻ…

            Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa không đến thế gian “tìm cách làm theo ý riêng mình,” nhưng làm “theo ý Đấng đã sai” Chúa. Xin giúp con biết từ bỏ ý riêng, mà làm theo ý Chúa soi sáng cho con, nhất là khi có chuyện làm con phân vân như đứng giữa ngã ba đường.

18/03/21 THỨ NĂM TUẦN 4 MC

Thánh Cyrillô Giêrusalem, GM Tiến Sĩ

Ga 5,31-47

CHỨNG NHÂN SỐNG

     “Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi.” (Ga 5,36)

            Suy niệm: Chúa Giêsu đưa ra những chứng từ để chứng minh sứ mạng của Ngài. Thứ nhất là Chúa Cha: Mọi việc làm và lời nói của Chúa Giêsu đều nhất nhất theo ý Chúa Cha, minh chứng Ngài đến từ Thiên Chúa. Thứ hai, Kinh Thánh làm chứng cho Chúa Giêsu, vì những gì Chúa làm chứng tỏ Ngài là Đấng Mêsia mà Kinh Thánh tiên báo. Thứ ba, Gioan Tẩy Giả cũng làm chứng khi giới thiệu Chúa cho người Do thái ở sông Giođan. Sau cùng, vinh quang mà Ngài đạt được không phải do con người dành cho mà là từ Thiên Chúa. Trước khi chịu tử nạn, ngài đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Con Cha ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha.” Chúa Giêsu minh chứng như vậy để người Do thái tin Ngài và nhờ đó được ơn cứu độ.

            Mời Bạn: Ngày nay vẫn còn rất nhiều người không tin vào Chúa Giêsu. Chúa muốn bạn làm chứng cho Ngài bằng lời nói, việc làm, bằng cuộc sống của bạn. Có khi chỉ một Lời Chúa được bạn nói ra, một hành động thấm nhuần Tin Mừng sẽ có sức đưa một người anh em tin nhận Chúa.

            Chia sẻ: “Con người thời nay cần những chứng nhân hơn là thầy dạy” (Đức Phaolô VI). Bạn quyết định sẽ làm gì, sống thế nào để lời nói trên đây thành hiện thực nơi chính bạn?

            Sống Lời Chúa: Được một cụ già hay chia sẻ cơm bánh, một em bé đã hỏi:  “Thưa bà, bà có phải là Chúa Giêsu không?” Đây thật là một chứng tá sống cho Chúa Giêsu.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, chớ gì mỗi người chúng con là một cuốn Tin Mừng sống động, để lời nói và việc làm của chúng con giúp anh em tin nhận Chúa, và chúng con sẽ làm vinh danh Chúa.

19/03/21 THỨ SÁU TUẦN 4 MC

Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Maria – Lễ Trọng

Bổn Mạng Giáo Hội – Lễ Buộc (Tại Hoa Kỳ, Lễ này không buộc)

Mt 1,16-18.21.24a

VẺ ĐẸP TÂM HỒN THANH KHIẾT

            Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (Mt 1,24)

            Suy niệm: Người ta thường nói: “Sống sao mơ vậy.” Chẳng hạn: chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cả ngày suy nghĩ về Chúa Giêsu, đêm đến chị thường mơ những cảnh nô đùa với trẻ thơ, đi dạo giữa các vườn hoa. Có lần chị hỏi Mẹ bề trên: “Tại sao cả ngày con ngẫm nghĩ về Chúa, nhưng con chẳng bao giờ mơ thấy Chúa cả?” Mẹ bề trên trả lời: “Con ơi! Với tâm hồn thơ bé như con thì Chúa gửi đến những hình ảnh bé thơ đến với con.” Cũng vậy, là “người công chính,” Thánh cả Giuse  bén nhạy với thánh ý Chúa, lắng nghe tiếng Chúa cả trong giấc mộng, để khi tỉnh giấc, thì sẵn sàng thi hành ý Chúa qua giấc mơ đó: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy.

            Mời Bạn: Sẵn lòng vâng theo lời Chúa dạy trong mọi hoàn cảnh để làm hài lòng Ngài, ngay cả trong giấc mơ, là một đặc điểm của thánh Giuse. Noi theo gương Thánh Giuse, bạn hãy bén nhạy nhận ra Chúa đang nói với bạn, đang mời gọi bạn đi theo Ngài, đặc biệt sau một sự kiện hay sau khi đọc Lời Ngài. Bạn hãy tìm mọi cách thực thi thánh ý Chúa để đẹp lòng Ngài.

            Chia sẻ: Sống sao mơ vậy. Nếu thường mơ làm điều bậy, bạn phải điều chỉnh thế nào?

            Sống Lời Chúa: Tôi xét xem trong hoàn cảnh hiện nay, Chúa mời gọi tôi làm gì để đem lại hạnh phúc cho người thân cận của mình, tôi sẽ nỗ lực thực hiện trong mùa Chay này.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa hài lòng khi thấy Thánh Giuse luôn chu toàn ý Chúa. Xin cho chúng con cũng biết đặt thánh ý Chúa hơn sở thích riêng tư và cố gắng làm trọn thánh ý đó. Amen.

20/03/21 THỨ BÃY TUẦN 4 MC

Ga 7,40-53

NGHE VÀ LÀM CHỨNG

            “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?” Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7,45-46)

            Suy niệm: Đức Giêsu khác với các ngôn sứ khác rao giảng nhân danh Thiên Chúa; phần Ngài, Ngài rao giảng nhân danh chính Ngài, vì Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa. Không lạ gì nghe Chúa Giêsu rao giảng, các vệ binh nhìn nhận rằng lời của Ngài không như lời của những người khác. Tác giả F. Bruce nhận định: lời chứng của những vệ binh này tuy đơn giản vài lời thôi, nhưng lại là chứng cứ vững vàng cho đến hôm nay. Họ hiểu lời Chúa nói và dám làm chứng cho những lời đó. Ta nhận ra một điều lạ lùng là chỉ những tâm hồn đơn sơ, rộng mở mới nhạy bén, nhanh nhẹn đón nhận Lời Chúa và đưa Lời Hằng Sống ấy vào trong cuộc đời mình.

            Mời Bạn: Đức Cha Pyung-Ho, chủ tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm nghe Lời Chúa cách đơn sơ của ngài. Đó là mỗi ngày học thuộc lòng một đoạn hay một câu Lời Chúa, rồi Chúa Thánh Thần sẽ làm cho Lời Chúa thấm vào tâm trí người nghe. Vị giám mục này còn xác tín rằng với phương cách đơn sơ như thế, mọi người đều có thể ghi nhớ, “nghe” được Lời Chúa và Giáo Hội chắc chắn sẽ có mùa xuân mới. Mời bạn bắt đầu phương cách đơn giản mà hữu hiệu này.

            Chia sẻ: Phương cách nào giúp bạn dễ thuộc Lời Chúa?

Sống Lời Chúa: Viết một câu hay một đoạn Lời Chúa của Tin Mừng trong ngày và học thuộc lòng.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con bắt đầu từ mùa Chay này, học thuộc Lời Chúa, nghiền ngẫm Lời Chúa, khát khao Lời Chúa như người lữ hành trong sa mạc khát mong nguồn nước. Amen.

21/03/21 CHÚA NHẬT 5 MC—B

Ga 12,20-33

NHƯ HẠT LÚA CHẾT ĐI

            “Hạt lúa mì rơi xuống đất… chết đi, mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24)

            Suy niệm: Buổi sáng mở tờ báo ra đọc, ta có cảm giác như sự ác, điều xấu nhan nhản hoành hành khắp nơi trong xã hội. Người tốt, việc tốt trở thành loại hàng hiếm hoi, xa xỉ. Có vẻ như con người hôm nay mải mê lo cho mạng sống mình, chăm chút cho sự an nhàn, yên vui của bản thân, và ngại làm điều tốt, việc lành cho nhau, kể cả nơi người Kitô hữu. Đang khi ấy, Đức Giêsu dạy ta phải dám liều, quên mình, chấp nhận hy sinh để sinh hoa trái cho đời. Được bảo quản an toàn nơi kho lẫm, hạt lúa mì không thể kết hạt. Thế nhưng, nếu chấp nhận bị gieo vùi vào lòng đất lạnh, dãi dầu với nắng sáng mưa chiều, nó sẽ sinh nhiều hạt lúa khác cho đời. Cũng vậy, nếu biết chôn vùi các dục vọng cá nhân, làm mục nát đi thói cầu an ích kỷ, ta mới có thể là người Kitô hữu có ích cho cuộc đời và Nước Trời.

            Mời Bạn: Hạt giống Giêsu được gieo vào lòng đất địa cầu trong ngày nhập thể làm người. Hạt giống ấy lớn lên, tăng trưởng ở Nadarét. Hạt giống ấy chấp nhận chết đi trên cây thập giá, mang lại hoa trái sự sống cho tất cả nhân loại. Bạn học được bài học gì từ mẫu gương của hạt giống Giêsu?

            Sống Lời Chúa: Xét xem tôi đang say mê xây đắp cho cái gì thuộc về mình (của cải, tiện nghi, danh tiếng, quyền lực, quan điểm…), tìm mọi cách để sửa đổi ngõ hầu dám sống quên mình vì Chúa hơn trong mùa Chay này.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận tự hủy mình khi xuống thế làm người. Chúa tiếp tục chôn vùi sự an toàn bản thân để chết trên thập giá cho chúng con. Xin cho chúng con cũng biết noi theo gương Chúa, chấp nhận quên mình hy sinh cho nhau.

22/03/21 THỨ HAI  TUẦN 5 MC
Ga 8,1-11

LÒNG CHÚA  NHÂN TỪ

            Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình… Họ  nói với Người: “Theo sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Chúa Giê-su nói với họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8,3-7)

            Mời Bạn: Bạn hãy nhìn các kinh sư và biệt phái: cả đêm thì đi rình mò… từ sáng sớm đã lo đi tố cáo.

Còn ngưòi phụ nữ thì đầu tóc bù xù, mặt cúi gầm xuống không dám ngẩng lên… Bẽ bàng, nhục nhã: Hàng trăm con mắt đang đổ dồn vào chị với một vẻ khinh bỉ!… Chị rùng mình đau nhói: nghĩ đến những hòn đá sắp sửa ném vào thân chị!

            Mời bạn cũng hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu đang ngồi giữa đám đông, nhân từ, cảm thông, tế nhị. Phải chăng lòng Ngài cũng đang trĩu nặng vì những tội lỗi của nhân loại và của chính bạn nữa?

            – Đến lượt bạn, bạn hãy chọn một chỗ đứng trước mặt Chúa, bên người phụ nữ tội lỗi này, nhớ lại tội lỗi mình để chờ Chúa xử án… Từ chỗ đứng đó bạn mới thấy được lòng nhân từ thương xót của Ngài.

            Sống Lời Chúa: Xét lại tội lỗi của mình và khóc với Chúa; rồi bạn xin Ơn Tha Thứ qua Bí Tích Hòa Giải.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, biết bao lần con đã giống như các kinh sư và biệt phái trong cách đối xử với người khác : lên án, chỉ trích, luận tội… Trong tư thế người phụ nữ, thì lạy Chúa, con cũng đã ngoại tình, ngoại tình không riêng ở Điều Răn thứ Sáu mà cả mỗi khi con phản bội Chúa, tôn thờ tiền bạc, thú vui, những thứ không phải là Chúa… Xin cho con biết đau đớn vì tội lỗi và quyết tâm trở về với Chúa.

23/03/21 THỨ BA TUẦN 5 MC
Thánh Turibiô Mônrôvêiô, GM
Ga 8,21-30

TIN VÀO ĐẤNG HẰNG HỮU

            “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,28)

            Suy niệm: “Tôi Hằng Hữu” có nghĩa Chúa Giê-su là Thiên Chúa, vô thủy vô chung, hiện hữu từ muôn đời. Thế nhưng, Ngài không phải là vị chúa xa cách, xa lạ với con người. Ngài là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, Đấng đã nhập thể làm người, đồng hành với con người, thấu hiểu nỗi khổ của con người. Thế nhưng, cả hai danh hiệu ấy chỉ có thể tỏ hiện khi Ngài được giương cao trên thập giá. Nhìn lên thập giá, ta nhận ra tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho con người. Nơi thập giá, ta nhận ra tình yêu quá lớn Chúa Cha dành cho nhân loại, khi ban tặng món quà quý nhất là chính Con Một mình. Nhìn lên thập giá và tin vào tình yêu Chúa qua Đức Giê-su, ta nhận được ơn cứu độ, được cất khỏi gánh nặng của tội lỗi.

            Mời Bạn: Cái chết của Đức Giê-su, Đấng vô tội, là dấu chỉ tình yêu vô biên của Thiên Chúa và nguồn mạch ơn tha thứ cho muôn người. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để bạn cảm nhận được điều đó khi nhìn ngắm Đấng vô tội trở thành con chiên gánh tội, và chịu giương cao trên thập giá để xoá bỏ tội trần gian. Rồi chính bạn cũng được mời gọi gương cao trên thập giá của đời mình, qua những hy sinh, khổ chế… để kéo người khác lên với Chúa.

            Sống Lời Chúa: Tôi sốt sắng tham dự các nghi thức mùa Chay như đi đàng Thánh Giá, ngắm 15 sự Thương Khó…

            Cầu nguyện: Lạy Chúa là Chúa và là Thiên Chúa của con! Xin cho con nhận ra Chúa luôn ở với con, đồng hành và sống trong con để mọi việc con làm góp phần làm rạng Danh Chúa và mưu ích cho anh chị em. Amen.

24/03/21 THỨ TƯ TUẦN 5 MC

Thánh Oscar Rômerô, GM tử đạo

Ga 8,31-42

GIẢI THOÁT KHỎI NÔ LỆ TỘI LỖI

            “Thật, tôi bảo thật cho các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.” (Ga 8,34)

            Suy niệm: Người Do Thái đang sống dưới ách thống trị của đế quốc Rôma thế mà lòng kiêu hãnh dân tộc vẫn không chấp nhận bị nô lệ: “Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ” (Ga 8,33). Chúa Giêsu nhắc họ về một tình trạng nô lệ nguy hiểm hơn nhiều: nô lệ cho nết xấu, cho tội lỗi; nguy hiểm hơn vì: – nó khó nhận biết: đang bị nó trói buộc mà vẫn tưởng mình tự do; – nó là viên thuốc độc bọc đường: người ta phạm tội mà vẫn cảm thấy vui khoái, an nhiên tự tại. Lời Chúa cảnh báo người Do Thái cũng là cảnh báo chúng ta phải gọi đích danh, nhìn đúng chân tướng của thứ nô lệ nguy hiểm này.

            Mời Bạn: Chế độ nô lệ ngày nay đã bị xoá bỏ, nhưng vẫn còn đó biết bao nhiêu kiểu nô lệ mới: tình trạng bóc lột sức lao động, cách riêng lao động trẻ em, những hình thức mại dâm công khai hoặc trá hình, v.v… Bi đát hơn nữa có những thứ nô lệ trói buộc cả tinh thần: Cứ nhìn những người nghiện ma túy trong cơn vật vã khi thiếu thuốc mới thấy hết nỗi khổ của những ai phải chịu cảnh nô lệ do đam mê tự họ gây nên. Rồi còn những thứ nghiện mới, nghiện mua sắm, nghiện trò chơi trên mạng… Những thứ đó làm người ta mất tự do nhưng vẫn cứ tưởng rằng: “Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ.” Mời bạn nhìn lại chính mình xem còn đam mê nào bạn đang vướng mắc mà không thể dứt bỏ.

            Sống Lời Chúa: Quyết tâm chừa bỏ một thói quen xấu trong Mùa Chay này.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối trước những cảm dỗ của thế gian. Xin thêm sức cho con, để con có thể vác thập giá theo Chúa bằng cách từ bỏ lối sống theo trào lưu tục hóa của thế giới hôm nay. Amen.

25/03/21 THỨ NĂM TUẦN 5 MC

Lễ Truyền Tin cho đức Maria

Lc 1,26-38

SỨ ĐIỆP TỪ TRỜI CAO

            “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.” (Lc 1,31)

            Suy niệm: Một thiếu nữ nguyện giữ mình đồng trinh khi nghe “thụ thai” thì vô cùng bối rối như “sắt đánh ngang tai” vậy. Và nếu chấp nhận “sinh hạ một con trai” thì ai sẽ hiểu cho mình đây? Một thôn nữ có là gì để rồi đây phải tự mình thanh minh cho chuyện mang thai, và nếu thanh minh thì có ai chấp nhận không? Hàng chục câu hỏi hiện ra trong đầu Đức Maria trong giờ phút Mẹ được sứ thần Gabrien loan báo. Nhưng sau khi được sứ thần giải thích Mẹ đã nhận lời, dù những ngày tháng sắp tới có chuyển biến ra sao đi nữa. Chấp nhận thuận theo sứ điệp từ trời cao vẫn hơn là cố thủ theo ý riêng mình. Điều này khiến Mẹ “đẹp lòng” Thiên Chúa.

            Mời Bạn: Bạn có bao giờ phải lúng túng khi đón nhận một tin, một ý kiến khác với quan điểm của mình chưa, nhất là khi ý kiến đó mang đầy tính tích cực và thuyết phục? Và bạn đã xử trí như thế nào? Vui lòng đón nhận hay biện minh, thoái thác?

            Chia sẻ: Hãy biết bàn hỏi, cân nhắc trong những việc hệ trọng của cuộc sống (chịu chức, khấn dòng, hôn phối…) để quyết định của mình không sai lầm, không gây hối tiếc về sau.

            Sống Lời Chúa: Hãy tâm niệm lời này: – “Con là ai mà dám cưỡng lại ý Chúa?” –  “Xin cho ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời!

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, Mẹ Maria dù chưa hiểu hết kế hoạch của Chúa, nhưng Mẹ đã không ngần ngại thưa “Xin Vâng.” Xin cho con học được bài học khiêm nhường phó thác này để con làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự. Amen.

26/03/21 THỨ SÁU TUẦN 5 MC

Ga 10,32-42

NHẬT RA CHÚA TRONG ĐỜI

            “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.” (Ga 10,37-38)

            Suy niệm: Người ta có thể đưa ra hàng trăm “cái lý” để tin, và cả hàng ngàn “cái lẽ” để không tin đối với một người hay điều mà người ấy nói, bởi vì “khi tôi đưa ra một quyết định, mọi việc đã xong xuôi trước rồi” (W. James). Người Do Thái không tin Đức Giêsu vì họ đã vẽ sẵn một hình ảnh về Đấng Mêsia theo quan niệm riêng của họ và rồi xây dựng những “lý” và “lẽ” để biện minh cho quan niệm đó. Vì thế khi đối diện với chính “Đấng được Chúa Cha sai đến” họ đã không nhận ra. Chúa Giêsu thể hiện lòng bao dung nhẫn nại trước sự cứng cỏi của dân khi mở cho họ một cửa ngõ để nhận ra Ngài: nếu như căn tính Thiên Chúa của Ngài bị ẩn dấu dưới dáng vẻ nhân loại thì những việc Ngài làm, những việc mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được, làm chứng rằng Ngài chính là “Đấng Chúa Cha sai đến.” Vậy hãy tin vào những việc Chúa làm!

            Mời Bạn: Đâu là những việc Chúa làm trong đời bạn? Để có thể nhận ra những việc xảy đến trong đời bạn có bàn tay yêu thương của Chúa can thiệp, mời bạn bình tâm nhìn lại đời sống của mình với cái nhìn không thiên kiến. Cách riêng mỗi khi bạn gặp bế tắc trong cuộc sống, mời bạn đến gặp gỡ Chúa. “Gặp” Chúa, Ngài sẽ “gỡ” rối cho cuộc đời bạn.

            Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành ít phút hồi tâm nhìn lại cuộc sống để nhận ra việc Chúa làm trong đời bạn.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin nhận Chúa là Đấng Chúa Cha sai đến để ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin ban cho con tâm hồn luôn hướng thiện và một cặp mắt không thiên kiến để luôn nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời con.

27/03/21 THỨ BẢY TUẦN 5 MC

Ga 11,45-56

CHẾT THAY ĐỂ CỨU MỌI NGƯỜI

            “Đức Giêsu không chỉ chết thay cho dân mà thôi, nhưng còn để qui tụ con cái Thiên Chúa về một mối.” (Ga 11,52)

            Suy niệm: Đã có 26 nhà truyền giáo Công Giáo bị giết chết trong năm 2011, trong số đó có 18 linh mục, 4 nữ tu và 4 giáo dân. Các nhà truyền giáo này đã can đảm loan báo Tin Mừng qua đời sống phục vụ người nghèo, thăng tiến xã hội trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm. Các ngài phải trả giá bằng cái chết như Thầy mình, để đem lại sự sống cho nhiều người. Đức Giêsu đã vui lòng trao ban sự sống mình, vì biết rằng cái chết của Ngài không chỉ thay cho dân Do Thái mà thôi, nhưng còn có sức qui tụ nhân loại đang bị phân rẽ, chia cắt khắp nơi trên thế giới về một mối. Ngài mong mọi người sẽ qui tụ trong gia đình của Thiên Chúa, nơi mọi chia rẽ, đối nghịch sẽ tiêu tan.

            Mời Bạn: Nhân loại được liên kết thành một mối trong thánh lễ khi họ tham dự vào hiến tế của Đức Giêsu: “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp; đây là Máu Thầy sẽ đổ ra.” Vì thế, ước mong mỗi lần tham dự thánh lễ sẽ giúp bạn thêm ý thức về sự liên đới trong yêu thương giữa những người anh em, chị em trong gia đình của Thiên Chúa.

            Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay tôi sẽ tham dự thánh lễ hằng tuần và hằng ngày – mỗi khi có thể – cách sốt sắng. Đặc biệt khi rước lễ, tôi xác tín mình được nên một với Đấng đã hiến thân cho tôi và cho muôn người.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ý định thâm sâu của Chúa là chịu chết để qui tụ nhân loại khắp nơi về một mối: mối thân tình của những người anh em, chị em trong gia đình của Chúa. Xin cho chúng con biết sẵn sàng hy sinh những quan điểm, lập trường, sở thích riêng để phục vụ trong hiệp nhất yêu thương.

28/03/21 CHÚA NHẬT LỄ LÁ (CHÚA NHẬT THƯƠNG KHÓ)
Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa
Mc 14,1-15,47

THÁNH THỂ ĐIỂM HẸN TÌNH YÊU

            “Thầy nhắn: ‘Căn phòng của tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu’?” (Mc 14,14)

            Suy niệm: Chính vào ngày giết chiên vượt qua, Giêrusalem sôi sục bầu khí thù hận, các nhà lãnh đạo Do Thái đang tìm giết Chúa Giêsu. Trong bối cảnh đó, Chúa vẫn chuẩn bị thật chu đáo và kín cạnh. “Một người mang vò nước,” đó là ám hiệu; còn mật khẩu là “căn phòng ăn lễ Vượt Qua của Thầy.” Một căn phòng nhỏ, trên lầu đã được chuẩn bị: vừa kín đáo, vừa ấm cúng, phù hợp cho cuộc gặp gỡ quan trọng này. Ngài cần một điểm hẹn không chỉ để ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ lần cuối, mà chính là để bộc lộ trọn tình yêu của Ngài cho những người Ngài yêu mến, qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể, phương thế để hiến thân trọn vẹn cho họ, để ở lại với họ “mọi ngày cho đến tận thế.” Từ nay bất cứ ở đâu diễn ra bí tích Thánh Thể nơi đó đều trở thành điểm hẹn của Tình Yêu.

            Mời Bạn: Chúa Giêsu đã sắp xếp tất cả để yêu bạn ngay trước “mũi” những kẻ đang tìm giết Ngài. Còn bạn, bạn đã làm tất cả để đến điểm hẹn là Thánh lễ, là Nhà Tạm, nơi có Thánh Thể, và nhất là điểm hẹn trong căn phòng tâm hồn bạn để gặp gỡ Đấng là Tình Yêu của bạn chưa? Việc Ngài hiến thân trên thập giá và hoá thân trong Thánh Thể cũng chỉ là một hành động để yêu bạn đến cùng. Bạn có sẵn sàng sống như Chân phước Anrê Phú Yên “lấy tình yêu đáp lại tình yêu, lấy mạng sống đáp lại mạng sống” cho Ngài chưa?

            Sống Lời Chúa: Siêng năng rước lễ và chầu Thánh Thể để đáp lại tình yêu Chúa cách sâu đậm nhất.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng về Chúa tất cả tấm thân và cuộc sống của con.

29/03/21 THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11

CHO NGƯỜI NGHÈO GIÊSU

            Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12,4-5)

            Suy niệm: Xét theo lý, thì Giuđa Itcariốt thật là… có lý. Và ngược lại người ta có thể trách móc cô Maria về tội hoang phí vì dùng cả một cân dầu cam tùng trị giá ba trăm quan tiền chỉ để xức chân Chúa Giêsu, trong khi vẫn còn đó biết bao người nghèo khó thiếu thốn! Thực tế cho thấy những lời lẽ tốt đẹp của Giuđa trái ngược với những gì lòng anh ta mưu tính: chỉ ít ngày sau đó, anh đã bán đứng Thầy mình với giá có ba mươi đồng bạc! Trái lại, Chúa Giêsu đúng là người nghèo đích thực, bởi vì Ngài vốn giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta để nhờ đó chúng ta được trở nên giàu có (x. 2Cr 8,9). Hành động của Maria dù có quảng đại cũng không thể đáp đền cân xứng với “người nghèo Giêsu”. Chúng ta còn phải tiếp tục chia sẻ với những “người nghèo quanh ta” cũng một cách quảng đại như vậy vì nhìn thấy “người nghèo Giêsu” hiện diện nơi họ.

            Mời Bạn: Lắm khi chúng ta cũng vô tình cư xử theo kiểu Giuđa, đó là khi chúng ta dùng nhiều lý lẽ rất “có lý” để “cò kè bớt một thêm hai” trong việc thờ phượng Thiên Chúa; khi nhân danh việc từ thiện bác ái để mưu tính lợi lộc danh dự; hoặc một mặt làm phúc bố thí nhưng mặt khác, trong cung cách làm ăn, lại chèn ép, loại trừ người nghèo hèn, yếu thế. Mời bạn kiểm điểm chính mình cách sâu xa để kịp thời nhận ra và loại bỏ những động lực lệch lạc ấy.

            Sống Lời Chúa: Quảng đại dành thời gian cầu nguyện với Chúa mỗi ngày.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con luôn biết quảng đại với Chúa để con có thể quảng đại với tha nhân.

30/03/21 THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38

KẺ PHẢN BỘI

            “Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy.” (Ga 13,21)

            Suy niệm: Sự phản bội bao giờ cũng đáng ghét. Người càng được yêu mà lại quay lưng phản bội chính người yêu mình thì sự phản bội càng tồi tệ, nhất nữa là lợi dụng chính sự tín nhiệm mình có qua tình yêu đó để phản bội. Và còn điều gì phũ phàng hơn khi người bị phản bội lại biết rõ những toan tính của y. Lời Chúa tiết lộ người phản bội ngay trong bữa Tiệc Ly chẳng khác nào tiếng sét đánh ngang tai. Đáng lẽ ra kẻ phản bội phải tỉnh ngộ, hay ít ra cũng đề cao cảnh giác vì thấy âm mưu của mình đã bị bại lộ. Thế nhưng Giu-đa đã quá cứng lòng. Lòng ham mê tiền bạc đã làm anh ra mù quáng. Anh nhắm mắt ăn tấm bánh chính tay Chúa trao, rồi ra đi, ra đi trong đêm tối.

            Mời Bạn: Mỗi lần phạm tội, là một lần bạn bỏ Chúa mà đi. Bạn thử nhớ lại những lần đó, bạn có nghe tiếng Chúa trong lương tâm cảnh báo, ngăn cản, khuyên lơn bạn dừng lại đừng bước vào hố thẳm của tội lỗi? Điều gì đã khiến bạn không thể dừng lại? Lòng tham? Đam mê dục vọng? Tự ái? Càng từ chối làm theo tiếng nói của lương tâm, người ta càng khó nghe được tiếng nói đó, cho đến một ngày nào đó, lương tâm sẽ trở nên “cứng cỏi” giống như Giuđa.

            Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình, xét mình hằng ngày sẽ giúp bạn nhạy bén trước tiếng nói của lương tâm và mau chóng phát hiện những lỗi lầm trước khi mọi sự trở thành quá muộn.

            Cầu nguyện: Lạy Chúa, con nhìn nhận mình yếu đuối hay phản bội ân tình Chúa. Xin Chúa gìn giữ con khỏi trở nên cứng lòng, để con biết lắng lời gọi yêu thương của Chúa, mà hối cải ăn năn trở về với Chúa. Amen.

31/03/21 THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25

CẦN CÚI MÌNH ĐẤM NGỰC

            Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó.” (Mt 26,25)

            Suy niệm: Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét xã hội Việt Nam hôm nay như sau: “Căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối.” (“Cần một cuộc tự vấn,” Tuổi Tre số 1-2012, ngày 01/01/ 2012: 12). Sự giả dối tràn lan khiến nhiều người tự hỏi, sống chân thật để làm gì? Căn bệnh giả dối này từng gây cho Giu-đa mất khả năng nhìn nhận sự thật hoặc chỉ dám nhìn một nửa sự thật. Ông đã dám đối diện với Chúa để hỏi Chúa về chính mình như các môn đệ khác, nhưng ông lại không dám nhìn  “mưu tính bán Chúa” bên trong mình. Sự giả dối nơi ông tinh vi đến độ, ngoại trừ Chúa Giê-su, không một ai trong các môn đệ biết những toan tính hạ cấp đó của ông, bởi sự gần gũi trong cử chỉ và lời nói của ông với Thầy Giê-su vẫn không khác gì với các môn đệ khác.

            Mời Bạn: Sống chân thật không chỉ nhìn về Chúa, mà còn nhìn vào chính bản thân khi đối diện với Chúa và đón nhận ơn hoán cải. Có quá nhiều lần chúng ta nhìn lên Chúa, ca tụng Chúa, cầu nguyện với Chúa; nhưng lại quá ít lần chúng mình nhìn nhận sự thật đang nhầy nhụa nơi bản thân để sám hối, trở về với Chúa. Thi sĩ Péguy từng nói: người ta đã thấy ân sủng xuyên qua một tâm hồn đồi bại và đã thấy cái bị hư mất nay được cứu thoát. Nhưng khó mà xuyên qua cái “không thẩm thấu” được.

            Chia sẻ: Những giả dối trong đời sống xã hội phát xuất từ đâu?

            Sống Lời Chúa: Hãy sám hối, vì tội ta phạm đang đóng đinh Chúa lần nữa.

            Cầu nguyện: Hát: “Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình, con đớn đau nhìn vũ trụ tự hối…”