5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày từ 01-13/11/2022

print

5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày – 01-13/11/2022

Xem và tải file dưới dạng văn bản

01/11/22 THỨ BA TUẦN 31 TN..

02/11/22 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN.

03/11/22 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN.

04/11/22 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN.

05/11/22 THỨ BẢY TUẦN 31 TN.

06/11/22 CHÚA NHẬT TUẦN 32 TN – C.

07/11/22 THỨ HAI TUẦN 32 TN.

08/11/22 THỨ BA TUẦN 32 TN.

09/11/22 THỨ TƯ TUẦN 32 TN.

10/11/22 THỨ NĂM TUẦN 32 TN.

11/11/22 THỨ SÁU TUẦN 32 TN.

12/11/22 THỨ BẢY TUẦN 32 TN.

13/11/22 CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – C.

01/11/22 THỨ BA TUẦN 31 TN


Các Thánh Nam Nữ
Mt 5,1-12a

KHÁT KHAO NÊN THÁNH

“Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.” (Mt 5,6)

Suy niệm: Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xác quyết rằng: Tận đáy lòng, con người khao khát Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa” (số 27). Vậy nên, ước muốn trở nên thánh thiện là món quà từ Thiên Chúa ban cho con người. Tuy nhiên, để món quà cao quý này sinh hoa kết quả con người phải nỗ lực cộng tác với ân sủng Chúa ban để nên thánh thiện. Nên thánh là trở nên giống Chúa Giê-su bằng cách bắt chước các nhân đức của Chúa, rập khuôn đời sống mình theo đời sống của Chúa và luôn làm đẹp lòng Chúa trong từng giây từng phút của cuộc sống. Thánh Augustinô đã khao khát: “Ông nọ bà kia làm thánh, tại sao tôi không thể làm thánh?” Và ngài đã biến niềm khao khát ấy thành hiện thực qua việc hoán cải đời sống để nên thánh, một vị thánh tiến sĩ Giáo hội và nhờ giáo huấn và gương sáng của ngài, biết bao người cũng được nên thánh.

Mời Bạn: Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách thế để nên thánh. Nhưng dẫu cách thế nào đi nữa thì khao khát nên giống Chúa, kết hợp nên một với Chúa luôn là mẫu số chung và đích điểm mọi vị thánh. Bạn hãy nỗ lực nên thánh bằng việc kết hiệp với Ngài trong các Bí tích và thực hành Lời Chúa trong tư tưởng, lời nói và hành động

Sống Lời Chúa: Kinh Tám Mối Phúc thật và Thương người Mười Bốn mối dạy bạn những nẻo đường cụ thể để nên thánh. Bạn hãy chọn một nẻo đường phù hợp với chính mình để nên thánh và trung thành sống con đường đó mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con khao khát được nên giống Chúa và nên một với Chúa. Xin Chúa ban ơn trợ giúp con.

 

02/11/22 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN


Cầu cho các tín hữu đã qua đời


Ga 6,37-40

ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI

“Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40)

Suy niệm:“buồn sầu vì số phận chắc chắn phải chết”, nhưng con người vẫn luôn mong mỏi được sống và sống muôn đời. Thật hạnh phúc cho chúng ta, Thiên Chúa cũng muốn như thế. Chúa Giê-su cho chúng ta biết Ngài đến trong thế gian là để thực hiện ý muốn đó của Chúa Cha. Và Ngài hứa ai tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Chúa thì Ngài sẽ cho sống lại và sống muôn đời. Chính vì tin vào lời hứa đó mà chúng ta cầu nguyện cho các đẳng linh hồn, là những người khi còn sống đã tin vào Chúa, mà nay trong chốn luyện hình, vẫn hiệp thông trong cùng một niềm hy vọng, để nhờ lời chuyển cầu của các thánh, họ được thanh tẩy và được hưởng ơn giải thoát và hạnh phúc vĩnh cửu nơi Chúa.

Mời Bạn: Mượn lời sách Gióp, chúng ta xác tín rằng: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa.” (G 19,25-26). Tháng 11 nhắc nhở chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, trong đó, có các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc của chúng ta. Nhờ mầu nhiệm các thánh thông công, chúng ta dâng lời cầu nguyện và các việc lành, kết hợp với hy tế của Chúa Ki-tô, để nài xin Thiên Chúa cho các tín hữu ấy được hưởng nhan thánh Ngài.

Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa các việc viếng nghĩa trang, thánh lễ, cầu nguyện, hy sinh và việc bác ái để xin Chúa đoái thương các đẳng linh hồn

Cầu nguyện: Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi. Amen.

 

03/11/22 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN


Th. Mác-ti-nô Po-rét, tu sĩ
Lc 15,1-10

 

YÊU KHÔNG TÍNH TOÁN

“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để tìm cho kỳ được con chiên bị mất.” (Lc 15,4)

Suy niệm: Người mục tử để chín mươi chín con chiên không lạc ngoài đồng hoang để đi tìm một con chiên lạc. Con chiên bị lạc chưa chắc tìm được, trong khi chín mươi chín con kia có nguy cơ bị thú dữ ăn thịt hay bị lạc mất. Chắc là người mục tử biết điều này! Người phụ nữ đánh rơi một đồng quan đã mất công thắp đèn, quét nhà, moi móc mà tìm. Sao bà không để ngày hôm sau trời sáng đã tìm có đỡ vất vả hơn không? Không! Người mục tử quý yêu con chiên lạc như con chiên duy nhất của mình. Người phụ nữ quý đồng quan hơn cả điều duy nhất mang lại sự sống cho mình. Vì thế họ không tính toán theo logic, mà nóng lòng gặp lại cái mình đã mất. Và khi gặp lại, họ mở tiệc ăn mừng, mà cũng chẳng tính toán lời lỗ hay tốn kém thế nào. Đúng là tình yêu không lý lẽ! Đúng hơn đó là lý lẽ của tình yêu!

Mời Bạn: Tự bản tính con chiên đi lạc sẽ vểnh tai, nghe ngóng, tìm cách trở về đàn. Đồng tiền bị đánh rơi, chỉ lăn ít vòng rồi nằm lại đâu đó. Còn con người tội lỗi  có thể ăn năn trở về, nhưng cũng có thểtiếp tục sống trong tội. Chúng ta chọn tiếp tục sống trong tội hay quay đầu trở về?

Sống Lời Chúa: Thánh Gio-an khẳng định: “Ai nói mình không có tội là người nói dối” (1Ga 1,8). Nghe lời nhắc nhở chúng này ta quyết sám hối trở về.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tháng 11 được dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn đang chịu thanh luyện. Xin cho chúng con khi cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội thì cũng biết nghĩ tới tình trạng của mình để ăn năn sám hối.

 

04/11/22 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN


Th. Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục
Lc 16,1-8

 

QUẢN LÝ KHÔN NGOAN

“Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo.” (Lc 16,8)

Suy niệm: Ngày nay khi tuyển nhân sự quản lý, người ta chọn những người có bằng cấp, có kinh nghiệm nghề nghiệp… Còn Chúa Giê-su lại không nói đến người quản lý giỏi, mà Ngài chỉ khen cách xử sự khôn khéo của anh quản lý bất lương. Vì khi biết mình sắp mất chức quản gia, anh đã khôn khéo lợi dụng ngay những khả năng hiện có, để tự cứu vớt mình: dùng tiền của chủ, để mua lấy con nợ làm bạn bè, mong họ cứu mình trong tương lai. Hành động của anh, ẩn nấp dưới lớp vỏ nhân nghĩa, thực chất là gian dối, biển lận. Chúa không khen tài gian dối của anh, nhưng là khen anh khéo vận dụng ngay những thời cơ hiện tại để cứu vãn lầm lỗi của mình. Chúa lấy đó làm bài học nhắc nhở con cái Ngài rằng: Mỗi người cũng phải trả lời với Chúa, nên phải biết dùng những phương tiện đang có trong tầm tay một cách khôn ngoan, chứ không phải khôn gian, để làm lợi cho nước Chúa và cho mình được ơn cứu độ.

Mời Bạn: Những phương tiện, khả năng, cơ hội… bạn đang có là “tài sản” Chúa giao cho bạn quản lý; và Ngài mong đợi bạn sử dụng chúng cách “trung tín và khôn ngoan” (x. Mt 24,45) để bạn sẽ được chung hưởng vinh phúc với Ngài. Mời bạn nhìn lại đời sống của mình, qua cách học hành, làm việc, giao tiếp, và tự hỏi mình có đang sử dụng chúng để làm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân như Ngài mong muốn chưa.

Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm mình là người quản lý những ân huệ Chúa ban để luôn sẵn sàng dùng chúng để phục vụ anh chị em mình.

Cầu nguyện: Cảm tạ Chúa vì con được làm con của Chúa và được Chúa yêu thương, xin cho con ý thức điều này để con làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa.

 

05/11/22 THỨ BẢY TUẦN 31 TN

 


Lc 16,9-15

TRUNG TÍN

“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc 16,13)

Suy niệm: Trung tín là đức tính cao đẹp của con người, giúp người ta một khi đã quyết tâm thì kiên định, một lòng một dạ với điều mình đã cam kết. Hơn nữa, đức trung tín còn cao quý vô song vì đó là thuộc tính của Thiên Chúa, được diễn tả qua việc Ngài kiên vững trong lời của Ngài, trong tình yêu giao ước Ngài thiết lập với dân mà Ngài đã tuyển chọn (x. Từ điển Công Giáo, tr.933). Thế nhưng, như câu tục ngữ “nén bạc đâm toạc tờ giấy” cho thấy, đồng tiền có một thế lực mạnh mẽ khiến nhiều kẻ dễ dàng trở mặt bất trung; Chúa Giê-su cho biết thế lực của “Tiền Của” còn ghê gớm hơn, nó trở thành một thứ ngẫu tượng, khiến người ta dễ dàng bất trung với cả Thiên Chúa để coi tiền của như chúa của mình.

Mời Bạn: Khi lãnh nhận phép Rửa, chúng ta đã tuyên hứa quyết tâm từ bỏ cám dỗ của tội lỗi và ma quỷ. Thế nhưng, là con người yếu đuối, chúng ta vẫn dễ rơi vào cám dỗ của tiền bạc mà quên đi Thiên Chúa là Chủ đời mình. Nhưng, bạn có biết không? Dù chúng ta không trung tín với Thiên Chúa, Ngài vẫn một lòng trung tín với chúng ta (x. 2Tm 2,13). Bởi vì Ngài vẫn một lòng yêu thương chúng ta.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết trung tín trong việc bổn phận rất nhỏ để có thể trung tín trong việc lớn (x. Lc 16,10).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn trung tín với Chúa, quyết nói không với tiền của, và đặc biệt là trung tín trong việc thánh hoá ngày Chúa Nhật để thờ phượng Chúa. Amen.

 

06/11/22 CHÚA NHẬT TUẦN 32 TN – C


Lc 20,27-38

SỐNG TRONG NƯỚC THIÊN CHÚA

“Con cái đời này cưới vợ lấy lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.” (Lc 20,34-35)

Suy niệm: Những người Do Thái nhóm Xa-đốc lấy ‘râu ông cắm cằm bà’, đem chuyện cưới vợ lấy chồng ở đời này để vẽ ra một “ca” cực kỳ khó tin là trong Nước Thiên Chúa lại có chuyện bảy ông là chồng của một bà. Trong bài giảng hôm nay, Chúa Giê-su bác bỏ lối áp dụng khiên cưỡng ấy, và Ngài mặc khải cho chúng ta sự thật về cuộc sống mai sau. Lúc đó, người ta không còn phải lo chuyện cưới vợ lấy chồng, không còn bị ràng buộc bởi những quy luật của cuộc sống trần gian mà tất cả là ân phúc, là nếm hưởng vinh quang Thiên Chúa trong cuộc sống “ngang hàng với các thiên thần”. Quả thật, Đức Ki-tô đến trần gian để cho con người được sống và sống dồi dào, không chỉ ở trần gian này mà còn là cuộc sống viên mãn trong Nước Thiên Chúa trong ngày cánh chung, bởi vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa và là Chúa của kẻ sống.

Mời Bạn: Bạn và tôi đang đi trên con đường lữ hành trần gian này, nhưng điểm đến tối hậu chính là về nhà Thiên Chúa, nơi Ngài dọn sẵn cho chúng ta. Để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau đó, chúng ta không đem tinh thần thế tục để áp dụng vào cuộc sống thiên đàng, mà trái lại ngay từ bây giờ, chúng ta phải sống như những người con cái Chúa và là anh chị em con một Cha trên trời.

Sống Lời Chúa: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng… trái lại, đối xử tốt với nhau…” (x. Ep 4,31-32)

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống theo Lời Chúa dạy, chúng con được vui hường hạnh phúc trong nhà Chúa muôn đời.

 

07/11/22 THỨ HAI TUẦN 32 TN


Lc 17,1-6

 

THA THỨ VÌ ĐÃ ĐƯỢC THỨ THA

“Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận,’ thì anh cũng phải tha cho nó.” (Lc 17,4)

Suy niệm: Có thể nói, khái niệm ‘tha thứ’ không hề có trong luật hình sự. Một khi đã bị kết án là có tội thì được giảm khinh là may mắn rồi; còn trường hợp tái phạm chỉ có thể là tình tiết tăng nặng. Về việc này thì ông bà ta khoan dung hơn, nhưng cũng chỉ ‘quá tam ba bận’: tha thứ tới ba lần là rộng lượng quá mức rồi. Còn Chúa Giê-su thì dạy nếu như trong chỉ có một ngày, bạn bị ai đó xúc phạm tới bảy lần, mà cả bảy lần, người đó tới xin lỗi, thì bạn cũng phải tha hết cho người ấy. Ấy là chưa kể, theo người Do Thái, con số bảy có ý nói phải tha tới vô số lần, không giới hạn. Theo lẽ tự nhiên, một yêu cầu như thế là bất khả thi. Nhưng chúng ta có thể và phải thương xót và tha thứ đến vô cùng như thế vì Thiên Chúa đã thương xót và tha thứ cho chúng ta (x. Mt 18,23-35).

Mời Bạn: Thiên Chúa là Đấng Thương Xót nên Ngài luôn sẵn lòng và rộng lượng thứ tha ngay khi chúng ta cầu xin Ngài. Và Ngài đòi buộc chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau như Ngài đã tha thứ. Vì tha thứ cho anh em là điều kiện để chúng ta được Chúa thứ tha!

Sống Lời Chúa: Mỗi khi bạn cảm thấy như mình đã đụng đến bức tường giới hạn không thể tha thứ cho anh em mình, bạn hãy nhớ lại mình đã phạm tội xúc phạm đến Chúa thế nào và đã được Ngài tha thứ ra sao.

Cầu nguyện: Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Amen.

 

08/11/22 THỨ BA TUẦN 32 TN

Lc 17,7-10

KHÔNG TIN SÂU SẮC,
KHÔNG SỐNG KHIÊM CUNG !

Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.(Lc 17,10)

Suy niệm: Đế quốc Rô-ma thời Chúa Giê-su vẫn duy trì chế độ nô lệ khắc nghiệt. Nhưng những người được coi là ‘gia nhân’, là ‘tôi trai tớ gái trong nhà’ được những ‘quản gia trung tín, khôn ngoan’ coi sóc, có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều. Dù thế nào đi nữa, bổn phận người tôi tớ vẫn là phục vụ theo lệnh chủ mà không kể công. Khi đề cập đến tương quan ông chủ-đầy tớ này, Chúa Giê-su dạy chúng ta là những thụ tạo, đứng trước Thiên Chúa, chúng ta chỉ là tôi tớ. Bản chất ấy không cho phép ta vênh vang, kể công, hay tự phụ, nhưng là khiêm tốn nhận biết mọi điều mình có là ân huệ do Chúa ban tặng. Có thể nói rằng khiêm tốn chính là hoa quả của đức tin. Hay nói cách mạnh mẽ hơn: không có đức tin thẳm sâu, chẳng thể có đời sống khiêm nhường! Nhờ có khiêm tốn trong đức tin như thế, người ta mới có thể coi việc phục vụ Thiên Chúa nơi tha nhân như một ân huệ.

Mời Bạn: “Chúng ta ti gn s ln lao nhất khi ta ln lao trong khiêm tn” (R. Tagore). Lớn lên trong khiêm tốn không làm con người nhỏ đi, trái lại khiến họ nên cao cả. Mời bạn sống tâm tình này với ý thức, nếu muốn tới gần Thiên Chúa, tôi phải biết nhỏ bé đi mỗi ngày.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn đón nhận một nhiệm vụ được trao phó và thực hiện chu đáo hết sức có thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy con ý thức mình chỉ là tôi tớ vô dụng. Xin dạy con biết sống quảng đại, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào khác hơn là biết mình đã hành động theo thánh ý Chúa. Amen.

 

09/11/22 THỨ TƯ TUẦN 32 TNCung Hiến Thánh Đường La-tê-ra-nô  
Ga 2,13-22

ĐỂ NÊN XỨNG ĐÁNG

Người Do Thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (Ga 2,20-21)

Suy niệm: Bốn mươi sáu năm, gần một nửa thế kỷ để xây một Đền Thờ – quả là công trình vĩ đại và đáng tự hào. Nhưng giá trị của Đền Thờ không hệ tại ở tính cách qui mô của công trình mà là Đấng ngự trong Đền Thờ. Chính Đấng ấy làm cho mọi công trình trở nên Đền Thờ; nhưng khi Đấng Thánh không còn được tôn thờ, khi tính linh thánh, tôn nghiêm không còn nữa, thì nơi được gọi là ‘đền thờ’ ấy chỉ còn đáng gọi là cái chợ, là hang ổ bọn cướp. Thế nên, những nơi gọi là ‘Đền Thờ’ mà Thiên Chúa không hiện diện, không được tôn thờ, thì thà phá đi để xây dựng lại còn hơn. Trái lại bất cứ nơi đâu, thậm chí là hang bò lừa, mà có Chúa hiện diện, thì đó chính là nơi thánh, là Đền Thờ.

Mời Bạn: Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã cùng chết với Chúa Ki-tô, để được sống lại với Ngài. Đó là cách thế Ngài tái thiết Đền Thờ cho ta. Nhưng sẽ là hoang phí, nếu công trình được trả giá bằng cái chết của Con Thiên Chúa lại biến thành nơi buôn bán hoặc hang ổ của bọn cướp!

Sống Lời Chúa: Mau chóng đến với Bí tích Hòa giải để Chúa Ki-tô thanh tẩy và hiện diện nơi Đền Thờ tâm hồn của mình.

 

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, là Đấng sẵn sàng hiến thân để ở cùng chúng con. Xin tạ ơn Chúa về tình yêu muôn trùng cao cả. Và xin cho con biết khiêm tốn mở lòng hầu được Chúa thanh tẩy và thánh hiến, để tâm hồn con thực sự nên Đền Thờ xứng đáng cho Chúa ngự. Amen.

 

10/11/22 THỨ NĂM TUẦN 32 TNTh. Lê-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT
Lc 17,20-25

 

THÁNH THỂ: NƯỚC TRỜI HIỆN DIỆN

“Vì này Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,21)

Suy niệm: Giám mục Curtis một lần tới thăm Đức Hồng Y Newman. Đức Hồng Y cho Giám mục Curtis biết Toà Thánh đã ban cho Ngài đặc ân được đặt Mình Thánh Chúa trong phòng. Không ngờ tin này làm Giám mục Curtis xúc động mạnh, đến nỗi khi Đức Hồng Y mời Giám mục ở lại ban đêm, Giám mục đã trả lời rằng: “Tôi không thể nào ngủ được khi biết Chúa của tôi đang ở với tôi chung một mái nhà”. Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta vì Người toàn năng hiện diện khắp nơi, nhưng một khi chúng ta ý thức điều đó, một khi có bằng chứng nhắc nhở tới sự hiện diện đó, chúng ta thường xúc động mãnh liệt. Thật hạnh phúc cho chúng ta khi hằng ngày chúng ta lại được đích thân gặp Người trong Bí tích Thánh Thể. Chúa Giê-su là chính Nước Trời. Như vậy, Thánh Thể Chúa chính là “Nước Trời đang ở giữa chúng ta”.

Mời Bạn: Bạn có phải là người không còn niềm hứng khởi khi tham dự Thánh lễ? Hay bạn mong Thánh lễ mau kết thúc để đến điểm hẹn hò vui thú phàm trần như bàn nhậu, người yêu hoặc lo chạy mánh…?

Chia sẻ: Bạn có biết không trong Thánh Thể, Chúa Giê-su đang khao khát được chúng ta đến với Ngài, tâm sự với Ngài, trút mọi nỗi lo, mọi ưu phiền thậm chí cả tội lỗi của chúng ta cho Ngài…?

Sống Lời Chúa: Tận dụng thời gian có thể đến viếng Thánh Thể Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở rộng đôi mắt con, để con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa và lắng nghe lời Chúa mời gọi con canh tân đời sống mình. Amen.

 

11/11/22 THỨ SÁU TUẦN 32 TNTh. Mác-ti-nô, giám mục
Lc 17,26-37

HÃY SẴN SÀNG

“Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.” (Lc 17,30)

 

Suy niệm: Người ta nói rằng: “Lịch sử là ông thầy vĩ đại”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nhắc lại câu chuyện xảy ra thời ông Nô-ê và ông Lót để nhắc nhở các môn đệ về tính bất ngờ của ngày chung thẩm. Thời ông Nô-ê, mọi người cũng ăn uống, dựng vợ gả chồng như chẳng hề có gì bất thường. Thế nhưng, đến ngày ông Nô-ê và gia đình vào tàu, thì cơn đại hồng thủy xảy đến và tiêu diệt tất cả. Rồi thời ông Lót cũng vậy! Khi ông Lót ra khỏi Sơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến lửa thiêu rụi cả thành. Điểm chung của hai câu chuyện này là tính bất ngờ – bất ngờ đến mức con người trở tay không kịp. Khi viện dẫn hai câu chuyện này, Chúa Giê-su muốn các môn đệ hãy canh thức và sẵn sàng để chờ ngày Chúa đến.

Mời Bạn: Ngày của Chúa có thể được hiểu theo hai nghĩa: ngày tận thế hoặc là cái chết của mỗi người. Dù hiểu theo nghĩa nào đi nữa, thì ngày của Chúa cũng sẽ đến bất thần như ‘kẻ trộm ban đêm’. Trong khi chờ đợi ngày ấy, Chúa muốn chúng ta có thái độ canh thức, sẵn sàng và ra công làm việc như một tôi tớ trung thành. Quả thật, sống hết mình trong giây phút hiện tại và chu toàn các việc bổn phận là cách khôn ngoan nhất để chờ đợi ngày của Con Người.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm chu toàn các bổn phận hằng ngày với tất cả lòng tận tâm và yêu mến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, ngày của Con Người sẽ đến, dù chúng con không biết khi nào và cách nào. Nhưng Chúa cho chúng con biết rằng ngày ấy sẽ đến hết sức bất ngờ. Xin Chúa giúp con luôn biết tỉnh thức, sẵn sàng, để ngày ấy chúng con vui mừng ra nghênh đón Chúa. Amen.

 

12/11/22 THỨ BẢY TUẦN 32 TN


Th. Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo
Lc 18,1-8

 

KIÊN TRÌ SẼ ĐƯỢC ĐỀN ĐÁP

“Nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc. (Lc 18,5)

 

Suy niệm: “Nghị lực và kiên trì chinh phục được tất cả” (Benjamin Franklin). Viên quan toà không sợ trời cũng chẳng nể ai, cuối cùng cũng phải chịu thua sự kiên trì đến độ lì lợm của bà goá nghèo. Nếu sự kiên trì của bà khiến viên quan toà bất chính phải đáp ứng lời bà cầu xin chỉ để ông thoát khỏi cảnh bị bà ta quấy rầy, thì chẳng lẽ Thiên Chúa lại làm ngơ trước lời cầu nguyện liên lỉ của chúng ta. Ngài khẩn khoản kêu gọi chúng ta “phải cầu nguyện luôn, đừng sờn lòng nản chí”, vì chắc chắn Ngài sẽ đáp lời chúng ta, vì Ngài không phải là ông quan toà bất chính mà là Cha nhân từ và quyền năng; mặt khác, chúng ta không còn là người xa lạ mà là con cái Chúa, “những kẻ được Ngài tuyển chọn”.

Mời Bạn: Cầu nguyện luôn luôn nghĩa là coi việc “cầu nguyện là lẽ sống” (René Voillaume), chứ không phải là việc tuỳ tiện, muốn làm hay không tuỳ thích. Cũng thế, cầu nguyện cách kiên trì không có nghĩa là chờ đợi cho đến khi nào được “như ý mình” mới thôi, mà trái lại là cầu xin cho mình biết đón nhận “như thánh ý Chúa”. Chỉ khi nào “ý mình” được biến đổi trở nên đồng nhất với “ý Chúa”, lúc đó điều tốt đẹp nhất mới đến cho cuộc đời chúng ta.

 

Sống Lời Chúa: Trong chương trình sống hằng ngày, bạn ấn định thời gian  dành để cầu nguyện và trung thành tuân giữ chương trình ấy.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết kiên trì cầu nguyện luôn với Chúa không ngừng. Giữa những bon chen của cuộc sống, xin Chúa cất đi những cám dỗ ngã lòng, nuôi dưỡng lòng tin yêu hướng về Chúa, để con phó thác mọi sự đời mình cho Chúa. Amen.

 

13/11/22 CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – C


Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lc 9,23-26

 

SỐNG VÀ CHẾT VÌ ĐẠI NGHĨA

Đức Giê-su nói với mọi người rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)

 

Suy niệm: Hình ảnh chàng trai trẻ trong “Chinh phụ ngâm” thật hào hùng:

“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”

Thân nam nhi dám vì đại nghĩa là bảo vệ quê hương giống nòi, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng xông pha trận mạc nơi biên thuỳ, chết lấy da ngựa bọc thây, thế mới là người có chí khí, đáng mặt anh hùng hào kiệt. Thế thì các vị tử đạo, những người vì cái nghĩa lớn hơn, đó là làm chứng cho Đức Ki-tô, mà dám liều mạng sống mình, những người đó chẳng những đáng được tôn vinh mà còn được tưởng thưởng bội hậu: họ sẽ cứu được mạng sống mình và được sống hạnh phúc đời đời ở bên Thiên Chúa.

Mời Bạn: Trước khi dám chết vì Đức Ki-tô, các vị tử đạo đã phải dám sống vì Ngài. Chết vì Đức Ki-tô thì chỉ có một lần. Nhưng sống vì Đức Ki-tô, bạn có thể thể hiện mỗi ngày, bao lâu bạn còn sống trên đời này, mỗi lần một mới mẻ hơn và sâu sắc hơn. Cụ thể là hôm nay, ngay bây giờ, bạn làm gì để sống cho Đức Ki-tô, để làm chứng nhân cho Ngài?

 

Chia sẻ: Thế nào là một hành vi làm chứng cho Đức Ki-tô?

 

Sống Lời Chúa: Làm thật tốt công việc bổn phận của bạn ngày hôm nay để làm chứng cho Đức Ki-tô.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng của các bậc tiền nhân, biết làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô bằng đời sống tin yêu và phó thác, biết nói về Chúa cho đồng bào lương dân, biết cầu nguyện và hy sinh cho việc truyền giáo. Amen.