5 phút Lời Chúa mỗi ngày – Tháng 11/2021

print

5 phút Lời Chúa mỗi ngày – Tháng 11/2021

Link tải về:

 5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày – Tháng 11 – 2021

 

 

01/11/21 THỨ HAI TUẦN 31 TN Các Thánh Nam Nữ Mt 5,1-12a

07/11/21 chúa nhật tuần 32 tn – b  Mc 12,38-44  14

14/11/21 CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – B  Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Mc 13,24-32. 28

21/11/21 CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – B Chúa Ki-tô, Vua Vũ Trụ Ga 18,33b-37. 43

28/11/21 CHÚA NHẬT TUẦN I MV Lc 21,25-28.34-36  58

01/11/21 THỨ HAI TUẦN 31 TN
Các Thánh Nam Nữ
Mt 5,1-12a

CON ĐƯỜNG TÁM MỐI PHÚC

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao.” (Mt 5,12a)

Suy niệm: Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nói thiên đàng là cuộc sống hiệp thông trọn hảo với Ba Ngôi Chí Thánh, là “tình trạng vinh phúc tuyệt hảo và vĩnh viễn” (số 1024). Các Thánh nam nữ mà Giáo Hội mừng kính trong ngày đại lễ hôm nay, đang được hưởng hạnh phúc tuyệt vời nơi thiên đàng đó, các ngài là những ai? Và nhờ đâu các ngài đạt được hạnh phúc như thế? Thưa, các ngài cũng là con người, là tín hữu như tất cả chúng ta và các ngài đã đạt tới cõi phúc trường sinh đó sau một cuộc đời trung thành đi trên con đường “Tám Mối Phúc.” Con đường “Tám Mối Phúc” đó chính là tám ngả đường nên thánh hội tụ tại một điểm đến chung đó là biến đổi chúng ta trở nên thật giống với Chúa Ki-tô và kết hợp trọn vẹn với Ngài.

Mời Bạn: Bạn ơi, muốn nên thánh đâu có cần phải làm những việc siêu phàm, kinh thiên động địa, mà đơn giản chỉ là luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc sống đời thường, những lời được đúc kết trong Con Đường “Tám Mối Phúc” đó.

Chia sẻ: Trong “Tám Mối Phúc,” đâu là mối phúc “ruột” của bạn, đâu là mối phúc đánh động bạn nhất, thúc giục bạn sống theo đó để nên thánh hơn cả?

Sống Lời Chúa: Bạn chọn một mối phúc ưa thích nhất và quyết tâm mỗi ngày làm một việc cụ thể để thực thi mối phúc đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con được mỗi ngày một nên giống Đức Ki, Con Chúa, để chúng con làm chứng cho Chúa khi còn ở đời này và được cùng các thánh hưởng phúc đời sau với Chúa. Amen.

 

02/11/21 THỨ BA TUẦN 31 TN
Cầu cho các tín hữu đã qua đời 
Ga 6,37-40

 

VỀ BÊN CHÚA

“Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40)

Suy niệm: Nhiều người vẫn tưởng rằng mình mạnh mẽ cho đến khi đối diện với dịch bệnh do con vi-rút nhỏ bé mắt thường không thấy; lúc đó họ mới thấy rằng mình thật là nhỏ bé, sự sống của mình thật ra rất mong manh. Lại có những người vì hứng chịu hậu quả khốc liệt và dai dẳng của đại dịch, đã cảm thấy cuộc sống thật phi lý, bế tắc và tuyệt vọng. Trong bầu khí ảm đạm ấy, Lời Chúa cho thấy ý nghĩa và giá trị cao cả của sự sống: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Chỉ những ai “thấy Chúa Con và tin vào Người” mới đạt được cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu đó.

Mời Bạn: Đức tin tiếp sức cho chúng ta thêm lạc quan và hy vọng để xác tín vào ý nghĩa và giá trị của cuộc sống này; nhờ đó, những nỗ lực của bệnh nhân chống chọi cơn bệnh, những vất vả của các y bác sĩ, những nghĩa cử chia sẻ những người thiện nguyện, kể cả sự ra đi của những người không vượt qua được dịch bệnh, tất cả những điều đó có thể giúp họ “chạm đến trái tim nhân lành của Chúa” và cảm nhận được “bàn tay ân cần của Chúa” đang nâng đỡ họ.

Sống Lời Chúa: Dành tất cả lời cầu nguyện, các việc đạo đức, việc hy sinh và từ thiện bác ái làm trong ngày hôm nay để cầu nguyện cho những anh chị em đã qua đời vì dịch Covid-19 được hưởng lòng Chúa thương xót.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là sự sống lại và là sự sống. Xin Chúa thương đến những anh chị em qua đời vì cơn đại dịch này. Amen.

 

03/11/21 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Th. Mác-ti-nô Po-rét, tu sĩ
Lc 14,25-33

CẤP ĐỘ TRONG TÌNH YÊU

“Ai đến với tôi, mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26)

Suy niệm: Đứa con như khúc ruột của cha mẹ mang nặng đẻ đau, thương còn không hết, lẽ nào cha mẹ lại có thể dứt bỏ con, con cái có thể dứt bỏ cha mẹ được! Thế mới biết, làm môn đệ Chúa Ki-tô đòi hỏi sự từ bỏ triệt để như thế nào. Đòi buộc rất cao nhưng đã một Áp-ra-ham quyết sát tế người con duy nhất của mình để vâng lệnh Chúa. Đáp lại Chúa đã cho người con ấy sống và trở thành tổ phụ của cả một dân tộc. Cũng đã có những vị tử đạo như thánh Si-mon Phan Đắc Hòa, khuyên các con đến thăm mình trong tù: “Cha yêu thương các con và hằng nhớ đến các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn.” Người đáp lại tình yêu Chúa với cấp độ yêu thương đó, dù có bị ngược đãi, sẽ được Chúa ban lại “gấp bội đời này và sự sống vĩnh cửu đời sau” như lời Ngài đã hứa (Lc 18,30).

Mời Bạn: “Dứt bỏ cha mẹ, vợ con,…” để theo Đức Ki-tô là đừng để những mốt quan hệ đó trở thành hàng rào ngăn cản bước chân thực thi sứ mạng là môn đệ của Ngài; trái lại, đó là sự tự do thanh thoát nhìn thấy Chúa hiện diện nơi họ để họ được yêu thương “hết lòng, hết sức, hết trí khôn” trong tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm để xác tín: Mỗi lần tôi làm một hành vi bác ái cho một trong những anh em bé mọn nhất của Chúa đây là tôi làm cho chính Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra Chúa là Đấng đáng yêu mến trên hết mọi sự, để nhờ đó con có thể hết lòng phục vụ anh em vì nhận ra Chúa hiện diện nơi họ. Amen.

 

04/11/21 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Th. Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục
Lc 15,1-10

VUI TRONG CỘNG ĐOÀN

“Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó’.” (Lc 15,6)

Suy niệm: Dù chỉ có một đồng bạc trong số mười đồng bị mất, người phụ nữ cũng “quét nhà, moi móc, tìm cho kỳ được”. Dù chỉ có một con trong số 100 con chiên đi lạc, người chăn chiên cũng lặn lội đi tìm cho kỳ được, và rồi “mừng rỡ vác lên vai” mang về. “Con chiên lạc” không bị loại trừ như một con số lẻ không đáng kể, nhưng có giá trị độc đáo và toàn vẹn khiến cả thiên đàng vui mừng khi nó tìm lại được sự hiệp thông. Đó là hình ảnh báo trước Hội Thánh trong ngày cánh chung được hiệp thông trọn vẹn trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mời Bạn: Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã tạo dựng họ như một cộng đoàn có nam và nữ, là hình ảnh đầu tiên diễn tả cộng đoàn hiệp thông trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Và Hội Thánh, thân thể của Chúa Ki-tô, là khởi đầu của cộng đoàn hiệp thông mầu nhiệm ấy ngay ở trần gian. Trong Hội Thánh, không một ai bị loại trừ. Trái lại, Chúa Ki-tô mong mỏi mỗi người chúng ta lắng nghe tiếng Ngài kêu gọi hoán cải trở về; và chính chúng ta cũng tiếp tay với Đức Ki-tô trong việc tìm kiếm và mở đón anh em trở về đoàn tụ với cộng đoàn. Sự trở về của họ có giá trị lớn lao và là niềm vui cho cả cộng đoàn và triều thần thánh trên trời. Bởi từ nay, họ cảm nhận được lòng nhân từ của Chúa và giá trị to lớn của đời sống cộng đoàn để sống xứng đáng là con cái Ngài.

Sống Lời Chúa: Tham gia và mời gọi nhiều người tham gia vào các đoàn thể và hoạt động tông đồ của giáo xứ.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.

 

05/11/21 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 16,1-8

THẾ NÀO LÀ KHÔN NGOAN THẬT?

“Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.” (Lc 16,8)

Suy niệm: Chúa Giê-su dùng từ “khôn khéo” xem ra khá nhẹ nhàng đối với hành động của người quản gia bất lương trong dụ ngôn hôm nay. Theo tiếng Việt, từ “khôn khéo” diễn tả cách xử sự hợp tình hợp lý, vừa khôn ngoan lại vừa khéo léo. Vì thế, từ ngữ này thường mang ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, người quản gia trong dụ ngôn lại hành động “khôn khéo” một cách tiêu cực. Đó có thể gọi là sự mánh khóe, lươn lẹo để trục lợi cho mình. Tất nhiên Chúa Giê-su không khen ngợi sự mánh khóe đó của người quản gia – vì thế Chúa mới gọi anh là “bất lương” – nhưng Ngài khen vì cách hành xử biết lo xa cho tương lai của mình. Qua dụ ngôn, Chúa dạy chúng ta phải “khôn khéo” nhưng là để hành động như con cái sự sáng, đó là biết lo liệu “dùng tiền của bất chính” để sắm lấy “kho tàng trên trời”. Đó mới là sự khôn ngoan đích thật.

Mời Bạn: Chúa cho chúng ta có thời gian và cơ hội để chuẩn bị cho đời sống mai sau. Thời gian càng trôi qua thì cơ hội lại càng ít đi. Vậy Bạn đã “lo xa” cho linh hồn của mình như thế nào? Cách tốt nhất và cũng là khôn ngoan nhất, đó là luôn biết hoán cải đời sống, siêng năng lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các Bí tích và sống khiêm nhường yêu thương nhau.

Sống Lời Chúa: Sống bác ái, chia sẻ cách quảng đại là đầu tư vào Nước Trời.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch Khôn Ngoan, giữa muôn vàn chọn lựa của đời sống, xin dạy con biết chọn Chúa làm gia nghiệp duy nhất của đời con. Amen.

 

06/11/21 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 16,9-15

TRUNG TÍN TỪ VIỆC NHỎ

“Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em.” (Lc 16,11)

Suy niệm: Lòng tham lam là thứ tật xấu gắn chặt và sâu trong bản tính con người; tiền bạc lại có một sức hút mạnh mẽ và hứa hẹn thoả mãn mọi đòi hỏi của lòng tham. Vì thế tiền bạc và lòng tham lam dễ dàng trở thành một cặp đôi song hành nguy hiểm đến mức những ai bị chúng chế ngự thì muốn vào Nước Thiên Chúa cũng khó giống như “con lạc đà chui qua lỗ kim” vậy (x. Lc 18,25). Thấy rõ hiểm hoạ đó, Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta phải có thái độ đúng đắn đối với tiền của. Tiền của đời này là “chuyện rất nhỏ” so với gia tài vĩnh cửu đời sau. Người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô phải là người trung tín ngay trong việc rất nhỏ này: của cải đời này không phải để hưởng thụ cho thoả mãn lòng tham; trái lại, người ki-tô hữu phải biết dùng chúng để “sinh lợi cho Nước Trời” (x. Lc 16,13), nghĩa là để chia sẻ và phục vụ anh chị em mình.

Mời Bạn: “Tiền bạc là một anh đầy tớ vĩ đại nhưng là một ông chủ tồi tệ” (Fr. Bacon). Để “anh đầy tớ vĩ đại” này phục vụ tốt, bạn cần phải biết phân định bằng cách đặt kế hoạch chi tiêu của mình, của gia đình/cộng đoàn mình lên bàn cân, đối chiếu với tiêu chí khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm; và rồi bạn hãy chọn làm điều thích hợp để thể hiện niềm tin và lòng trung thành của bạn đối với Thiên Chúa, Đấng đã ban cho bạn tất cả của cải đó.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời cầu trong kinh Lạy Cha: “xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” và luôn trích ra một khoản từ những chi tiêu hằng ngày để dành cho người nghèo.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

 

07/11/21 Chúa Nhật tuần 32 TN – B
Mc 12,38-44

“diễn sâu”

“Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.” (Mc 12,40)

Suy niệm: Thời nay, có nhiều người, không riêng gì giới trẻ, thích “sống ảo” và vì thế, thường “diễn sâu”: Bằng cách khoác lên người những bộ áo phô trương quá lố, họ cố thể hiện những giá trị mà họ không hề có. Các kinh sư và Pha-ri-sêu được kể là bậc thầy trong việc “diễn sâu”. Họ luôn cho mình là người quan trọng không thể thiếu, tự đặt mình lên một bậc thang danh giá. Không chỉ phô trương qua quần áo, trong giao tiếp, xuất hiện với tần suất dày đặc nơi công cộng, họ còn tham lam trục lợi khi “làm bộ đọc kinh lâu giờ” nhằm “nuốt hết tài sản của các bà goá”, là những người yếu thế được Lề Luật bảo vệ, “không được ức hiếp” (x. Xh 22,21-22).

Mời Bạn: Sự ham chuộng lối sống phô trương, được thúc đẩy bởi lòng tham lam, ích kỷ khiến người ta dễ “đóng kịch” với nhiều vai: ở nhà, ngoài xã hội, mỗi nơi mang những mặt nạ khác nhau. Đành rằng mỗi tình huống trong cuộc sống đòi chúng ta phải có cách ứng xử đúng đắn thích hợp, nhưng để khỏi trở thành “kịch sĩ diễn sâu”, hoặc “bề ngoài thơn thớt nói cười mà trong nham hiểm giết người không gươm,” chúng ta luôn cần có một tấm lòng chân thành với Chúa và với nhau, và mong muốn cho tha nhân những điều thiện hảo.

Sống Lời Chúa: Luôn nói không với gian dối và với những cư xử ác ý.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Lời Chúa hôm nay thức tỉnh trái tim con phải trở lại con người mình, sống chân thực không phô trương giả dối. Xin cho con đừng bao giờ sống hai mặt với Chúa, với tha nhân và cả với bản thân con nữa. Amen.

 

08/11/21 THỨ HAI TUẦN 32 TN
Lc 17,1-6

 

ĐỪNG GÂY CỚ VẤP PHẠM

Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã!(Lc 17,1 )

Suy niệm: Trái đất tròn, nhưng thế giới công nghệ số hôm nay thì “phẳng”; mà cái gì “phẳng” cũng có hai mặt, xã hội ngày nay cũng thế: mặt tốt cũng có, mà mặt xấu cũng nhiều. Xã hội càng văn minh, tự do, các dịp tội lại càng lan tràn dưới nhiều hình thức khác nhau: từ đồ vật như báo chí, phim ảnh xấu, hoặc là con người hay môi trường, hoàn cảnh, khiến ta sa chước cám dỗ. Đành rằng không nên để mình rơi vào dịp tội, nhưng nếu làm cớ khiến người khác vấp phạm lại khốn hơn, vì gây hại cho phần rỗi của họ, nhất là với trẻ nhỏ và người bé mọn. “Thà buộc cối đá vào nó mà quăng xuống biển thì hơn” cho thấy với Chúa Giê-su, việc gây cớ vấp phạm trầm trọng như thế nào. Đồng thời Ngài cũng muốn ta dứt khoát, cương quyết và không thỏa hiệp với ma quỷ, với các dịp tội. Tổ tông loài người đã để lại cho con cháu bài học xương máu về sự thảm bại trong việc thỏa hiệp với ma quỷ.

Mời Bạn: Ai tưởng mình luôn đứng vững, không cương quyết với dịp tội thì “hãy coi chừng kẻo ngã” (x. 1Cr 10,12). Đây là kinh nghiệm thiêng liêng đúng cho mọi người và tất nhiên cho cả bạn. Ma quỷ xảo quyệt hơn ta nhiều. Vì vậy, cách tốt nhất là kiên quyết tránh xa các dịp tội, và dứt khoát loại bỏ ngay những cớ gây vấp phạm cho người khác.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm không gây gương mù, gương xấu cho người lân cận trong cách cư xử của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, ý chí chúng con luôn yếu đuối trước cám dỗ của ma quỷ. Xin ban ơn Thánh Thần, để chúng con biết ghét tội, tránh xa dịp tội, đồng thời biết loại trừ sự dữ để xây dựng thế giới nên tốt đẹp hơn. Amen.

 

09/11/21 THỨ BA TUẦN 32 TN
Cung Hiến Đền Thờ La-tê-ra-nô
Ga 2,13-22

 

ĐIỀU ĐÁNG TỰ HÀO

Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (Ga 2,20-21)

Suy niệm: Khi nói với người Do Thái Ngài sẽ “phá Đền Thờ này” rồi xây lại trong ba ngày, Đức Giê-su ám chỉ Đền Thờ đó chính là thân thể Ngài: vì trong Ngài, con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa, và qua Ngài, con người đạt đến mức độ thờ phượng cao cả nhất. Từ mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Ki-tô, con người được thánh hiến để thuộc về Thiên Chúa. Vì thế, việc mừng kỷ niệm Cung hiến Đền thờ La-tê-ra-nô nhắc nhớ mỗi người về thân thể nhiệm mầu của Chúa Ki-tô – là Giáo hội: trong Nhiệm thể này, mỗi người được thánh hiến và được mời gọi “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).

Mời Bạn: Người Do-thái tự hào về Đền thờ Giê-ru-sa-lem, một công trình mất bốn mươi sáu năm mới xây xong. Nhưng đó chỉ là công trình được kết cấu bởi vật liệu xây dựng vật chất; còn nơi Chúa Ki-tô, Ngài là một với Chúa Cha trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và Ngài hằng hữu từ nguyên thuỷ và là cùng đích. Qua mầu nhiệm chết và sống lại của Ngài, Thiên Chúa kiến thiết mọi sự, trong đó có mỗi người chúng ta, là một “viên đá sống động” trong ngôi đền thờ Hội Thánh. Một công trình như thế có đáng để bạn tự hào không?

Sống Lời Chúa: Chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón Chúa hôm nay, ít nhất qua hình thức rước lễ thiêng liêng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tự hào vì được mang danh Chúa và trở nên đền thờ của Chúa, để con cố gắng nên hoàn thiện hơn mỗi ngày.

 

10/11/21 THỨ TƯ TUẦN 32 TN
Th. Lê-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT
Lc 17,11-19

 

VÂNG PHỤC TRONG ĐỨC TIN

Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. (Lc 17,14)

Suy niệm: Theo luật Do Thái, người mắc bệnh phong nếu khỏi bệnh thì phải đi trình diện tư tế để xác minh mình đã lành sạch. Mười người phong cùi này vẫn còn mang trên thân thể những lở loét của căn bệnh ghê tởm này, nhưng họ vẫn vâng lời Đức Giê-su “đi trình diện các tư tế”. Quả nhiên, “đang khi đi thì họ được sạch”: Được sạch, bởi họ đã tin tưởng, phó thác vào tình yêu, quyền năng và lòng thương xót của Chúa. Một khi biết bày tỏ đức tin qua sự vâng phục như thế, thì con người sẽ thấy được quyền năng Chúa tỏ hiện.

Mời Bạn: Theo tính tự nhiên, có những khi chúng ta cảm thấy miễn cưỡng, gò bó, thậm chí phi lý khi phải vâng lời một con người mà ta gọi là “bề trên” hay tuân thủ những qui định, luật lệ của cộng đoàn, tổ chức. Thánh Phao-lô khẳng định: “Không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa” (Rm 13,1). Nếu chúng ta biết nhận ra thánh ý Chúa nơi những người mang chức năng đại diện quyền bính của Ngài, nơi luật lệ dân sự chính đáng, chúng ta có thể biến những việc tự nhiên đời thường thành những hành vi có giá trị siêu nhiên, thành nhân đức. Vâng phục trong đức tin như thế chúng ta không hạ thấp tự do và trách nhiệm của mình. Trái lại, chúng ta lớn lên trong niềm tin tưởng phó thác. Nói cách khác, chúng ta sẽ là những trẻ thơ, mà là những “trẻ thơ trưởng thành” của Chúa.

Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi làm việc bổn phận hằng ngày với cái nhìn mới của sự vâng phục trong đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm đức tin để chúng con biết tín thác vào Chúa.

 

11/11/21 THỨ NĂM TUẦN 32 TN
Th. Mác-ti-nô, giám mục
Lc 17,20-25

 

thánh thể: nước trời hiện diện

“Vì này Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,21)

Suy niệm: Một lần kia, giám mục Curtis tới thăm Hồng Y Newman – (được tuyên hiển thánh năm 2019). Đức Hồng Y cho Đức cha Curtis biết Toà Thánh đã ban cho Ngài đặc ân được đặt Mình Thánh Chúa trong phòng. Không ngờ tin này làm Đức cha Curtis xúc động mạnh, đến nỗi khi Đức Hồng Y mời Đức cha ở lại ban đêm, Đức cha đã trả lời rằng: “Tôi không thể nào ngủ được khi biết Chúa của tôi đang ở với tôi chung một mái nhà”. Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta vì Người toàn năng hiện diện khắp nơi, nhưng một khi chúng ta ý thức điều đó, một khi có bằng chứng nhắc nhở tới sự hiện diện đó thường làm chúng ta xúc động mãnh liệt. Thật hạnh phúc cho chúng ta khi hằng ngày chúng ta lại được đích thân gặp Người trong Bí tích Thánh Thể. Chúa Giê-su là chính Nước Trời. Như vậy, Thánh Thể Chúa chính là “Nước Trời đang ở giữa chúng ta”.

Mời Bạn: Bạn có phải là người không còn niềm hứng khởi khi tham dự Thánh lễ? Hay bạn mong Thánh lễ mau kết thúc để đến điểm hẹn hò vui thú phàm trần như bàn nhậu, người yêu hoặc lo chạy mánh…? Bạn có biết không trong Thánh Thể, Chúa Giê-su đang khao khát được chúng ta đến với Ngài, tâm sự với Ngài, trút mọi nỗi lo, mọi ưu phiền thậm chí cả tội lỗi của chúng ta cho Ngài…?

Sống Lời Chúa: Tận dụng thời gian có thể đến viếng Thánh Thể Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở rộng đôi mắt con, để con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa và lắng nghe lời Chúa mời gọi con canh tân đời sống mình. Amen.

 

12/11/21 THỨ SÁU TUẦN 32 TN
Th. Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo
Lc 17,26-37

 

“CHUYỆN VỢ ÔNG LÓT”

Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. (Lc 17,32)

Suy niệm: Để hướng dẫn cho chúng ta cách ứng xử phải có trong ngày Quang Lâm, Chúa Giê-su kể lại sự tích “vợ ông Lót”. Trên đường thoát khỏi thành Xơ-đôm đang bị thiêu huỷ, vợ ông Lót không nghe theo lời cảnh báo của thiên sứ, đã “ngoái lại đằng sau và hoá thành cột muối” (x. Xh 19,15-26). Ngoái lại về hướng Xơ-đôm, thành phố của sa đoạ tội lỗi, phải chăng bà Lót tiếc rẻ cuộc sống và tài sản bỏ lại ở đó? Lằn ranh đỏ giữa chết và sống, giữa việc bị tiêu diệt và được cứu thoát, chỉ ở một cái quay đầu! Chúa Giê-su cũng có lời cảnh báo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). Ngày Chúa Ki-tô quang lâm không ở đâu xa. Ngay khi chúng ta thẳng tiến về phía trước theo lời Ngài, thì “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta” rồi (x. Lc 17,21).

Mời Bạn: Trong một thế giới duy vật và tục hoá, nhiều người bị lôi cuốn vào việc tìm kiếm danh vọng của cải và hưởng thụ lạc thú. Chính vì “mải mê thế sự” như thế, người ta không còn tha thiết “tìm kiếm những sự trên trời” là cùng đích đích thực của mình. Để có thể làm một cuộc “quay đầu” dứt khoát hướng về “Nước Thiên Chúa”, bạn cần nhận thức rõ sự chóng qua của cuộc đời này, mạnh dạn dứt bỏ lòng ham mê hưởng thụ và dùng những của cải đời này để chia sẻ và phục vụ tha nhân.

Sống Lời Chúa: Cắt giảm những chi tiêu không thiết yếu để chia sẻ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin neo giữ trái tim con kiên định nơi Chúa, đừng để những quyến luyến trần gian làm con xao lãng thánh ý Chúa. Xin giúp con làm việc để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Amen.

 

13/11/21 THỨ BẢY TUẦN 32 TN
Lc 18,1-8

 

LÝ LẼ CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN

“Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” (Lc 18,7)

Suy niệm: Chúng ta dễ chấp nhận những gì hợp luận lý. Nếu với một đề thi khó, tôi kiên trì và cuối cùng đã giải được, thì với một đề thi dễ, và cũng với sự kiên trì đó, chẳng lẽ tôi lại bó tay? Cũng một cách lý luận, qua dụ ngôn ông quan toà bất lương, Chúa dạy ta về lý lẽ của việc cầu nguyện. Ông quan toà bất lương, không sợ trời cũng không kiêng nể ai, nhưng để tránh sự quấy rầy dai dẳng của bà goá nghèo, ông ta đã miễn cưỡng phân xử cho bà; huống chi Thiên Chúa đầy lòng nhân từ thương xót, chẳng lẽ Người lại không lắng nghe tiếng kêu cầu của con cái Ngài và đáp lại bằng nhiều cách thế vượt trên mọi chờ đợi tính toán của con người hay sao?

Mời Bạn: Thiên Chúa không thể tự mâu thuẫn, vì thế chắc chắn Người sẽ nhận lời bạn cầu xin. Vấn đề là chúng ta có kiên trì cầu nguyện hay không dù Người có vẻ như chậm trễ. Và mời bạn nhìn lại xem thái độ của mình khi cầu nguyện với Chúa thế nào: Chúa đang lắng nghe lời bạn cầu xin như người cha nhân từ lắng nghe con cái, chẳng lẽ bạn coi Chúa như ông quan toà bất lương, hay như một cỗ máy rút tiền tự động? Bạn hãy xin lỗi Chúa vì thái độ xúc phạm đến Ngài như thế.

Chia sẻ: Có lắm khi chúng ta cầu xin Chúa mãi mà không được. Xin bạn chia sẻ cảm tưởng và cách phản ứng của mình trong tình huống đó.

Sống Lời Chúa: Bạn thường xuyên rứơc Chúa Thánh Thể hoặc chầu Thánh Thể Chúa. Đó chính là những lúc thích hợp nhất để bạn cầu nguyện với Chúa cách thân thiết trong mối tình Cha-con.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

 

14/11/21 CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – B
Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam    
Mc 13,24-32

 

THẾ GIAN CHÓNG TÀN

“Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.” (Mc 13,31)

Suy niệm: Trong cuộc sống, có nhiều người vất vả ngược xuôi thu góp tích luỹ thật nhiều để thoả mãn ham muốn về danh lợi, quyền lực, lạc thú. Nhưng lòng tham thì không đáy, nhu cầu này chưa được thoả mãn, nhu cầu khác lại phát sinh, không bao giờ người ta cảm thấy mình đủ cả. Điều bi đát là cả một đời trong vòng xoáy của những đòi hỏi đó, người ta đối diện cái kết là phải ra đi với hai bàn tay trắng. Đời người chóng qua, thế gian chóng tàn. Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta điều đó và mời gọi chúng ta mở rộng tầm nhìn xa hơn giới hạn của thế giới này, hướng tới cuộc cánh chung khi Chúa Ki-tô “đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.”

Mời Bạn: Trong những ngày cuối năm Phụng vụ, chúng ta được mời gọi hướng tới cùng đích của mỗi người trong thế giới này. Lời Chúa dạy chúng ta sự khôn ngoan đích thực: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90,12). Khi nhận ra cuộc sống phù sinh là thế, hẳn chúng ta cần biết phân định điều gì là tạm thời, điều gì là vĩnh cửu, và biết chọn lựa từ bỏ những gì là tạm thời khi chúng ngáng trở con đường chúng ta đạt đến sự sống vĩnh cửu.

Sống Lời Chúa: Giảm bớt những nhu cầu tiêu dùng không cần thiết để làm việc hy sinh bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thế gian như hoa sớm nở tối tàn. Xin cho chúng con đừng quá bám víu vào những nhu cầu vật chất tầm thường của mình, nhưng biết để Lời Chúa dẫn lối soi đường, nhờ đó chúng con có thể đạt được hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa trong Nước Trời mai sau. Amen.

 

15/11/21 THỨ HAI TUẦN 33 TN
Th. An-be-tô Cả, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 18,35-43

 

ĐIỀU CHÚA MUỐN

Anh muốn tôi làm gì cho anh?(Lc 18,40)

Suy niệm: Theo thói đời, người ta thường đánh giá người khác ở chỗ quyền cao chức trọng, giàu có, thế lực. Vì thế, những người nghèo hèn, tứ cố vô thân, hoặc bệnh hoạn tật nguyền, thường bị coi là cùng đinh mạt hạng, bị khinh dể, xua đuổi… như những người thừa trong xã hội. Anh mù trong Tin Mừng hôm nay là một người trong số đó. Vì bị mù anh sống nhờ sự bố thí của người khác. Đám đông vô cảm đến tàn nhẫn khi ngáng đường một người mù như anh; họ tự coi mình có quyền quát nạt anh khi anh kêu cứu: “Lạy ông Giê-su, xin thương xót tôi!” Nhưng Chúa Giê-su thì quan tâm đến anh, Ngài coi trọng và sẵn sàng đáp ứng điều anh khẩn cầu: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh muốn được thấy. Thật may mắn cho anh: điều anh muốn cũng là điều Chúa muốn. Và anh đã được toại nguyện vì: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

Mời Bạn: Điều Chúa muốn là bạn sống đúng phẩm giá của mình để bạn được hạnh phúc. Thiên Chúa không muốn ai bị loại trừ. Ngài luôn quan tâm chăm sóc, lắng nghe lời bạn cầu nguyện. Giữa sự xô bồ vô cảm của đám đông, Chúa vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn cảm được lời nguyện cầu của bạn. Nhưng bạn có đang muốn điều Chúa muốn không? Bạn có thái độ quan tâm của Chúa đối với những người nghèo khổ, bệnh tật, những người yếu thế, bị đẩy ra ngoài lề trong cuộc sống xã hội này không?

Sống Lời Chúa: Nghĩ đến một người sống gần bạn và tự vấn: “Chúa muốn tôi làm gì cho người đó?”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự con có đều là do Chúa ban. Xin giúp con biết quan tâm chia sẻ với những anh chị em nghèo khổ, bất hạnh xung quanh mình.

 

16/11/21 THỨ BA TUẦN 33 TN
Th. Ma-ga-ri-ta Xcốt-len và Giê-tơ-rút, trinh nữ                 
Lc 19,1-10

 

TÌM LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT

Chúa Giê-su nhìn lên và nói với Da-kêu: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.” (Lc 19,5)

Suy niệm: Là người đứng đầu ngành thuế tại một thành phố lớn như Giê-ri-cô, ông Da-kêu chắc chắn là rất giàu có và nhiều thế lực. Nhưng thật ra ông không hạnh phúc vì bị mọi người khinh miệt và căm ghét. Với một thân mình thấp bé, chen lấn giữa đám đông không chút thiện cảm, thật không dễ chịu tí nào cho Da-kêu. Khi đứng vắt vẻo trên một cành cây sung, ông lại cô đơn hơn bao giờ hết: bị chường mặt ra như một trò cười trước hàng trăm cặp mắt. Hiểu được tình huống khó khăn ấy của Da-kêu ta mới thấy cảm động thay chút tia sáng le lói của niềm hy vọng trong tâm hồn tăm tối của ông: mong được nhìn thấy Chúa, dù chỉ từ xa. Và càng cảm động hơn, ánh mắt “nhìn lên” đầy nhân từ của Chúa, Đấng đã “không nỡ dập tắt tim đèn còn khói,” cái nhìn ấy đã biến đổi Da-kêu thành một con người mới.

Mời Bạn chậm rãi đọc lại đoạn Tin Mừng hôm nay một lần nữa để tâm hồn bạn có thể rung cảm trước một Da-kêu dù trong đêm tối của tâm hồn như thế vẫn không đánh mất niềm hy vọng, và để tâm hồn bạn cũng được biến đổi trước cái nhìn nhân từ của Đức Ki-tô.

Chia sẻ: Lắm khi cái nhìn xét nét đầy thành kiến của chúng ta đã dập tắt nốt chút thiện chí còn sót lại nơi những người mà chúng mình vẫn coi là “kẻ tội lỗi”. Thảo luận để tìm cách loại bỏ lối nhìn đó ra khỏi đời sống cộng đoàn.

Sống Lời Chúa: Thay vì cái nhìn dò xét để bắt lỗi, bạn có cái nhìn quan tâm để cảm thông và cảm hoá.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con nhìn anh em bằng con mắt của Chúa, và giúp con yêu thương anh em bằng con tim của Chúa. Amen.

 

17/11/21 THỨ TƯ TUẦN 33 TN
Th. Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri
Lc 19,11-28

 

SINH LỢI CHO NƯỚC CHÚA

“Rồi người thứ ba đến trình: Thưa ngài, yến bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ…” (Lc 19,20)

Suy niệm: Cơn đại dịch Covid-19 cho chúng ta một minh chứng cụ thể, và đau đớn nữa, của hiệu ứng dây chuyền trong một thế giới toàn cầu hoá. Chỉ cần một mắt xích trong chuỗi cung ứng bị đứt gãy là cả hệ thống kinh tế rơi vào khủng hoảng. Điều đó giải thích người tôi tớ thứ ba này gây thiệt hại cho kế hoạch kinh doanh của ông chủ như thế nào khi đem yến bạc của ông “bọc khăn cất kỹ”. Chúng ta không phải là chủ mà là người quản lý những gì chúng ta đang có. Những “vốn liếng” Chúa ban cho chúng ta, không phải để “đóng băng”, hưởng thụ ích kỷ, càng không phải để phung phá mà để “sinh lợi cho Nước Chúa” bằng cách sử dụng chúng để đem lại thiện ích cho tha nhân.

Mời Bạn: Qui luật của nền “kinh tế cứu độ” (economy of salvation) – còn gọi là “nhiệm cục cứu độ” – hệ tại ở việc “bán đi tất cả những gì anh có mà cho người nghèo” để rồi sẽ “được gấp trăm ngay ở đời này” và cả “kho tàng trên trời” (x. Mc 10,21.30). Bạn chỉ có thể sinh lợi cho Nước Chúa, khi bạn “đầu tư vốn liếng” Chúa giao cho bạn để chia sẻ và phục vụ người nghèo, những người yếu thế, bé nhỏ nhất. Mỗi khi bạn chi tiêu cái gì hay sử dụng của cải, bạn hãy nghĩ tới họ, và nghĩ xem bạn có thể làm gì để chia sẻ với họ.

Sống Lời Chúa: Những gì không phải là thiết yếu cho cuộc sống của bạn, gia đình bạn? Bạn hãy tiết giảm chúng để dành vào việc chia sẻ cho người nghèo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con đừng cất kỹ những nén bạc trong sự hưởng thụ ích kỷ, nhưng biết dùng thời gian, tiền bạc, khả năng Chúa ban để phục vụ anh chị em mình.

 

18/11/21 THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Cung hiến thánh đường th. Phê-rô và Phao-lô                 
Lc 19,41-44

 

NƯỚC MẮT CON THIÊN CHÚA

Đức Giê-su khóc thương thành Giê-ru-sa-lem mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi !… Sẽ có những ngày quân thù bao vây… không để hòn đá nào trên hòn đá nào.” (Lc 19,42-44)

Suy niệm: Nhà văn Pháp A. Gide đã có lần than thở: “Tôi muốn khóc nhưng thấy hồn mình khô hơn sa mạc”. Các phụ nữ thường giàu tình cảm, dễ mau nước mắt, nhưng quí ông thường khô khan A. Gide, hoặc tìm cách che giấu nuớc mắt của mình: “Trái tim khóc hoài mà vẫn không rơi lệ”. Thế mà ở đây, Đức Giê-su khóc! Hẳn Ngài quá xúc động đến nỗi nước mắt cứ tuôn tràn. Đó là những giọt nước mắt đau đớn, buồn khổ của vị Thầy nhân lành thấy trước những đau khổ Giê-ru-sa-lem phải chịu, vì khước từ ơn cứu độ. Những giọt nước mắt của một vị Thiên Chúa “bất lực” vì quá tôn trọng tự do của con người. Những giọt nước mắt yêu thương dành cho những đứa con cứng lòng, đang tràn chảy như vỡ bờ trên khuôn mặt Thầy Giê-su, khuôn mặt của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Ngắm nhìn khuôn mặt đẫm lệ của Đức Giê-su và nhận ra lòng yêu mến vô hạn qua những giọt nước mắt ấy. Thiên Chúa yêu thương bạn, dù bạn tốt hay xấu, là nguời con hiếu thảo hay ương ngạnh. Bạn hãy là một người con hiếu thảo, luôn một lòng kính yêu tôn thờ Chúa, như Đức Giê-su.

Sống Lời Chúa: Bạn thường lãnh đạm, chai lì trước đau khổ của người nào bạn thường gặp hơn cả? Hãy bày tỏ một cử chỉ thân ái, một lời nói thiện cảm và nếu được, một sự nâng đỡ cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã khóc trước những khổ đau của nhân loại. Xin cho chúng con đừng cứng lòng trước lời mời gọi của Chúa, và không chai đá trước nỗi đau của tha nhân.

 

19/11/21 THỨ SÁU TUẦN 33 TN
Lc 19,45-48

 

TÔN TRỌNG NƠI THÁNH

“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp.’’ (Lc 19,46)

Suy niệm: Người Do Thái giữ rất kỹ luật về sự thanh sạch: không tiếp xúc với những đồ vật hay người họ cho là “ô uế”, trước khi ăn phải rửa chén dĩa, bình, tay chân…. Trong khi đó, ngay tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, họ cho tập trung mua bán chiên, bò, bồ câu, đặt bàn đổi tiền… vừa dơ bẩn, vừa huyên náo, chưa kể đến tính cách bát nháo trong việc mua bán; còn đâu là bầu khí tôn nghiêm, linh thánh của nơi dành riêng cho Thiên Chúa và việc thờ phượng Ngài. Chúa Giê-su đuổi đám con buôn này vì họ đã “biến nhà Chúa là nhà cầu nguyện thành sào huyệt trộm cướp.” Thông điệp của Ngài thật rõ ràng: Những gì thuộc về Thiên Chúa là linh thánh, không thể bị làm cho tục hoá.

Mời Bạn: Hiện nay trên thế giới, nhiều nhà thờ được xây dựng khang trang đẹp đẽ, trong khi đó cũng có nhiều nhà thờ bỏ hoang, thành bảo tàng, điểm du lịch, nhà hát; có những nhà thờ bị đốt phá, đánh bom thật thê thảm! Nhà thờ cũng là nơi để cộng đoàn dân Chúa đến viếng Chúa, đọc kinh cầu nguyện, cùng cử hành phụng vụ. Bộ mặt nhà thờ phần nào phản ảnh tinh thần đức tin của cộng đoàn. Cần chăm chỉ quét dọn, lau chùi bàn ghế, trang trí hoa đèn,… để nhà thờ thành nơi cầu nguyện xứng đáng.

Sống Lời Chúa: Hãy xem lại bàn thờ gia đình: các ảnh tượng, đèn nến,… có sạch sẽ không? Gia đình tôi có qui tụ đọc kinh gia đình trước bàn thờ không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, được biết và yêu mến Chúa là hạnh phúc cho chúng con. Xin cho con cái Chúa khắp nơi được tự do thờ phượng Chúa và loan truyền danh thánh Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa. Amen.

 

20/11/21 THỨ BẢY TUẦN 33 TN
Lc 20,27-40

 

CHO MỘT CUỘC SỐNG MAI SAU

“Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng… Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20,34-36)

Suy niệm: Cưới vợ lấy chồng là việc bình thường và còn là nghĩa vụ của con người sống trong cõi đời này. Còn trong cõi vĩnh hằng, khi con người sống lại từ cõi chết, người ta sống như các thiên thần (x. Lc 20,36), chuyện vợ chồng không còn cần thiết nữa. Như thế, người sống bậc độc thân cũng như bậc gia đình, có thể và có bổn phận sống cuộc sống đời này theo cách thế của mình, để làm chứng cho một cuộc sống mai sau. Người sống bậc độc thân tiên báo cuộc sống hoàn toàn siêu thoát mọi ràng buộc đời tạm này để có thể yêu thương một cách không giới hạn. Người sống đời đôi bạn làm chứng cho tình yêu hoàn hảo và vĩnh cửu: tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh.

Mời Bạn: 1. Loại trừ mọi quan niệm lệch lạc: – cho rằng tu là chán đời, trốn đời, là “một thứ cung đàn lạc điệu”; – cho rằng đời sống vợ chồng là tội lỗi, thua kém so với đời tu. 2. Xác tín rằng mọi người, tu trì hay hôn nhân đều phải sống để làm chứng cho một cuộc sống mai sau.

Sống Lời Chúa: – Nếu còn “thong dong”, bạn hãy tìm ý Chúa, để biết Ngài chọn gọi bạn dấn thân theo ơn gọi nào, tu trì hay hôn nhân. – Nếu bạn thuộc loại “ván đã đóng thuyền”, hãy cầu xin Chúa trợ giúp để trung thành làm chứng cho Chúa trong bậc sống của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin con hiểu rằng chu toàn bổn phận hằng ngày là phương thế giúp con nên thánh và làm chứng nhân cho Chúa nhờ đó xứng đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.

21/11/21 CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – B
Chúa Ki-tô, Vua Vũ Trụ
Ga 18,33b-37

 

LÀ CÔNG DÂN NƯỚC TRỜI

Đức Giê-su nói: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật.” (Ga 18,36)

Suy niệm: Nhà thơ người Liban, K. Gibran có viết: “Trước đây chúng ta tuân theo lệnh vua và quỳ mọp trước các hoàng đế. Thế nhưng ngày hôm nay chúng ta chỉ quỳ trước sự thật, chạy theo vẻ đẹp và vâng theo tình yêu.” Đức Giê-su tuyên bố với Phi-la-tô rằng Ngài là vua của một Nước. Tuy nhiên, Nước hay Vương Quốc ấy không thuộc trần gian này như những quốc gia thông thường, nhưng là một Nước đặc biệt độc nhất vô nhị. Đặc biệt vì đó là Nước của Sự Thật. Trong Nước Sự Thật của Ngài, người ta sẽ không còn dùng những thủ đoạn chính trị giả dối, nhưng dựa trên nền tảng là sự thật. Các công dân của Nước này can đảm sống cho sự thật, chết cho sự thật. Đó cũng là Nước của Tình Yêu vì địa vị cao trọng của mỗi công dân dựa trên yêu thương: yêu thương là luật lệ chi phối mọi sinh hoạt, càng yêu nhiều, càng cao trọng.

Mời Bạn: Hôm nay Vua Giê-su hỏi bạn: “Con có muốn Ta làm Vua của con không?” Chọn Ngài làm vua là không chọn sống theo những giá trị của thế gian (tiền bạc, bạo lực, hận thù, tham lam…) nhưng theo những giá trị Tin Mừng của Vương Quốc Sự Thật và Tình Yêu. Bạn sẽ trả lời “vâng” với câu hỏi của Chúa bằng cách nào?

Sống Lời Chúa: Là công dân của Vương Quốc Sự Thật và Tình Yêu, tôi sẽ nỗ lực đem những giá trị của Tin Mừng (sự thật, yêu thương, công bằng…) thấm nhập vào môi trường mình đang sống.

Cầu nguyện: Lạy Vua Giê-su, chúng con hạnh phúc được làm công dân của Nước Chúa. Xin cho chúng con cố gắng làm chứng cho sự thật này: Thiên Chúa là Cha yêu thương nhân loại. Amen.

 

22/11/21 THỨ HAI TUẦN 34 TN
Th. Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo 
Lc 21,1-4

 

NIỀM VUI CỦA
“TÂM HỒN SỐNG NGHÈO”

“Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.” (Lc 21,3)

 

Suy niệm: Khi nói đến chữ “nghèo,” người ta thường nghĩ đến những hình ảnh như nghèo là khổ, nghèo là hèn, nghèo là đói. Người ta đâu biết được rằng có cái nghèo nhưng lại làm cho ta trở nên giàu có. Đó là “tâm hồn sống nghèo,” hạnh phúc vì tín thác, cậy trông nơi Chúa, chứ không nơi của cải vật chất. Cái nghèo ấy trở thành phúc lành, cho ta nếm hưởng niềm vui vĩnh cửu phần nào ngay trong cuộc sống hôm nay. Với người đời, đóng góp của bà góa nghèo không đáng kể, nhưng với Chúa Giê-su, bà là người giàu lòng quảng đại, “rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Lc 21,4). Bạn có muốn nếm hưởng niềm vui của tâm hồn sống nghèo không? “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

 

Mời Bạn: Không gì lệch lạc, thiếu tinh thần Tin Mừng cho bằng đánh giá một người qua vật chất. Khi con người mải mê chạy theo vật chất, sức khoẻ tâm hồn xuống cấp trầm trọng. Khi con người nhìn thế giới qua lăng kính của cải vật chất, văn hóa chết chóc đang lan tràn. Khi đến trên trái đất này, Chúa Giê-su sống nghèo và mở ra niềm vui Nước Trời cho tâm hồn sống nghèo.

 

Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi là “bà góa nghèo,” tôi trích một khoản tiền để chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi đến trần gian, Chúa sống nghèo, yêu những người nghèo. Chúa còn chỉ cho chúng con con đường sống nghèo, để đạt được niềm vui muôn đời. Con xin tạ ơn Chúa. Amen.

 

23/11/21 THỨ BA TUẦN 34 TN
Th. Clê-men-tê I, giáo hoàng, tử đạo 
Lc 21,5-11

 

TIN THẬT VUI

Đức Giê-su đáp: Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây’, và ‘thời kỳ đã đến gần;’ anh em chớ có theo họ.” (Lc 21,8)

 

Suy niệm: Cái chết gắn liền với thân phận con người. Đối diện với cái chết, có người quan niệm con người cũng chỉ là khối vật chất, chết là hết. Họ cho rằng con người hay con vật cũng chỉ là ‘con,’ cát bụi trở về cát bụi. Vũ trụ cũng vậy, được hình thành cách ngẫu nhiên, chẳng có Đấng Tạo hóa nào tạo thành cả. Đức Giê-su đến, Ngài loan tin mừng, báo tin vui: sự sống đến từ Thiên Chúa; cái chết chỉ là giai đoạn chuyển tiếp giữa cuộc sống hữu hạn này và sự sống vĩnh cửu đời sau; Chúa là Đấng toàn quyền trên cả vũ trụ; vũ trụ ấy có thủy có chung, sẽ có ngày biến đổi để thành trời mới đất mới trong nhiệm cục cứu độ của Ngài.  

Mời Bạn: Cuộc sống có thưởng phạt: người lành được thưởng, kẻ xấu bị trừng phạt trong thế giới mai sau; vũ trụ có ngày tận cùng để được biến đổi trong Đấng Cứu độ. Do đó, bạn đừng để lòng mình ra mê muội do thú vui, đời sống hưởng thụ hôm nay, cũng như đừng để bị xao xuyến, lung lạc trước các lý lẽ của những kẻ Phản Ki-tô trong thời đại hiện nay.

 

Sống Lời Chúa: Tôi cảnh tỉnh trước những kẻ mạo danh là giáo hội, nhưng không thuộc về Đức Giê-su. Tôi cũng tỉnh thức, cảnh giác trước sức cuốn hút của sự hưởng thụ vật chất trong xã hội hôm nay.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con sống giữa một thế giới rất nhiều thông tin: tin giả tin thật đan xen như cỏ lùng trong ruộng lúa. Xin cho chúng con chọn Chúa và Lời của Chúa là Tin thật đem lại Niềm vui đích thực, chọn đời sống người môn đệ Chúa. Amen.

 

24/11/21 THỨ TƯ TUẦN 34 TN
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lc 9,23-26

 

BẢN LĨNH ĐỨC TIN

Đức Giê-su nói: “Ai xấu hổ vì Tôi và những lời của Tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Con Người ngự đến trong vinh quang của mình.” (Lc 9,26)

 

Suy niệm: Ngày lễ hôm nay chúng ta ca tụng các vị anh hùng tử đạo Việt Nam, đã nêu cao tấm lòng hiếu trung với Thiên Chúa, với Hội thánh, với niềm tin. Làm sao ta không cảm phục những con người như thánh Phêrô Vũ Văn Truật, mới 21 tuổi, nhưng đã khẳng khái trả lời các quan chê ngài dại dột lãng phí tuổi xuân: “Chưa chắc là tôi dại. Ai khôn mới hiến mình cho chân lý, để chiếm hữu hạnh phúc muôn đời.” Thế nhưng, chúng ta không nhìn về quá khứ chỉ để ngợi khen, nhưng còn rút ra từ đó ánh sáng soi dẫn cho cuộc sống hôm nay, để nhận diện vẫn còn nhiều kẻ thù nguy hiểm cho đức tin, mà ta tạm gọi là những kẻ thù dấu mặt. Đó là tinh thần thế tục đang len lỏi vào trong Hội thánh và bào mòn niềm tin, như hưởng thụ bằng mọi phương cách, việc mất cảm thức về tội lỗi, làm điều xấu mà tỉnh khô như không có chuyện gì.

 

Mời Bạn: Noi gương các thánh tử đạo Việt Nam, những vị anh hùng nhờ có một bản lĩnh đức tin; bản lĩnh đức tin ấy được hình thành nhờ việc trung tín trong các bổn phận hằng ngày của người cha, người chồng, người vợ, người mẹ, người con…

 

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ lưu ý tránh xa tinh thần thế tục đang ngấm ngầm làm xói mòn niềm tin bằng cách luôn trung tín trong bổn phận hằng ngày.

 

Cầu nguyện: Lạy Các Thánh tử đạo Việt Nam, xin cho chúng con noi gương các ngài, giữ được bản lĩnh đức tin của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem sức sống cho thế gian. Xin cho chúng con luôn trung tín trong bổn phận mỗi ngày. Amen.

 

25/11/21 THỨ NĂM TUẦN 34 TN
Th. Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, trinh nữ, tử đạo                    
Lc 21,20-28

 

ĐỨNG THẲNG ĐÓN CHÚA ĐẾN

“Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28)

 

Suy niệm: Khi tiên báo về những biến cố lớn sẽ xảy đến cho nhân loại trước ngày Con Người quang lâm, Chúa Giê-su không nhằm gây hoang mang sợ hãi, nhưng để mời gọi ta biết lưu tâm đến các dấu chỉ thời đại, chuẩn bị từng ngày cho biến cố quan trọng ấy. Những người “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” trong ngày Chúa đến ấy không phải là người giàu có, cũng chẳng phải là những người có chức vụ, danh vọng, địa vị cao, được trọng vọng trong xã hội, mà là những người khiêm nhu đơn sơ, nỗ lực sống trung tín với Chúa mỗi ngày trong “tỉnh thức và cầu nguyện”, cũng như kiên tâm bước đi trên con đường bác ái phục vụ.

 

Mời Bạn: Cơn đại dịch Covid hiện đang gây nên bao nỗi sợ hãi, bất an cho nhiều người, nhiều quốc gia. Bạn có nghĩ rằng cơn đại dịch này là một dấu chỉ thời đại Chúa gởi đến để mời gọi nhân loại sám hối, thay đổi đời sống để đón nhận hồng ân cứu độ của Chúa không? Bạn đang đối diện với dấu chỉ Covid với thái độ bình thản đứng thẳng và ngẩng đầu lên hay là với sự sợ hãi hoang mang đến “hồn xiêu phách lạc” như nhiều người?

 

Sống Lời Chúa: Trung thành chu toàn một cách tốt nhất các việc bổn phận mỗi ngày với ước mong sống đẹp ý Chúa.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở con mắt đức tin cho chúng con để chúng con nhận ra ý Chúa nơi các dấu chỉ thời đại, nhất là trong cơn đại dịch Covid này. Để chúng con không sống theo tính xác thịt, không chạy theo những cám dỗ của thế gian, nhưng trung tín thực hành Lời Chúa mỗi ngày. Nhờ đó, chúng con có thể đứng vững trong ngày Chúa đến. Amen.

 

26/11/21 thứ sáu tuần 34 tn
Lc 21,29-33

 

DẤU HIỆU HY VỌNG

“Khi cây vả đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần. Anh em cũng vậy, khi thấy những điều ấy xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã gần đến.” (Lc 21,31)

 

Suy niệm: Có quá nhiều điểm khác nhau khi so sánh giữa hai vế: Một bên là trước hiện tượng cây vả mọc ra những mầm xanh mát mắt, người ta có thể tính được chính xác tháng ngày bao lâu nữa mùa hè sẽ tới. Còn bên kia là “những điều ấy” – mà toàn là những điều khủng khiếp – có xảy ra báo hiệu Triều Đại của Thiên Chúa thì chẳng ai nói chắc được sẽ đến khi nào và ở đâu. Trong phép so sánh ấy, duy có một điều giống nhau, đó là Triều Đại của Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến, chắc chắn đúng y như qui luật vận hành của thời tiết. Nếu như dấu hiệu xuất hiện của một đoàn quân cứu viện là điều làm cho quân địch phải hoảng sợ, thì ngược lại một dấu hiệu, dù nhỏ nhoi, tiên báo ngày cứu độ đã gần đến, lại là dấu hiệu hy vọng mang lại niềm vui tràn bờ cho những ai phục vụ cho Nước Chúa.

 

Mời Bạn: Sống trong thời đại của hy vọng, người ki-tô hữu luôn mang tinh thần lạc quan của người có tầm nhìn chiến lược: Đức Ki-tô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, và Ngài sẽ trở lại trong vinh quang đón chúng ta cùng hưởng hạnh phúc trong Nước của Ngài.

 

Chia sẻ: Chọn một sự kiện nhỏ để tập nhận định giá trị của nó trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

 

Sống Lời Chúa: Kiên tâm làm việc thiện dù bạn không thấy ngay kết quả tốt lành của những việc đó.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Vua Vũ Trụ, chúng con tin rằng Chúa đã chiến thắng thế gian, xin cho chúng con đang phải sống giữa cảnh thế sự thăng trầm luôn được bền lòng trông cậy. Amen.

 

27/11/21 THỨ BẢY TUẦN 34 TN
Lc 21,34-36

 

TINH THẦN TỈNH THỨC

“Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em.” (Lc 21,34)

 

Suy niệm: Chúa không phải là một vị thần đầy ác ý, chỉ rình chờ con người sơ hở vấp ngã để Ngài có cớ ra tay trừng phạt. Lời Chúa kêu gọi tỉnh thức sẵn sàng đồng thời cũng bao hàm một lời cảnh báo nhằm tránh cho con người tai hoạ khủng khiếp là bị hư mất đời đời. Vũ trụ sẽ có ngày cùng tận; và lịch sử sẽ kết thúc bằng việc Đức Ki-tô quang lâm. Đành rằng nào ai biết được khi nào chuyện đó xảy ra. Nhưng chắc một điều là ngày ấy nhất định sẽ đến và ai biết tỉnh thức chuẩn bị sẵn sàng sẽ không bị bất ngờ như bị “chiếc lưới thình lình chụp xuống trên đầu.” Ngày ấy sẽ đến với họ như một bất ngờ thú vị: điều họ mong chờ cuối cùng đã đến, và đến tuyệt vời trên cả lòng họ mong đợi nữa.

 

Mời Bạn: Vì thế, tỉnh thức là điều kiện cần để đón nhận Chúa: tỉnh thức để can đảm thắng vượt những cám dỗ để lòng trí khỏi “ra nặng nề vì chè chén say sưa;” tỉnh thức để luôn giữ được một lương tâm bén nhạy và chắc chắn giữa một thế giới “vàng thau lẫn lộn”, cái ác lắm khi mang dáng dấp giống như  một điều thiện; tỉnh thức để không vì lợi lộc mà đánh mất nhân phẩm của mình…

 

Chia sẻ: Sáng suốt nhận định và can đảm dứt bỏ là hai tên gọi khác của tinh thần “tỉnh thức và sẵn sàng”, bạn có nghĩ như vậy không ?

 

Sống Lời Chúa: Bạn nhớ trung thành với việc kiểm điểm đời sống mỗi ngày.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn tỉnh thức và nhạy bén nhận ra thánh ý Chúa trong mọi biến cố đời con, và xin cho con biết đón nhận thánh ý Ngài trong niềm cậy trông và tín thác.

 

28/11/21 CHÚA NHẬT TUẦN I MV
Lc 21,25-28.34-36

 

NGÀY CON NGƯỜI ĐẾN

“Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28)

 

Suy niệm: Phụng vụ mời gọi người Ki-tô hữu khởi đầu Mùa Vọng bằng tâm tình chuẩn bị mừng Chúa trong Lễ Giáng sinh, và xa hơn, chờ đợi cuộc trở lại quang lâm của Con Người. Chúa Ki-tô sẽ trở lại trong uy nghi vinh hiển của một vị vua trong ngày cánh chung của vũ trụ. Với người Ki-tô hữu, ngày ấy sẽ là ngày vui mừng, vì ta được diện đối diện với Chúa của mình, ngày ta mong chờ đã đến, ngày Nước Thiên Chúa được thành toàn sau bao khó khăn, chống đối, gian khổ. Tư thế của ta khi chờ đợi ngày quang lâm ấy không phải là khoanh tay ngóng chờ, nhưng là “đứng thẳng và ngẩng đầu,”  “tỉnh thức và cầu nguyện,” không để lòng mình nặng trĩu vì bao thú vui, hưởng thụ của cuộc sống.

Mời bạn: Cuộc sống trần thế luôn lôi cuốn con người “chè chén say sưa, lo lắng sự đời” hay tìm sự an nhàn, hưởng thụ. Lời Chúa mời gọi bạn hãy luôn tỉnh thức, cầu xin ơn sức mạnh, để những khó khăn, thử thách, cám dỗ không làm bạn chùn bước, xao lãng trí lòng, cũng không ngăn cản bạn sống niềm vui đợi trông Chúa Ki-tô, Đấng Xót thương và mang lại sự sống mới.

 

Chia sẻ: Bạn, gia đình, cộng đoàn của bạn đã sống, trải qua cơn đại dịch Covid-19 với tâm thế nào?

 

Sống Lời Chúa: Mùa Vọng năm nay, tôi quyết tâm bỏ một tật xấu hay một thú vui, và dành thời gian gặp gỡ Chúa qua Thánh lễ, việc cầu nguyện, bác ái.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con luôn chạy theo những đam mê, thú vui trần thế, và dần dần xa Chúa, xa Giáo hội mà chẳng hay. Xin giúp con quay trở về và sống tâm thế của người môn đệ. Amen.

 

29/11/21 thứ hai tuần 1 mv
Mt 8,5-11

 

“thưa ngài, tôi chẳng đáng…”

Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi khỏi bệnh.” (Mt 8,8)

 

Suy niệm: Viên đại đội trưởng này quả là một người được ơn Chúa! Ở đây không có  giọng điệu của những sĩ quan của đế quốc thống trị, ngang tàng, hống hách, cậy chức cậy quyền. Ở đây chỉ có tư cách một quân nhân có kỷ luật; đức tính một con người khiêm tốn và lịch thiệp; thái độ một người chủ nhân ái với thuộc cấp; và nhất là lòng tin của một người nhận biết quyền năng Chúa vượt trên sự hữu hạn của mình. Do đâu ông có được nhân cách cao đẹp như vậy? Có thể do kinh nghiệm sống, do nếp sống quân ngũ nghiêm minh hay do những gì ông biết về Chúa Giê-su. Nhưng bởi lẽ đức tin là ơn Chúa ban, nên ta có thể quả quyết rằng: trong các yếu tố tự nhiên này, ơn thánh đã tác động nơi ông, dẫn dắt ông đến với Chúa Giê-su. Chính vì thế, trước khi có phép lạ cho người đầy tớ thì ông đã được một ơn huệ: đó là ơn đức tin vô giá, dù rằng đây chỉ là hạt giống mới gieo xuống mảnh đất tâm hồn ông; chính ơn này dọn đường cho phép lạ đến với người đầy tớ.

 

Mời Bạn: Để Chúa Giê-su đến và sinh ra trong tâm hồn bạn, bạn cần một ơn cho riêng mình trong Mùa Vọng này: Cùng Đức Ma-ri-a đón chờ Chúa với tâm tình những “người nghèo khó của Gia-vê” (anawim): khiêm cung, tin tưởng, đầy lòng khao khát Thiên Chúa.

 

Chia sẻ: Tự mãn, khoe khoang tác hại thế nào trong cuộc sống giữa ta với Chúa, với tha nhân?

 

Sống Lời Chúa: Trước khi rước lễ, tôi sốt sắng đọc câu: “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”

 

Cầu nguyện: Hát: “Trời cao hãy đổ sương xuống…”

 

30/11/21 THỨ BA TUẦN 1 MV
Th. An-rê, tông đồ
Mt 4,18-22

 

HÃY BƯỚC THEO THẦY

“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4,19)

 

Suy niệm: “Tông đồ là nhà truyền giáo, làm chứng rằng Đức Giê-su Ki-tô là một nhân vật lịch sử và là Thiên Chúa” (D. Bednar). Cũng như các Tông đồ khác, An-rê đã đi loan báo Tin Mừng, đến tận Biển Đen và Hy Lạp, kết thức cuộc đời bằng hình phạt bị cột vào vào thập giá hình chữ X và chết sau đó hai ngày. Cái chết vì Nước Trời của An-rê là đỉnh cao của hành trình trọn vẹn bước theo Thầy. Trước hết, những bước chập chững khi đến gặp gỡ, ở lại với Thầy rồi giới thiệu cho anh mình là Phê-rô. Thứ đến, bước quyết định khi bỏ thuyền bỏ lưới đi “lưới người” với Thầy. Rồi những bước chân dài hơn, rong ruổi với Thầy trong suốt ba năm Thầy thi hành sứ vụ vì Nước Trời. Cuối cùng là bước chân hân hoan ra đi khắp bốn phương tám hướng, tin tưởng vào lời hứa Thầy sẽ ở với mình mọi ngày cho đến tận thế.

 

Mời Bạn: “Chúng ta thật sự tri ân một vĩ nhân như thánh An-rê, người đã sống trên thế giới này cũng như đem lại cho ta cơ hội biết lời rao giảng và niềm tin của ngài” (Sứ điệp ngày lễ Thánh An-rê cũng là ngày quốc khánh của người Scotland). Bạn học được niềm tin sắt son của An-rê vào Chúa Ki-tô, ngả nón khâm phục những bước chân theo Thầy Giê-su của thánh nhân, và hứa nỗ lực loan báo Tin Mừng qua đời sống mình.

 

Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay tôi dành thời gian suy niệm, chiêm ngắm mẫu gương của Thánh An-rê và rút ra một bài học sống cho mình.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Thánh An-rê là một trong bao người đã quyết chí “đốt thuyền” cuộc đời mình để trọn vẹn bước theo Chúa. Xin cho mẫu gương tốt lành ấy đánh động lòng con. Amen.