5 Phút Lời Chúa Từ 14-20 tháng 9.2020

print

5 Phút Lời Chúa Từ 14-20 tháng 9.2020

14/09/20 THỨ HAI TUẦN 24 TN
Suy tôn Thánh Giá
Ga 3,13-17

Biến thập giá thành thánh giá

“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,14-15)

Suy niệm: Không hiểu tại sao người đời thích dùng hình ảnh thập giá để nói về sự chết. Trên một số tranh tuyên truyền, cổ động ngoài đường phố, hình ảnh thập giá ẩn hiện ở hậu cảnh của những cảnh xì ke, ma tuý, mại dâm… như lời cảnh cáo, đe doạ những ai toan bước vào con đường lầm lạc này. Còn đối với Ki-tô hữu, Thánh Giá là biểu trưng cho sự sống, cho ơn cứu độ. Thánh Giá đã được Đức Ki-tô dùng để thực hiện chương trình cứu độ yêu thương nhiệm mầu. Những người tội lỗi nhìn lên Thánh Giá sẽ được thứ tha. Vì thế, chúng ta chẳng những không sợ hãi mà còn yêu mến, tôn thờ Thánh Giá. Thánh Giá còn trở nên niềm vinh dự cho những ai biến đời mình thành cánh Thánh Giá nối dài của Chúa Giê-su.

Mời Bạn: Cây thập giá một khi được dùng làm giá treo Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, đã trở thành cây Thánh Giá có sức chữa lành con người khỏi nọc độc của tội lỗi và sự chết. Cuộc đời bạn chất đầy những cây thập giá. Bạn có thể biến chúng thành Thánh Giá nếu bạn biết kết hợp chúng với Đức Giê-su, Đấng chịu đóng đinh vì bạn.

Chia sẻ: Làm thế nào để biến thập giá thành Thánh Giá? Sau đây xin đề nghị với bạn một cách:

Sống Lời Chúa: Kết hợp với Đức Ki-tô vui tươi nhẫn nại khi bạn phải đau đớn do bệnh tật hay khi bạn phục vụ người nghèo khó, bệnh tật.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cùng vác thập giá với Chúa, xin cho con cùng chịu đóng đinh với Chúa, để cùng với Chúa, con góp phần chuyển thông ơn cứu độ đến anh em con.

 

15/09/20 thứ ba tuần 24 tn
Đức Mẹ Sầu Bi
Ga 19,25-27

 

Tình yêu chiến thắng sợ hãi

Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người. (Ga 19,25)

Suy niệm: Đi theo Chúa Giê-su trong ba năm Ngài rao giảng thì có nhiều người, lắm lúc con số lên tới hàng trăm, hàng ngàn. Nhưng khi trên con đường thương khó, và nhất là đến dưới chân thập giá thì chỉ có một số ít, trong số đó có Đức Ma-ri-a. Mẹ đứng đó, không suy sụp cũng không sợ hãi. Khi suy niệm về hình ảnh này, Đức Hồng Y Tagle nói rằng: Khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ muốn tuyên bố cho cả thế giới biết rằng: nó là con của tôi và tôi là mẹ của nó, không gì có thể thay đổi được điều đó. Lúc này, nơi Mẹ, không có sự sợ hãi mà chỉ có tình yêu; không có những giọt nước mắt uỷ mị mà chỉ có sự đồng cảm với Con mình. Quả thật, chỉ có tình yêu mới làm cho Mẹ có đủ can đảm “đứng gần thập giá Đức Giê-su” như vậy. Tình yêu có thể giúp người ta vượt qua sợ hãi, loại bỏ những toan tính ích kỷ để quan tâm đến sự an toàn, hạnh phúc của người khác. Đức Ma-ri-a đã đứng dưới chân thập giá bằng tình yêu với Chúa Giê-su như thế.

Mời Bạn: Trong cuộc sống, ai cũng có những nỗi sợ: sợ bệnh tật, sợ tai nạn, đói khát, sợ cái chết,v.v.… Khi phải đối diện với những nỗi sợ trong đời sống hằng ngày, bạn được mời gọi chiêm ngắm Đức Ma-ri-a đứng dưới chân Thập Giá Đức Giê-su, để thay vì sợ hãi, bạn có động lực là tình yêu Chúa và dấn thân phục vụ anh chị em.

Sống Lời Chúa: Trước mỗi công việc, dâng một lời nguyện tắt: Lạy Chúa, xin cho con thêm lòng yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc đời con có nhiều nỗi sợ. Nếu không có Chúa, con không thể vượt qua. Xin cho con luôn nhớ rằng luôn có Chúa đồng hành trong mọi giây phút cuộc đời. Amen.

 

16/09/20 THỨ TƯ TUẦN 24 TN

Th. Co-nê-li-ô và Xíp-ri-a-nô, tử đạo
Lc 7,31-35

 

ĐỪNG CỨNG LÒNG!

“Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc.” (Lc 7,31)

Suy niệm: Chúa Giê-su ví người Do Thái giống như những đứa trẻ ương ngạnh bắt người khác phải khóc cười theo sở thích ngang chướng của chúng: “Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc.” Hơn thế, Ngài còn nói trắng ra rằng họ bắt cả Thiên Chúa cũng phải theo chiều theo chuẩn mực của họ, mà chuẩn mực của họ thì bất nhất: sống như Gio-an Tẩy Giả khắc khổ nhiệm nhặt hay cư xử như Chúa Giê-su giản dị, gần gũi với những người bé mọn và tội lỗi cũng không vừa ý họ. Chính vì thái độ cứng lòng cố chấp đó, họ đã không nhìn nhận “phép rửa của Gio-an” là bởi Trời và hệ quả là họ cũng không thể tin nhận Đức Giê-su là Đấng được sai đến (x. Lc 20,1-8).

Mời Bạn: Thái độ cứng lòng chai lỳ là kết quả của tính kiêu ngạo, coi ý riêng mình là luôn luôn và duy nhất đúng; và dẫu có biết mình sai thì cũng không nhìn nhận và sửa chữa. Thái độ đó là bức tường ngăn cản họ đến với sự thật và lòng hoán cải. Bạn có đang bị bức tường cứng lòng đó cản trở mình hoán cải, khiến bạn không thể hiệp thông với Chúa và tha nhân không?

Sống Lời Chúa: Luôn kiểm điểm đời sống mỗi ngày để xin lỗi và làm hoà mỗi khi thấy mình có điều sai lỗi hoặc xúc phạm đến người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, “ngày hôm nay xin cho con biết nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng”, xin cho con biết dùng sự tự do của mình mà chọn thái độ sống đẹp lòng Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.

 

17/09/20 THỨ NĂM TUẦN 25 TN
Th. Rô-be-tô Ben-la-mi-nô, giám mục, tiến sĩ HT         
Lc 7,36-50

 

NHỮNG ĐIỀU NHÌN MÀ KHÔNG THẤY

Rồi quay lại phía người phụ nữ, Chúa Giê-su nói với ông Si-mon: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?… (Lc 7,44)

Suy niệm: Có lắm khi giữa một đám đông, bạn có ý tìm một người, người đó đứng ngay trước mắt bạn, thế mà lạ thay bạn lại không nhìn thấy. Phần ông Si-mon, ông thấy rõ người phụ nữ đứng đàng sau Chúa Giê-su lắm chứ. Và chắc chắn ông cũng thấy rõ bà ấy lấy tóc mà lau đôi chân Ngài ướt đẫm nước mắt của bà, rồi ông thấy bà đã lấy dầu thơm xức chân Chúa như thế nào. Và hơn nữa, ông còn biết rõ lý lịch không tốt đẹp gì của bà ta: “một người tội lỗi”. Thế nhưng, ông nhìn mà không thấy được tấm lòng của người phụ nữ ấy, “một tấm lòng tan nát khiêm cung” vì sám hối, một tấm lòng yêu mến thiết tha vì đã “được tha thứ nhiều.”

Mời Bạn: May thay cho chúng ta là Chúa không phân loại xếp hạng ta theo lý lịch, quá trình bản thân hay bảng liệt kê thành tích của ta. Ngài cũng không đóng khung ta trong cái quá khứ tội lỗi của ta. Ngài nhìn thấu suốt tận đáy lòng và Ngài phán xét dựa trên thái độ hiện tại của ta. Vì thế, điều Ngài mong thấy được nơi ta là một tâm hồn biết ăn năn sám hối và yêu mến Chúa nồng nàn.

Chia sẻ: Được Chúa nhìn với cặp mắt cảm thông như thế, chúng ta cũng phải nhìn nhau bằng cặp mắt của Chúa.

Sống Lời Chúa: Tập nhìn anh em bằng cái nhìn của Chúa để có thể cảm nhận được những nỗi niềm của anh em để mà cảm thông chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cất khỏi con những cái nhìn đầy thành kiến về anh em con. Những xin cho con biết nhìn nhau bằng cặp mắt của Chúa, để con nhận ra Chúa và yêu Chúa đang hiện diện trong họ. Amen.

 

18/09/20 THỨ SÁU TUẦN 25 TN
Lc 8,1-3

 

NHỮNG NGƯỜI “NỮ TÔNG ĐỒ”

“Cùng đi với Chúa Giê-su, có Nhóm 12, và mấy người phụ nữ… Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ các môn đệ.” (Lc 8,1-3)

Suy niệm: Mặc dù các Phúc Âm kể lại rất ít về hoạt động của đội ngũ “nữ tông đồ” này, nhưng vai trò của họ trong công cuộc truyền giáo của Đức Ki-tô chắc chắn không phải là nhỏ. Công tác hậu cần lo đời sống có vẻ tỉ mẩn vụn vặt và âm thầm đấy, nhưng nếu không có họ, chắc gì những người làm việc tông đồ trực tiếp có thể hoàn thành được sứ mạng? Chúa đã chẳng nói rằng: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ Thầy… thì người ấy sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,41.42) đó sao? Và Ngài đánh giá cao những hoạt động của nhóm “nữ tông đồ” này; bằng chứng là trong đoạn Tin Mừng đầy “tế nhị” của thánh Lu-ca đây, họ được nêu danh tính trong một danh sách ngang hàng với các tông đồ chính hiệu.

Mời Bạn nhìn lại sinh hoạt gia đình bạn để nhận ra sự hiện diện của người thân của bạn cũng như những đóng góp của họ trong gia đình bạn thật cần thiết và đáng trân trọng biết bao. Trong gia đình bạn, có sự chia sẻ trách nhiệm với nhau qua việc phân công mỗi người mỗi việc không?

Sống Lời Chúa: Luôn sẵn sàng làm những việc phục vụ người thân trong gia đình mình trước khi nghĩ đến nhu cầu của riêng mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, trên bước đường truyền giáo, Chúa cũng cần đến những sự giúp đỡ thiết thực của những người phụ nữ. Xin cho con biết đón nhận sự phục vụ của người thân với cả tấm lòng biết ơn, yêu mến và sẵn sàng chia sẻ với họ bằng cách chính con cũng hiến thân phục vụ họ hết lòng.

 

19/09/20 THỨ BẢY TUẦN 24 TN
Th. Gia-nu-a-ri-ô, giám mục, tử đạo
Lc 8,4-15

 

DỌN ĐẤT ĐỂ GIEO HẠT

“Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.” (Lc 8,15)

Suy niệm: Dọn đất tuy vất vả nhưng là việc phải làm trước khi gieo hạt, bằng không ‘gieo thì có mà gặt thì không’. Nhất là tại những chỗ đất hoang, phải tốn nhiều công sức ‘cải tạo’ mới có thể gieo trồng được. Mảnh đất tâm hồn cần dọn dẹp để tiếp nhận hạt giống Lời Chúa. Những “thử thách, vinh hoa phú quý, đam mê khoái lạc thế gian” là những đá sỏi, gai góc có nguy cơ bóp nghẹt sức sống Lời Chúa. Trong khi đó, “tấm lòng cao thượng quảng đại nắm giữ kiên trì” là mảnh đất tốt để hạt giống Lời nẩy mầm, lớn lên trổ sinh nhiều bông hạt tốt lành.

Mời Bạn: Rao giảng Tin Mừng, ‘trồng’ Giáo Hội, nơi một địa phương là cả một tiến trình đầu tư công sức qua nhiều giai đoạn. Có lúc nhà truyền giáo phải dò dẫm bước đầu; có lúc phải dừng lại, suy gẫm, thích nghi rồi thâm nhập dần dần. Khi chưa thể rao giảng trực tiếp, các vị thừa sai sống âm thầm, nhẫn nại làm chứng qua cuộc sống bác ái. Các vị làm công việc dọn một mảnh đất tốt để có ngày hạt giống Tin Mừng sẽ được gieo xuống làm dậy lên những vụ mùa bội thu. Tôi có thể làm gì để dọn mảnh đất tốt cho hạt giống Tin Mừng nơi tôi đang sống đây?

Sống Lời Chúa: Tôi dọn đất tâm hồn tôi để có “tấm lòng cao thượng quảng đại nắm giữ kiên trì” bằng cách thực hành các nhân đức Tin Mừng theo Tám Mối Phúc Thật.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tâm hồn con là mảnh đất tốt cho hạt giống Tin Mừng. Xin cho các thừa sai đang gặp thử thách được ơn khôn ngoan và kiên trì để thi hành sứ vụ trong tin tưởng phó thác vào tình yêu thương của Chúa.

 

20/09/20 CHÚA NHẬT TUẦN 25 TN – A
Mt 20,1-16a

 

HÃY ĐI VÀO VƯỜN NHO!

“Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho.” (Mt 20,4)

Suy niệm: Thiên Chúa không xử sự theo kiểu loài người. Dù bạn bắt đầu làm vào giờ thứ mấy đi nữa, bạn cũng nhận được một quan tiền “phần của bạn” là hạnh phúc Nước Trời. Vấn đề ở đây là bạn có đáp trả lời mời gọi “đi vào vườn nho” không. Vườn nho của Chúa hôm nay là Hội Thánh hoàn vũ, Hội Thánh địa phương, địa phận hay giáo xứ, Hội Thánh tại gia là gia đình của bạn. Có thể bạn đã nhận lời đi làm vườn nho ngay từ đầu ngày, nhưng sau đó lòng bạn lại ra khỏi vườn nho vì lòng ghen tương với những người đến sau hay với người khác; có thể bạn đã vào vườn nho nhưng không tròn bổn phận của người làm vườn nho vì những so đo, tính toán hơn thiệt. Thiên Chúa mời gọi mọi người đi làm vườn nho của Ngài. Không ai là người phải đứng ngoài khoanh tay chờ đợi. Chỉ có Ngài kiên nhẫn đợi chờ chúng ta đáp trả. Bạn đáp trả lời mời gọi ấy thế nào?

Mời Bạn: Giáo xứ của bạn đang sống động vì có nhiều người góp tay vun đắp, cộng tác, hay đang “xuống cấp” tang thương vì có nhiều người dửng dưng đứng ngoài cuộc? Bạn thuộc nhóm người nào?

Chia sẻ thao thức của bạn khi nhìn về Hội Thánh và nói quyết tâm của bạn cùng nhau xây dựng Hội Thánh.

Sống Lời Chúa: Nhập cuộc vườn nho giáo xứ với tâm hồn quảng đại dấn thân.

Cầu nguyện: Xin Chúa đổ đầy tâm hồn con lửa yêu mến Chúa để con luôn mau mắn đáp trả lời mời gọi của Chúa và đuổi xa con mọi mầm mống của ghét ghen, ganh tỵ. Xin cho con biết làm cho vườn nho Chúa ngày có thêm nhiều hoa trái nhân đức chín mọng, có thêm nhiều người thợ lành nghề xả thân, xứng đáng với phần thưởng Nước Trời Chúa ban.