5 Phút Lời Chúa Từ 21-30/11/2018

print

5 Phút Lời Chúa Từ 21-30/11/2018

 

21/11/18 THỨ TƯ TUẦN 33 TN Đức Mẹ dâng mình   Mt 12,46-50.

22/11/18 THỨ NĂM TUẦN 33 TN Th. Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo Lc 19,41-44.

23/11/18 THỨ SÁU TUẦN 33 TN Th. Clê-men-tê I, giáo hoàng, tử đạo Lc 19,45-48.

24/11/18 THỨ BẢY TUẦN 33 TN Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Ga 17,11b-19.

25/11/18 CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – B CHÚA KI-TÔ, VUA VŨ TRỤ Ga 18,33b-37.

26/11/18 THỨ HAI TUẦN 34 TN Lc 21,1-4.

27/11/18 THỨ BA TUẦN 34 TN Lc 21,5-11.

28/11/18 THỨ TƯ TUẦN 34 TN Lc 21,12-19.

29/11/18 THỨ NĂM TUẦN 34 TN Lc 21,20-28.

30/11/18 THỨ SÁU TUẦN 34 TN Th. An-rê, tông đồ Mt 4,18-22.

 

 

21/11/18 THỨ TƯ TUẦN 33 TN
Đức Mẹ dâng mình 
Mt 12,46-50

 

TƯƠNG GIAO MỚI

“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?… Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi…người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,48.50)

Suy niệm: Chúa Giê-su đưa ra câu hỏi, một câu hỏi tưởng như đã có câu đáp rõ ràng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Thế nhưng, qua câu trả lời khác thường, Ngài mạc khải mối tương giao hết sức thâm sâu giữa Thiên Chúa và con người, vượt hẳn khỏi mối quan hệ gia đình ruột thịt tự nhiên. Quả thật, xưa nay chưa có ai mơ tưởng một mối tương giao quá đặc biệt như vậy. Thử tưởng tượng chỉ cần nghe và đem ra thực hành lời của một người khác, thì tức khắc trở thành anh chị em, cha mẹ của người này, không cần đến mối liên hệ họ hàng theo huyết thống thường quen. Vậy mà trong số những người biết “thi hành ý của Chúa Cha” không ai bằng Đức Ma-ri-a. Vì vậy, Mẹ xứng đáng làm Mẹ Chúa Trời và Mẹ mỗi người. Với địa vị cao quý ấy, Mẹ trở thành gương mẫu, cũng như là đấng chuyển cầu cho những tâm hồn muốn trở thành bạn nghĩa thiết của Chúa.

Mời Bạn: Những giao tế xã hội được đảm bảo bằng chứng từ. Sự tin tưởng lẫn nhau không thể thay cho giấy trắng mực đen được. Nhưng trong cuộc sống đạo thì khác, chứng từ được thay bằng niềm tin và lòng khao khát sống cho Đấng kêu gọi ta.

Sống Lời Chúa: Hằng ngày theo gương Đức Mẹ, tôi dâng mình cho Chúa khi thức dậy. Nhờ thói quen đạo đức này, tôi sẽ có thể dễ dàng thi hành ý Chúa hơn trong đời thường của mình.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đã luôn lắng nghe, thực hành ý Chúa như một nữ tỳ. Xin cho con luôn ước muốn thuộc trọn về Chúa như mẫu gương của Mẹ. Con xin dâng mình con để Chúa sử dụng vào việc cứu rỗi các linh hồn.

22/11/18 THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Th. Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 19,41-44

 

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương.” (Lc 19,41)

Suy niệm: Đức Giê-su đã khóc vì đau buồn trước viễn cảnh thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá bình địa, “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.” Đền thờ là nơi Ngài thường đến hành hương hàng năm, nơi đầy ắp kỷ niệm thời thơ ấu, nhà của Cha Ngài, nơi linh thiêng của cả dân tộc. Vậy mà Đền thờ ấy sẽ phải bị tàn phá: Quả thật, năm 70, nhân cuộc nổi dậy của người Do Thái, tướng Ti-tô đã tàn phá bình địa thánh đô, và cho cày một luống dài giữa Đền thờ, để cho thấy từ nay nơi đây đã trở thành hoang phế. Cùng với Đền thờ là biết bao người dân, trong đó có cả những trẻ thơ vô tội, bị tàn sát dưới lưỡi gươm của lính Rô-ma. Thế mà giờ đây, Chúa Giê-su đến đem bình an cho dân thành; Ngài là Thiên Chúa đến viếng thăm dân Ngài. Vậy mà, tiếc thay, dân thành đã dửng dưng, không đón nhận!

Mời Bạn: “Nước mắt là quà tặng của Chúa cho ta. Là nước thánh của ta. Nước mắt chữa lành ta khi chúng tuôn chảy” (R. Schiano). Khóc là làm giảm đi chiều sâu của sự đau buồn, là sử dụng nước thánh Chúa ban để chữa lành những đau khổ trong tâm hồn. Phúc cho bạn khi bạn khóc lóc, không phải để than thân trách phận, nhưng vì liên đới với những sầu khổ của người lân cận.

Sống Lời Chúa: Tôi bớt “khóc lóc” cho riêng mình, do bị đối xử bất công, hay số phận, nhưng tập “khóc lóc” với người khác, vì “chạnh lòng thương” trước những đau khổ, buồn sầu của người chung quanh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã khóc thương Đền thờ và dân thành Giê-ru-sa-lem. Xin cho con cũng biết khóc than với người than khóc. Amen.

23/11/18 THỨ SÁU TUẦN 33 TN
Th. Clê-men-tê I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 19,45-48

 

SAY MÊ LỜI CHÚA

Hằng ngày Người giảng dạy trong Đền Thờ… toàn dân say mê nghe Người. (Lc 19,47-48)

Suy niệm: Hitler được kể tên trong số những nhà hùng biện hàng đầu của nhân loại, lời nói của ông có một uy lực huyền bí có sức thu hút quần chúng tin theo đường lối của ông; thế nhưng ông đã dùng năng lực đó để xô đẩy cả thế giới vào một cuộc chiến tranh huỷ diệt tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Thật trái ngược hẳn với Đức Giê-su: Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, nhưng Ngài không rao giảng sự thù hận giết chóc; sứ điệp của Ngài là tình thương. Lời Ngài tiễu trừ ma quỉ, tha thứ tội lỗi, khơi dậy hy vọng cho người thất vọng. Lời Ngài làm cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7,22). Lời Ngài thật đơn sơ, gần gũi với cuộc sống nhưng cũng thật sâu sắc, đánh động tâm hồn, thúc bách người ta hoán cải. Vì thế “toàn dân say mê nghe Lời Người.”

Mời Bạn: Lời Chúa có làm bạn say mê và lôi cuốn bạn đi theo và sống như Ngài không? Trong sứ điệp Truyền Giáo 2009, ĐTC Bê-nê-đi-tô XVI nói: “Sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là làm cho mọi dân tộc được ‘nhiễm’ niềm hy vọng [cứu độ]” (số 1). Cách sống của bạn có sức “truyền nhiễm” Lời Chúa khiến anh em lương dân cảm nhận, say mê và tin theo Lời Ngài không?

Chia sẻ: Việc loan báo Tin Mừng của bạn có trở nên phản cảm vì lối sống “ngôn hành bất nhất” không?

Sống Lời Chúa: Trung thành suy niệm Lời Chúa hằng ngày và quyết tâm làm một việc cụ thể có hướng truyền giáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết say mê Lời Chúa là lẽ sống đời con.

24/11/18 THỨ BẢY TUẦN 33 TN
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Ga 17,11b-19

 

LƯU DANH MUÔN THUỞ

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)

Suy niệm: Chim có tổ, người có tông. Chúng ta ai cũng có họ và có tên. Xúc phạm đến dòng họ của ai, là xúc phạm đến chính người đó. Làm vẻ vang dòng họ gia tộc, vừa là bổn phận vừa là mơ ước của mỗi người. Các thánh tử đạo Việt Nam không hổ danh, trái lại còn làm vinh danh “dòng họ” ki-tô hữu của mình: “Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo” (Thánh An-rê Kim Thông). Các Ngài đã anh dũng hy sinh mạng sống để tuyên xưng niềm tin đó, “lấy tình yêu đáp lại tình yêu” (Chân phước An-rê Phú Yên), và để lưu danh muôn thuở một dòng họ, dòng họ những người công giáo, giữa nhân loại và thế giới hôm nay. Anh hùng thay, vinh quang thay.

Mời Bạn: Là người Ki-tô hữu Việt Nam, đức tin chúng ta được trổ sinh từ hạt giống là “máu” của các Thánh Tử Đạo, chúng ta thuộc dòng họ anh hùng và vinh quang với các ngài. Bạn có ý thức và tự hào về điều này không? Bạn đã, đang và sẽ làm gì để không làm “ô danh”, ngược lại làm “vinh danh” dòng họ? Khi có một ai xúc phạm đến Thiên Chúa và Hội Thánh, bạn phản ứng ra sao? Lẩn tránh? Dửng dưng hay bảo vệ làm chứng?

Chia sẻ: Cuộc sống của bạn, của chúng ta có thể nói gì về Chúa Giê-su cho những anh em lương dân sống chung quanh chúng ta?

Sống Lời Chúa: Ý thức rõ rằng chỉ có thể truyền giáo bằng đời sống bác ái, mỗi ngày bạn làm một việc bác ái cụ thể cho đồng bào lương dân chung quanh, thực hiện tình làng nghĩa xóm một cách thiết thực hơn.

Cầu nguyện: Đọc kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

25/11/18 CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – B
CHÚA KI-TÔ, VUA VŨ TRỤ
Ga 18,33b-37

 

SỰ THẬT TỪ VUA KI-TÔ

Phi-la-tô hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18,37)

Suy niệm: Đức Giê-su khẳng định: mục đích Ngài đến thế gian là để làm chứng cho sự thật. Sự thật nào? – Sự thật là Ngài, vốn là Thiên Chúa, nhưng chấp nhận nhập thể làm người, sống kiếp người như bao người (ngoại trừ tội lỗi), chết dưới bàn tay con người, nhưng rồi sẽ sống lại. Sự thật ấy minh chứng rằng thế gian chuộng bóng tối hơn ánh sáng (Ga 3,16); dù vậy, Đức Giê-su vẫn một mực gắn bó với thế gian, bởi Ngài đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất (Lc 19,10). Sự thật ấy không nhằm tố cáo thế gian bội nghĩa, cho bằng minh chứng Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi dám trao ban chính Con Một của mình (Ga 3,16). Tình yêu ấy là THẬT. Vấn đề con người có nhìn nhận sự thật ấy để được thuộc về sự thật hay không?

Mời Bạn: Mặc dù là Vua, nhưng Đức Ki-tô không ép ai thừa nhận, Ngài chỉ mời gọi: “Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi.” Như thế, để thuộc về Vương quốc của Ngài, không phải cứ kêu lên “lạy Chúa” hay “tâu Vua,” mà là đứng về phía sự thật. “Sự thật” ấy là tiếp tục diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian, và phải diễn tả cách trung thực như Vua Ki-tô: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).

Sống Lời Chúa: Sự thật mà Vua Ki-tô muốn chúng ta làm cho sáng tỏ là “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Cầu nguyện: Lạy Vua Ki-tô, xin ban Thần Khí dẫn chúng con đến sự thật toàn vẹn. Amen.

26/11/18 THỨ HAI TUẦN 34 TN
Lc 21,1-4

 

VỚI CẢ TẤM LÒNG

“Thầy bảo thật anh em, bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.” (Lc 11,3)

Suy niệm: Ai cũng công nhận “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng người ta lại thường “xem mặt mà bắt hình dong,” dựa vào hình thức bên ngoài để đánh giá phẩm chất bên trong: Tuyển nhân viên mấy ai chọn tiêu chuẩn “xấu người đẹp nết” thay vì “ưu tiên có ngoại hình”? Lắm khi người ta đánh giá sản phẩm chỉ dựa vào mẫu mã kiểu dáng bao bì bắt mắt. Người ta cũng dễ có xu hướng thẩm định giá trị của một người dựa vào của cải, địa vị, bằng cấp, v.v. Chúa Giêsu thì khác; Ngài thẩm định giá trị hành vi từ đáy lòng con người. Ngài cho biết: Dù chỉ bỏ hai đồng tiền vào thùng dâng cúng, bà goá nghèo đã bỏ nhiều hơn ai hết vì đó là tất cả gia tài của bà! Bà đã dâng tất cả những gì bà có và dâng với cả tấm lòng.

Mời Bạn xét lại cách bạn đánh giá người khác và bản thân căn cứ theo cách đánh giá của Chúa Giêsu:

* Với tha nhân: ta thường ca ngợi, hoặc “xông hương” người này, người nọ vì họ thuộc “phe ta”, họ đóng góp lớn lao tiền của để đem lại một kết quả nào đó. Ngược lại, chúng ta coi thường, rẻ khinh ai đó vì họ nghèo, kém tài hay vụng về.

* Với chính mình: Ta tự hào tự mãn vì được khen khi thành công, ta thất vọng chán ngán khi thất bại hoặc bị chê bai. Ta bị nhận chìm trong những dư luận bên ngoài hơn là sống thật với chính mình dưới cái nhìn của Chúa Đấng thấu suốt tất cả mọi sự về chính tôi.

Sống Lời Chúa: Xét mình: “Cách tôi cư xử và cách tôi nhìn tha nhân đây có phải là cách của Chúa không?”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không cần con phải dâng cho Chúa những của lễ sang trọng hay đẹp đẽ bên ngoài. Nhưng Chúa cần con dám mạnh dạn phó thác và dâng trọn tất cả những gì là của con trong sự khiêm tốn chân thành.

27/11/18 THỨ BA TUẦN 34 TN
Lc 21,5-11

 

HỮU HÌNH HỮU HOẠI

“Những gì anh em chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. ” (Lc 21,6)

Suy niệm: Tin Mừng hôm nay thuật lại Chúa Giê-su báo trước sự kiện Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá; đồng thời cũng tiên báo về ngày cánh chung, về tận cùng của vũ trụ này. Theo lẽ thường cái gì đã có thủy (điểm khởi đầu), thì cũng sẽ có chung (điểm cuối), “hữu hình hữu hoại”: cái gì xuất hiện hữu hình thì cũng có lúc hình thể đó bị hư hoại đi. Đó là một chân lý, một quy luật chứng nghiệm trong thực tế chứ không phải một cái nhìn bi quan. Nhận định ấy giúp ta tiếp cận thế giới vật chất này cách khôn ngoan, chừng mực hơn, không quá bám víu vào nó, vì mọi vật có ngày rồi sẽ tiêu tan, nay còn mai mất. Khi cảm nghiệm được sự bất tất, mau qua của vạn vật, ta mới thấy được cái giá trị của vĩnh cửu, là thực tại Thiên Chúa đã từng hé lộ cho ta khi Chúa Giê-su rao giảng Nước Thiên Chúa: “Trời đất sẽ qua đi nhưng lời Ta sẽ tồn tại mãi” (x. Mt 5,18).

Mời Bạn: Bạn có dám tin và đặt cược cả số phận đời mình vào chân lý này không? Nhiều người hiện nay sống chủ nghĩa thực dụng, duy thế tục, duy vật chất. Còn bạn, bạn có biết chịu khó, hy sinh, có một cái nhìn xa hơn, biết chờ đợi một ngày mai huy hoàng hơn ngày hôm nay không?

Sống Lời Chúa: Kinh nghiệm cuộc sống cho ta thấy mọi vật đang đổi thay, không ai lột da sống đời. Ta đừng để cuộc sống “vô thường” này cản trở mình đến với Chúa, là Đấng vô thủy vô chung, không hề thay đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con rộng lòng giúp đỡ mọi người, không quá so đo tính toán, vì của cho đi bao giờ cũng quí hơn của nhận, và sẽ tồn tại mãi với thời gian. Amen.

28/11/18 THỨ TƯ TUẦN 34 TN
Lc 21,12-19

 

LÀM CHỨNG NHÂN CHO THẦY

“Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.”(Lc 21,13)

Suy niệm: Nhân việc các môn đệ hỏi về thời điểm và điềm báo thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá (x. Lc 21,7), Chúa Giê-su cho biết trước khi sự việc ấy xảy ra, sẽ có một thời kỳ các ông phải làm chứng cho Ngài giữa những cơn bách hại (cc. 12-13.16-19). Chính Ngài là vị Tử đạo đầu tiên và tuyệt vời, đã hiến dâng mạng sống vì yêu Chúa Cha và nhân loại. Theo gương Thầy, các vị tử đạo cũng đã sống những giá trị Tin Mừng và làm chứng cho đức tin. Khi bị ép bỏ đạp, thánh Tô-ma Thiện, một chủng sinh, tuyên xưng rằng: “Đạo dạy tôi thờ Thiên Chúa là đạo thật, tôi sẵn sàng chịu chết chứ không bỏ.” Bị phơi nắng và bị kìm kẹp, nhưng vị anh hùng trẻ tuổi vẫn gan dạ; mỗi lần roi quất xuống, thầy lại cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thêm sức cho con chịu đau khổ với Chúa!

Mời Bạn: Khi xưa, các vị chứng nhân đã từ chối bước qua thập giá và “từng đoàn người anh dũng tiến lên pháp trường.” Ngày nay, giữa một thế giới đầy dẫy sự khinh miệt và chế diễu những giá trị thánh thiêng của nhân loại và của Thiên Chúa, dẫm đạp lên những giá trị và phẩm giá con người, bạn được mời gọi bước qua những mời mọc và quyến rũ của nó, để sống chứng nhân cho các giá trị Tin Mừng trong môi trường, bậc sống của mình.

Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa những mời mọc, quyến rũ bạn đang gặp, và xin Người thêm sức cho bạn vượt thắng nó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo, vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế… Nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.     (Rabbouni)

 

29/11/18 THỨ NĂM TUẦN 34 TN
Lc 21,20-28

 

ĐỪNG SỢ, HÃY NGẨNG CAO ĐẦU

“Khi những biến cố ấy bắt đầy xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28)

Suy niệm: Có lẽ không ai là không nghe ít là một lần lời Đức Phật dạy ‘Đời là bể khổ’, và quả thực cuộc sống vẫn đầy những khó khăn khổ não. Có những người mang nhãn quan ảm đạm bi quan đến độ tự tìm đến cái chết mong được giải thoát. Nhưng đối với nhiều người thì ‘cuộc đời vẫn đẹp sao’ vì bằng chứng là đại đa số người ta vẫn ham sống sợ chết. Lời Chúa trong những ngày cuối năm phụng vụ nhắc tới một nỗi sợ ám ảnh muôn thuở: sợ ngày tận thế. Những hình ảnh báo trước ngày cuối cùng này thường làm người ta hoảng sợ. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đừng sợ, trái lại, hãy “đứng thẳng và ngẩng cao đầu”. Đây là lòng xác tín và phó thác dựa vào niềm hy vọng vào chiến thắng chung cuộc của Đức Ki-tô và ơn cứu độ vĩnh cửu dành cho những ai trung thành với Ngài. Lẽ nào chúng ta lại sợ hãi sao?

Mời Bạn: Bạn được mời gọi khám phá những giá trị cao quý ẩn chứa trong những khó khăn đau khổ xảy đến cho mình. Mỗi khi bạn đối diện với những “thập giá” đó của đời bạn, mời bạn ngước nhìn lên thập giá của Đức Ki-tô để được tiếp sức bởi sự lạc quan của Tin Mừng bởi vì thập giá Chúa Ki-tô chính là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa (1Cr 1,18-25); trên thập giá, Chúa đã tiêu diệt kẻ thù cuối cùng là sự chết (1Cr 15,26).

Sống Lời Chúa: Đứng trước đau khổ, bế tắc, mời bạn nhìn lên Chúa Ki-tô trên thập giá và xin ở bắt chước Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cám ơn Chúa đã vác thập giá vì con. Xin thấy được những giá trị của đau khổ để con cũng ngẩng cao đầu bước theo Chúa trên con đường thập giá. Amen.

 

30/11/18 THỨ SÁU TUẦN 34 TN
Th. An-rê, tông đồ
Mt 4,18-22

 

linh đạo thánh giá

Chúa Giê-su bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức họ bỏ mọi sự mà đi theo Người. (Mt 4,20)

Suy niệm: Qua lời giới thiệu qua Gio-an Tẩy Giả, Anrê đã “đến mà xem” nơi Chúa Giê-su ở và trở thành một trong hai môn đệ đầu tiên của Chúa. Đang là cột trụ kiếm sống của gia đình, An-rê đã không ngần ngại bỏ lại đàng sau tất cả mọi sự: gia đình, nghề nghiệp… để theo Chúa. An-rê đã sẵn sàng “vác thập giá mình mà theo Chúa” dù mãi sau này ông mới hiểu thập giá đó là gì: đó là làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng cái chết trên thập tự giá giống như Thầy Chí Thánh, một cây thập tự hình chữ X, như truyền thống cho biết. Sự từ bỏ như vậy vẫn còn là lời mời gọi và là thách thức cho thời đại chúng ta, một sự từ bỏ mà ĐTC Bê-nê-đi-tô XVI gọi là “linh đạo thánh giá”, linh đạo chính yếu của Ki-tô Giáo – cho đi cả mạng sống để được Đức Ki-tô làm sản nghiệp cho đời mình. Nhờ linh đạo thập giá như thế, các nỗi đau thương của chúng ta đạt được ý nghĩa đích thực và mang lấy một giá trị cao quý.

Mời Bạn: Như hạt lúa miến gieo vào lòng đất bị thối đi sẽ trổ sinh nhiều bông hạt. Bạn học được gì nơi thánh An-rê qua mẫu gương của ngài: mau mắn theo Chúa, nhiệt thành rao giảng Lời Chúa, và chấp nhận chết trên thập giá để làm chứng cho Tin Mừng?

Sống Lời Chúa: Vác thập giá mỗi ngày bằng cách từ bỏ một thói quen xấu để cầu nguyện cho việc rao giảng Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho con biết noi gương thánh An-rê tông đồ: theo Chúa Giê-su một cách mau mắn, nhiệt tình giới thiệu Chúa cho những người mà con gặp gỡ, và sẵn sàng hiến dâng mạng sống con vì Danh Chúa.