VÌ TA CẦN NHAU
Kính thưa quý vị, các bạn thân mến !
Hằng ngày, Mắt – nhìn, Tay – làm, Tai – nghe. Chân – đi và Miệng -ăn, chúng sống hoà thuận với nhau. Bỗng nhiên, có một ngày Tay, Chân; Tai, Mắt nhận ra rằng họ phải làm việc vất vả cả ngày, nhưng chỉ có Miệng là được ăn, còn bọn họ chẳng được hưởng một chút gì cả. Họ nghĩ Miệng sướng quá, còn họ dường như phải chịu bất công. Họ đồng loạt quyết định nghỉ làm, coi đó như một phản ứng để đòi sự công bằng. Quyết định của họ về hình thức có vẻ hợp lí, nhưng thực ra quyết định đó là sai lầm. Vì rằng sau một ngày, hai ngày, rồi ba ngày, cả bọn thấy mệt mỏi, rã rời. Cậu Chân, cậu Tay không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy vui đùa như trước nữa; cô Mắt thì ngày cũng như đêm lúc nào cũng lờ đờ, thấy hai mi nặng trĩu như buồn ngủ mà ngủ không được. Bác Tai trước kia hay đi nghe hò nghe hát, nghe tiếng gì cũng rõ, nay bỗng thấy lúc nào cũng ù như xay lúa ở trong. Cả bọn lừ đừ mệt mỏi như thế, cho đến ngày thứ bảy thì không chịu được nữa, đành gắng gượng kéo nhau đến nhà lão Miệng. Ðến nơi, họ thấy lão Miệng cũng nhợt nhạt cả hai môi, hàm răng thì khô như rang, không buồn nhếch mép. Bác Tai, cô Mắt vực lão Miệng dậy. Còn cậu Chân, cậu Tay thì đi tìm thức ăn. Lão Miệng ăn xong dần dần tỉnh lại. Bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay tự nhiên thấy đỡ mệt nhọc, rồi thấy trong mình khoan khoái như trước. Từ đó lão Miệng, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay lại thân mật sống với nhau, mỗi người một việc, không ai tị ai cả.
Quý vị và các bạn thân mến !
“Tình giữ được lâu, vì ta cần nhau” *. Câu chuyện ngụ ngôn Chân, Tay, Tai, Mắt tuy đơn giản, nhưng mang ý nghĩa triết lý sâu xa, đồng thời nó như một thông điệp mang tính ẩn dụ về mối tương quan giữa con người với con người. Trong cộng đồng dù lớn hay bé mọi người đều tương hỗ với nhau, chi phối lẫn nhau. Không ai trên đời này là môt hòn đảo, chúng ta hiện diện trên cuộc đời này là để sống với nhau. Sống với nhau là phải phụ thuộc lẫn nhau, hỗ trợ nhau và tôn trọng công sức của nhau. Cha ông ta có câu nói đơn giản nhưng cũng rất ý vị rằng: “Có mợ thì chợ cũng đông, không mợ chợ chẳng bỏ không ngày nào”. Câu nói không hề phủ nhận giá trị đóng góp của mỗi cá nhân trong một tập thể, một cộng đồng nhưng chỉ có ý nhắc nhớ chúng ta rằng không ai có thể và có đủ mọi điều kiện để sống một mình. Vì sống là một quá trình để thực hiện những sự sẻ chia, chia sớt cho nhau. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, khi mà thành quả của một công việc luôn là kết quả của sự đóng góp năng lực của nhiều người, thì không ai có thể tự hào rằng mình là chiếc chìa khoá duy nhất để mở mọi cánh cửa của sự thành công.Tất nhiên chúng ta không thể có một tập thể giỏi mà trong một tập thể sẽ chỉ có một vài cá nhân có những khả năng nổi trội, và như thế có những người thực sự là nhân tố quan trọng để quyết định sự phát triển đi lên của một tập thể, một cộng đồng. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa họ là yếu tố duy nhất quyết định sự tồn tại của một tập thể.
Vì thế, muốn xây dựng được một cộng đồng sống với nhau thì “hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường”, “hãy để bình an của Chúa Cứu Thế ngự trị trong lòng anh chị em. Thiên Chúa đã kêu gọi anh chị em hợp nhất trong một thân thể” như lời dạy của Kinh Thánh – Côlôdê 3,15. Và đã “hợp nhất nhau trong một thân thể” thì chúng ta phải ý thức rằng mỗi bộ phận trong thân thể sẽ được phân công làm những chức năng khác nhau, bộ phận này phụ thuộc vào bộ phận khác, tất cả tạo thành một thể thống nhất không thể tách rời, nếu bộ phận nào bị tách rời nó sẽ không thể tồn tại. Đừng so đo mình được nhiều hay ít, mình có thiệt thòi gì không trong tập thể đó. Tính so bì, tự mãn là con đường nhanh nhất để phá vỡ nhịp cầu nối liền tâm hồn những người trong cùng một gia đình, cộng đồng hay một xã hội.
Lạy Chúa, xin cho chúng con sức mạnh để chiến thắng tính vị kỷ của mình để sống hòa hợp với nhau vì Kinh Thánh cũng dạy rằng: “Anh em chỉ có thể phát triển thành một cộng đồng lành mạnh, bền vững theo ý muốn của Thiên Chúa và nhận được lợi ích từ đó nếu anh em chịu dày công hòa thuận với nhau, tôn trọng lẫn nhau”. Amen.
Bình Minh