LỄ CHÚA BA NGÔI
Ga 3,16-18
A. Hạt giống…
Đoạn Tin Mừng này là một phần trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Nicôđêmô, bàn về ý định cứu độ của Thiên Chúa :
– Thiên Chúa không hề muốn “luận phạt” thế gian (để cho hư mất), trái lại Ngài chỉ muốn cứu thế gian nên Ngài đã cho Con mình xuống thế gian để thực hiện chương trình cứu độ.
– Nhưng thế gian cũng phải góp phần của mình : ai tin vào Chúa Con thì mới được cứu ; kẻ không tin thì “bị luận phạt”. (hư mất)
– Sự hư mất ấy (“luận phạt”) là do chính những người ấy tự chọn cho mình. Cũng giống như một nguồn sáng đã đến trong màn đêm tăm tối, ai muốn sáng thì tới với nguồn sáng đó, kẻ không tới thì phải ở mãi trong bóng tối.
B… nảy mầm.
- Bài Tin Mừng này không nói rõ về Chúa Ba Ngôi, nhưng cho ta biết nét đặc thù của Chúa Ba Ngôi, đó là Tình yêu : Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian, để cứu thế gian.
Nhưng nếu muốn được cứu thì con người cũng phải góp phần tối thiểu của mình là tin vào Tình yêu Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa được sai đến trần gian, cũng như một người đang chìm muốn được cứu thì tối thiểu phải đưa tay cho người trên bờ kéo mình lên ; người muốn sáng thì ít ra phải rời bỏ tối tăm để bước tới nguồn sáng. Chúa Giêsu chỉ cho ta thấy một thực trạng là có những người “yêu tối tăm hơn sự sáng”, đó là những người “hành động xấu xa”, họ “không đến cùng sự sáng vì sợ những việc làm của mình bị khiển trách”. Và Chúa Giêsu khuyên ta hãy can đảm yêu sự sáng và bước ra sự sáng “để hành động của họ được sáng tỏ”.
Trong tôi cũng có bóng tối. Đó là những “hành động xấu xa”. Tự nhiên, tôi muốn che giấu, tôi sợ bước ra ánh sáng. Nhưng như thế thì tôi không bao giờ được cứu, như thế là tôi tự luận phạt mình, tự để mình hư mất. Hãy yêu sự sáng, hãy can đảm bước ra ánh sáng, để cho ánh sáng soi đường cho ta. Đó là một cách để được sinh lại : không còn là con của tối tăm nữa, mà từ nay sẽ là con của sự sáng.
- Nếu có ai nói với tôi : “Xin hãy cho biết Thiên Chúa là thế nào ?”, tôi sẽ bảo người đó : “Hãy yêu thương anh em nhiều hơn. Tình yêu sẽ nói cho bạn biết Thiên Chúa là thế nào”. (André Sève)
- Thiên Chúa là tình yêu. Bản chất của Ngài là tình yêu. Bởi thế ai yêu thương thì có thể biết Thiên Chúa, có thể sống trong Nước Thiên Chúa và hưởng được hạnh phúc của Thiên Chúa. Càng yêu thương thì càng giống Thiên Chúa ; ngược lại càng ít yêu thương thì càng khác với Thiên Chúa.
- Thiên Chúa yêu thương tôi vì Ngài là tình yêu chứ không phải vì tôi dễ yêu. Chính Ngài mới làm cho tôi thành dễ yêu bằng cách ban cho tôi những phương tiện để càng ngày tôi càng có khả năng yêu thương nhiều hơn.