Chuyện Một Ông Vua Thời Xưa

print

Chuyện Một Ông Vua Thời Xưa

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 340)

Bạn thân mến,

Mới rồi, tôi có đọc được trên một tờ báo cũ, kể lại một câu chuyện thời xưa như sau:

Có một ông vua, đang khi ngự trào, để bàn bạc việc nước với đông đảo quần thần, bỗng ông tỏ ra hết sức ngỡ ngàng ngạc nhiên, và tỏ ra hết sức lo lắng, vì không thấy ai có ý kiến gì, khác ý với những ý kiến của ông. Ai ai cũng đều rập khuôn, nhất trí theo ông. Ai ai cũng đều thống nhất hoàn toàn với những vấn đề ông đưa ra, và còn cho rằng: Những ý kiến của Vua là rất hay, là rất phải, là rất đúng. Không có gì để bàn bạc thêm. Không có gì để góp ý thêm nữa.

Trước sự kiện này, nhà vua tỏ vẻ lo lắng, áy náy thật sự.

Có người hỏi: Tại sao nhà vua không vui, mà lại tỏ vẻ lo lắng quá như vậy?

Nhà Vua trả lời:

“Trong tất cả triều thần đông đảo như thế này, mà không ai có ý kiến gì, khác với ý kiến của ta, thì, hoặc là triều đình này không có ai tài giỏi hơn ta. Mà điều này rõ ràng là không đúng, bởi ta đã cảm thấy rất cần có một hội nghị, nên đã triệu tập mọi người về đây, toàn là những người tài đức, toàn là những người giỏi giang, là để tham mưu cho ta, là để góp ý cho ta, là để cố vấn cho ta, là để hiến kế cho ta, trong việc điều khiển đất nước.

Đây là một chuyện đại sự, thế mà kết thúc lại không có gì.

Thử hỏi, một Hội Nghị như thế này có phải là một hội nghị ta mong đợi hay chăng?

Một Hội nghị như thế này có đem lại ích lợi gì cho đất nước hay chăng?

– Hay là  vì tất cả quần thần, đều là những người thích xu nịnh, cho nên không ai dám nói ra ý kiến của mình.

Đàng nào, dù thụ động hay dù xu nịnh, thì cũng đều là nguy cơ cho đất nước. Đó là điều làm cho ta rất lo lắng”.

Thiên hạ thời sau rất khen vị vua này. Bởi vì vua đó, là một con người cởi mở, là một con người luôn cầu tiến, là một con người biết coi trọng những ý kiến khác biệt, coi đó như một dấu chỉ tốt, đáng mừng cho đất nước, nhờ đó mà đất nước mới có khả năng tiến bộ, nhờ đó mà đất nước mới có khả năng đi lên, nhờ đó mà đất nước mới có khả năng phát triển.

*****

Bạn thân mến,

Câu huyện trên đây có thể áp dụng cho bất cứ xã hội nào, ở bất cứ thời đại nào, dù đời, dù đạo, dù trong chuyện lớn, dù trong chuyện nhỏ.

Chủ yếu của câu chuyện, là muốn dạy chúng ta một bài học, đó là: Khuyến khích ta, nên có những thái độ khác biệt, có khi cũng phải chấp nhận những chống đối nữa.

Nhưng nếu biết dùng những yếu tố khác biệt đó một cách khôn khéo, thì sẽ nảy sinh nhiều lợi ích, thì sẽ có nhiều khả năng tiến bộ.

Thực tế lịch sử đạo đời, đã chứng minh cho chúng ta thấy điều đó.

Vì thế, khi đọc bài Phúc Âm theo thánh Luca đoạn 12 câu 51, nói về những cọ sát gay gắt, giữa những khác biệt và những mâu thuẫn trong gia đình, trong nội bộ cộng đoàn, hoặc giữa cộng đoàn này với cộng đoàn khác, thì chúng ta thấy, Chúa Giêsu muốn làm nổi bật những cái khác biệt đó.

Và Chúa cũng muốn cho có những mâu thuẫn đó xảy ra, vì lợi ích cho cá nhân, vì lợi ích cho các gia đình, và vì lợi ích cho các cộng đoàn, để từ đó, sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, sẽ có nhiều tiến bộ, và sẽ sinh nhiều lợi ích thật sự.

Bởi chính Chúa đã nói: “Thầy đã đến, là để ném lửa vào trần gian, và Thầy những mong muốn, ước mong sao cho ngọn lửa ấy được bùng cháy lên!” Nghĩa là Chúa muốn lòng mọi người phải nóng lên. Chúa không muốn có ai ù lì, hay thụ động trong cuộc sống.

Và Chúa vẫn còn thao thức. Chúa vẫn còn trăn trở mãi, bao lâu lửa ấy chưa được bùng lên, trong trái tim của con người, trong trái tim của mỗi người chúng ta.

Xét trong thực tế, ở nhiều người, ở nhiều nơi, ở nhiều cộng đoàn, vẫn còn có nhiều cách sống thật dững dưng, vẫn còn có những thái độ sống rất lạnh lùng, rất thụ động, không có sức sống.

Có nghĩa là, đại đa số vẫn thích sống như lục bình trôi, vẫn thích sống ù lì, vẫn cứ thích ngủ mê trong những thói quen, trong những tập tục cố hữu đã có từ ngàn đời, vẫn thích ngủ mê trong những tật xấu, trong sự tự mãn, trong sự ích kỷ, trong sự hẹp hòi, đầy thành kiến của mình.

Do đó, để làm cho họ thức tỉnh, để lôi kéo họ ra khỏi tình trạng ù lì, chậm tiến và sai lầm đó, Chúa đã cố ý làm cho nổ tung, những xung đột, giữa các khuynh hướng khác nhau, chấp nhận những đấu tranh, chấp nhận có những chống đối.

Vì thế Chúa đã nói: “Anh em tưởng rằng, Thầy đến là để ban hoà bình cho trái đất này sao?

Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu. Thầy đến là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, nghĩa là từ những giáo lý của Chúa, thì năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba, cha chống lại con trai, con trai chống lại cha, mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”  (Luca 12,51-53).

Chính tình hình đó, mà nếu muốn tiếp tục sống, mà nếu muốn tiếp tục tồn tại, thì mọi người buộc phải suy nghĩ, buộc phải cố gắng, buộc phải phấn đấu, để tìm cho ra một hướng đi đúng đắn, để tìm cho ra một sự thật, để khám phá ra một chân lý mà theo, để tìm cho ra một phương thức để vượt khó, để đi lên, để có thể đạt tới lý tưởng hạnh phúc tốt đẹp thật sự.

Bạn thân mến,

Với đà cởi mở như hiện nay, đất nước Việt Nam chúng ta, Hội Thánh Việt Nam chúng ta, đang bước vào giai đoạn đó, một giai đoạn bùng nổ những khuynh hướng khác biệt nhau, với những suy nghĩ khác nhau, có khi chống đối nhau, ngay trong chính gia đình mình, hay giữa cộng đoàn của mình, giữa các thế hệ già trẻ, với những não trạng cũ mới, đã và đang dần dần vẽ nên những bức tranh, đúng như Chúa đã tiên báo.

Để cho những diễn tiến này không trở thành tiêu cực, thì chúng ta, các bậc phụ huynh, và những ai có trách nhiệm huấn luyện, giáo dục, đào tạo con người, cần phải biết đưa tinh thần đạo đức, vào trong các cuộc đối thoại, vào trong các cuộc tranh luận, vào trong các sinh hoạt, vào trong các cuộc gặp gỡ khác biệt này.

Sau đây là một vài gợi ý, rút ra từ thông điệp “Hoà Bình trên trái đất” (Pacem in terris) của ĐGH Gioan XXIII, ký ngày 11-04-1963, có thể áp dụng vào trong những suy tư của chúng ta.

– Gợi ý thứ I: Là chúng ta phải biết tôn trọng sự thật. Đừng có hồ đồ, đừng có vu khống, đừng có xuyên tạc, đừng có gian dối, đừng có thành kiến.

– Gợi ý thứ II: Là trong mọi việc, chúng ta phải đặt nền tảng trên công bằng, trên chân lý, trên lẻ phải, biết tôn trọng kẻ khác, và biết tôn trọng quyền lợi của kẻ khác.

– Gợi ý thứ III: Là khi đối thoại hay tranh luận, chúng ta phải cố gắng đối thoại hay tranh luận, trong bầu khí bác ái, yêu thương, được diễn tả qua những lời nói, qua những cử chỉ, qua những cách ứng xử, xuất phát từ những động lực của trái tim, xuất phát từ nội tâm tốt lành, lương thiện, đạo đức, nhằm để xây dựng.

Hãy luôn cảnh giác, đừng để cho những hận thù, những ghen ghét, hay những thành kiến, hay tính ích kỷ hẹp hòi chi phối.

Lạy Chúa, nếu chính Chúa đã muốn xảy ra những khác biệt, thì xin Chúa cũng thương giúp con, hiểu sao cho đúng, và ứng xử sao cho chuẩn những khác biệt đó, để Nước Chúa trong con và trong tất cả mọi người, càng ngày càng được mở rộng, theo những sắp xếp an bài của Chúa. Amen.