8/11: Thánh Giuse Nghi,Linh mục , Thánh Phaolô Ngân,Linh mục ,Thánh Martinô Thịnh,Linh mục, Thánh Gioan Baotixita Cỏn (Bốn),Lý Trưởng, Thánh Martinô Thọ (Nho),Viên chức Thu Thuế

print

8/11: Thánh Giuse Nghi,Linh mục , Thánh Phaolô Ngân,Linh mục ,Thánh Martinô Thịnh,Linh mục, Thánh Gioan Baotixita Cỏn (Bốn),Lý Trưởng, Thánh Martinô Thọ (Nho),Viên chức Thu Thuế

Ngày 8 tháng 11:Thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi,Linh mục (1793-1840)

Ngày 8 tháng 11:Thánh Phaolô Nguyễn Ngân,Linh mục (1790-1840)

Ngày 8 tháng 11:Thánh Martinô Tạ Đức Thịnh,Linh mục (1760-1840)

Ngày 8 tháng 11:Thánh Gioan Baotixita Cỏn (Bốn),Lý Trưởng (1805-1840)

Ngày 8 tháng 11:Thánh Martinô Thọ (Nho),Viên chức Thu Thuế (1787-1840)

 

Ngày 8 tháng 11:Thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi,Linh mục (1793-1840)

Thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi sinh năm 1793 tại làng Kẻ Vồi, huyện Thượng Phúc, nay thuộc tỉnh Hà Nội. Cha mẹ làm nghề buôn bán khá giả. Nhưng không may cả hai ông bà đều chết sớm nên cậu Giuse Nghi sớm mồ côi. Cậu được cha cố Liêm là cha xứ Kẻ Vồi nhận nuôi cho ăn học ngay từ nhỏ. Nhờ trí thông minh và đức hạnh tốt nên được các cha lưu ý và gửi vào chủng viên theo học. Tại chủng viện, thầy Giuse Nghi học hành xuất sắc, tính tình vui vẻ, hiền hoà nên từ ban giáo sư tới các bạn đồng trường đều quí mến và tỏ ra trọng nể. Khi mẫn trường, thầy lại vâng lời trở về nhà xứ giúp cha cố Liêm trong việc giảng dạy giáo lý, trông coi các việc trong nhà thờ cũng như nhà xứ. Thầy Giuse Nghi có biệt tài nói khéo, nói hay nên rất dễ dàng thuyết phục được nhiều người trở lại đạo. Sách có ghi lại nhiều chuyện nhờ biệt tài cha khuyên bảo mà nhiều người đã ăn năn trở lại với Chúa. Dưới đây xin ghi lại mấy chuyện:

– Khi Thày còn học tại trường Kẻ Vĩnh trong mùa Chay đi giúp tuần đại phúc, thấy đã khuyên được ông Đoan 95 tuổi

trở về với Chúa. Ông này rất khô khan, cứng lòng. Nhiều thầy đã tới khuyên bảo nhưng đều không thành công.  Nhưng khi Thầy Giuse Nghi tới giảng giải giáo lý và nói về lòng nhân từ thương xót của Chúa. Ông bắt đầu suy nghĩ rồi xin được ăn năn trở về với Chúa.

– Tại làng Kẻ Bạc có một người Công giáo hầu như đã bỏ đạo. Ông này giầu có chuyên môn cho người khác vay tiền bạc và tính lời lãi rất cao, rất nhiều người kêu xin ông giảm bớt. Nhưng ông cứ một mực thẳng tay tính lãi rất cao. Thế rồi ông có con gái thì gả cho người giầu có không có đạo, nhiều người bàn tán, cho đó là hành động mê tiền, bỏ Chúa.

Cha Giuse Nguyễn Đình Nghi đã để ý tới hoàn cảnh của ông, mong có dịp tốt gặp gỡ ông. Dịp may đã tới! Mẹ ông ốm rất nặng, cha Nghi có dịp tới thăm. Cha an ủi và giải tội cho bà mẹ rồi quay sang khuyên dụ ông ăn năn trở lại với Chúa. Nghe cha giảng giải và nói về Chúa, ông tỏ ra xúc động rồi xin xưng tội, ăn năn thống hối. Ông sung sướng được trở về với Chúa. Sau nữa ông xin trả lại số tiền lời bất công cho tất cả các con nợ của ông. Ông cũng hứa là sẽ gả con gái cho người Công giáo, để giữ đạo cho trọn.

– Tại làng Trinh Hà thuộc giáo xứ Đa Phạn có một người Công giáo, đã rửa tội đàng hoàng, nhưng rồi chẳng bao giờ giữ đạo và sống đạo. Trong nhà bày bàn thờ cúng vái, hương nhang khói nghi ngút ngày đêm và tin nhiều điều rất dị đoan. Cha Nghi biết như thế thì cha quyết định tìm mọi cách để thuyết phục ông này trở về cùng Chúa. Cha nhờ ông tổng Chu là bạn rất thân của cha, tới gặp ông này và đề nghị với ông này đến làm ông từ quét dọn nhà thờ, mua dầu đèn, trông coi các việc chung quanh nhà thờ. Nhà thờ sẽ trả lương cho ông đầy đủ. Ông này nghe ông tổng Chu nói là nhà thờ sẽ trả lương thì ông này nhận lời ngay làm ông từ nhà thờ. Nhưng làm ông tư nhà thờ thì phải có mặt trong khi nhà thờ đọc kinh, dâng thánh  lễ. Ông này tất nhiên là phải hiện diện trong các giờ đó. Ông nghe người ta đọc kinh, nhất là nghe cha giảng, lúc đầu ông chẳng cần để ý, cha giảng gì thì giảng, ông cứ ngồi ở ngoài nhà thờ nói chuyện với những người khác. Nhưng rồi một ngày kia ông tự nhiên thấy cha giảng hay, ông chăm chú ngồi nghe. Thế rồi từ hôm ấy, ông không bỏ sót một bài giảng nào trong thánh lễ. Nghe giảng mãi rồi ông tự trách mình “tôi cũng là người có đạo mà tại sao tôi lại bỏ đạo. Cha giảng giải hay quá, mà đã từ lâu tôi bế bối không giữ đạo”. Ông tới gặp cha Nghi. Cha Nghi giảng giải giáo lý cho ông nghe. Cha nói con người được Chúa cho sinh ra là để thờ phương Chúa. Con người phải ăn ngay ở lành, làm các việc thiện hảo, tránh xa điều gian ác… Có trung thành thờ phượng Chúa thì sau này khi chết mới được về với Chúa. Người ta chết không phải là hết như loài vật. Nhưng chết rồi còn có đời sau, có sự sống vĩnh cửu nữa. Nghe cha giảng giải. Ông này thành khẩn ăn năn hối hận vì đời sống trước đây đã bỏ Chúa và sống một đời sống bất hảo. Giờ đây ông xin ăn năn trở lại với Chúa.

Nhờ tài ăn nói lịch duyệt, lý lẽ mạch lạc, tình tình hiền hoà, dễ thương mà cha gặt hái được rất nhiều thành quả trong công tác mục vụ. Đối với những người trong nhà, lúc nào cha cũng tỏ ra hiền từ, ăn nói nhỏ nhẹ dễ dàng cảm thông. Khi đi giảng các tuần tĩnh tâm, cha kiên nhận chịu khó ngồi tòa giải tội mà không biết mệt mỏi. Nhiều ngườI nói, nghe cha Nghi giảng cả buổi mà không thấy mệt. Cha giảng hay quá, lời giảng của cha có sức hấp lực lạ lùng, muốn cưỡng lại mà cũng không thể cưỡng lại được.

Ngay từ khi cha còn là thầy giảng đi giúp xứ, nhiều người đã nói thế nào thầy cũng sẽ làm linh mục, mà thầy làm linh mục thì thầy giảng chắc chắn là hay, mà hay thì sẽ lôi kéo được nhiều trở lạ đạo. Mà quả thật, sau một năm giúp xứ, các cha thấy thầy thông minh hiền hậu và đức độ nên lại gửi thầy vế học triết và thần học để lãnh chức linh mục.

Khi hoàn tất chương trình triết và thần học thầy mới 30 tuổi và Đức Đức Cha Harvard Du truyền chức linh mục và được bổ nhiệm làm phó xứ Sơn Miêng một năm rồi trở về làm phó xứ Kẻ Vạc bốn năm. Trong thời gian bốn năm làm cha phó ở Kẻ Vạc, cha đã ra công ra sức làm việc không biết mệt. Thầy già Phêrô Hảo giúp cha Nghi tại Kẻ Vạc đã làm chứng về cha như sau: “Thoạt mới trông thì cha Nghi rất nghiêm nghị và khắc khổ. Gặp lần đầu thì sợ nhưng sau vài lần thì lại cảm thấy thân thiện dễ mến. Những người làm việc trong tổng, nhất là ông tổng Chu, rất mến và phục sự hiểu biết luật lệ và khôn ngoan của cha như chưa từng có cha nào lịch duyệt như vậy. Mọi người đều mến cha. Cha Chính cũng thích cha”.

Khi đang làm cha phó ở Kẻ Bạc giúp cha Hanh thì được lệnh đổi về giúp cha Khoan ở xứ Phúc Nhạc, rồi chỉ một thời gian ngắn, bề trên biết cha có tài quản trị và tổ chức khéo nên cha lại được bề trên bổ nhiệm làm cha xứ Đa Phạn, lúc ấy cha đã 36 tuổi. Cha làm cha xứ Đa Phạn khoảng mười năm và cuối cùng cha đã bị bắt trong thời gian này.

Trong thời kỳ cấm đạo tàn bạo, mỗI khi cha nghe tin linh mục này bị bắt, giáo dân kia bị bắt, cha đau buồn cầu nguyện và trong long cũng mong ước được đổ máu chính mình để làm chứng cho đạo thánh Chúa. Có lần cha cầu nguyện vớI Chúa, nếu Chúa định cho con phải bắt vì Chúa thì xin cho họ bắt con ngoài đường để không gây phiền lụy tớI bất cứ ai. Vì thế trong mình chq lúc nào cũng mang theo một lạng bạc để nếu bị bắt thì đút lót cho lính khai là bắt cha ở ngoài đường. Hằng ngày cha cầu nguyện nếu đẹp ý Chúa thì xin cho ngài được ơn phúc tử đạo. Hằng tuần cha ăn chay ba lần vào các ngày thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy để được nên giống Chúa hơn cũng như để xin Chúa giúp cho công việc mục vụ truyền  giáo được thành đạt như ý Chúa muốn. Thầy già Phêrô Hảo kể lại lúc quan quân kéo tới bao vây làng Kẻ Báng thì thầy đang đi thu gạo ở Kẻ Mơ. Nghe tin làng bị bao vây, thầy vội trở về. Về tới gần làng đã thấy lính tráng bao vây kín cả làng. Khi hỏi thì mới biết là ông lý trưởng trong làng là người ngoại giáo đã tố cáo với quan tổng đốc tỉnh nam Định là Trịnh Quang Khanh và quan phủ Thiên Bản để lấy tiền thưởng là làng này có đạo trưởng. Được tin mật báo, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh và quan phủ Thiên Bản vội đưa một lực lượng hùng hậu quân binh về bao vây kín chung quanh làng ngày từ 3 giờ sáng. Khi trời đã sáng, quan cho lính thổi loa kêu gọi mọi người già trẻ, nam nữ, không trừ một ai phải ra đình điểm danh. Sau khi điểm danh, quan cho trói tất cả mọi người đàn ông lại, cho ngồi ngoài nắng rồi lệnh cho quân lính chia nhau cứ 10 người thành một toán đi vào lục soát các nhà người theo đạo Thiên Chúa.

Ngày thứ nhất không bắt được gì, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh tưởng mình bị lừa, định cho lệnh rút lui. Nhưng ông lý trưởng là người đi tố giác sợ có tội với triều đình nên ông năn nỉ:

– Xin quan lớn cho đóng quân thêm 3 ngày nữa. Nếu không bắt được tây nam đạo trưởng thì tôi xin nộp mạng.

Thấy ông lý trưởng khẩn khoản nài xin thì quan Trinh Quang Khanh cho lệnh ở lại. Những người đàn ông vẫn bị trói và giữ ngồi ngoài trời như thế 3 ngày 2 đêm. Người nhà phải nấu cơm đem tới thăm nuôi.

Sang ngày thứ hai, khoảng trưa thì một toán quân bắt được một ít đồ đạo tại nhà bà Anna Thuận, họ bắt trói bà. Trong khi ấy thì tạI nhà bà Duyên, họ bắt được cha Giuse Nguyễn Đình Nghi. Quân lính rao hò mừng rỡ. Trong một thư viết cho cha bạn, cha Giuse Nghi đã chính tay viết thuật lại việc ngài bị bắt như sau:

-“Tôi thấy toán lính đâm thọc các tường vách và nền nhà

nên tôi bước ra nói với tên Cai đội: Tôi là đạo trưởng. Tôi sẵn sàng chịu mọi hình phạt vua quan sẽ định cho tôi. Tôi chỉ xin các ông một điều là tôn trọng đừng phá phách nhà này, tội nghiệp người ta”.

Sau khi cho tên Cai đội một nén bạc, họ cho bà Duyên đến tụ họp với dân làng ở đình, không bắt bà nữa. Bọn lính quay ra tranh nhau cái công đầu trong việc bắt ngài. Kẻ thì giật tóc ngài, đứa thì lấy gậy đánh ngài túi bụi. Cha Nghi lên tiếng:

– Tôi đã tự ý nộp mình thì xin đừng đánh tôi nữa

Sau cuộc cãi vã chia chác, tên Cai đội trói cha rồi giải cha về đình nộp cho quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh đang ngồi chờ đợi ở đó. Trịnh Quang Khanh cho lệnh lấy tre tươi làm gông tròng vào cổ cha. Cai gông tre tươi rất dài nên rất nặng mà cha phải mang trên cổ từ hôm đó. Đeo gông rồi, họ bắt cha ngồi ngoài nắng. Tới chiều thì họ bắt thêm được cha Ngân tại hầm nhà ông Thọ. Còn cha Thịnh thì ốm suốt trong hai ngày nằm liệt tại nhà ông Chiền, cháu ông Cỏn. Lính đi qua lại nhiều lần, thấy chị Thanh đang săn sóc nói là cha tôi ốm nặng không biết gì. Linh bỏ đi. Nhưng tới ngày thứ ba, lính tới lần nữa ta hỏi thì cha Thịnh tự nhận là linh mục nên họ cũng bắt cha luôn.

Tối đêm ngày thứ ba, Trịnh Quang Khanh thấy bắt được ba đạo trưởng rồi thì vui mừng cho lệnh rút quân, mang theo ba đạo trưởng và 20 giáo dân trong xứ đạo về giam tại nhà giam Nam Định.

Trong nhà giam tại khu nhà lá cùng bị giam với các ngài có bà Anna Thuận là ngườI giữ các đồ đạo của cha Charrier Đoan. Bà Anna Thuận kể lạI rằng: “Mỗi ngày, sáng, chiều, chúng tôi lớn tiếng đọc kinh chung. Suốt ngày chúng tôi phảI nghe những ngườI tù khác lảI nhảI chửI rửa. Nhà tù như một cái chợ. Sau khi chúng tôi cho họ ít tiền, họ mớI im. Tôi thấy ba cha và ông Cỏn, ông Thọ lu6on luôn thì thầm cầu nguyện và đi Đàng Thánh Gía. Cha Nghi và cha Ngân thì thay nhau giảng bảo, khuyên nhủ các bạn tù. Các cha thường khuyên: Đây là thời giờ Chúa tuyển chọn để thử thách. Chúng ta hãy vững lòng chịu đựng. Sau này chúng tôi vì yếu đuốI quá, trót chốI đạo, cha Nghi và cha Ngân còn khuyên chúng tôi. Các con hãy kêu xin Chúa nhân lành vô cùng. Đức Mẹ Maria đoái thương ghé mắt nhìn xem chúng con thật lòng thống hốI tộI lỗI, sẽ giúp chúng con giữ đạo cho đến cùng”.

Trong số 20 giáo dân bị bắt với cha Nghi chỉ còn ông Cỏn, ông Thọ là hai ngườI kiên gan bền chí tới cùng và đã được ơn phúc tử đạo và ngày nay đã được vinh lên hàng hiển thánh tử đạo cùng vơi cha Nghi, cha Ngân. Riêng với cha Nghi, bao nhiêu lần tra hỏi, quan tổng đốc không dám nói lời gì xúc phạm. Quan chỉ hỏi:

– Các đạo trưởng đã cho ngươi ta ăn bánh gì mà cá ngươi mất cả trí khôn như vậy?

Cha Nghi vội trả lời:

– Thưa quan lớn, các ngài chê trách chúng tôi theo đạo vô lý, thờ một người bị đóng đinh và ăn bánh thánh. Sau khi nhắm mắt, lúc ấy các ngài mới biết đạo của chúng tôi mà thôi.

Các ngài bị tra tấn liên tiếp rất nhiều lần và rất tàn ác, bị rất nhiều trận đòn dữ dội trong tháng 7 này. Cha Nghi, luôn trả lời thay cho các cha và giáo dân khác Trong lần tra khảo dữ tợn ngày 3 tháng 7, Trịnh Quang Khanh cố ý bắt ép ba cha bước lên Thánh Giá  Nhưng dứt khoát không cha nào làm theo lời dụ dỗ của quan. Quan lại hỏi:

– Các ông có biết đạo trưởng tây phương tên là Borrie Cao và đạo trưởng Hermôsilla Vọng không?

Cha Nghi đáp:

– Thưa quan lớn, đạo trưởng Borrie Cao chúng tôi biết và các quan đã bắt và xử tử rồi. Còn đạo trưởng Hermôsilla Vọng thì tôi không biết và cũng chưa bao giờ gặp Ngài.

Quan Trịnh Quang Khanh lại nói:

– Nếu không khai ta sẽ cho kìm kẹp, quan vừa nói vừ chỉ vào anh thợ rèn đang thổi lò lửa.

Cha Nghi bình tĩnh, thản nhiên đáp:

– Thưa quan lớn,  chúng tôi biết điều nào thì thưa. Quan lớn không thương mà kìm kẹp bằng kìm lửa đỏ thì chúng tôi chịu. Nhưng không thể nói những điều mình không biết.

Quan tỏ ra bực bội liền ra lệnh phạt ba cha giam ngoài trời nắng liên tiếp ba ngày không cho ăn uống gì. Sau ba ngày, quan lại cho gọi ba cha tới bắt bước lên Thánh Giá. Cả ba cha nhất định không chịu. Quan rất tức giận cho lệnh đánh mỗi cha 50 roi đến nát thịt, bắn máu ướt hết quần áo, Riêng cha gia Thịnh phải 60 roi, đánh đến mềm cả người. Ngày hôm sau, quan lại gọi ba cha tớI bắt bỏ đạo. Cá cha một lòng cương quyết tới cùng, không bỏ đạo. Quan lại truyền đánh thêm 50 roi nữa, đây là trận đòn cuối cùng. Các ngài bị giam tù, bị tra tấn, đòn vọt, kìm kẹp dữ tợn như thế trong suốt hơn năm tháng trời.

Ngày 6 tháng 11, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh truyền đưa các ngài tới công đường, truyền lệnh phải bước qua Thánh Giá. Các Ngài đều đồng thanh cương quyết:

– Chúng tôi quyết một lòng không thay đổi những gì đã nói.

Thế là quan truyền đem các ngài đi xử.Đi đầu là quan giám sát cỡi voi, hai bên có 500 lính hộ tống rồi nối tiếp là một đoàn người đông đảo đi xem. Mỗi vị có một tên lính đi trước cầm bản án.Tới pháp trường Bảy Mẫu, các cha quì gối giải tội cho nhau Các cha giơ tay chào biệt mọi người. Lý hình vung cao lưỡi gươm lên cao, chiêng trống lên hồi. Tới tiếng chiêng trống cuối cùng thì lý hình chém một nhát, đầu cha Nghi rơi xuống đất. Những người chứng kiến nín thở khi chiêng trống lên hồi. Thầy Sự tới xin đem xác cha Nghi và cha Ngân về an táng trong nhà thờ Kẻ Báng. Mộ cha Nghi ở phía Thánh Thư, mộ cha Ngân ở phía Phúc Âm.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong các Ngài lên Bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng các Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Ngày 8 tháng 11:Thánh Phaolô Nguyễn Ngân,Linh mục (1790-1840)

Thánh Phaolô Nguyễn Ngân sinh năm 1771 tại làng Cự Khanh, xứ Kẻ Bền, tỉnh Thanh Hoá. Cậu Phaolô Ngân đi tu ngay từ khi còn nhỏ. Khi được gửi vào chủng viện thì cậu học chung lớp với cậu Nghi. Sau này cả hai đều trở thành linh mục làm vườn nho rất đắc lực cho Chúa, rồi cùng bị bắt và cùng được phúc tử vì đạo, bị trảm quyết tại pháp trường Bảy Mẫu cũng chung một ngày với nhau.

Sau khi thụ phong linh mục, cha Phaolô Nguyễn Ngân được bổ nhiệm về giúp cha Huyên coi họ Duyên Mậu và các họ lẻ chung quanh thuộc xứ Phúc Nhạc. Làm việc rất mệt nhọc và vất vả vì giáo dân đông, đường xá đi lại khó khăn nên sức khoẻ của cha gị giảm sút mau lẹ. Bề trên thấy vậy, liên gọi cha về cho nghỉ dưỡng bệnh tại nhà chung Kẻ Vĩnh. Tới khi sức khỏe đã hồi phục, bề trên lại sai cha đi giúp xứ Trình Xuyên ba năm rồi lại đổi cha về Kẻ Báng giúp cha Nghi Tới thời kỳ đạo Chúa bị cấm cách, các đạo trưởng bị truy lùng khắp nơi thì cha Ngân thường trú ẩn tại họ Kẻ Thừa. Ở đây tương đồi thanh vắng, ít người lui tới mà dân làng thì hiền hoà dễ thương.

Cha Phaolô Nguyễn Ngân vốn được nhiều người thương mến vì tính tình vui vẻ, dễ hoà đồng lại khiêm tốn, nét mặt lúc nào cũng tươi vui, cởi mở. Đối với mọi người cha thường tìm cách lui tới giúp đỡ để có dịp nói cho họ hiểu biết về Chúa, về đạo. Đối với người trong nhà, cha thường nhắc bảo:

– “Tính cha nóng nên khi nào thấy cha nổi nóng thì chúng con tìm cách đi nơi khác, khi nào cha hết nóng thì chúng trở lại. Làm như vậy là tốt cho cả cha lẫn các con”.

Ngoài tính nóng, cha còn tính nhát nữa. Khi nghe tin các cha hay giáo dân bị bắt, bị tra tấn thì cha run sợ. Khi nghe tin quan quân tới vây bắt ở đâu thì cha hoảng hốt sợ hãi, bắt giáo dân đưa cha đi ẩn trốn. Cha rất sợ đòn vọt, tra tấn và những hình phạt đối với những người đã bị bắt vì đạo Chúa.

Lúc quan quân tới vây làng Kẻ Báng thì cha Ngân cũng vừa ở họ lẻ về thăm cha Nghi và để xưng tội. Biết tin quan quân tới vây bắt các đạo trưởng trong làng thì cha Ngân được đưa tới ẩn trú tại nhà ông Chuông, thấy ở nhà ông Chuông không bảo đảm thì lại đưa cha tới nhà ông Thọ, vì nhà ông Thọ có sẵn hầm trú chắc chắn. Ngày thứ nhất, cha ở dưới hầm đọc kinh cầu nguyện thấy yên ổn. Bước sang ngày thứ hai, quân lính sục sạo rất dữ tợn. Bọn lính lấy  cọc sắt xâm chọc thủng các bức tường vách cũng như nền nhà. Cha Phaolô Ngân thấy chúng đâm thủng nền nhà như thế, có thể chúng sẽ đâm phải

người, nên cha đã can đảm tự ý bước ra khỏi hầm để tự nộp mình.

Tên Cai đội hỏi cha:

– Ông có phải là đạo trưởng Tây không?

Cha trả lời

– Các ông hãy xem cho kỹ có phải là đạo trưởng Tây không, việc gì mà phải hỏi.

Cha nói xong thì bọn lính xông vào trói cha và đánh túi bụi trên đầu cha. Có đứa còn lấy gậy đập vào lưng cha đau điếng cả người. Sau đó chúng la hét rồi giải cha ra đình làng trình nộp cho quan tổng đốc Trịnh Quang Khang đang ngồi chở đợi ở đó. Họ trói cha đưa cha ra phơi nắng cùng với nhóm giáo hữu trong làng đã bị bắt từ sáng tới tối. Sau đó, trong thời gian bị giam tù cha Ngân đã biên thư cho người bạn cha đã kể lại việc ngài bị bắt như sau: “Khi tôi tự ý ra nộp mình thì bọn chúng xông vào lột áo tôi như là bắt được một tên giặc cướp. Nhưng tôi vẫn vui vẻ và tâm hồn cảm thấy bình an lạ lùng. Cảm giác sợ hãi bỗng biến đi mất. Bọn lính thấy thế, chúng nói với nhau:  Xem kià, ông này chẳng sợ hãi gì. Bị đánh đau thế mà ông ta còn cười được! Khi tới chỗ Trịnh Quang Khang ngồi chờ đợi, tôi thấy cha Nghi đang đeo gông tre ngồi ngoài trời nắng. Người ta cũng đeo vào cổ tôi một cái gông tương tự. Khi ho vừa đặt vào cổ tôi, tự nhiên miệng tôi thốt lên lời: Tạ Ơn Chúa! Lòng tôi tràn ngập niềm vui còn trí tôi nghĩ tới con đường lên trời qua những cực hình đau đớn sắp tới”.

Trong tất cả những lần bị tra khảo, cha Nghi đều trả lời thay cho cha Ngân. Quan hỏi cha Ngân thì cha Ngân trả lời:

– Cha Nghi đã nói thay cho tôi rồi. Tôi hoàn toàn đồng ý với cha Nghi. Chúng tôi là một, xin quan đừng mất nhiều thời giờ tra khảo, vì chúng tôi nhất quyết không thể thay đổi. Chúng tôi sãn sàng chết vì đạo, vì Chúa chúng tôi rao giảng.

Mỗi lần tra khảo rồi sau đó bị đánh đập. Cha Nghi bị đánh bao nhiêu roi thì cha Ngân cũng chiụ đằng ấy roi. Trong nhà tù cha Ngân thường lui tới khuyên bảo, khích lệ các bạn tù. Nhắc nhở họ cầu nguyện xin ơn trung thành với Chúa, nhất là trong lúc đang bị thử thách đầy khó khăn  này. Ngài  hay cầu nguyện chung với mọi người và khẩn khoản xin Chúa và Đức Mẹ nâng đỡ, ban thêm sức mạnh và can đảm. Đối với những người vì yếu đuối, sợ đòn vọt tra tấn nên đã chối đạo, cha vẫn khuyên họ phải ăn năn thống hối xin Chúa tha. Xin Đức Mẹ bầu cử cùng Chúa tha tội và đi xưng tội để lãnh nhận ơn tha thứ rồi sốt sắng giữ đạo thánh Chúa.

Nhiều giáo dân thương mến cha, cũng thường tìm cách tới thăm viếng an ủi cha Nhiều người ngỏ ý muốn đem tiền tới đút lót.để xin tha cho cha. Nhưng cha không đồng ý lại vui vẻ nói đùa giỡi với họ:

– Bây giờ cha được các quan nuôi dưỡng rồi. Anh chị em khỏi phải vất vả lo lắng nuôi cha nữa nhé. Bây giờ cha chỉ mong anh chi em nếu thương cha thật thì hãy trung thành giữ đạo thánh Chúa. Anh chị em cầu nguyện cho cha là đủ rồi. Cha lup6n nhớ vầ cầu nguyện cho anh chị em được trung thành với Chúa.

Như đã thuật lại trong chuyện thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi, khi các quan thấy không thuyềt phục được các Ngài nữa thì làm bản án gửi về triều đình rồi khi được vua Minh Mang phê chuẩn thì thi hành.

Ngay từ sáng sớm ngày 8 tháng 11 năm 1840, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh đã cho gọi các ngài tới công đường khuyên dụ một lần nữa, mong các ngài bỏ đạo. Nhưng sự việc không thành nên các quan và 500 binh lính áp giải các ngài tới pháp trường Bảy Mẫu để tảm quyết.

Đi đầu là quan giám sát ngồi trên con voi to lớn. Tiếp sau là một lên lính cầm bản án giơ cao viết những hàng chữ như sau: “Đạo trưởng Nguyễn Ngân, sinh quan tại tỉnh Thanh Hoá, huyện Đoan Nguyên, làng Nam Đàng”. Về tội phạm và án phạt cũng viết như bản án của cha Nghi đã nói ở trên. Sau tên lính cầm bản án là cha Ngân đi ở giữa. Hai bên là hai hàng binh lính gươm giáo, hùng hậu đi một cách oai nghiêm. Sau cùng là đám dân đông đảo theo xa xa để được chứng kiến tận mắt cái chết oai hùng của các chiến sĩ Chúa Kitô.

Tới pháp trường, người ta tháo xiềng xích và gông đeo ở cổ cho các Ngài. Các ngài bình tĩnh, vui tươi nhìn chào mọi người rồi quì gối xuống chiếc chiếu đã trải sẵn. Các ngài cầu nguyện và giải tội lẫn cho nhau. Chiêng trống ba hồi nổi lên. Lý hình vung gươm lên cao chờ đợi tiếng chiêng trống cuối cùng thì chém một nhát. Đầu cha Phaolo Nguyễn Ngân rơi xuống đất. Giáo dân tới xin xác và thầy Sự là người đã ráp đầu và xác cha thánh lại rồi rước về an táng trọng thể tại nhà thờ Kẻ Báng.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng ngài len hàng hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Ngày 8 tháng 11:Thánh Martinô Tạ Đức Thịnh,Linh mục (1760-1840)

Thánh Martinô Tạ Đức Thịnh sinh năm 1760 tai làng Kẻ Sặt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội, trong một gia đình trung lưu và nề nếp. Cha mẹ là bổn đạo mới. Ông bà có 9 người con, cha Thịnh là người con thứ 8. Năm cậu Thịnh được 18 tuổi thì cha mẹ đã sốt sắng lo kiếm vợ cho cậu. Ông bà để ý tới một thiếu nữ trong làng thùy mị, duyên dáng lại ngoan đạo. Nhưng biết ý của cha mẹ, cậu Thịnh khôn khéo xin hoãn lại để suy nghĩ vì cậu chưa sẵn sàng. Sau một thời gian, cậu ngỏ ý xin cha mẹ cho cậu đi tu, cậu muốn dâng mình cho Chúa. Ông bà rất  ngạc nhiên vì nghĩ rằng con mình sẽ không tu được vì luật lệ Nhà Đức Chúa Trời khó khăn lại đòi hỏi phải học hành nhiều, e rằng sức khỏe của cậu không được. Nhưng vì lòng mong ước của con và thấy con mình đạo hạnh, nết na thì cũng đồng ý để cậu đi tu.

Cậu Martinô Tạ Đức Thịnh tới gõ cửa chủng viện để gặp cha bề trên, trình bày ý nguyện của mình. Cha bề trên nghe cậu trình bày lòng mong ước của cậu thì nhận cho cậu vào chủng viện theo học. Được nhận vào chủng viện, cậu ra công ra sức trau dồi kiến thức và luyện tập các nhân đức. Không bao lâu cha bề trên cũng như các cha giáo đều nhận thấy thầy Martinô Tạ Đức Thịnh là một chủng sinh tốt lành, học hành xuất sắc, tính nết nghiêm chỉnh, trí óc thông minh và đời sống thiêng liêng thì vững chắc. Bề trên cho thầy học hết chường trình tríết học rồi thêm bốn năm thần học nữa, như vậy là thầy đã hoàn tất chương trình đào tạo linh mục.Bề trên xét thầy Martinô Tạ Đức Thịnh rất xứng đáng lãnh chức linh mục nên đã xin Đức Giám mục truyền chức linh mục cho thầy trong thời vua Cảnh Thịnh cấm đạo. Sau khi thụ phong linh mục, cha Martinô Tạ Đức Thịnh được chọn làm thư ký cho Đức Cha Giacôbê Longger Gia.

Năm 1803.cha đã có dịp may mắn theo Đức Giám mục đến yết kiến vua Gia Long về đăng quang tại Thăng Long, Hà Nội. Đến khi vua Minh Mạng ra Hà Nội tấn phong, Đức Giám mục Giacôbê Longer Gia cũng cử cha Martinô Thịnh tới chúc mừng nhưng lại không được vào

Theo sự bổ nhiệm của Đức Giám mục, cha phục vụ tại nhiều nơi khác nhau như xứ Cửa Bạng, xứ Đồng Chuối rồi 20 năm liền tại xứ Nam Sang, sau lại đổi về xứ Kẻ Trình, lúc đó cha đã 80 tuổi. Cha Martinô Tạ Đức Thịnh là một linh mục đạo đức, hiền lành nhưng nghiêm ngặt, mực thước, giáo dân ai cũng thương mến và kính nể.

Vì tuổi già yếu, có lần cha bị lở ở má, lan rộng xuống môi dưới, đau nhức quá sức nên ông Cỏn tới đón cha về nhà người cháu tên là Chiền cháu ông Cỏn để săn sóc chữa trị, có dì phước Thanh đi theo để giúp đỡ  Tới Kẻ Báng được một tháng thì có người đi tố cáo là trong làng Kẻ Báng có ba đạo trưởng. Ngày 30 tháng 5 năm 1840, quan quân tới vây làng Kẻ Báng để bắt đạo trưởng. Nghe tin quan quân về vây làng, cha vẫn nằm trên giường vì đau yếu. Cha dặn dì Thanh:

– Nếu lính có tới hỏi thì con lựa lời mà nói, cha sẽ làm thinh. Vì nếu xưng mình là linh mục thì họ sẽ làm khổ dân làng và gia đình chứa chấp cha con mình.

Trong hai ngày đầu, quân lính đi qua đi lại thấy ông già nằm trên giường thì hạch hỏi. Dì Thanh trả lời:

– Đây là cha tôi đã già lại bệnh tật, ốm yếu lắm!

Lính ngửi thấy mùi hôi hám thì bỏ đi. Đến ngày thứ ba, cha Thịnh nghe tin cha Nghi và cha Ngân đã bị bắt thì suy nghĩ, không khiếp sợ nữa, quyết định sẽ nộp mình để cùng chịu khổ với hai cha trẻ. Khi lính tới hỏi nữa thì cha tự xưng mình là đạo trưởng.

Một tên lính đi qua, thấy ông già nằm trên giường thì tới hỏi:

– Ông có phải là đạo trưởng không?

Bằng một giọng mạnh bạo và cương quyết, cha trả lời:

– Phải, tôi là đạo trưởng, là linh mục đây.

Tên lính vẫn bán tín bán nghi, trình lại quan trước khi bắt. Quan tới nhà kêu cha Thịnh đứng lên, bắt đạp lên tượng ảnh. Cha Thịnh thản nhiên trả lời:

– Tôi không dám đâu

Quan h tiếp:

– Vậy ông là đạo trưởng phải không?

– Vâng, tôi là đạo trưởng, là linh mục.

– Nếu ông đạp ảnh chối đạo thì ta tha

– Tôi tuổi già và bệnh hoạn như thế này mà còn ham sống nữa sao? Tôi không bao giờ làm như thế. Tôi không dại gì mà bỏ Chúa tôi.

Lúc ấy trời đã tối, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh cho lệnh bắt cha, cùng với cha Nghi và cha Ngân giải về tỉnh Nam Định. Cha già Thịnh vì bệnh nặng và già yếu quá nên quan cho hai người khiêng cha trên chiếc võng giải về Nam Định. Về tới Nam Định, ba cha bị giam riêng trong nhà tù Trại Lá. Ngày mang gông và xiềng xích, đêm thì bị cùm chân trong xà lim, chưa phải ra tòa. Ở đó tới một tháng sau quan mới gọi các cha tới công đường để tra hỏi. Quan tổng đốc hỏi hai cha trẻ rồi quay lại nhìn thấy cha già ốm yếu nên lúc đầu quan chỉ lấy lời khôn khéo khuyên dụ cha bước qua Thánh Giá rồi quan cho cha về. Nhưng cha già Martinô Tạ Đức Thịnh rất cương quyết xưng đạo một cách mạnh mẽ. Cha thẳng thắn nói rằng:

– Tôi là linh mục 80 tuổi rồi Tôi đã từng rao giảng về Chúa Kitô cho bao nhiêu người tin theo. Nay quan lại xúi dại tôi bỏ đạo, một hành động phản nghịch Thiên Chúa. Sao quan lớn dại dột thế?

Quan tổng đốc nghe cha nói thì tự ái, biết rằng không thể thuyết phục được cha già, bực mình ra lệnh đánh cha già 60 roi thật đau, nhiều hơn cả hai cha trẻ nữa. Cha già bị đòn, máu me chảy ra nhiều nên nằm xỉu ngay trên sàn nhà. Lính phải khiêng cha về nhà tù.Từ đó, quan tổng đốc biết không thề thuyết phục được cha nên không đánh đập cha nữa mà chỉ gọi cha là ông cụ gan lì thôi. Tuy nhiên, sau đó cha còn phải đem ra phơi nắng với cha Ngân và cha Nghi hai ngày ngoài trời nắng, nóng như thiêu như đốt. Sức khỏe cha bị suy giảm rất nhiều, nhưng tinh thần cha vẫn minh mẫn và ý chí cha luôn luôn vững mạnh cho tới khi bị xử trảm.

Ngày 6 tháng 7 quan tổng đốc lại cho gọi ba cha ra công đường, quan khuyên dụ các cha:

– Đây là lần cuối, tôi nói với các ông, nếu các ông không bước qua Thập Tự này thì các ông sẽ phải chết.

Cha Nghi trả lời thay cho các cha:

 Thưa quan lớn, nếu quan thương thì chúng tôi được nhờ. Nếu không thương, chúng tôi cũng xanh xì nấm mộ, còn bước qua Thập Tự thì chúng tôi không thể bước qua.

Thấm thoát ba cha đã ở trong ngục năm tháng rồi. Trải qua nhiều cuộc tra tấn, bị đòn cũng đã nhiều, bị phơi ngoài trời nắng nóng như thiêu cũng đã đủ.v.v mà các ngài vẫn luôn giữ vững lập trường không thể bỏ đạo.Các ngài luôn tuyên xưng niềm tin vào Đấng đã chết trên Thập Giá, tin vào đạo Thiên Chúa và luôn sẵn sàng chết vì đạo. Trước thái độ cương quyết như vậy, các quan bàn luận rồi đi tới quyết định: Phải làm bản án trình về triều đình xin vua Minh Mạng phê chuẩn rồi cho lệnh thi hành bản án. Các cha được tin trên thì vui mừng, cùng nhau quì gối đọc kinh tạ ơn Chúa rồi sốt sắng giải tội lẫn cho nhau để sẵn sàng lãnh nhận triều thiên tử đạo.

Ngày 8 tháng 11 năm 1840, ngay từ sáng sớm cha Martinô Tạ Đức Thịnh, cha Giuse Nguiyễn Đình Nghi, cha Phaolô Nguyễn Ngân và ông Martinô Thọ, ông Gioan Baotixita Cỏn được đoàn quân 500 người áp giải tới pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định để lần lượt lãnh nhận triều thiên tử đạo

Tới pháp trường tất cả các ngài quì gối cầu nguyện sốt sắng rồi ra hiệu đã sẵn sàng. Như thường lệ, chiêng trống vang lên ba hồi, các lý hình vung gươm lên cao, đợi tiếng chiêng trống cuối cùng thì 5 lý hình chém 5 chiếc đầu rơi xuống đất. Kết thúc cuộc đời của 5 chiến sĩ chứng nhân đức tin.

Thi thể của cha già Martinô Tạ Đức Thịnh được rước về an táng tại xứ Vũ Điện, sau di chuyển về quê hương của Ngài là Kẻ Sặt, Hà Nội.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước  ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng hiển thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

                               Cha Thánh Tạ Đức Thịnh

Ở trong bản án bao gồm

Nơi sinh, lý lịch tóm gom chép là:

Một người đạo trưởng xưng ra

Gọi tên là Thịnh theo tà đạo Tây

Họ là: Tạ Đức, tên này

Người Hà Nội huyện hiện nay Thanh Trì

Phủ là Thương Tín còn ghi

Làng Thanh Liệt bị phạt vì bất tuân

Như hai Đạo Trưởng Nghi, Ngân

Cùng chung án xử một làn thực thi

Bệnh già yếu trước sinh thì

Hai người dùng võng khiêng đi tử hình

Yếu, gia trước lúc vĩnh sinh

Quì không đúng thế, cảnh tình gian nan

Lý hình chém đến ba lần

Đường trần mới đứt, đầu thân chia lìa

Giáo dân thuộc xứ trước kia

Cha coi lâu nhất, sớt chia ân tình

Xác lành giáo hữu tôn vinh

Đem về mai táng xứ mình: Nam Xang

(Trương Hoàng)

Ngày 8 tháng 11:Thánh Gioan Baotixita Cỏn (Bốn),Lý Trưởng (1805-1840)

Thánh Gioan Baotixita Cỏn có tên là Bốn, sau đổi là Cỏn sinh năm 1805 tại làng Kẻ báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông làm nghề nông, cày sâu cuốc bẫm, chân lấm tay bùn, nhưng gia đình vẫn nghèo về vật chất nhưng lại giầu có về lòng đạo đức và được dân làng trọng nể vì tính hiền hoà, thương người và tính tình vui vẻ. Gia đình ông còn được tiếng là một gia đình Công giáo nhiệt thành với đạo Chúa và giầu lòng quí hoá và giúp đỡ các linh mục. Trong làng ai cũng biết gia đình ông không khá giả nhưng bao giờ ông cũng tỏ ra rất nghiêm thẳng, không hà hiếp và xâm phạm tới của cải người khác cũng như của chung trong làng xóm. Có lần khi ông thấy ông lý trưởng trong làng cậy quyền cậy thế chiếm đạt đất đai tài sản của dân làng thì ông đã thẳng thắn làm đơn kiện lên cấp trên và cuối cùng ông đã thắng kiện và dân làng nhờ ông mà không còn bị ông lý trưởng này dọa nạt nữa.

Sau vụ thắng kiện này, uy tín ông lên cao, càng ngày ông càng được dân làng tin tưởng và vì vậy khi bầu cử chức vị lý trưởng, mọi người trong làng đều bầu cử cho ông. Khi được bầu làm lý trưởng của làng, ông ái ngại không muốn nhận, nhưng vì mọi người đều nhất trí xin ông nhận, lúc ấy ông mớI khiêm tốn nhận lời.

Trong chức vụ lý trưởng, ông đã hết lòng tận tụy với công việc chung cũng như tận tình giúp đỡ công việc của các gia đình trong làng xóm cần tới ông. Có lẽ vì quá tận tụy với công việc xã hội cho dân làng nên sau này ông sao nhãng một phần nào những công việc nhà thờ nhà xứ và bê trễ những sinh hoạt tôn giáo. Tuy vậy, mỗi khi những anh em Công giáo có việc cần đến ông thì ông cũng tận tình giúp đỡ. Có lần giữa đêm khuya có người chạy tới gõ cửa xin ông mời linh mục tới xức dầu cho một người bệnh nặng thì ông đã mau mắn đi ngay trong đêm khuya để mời linh mục tới xức dầu cho bệnh nhân như lời người trong gia đình yêu cầu.

Khi vua Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo, cho đi truy nã các Thừa Sai và linh mục thì ông Cỏn đã bố trí và xếp đặt cho các linh mục đến ẩn trú tại các gia đình tín cẩn trong làng. Sau này ông bị bắt cũng vì tội đã chứa chấp các đạo trưởng. Trường hợp cha già Martinô Tạ Đức Thịnh ở Kẻ Trình vì ốm đau, không có chỗ chữa trị, ông đã đón cha về ở trong nhà người cháu để chữa trị cho cha, vì thế mà ông đã bị bắt cùng với cha và được vinh dự lãnh phúc tử đạo với cha.

Như đã kể trong chuyện thánh Giuse Nghi và thánh Phaolô Ngân, ngày 30 tháng 5 năm 1840, có kẻ ác tâm đi báo cáo để lãnh tiền thưởng rằng tại làng Kẻ Báng có các đạo trưởng đang ẩn trốn tại đây nên quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh đã vội vã cho hàng ngàn quân lính kéo nhau về bao vây kín chung quanh làng trong ba ngày hai đêm. Quan lại ra lệnh bắt mọi người phải ra tập trung tại đình làng rồi quan chia quân từng nhóm mười người vào lục soát tất cả

các gia đình trong làng. Trong hai ngày đầu họ không bắt được đạo trưởng nào, nhưng tới ngày thứ ba thì họ bắt được ba cha là cha Nghi, cha Ngân và cha Thịnh. Sau đó quan ra lệnh bắt luôn ông lý trưởng Gioan Baotixita Cỏn và ông trưởng Thuế  Martinô Thọ là hai người đã từng chứa chấp, bao che cho các đạo trưởng. Ngoài ba vị linh mục và hai ông Cỏn và Thọ, quan tổng đốc trịnh Quang Khanh còn cho bắt thêm một số viên chức trong giáo xứ nữa. Tất cả đều bị đóng gông mang trên cổ rồi giải về giam tại nhà tù Nam Định. Trong nhà tù, sáng trưa và tối, mọi người đọc kinh và cầu nguyện chung với nhau rất sốt sắng. Các cha thay nhau khuyên bảo mọi người hãy can đảm và mạnh bạo xưng đạo Chúa trước mặt vua quan, đừng sợ hãi, vì Chúa sẽ giúp sức. Nghe các cha khuyên bảo, ai nấy đều hăng hái, cậy trông Chúa, xin Chúa giúp để trung thành với Chúa. Thời gian giam giữ này kéo dài đúng một tháng các quan không nói năng gì tới. Sau một tháng thì các quan cho gọi ra bắt bước qua Thánh Giá. Các ông không chịu bước qua nên quan ra lệnh đánh mỗi người 50 roi rất đau đớn, xẻ da nát thịt, máu chảy ra ướt hết quần áo. Thế nhưng mọi người đều vui mừng vì được chịu đau đớn vì Chúa. Đánh đòn mềm cả người ra rồi, quan lại ra lệnh đem phơi ngoài trời nắng suốt ngày. Cái nắng mùa hè cháy da cháy thịt. Đã thế các quan còn cấm không cho ăn cho uống.

Lần khác các quan lại gọi ra, dụ dỗ bước qua Thập Tự. Quan chánh án nói:

– Các ông cứ bước qua Thập Tự rồi về đi xưng tội là khỏi tội thôi mà. Có gì mà phải sợ.

Các ông vẫn một mực từ chối. Quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh lạI cho lệnh đóng gông các ông ròi khiêng các ông qua tượng Thánh Giá. Các ông co chân lên và khẳng khái xác định:

– Đạo tại tâm. Quan lớn cưỡng bách mà lòng chúng tôi không muốn, không thuận thì chúng tôi chẳng mắc tội gì. Xin quan lớn đừng bắt ép chúng tôi như vậy.

Thế là quan lớn nổi giận liền nghĩ ra một kế kinh dị khác. Khi ba cha vừa bị đánh da thịt tan nát, máu me chảy ra lai láng. Quan bắt hai ông phải bước qua Thập Tự, bằng không thì phải liếm máu nơi các vết thương của ba cha. Hai ông đã nghiêm trang quì xuống thực hiện điều quan Trịnh Quang Khanh yêu cầu một cách cung kính. Trịnh Quang Khanh thấy vậy, rùng mình và kinh ngạc nói với các quan:

– Các quan xem! Bọn chúng trọng kính các đạo trưởng như vậy. Phải chăng bọn chúng đã bị bùa mê chăng? Sợ hãi qua!

Sau đó quan cho lệnh đeo gông, xiềng xích chân tay rồi đưa ra ngoài trời nắng, bắt quì trên đống cát, phơi nắng suốt ngày.

Những ngày giam trong tù, hai ông Cỏn và Thọ bị hành hạ hơn ba cha vì lệnh trên bắt phải canh giữ các ông nghiêm ngặt, không cho người thăm viếng. Con cháu ông Martinô Thọ còn lén lút tới thăm được một vài lần, còn gia đình ông Cỏn thì không ai lén lút vào thăm ông được. Khi biết ý là quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh sẽ bắt vợ con vào khuyên dụ ông bỏ đạo thì ông đã nhắn tin về cho gia đình phải trốn lánh đi kẻo quan lại làm khổ thì tội nghiệp.

Khi được tin các quan đã làm bản án gửi về kinh để xin vua phê chuẩn và vua Minh Mạng đã phê chuẩn thì ông Gioan Baotixita Cỏn sốt sắng đọc kinh, không cho ai vào thăm, truyện trò gì nữa. Sáng ngày 8 tháng 11 năm 1840, quan cho gọi ông Cỏn tới ép buộc ông một lần nữa phải bước qua Thập Tự. Nhưng ông vẫn cương quyết nói lại:

– Bẩm quan lớn, tôi không quá khóa. Tôi sẵn lòng chết chứ nhất định không phạm tội.

Khi được áp giải ra pháp trường, ông Cỏn vui mừng nói:

– Hôm nay tôi được về quê thật trên trời!

Khi nhìn thấy những người thân yêu trong gia đình và những

người thân quen thương khóc thì ông nói:

– Tôi vui mừng thì anh chị em cũng phải vui mừng tạ ơn Chúa với tôi chứ? Tại sao lại khóc?

Tới pháp trường, ông Gioan Baotixita Cỏn quay lại tươi cười chào hết mọi người rồi qùi xuống cầu nguyện, đưa tay cho bọn lính trói vào cọc. Theo lệnh quan, lý hình vung gươm chém một nhát. Đầu rơi xuống đất. Có những tiếng khóc hoảng hốt thét lên:

– Trời đất ơi! Đầu bố tôi đã rơi xuống đất rồi!

Dân chúng chạy tới lấy bông thấm máu các vị thánh của Chúa. Một nhát gươm sắc bén đã kết thúc cuộc đời của ông lý trưởng Gioan Baotixita Cỏn  vừa 35 tuổi xuân tròn! Thi hài vị chiến sĩ

Đức Tin được rước về an táng tại nhà thờ giáo xứ Kẻ Báng

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng hiển thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Ngày 8 tháng 11:Thánh Martinô Thọ (Nho),Viên chức Thu Thuế (1787-1840)

Thánh Martinô Thọ tên thật là Nho, người ta lấy tên người con trai cả là Huy để gọi ông. Sau cùng thì lấy tên Thọ là tên người con trai thứ 9 của ông để gọi ông. Ông sinh năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ngay từ nhỏ, ông đã có tính hiền lành, ngay thẳng lại ngoan đạo. Khi lập gia đình, ông sinh được 9 người con.Tuy đông con nhưng ông đã khôn khéo dạy dỗ, giáo dục con cái rất đàng hoàng bằng chính gương sáng của đời ông. Hằng ngày ông rất sốt sắng đọc kinh chung với vợ con, khuyên bảo vợ con phải năng cầu nguyện với Chúa. Khi bất đắc dĩ vì lý do gì mà không đọc kinh chung với gia đình được thì ông đọc kinh riêng một mình ngoài vườn.

Ông là người ăn nói có mực thước, chững chạc, ngay thẳng và thật thà nên được dân làng tìn nhiệm bầu ông phụ trách việc thu thuế trong làng. Ông sống rất thanh liêm, không bao giờ nhận hối lộ, không hà lạm của ai và lúc nào sổ sách cũng minh bạch. Đối với dân làng, ông luôn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho dân làng. Đối với cấp trên ông ngay thẳng, không xu nịnh, tâng bốc để lấy lòng. Ông cứ theo công tâm mà hành sự cho nên ông được lòng mọi người. Cấp trên không trách ông được điều gì mà cấp dưới cũng kinh nể ông, vì biết ông luôn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ.

Tuy là một viên chức Thu Thuế có địa vị lớn trong làng nhưng ông rất chăm chỉ thức khuya dậy sớm lo canh tác ruộng vườn như bao người khác. Ông thường khuyên các con: “sống công bằng mà thôi chưa đủ, là người Công giáo phải có đức bác ái nữa, mà muốn thực thi đức bác ái thì phải có điều kiện của cải một chút . Do vậy mà ta phải chịu khó làm lụng để có tiền bạc”. Miệng nói với con cái như thế nhưng ông còn làm gương cho các con. Ông thường bố thí cho những người nghèo khó hoặc công đức vào những công việc chung của nhà thờ nhà xứ và trợ giúp các vị Thừa Sai và các linh mục nữa. Ông không sợ chết vì đạo. Có lần ông nói “Được chết vì đạo Chúa là một ơn trọng đại Chúa ban”. Ông và ông Gioan Baotixita Cỏn là hai anh em họ hàng. Ông lý Cỏn bị bắt vì đã chứa chấp cha Martinô Tạ Đức Thịnh, ông Martinô Thọ bị bắt vì đã chứa chấp cha Phaolô Nguyễn Ngân. Cả hai ông đều là những chiến sĩ nhiệt thành đã từng cộng tác rất đắc lực với các linh mục trong việc rao giảng Tin Mừng và phục vụ Giáo Hội.

Khi nghe tin ông Lý Mỹ, ông trùm Đích, các ông binh Đạt và binh Huy được tử vì đạo, ông đến Kẻ Vĩnh viếng xác ông Lý Mỹ và ông trùm Đích, Về nhà ông nói với vợ con:

– Nếu Chúa có định cho tôi bị bắt và chịu khó vì đạo như các ông ấy thì mọi người hãy vui lòng, dù có mất của thì cũng đừng phàn nàn. Và nếu chúng con có bị bắt thì cũng phải mạnh mẽ xưng đạo ra trước mặt các quan. Đừng sợ, có Chúa giúp đỡ.

Theo lời tường thuật của người con gái ông Thọ thì làng Kẻ Báng bị bao vây đến ba bốn lần trong tháng 6 và tháng 10. Ngày 29 tháng 4 âm lịch, Trịnh Qauang Khanh đem 1 ngàn quân và hai thớt voi tới bao vậy làng lúc 3 giờ sáng, có tới 3 quan lớn tham dự cuộc bao vây này. Nhưng cả ngày mà không bắt được ai, quan đã định rút lui nhưng người đã bí mật tố cáo với quan thi khẩn khoản xin quan lớn cho lưu lại một vài ngày nữa thế nào cũng bắt được các đạo trưởng, nếu không anh ta sẽ xin nạp đầu. Nghe nói thế, quan Trinh Quang Khanh lại cho lệnh ở lại canh gác cẩn mật. Sang ngày thứ hai thì một toán lính khám xét bắt được mấy đồ lễ chôn dưới hầm. Quan quân vui mừng, tích cực lục soát. kỹ hơn. Ho lấy cọc sắt thọc vào các tường nhà, dưới sàn nhà, nhờ vậy mà cha Nghi đang ẩn dưới hầm đã tự ý ra nộp mình. Cha Ngân đang ẩn trong nhà ông Tho biết tin cha Nghi đã tự nộp mình thì cha Ngân cũng ra tự nộp. Thế là cha Ngân và ông Martinô Thọ cũng bị bắt. Bắt được ba cha và 20 giáo dân, trong đó có ông Lý Cỏn và ông viên chức Thu Thuế Thọ, tất cả đều bị trói và giải vế tỉnh Nam Định giam trong Trại Lá. Sau một tháng thì bị gọi ra công đường thẩm vấn và khuyên các Ngài bước lên cây Thập Tự. Các Ngài cương quyết không chịu nên bị đánh mỗi người 50 roi rất đau đớn rồi chuyển các ngài sang trại tù. Ban ngày bị mang xiềng xích, đêm bị cùm trong xà lim. Mấy ngưòi con ông Thọ lén lút tới thăm được một vài lần. Ông Thọ cho các con xem những vết thương bị đánh lơ loét, da thịt bị nát và giơ cả xương ra trông thật thê thảm. Các con thậy vậy thì thương khóc. Ông Thọ nói ông là người bị đòn nhiều nhất, có lần ông bị 150 roi, 50 roi đầu thì đau đớn ghê sợ lắm, nhưng 100 roi sau thì Chúa ban sức mạnh, ông không sợ hãi và thấy nhẹ nhàng thôi.. Ông khuyên các con phải tạ ơn Chúa cho ông, không được khóc, mà phải đọc kinh cầu nguyện cho ông . Lúc các con ra về, ông còn nhắn nhủ:

– Thiên Chúa nhân lành, Chúa định cha không còn về với mẹ con con nữa. Các con còn có mẹ Hãy yêu thương và vâng lời mẹ. Còn các con, các con hãy yêu thương dùm bọc và nâng đỡ nhau. Hãy trung thành đọc kinh cầu nguyện, cho cha, cho me, cho chúng con nữa. Sau này nếu có thể được thì các con đưa xác cha về chôn nơi cha bị bắt, thế là cha vui rồi. Nếu chúng con có bị bắt vì đạo Chúa thì các con phải can đảm và trung thành với Chúa. Dù có phải chết thì cũng không được chối  bỏ Chúa. Cha mong các con nhớ và giữ những lời cha căn dặn chúng con. Chắc khó mà còn được gặp lại cha nữa. Các con về bằng an. Cha luôn cầu nmguyện cho các con.

Có lần quan Trịnh Quang Khanh gọi ông Cỏn và ông Thọ ra công đường khuyên dụ các ông bước lên Thập Tự, các ông không chịu, quan lệnh đánh mỗi ông 50 roi rồi bắt lính khiêng hai đầu gông lên cao, đưa chân rê lên Thập Tự nhưng các ông co chân lên, lính lại lấy roi quất túi bụi vào chân hai ông. Ông Thọ nói một cách mạnh mẽ:

– Đạo tại tâm. Quan làm như thế thì quan mang tội, chứ chúng tôi không đồng ý thì chúng tôi không có tội.

Nói rồi, ông kính cẩn quì xuống hôn cây Thập Tự. Quan tổng đốc Trinh Quang Khanh nóng mặt, tàn nhẫn bắt hai ông liếm máu ở những vết thương của ba cha. Hai ông thản nhiên làm theo lệnh mà không hề tỏ ra một thái độ hay cử chỉ sợ hãi. Sau lần tra vấn này, quan lại cho lệnh đem hai ông ra quì trên đống cát nóng bỏng giữa trời nắng gay gắt từ sáng đến tối, lại không được ăn uống gì Hai ông thản nhiên quì đọc kinh cầu nguyện, không hề tỏ một lời nói hay cử chỉ oán trách một ai.

Ngày 9 tháng 8 các quan tỉnh Nam Định làm án tử hình hai ông vì tội chứa chấp và giấu giếm các đạo trưởng rồi gửi về kinh, Ngày 6 tháng 11 vua Minh Mạng phê chuẩn bản án rồi gửi lại cho quan tổng đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh để thi hành.

Sáng ngày 8 tháng 11 sau khi cho các ông ăn sáng, quan tổng đốc lại cho gọi hai tới công đường khuyên bước qua Thánh Giá để khỏi phải chết. Nhưng hai ông cương quyết trả lới dứt khoát rằng:

– Chúng tôi rất vui mừng và sẵn sàng đổ máu ra vì Thiên Chúa của chúng tôi. Các quan có thể chém đầu chúng tôi, nhưng các quan không thể lấy được lòng tin trong lòng chúng tôi. Được chết vì Chúa là một ơn phúc trọng đại. Chúng tôi xin sẵn sàng chắp nhận được chết vì đạo Chúa.

Quan nghe các ông nói xong thì không còn do dự gì nữa, liền ra lệnh binh lính gươm giáo áp giải ba cha và hai ông ra pháp trường Bảy Mẫu. Hai ông cổ đeo gông, chân tay mang xiềng xích đi theo sau ba cha. Ông Martinô Thọ bước đi từng bước trang nghiêm, tay cầm trang hạt, chăm chú đọc kinh cầu nguyện. Ông không lưu ý tới những gì chung quanh, chỉ cầm lòng cầm trí đưa hồn lên với Chúa. Tới pháp trường, đội lính tháo gông và xiềng xích rồi cột các ông vào cọc sắt. Lý hình sẵn sàng vung gươm lên cao, chiêng trống nổi hồi, đợi tiếng chiêng trống cuối cùng thì chém một nhát thật mạnh, đầu các ngài rơi xuống đất Nhiều người chạy tới thấm máu các Ngài. Các con ông Martinô Thọ vừa khóc thương cha vừa lấy khăn và bông thấm máu của cha rồi xin nhận xác của cha đưa về nhà chôn táng đúng nơi ông đã dặn dò các con cái trước khi ông bị trảm quyết.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong ông lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lời Trối Trang của Thánh Martinô Thọ

Phải tôn thờ Chúa nhiệm mầu

Tượng Ngài ai nở lòng nào bước qua

Gửi lời chắn nhủ vợ con:

Khuyên nhủ con cái phụng thờ Chúa trên

Nguyện cầu cho được trung kiên

Để tôi đủ sức vửng bền tuân theo

Sau cùng quan hỏi một điều:

Bây giờ quá khóa hay theo đạo tà?

Cho dù chết chẳng nề hà

Tám tháng mười một ngày đã sướng vui

Hôm nay được hưởng quê trời

Thánh nhân nhìn thấy một người khóc thương

Tử sinh là lẽ bình thường

Tôi mừng, anh lại vấn vương nỗi sâu

Thản nhiên, tươi tỉnh nguyện cầu

Tiếng chuông lệnh dứt, máu đào tràn lan

Uy danh tỏa khắp dân gian

Thiên Cung hoan hỷ, nhân trần hát khen

Suốt đời thờ phượng Chúa trên

Nắm tay Chúa dẫn về bên Nhan Ngai

(Trương Hoàng)