Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 3 Phục Sinh

print

TUẦN 3 PHỤC SINH

Thứ Hai :

Ga 6,22-29

A. Hạt giống…

Bắt đầu bài giáo lý về Bí tích Thánh Thể : Vì đã được ăn bánh nô nê nên dân chúng tiếp tục đi tìm Chúa Giêsu. Sáng hôm sau, họ tìm gặp Ngài ở phía bên kia biển hồ. Ngài nói với họ : “Các ngươi tìm Ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê.” Rồi Ngài dạy họ tìm một thứ lương thực khác quan trọng hơn : “Các ngươi hãy ra công làm việc, không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.

B…. nẩy mầm.

  1. Vì còn mang thân xác nên con người còn bám víu quá nhiều vào những thứ thỏa mãn các nhu cầu của thân xác. Thế nhưng là tín hữu, chúng ta đã biết ngoài sự sống thân xác này còn sự sống linh hồn nữa. Lời Chúa Giêsu nhắc nhở dân chúng ngày xưa cũng là nhắc nhở chúng ta ngày nay : hằng ngày chúng con thường tìm gì : tìm những thứ thoả mãn như cầu thân xác hay thoả mãn nhu cầu tâm linh ?
  2. Một lời nhắc nhở khác của Chúa : chúng con thường ra công làm việc vì cái gì : vì thức ăn hay hư nát hay vì thức ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời ?
  3. “Nhà đấu quyền anh J. Demsey chỉ có thể thiếp ngủ được vào lúc 2 giờ sáng sau khi đoạt giải vô địch chiều trước đó. Nhưng ngủ được một tiếng đồng hồ, anh bỗng giật mình thức giấc vì nằm mơ thấy mình mất chức vô địch. Rồi vì không ngủ được, anh đi ra phố mua tờ báo vừa mới xuất bản để đọc lại những lời tường thuật trận đấu, hầu trấn an là mình còn giữ chức vô địch. Demsey ghi lại cảm tưởng của mình thế này : “Sau khi đọc bài báo, tôi hiểu rằng sự thành công không có mùi vị thơm ngon như tôi hằng mơ tưởng trước đó. Sau biến cố, tôi vẫn còn cảm thấy trống rỗng” (…) Có bao giờ chúng ta cảm nghiệm được như anh Demsey không ? Chúng ta dồn tất cả tài năng, sức lực cho một danh vọng, một địa vị nào đó. Nhưng cuối cùng chỉ thấy trống rỗng, vô nghĩa, bởi vì nó không giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc đích thực. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên tiếng cảnh tỉnh : đừng mải mê chạy theo những điều không đem lại hạnh phúc đích thực” (“Mỗi ngày một tin vui”).
  4. “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh”

Tôi đến nhà thờ mỗi tuần hầu như chỉ vì thói quen, vì khoe khoang quần áo hay tỏ ra mình là người đạo đức. Tôi đến với Chúa hầu như để giảm bớt cơn sầu hoặc xin xỏ ơn này ơn nọ.

Mặt khác tôi sống làm việc, học tập chẳng qua chỉ vì muốn tìm cho mình một việc làm có lương bổng cao, một địa vị kha khá để mọi người phải kiêng nể.

Tôi nào biết mình đã nhắm sai mục đích. Mục đích trọng yếu là : “Sư sống đời đời”. Điều mà tôi chỉ thoáng nghĩ tới như một ý nguyện mơ hồ.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết ra đi tìm kiếm Chúa, biết quy tụ mọi điểm về Chúa, biết kiếm tìm của ăn không hư nát là chính Chúa và giáo lý của Ngài. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………………………………………………..

Thứ Ba :

Ga 6,30-35

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu bắt đầu giải thích về thứ “của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời” :

– Thứ của ăn đó vượt trội hơn manna ngày xưa.

– Nghe thế, dân chúng tưởng đó là một thứ thức ăn – cũng vẫn là vật chất – nhưng ăn vào thì sẽ không đói nữa, nên họ xin “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”.

B…. nẩy mầm.

  1. Thái độ dân do thái rất đáng ta suy nghĩ : nhớ tới manna ngày xưa, họ chỉ nghĩ rằng đó là một thứ bánh vật chất nhưng ngon hơn thứ bánh thường ngày ; cầu xin với Chúa Giêsu, họ cũng chỉ cầu xin một thứ lương thực cũng vật chất nhưng giúp no lâu hơn. Nhiều khi chúng ta đến với Chúa cũng chỉ để xin những nhu cầu thỏa mãn cho cuộc sống vật chất.
  2. Những hình ảnh trong Tin Mừng Ga luôn mang hai ý nghĩa : nghe tới “đói” phần xác thì phải nghĩ tới cơn đói tinh thần ; thấy thức ăn vật chất thì hãy nghĩ tới thức ăn tinh thần. Ước gì tôi cũng biết nghĩ như Thánh Gioan khi cảm thấy đói, khát, mệt mỏi, yếu, bệnh…
  3. Mỗi khi ăn, ta làm điều mà không nhà khoa học nào có thể làm : ta đưa vào trong mình một vật chết và cho sự sống. Thức ăn trở nên thành phần của cơ thể ta. Nhiều khi sức khỏe của ta lệ thuộc vào thức ăn. Một câu tục ngữ xưa nói : “Bạn là những gì bạn đã ăn”.

Thức ăn giàu chất dinh dưỡng : bạn mập ; ăn vặt : bạn suy dinh dưỡng. Cho một bệnh nhân bị ghẻ ăn thức ăn thích hợp, da của anh sẽ sạch. Khi có sự nghiệp, ta thường dùng thức ăn ngon.

Biết thế nên Chúa Giêsu quyết định ẩn mình trong tấm bánh và trở nên lương thực cho linh hồn của những kẻ theo Ngài. (Góp nhặt).

  1. “Đức Giê-su bảo họ : “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói : ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ !”

Đôi khi nhóm bạn chúng tôi cảm thấy chán nản vì cuộc sống tẻ nhạt, nhịp điệu đời sống cứ đều đều quay vòng : học, ăn, ngủ, lo cho túi tiền có đủ xài đến cuối tháng !… Sinh viên xa nhà thiếu thốn đủ thứ, thiếu vật chất – tinh thần ; thèm xem phim, đói truyện báo, khát những buổi ca nhạc…tai hại hơn, những bạn là Kitô hữu phần lớn đều đói tin Mừng, khát lời Chúa vì những lý do không tên, để rồi đức tin dần mờ nhạt mà không hay biết.

Chúa ơi ! Chúng con chỉ biết đói khát những vật chất thế gian, xin cho chúng con biết nhận ra sự “đói khát” Lời Chúa trong chính bản thân mình. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………………………………………………..

Thứ Tư :

Ga 6,35-40

A. Hạt giống…

Nhắc lại : nghe Chúa Giêsu nói tới một thứ lương thực quý trọng hơn cả manna ngày xưa nữa, dân do thái tưởng đó là một thức ăn đặc biệt no lâu nên xin Chúa ban cho họ thức ăn đó mãi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nói trắng ra “Chính Ta là bánh ban sự sống”.

Chúa Giêsu trở thành bánh ban sự sống cho loài người như thế nào ?

– Khi người ta đến với Ngài : “Ai đến với Ta sẽ không hề đói”

– Khi người ta tin vào Ngài : “Ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”

Thực ra, theo luật của cú pháp sóng đôi, “đến với” và “tin vào” không phải là hai việc khác nhau mà chỉ là 2 cách diễn tả cùng một việc : tin vào Chúa Giêsu, thể hiện bằng thái độ đến với Ngài. Kết quả của việc đó là không hề đói và không hề khát.

B…. nẩy mầm.

  1. Đức tin vào Chúa Giêsu phải thể hiện bằng việc đến với Ngài. Mỗi ngày tôi dành bao nhiêu thời giờ để “đến với” Chúa
  2. Chúng ta “đến với” Chúa bằng nhiều cách : tưởng nhớ, cầu nguyện, suy gẫm, và nhất là tham dự Thánh lễ. Hãy xét mình xem khi chúng ta làm những việc trên, lòng chúng ta có thực sự “đến với” Chúa không ?
  3. Khi tâm hồn tôi cảm thấy đói khát, tôi đã “đến với” ai, với cái gì ? Có “đến với” Chúa không ?
  4. Buổi sáng bà già ra ngoài. Buổi chiều trở về, bà tìm không thấy chìa khoá.

Biết làm thế nào ? Bà chạy sang hàng xóm, mượn chìa khoá của họ mở thử. Chẳng có cái nào hợp.

Cuối cùng, một người góp ý : cứ mở then cái ra xem sao ! Bà mở then và cánh cửa mở toang : khi ra đi bà không khoá !

Câu chuyện trên minh hoạ phần nào thái độ của ta trước Chúa. Ta đứng ngoài, lòng đầy băn khoăn lo sợ. Ta nghĩ phải làm việc này, việc nọ mới đáng đến với Chúa. Trong khi đó, cánh cửa nhà Chúa luôn rộng mở và ưu ái mời ta bước vào (Góp nhặt)

  1. “Ý của đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai”

 “… Đức Giêsu và Hội Thánh bấy giờ xuất hiện với tôi như một cái gì khô cứng, sự khô cứng của những khái niệm thần học, những bổn phận “phải” làm hơn là một tình yêu thiết tha tung cánh… Rồi chẳng biết từ đâu, Triết đông và Phật giáo len lỏi vào tâm hồn tôi, phất phơ nhẹ nhàng nhưng sao có sức giật tung những gì mòn mỏi. Tôi nằng nặc đòi nhà Dòng cho ra độc cư trên núi, sống với nắng, gió, mưa, đói, khát, và sợ hãi nữa. Nhưng mỗi lần tôi nhất tâm thất niệm thì vấn đề Đức Giêsu lại vang lên, đeo bám mãi… Một năm, hết phép, thân tàn ma dại, tôi thua cuộc mò về nhà Dòng, tay trắng ! Nhưng Giê-su cứ đeo bám tôi mãi ; đang trong một năm nổi loạn, thất bại và hư hỏng cùng cực đó, tôi được gọi làm… linh mục. Hoang mang và sợ hãi, tâm hồn rối bời ; tan nát, tôi vào ngồi thù lù trong nhà nguyện như một sự đay nghiến, một sự nức nở bắt đền…

Một đêm, trước khi làm linh mục vài hôm, tôi thử tiến lên đứng sát nhà Chầu. Có cái gì hơn là cảm giác, hơn là sự rung động, mà là một sự phủ chụp lấy toàn bộ con người và cuộc đời tôi. Ngay giây phút đó, tôi HIỂU rằng cho dù có là hòn đá hòn sỏi, dù tôi đã lấm bùn bê bết, dù tôi đã thân tàn ma dại, dù tôi đã hỏng  hết cả cuộc đời, thì Đức Giêsu vẫn gọi và chọn tôi, làm tâm hồn bừng sáng huy hoàng. Và tôi gọi Ngài là Chúa, Cứu Chúa của đời tôi…”

Lạy Chúa, chứng từ này giúp con nghiệm ra rằng, dù phận hèn yếu đuối đến đâu, con vẫn được Ngài yêu thương và tình yêu Ngài khoan dung bền vững muôn đời. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………………………………………………..

Thứ Năm :

Ga 6,44-51

A. Hạt giống…

Tiếp tục ý tưởng hôm qua về “đến với” và “tin vào” Chúa :

Việc “tin vào” Chúa Giêsu, thể hiện bằng việc “đến với” Ngài là kết quả của sự hợp tác của hai phía :

– Phía Thiên Chúa : Thiên Chúa ban ơn “lôi kéo” con người tin vào Chúa Giêsu và đến với Ngài : “Không ai đến được với Ta nếu Cha Ta là Đấng sai Ta không lôi kéo kẻ ấy” (câu 44). Thực ra, Thiên Chúa luôn muốn “lôi kéo” con người đến với Chúa Giêsu để con người được sống. Nhưng con người ít ra phải ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa lôi kéo. Nhiều người do thái đã không ngoan ngoãn như vậy nên đã không đến được với Chúa Giêsu.

– Phía con người : phải “nghe lời giáo huấn” của Thiên Chúa. : “Ai nghe lời giáo huấn của Cha thì đến với Ta” (câu 45). Mà Thiên Chúa thì luôn giáo huấn con người : “Trong sách các ngôn sứ có chép rằng mọi người sẽ được Thiên Chúa giáo huấn” (câu 45). Câu nói này ngầm trích dẫn Is 54,13. Mà đại ý chương 54 sách Isaia là kinh nghiệm của dân Isarel vào cuối thời lưu đày : họ đã thấy rằng Thiên Chúa luôn quyến luyến con người như một người chồng quyến luyến vợ. Đó chính là giáo huấn mà Thiên Chúa đã ban cho Israel qua dòng lịch sử. Như thế, “nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa” nghĩa là ý thức rằng Thiên Chúa luôn yêu thương mình.

Tóm lại, việc “tin vào” Chúa Giêsu và “đến với” Ngài là điều Thiên Chúa yêu thương luôn tạo điều kiện để con người thực hiện được dễ dàng. Chỉ cần ngoan ngoãn phó thác vào tình thương Thiên Chúa thì con người có thể làm được.

B…. nẩy mầm.

  1. Hôm qua, chúng ta đã hiểu ích lợi của việc đến với Chúa (“Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”). Nhưng xét mình lại, chúng ta thấy mình ít đến với Chúa. Ít đến vì một việc xem ra đơn giản như thế lại quá khó với bản tính tự nhiên của chúng ta. Hôm nay Chúa Giêsu dạy thêm : muốn đến với Ngài thì hãy để cho tình thương Thiên Chúa lôi kéo và hãy nhớ giáo huấn của Ngài trong lịch sử là Ngài rất yêu thương loài người. Đừng lì lợm với tình thương ấy, đừng kháng cự với tình thương ấy.
  2. Một buổi chiều rảnh rỗi, văn hào Paul Claudel thong thả dạo bước nhàn du. Khi đi ngang một nhà thờ, tiếng thánh ca từ đó vọng ra đã lôi kéo bước chân ông đi vào nhà thờ. Ở đó ông đã gặp Thiên Chúa, gặp niềm tin. Đó là một cách lôi kéo của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng dùng biết bao cách khác để lôi kéo chúng ta. Chỉ cần ta đừng cố chấp nhưng ngoan ngoãn bước theo, thì ta sẽ “đến” được với Ngài. Hãy nhớ lại xem đã bao nhiều lần, và những lần đó thế nào, tôi đã lỡ mất không ngoan ngoãn bước theo sự lôi kéo của Thiên Chúa.
  3. Người câm không nói được nhưng có cách làm cho người khác hiểu được họ, đó là dùng những dấu hiệu bằng tay, bằng nét mặt, có khi bằng cả thân thể. Tuy nhiên, muốn hiểu được người câm thì ta phải rất chú ý từng động tác nhỏ của họ. Rất nhiều khi Thiên Chúa nói với ta bằng ngôn ngữ của người câm. Ta cần chú ý lắm mới hiểu được ý Chúa.
  4. (những mầm khác)

……………………………………………………………………………………………………..

Thứ Sáu :

Ga 6,52-59

A. Hạt giống…

Tiếp tục bài giáo lý về bí tích Thánh Thể : Chúa Giêsu càng nói rõ hơn về bánh ban sự sống, đó là Thịt và Máu Ngài : “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời”.

– Ở cuối đoạn hôm qua, Chúa Giêsu đã nói rõ : “Bánh ta sẽ ban chính là thịt ta đây” (câu 51).

– Câu đó đã khiến những người do thái tranh luận với nhau. Sở dĩ họ tranh luận vì trong họ có người hiểu theo nghĩa đen (ăn thịt sống của Chúa Giêsu), có người hiểu theo nghĩa bóng (tin vào Ngài).

– Phần Chúa Giêsu, Ngài muốn hiểu theo nghĩa nào ? Thưa theo nghĩa đen. Bởi đó Chúa Giêsu dùng những động từ rất mạnh và cụ thể. Động từ “ăn” nguyên gốc là Trôgô nghĩa là “nhai”, lấy răng mà nhai một thức ăn nào đó. Và động từ trôgô này được lặp đi lặp lại nhiều lần (các câu 53-54). Tới câu 55 Ngài tuyên bố dứt khoát “Thịt ta thật là của ăn và máu ta thật là của uống”.

– Như thế là Chúa Giêsu nói tới bí tích Thánh thể, trong đó Ngài ban chính thịt và máu Ngài làm của ăn của uống cho loài người.

– Hiệu quả của việc rước lễ : “Ai ăn thịt Ta và uống máu ta thì có sự sống đời đời… thì ở trong ta và ta ở trong kẻ ấy“.

B…. nẩy mầm.

  1. Đến đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nói rõ ràng về bí tích Thánh Thể và khuyên tín hữu cần lãnh nhận Thịt và Máu Ngài, nhờ đó Ngài ở trong họ, họ ở trong Ngài và có được sự sống đời đời.

Thánh lễ quả là dịp rất quý giá để chúng ta ăn uống Chúa, nhờ đó được ở trong Ngài và chia sẻ sự sống thần linh của Ngài. Thế nhưng các lễ nghi Thánh lễ vẫn cứ lặp đi lặp lại hầu như ngày này cũng như ngày khác. Điều đó khiến chúng ta quá quen đến nỗi không còn chú ý. Việc Rước lễ cũng thế, có nhiều ngày nó chỉ là một hành động theo thói quen không chút ý thức.

Thỉnh thoảng ta cần phải làm sống lại ý thức khi tham dự Thánh lễ và Rước lễ.

  1. “Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng ta đã thờ ơ lãnh đạm hoặc không chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để đón nhận Chúa” (“Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Khi Mẹ Têrêxa Calcutta sang Liên Xô xin lập một chi nhánh của Dòng bà, bà đã kiên trì xin cho bằng được có một Linh mục để mỗi ngày dâng Thánh lễ cho các nữ tu. Bà giải thích lý do : sở dĩ các nữ tu có đủ tinh thần và nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những người nghèo khổ sự an ủi, phục vụ và yêu thương, đó là nhờ Mình Thánh Chúa mà họ rước mỗi ngày. “Thịt ta thật là của ăn và máu ta thật là của uống”.
  3. “Thịt ta thật là của ăn và máu ta thật là của uống”.

Hằng đêm, mỗi khi thành phố lên đèn, mọi người hối hả trở về công sở, trường học…

Những bước chân hối hả qua lại…

Bên vệ đường, một bà lão khô quắt, nằm cong queo như cố thu mình trốn cái không khí se lạnh. Bà kiệt sức vì đói. Những bước chân vẫn đi qua, đi qua…

Và rồi, đôi chân con bước tới, ngập ngừng… rồi lại bước đi

Trên ti vi, người ta nói đến lũ lụt. Cảm động, con dự định… rồi lại thôi !

Con là thế ! Từ thuở lọt lòng mẹ, đã biết nắm tay lại.

Lạy Chúa, trên thánh giá Ngài đã giang rộng đôi tay và khi phục sinh, Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhân loại được sống.

Xin cho con luôn biết cho đi, cho đi mãi

không chỉ vật chất, nhưng cho cả bản thân. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………………………………………………..

Thứ Bảy :

Ga 6,60-69

A. Hạt giống…

Kết quả của bài giáo lý về Thánh Thể :

– Nhiều người cho là chói tai, bỏ đi, trong số đó có cả các môn đệ : “Từ hôm đó, có nhiều môn đệ rút lui không theo Ngài nữa”.

– Chúa Giêsu hỏi Nhóm 12. Phêrô thay mặt nhóm tuyên xưng “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai. Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”

B…. nẩy mầm.

  1. Hành trình đi theo Chúa không luôn êm ả. Một ngày nào đó, có thể Lời Chúa làm chúng ta cảm thấy chói tai, nhất là khi Lời Chúa buộc ta phải thực hiện một sự lựa chọn khó khăn. Tin đòi phải kiên trì.

Chúa ơi

Có những ngày con cảm thấy Lời Chúa rất ngọt ngào êm ái và bình an. Khi đó con rất dễ dàng đáp lại Lời Chúa. Nhưng cũng có những ngày khác con thấy Lời Chúa thật chói tai, con không muốn chấp nhận, con còn muốn rút lui. Nhưng xin cho con hiểu rằng Lời Chúa – và chỉ có Lời Chúa – mới là lời chân thật và mới đem lại cho con sự sống thật. Xin cho con đừng bao giờ rút lui, vì “Lạy Thầy, con sẽ đi theo ai ? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.

  1. Tôi đã được sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng bằng lời của cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Hơn nữa, là người Kitô hữu, tôi còn sống nhờ một lời đặc biệt : Đó là lời Chúa.

Đức Giêsu ngỏ lời với tôi qua chính cuộc đời của Ngài. Ngài đã mạc khải cho tôi biết Cha và giới thiệu tôi với Người. Sự đột phá của Ngài vào sự sống đời đời mở rộng cuộc sống của tôi đến vô hạn.

Hôm nay, tôi có dám khẳng định với Chúa như Phêrô không ? Ông đã Sống với Chúa, đã Nghe và Tin vào lời Ngài, đặc biệt qua những lần bị vấp ngã.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết tin vào sự linh nghiệm của lời Chúa, để dám sống theo lời Ngài dạy bảo. (Epphata)

  1. Trong vườn, một gốc nho héo úa giữa bao cây xanh tươi mơn mởn. Tưới bao nhiêu phân cũng chẳng thấy khá hơn. Cuối cùng, người chủ đào gốc lên xem, thì thấy có miếng gỗ nằm chắn ngang gốc nho.

Có lẽ đời ta cũng vậy. Nếu không đâm rễ sâu vào lòng đất là Lời Chúa, đời ta cũng sẽ tàn úa. (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………………………………………………..