Giáo Lý 5 Phút GPCT Tháng 3/2019: Giáo Huấn 14-18 (Có Giải Thích)

print

Giáo Lý 5 Phút GPCT Tháng 2/2019: Giáo Huấn 14-18 (Có Giải Thích)

 

GIÁO HUẤN SỐ 14 (CN 8 TN C: 3/3/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 15 (CN 1 MC C: 10/3/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 16 (CN 2 MC C: 17/3/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 17 (CN 3 MC C: 24/3/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 18 (CN 4 MC C: 31/3/2019)

 

 

GIÁO HUẤN SỐ 14 (CN 8 TN C: 3/3/2019)

ĐỨC TRÔNG CẬY

H. Đức trông cậy là gì? (410)

T. Là ơn Chúa ban, giúp ta dựa vào sức mạnh Chúa Thánh Thần, mà vững lòng mong đợi hạnh phúc Nước Trời.

 

Lòng mong đợi này dựa trên Lời Chúa dạy: “Hãy vui mừng vìcó niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân”.

Như vậy, chỉ có đức trông cậy mới đáp ứng được khát vọng hạnh phúc, mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng mọi người; thanh luyện và quy hướng các hy vọng của ta về Nước Trời. Nhờ vậy, đức trông cậy giữ ta khỏi thất vọng, nâng đỡ ta khi bị bỏ rơi hoặc gặp những gian nan thử thách, giúp ta phấn khởi mong đợi hạnh phúc muôn đời; giải thoát ta khỏi lòng ích kỷ để luôn vui vẻ yêu Chúa yêu người. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, ta cần luôn cầu nguyện, nhất là qua kinh Lạy Cha, để luôn vững lòng trông cậy sẽ được ơn Chúa giúp ta bền đỗ đến cùng .

Hơn khi nào hết, đức trông cậy bừng sáng thời bách hại, nên bất chấp đe dọa, tối 12.8.1838, giáo dân vẫn kéo chuông, đốt đuốc, đón rước thi hài cha Thánh Mai Năm, Thánh trùm Đích, Thánh Lý Mỹ, về an táng tại Vĩnh Trị. Còn chính các đấng tử đạo thì luôn tuyên xưng niềm trông đợi hạnh phúc Nước trời, như Thánh án Khảm vui vẻ nói: “Cha con chúng tôi hôm nay vào Nước Thiên đàng đây”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 15 (CN 1 MC C: 10/3/2019)

ĐỨC MẾN

H. Đức mến là gì? (411)

T. Là ơn Chúa ban, giúp ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và vì Chúa, mà yêu thương mọi người.

 

Lời Chúa xác định: “Cao trọng hơn cả là đức mến”. Vì Chúa Giê-su đã đặt nền tảng của đức mến trên chính Tình Yêu của Thiên Chúa: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy yêu mến anh em như vậy. Hãy ở trong tình yêu của Thầy” . Ngài đặt đức mến làm Điều răn mới . Ngài xác định tiêu chuẩn của đức mến là: “Yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Thánh Phao-lô dạy: “Đức mến thì nhẫn nhục, không ghen tương, vênh vang, tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” . Hoa trái của đức mến là niềm vui, bình an và lòng thương xót.

Các Thánh tử đạo Việt Nam đã sống tròn đầy đức mến Chúa yêu người. Thánh y sĩ Phan đắc Hòa, dù phải nuôi 12 người con, vẫn chữa bệnh miễn phí, giúp tiền giúp lúa cho kẻ nghèo. Ngài làm tất cả vì lòng mến Chúa, nên Ngài đã nói với các con: “Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn…”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 16 (CN 2 MC C: 17/3/2019)

 

ƠN CHÚA THÁNH THẦN

H. Ơn Chúa Thánh Thần là gì ? (412)

T. Là những xu hướng thường xuyên, giúp ta dễ dàng tuân theo hướng dẫn của Thiên Chúa.

 

Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Rô-ma nói về ơn Chúa Thánh Thần: “Ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa…” Có 7 ơn Chúa Thánh Thần là các ơn:

Khôn ngoan, thông minh, biết lo liệu, dũng cảm, hiểu biết, đạo đức và kính sợ Chúa.

Các ơn này hoàn thiện các đức tính nơi ta, giúp ta mau mắn vâng theo ý Chúa. Lại có 12 Hoa Trái Thánh Thần, là những điều tốt lành, mà ta có được nhờ ơn Chúa Thánh Thần giúp sức, đó là:

 “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết”.

Cha Bô-na Hương đã cảm nhận ơn khôn ngoan và sự tác động của Chúa Thánh Thần, Cha nói: Trước mặt vua quan, tôi có kinh nghiệm cụ thể lời Chúa Giê-su: “Thánh Thần sẽ nói thay các con”. Thực vậy, không lúc nào tôi nói tiếng Việt lưu loát dễ dàng như thế.

 

GIÁO HUẤN SỐ 17 (CN 3 MC C: 24/3/2019)

 

TỘI LỖI

H. Tội là gì? (418-419)

T. Tội là lời nói, việc làm, hoặc ước muốn trái luật Chúa, là xúc phạm đến Chúa, làm hại chính mình và người khác.

 

Lời Chúa Giê-su đã xác quyết: “Máu Thầy sẽ đổ ra cho mọi người được tha tội”. Vì máu Chúa đã đổ ra, nên Thánh Phao-lô dạy rằng: “Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”. Quả vậy, như bác sĩ phải xem xét vết thương trước khi băng bó, thì qua lời rao giảng của Chúa Giê-su, nhất là qua cuộc khổ nạn của Ngài để bày tỏ Lòng thương xót của Chúa Cha, và qua việc ban Thánh Thần để tha tội… Thiên Chúa đã vạch trần tội lỗi, nhằm hoán cải lòng ta, cho ta biết thú nhận tội, hầu được ơn tha thứ, và “được nên công chính, để được sống đời đời”.

Thánh Mi-ca-e Hy đã ý thức sâu xa về sự xúc phạm của tội lỗi, nên ngài đã nói: “Tôi nghĩ, dù có lấy nước của các con sông trên địa cầu, cũng không rửa sạch tội của tôi được. Có lẽ chỉ có thể rửa sạch chúng bằng chính máu của tôi”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 18 (CN 4 MC C: 31/3/2019)

TỘI TRỌNG

H. Thế nào là tội trọng? (420-421)

T. Tội trọng là cố tình phạm luật Thiên Chúa, trong những điều trọng, mà đã kịp suy biết.

 

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Những kẻ làm các điều đó sẽ không được hưởng Nước Thiên Chúa”. “Sẽ không được hưởng Nước Thiên Chúa”, vì tội trọng làm ta mất tình nghĩa với Thiên Chúa, tự ý khước từ ơn làm con cái Thiên Chúa, bởi tội trọng là một chọn lựa triệt để của con người tự do, quay

lưng với Đấng là cùng đích, là hạnh phúc thật của mình, mà yêu chuộng những thụ tạo khác! Tội trọng được xác định trong Mười Điều răn. Vì tội trọng đánh vào cội nguồn sự sống trong ta là đức mến, nên cần đến sáng kiến cứu độ, tha thứ của Thiên Chúa, và sự hoán cải nội tâm của ta qua bí tích Hòa giải.

Ý thức sâu xa như vậy, nên Đức cha San-du-rô An đã viết:

“Xin tha thứ những lầm lỗi, gương xấu của tôi… Tôi ước ao máu tôi hòa với Máu cực thánh Chúa Giê-su, rửa hồn tôi sạch mọi tội lỗi…” Ngài cũng đã nói: “Xin cho tôi ân huệ được chém 3 nhát: Một để tạ ơn Chúa đã dựng nên, và đưa tôi đến đất Việt giảng đạo; một để nhớ ơn cha mẹ sinh thành; một để

nên lời di chúc cho các bổn đạo của tôi: hãy bền chí sống chết cho đức tin !”