Giáo Lý 5 Phút GPCT Tháng 4/2019: Giáo Huấn 19-22 (Có Giải Thích)

print

Giáo Lý 5 Phút GPCT Tháng 4/2019: Giáo Huấn 19-22 (Có Giải Thích)

 

GIÁO HUẤN SỐ 19 (CN 5 MC C: 7/4/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 20 (CN LỄ LÁ C: 14/4/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 21 (CN LỄ PS C: 21/4/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 22 (CN 2 PS C: 28/4/2019)

 

 

GIÁO HUẤN SỐ 19 (CN 5 MC C: 7/4/2019)

 

TỘI NHẸ

H.Thế nào là tội nhẹ? (422-423)

T. Tội nhẹ là phạm một điều luật nhẹ, hoặc một điều trọng, nhưng chưa kịp suy biết, hay chưa hoàn toàn ưng theo.

 

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Nếu ta nói ta không có tội,thì ta tự dối mình, và sự thật không có trong ta”. Quả vậy, bao lâu còn mang thân xác bụi trần, ta không thể không có ít là các tội nhẹ. Dẫu vậy, tội nhẹ làm ta giảm bớt yêu mến Chúa, dễ hướng chiều về điều xấu, ngăn cản ta tiến tới trong việc thực hành các nhân đức và các điều thiện, khiến ta dễ phạm tội trọng hơn ! “Nên bạn chớ xem thường các tội mà bạn coi là nhẹ… bạn sẽ run sợ, vì nhiều cọng nhỏ tạo thành đống rác to, nhiều giọt nước nhỏ đọng thành vũng xình lầy… Vậy thì trước hết, bạn hãy đi xưng tội đi” . Các Thánh tử đạo Việt nam nêu gương tẩy trừ mọi tội lỗi: cha Thánh Mậu đã biến nhà giam thành nơi giúp nhiều tội nhân hoán cải; một số phụ nữ đạo đức còn tìm cách đưa giáo dân vào thăm, để được xưng tội với cha. Còn thầy Chiểu thì quỳ xuống xưng tội với Đức cha Hê-na-rết Minh, ngay tại pháp trường Bảy mẫu.

GIÁO HUẤN SỐ 20 (CN LỄ LÁ C: 14/4/2019)

 

TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI TỘI NGƯỜI KHÁC

H. Khi nào ta có trách nhiệm đối với tội người khác? (427)

T. Khi ta cộng tác vào các tội ấy bằng những cách sau:

– Một là tham gia trực tiếp và tự ý.

– Hai là ra lệnh, xúi giục, hoặc tán thành.

– Ba là không tố cáo hoặc ngăn cản, khi có bổn phận phải can ngăn.

– Bốn là bao che cho kẻ làm điều xấu.

Trái với bốn tội trên, Lời Chúa dạy ta: “Ai làm cho người tội lỗi trở lại… sẽ cứu linh hồn nó khỏi chết, và phủ lấp muôn vàn tội lỗi của mình”. Như vậy, trong tình hiệp thông, chúng ta có trách nhiệm đối với cả những lỗi lầm sai sót của anh chị em mình. Tội lỗi có thể làm cho con người thành đồng lõa với nhau, để cho dục vọng, bạo lực, bất công thống trị! Tội lỗi tạo nên những tình trạng xã hội, những luật lệ nghịch với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Bởi vậy, Đức thánh cha Phan-xi-cô kêu mời: “Đối với con người thì chỉ có khuyên bảo, với thái độ tôn trọng và yêu thương… Giáo hội là nhà cha, có chỗ cho mỗi người con trong hoàn cảnh khó khăn của họ… Chúng ta phải vun xới cuộc cách mạng âu yếm, và phải nói: tôi là người xấu xa, nhưng tôi như thế nào Thiên Chúa yêu tôi như thế; nên tôi phải yêu người khác như vậy”. Hãy phó dâng họ cho Mẹ Maria là “Đức Bà bàu chữa kẻ có tội”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 21 (CN LỄ PS C: 21/4/2019)

CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI

H. Con người phải sống trong xã hội thế nào? (430)

T. Con người phải sống liên đới với mọi người trong xã hội, gặp gỡ, đối thoại, và phục vụ lẫn nhau.

 

Lời Chúa cho ta thấy trách nhiệm liên đới giữa loài người ngay từ thuở ban đầu: “Đức Chúa hỏi: này Ca-in, A-bi-lê em ngươi đâu? Từ đất, tiếng máu em ngươi đã kêu lên Ta!” Vì mọi người được Thiên Chúa tạo dựng, nên đều được mời gọi tiến về cùng đích là hiệp thông với Thiên Chúa… Nhờ trao đổi cho nhau, phục vụ lẫn nhau, đối thoại với nhau, mỗi người phát triển khả năng Chúa ban; nhờ đó, đáp lại ơn gọi của mình, là trở nên con cái Thiên Chúa. Muốn vậy, xã hội phải là tập thể những người biết sống liên kết, hợp nhất với nhau. Mỗi người phải đóng góp phần của mình cho cộng đồng. Gia đình chính là cộng đồng cần thiết, đáp ứng trực tiếp được bản tính sâu xa của mỗi người trong nỗ lực gặp gỡ, đối thoại, và phục vụ lẫn nhau.

 

Thánh Đa-minh Khảm nêu gương sống liên đới phục vụ một cách rất chân chất: Có lần cụ cho mõ đi rao, mời cả làng ra ruộng thi thả diều. Thắng thua không thành vấn đề, miễn là cụ có cớ đãi cho dân làng một bữa no nê.

 

GIÁO HUẤN SỐ 22 (CN 2 PS C: 28/4/2019)

CÔNG ÍCH

H. Công ích là gì? (436)

T. Công ích là toàn thể những điều kiện của đời sống xã hội, giúp tập thể và cá nhân đạt tới sự hoàn hảo của mình.

 

Lời Chúa mời gọi: “Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính”. Cuộc đời công chính của người Ki-tô hữu trong xã hội cần xây dựng trên công ích, bao gồm 3 điều này:

– Một là tôn trọng và phát huy các quyền lợi căn bản của con người.

– Hai là phát triển các lợi ích tinh thần và vật chất của con

người và xã hội.

– Ba là xây dựng hòa bình và an ninh cho mọi người.

Như vậy, “Trật tự và tiến bộ của xã hội phải luôn nhắm tới lợi ích của con người, chứ không ngược lại”.

Chính vì ý thức sâu sắc nhiệm vụ xây dựng công ích, mà cha Thánh Phao-lô Khoan, và 2 thầy Phê-rô Hiếu, Gio-an Bao-tixi-ta Thành đã không thù hận những kẻ xử án mình bất công, mà trước giờ tử đạo, các ngài còn vang lời cầu nguyện: “Chúng con hiến dâng mạng sống cho Chúa, xin Chúa chúc phúc cho nhà vua, được cai trị lâu dài trong an bình… Xin biến đổi trái tim vua, để vua tin theo đạo thật, đạo duy nhất đem lại cho con người hạnh phúc thật”.