Yêu Thương Là Chu Toàn Lề Luật

print

Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm C 2019

Yêu Thương Là Chu Toàn Lề Luật

Lm. Giuse Nguyễn

Thánh Phaolô  nói: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13, 10). Quả đúng như vậy, tất cả mọi sai lỗi đều vì người ta chưa tròn yêu thương – yêu thương chưa trọn vẹn, hay như lời Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay thật chí lý: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14, 23). Từ đó suy ra, ai không giữ lời Thầy thì sẽ không yêu mến Thầy; nói cách khác nữa: yêu là giữ lời, không yêu là không giữ lời.

Chính Đức Giêsu khi đến thế gian này cũng là vì tình yêu trọn vẹn với Chúa Cha: “Này con đến để làm theo ý Cha” (Dt 10, 7). Yêu Cha nên sẵn sàng làm mọi sự vì Cha: “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc14,36).

Đức Maria ngay từ bé đã được dâng vào Đền Thờ để tìm thánh ý Chúa. Chắc chắn tình yêu của Mẹ dành cho Thiên Chúa càng ngày càng sâu thẳm, nên khi biết ý định của Thiên Chúa, Mẹ đã sẵn sàng nói tiếng “xin vâng”, dù Mẹ chẳng hiểu đằng sau tiếng xin vâng ấy là gì. 

Cũng vì lẽ đó mà thánh Augustinô đã chia sẻ: “yêu đi rồi làm”, hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm. Dĩ nhiên tình yêu này phải là tình yêu đúng nghĩa, vì có yêu đúng nghĩa thì mới làm những việc có nghĩa; ngược lại yêu không đúng nghĩa sẽ làm những việc bất nghĩa. Lịch sử cuộc đời của thánh Augustinô đã nói lên điều đó. Lúc trước thánh nhân cũng yêu say đắm, yêu cuồng nhiệt, nhưng đó là tình yêu ích kỷ, tình yêu quy về bản thân mình nên ngài chỉ tìm kiếm những gì để hưởng thụ, để thỏa mãn cho bản thân mình, kể cả việc học hành rất giỏi dang là cũng vì đam mê theo lý trí… dẫn đến những việc làm sai trái như sa đọa vào đam mê dục vọng, sai lầm trong lạc thuyết Manichêô chủ trương thiện ác giao tranh bất tận và rơi vào tình trạng nghi nan bất dịch… Từ khi Chúa dùng Giám mục Ambrosiô để thức tỉnh Augustinô bằng lời dạy của thánh Phaolô: “Đừng sống theo dục tính và lạc thú dâm ô, nhưng hãy mặc lấy Đức Kitô”, thánh nhân đã được ơn sám hối và biến đổi tận căn, nhất là trong tình yêu đúng đắn. Và thật, “yêu đi rồi làm”, tình yêu sau khi hoán cải đã thôi thúc Augustinô làm được những chuyện vĩ đại cho gia đình, cho Giáo hội và xã hội. Tất cả đều xuất phát từ một tình yêu đúng nghĩa.

Thầy Giêsu đã tha thiết nhắn gởi đến các môn đệ của mình trong bữa tiệc ly: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”. Không gì khác hơn là Ngài muốn các môn đệ “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Có yêu mến Thầy thì mới giữ lời Thầy được, có ở lại trong tình yêu của Thầy thì mới làm theo những gì Thầy chỉ dạy tốt.

Chính vì thế, là Kitô hữu chúng ta phải thường xuyên tập luyện và thực hành việc “ở lại trong tình yêu của Thầy” để được “yêu mến Thầy”. Khoan hẵng nghĩ đến việc tuân giữ lề luật, vì nếu chưa yêu thì lề luật thật nặng nề và không cần thiết, còn một khi đã yêu thì lề luật thật nhẹ nhàng và rất thiết yếu.

Để ở lại trong tình yêu của Thầy, chúng ta phải xác quyết Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước, như lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong buổi đọc kinh truyền tin hôm Chúa Nhật 19/05/2019 vừa qua: “Chúa Giê-su đã yêu chúng ta trước. Ngài yêu chúng ta mà không màng chi đến sự mỏng dòn, giới hạn và yếu đuối của loài người chúng ta. Chính Chúa đã làm cho chúng ta trở nên xứng đáng với tình yêu không giới hạn và vĩnh cửu của Ngài”. Như một người con biết rằng cha mẹ là người yêu nó, đã sinh thành dưỡng dục nên nó, để “rồi lớn lên con vào đời, gặp biết bao nhiêu người thương, dù có ai hy sinh cho con, dù được ai cho mâm cơm ngon, đi gần về xa với cha và với mẹ, vẫn là trẻ thơ bé như ngày nào”. Khi nhận ra được tình yêu của người khác dành cho mình, ta sẽ tìm mọi cách để đáp trả.

Biết được Chúa yêu thương ta, dù ta bất xứng, dù ta phản bội, nên hãy tận dụng tối đa thời gian, sức lực, và khả năng để ở với Chúa trong cầu nguyện, trong việc tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích nhất là Bí tích Giải tội và Mình Máu Thánh Chúa, tham dự những việc đạo đức, hướng tâm hồn ta về những thực tại cao cả… Lạ lùng thay khi càng làm những việc đạo đức, ta càng yêu mến Chúa và càng cảm thấy chưa đủ; ngược lại khi ta lơ là với Chúa thì cứ nghĩ rằng mình làm được vài việc là đã dành cho Chúa nhiều lắm rồi, một sự tiếc nuối nỗi lên trong ta để ta dành lại một chút gì đó cho bản thân mình.

Ở lại với Chúa trong việc gặp gỡ Chúa nơi những mảnh đời nghèo khổ, bất hạnh. Khi càng gặp những người nghèo khổ, bất hạnh, ta càng cảm thấy tình yêu trong ta được thôi thúc để san sẻ phần nào với họ.

Nói tóm lại khi có tình yêu ta sẽ làm được mọi sự. Cụ thể, khi cảm nhận được Chúa yêu thương ta, thì việc thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự là lẽ đương nhiên, nên ta sẽ không tìm đến với những thần minh, thế lực khác, không mê tín dị đoan, không cầu cơ bói toán… Khi đã yêu Chúa thực sự thì chẳng những ngày Chúa Nhật, mà cả những ngày thường và những nơi nào có Thánh lễ mà ta hay biết, ta cũng tìm đến một cách hăng say nhiệt tình để được thờ phượng Chúa. Khi đã yêu mến Chúa, ta nhận thấy nơi người khác sự hiện diện của Chúa nên ta kính trọng yêu mến họ, cụ thể là cha mẹ và mọi người xung quanh ; ta không làm hại họ ; ta không lạm dụng họ ; ta không muốn chiếm đoạt họ ; ta không vì đam mê dục vọng riêng tư mà làm những chuyện tà dâm hoặc ngoại tình vì như thế là xúc phạm đến tình yêu của ta…

Hội thánh Việt Nam biết đến gương của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp vì đã liều mình chết thay cho hơn 40 giáo dân tại Tắc Sậy. Nhiều người Việt Nam biết đến câu chuyện người mẹ mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối nhưng đã từ chối điều trị để giữ lấy đứa con, và ngày 21/05 vừa qua, biết sức khỏe của chị đã suy yếu, nên các bác sĩ đã mổ để bắt con cho chị, ca mổ ngập tràn nước mắt vì chị không đủ sức và không thể nằm, mà phải ngồi để được phẫu thuật. Tình yêu của người mẹ đã dành trọn vẹn cho đứa con của mình…

Và còn nhiều lắm những câu chuyện của một sự thật là: khi yêu người ta sẽ làm được mọi sự.

Lạy Mẹ Maria, xin khơi lên trong chúng con tình yêu chân thật và chân thành đối với Chúa và mọi người, để chúng con có thể chu toàn những lề luật mà Chúa đã dạy, giống như Mẹ năm xưa luôn luôn vui vẻ và sẵn sàng để thực thi ý Chúa.