Khiêm Nhường Là Sống Thật Với Chính Mình

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM C 2019

Khiêm Nhường Là Sống Thật Với Chính Mình

Lm. Giuse Nguyễn

Quan sát những nữ tử thừa sai Bác ái chăm sóc và rửa những vết thương cho các bệnh nhân tại một trại phong cùi, một nhà đại phú phát biểu: “Cho tôi một triệu mỹ kim tôi cũng không làm được những việc này”.  Nghe nói thế, Mẹ Têrêxa Calcutta trả lời: “Cho chúng tôi một triệu mỹ kim để bảo chúng tôi ngưng làm những việc này, chúng tôi vẫn tiếp tục”.

Tại sao Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ làm được những việc mà người khác không thể làm được? Thưa vì họ đã sống lời Chúa trong bài đọc thứ nhất trích sách Huấn ca: “Con ơi hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn (có thái độ khiêm tốn), thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng. Càng làm lớn con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường” (Hc 3, 17-18).

Và nhất là lời Chuá trong trang Tin Mừng hôm nay: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14, 11). Đức Giêsu nói cho mọi người sự thật về kiếp người. Sự thật đó được Đức Giêsu minh chứng bằng chính thân phận hạt lúa mì nơi bản thân của Ngài. Một hình ảnh hết sức bình thường trong đời thường mà Đức Giêsu quan sát được trong tiệc cưới để làm ví dụ cho giáo huấn về sự khiêm nhường, tự hạ. Khách mời thích ngồi chỗ nhất, nhưng khi có vị khách quan trọng hơn, đương nhiên anh sẽ bị mời xuống. Ở đây Đức Giêsu không dạy bài học về nhân bản, về cách đối nhân xử thế, xuống dưới để được chủ nhà mời lên ghế trên…; mà Ngài dạy cho ta làm việc gì cũng phải suy nghĩ, tự hạ mình xuống thì con người của ta mới có giá trị.

Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ phục vụ những người rốt cùng trong xã hội là vì họ muốn nên giống Đức Giêsu, quên mình để phục vụ người khác.

Như vậy, việc tự hạ không phải là hành động do tính cách, một con người thích việc thầm lặng, một con người nhút nhát, một con người thích dĩ hòa vi quý, gì cũng được miễn sao đừng xảy ra xung đột… nhưng đây là hành động của lý trí, ý chí và đức tin để tôi muốn làm và cố gắng phải làm.

Tự hạ là tự mình hạ xuống cho phù hợp với cung cách của một Kitô hữu. Khác với tự tôn là tự mình tôn lên để người khác thấy hào quang của mình. Như vậy tự tôn là sống không đúng sự thật nơi con người của mình vì là bụi đất, chỉ là thụ tạo được Chúa dựng nên, mọi vinh quang danh dự là của Chúa. Ngược lại tự hạ là sống thật với mình vì “tôi có là gì cũng nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15, 10).

Nổ lực tự hạ của con người sẽ giúp họ sống được nhân đức khiêm tốn như Đức Giêsu đã dạy. Phải chăng khiêm tốn là cho rằng mình kém cỏi? Phủ nhận những giá trị đích thực của mình hay giảm thiểu nó đi? Thưa không, đức khiêm tốn mang một chiều kích sâu xa và tốt đẹp hơn thế nhiều. Khiêm tốn không phải chỉ là ít nghĩ về mình, mà hơn thế nữa là không nghĩ gì về mình. Riêng với chúng ta, những Kitô hữu, khiêm tốn là trở nên giống hệt như Chúa, Đấng đã từng nói: “Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”… “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Như vậy khiêm tốn có nghĩa là bắt chước Chúa, không sống cho riêng mình, nhưng sống cho người khác, dùng tài năng của mình để phục vụ, không phải cho bản thân và lợi ích của cá nhân, mà là cho người khác và những nhu cầu của họ.

Từng giây phút trong cuộc đời, chúng ta hãy ý thức để rèn luyện đức khiêm tốn bằng việc tránh kiêu ngạo và tập sống sự khiêm tốn.

Để tránh thói kiêu ngạo, chúng ta đừng nổi nóng khi nghe người khác phê bình vì nhiều khi sự thật của ta còn tệ hơn những gì người khác nhìn thấy.

Thứ hai là tránh khoe khoang thành tích để tự đề cao mình. Thánh Phaolô nói: “Tôi có là gì cũng nhờ ơn Thiên Chúa”. Thật sự là như vậy, tự bản thân chúng ta chẳng làm được gì, mà giả dụ có cũng không phải tự mình, mà còn có sự cộng tác của nhiều người và nhất là nhờ Chúa ban cho mình có khả năng, có điều kiện, có cơ hội để thực hiện.  

Thứ ba là tránh thái độ ganh ghét đố kỵ những ai hơn mình, thể hiện qua việc dèm pha nói xấu để hạ thấp giá trị của họ. Đối diện với những người như vậy, người ta gọi họ là “tiểu nhân”… và còn nhiều thứ khác phải tránh để khỏi kiêu ngạo.

Để tập sống khiêm tốn trước hết, cần nhìn nhận cả ưu lẫn khuyến điểm của mình. Con người không ai là hoàn hảo. Vì vậy khi được ai góp ý, thậm chí là phê bình thì phải biết khiêm tốn chấp nhận và cám ơn người khác, vì như Tuân Tử đã nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn của ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”.

Trong việc tông đồ cần nhận biết sự yếu đuối bất toàn của mình để khiêm tốn xin ơn Chúa trợ giúp. Vì như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được !”

Tập nhận ra những ưu điểm của người khác và thành thật khen ngợi họ. Thường thì mình thích được khen và dễ nói những điều xấu của người khác. Nhưng đức khiêm tốn đòi hỏi chúng ta phải biết khen người ta một cách thật lòng.

Tập nhận nguyên nhân thành công là do ơn Chúa giúp và là kết quả của tập thể; nhưng khi thất bại hãy nhận nguyên nhân là do sự thiếu sót bất toàn của mình và tránh đổ lỗi hoàn toàn do hoàn cảnh hay người khác.

Việc tự hạ không chỉ là đón nhận những góp ý của người khác để cứ mãi nhìn nhận tôi sai, tội tệ, tôi dở, mà còn phải nổ lực bằng tất cả lý trí, ý chí và ơn Chúa để tập luyện và sửa đổi. Đừng làm ngơ trước những góp ý đúng đắn của người khác; và đừng nhục chí để nghĩ rằng tôi tính tôi là như vậy, tôi chỉ có thế…

Sự thật nơi con người chúng ta bao gồm cả những điều tốt và điều xấu, cả những cao cả lẫn yếu hèn, cả những thánh thiện và tội lỗi… điều quan trọng là phải nổ lực để giảm bớt điều xấu và gia tang điều tốt chứ đừng bao giờ giẫm chân tại chỗ.

Chúa vẫn yêu thương và đón nhận mỗi người, nhưng những ai kiêu ngạo, tự nâng mình lên thì họ sẽ không cần đến Thiên Chúa, không cần đến tha nhân. Muốn tập luyện sự tự hạ phải khiêm tốn để nhìn nhận mình luôn cần ơn Chúa và tha nhân.

Xin Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria cho chúng ta sự khiêm nhường giống Mẹ.

 

print