CHƯƠNG 36: NIỀM HY VỌNG
Con hãy trả lời được cho mọi người
về niềm hy vọng của con.
949. “Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã thể theo lòng hải hà mà tái sinh chúng ta cho hy vọng hằng sống, nhờ sự Phục Sinh từ cõi chết của Ðức Giêsu Kitô” (1P 1:3).
950. Người Công Giáo là ánh sáng giữa đêm tối, là muối sống giữa thối nát, và là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng.
951. Thánh Phaolô hằng khuyên nhủ giáo dân đừng sống như những người không có hy vọng.
952. Kitô hữu là những người “ngóng đợi niềm hy vọng phúc lộc và cuộc hiển linh vinh quang của Thiên Chúa lớn lao vì là Cứu Chúa của ta, Đức Giêsu Kitô” (Titlô 2,13).
953. Nhiều người Công Giáo khoán việc cứu rỗi trần gian cho Chúa. Họ không ý thức rằng Chúa giao việc cứu rỗi trần gian cho họ cộng tác.
954. Yêu Chúa là yêu trần gian. Mẹ say Chúa là mê say trần gian. Hy vọng ở Chúa là hy vọng trần gian được cứu rỗi.
955. Con phải loan Tin Mừng cho thế giới, Tin Mừng ấy không phải chỉ gồm những giới răn tiêu cực nhưn g chính là một sứ điệp lạ lùng: Chúa thương yêu ta, Chúa yêu thương trần gian và cứu trần gian.
956. Trên thánh giá, Chúa nghèo lắm! Con chỉ xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh một điều: yêu thương, đau khổ và luôn luôn hy vọng.
957. Nếu suy gẫm những trang này, mà con không làm cho Phúc Âm tràn ngập cả đời con, nếu con còn cầu nguyện: “Nước Cha dừng lại”, thì con không phải là hy vọng của trần gian.
958. Chỉ trong vài chục nămgần đây, nhân loại đã tiến bộ về khoa học và kỹ thuật hơn nhiều thế kỷ trước.
Nhân loại đầy đủ sức mạnh khủng khiếp, có thể tự sát với vũ khí hạch tâm.
Nhân loại đầy đủ phương tiện khổng lồ, hầu như no nê không thiếu gì nữa.
Nhân loại cảm thấy làm được mọi sự, nhưng không biết tại sao mình sống, mình đi về đâu, tương lai thế nào?
Nhân loại đang trải qua một cơn khủng hoảng hy vọng.
959. Thiên Chúa không lùi bước trước tiến bộ của con người. Ngược lại, càng đầy sức mạnh, con người càng cảm thấy cần hy vọng để tiến, cần tình yêu để sống. Nếu không có như thế, sống để làm gì? Có đáng sống không?
Không lẽ hư vô và thù ghét là gia nghiệp của con người tiến bộ?
960. Con người nghĩ rằng khoa học càng tiến bộ, Thiên Chúa càng thoái lui. Trong lòng nhiều người “Chúa chết rồi”, giờ đây lương tâm họ được giải thoát, nhưng cái tự do ấy làm cho họ hoang mang, hoảng hốt.
Họ thiếu hy vọng!
961. Thời đại nào cũng có những người tự xưng là tiên tri, nhưng đường lối của họ không đem lại hy vọng cho nhân loại.
Chỉ Chúa Giêsu tự xưng là “Ðường”, chỉ Ngài đem lại hy vọng với kích thước của thế giới.
“Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
“Các con sẽ là chứng tá của Ta ở Giêrusalem, trong toàn cõi Giuđê và Samari, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
962. Con người hy vọng để sống, để tiếp tục sống. Con người sẽ quay về với ai có thể mang lại cho họ niềm hy vọng lớn lao nhất:
Niềm hy vọng ấy, Chúa Giêsu đã quả quyết: “Ta đã đến, là để chúng có sự sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Niềm hy vọng ấy, Chúa ban qua tay Mẹ Maria: “Nguồn hy vọng của chúng con”.
963. Giáo dân là người mến yêu sứ mạng trần thế của mình, là người thực hiện đời đời trong đời tạm.
– Là người tin rằng Chúa giao cho mình trần gian và anh em, để đưa họ đến cứu rỗi vĩnh cửu.
– Là người xác tín rằng Chúa ban ơn cứu rỗi, nhưng Chúa đòi sự hợp tác của con người.
Biết hy vọng, bảo đảm hy vọng, mang lại hy vọng.
964. Người hy vọng là người cầu nguyện.
Ðối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng.
Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa.
Ngài tìm họ để hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài.
965. Chúng ta cầu xin Chúa, nhưng Chúa trông vào chúng ta. Ngài đã lập một cơ quan để ban ơn cứu rỗi: Hội Thánh.
Hội Thánh chịu trách nhiệm về công việc Chúa, và về niềm hy vọng lớn lao nhất của toàn thể anh em.
966. Có hạng “công giáo đợi chờ”, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến.
Có hạng “công giáo thụ động”, trốn tránh, vô trách nhiệm.
Họ chỉ biết “nhìn lên” để kêu cứu, mà không biết “nhìn tới” để tiến, “nhìn quanh” để chia sẻ, gánh vác.
Niềm hy vọng đang ở giữa họ, mà họ không hay!
967. Con không trốn tránh hiện tại để trông đợi một cuộc sống khác. Con “tin hằng sống vậy”. Niềm hy vọng ấy đã đâm chồi nơi con, và sẽ tiếp tục tươi nở bất tận.
968. Con hoàn toàn sống trong hiện tại, nhưng con cũng hoàn toàn sống trong đời đời.
Con chăm lo cứu rỗi anh em, nhưng con không quên làm với Chúa và vì Chúa.
Con hết sức tiến tới, nhưng với tất cả ánh sáng từ trời cao.
Con dấn thân giữa trần thế, nhưng với tình yêu thần linh.
Tất cả điều ấy có ý nghĩa gì?
Nếu con không mang niềm hy vọng lớn lao nhất trong quả tim con?
969. Con hãy làm cho người công giáo tin tưởng ở ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi gia đình, ơn gọi vợ chồng, ơn gọi nghề nghiệp.
Họ sẽ hết chán nản, họ sẽ tràn đầy hy vọng vì họ ý thức rằng, Ðấng đã gọi họ sẽ đưa họ đi đến cùng đích.
970. Làm một cuộc cách mạng: đừng đem đời người Công giáo xa lìa môi trường, để quây quần quanh các việc thiêng liêng. Ðẩy người Công giáo mang niềm hy vọng của mình xâm nhập môi trường.
971. Con hãy cố gắng, dù yếu đuối ngã sa, hãy xin Chúa thứ tha và tiếp tục tiến. Trên võ đài, trong vận động trường quốc tế, các lực sĩ cũng lắm lần ngã quị, bị nhiều cú đấm, bị thương tích, nhưng cứ vùng dậy, cứ hy vọng, họ đã đoạt giải vô địch quốc tế.
972. Không thể quan niệm được một Kitô hữu không mê say đem hy vọng ngập tràn thế giới.
973. “Các bạn thế hệ mới” (GEN) phải là “thanh niên của hy vọng”, vì với hy vọng, các bạn sẽ luôn luôn hạnh phúc và các bạn sẽ làm cho mọi người hạnh phúc (Chiara Lubich).
974. Con hỏi chừng nào có thể xin “từ chức tông đồ”, nghỉ việc tông đồ được. Công việc tông đồ có thể thay đổi tùy khả năng, tuổi tác, nhưng sứ mạng tông đồ con đã nhận lãnh do Phép Thánh Tẩy và Thêm Sức, chỉ chấm dứt với hơi thở cuối cùng, như Chúa Giêsu khi nói “Hoàn Tất” trên thánh giá.
975. Gia đình Công giáo là tương lai, là hy vọng của Hội Thánh. Phải động viên toàn lực gia đình Công giáo theo tiếng gọi của Hội Thánh, để lôi cuốn và thúc đẩy họ loan Tin Mừng cho thế giới, một thế giới ngày càng có nhiều người khô đạo.
976. Con hãy hy vọng luôn luôn, đừng chán nản vì những sự khó khăn nội bộ, ngay trong việc tông đồ. Như thánh Phaolô: “Kẻ thì rao giảng Ðức Kitô vì lòng mến, bởi biết rằng tôi đã được chỉ định lo bênh đỡ Tin Mừng. Kẻ thì vì ghen tương và ganh tỵ , nhưng kẻ thì vì thiện cảm mà rao giảng Ðức Kitô… Can chi! Miễn là Đức Kitô được rao truyền thì tôi vui mừng và tôi cứ vui mừng luôn!” (Pl. 1,15-16).
977. Con đừng thất vọng vì thiếu phương tiện. Một vị Hồng Y Giáo Chủ đã nói: “Chúng ta hãy dùng phương tiện của các thánh Tông Ðồ: các ngài giảng dạy và viết thư, với chừng ấy các ngài đã chinh phục thế gian. Các ngài đâu có máy móc. Cha chỉ sợ con “quá kỹ thuật” mà hồn không tông đồ”.
978. Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Ðường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Ðời hy vọng do mỗi phút hy vọng.
HY. FX. NGUYỄN VĂN THUẬN