Dẫn Vào Thánh Lễ Và Suy Niệm CN 30 TN C

print

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN – C

Hc 35, 15b-17. 20-22a; 2 Tm 4, 6-8. 16-18; Lc 18, 9-14

Chủ đề: CẦU NGUYỆN TRONG KHIÊM TỐN

Lời Chúa: “Tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên” (Lc 18, 14).

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đòan phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật 30 thường niên hôm nay dạy chúng ta cầu nguyện trong khiêm tốn, để được Chúa thương tha tội và ban ơn công chính. Vì, Thiên Chúa không ưa thích kẻ kiêu ngạo, cậy sức mạnh nhưng thương những ai nhận biết thân phận hèn yếu của mình:

Kìa người thu thuế khiêm nhường,

Còn người biệt phái, Chúa thương ai nào !

Chúa từ chối kẻ tự cao,

Cậy trông, khiêm hạ, Chúa nào tiếc chi.

Phần ta hãy nhớ khắc ghi,

Khiêm nhu cầu nguyện, Chúa thời dạy ta.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin giúp chúng ta biết khiêm tốn khi cầu nguyện, để được Chúa thương tha thứ tội lỗi và ban ơn lành hồn xác. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta thành tâm sám hối.

Sám hối:

1. Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con dư tràn ơn phúc, để chúng con dùng mà phục vụ Chúa và anh em. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

2. Lạy Chúa Kitô, Chúa tỏ lòng nhân hậu và ban ơn tha thứ cho những ai khiêm tốn nài xin. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

3. Lạy Chúa, Chúa đang ngự bên hữu Chúa Cha để hằng tuôn đổ hồng ân xuống trên chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Suy niệm:

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Khiêm tốn là một đức tính tốt đẹp của con người, nó thể hiện qua từng lời nói cử chỉ và hành động của con người đó đối với người mình gặp gỡ một cách thật tâm. Ngược lại, người kiêu căng, bốc đồng, tự mãn, tự cao, tự đại tạo ra cho mình những nố thất vọng, những ấn tượng không tốt, khó có thể chấp nhận. Chính vì thế, phụng vụ Lời Chúa chúa nhật hôm nay mời gọi chúng ta không những kiên trì cầu nguyện, mà còn phải khiêm tốn trong lời cầu xin để được Thiên Chúa chấp nhận.

Thưa anh chị em, bằng những kiểu nói khác nhau, tác giả sách Huấn ca trong bài đọc 1 hôm nay muốn nêu bật tư tưởng chủ yếu là Thiên Chúa muốn lắng nghe và bênh vực lời cầu xin của những người nghèo khó, cô thế, goá bụa, … Đó là của lễ được chứng nhận. Thật vậy, không thể lấy lễ tế bên ngoài hay việc giữ luật cách máy móc, hình thức để làm đẹp lòng Thiên Chúa. Thiên Chúa thương yêu những người công chính và chỉ chấp nhận lời cầu xin của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, biết chân thành tin tưởng vào một mình Ngài mà thôi. Để nói lên tư tưởng ấy, Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện. Trong khi cầu nguyện hai người có hai thái độ khác nhau và trái ngược nhau. Người biệt phái tự mãn khoe khoang những việc tốt lành của mình: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Ông ta nghĩ rằng, nhờ có những việc tốt ấy mà Thiên Chúa phải ban cho ông ơn cứu chuộc, lại còn tỏ ra khinh miệt người thu thuế tội lỗi nữa. Ngược lại, người thu thuế không có gì để khoe khoang. Ông biết mình là một tội nhân nên đã đấm ngực ăn năn, thống hối và nói ít lời: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Chính thái độ của một tâm hồn đơn sơ khiêm tốn ấy của ông đã làm đẹp lòng Chúa. Lời cầu nguyện khiêm tốn của ông đã làm cho ông nhận được ơn tha thứ: “Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không”. Qua dụ ngôn này ta nhận thấy, người biệt phái này thích khoe khoang những công đức của mình, lại còn khinh dể người khác, ông tự cho mình làm được mọi sự mà không cần đến ân sủng và sự tha thứ của Thiên Chúa. Còn người thu thuế nhận thấy mình thiếu thốn, chỉ biết phó thác cho lòng thương xót của Chúa, kêu xin với lòng khiêm tốn, ông đã được Chúa nhận lời ban ơn tha thứ. Như thế, Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc chung thực hành: “Tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Khiêm tốn là đức tính phải được tu dưỡng, nó không phải khả năng thiên bẩm mà chúng ta phải rèn luyện hàng ngày. Khiêm tốn cũng là phương thức hữu hiệu giúp chúng ta tránh xa thói kiêu căng, tự mãn, tự cao tự đại. Chính vì thế, chúng ta hãy tự mình rèn luyện bản thân, nói ít đi, suy nghĩ nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn, tiếp cận thông tin đúng đắn sẽ giúp hình thành sự khiêm tốn nhanh hơn. Khiêm tốn giúp chúng ta sống tích cực và làm phong phú thêm kiến thức, kinh nghiệm, uy tín, lòng tin, và được bạn bè, đồng nghiệp yêu mến. Dân gian cũng có câu: “Núi cao, còn có núi cao hơn”; quả thật như vậy, dù chúng ta có giỏi cũng chỉ giỏi một mảng, một lĩnh vực, một khía cạnh nào đó mà thôi. Trước mặt Chúa chúng ta đều là những người bất toàn cần đến lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa. Vì thế, như thánh Phaolô chúng ta hãy đặt trọn niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng mà trọn cuộc đời ngài đã phục vụ.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta sống khiêm tốn để được Chúa thương tha thứ và ban ơn công chính. Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.