Tông huấn “Christus vivit”: Thiên Chúa yêu các con, Giáo hội cần các con

print

Tông huấn “Christus vivit”: Thiên Chúa yêu các con, Giáo hội cần các con

Hôm 2/4, Tông huấn Christus vivit (Chúa Kitô hằng sống) đã được công bố trong cuộc họp báo tại Toà Thánh Vatican. Tông huấn là kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ diễn ra vào tháng 10/2018, sứ điệp của tài liệu hậu Thượng Hội đồng được tóm tắt trong tựa đề của Tông huấn: Chúa Kitô hằng sống.

“Chúa Kitô hằng sống và Ngài muốn chúng con được sống!”. Dòng mở đầu của Tông huấn đã đặt cả âm điệu và nội dung của sứ điệp. Nhưng những câu kết mới là điều làm cho tài liệu trở thành lời “cổ vũ” đúng nghĩa: “Giáo hội cần động lực của các con, trực giác của các con, đức tin của các con”. “Và khi các con đến nơi mà chúng ta chưa đạt đến, hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi”.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ dành cho những người trẻ mà còn gửi đến toàn thể Dân Chúa. Đức Thánh Cha nói rằng ngài được truyền cảm hứng từ sự phong phú của những suy tư và những cuộc thảo luận diễn ra vào tháng 10 vừa qua, với chủ đề “Người trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi”, và ngài chia những suy tư của mình trong Tông huấn thành 9 chương.

Chương 1: Lời Chúa và giới trẻ

Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu Tông huấn bằng cách đưa ra những mẫu gương trong Cựu Ước để thấy rằng “trong thời đại mà những người trẻ không được đánh giá cao, một số bản văn cho thấy rằng Thiên Chúa nhìn thấy họ một cách khác biệt”. Chuyểb sang Tân Ước, ngài nhắc nhở chúng ta rằng, theo như Chúa Giêsu quan tâm thì “tuổi tác không tạo nên đặc quyền, và còn trẻ không có nghĩa là ít giá trị hay phẩm giá kém hơn”.

Chương 2: Chúa Giêsu trẻ mãi

Đức Thánh Cha tiếp tục giới thiệu một Chúa Giêsu luôn trẻ làm mẫu gương cho một Giáo hội trẻ trung “khi là chính mình”, một Giáo hội “dám trở nên khác biệt”. Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận rằng nhân vật Chúa Giêsu không phải lúc nào cũng được trình bày “theo cách hấp dẫn và hữu hiệu”. Trái lại, có những người trẻ xem Giáo hội là “một mối phiền toái, một sự khó chịu”. Họ muốn một Giáo hội “lắng nghe”, chứ không phải là “lên án”.

Chương 3: “Hiện tại” của Thiên Chúa

Đức Thánh Cha viết rằng những người trẻ còn hơn cả tương lai của thế giới của chúng ta, “họ hiện đang giúp làm phong phú thế giới”. Đó là lý do tại sao họ không hài lòng với các câu trả lời được đóng khung và các giải pháp sẵn có. Đức Thánh Cha xem xét một loạt các thách đối, từ di dân và bóc lột, đến tính dục, và những ưu và nhược điểm của việc sống trong thế giới kỹ thuật số. Ngài cũng nhắc đến vấn nạn lạm dụng tính dục trẻ em. Ngài gợi ý rằng “với sự giúp đỡ của những người trẻ, khoảnh khắc đen tối này… có thể là một cơ hội cho một cuộc canh tân mang ý nghĩa tạo ra kỷ nguyên”.

Chương 4: Ba sự thật vĩ đại

Chương bốn của Tông huấn chứa những điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là Ba sự thật vĩ đại.

– Thứ nhất là “Thiên Chúa là tình yêu”, với một tình yêu quan tâm nhiều hơn đến việc “hòa giải hơn là cấm đoán… hướng đến tương lai hơn là nhìn về quá khứ”.

– Thứ hai là “Chúa Kitô cứu con”, tha thứ cho chúng ta “lần này đến lần khác… vác chúng ta trên vai Ngài”.

– Thứ ba là, “Chúa Kitô hằng sống”, một nhận thức giúp chúng ta “ngừng phàn nàn và nhìn về tương lai”.

Chương 5: Thời đại của sự lựa chọn

Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả tuổi trẻ là “tuổi của sự lựa chọn”, và đề nghị chúng ta không nên “sợ hãi khi nắm bắt cơ hội và phạm sai lầm”. Làm việc vì “thiện ích chung” và sống phút hiện tại là những chủ đề mà Đức Thánh Cha khám phá trong Chương năm, cùng với lời kêu gọi những người trẻ trở thành “nhân vật chính của thay đổi”, và là “những người truyền giáo dũng cảm”.

Chương 6: Người trẻ và người già

Trong Chương 6, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các bạn trẻ về tầm quan trọng của việc duy trì mối tương quan với người già: “vì vậy chúng ta có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm của họ”. Đức Thánh Cha nhận xét cách mà “người già mơ những ước mơ và người trẻ nhìn thấy những viễn tượng… Nếu những người trẻ bén rễ trong những giấc mơ đó” thì “họ có thể nhìn về tương lai”.

Chương 7: Mục vụ Giới trẻ

Mục vụ Giới trẻ là trọng tâm của Chương bảy. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, mục vụ giới trẻ nên “linh hoạt”, tạo cơ hội cho “hành trình cùng nhau”. Những người trẻ được cảm hòa bằng “ngữ pháp của tình yêu, chứ không phải bằng khuyên răn lôi kéo”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết phải xác định “những cách tiếp cận mới” mang tính sáng tạo và thậm chí là táo bạo. Nghệ thuật, thể thao và bảo vệ môi trường, tất cả đều là những lĩnh vực phát triển mục vụ tích cực.

Chương 8: Ơn gọi

Đức Thánh Cha cho hay để nhận ra ơn gọi của mình cần phải nuôi dưỡng và phát triển “tất cả những gì thuộc về mình”. Điều này có thể tìm thấy được thể hiện trong Bí tích Hôn phối, nơi đó tình yêu đích thực và tính dục có hai mục đích: “yêu thương và truyền sinh”. Nhưng Đức Thánh Cha cũng thách đố những người trẻ quan tâm đến “ơn gọi dâng hiến” và đừng “loại trừ khả năng” tận hiến bản thân cho Thiên Chúa.

Chương 9: Phân định

Trong Chương cuối cùng của Tông huấn, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng: “Không có sự khôn ngoan của phân định, chúng ta có thể dễ dàng biến mình thành nạn nhân cho mọi xu hướng đi qua. Ơn gọi là ân sủng nhưng cũng là sự đòi hỏi. Để được hưởng ân sủng của Thiên Chúa, “chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro”.

Phần kết luận là một “lời mong ước” của Đức Thánh Cha: “Các bạn trẻ thân mến, niềm hy vọng hoan hỉ của cha là thấy con tiếp tục chạy cuộc đua trước mặt các con, vượt xa tất cả những người chậm hay sợ hãi!”

Tạ Ân Phúc

http://www.ubmvgiadinh.org/