Christus Vivit: Chương 3 Số 64-80

print

Christus Vivit: Chương 3 Số 64-80

Bản dịch của Lm Lê Công Đức

CHƯƠNG BA

CÁC CON LÀ “HIỆN TẠI” CỦA THIÊN CHÚA

  1. Sau khi lướt qua Lời Chúa, chúng ta không thể duy chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là hiện tại của thế giới; ngay lúc này đây, họ đang giúp làm phong phú thế giới. Các bạn trẻ không còn là những trẻ con nữa. Họ đã tới lúc bắt đầu đảm nhận nhiều trách nhiệm, chia sẻ với người lớn trong việc phát triển gia đình, xã hội và Giáo hội. Tuy nhiên, thời đại đang thay đổi, khiến chúng ta tự hỏi: Người trẻ hôm nay thực sự thích gì? Điều gì đang diễn ra trong đời sống của họ?

Về mặt tích cực

  1. Thượng hội đồng nhìn nhận rằng các thành viên trong Giáo hội không luôn luôn áp dụng cách tiếp cận của Đức Giêsu. Thay vì chú ý lắng nghe người trẻ, “rất thường có một xu hướng đưa ra những câu trả lời đóng gói sẵn và những giải pháp tiền chế, mà không cho phép họ nêu lên những câu hỏi thực sự của họ, cũng không đối mặt với những thách đố mà họ đề ra”. [24] Nhưng một khi Giáo hội gạt bỏ các định kiến chật hẹp và nghiêm túc lắng nghe những người trẻ, thì sự thấu cảm này sẽ làm cho Giáo hội nên phong phú, vì “nó cho phép người trẻ đóng góp cho cộng đoàn, giúp cộng đoàn biết trân trọng những cảm thức mới và khảo sát những vấn đề mới”. [25]
  2. Người lớn chúng ta có thể thường bị cám dỗ để liệt kê tất cả các vấn đề và các nhược điểm của giới trẻ. Có lẽ một số người sẽ ủng hộ điều đó, cho rằng như vậy chúng ta tỏ ra sắc sảo trong việc nhận định những khó khăn và những nguy hiểm. Nhưng một thái độ như thế sẽ dẫn tới điều gì nếu không phải là xa cách hơn, ít gần gũi hơn, và ít sự hỗ trợ nhau hơn?
  3. Bất cứ ai được kêu gọi trở thành một phụ huynh, mục tử hay người hướng dẫn của các bạn trẻ thì phải có tầm nhìn xa, để biết trân trọng ngọn đèn còn leo lét cháy, trân trọng cây lau mong manh dù bị dập vùi nhưng chưa đứt gãy (x. Is 42,3). Đó là cái khả năng nhìn thấy đường đi nơi mà kẻ khác chỉ thấy các bức tường, khả năng nhận ra tiềm năng nơi mà kẻ khác chỉ thấy hiểm họa. Đó là cách mà Thiên Chúa Cha nhìn mọi sự; Ngài biết cách nâng niu nuôi dưỡng những hạt giống thiện hảo trong trái tim những người trẻ. Vì thế tâm hồn mỗi người trẻ phải được xem là “đất thánh”, nơi mang các hạt giống sự sống thần linh; chúng ta phải “cởi giày ra” trước khi đến gần và bước sâu hơn vào Mầu nhiệm.

Nhiều cách để trẻ trung

  1. Hẳn chúng ta có thể vẽ một bức tranh về giới trẻ ngày nay, nhưng trước hết tôi muốn làm vang âm lại ghi nhận của các Nghị phụ Thượng hội đồng rằng “việc qui tụ Thượng hội đồng đã bao gồm sự hiện diện và đóng góp của nhiều vùng khác nhau trên thế giới, và đã bộc lộ vẻ đẹp của chúng ta xét như Giáo hội hoàn vũ. Trong một bối cảnh ngày càng toàn cầu hóa, các Nghị phụ Thượng hội đồng mong muốn nhấn mạnh đúng mức nhiều sự khác biệt về các bối cảnh và các nền văn hóa ấy, ngay cả trong phạm vi mỗi quốc gia. Có nhiều thế giới của tuổi trẻ ngày nay, đến nỗi tại một số nước người ta có khuynh hướng nói về ‘giới trẻ’ ở số nhiều. Nhóm tuổi được quan niệm bởi Thượng hội đồng (16-29 tuổi) không biểu thị một phạm trù thuần nhất, nhưng bao gồm các nhóm khác nhau, mỗi nhóm có kinh nghiệm sống riêng của mình”. [26]
  2. Cũng từ một quan điểm nhân khẩu học, một số nước có nhiều người trẻ, trong khi những nước khác có sinh suất rất thấp. “Một yếu tố phân biệt khác nữa, đó là yếu tố lịch sử: có những quốc gia và lục địa thuộc truyền thống Kitô giáo cựu trào, với nền văn hóa được ghi dấu sâu xa bởi một ký ức không thể bị thản nhiên gạt bỏ, trong khi nhiều quốc gia và lục địa khác được đặc trưng bởi những truyền thống tôn giáo khác, nơi mà sự hiện diện của Kitô giáo chỉ rất nhỏ nhoi – và nhiều trường hợp chỉ mới hiện diện gần đây thôi. Ngoài ra, tại những nơi khác, các cộng đoàn Kitô hữu và giới trẻ của các cộng đoàn ấy đang kinh nghiệm sự bách hại”. [27] Cũng cần phải phân biệt giữa những người trẻ “được tiếp cận ngày càng nhiều cơ hội do nền toàn cầu hóa cung ứng và những người trẻ sống ngoài rìa xã hội hay tại các vùng thôn quê và nhận thấy mình bị gạt ra ngoài”. [28]
  3. Còn nhiều sự khác biệt nữa, khó mà khảo sát ở đây. Dù sao, thiết tưởng không cần phải có một phân tích rất chi tiết về người trẻ hôm nay, về đời sống và kinh nghiệm của họ. Song tôi cũng không muốn bỏ qua thực tế ấy, vì thế tôi sẽ tổng hợp vắn tắt một số đóng góp nhận được hồi trước Thượng hội đồng, và một số khác tôi đã nghe từ các cuộc thảo luận.

Một số kinh nghiệm của người trẻ

  1. Tuổi trẻ không phải là một cái gì để người ta phân tích cách trừu tượng. Thật vậy, “tuổi trẻ” không tồn tại, chỉ tồn tại những người trẻ thôi, mỗi người với thực tế đời sống của mình. Trong thế giới thay đổi rất nhanh chóng hôm nay, nhiều cuộc đời ấy bị phơi sườn để hứng chịu đau khổ và bị dẫn dụ.

Sống trong một thế giới khủng hoảng

  1. Các Nghị phụ Thượng hội đồng đau buồn ghi nhận rằng “nhiều người trẻ hôm nay sống trong những vùng chiến sự và kinh nghiệm bạo lực dưới vô vàn hình thức: bắt cóc, truy bức, tội phạm có tổ chức, buôn người, khai thác nô lệ và tình dục, lợi dụng thời chiến để cưỡng hiếp, vân vân. Nhiều người trẻ khác, vì đức tin của mình, phải đấu tranh để tìm chỗ của mình trong xã hội và phải chịu những loại bách hại khác nhau, ngay cả bị thảm sát. Nhiều người trẻ khác, do bị ép buộc hay do bởi không có chọn lựa nào khác, phải sống bằng việc phạm tội ác và những hành động bạo lực: các binh sĩ trẻ em, các băng nhóm tội phạm vũ trang, hoạt động buôn ma túy, khủng bố, vân vân. Tình trạng bạo lực này hủy hoại cuộc đời nhiều người trẻ. Những sự lạm dụng và nghiện ngập, cùng với bạo lực và vọng động, là một số trong những lý do đẩy người trẻ vào tù tội, với tỉ lệ cao hơn được ghi nhận nơi một số nhóm sắc tộc và xã hội nào đó”. [29]
  2. Nhiều người trẻ khác bị lung lạc bởi các ý thức hệ, bị sử dụng và khai thác như bia đỡ đạn hay như sức mạnh trấn áp để tiêu diệt, khủng bố hay hạ nhục những người khác. Tệ hơn nữa, nhiều người trong họ rốt cục trở thành những con người cá nhân chủ nghĩa, hay gây hấn và nghi ngờ người khác; bằng cách này, họ trở thành một mục tiêu dễ dàng cho những sách lược bạo tàn của các nhóm chính trị hay các thế lực kinh tế.
  3. “Con số còn đông đảo hơn nữa trên thế giới, đó là những người trẻ bị gạt ra rìa cách này hay cách khác, và bị xã hội tẩy chay vì các lý do tôn giáo, sắc tộc hay kinh tế. Chúng ta đừng quên hoàn cảnh khó khăn của các thanh niên thiếu nữ thấy mình trong tình trạng mang thai, trong nạn phá thai, nạn dịch HIV, trong vô số hình thức nghiện ngập (ma túy, cờ bạc, phim ảnh sách báo khiêu dâm, vân vân), và thảm cảnh của các trẻ em đường phố không có nhà cửa, gia đình hay chỗ dựa kinh tế”. [30] Đối với nữ giới, những hoàn cảnh này sẽ khó khăn và khổ sở gấp đôi.
  4. Là Giáo hội, chúng ta không thể vô cảm trước những bi kịch ấy của các bạn trẻ. Chúng ta không bao giờ được phép trơ lì trước các bi kịch ấy, vì bất cứ ai không biết khóc thì không thể nào làm một người mẹ. Chúng ta muốn khóc lên để chính xã hội có thể trở thành đúng nghĩa một người mẹ hơn, để thay vì giết người thì xã hội có thể học biết cách sinh sản, trở thành một nơi hứa hẹn của sự sống. Chúng ta khóc lên khi nghĩ về tất cả những người trẻ đã bị tước đi mạng sống do nghèo đói và bạo lực, và chúng ta kêu gọi xã hội trở thành một người mẹ ân cần hơn. Tất cả nỗi đau này không phai nhạt đi; nó còn đó với chúng ta, vì thực tế nghiệt ngã không còn có thể bị che giấu được nữa. Điều tệ hại nhất chúng ta có thể làm, đó là hùa theo cái tinh thần thế gian mà giải pháp của nó duy chỉ là ru ngủ người trẻ với những thông điệp khác, với những bận tâm khác, với những theo đuổi tầm thường vớ vẩn.
  5. Có lẽ “những ai trong chúng ta có một cuộc sống thoải mái dễ chịu thì sẽ không biết khóc. Một số thực tế trong đời sống chỉ có thể được nhìn thấy bằng đôi mắt từng đẫm lệ. Cha muốn mỗi người trong các con tự hỏi mình: Tôi có biết khóc không? Tôi có biết khóc khi nhìn thấy một đứa trẻ bị đói, bị dính vào ma túy hay bụi đời, vô gia cư, bị xã hội bỏ rơi, bạo hành hay khai thác như một nô lệ? Hay tôi chỉ biết khóc cho mình, như những kẻ vùng vằng khóc đòi thứ gì đó khác?” [31]. Các con hãy học để biết khóc cho tất cả những bạn trẻ kém may mắn hơn mình. Khóc cũng là một diễn tả lòng thương xót và trắc ẩn. Nếu thấy nước mắt mình không trào ra được, các con hãy xin Chúa ban cho mình ơn biết khóc trước những khổ đau của tha nhân. Một khi các con có thể khóc, các con sẽ có thể giúp đỡ người khác với cả tấm lòng.
  6. Có những lúc, nỗi đau nơi một số người trẻ thật xé lòng, một nỗi đau sâu thẳm không thể diễn tả thành lời. Họ chỉ có thể nói với Chúa rằng họ đang đau khổ nhiều lắm, rằng họ thật khó đứng vững, vì họ không còn tin vào ai nữa. Nhưng trong lời cầu xin thống thiết đó, họ sẽ nghe vang vọng những lời của Đức Giêsu: “Phúc cho ai than khóc, vì họ sẽ được an ủi” (Mt 5,4). Một số bạn trẻ nam nữ có thể bước tới nhờ nghe lời hứa ấy của Chúa. Ước gì tất cả các bạn trẻ đang đau khổ cảm nhận được sự gần gũi của một cộng đoàn Kitô hữu có sức làm hiện thực lời hứa ấy bằng các hành động của mình, bằng sự bao bọc và sự trợ giúp cụ thể của mình.
  7. Quả thực là những người nắm quyền lực có cung ứng sự trợ giúp nào đó, nhưng điều này thường gắn với một cái giá cao. Tại nhiều nước nghèo, sự trợ giúp kinh tế từ các nước giàu hơn hay từ các tổ chức quốc tế thường được ràng buộc với việc chấp nhận các quan điểm của phương Tây về tính dục, về hôn nhân, về sự sống hay về công bằng xã hội. Tình trạng thực dân ý thức hệ này có sức tàn phá đặc biệt đối với người trẻ. Chúng ta cũng thấy cách mà một loại quảng cáo nào đó dạy cho người trẻ thường xuyên không thỏa mãn, và đóng góp vào nền văn hóa vứt bỏ, trong đó chính những người trẻ cuối cùng bị vứt bỏ.
  8. Nền văn hóa hiện nay khai thác hình ảnh của người trẻ. Vẻ đẹp được gắn kết với một dáng vẻ trẻ trung, với những món mỹ phẩm che lấp đi dấu vết của thời gian. Thân thể của người trẻ thường xuyên được quảng cáo như cách để bán các sản phẩm. Lý tưởng của vẻ đẹp là nét trẻ, nhưng chúng ta cần nhận ra rằng điều này chẳng liên quan bao nhiêu với người trẻ. Nó chỉ có nghĩa rằng những người lớn muốn níu giữ nét trẻ cho mình, chứ không có nghĩa rằng họ tôn trọng, yêu thương và chăm sóc người trẻ.
  9. Một số người trẻ “cảm thấy các truyền thống gia đình có tính đè nén ngột ngạt, và họ thoát ly khỏi chúng do bị thúc đẩy bởi một nền văn hóa toàn cầu hóa vốn nhiều khi bỏ mặc họ chới với không điểm tựa. Tại những vùng khác trên thế giới, vấn đề không chỉ là xung đột thế hệ giữa giới trẻ và người lớn, mà còn có tình trạng ghẻ lạnh xa rời nhau. Đôi khi người lớn mất khả năng – hay thậm chí không dám thử – truyền thụ những giá trị căn bản của đời sống, hoặc giả họ cố gắng bắt chước giới trẻ, và như thế là đảo ngược mối tương quan giữa các thế hệ. Mối tương quan giữa giới trẻ và người lớn như vậy có nguy cơ dừng lại ở bình diện tâm cảm, không đụng chạm gì đến các phương diện giáo dục và văn hóa”. [32] Thật tai hại cho giới trẻ biết bao, dù một số người không nhận ra điều này! Chính người trẻ đã cho biết rằng tình trạng ấy làm cho việc truyền thụ đức tin trở nên vô cùng khó khăn “tại một số nước không có tự do biểu đạt, những nơi mà người trẻ bị ngăn chặn tham dự vào đời sống Giáo hội”. [33]