4 – Tham lam
Phaolô Vũ Đức Thành chuyển ngữ
Nguồn audio: Tủ sách Công Giáo
Sống trong giàu sang họ cũng không thấy được thỏa mãn, giống như một người ở giữa sông nhưng bị chết khát; nằm trên đống gạo nhưng bị chết đói.
Thánh Gioan Maria Vianney
Tham lam là sự yêu thích quá mức những của cải vật chất thế gian.
Tham lam là sự say mê sai quấy và tai hại khiến chúng ta quên mất Thiên Chúa, cầu nguyện, các Bí tích, mà chỉ nghĩ đến những thứ như vàng bạc, nhà cửa, đất đai… Người tham lam giống như con heo đi tìm thức ăn trong đống bùn lầy dơ dáy mà không biết chúng từ đâu ra. Nghiêng chiều về thế gian, người tham lam không còn mơ ước những của cải thiêng liêng. Hạnh phúc của họ không còn là Thiên Đàng nữa. Người tham lam không làm điều gì tốt lành cho đến lúc chết. Họ say sưa tích góp của cải, lúc nào cũng lo lắng về nó, nếu bị mất mát một chút xíu, họ tiếc rẻ ngày đêm. Sống trong giàu sang họ vẫn không thấy được thỏa mãn, giống như một người ở giữa sông nhưng bị chết khát; nằm trên đống gạo nhưng bị chết đói. Người tham lam có mọi thứ nhưng họ không dám tiêu xài; vàng là vật thánh của họ, họ sùng bái nó như là chúa của mình.
Ngày nay có nhiều người thờ ngẫu tượng, có nhiều người lo nghĩ về của cái hơn là lo tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa. Họ ăn cắp, lừa đảo, kiện tụng lẫn nhau, thậm chí coi thường thánh luật của Chúa. Người tham lam làm việc cả ngày Chúa nhật và ngày lễ trọng, không có gì có thể làm thỏa mãn được đôi tay tham lam của họ. Người tín hữu tốt lành không nghĩ đến thân xác nay còn mai mất, nhưng chỉ quan tâm đến linh hồn bất tử của mình. Đang khi còn sống trên thế gian, họ luôn gắn bó với linh hồn mình. Họ siêng năng trong những công việc tông đồ của Gíáo Hội, tha thiết cầu nguyện, thánh hóa ngày Chúa Nhật, tham dự thánh lễ sốt sắng. Cuộc đời họ thật hạnh phúc biết bao!
Thời gian: ngày, tháng, năm dài cũng không bao giờ ảnh hưởng đến họ, vì họ luôn sống trong tình yêu của Thiên Chúa, đôi mắt họ luôn hưởng về nơi vĩnh cửu.
Chúng ta thờ ơ với phần rỗi và bo bo giữ lấy của cải chóng qua biết bao! Có ai nói rằng mình sẽ sống mãi không? Chúng ta giống như những người lo thu góp dự trữ lương thực cho cả mùa đông; sau đó cái gì sẽ còn lại? Chẳng còn gì cả! Cũng vậy, cái gì còn lại cho người tham lam có nhiều của cải khi cái chết đến bất thình lình, nếu không phải là vài tấm ván hòm che phủ và sự thất vọng vì không thể mang theo mình tất cả vàng bạc châu báu. Người tham lam thường chết trong thất vọng và phải tính sổ với ma quỷ về sự tham lam vô độ của mình. Những người tham lam keo kiệt thường bị phạt ngay ở đời này.
Dưới đây là một câu chuyện minh chứng.
Thánh Hilarion một hôm cùng đi với các môn đệ đến thăm các cộng đoàn. Ngài đi ngang qua một vườn nho, ở đó có một tu sĩ keo kiệt ra lệnh cho những người giữ vườn ném đá và đất vào những ai đi ngang qua đó, để không có ai đụng đến những chùm nho của ông. Lòng keo kiệt này đã bị trừng phạt đích đáng, năm đó vị tu sĩ keo kiệt này thu hoạch ít hơn thường lệ, và khi ép nho ra, rượu trở thành giấm chua. Ngược lại, có một vị tu sĩ khác tên là Sabbas đến năn nỉ thánh nhân và các môn đệ ghé vào vườn nho của mình để nghỉ ngơi và giải khát. Thánh Hilarion đã chúc lành cho vườn nho của vị tu sĩ tốt lành này và cho các tu sĩ của ngài đến đó, tất cả đều được nghỉ ngơi và ăn uống no nê. Hai mưoi ngày sau, người ta thu được ba trăm thùng rượu thay vì bình thường như mọi năm chỉ có mười thùng. Chúng ta hãy noi gương vị tu sĩ Sabbas này sống vô vị lợi để được Thiên Chúa chúc lành cả đời này lẫn đời sau.