Lạy Thánh Thần Xin Ngự Đến
Chúa Nhật Lễ Chúa Hiện Xuống
vô hạ
1. Tại nhà thờ, nhất là nơi tư gia, trước khi bắt đầu đọc kinh người Công Giáo Việt Nam luôn có thói quen tốt lành là cầu xin Chúa Thánh Thần bằng lời kinh khá lòng vòng mà lớn nhỏ đều thuộc lòng: “chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con là kẻ tin Đức Chúa Trời… sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con … và cũng xin an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con”. Kinh nầy luôn mở đầu trước khi tiếp theo những kinh khác hoặc chuyển qua sinh hoạt giao tế xây đựng hội đoàn của Họ Đạo.
Chúa nhật ngày 31 tháng 05/2020 nầy, lịch Phụng Vụ Công Giáo dành riêng để tôn kính Ngôi Ba Thiên Chúa, còn gọi là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, hoặc vắn tắt, Lễ Hiện Xuống. Kinh nguyện Thánh Thần trên, là theo thói quen nhân hình nhân ảnh của con người trần thế, mời gọi cậy dựa để có thêm sức mạnh tinh thần trợ lực linh thiêng cho biết việc phải làm khi cần thiết. Nhưng Thánh Thần của chúng con luôn hiện diện và bao phủ chúng con từ khi mới thạo thành vũ trụ tới hôm nay và mãi mãi về sau nữa.
2. Từ khởi thuỷ, trong Sách Khởi Nguyên 1:2, qua nhãn quan của Nhóm Ký Lục Thánh Kinh gọi Chúa là Giavê, thì Thánh Thần đã bay lượn là đà trên những đống hổn mang chi sơ, biến chúng dần dần thành vũ trụ xinh đẹp sẳn sàng cho con người hưởng dùng sau nầy, khi Chúa dựng nên họ sau cùng. Và hôm nay NASA Cơ Quan Quản Trị Hàng Không và Không Gian Quốc Gia (Hoa Kỳ) ghi nhận bằng khoa học kỹ thuật vi tính hiện đại rằng Thái Dương Hệ nầy đã xuất hiện chừng 13 tỉ 7 hay 13 tỉ 8 trăm triệu năm.
3. Bước vào Thánh Lễ, theo Sách Tông Đồ Công Vụ 2:1-11 của Chúa Nhật hôm nay, Thánh Thần đến trong cơn gió ào ạt với hình lưỡi lửa, để ban sức mạnh, đậu trên từng người đang tụ họp tại tầng trên một căn nhà gần khu đất trống của Đền thờ Giêrusalem. Lần nầy, Thánh Thần đến qua lưỡi lửa. Lửa trong Cựu Ước là sự hiện diện của Thiên Chúa đầy oai phong lẫm liệt trong uy vũ, cũng có mục đích tinh luyện mọi đơ bẩn thành tinh ròng và hình tướng chiếc lưỡi là sứ mệnh rao giảng của mọi người tin Chúa.
4. Rồi các tông đồ và những người hiện diện – theo bản ghi chú Anh Ngữ có chừng 120 tụ họp tại tầng trên – đầy Thánh Thần, bắt đầu nói hơn chục ngôn ngữ trong vùng, hàm chứa nội dung về Chúa Giêsu, để liên kết, hợp nhất và phục vụ nhau. Họ nói nhiều thứ tiếng là cách của Thánh Kinh tôn vinh vai trò của Thánh Thần chủ yếu là hoà hợp và thanh tịnh trong việc cải tạo bộ mặt trái đất bất hoà, do nhiều ngôn ngữ gây ra, dựa vào sự tích Tháp Babel trong Cựu Ước (Sáng Thế 11:1-9).
5. Đọc tiếp câu 5-11, người của thế hệ sau có thể hình dung ra, như thời nầy mỗi người trên tay có chiếc điện thoại tinh khôn, mở phần mềm của Googles dịch ra tiếng nói địa phương của mình. Tức là Tông đồ nói tiếng Aram, những người hiện diện nghe thành ngôn ngữ của họ tức khắc và cùng một lúc. Vì chưng, Lễ Ngũ Tuần 50 ngày sau Vượt Qua là Lễ Thứ hai trong năm, toàn quốc xứ Giudiêu và những Do Thái làm ăn phương xa, qui tụ về Giêrusalem dâng tiến lên Giavê hoa quả đầu mùa sau vụ gặt. Chuyện Do Thái Kiều tứ phương ngày xưa về xứ mừng Lễ Ngũ Tuần, cũng tương tự như Việt Kiều ngày nay tại nhiều nước trên thế giới, thế hệ hai, ba và sau đó nữa, rất rành tiếng bản địa nơi sinh sống, về quê nhà Việt Nam của tổ tiên, ăn Tết ta vậy.
6. Kế tiếp trong Công Vụ, cũng 1: 14-41 với chiếc lưỡi được Thánh Thần tôi luyện của vị Giáo Hoàng số một Phêrô, đã đánh được mẻ lưới cả 3 ngàn linh hồn đều chịu phép rửa và cũng được ân huệ của Thánh Thần như nhau. Một Đức Tin, một phép Rửa, trong một Thánh Thần ( II Êph. 4:1-6). Đó là phép lạ vĩ đại của Thánh Thần khích lệ các tông đồ, để sau nầy khi gặp nguy khốn, mà thêm vững lòng tin cậy. Những bổn đạo đầu tiên trên, ở lại tại chỗ hay tứ tán tha phương cầu thực sẽ là những chứng nhân tích cực cho Chúa Kitô hoặc sẽ làm nên những cơ sở hay đầu cầu cho công cuộc rao giảng Tin Mừng trong giai đoạn kế tiếp.
7. Rồi trong Phúc Âm Gioan 20:19-23 Chúa chúc bình an. Như Thiên Chúa Ba Ngôi – qua đại danh từ Chúng Ta trong St. 1:26 – thổi hơi là hình ảnh ban sự sống đầu tiên cho Ađam từ lúc tạo thiên lập địa. Và trong Tân Ước Chúa Giêsu cũng thổi hơi lại, để ban tân sinh khí là Thánh Thần, tạo nên một dân mới trong thời đại mới. Chúa cũng sai Tông Đồ đi rao giảng với quyền tha tội. Cả ba dữ kiện quan trọng trên đan kết thành một trên nền tảng quyền năng của một Thánh Thần duy nhất.
8. Trên thực tế của lịch sử dời thường, từ xa xưa cho tới hôm nay, con cháu Abraham khi gặp nhau, lúc nào miệng cũng chúc Shalom trước nhất vì họ rất cần bình an, như dân Việt ta, qua bốn ngàn năm tai họa chia rẽ, bất hoà, nô lệ, chiến tranh, loạn lạc, ngoại xâm, lệ thuộc dưới nhiều hình thức. Và khi Thánh Thần tới, chính là bình an của Thiên Chúa viếng thăm dân người vậy.
9 . Sau Chúa Giêsu là thời đại của Thánh Thần. Ngài thể hiện sức sống biến hóa, ứng biến, tiến hóa khôn lường trong Giáo Hội với muôn màu muôn vẻ vì phần rỗi loài người. Ngài như ” gió thổi đâu thì thổi; ông (Nicodêmô) nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần khí mà sinh ra thì cũng vậy” ( Ga: 3:88). Bên dưới, chỉ xin ghi ra vài Sứ Mệnh chính yếu của Thánh Thần qua Thánh Kinh:
Học thuyết về Thánh Thần cũng như học thuyết về Chúa Ba Ngôi vượt quá trí khôn con người. Thánh Kinh ghi lại rất giới hạn. Trong thư 1 Timôtê 4:1 Ngài được gọi là Thánh Thần của Thiên Chúa hay Thánh Thần của Đức Kitô.
Thánh Kinh trình bày Thánh Thần là Ngôi Vị riêng biệt trong Ba Ngôi và phần nào như “Godhead” Đầu Não, Thủ Ngôi của Thiên Chúa (Mt. 3:16-17, 28:19, Ga. 14:16-17, 15:26).
Thần tính của Ngài được nhấn mạnh qua Thánh Danh của Ngài ( Cv. 5:3-4, 13:2, Dt. 9:14) trong ngôn ngữ của con người, qua tiếng Hilạp xưa , Roma Latin cổ và Âu Mỹ hiện nay, kể luôn qua Việt Nho của con cháu Bách Việt ta nữa.
Họ đầy tràn Thánh Thần trong CV. 2:4, không có nghĩa là trước đó Thánh Thần không hoạt động, vì Ngài cũng là Đấng Sáng Tạo và hoàn thành (ST. 1:2) nhưng ở đây Thánh Thần đến với dân trong cách thế mới, đầy uy quyền hơn, để bắt đầu thời kỳ cách tân, cho đến khi Chúa Giêsu lại tới trong tương lai, kể từ khi trong kẻ chết mà phục sinh.
Ngài là nguồn gốc sự sống (TV 104:29, Job 32:8, Dân số 11:17)
Chúa Giêsu Giáng phàm qua quyền năng phần nào (phần nào, theo chú giải bản Anh Ngữ) của Thánh Thần (Luca 1:35, Gioan 1:32, 3:34).
Ngài là Thần của sự thật và nguồn gốc – tác giả – của Thánh Kinh (Gioan 14:26, 16:13, I cor. 2:10-13, II Tim. 3:16)
Thánh Thần được coi như đang ở trong chúng ta (Rom.8:9, Cor.6:19-20, Eph.4:30,5:18). Nhưng mà chính con thì lại:
10. Nhiều lúc quên hẳn Ngài là Thánh Linh, so với anh em Tin Lành, Chính thống, dù con cũng đọc kinh và hát cầu Chúa Thánh Thần trong tiếng Việt của con nhiều lần.
Trong bốn năm chục năm qua, có thêm nhiều bài hát mới ca khen Ngài, giúp cho giáo dân chúng con thêm lòng sốt sáng. Trong đó bài hát Latin “Veni Creator Spiritus” hơn ngàn năm, nhưng không cũ, chẳng xưa. Bài hát trong điệu bình ca Grêgorian, do Giám Mục Nhà Thơ, Nhà Thần Rabanus Baurus (780 – 4 February 856) gốc Đức, Thế kỷ 9, cảm nghiệm sáng tác, được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Hát trong những dịp lễ chính thức của Giáo Hội, từ phong chức LM, Giám Mục, bầu cử Giáo Hoàng, khai mạc Công Đồng Chung, ban Bí Tích Thêm Sức, Phong Thánh, thánh hiến đền thờ, lễ khấn hứa và những dịp trọng đại…mà Cha Cựu Giám Đốc Đỗ Kim Thành của Cần Thơ đã cho học trò Lớp Đệ Nhất làm bài tập dịch ra Việt ngữ 50 năm trước. Chỉ xin ghi ra hai câu đầu, ý nghĩa thật thâm sâu.
Xin hãy đến, Thánh Thần Đấng Sáng Tạo. Xin hãy thăm viếng tâm trí những người của Ngài. Xin đổ đầy ân sủng siêu nhiên cho những lồng ngực (chứa con tim) mà Ngài đã tạo nên.
Ngài được gọi là Đấng Phù Trợ, là món quà (lễ vật, tặng phẩm, phần thưởng) của Thiên Chúa tối cao, là suối nguồn sống, là lửa, là tình bác ái, là dầu thần linh.
11. Bảy ơn Chúa Thánh Thần.
Trong lớp Giáo lý Công Giáo, Cha Thầy Sơ Cô có hỏi: Chúa Thánh Thần ban mấy ơn, thì học trò bình thường thưa rằng bảy ơn. Rồi trò kể ra bảy ơn như bên dưới là xong, mà không biết có em nào hiểu được ý nghĩa của con số 7 là cái đi gì. Xin thưa: Bảy là số đỏ, số tốt, số hoàn hảo trong văn hóa Hy lạp. Không phải Thánh Thần bị đóng khung trong số bảy, mà Ngài ban muôn ơn, vô vàn còn hơn những hào từ gồm cả hai nguyên tố âm dương tương thôi nhi tiến hóa trong Dịch Lý của Minh Triết Á Đông.
Trở lại bảy ơn của Thánh Thần, theo sách vở thì thứ nhất là ơn Khôn ngoan, (2) hiểu biết, (3) lo Liệu (grace of counsel: đúng hơn là được chỉ đẩn, được chỉ bảo đàng lành, được cố vấn khuyên nhủ) (4) ơn sức mạnh, (5) ơn thông minh, (6) ơn đạo đức, (7) Fear of God/peur de Dieu: tự diển dịch là SỢ Chúa.
Sợ ở đây lại là ơn huệ vì theo lối giáo dục “thương con cho roi cho vọt” của thời trước kèm theo độc quyền chân lý. Bản dịch Việt ngữ xưa nay khá lịch sự đã thêm “kính” vào trước “sợ”, ơn KÍNH sợ Chúa, làm cho êm dịu hơn. Tại sao? Vì thời trước, xem Chúa như ông hoàng chuyên chế, độc đoán. Quần thần sợ vua hơn sợ cọp, nên kính nhi viễn chi cho ăn chắc. Chúa cũng bị sợ lây.
Than ôi! Gán ghép cho Chúa Thánh Thần loại “ơn bạo động kèm thêm khủng bố ” nầy thì tội nghiệp cho Chúa biết là dường nào! Chứng cứ là khi ban 10 điều răn trên núi Sinai, ai lên núi bị chết đã đành, mà ai chạm chân núi cũng bị giết luôn (Xh. 19:12).
Ngày nay phải cách tân lại. Phải gọi là ơn KÍNH YÊU Chúa hay ơn Yêu Mến Chúa, Grace of love of God/Amour de Dieu, như cốt lỏi của lời giáo hóa đạo & đời mà Thánh Augustinô (354-430) đã dạy: hãỵ yêu và làm điều bạn muốn.
12. Thánh Thần qua hình ảnh chim câu.
Văn hóa Hipri cổ, tiếp theo là Do Thái coi chim câu là loài điểu cầm tinh sạch vì chay lạt, thanh tịnh, suốt đời chỉ ăn ngũ cốc, rau cải, mà không ăn mặn hay mạng, sinh mạng, dựa vào sự tích Lụt Đại Hồng Thuỷ trong sách Sáng thế 8: 6-9.
Sau 40 ngày mưa gió bão bùng như trút, ông Nôe thả con quạ ra coi nước rút chưa, nhưng quạ đi luôn không trở lại (hiểu ngầm, quạ có thể đậu trên và ăn xác chết). Sau đó ông thả chim câu ra, rồi chim lại quay về tàu với ông, vì nước còn khắp mặt đất, chim không chổ đậu. Đó là chưa nói chim câu tinh khôn, nên người Hoa ngày xưa và hôm nay ta còn thấy trong phim ảnh tuồng tích kiếm hiệp, có thể huấn luyện bồ câu làm giao liên đưa thư từ qua lại.
Cũng mượn chính văn hóa của con cháu Abraham để giáo hóa họ và thế gian sau nầy, nên “Vào thời Tân Ước, sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, vừa dưới nước lên, thì tầng trời mở ra, Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim câu và ngự trên Người” (Mat. 3:16, Mc 1:9-11, Lc 3:21-22).
Tới đây, quí vị nào hay cười cợt bắt bẻ tín đồ Đạo Chúa, đã hiểu rõ nguồn cơn. không phải tất cả chim câu trong thiên nhiên, hay bị mèo hoặc dã thú săn mồi, con nào cũng là Chúa Thánh Thần bên đạo. Hình ảnh bồ câu chỉ là biểu tượng cho bài học tôn giáo. Mở rộng hơn một chút, hình ảnh trái tim bằng thịt hay cánh hoa hồng loài thảo, đâu phải tình yêu. Nhưng phải dùng hai biểu tượng nầy cho tình yêu, trong khi nhân loại chưa tìm ra cái gì khác thay thế được.
Người Kitô Giáo không thờ bồ câu làm Totem vật chủ thần thánh. Mà cầm, kể cả chim câu, và thú bình thường được Thiên Chúa dựng nên, làm thực phẩm để dưỡng nhân.
13. Kết lại. Dịp mừng kính Lễ Chúa Thánh Thần năm nay, con biết rằng ơn phúc của Ngài đổ xuống mọi người, còn hơn mưa dầm tháng bảy miền nhiệt đới nữa. Chỉ cần con sửa soạn máng xối, súc lu (lo phần hồn) thì có được nước ngon ngọt – những ơn cần thiết – mà hưởng dùng.
Kế tiếp, con chỉ dám thỏ thẻ với Ngài về chút việc xây dựng giáo xứ địa phương, rằng mỗi người có tâm thể bình thường, là ân huệ lớn lao Chúa ban. Nên con phải trả lại Chúa bằng cách phục vụ anh em theo khả năng nơi cộng đồng đang sống. Con không được nói mình không khả năng nào để chẳng làm gì, mà xin lập lại lời dạy danh tiếng để đời của Thánh Augustinô, thường được quí Cha Thầy trích nguyên văn La tin: Domine, quid me vis facere? Lạy Chúa, Ngài muốn con làm gì?. Sau đó cũng nói lời nầy với vị lảnh đạo tinh thần tại địa phương của con nữa.
Ba là con biết rằng mình chỉ là hạt cát thô sơ, có khi được dùng nơi tầng trên, có lúc bị vùi dập bên dưới nền của toà nhà Giáo Hội. Nhưng với niềm tin nơi Thánh Thần, như câu phương châm hay thành ngữ mà dân Hà Bắc xưa nay còn lưu truyền: khi Trời lấy đi cái nầy, thì Trời ắt đã chuẩn bị cái khác tốt hơn.
Cuối cùng, nạn dịch cúm viêm phổi Corona và những thảm họa khác chưa qua hẳn. Là con người bình thường như thời Môisen trong sách Xuất Hành “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21:24, Lêvi 24:20, Nhị Luật 19:21) mà con cho đó là công bằng. Nhưng qua những ân sủng mà con nghiệm được hôm nay, xin giúp con mỗi ngày mỗi mới với lời tân tâm kinh, khi con còn là học sinh nửa thế kỷ trước rằng: Lạy Thánh Thần, xin ngự đến. Xin tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa và đốt lên lửa tình yêu trong lòng chúng con. Amen.