Cha Pr. Nguyễn Trần Vũ nhậm sở Họ Đạo Bình Thủy

print

Cha Pr. Nguyễn Trần Vũ nhậm sở Họ Đạo Bình Thủy

Hôm nay, ngày 02.7.2020, Cha Pr. Nguyễn Trần Vũ nhậm chức Cha sở Họ đạo Bình Thủy. Hiện diện trong thánh lễ có Cha Quản Hạt Cần Thơ, Cha Quản Hạt Cà Mau, Cha Giám đốc TTMV, quý Cha Hạt Cần Thơ, quý Cha thân quen, quý Cha cùng lớp với Cha sở mới, quý Thầy, quý Dì Dòng Con Đức Mẹ Bình Thủy, thân nhân của Cha Phêrô, bà con giáo dân các nơi Cha Phêrô từng phục vụ, và bà con giáo dân họ đạo Bình Thủy.

Cha Quản Hạt Cần Thơ – đại diện Đức Giám Mục – công bố Sắc lệnh bổ nhiệm và giới thiệu Cha Phêrô với cộng đoàn, cùng chủ sự các nghi thức nhậm chức của Cha sở mới. Trong bài giảng lễ, Cha At. Trần Đình Nam mời gọi cộng đoàn suy tư về hình ảnh người mục tử và đàn chiên qua lời Đức Giêsu bảo Phêrô: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,16), và cầu nguyện cho Cha sở mới trong ngày nhận sứ vụ mới hôm nay: cầu chúc cha luôn có ‘mùi của chiên’ và ‘nụ cười của một người cha’ (lời nhắn nhủ của ĐGH Phanxicô cho các linh mục trong bài giảng lễ Dầu năm 2015).

Cuối thánh lễ, Cha sở mới dâng lời tạ ơn Chúa và cảm ơn mọi người.

Xin Chúa chúc lành cho Cha sở mới và cho bà con giáo dân họ đạo Bình Thủy.

MVTT/Hạt Cần Thơ

****

Mùi Của Chiên Và Nụ Cười Của Một Người Cha

Bài giảng của cha At. Trần Đình Nam

trong thánh lễ nhậm chức Cha Sở Bình Thủy của Cha Phêrô Vũ,  02.7.2020

I. BẢN VĂN LỜI CHÚA (Ga 21,15-19)

  1. Trong hồng ân được thụ phong Linh mục cách đây 6 năm, câu Lời Chúa mà Cha Pr. Vũ chọn làm phương châm cho sứ vụ Linh mục của mình là: “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15). Đây là câu trả lời của Phêrô cho câu hỏi của Đức Giêsu, được thuật lại trong bài Tin mừng ta vừa nghe.
  2. Câu chuyện diễn ra tại hồ Tibêriat. Đức Giêsu Phục sinh đã hiện ra với các tông đồ. Sáng sớm hôm ấy, trên hồ này, các tông đồ đã đánh được mẻ cá lớn nhờ sự chỉ dẫn của một người lạ đứng trên bờ mà họ từ từ nhận ra là Thầy Giêsu của mình. Rồi bên đống than hồng trên bờ, với bánh và cá mới bắt được, thầy trò đã chung nhau bữa ăn.
  3. Trong bữa ăn, đến 3 lần, Đức Giêsu hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?”. Và sau câu trả lời của Phêrô: “Thưa Thầy có, Thầy biết yêu mến Thầy”, thì cả 3 lần, Đức Giêsu đều bảo Phêrô chăm sóc đàn chiên của Ngài. Chắc chắn, đây không phải là những câu hỏi và những câu trả lời xã giao ngẫu hứng, mà là cuộc đối thoại có chủ ý và hoàn toàn nghiêm túc. Đức Giêsu long trọng trao phó đến 3 lần, mà chỉ cùng một sứ mạng: chăn chiên của Thầy. Đức Giêsu không bảo Phêrô: “Hãy chăm sóc chiên của con”, nhưng Ngài nhờ: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Như vậy, đàn chiên này vẫn là đàn chiên của Đức Giêsu, thuộc về Đức Giêsu. Chúng chỉ được giao cho Phêrô gìn giữ. Và như thế ta hiểu rằng, Đức Giêsu đã cho Phêrô chia sẻ sứ mạng mục tử duy nhất của Ngài.

II. SUY TƯ

  1. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa vẫn được mô tả như mục tử, như nhà chăn dắt dân Israel, và dân chúng thường được gọi là ‘chiên’ hay ‘đàn chiên’: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng. Bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11). Thánh vịnh cũng miêu tả hình ảnh Thiên Chúa chăm sóc dân Ngài: “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi đến dòng nước trong lành để tôi nghỉ ngơi và bổ sức cho tôi” (Tv 22,2). Như thế, chính Thiên Chúa đích thân chăm sóc dân Ngài. Nhưng rồi Thiên Chúa Giavê cũng đã ủy thác vai trò mục tử này cho một số người đại diện cho Ngài, như Môisê, Aaron, Giosuê, Đavit… bởi lời hứa với dân Ngài: “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử đẹp lòng ta. Họ sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt các ngươi…” (Gr 3,15; 23,4)
  2. Đến thời Tân Ước, hình ảnh ‘người mục tử’ được dùng như một biểu tượng để nói về con người và sự nghiệp của Đức Giêsu, và dân chúng cũng được mô tả như đàn chiên hay bầy chiên: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt…” (Mc 6,34; Mt 9,36). Đặc biệt, trong Tin mừng Gioan, Đức Giêsu khẳng định Ngài chính là ‘mục tử’ và là ‘mục tử tốt’: “Tôi là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi (Ga 10,14). Và cũng như Thiên Chúa Giavê đã ủy thác vai trò mục tử này cho một số người đại diện cho Ngài, thì Đức Giêsu cũng ủy thác sứ mạng mục tử của mình cho một số người, mà trường hợp của tông đồ Phêrô là một đơn cử: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.
  3. Rồi đến thời Giáo hội, các Kitô hữu sơ khai đã sử dụng hình ảnh người mục tử cho những người có đoàn sủng lãnh đạo cộng đoàn – tức là những cộng sự viên của các tông đồ. Trong sách CVTĐ, lúc tiến về Giêrusalem, Thánh Phaolô đã triệu tập các niên trưởng của Hội Thánh Êphêsô và bảo họ phải chăm sóc đàn chiên mà Thánh Thần đã trao phó cho họ (Cv 20,28). Tác giả thư 1 Pr cũng kêu gọi các niên trưởng của cộng đoàn rằng: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã trao phó cho anh em (1Pr 5,2).
  4. Và đến hôm nay, qua Bí tích Truyền chức thánh, cũng như các tông đồ ngày xưa, vị Linh mục cũng được chia sẻ sứ mạng mục tử của ĐG, được trao phó sứ mạng làm mục tử chăm sóc đàn chiên của ĐG. Trong nghi thức thẩm vấn vị phó tế sắp tiến chức, ĐGM đã hỏi vị ấy rất rõ: “Con có muốn không ngừng chu toàn nhiệm vụ tư tế ở bậc Linh mục, trong việc chăn dắt đoàn chiên của Chúa theo sự hướng dẫn của Thánh Thần không?”. Và vị tiến chức phải công khai nói lên quyết tâm của mình: “Thưa, con muốn”.
  5. Như vậy ta hiểu đàn chiên là của Chúa, chứ không phải là sở hữu của bất cứ mục tử nào. Cha sở này, rồi đến Cha sở kia, rồi đến Cha sở khác… chỉ là những người, qua thánh chức Linh mục, được chia sẻ sứ mạng mục tử duy nhất của Đức Giêsu, để chăm sóc đàn chiên của Chúa, cho Chúa.
  6. Hôm nay – Thứ Năm đầu tháng – ngày cầu nguyện cho các Linh mục, cũng là ngày họ đạo chúng ta tổ chức thánh lễ để tạ ơn Chúa và để đón nhận một mục tử thay mặt Chúa, đến với chúng ta – là đàn chiên của Chúa. Thật ra, cha Phêrô đã từng đồng hành trong đời sống đức tin với chúng ta với vai trò của một cha phó cộng tác với Cha sở, nhưng từ hôm nay, ngài hiện diện với chúng ta trong cương vị, trong vai trò của một Cha sở. Trong bối cảnh này, dù ta đã rất thân quen với Cha, từng làm việc với Cha, nhưng ta cần hiểu rõ trách nhiệm của Cha đối với họ đạo chúng ta: từ đây, trách nhiệm của ngài sẽ khác hơn, sẽ trực tiếp hơn, và dĩ nhiên, sẽ quan trọng hơn trước kia.

III. CẦU NGUYỆN

  1. Có lẽ ta cũng thành thật nhìn nhận một thực tế chung này: trong quá trình xây dựng họ đạo thành một cộng đoàn ‘đức tin-thờ phượng-bác ái’, đôi khi vẫn không tránh được những ý kiến trái ngược nhau, những lập trường không giống nhau giữa mục tử (là Cha sở) và đàn chiên (là bà con giáo dân). Nhưng ước gì, dẫu ở bất cứ tình huống nào, thì những gì chúng ta đối xử với nhau, vẫn là hoa trái bởi một đức tin chân chính. Và như thế, bất cứ vị mục tử nào cũng đặt hết cái tình, cái tâm của mình vào họ đạo mà ngài đang là mục tử; và bất cứ một vị giáo dân nào cũng đặt sự kính trọng, lòng bác ái và niềm vâng phục dành cho vị mục tử của mình. Có thể các mục tử mà Chúa sai đến còn nhỏ tuổi hơn ta; có thể các ngài không tài năng bằng ta, nhưng ta vẫn kính trọng và vâng lời trong tinh thần đức tin, vì các ngài là mục tử của ta – là hiện thân của Đấng mục tử ĐG, theo như lời ĐTGM Gs. Nguyễn Năng nhắc lại với các tiến chức cũng như cho toàn thể dân Chúa trong thánh lễ phong chức Lm của TGP Sài Gòn, ngày 19.06 vừa qua.
  2. Cách riêng, OBACE họ đạo Bình Thủy thân mến, Bài đọc I hôm nay trích sách Giosuê. Sau khi Môisê qua đời, Thiên Chúa sai Giosuê tiếp tục sứ mạng của Môisê để đưa dân Israel vào miền đất Hứa. Giosuê đã tuân ý Thiên Chúa, thay thế Môisê để lãnh đạo đoàn dân. Đáp lại, đoàn dân cũng hết lòng kính trọng và vâng phục vị lãnh đạo mới mà Thiên Chúa đã cắt đặt thay cho Môisê. Đó là một câu chuyện đẹp, câu chuyện của một người được Chúa chọn và một đoàn dân đầy đức tin, đón nhận và vâng nghe người mà Chúa sai đến với mình. Ước gì, đó cũng là câu chuyện của Cha sở mới và của bà con họ đạo Bình Thủy hôm nay. Ước gì, chúng ta đón nhận sự kiện thuyên chuyển của quý Cha, cụ thể là đón nhận Cha Phêrô, từ giáo vụ Cha phó tại nơi đây và bây giờ được cắt đặt làm Cha sở cũng tại nơi này, với cái nhìn vững vàng của đức tin, để có thể nói với Chúa, với Giáo hội và với Cha sở mới điều mà ngày xưa dân chúng đã nói với Giosuê khi ông được chọn thay thế Môisê: “Mọi điều ngài truyền chúng tôi làm, chúng tôi sẽ làm; mọi nơi ngài sai chúng tôi đi, chúng tôi sẽ đi. Chúng tôi đã nghe lời ông Môisê thế nào, thì chúng tôi cũng sẽ nghe lời ngài như vậy. Chỉ cầu mong Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngài, ở với ngài, như đã ở với ông Môisê”.
  3. Thưa toàn thể cộng đoàn, trong bài giảng Thánh lễ Dầu năm 2015, ĐGH Phanxicô khuyên các Linh mục phải có mùi của chiên và nụ cười của một người cha. Ngài nói rằng: “Dân chúng yêu Linh mục của mình; họ muốn và họ cần mục tử của họ. Các tín hữu không bao giờ để Linh mục ở không. Vì thế, có thể có sự mệt mỏi sự kiệt sức của Linh mục mang mùi của chiên, nhưng dẫu gì, ngài sẽ luôn mỉm cười với nụ cười của một người cha vui mừng với con cháu của mình. Chúng ta mượn tâm tình đó để cầu nguyện cho Cha sở mới trong ngày nhận sứ vụ hôm nay: cầu chúc cha luôn có ‘mùi của chiên’ và ‘nụ cười của một người cha’.