Bảy Chìa Khóa Để Hiểu Bí Tích Rủa Tội

print

Bảy Chìa Khóa Để Hiểu Bí Tích Rủa Tội

Theo Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Bí tích Rửa Tội (BTRT) là bí tích một trong ba bí tích khai tâm Ki-tô giáo: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. BTRT là sự tái sinh trong đời sống mới. Nghĩa là BTRT giúp người lãnh nhận bước từ trong bóng tối ra ánh sáng, chuyển từ việc không biết Thiên Chúa sang hiệp thông với Người. Khi chịu phép rửa tội, người thụ nhân được dìm vào trong cái chết của Ðức Kitô và sự sống lại với Người như một “thụ tạo” mới (2 Cr 5,17). Cho nên, BTRT còn được gọi là “tắm tái sinh và đổi mới trong Chúa Thánh Thần” (Tt 3,5), hay là “ơn soi sáng” vì người được Rửa tội trở thành “con cái sự sáng” (Ep 5, 8).

Xin giới thiệu 7 chìa khóa sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về BTRT

  1. Ý nghĩa của BTRT
  2. Nguồn gốc BTRT
  3. Ai có thể nhận BTRT
  4. Tại sao rửa tội cho trẻ em?
  5. BTRT được cử hành thể nào?
  6. Hiệu quả của BTRT?
  7. Vai trò của người đỡ đầu

 

1. Ý NGHĨA CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI

“Phàm ai ở trong Ðức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa, là Ðấng đã nhờ Ðức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải” (2 Cor 5,17-18)

Biến cố nền tảng của đời sống đức tin Ki-tô giáo chính là Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là cái chết và sự sống lại của Người. Đối với người Ki-tô, các chết thể lý không phải là hết. Chúa Ki-tô được phục sinh, người đầu tiên đã mở đường cho cái chết bước vào sự sống.

Bí tích Rửa Tội hiện tại hoá trong cuộc sống nhân loại một quyền lực của sự sống, vượt lên trên cái chết, chính là Đức Kitô phục sinh. Căn bản, được rửa tội, chính là được nhận chìm trong cái chết của Đức Giêsu để và cùng với Người, sống lại trong đời sống mới của con cái Thiên Chúa. Bí tích Rửa Tội có nghĩa là một cái chết biểu tượng nhằm đưa đến một sự sống mới.

Bí tích Rửa Tội là một sự tái sinh. Nó làm cho người được rửa tội bước từ bóng tối sang ánh sáng, từ việc không biết Thiên Chúa sang hiệp thông với Người. Nó hướng trọn cuộc sống của người thụ nhân đến với Đấng Phục Sinh. “Trở thành điều con là”: đây chính là con đường phía trước của tất cả người chịu phép rửa tội.

2. NGUỒN GỐC BÍ TÍCH RỦA TỘI

Trong Thánh kinh, có nhiều sự kiện báo trước về BTRT: Biến cố vượt qua Biển Đỏ giải phóng dân Israel khỏi cuộc sống nô lệ Ai Cập; đi qua sông Gio-dan tiến vào Đất Hứa. Như vậy, Ki-tô giáo không sáng tác BTRT: những nghi thức tương tự đã xuất hiện trong Do Thái Giáo. Gioan Baotixita, rao giảng về một phép rửa thanh tẩy, tỏ lòng sám hối. Chính Chúa Giêsu cũng đã đến xin Gioan làm phép rửa cho mình.

Bản văn cổ nhất của Tân Ước được đề cập đến bí tích Rửa Tội Ki-tô giáo đó là Thư thứ nhất của Phaolô gửi cho tín hữu Corinthô (1Cor 10,1tt). Thánh nhân so sánh phép rửa với cuộc Xuất Hành, nghĩa là cuộc xuất hành khỏi Ai Cập của Mose và dân Do Thái, một sự giải thoát khỏi cảnh nô lệ và hành trình hướng về Đất Hứa để có một cuộc sống mới của sự tự do.

Từ “rửa tội” có gốc Hy-lạp baptizein, nghĩa là: dìm xuống, nhận chìm. Từ ban đầu, người “dự tòng”, nghĩa là người được rửa tội trong tương lai, phải được nhận chìm trong chậu chứa đầy nước, được gọi là “giếng rửa tội”. Sự nhận chìm này tượng trưng, giống như người Do Thái xưa vượt qua Biển Đỏ để chạy trốn vua Pharaon và chiếm Đất Hứa, một sự tự do, một cuộc sống mới.

Vào những thế kỷ đầu của Hội Thánh, chỉ rửa tội cho người lớn, người trưởng thành; sau đó, rất nhanh, việc rửa tội cho mọi thành viên trong một gia đình được thực hiện, như sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại (16,15 và 16,33). Vào thế kỷ thứ IV, khi Ki-tô giáo trở thành một tôn giáo chính thức, việc rửa tội cho trẻ em cũng được phổ biến khắp nơi.

Nguyên thuỷ, các giếng rửa tội là những giếng được đào âm dưới đất, thường theo hình thánh giá. Người được rửa tội đi xuống nước từ các bậc thang, sau đó, trở lên theo các bậc thang bên cạnh. Sau đó, việc rửa tội cho người lớn giảm dần, nhiều Ki-tô hữu cũng từ chối cách thức rửa tội theo nghi thức này, trừ Hội Thánh Đông Phương. Do dó, từ thế kỷ thứ IV, nhiều người ưa chuộng việc rửa tội bằng cách đổ nước trên trán hoặc trên đầu.

Việc “dìm mình” xuống nước là một dấu chỉ rất mạnh. Nó là một cuộc vượt qua từ cái chết và sự Phục Sinh của Đức Ki-tô. Khi người tân tòng thực hiện dấu chỉ này, họ cũng vượt qua từ bóng tối đến ánh sáng, từ sự cô đơn đến với cộng đoàn tín hữu, từ cái chết do tội lỗi trở về với sự sống nhờ sự Phục Sinh của Đức Ki-tô.

 

3. AI CÓ THỂ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH RỬA TỘI?

Mọi lứa tuổi, mọi người đều có thể lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Nói cách khác, mọi người chưa lãnh nhận đều có thể lãnh nhận bí tích Rửa Tội (GLTY 257).

Thời Giáo Hội sơ khai, như đã biết, chỉ có người lớn được rửa tội.

Đối với Hội Thánh Công Giáo, việc rửa tội cho trẻ em sơ sinh vẫn đúng nghĩa là bí tích Rửa Tội. Mặc dù, các em chưa có khả năng tuyên xưng đức tin cá nhân, kể cả chưa có khả năng để xin lãnh nhận bí tích mà chỉ nhờ gia đình, thậm chí có những gia đình đức tin còn non yếu. Nhiều người đỡ đầu cũng không mong đặt để niềm tin của họ vào con đỡ đầu của mình, nhưng họ chỉ ước mong truyền đạt những gì mà chính họ đã được nhận lãnh. Vậy thì lý do để từ chối khi họ muốn trao tặng cho con cái họ  niềm vui mà họ vui sống?

Bí tích rửa tội người lớn vẫn tiếp tục được cử hành hằng năm tại Hội Thánh Việt Nam. Theo số liệu mới nhất của Văn phòng Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2012, số người lớn được rửa tội năm 2012 là 42.422 người, trong khoảng 10 năm gần đây, hằng năm khoảng 30.000 đến 40.000 người lớn theo đạo Công giáo, nhưng hầu hết là để lập gia đình với người có đạo.

 

4. TẠI SAO RỬA TỘI TRẺ EM?

Thực tế là có nhiều cha mẹ xin BTRT cho con mình, dù trong số này có nhiều người không phải là người thực hành đạo cách thường xuyên và sốt sắng. Nhiều gia đình xem ngày rửa tội cho con cái cũng là dịp để tổ chức ăn mừng, mở tiệc. Nhưng trước tiên cần phải nhấn mạnh rằng, việc rửa tội cho trẻ em là một cử hành phụng vụ của Hội Thánh: ngày tiếp nhận một người vào cộng đoàn tín hữu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cha mẹ không muốn làm điều này, vì cho rằng để khi ngày con mình hiểu rõ ý nghĩa của BTRT và em sẽ chọn lựa với sự ý thức để lãnh nhận bí tích của đức tin.

Trong khi đó, từ những thế kỷ đầu, Hội Thánh Công Giáo đã rửa tội cho trẻ em. Vượt lên trên việc trở lại và lựa chọn Chúa Ki-tô của người thụ nhân, BTRT trước hết là một ân ban, một quà tặng của Thiên Chúa chứ không do công trạng của các em. Dù khi còn rất nhỏ, trẻ em cũng đã được “nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa Cha, tháp nhập vào Thân Thể Chúa Ki-tô và Chúa Thánh Thần ngự trị”. Các em được rửa tội trong đức tin của Hội Thánh. Qua BTRT, các em trở nên thành phần của Hội Thánh, được dẫn vào đời sống Ki-tô hữu và từ đó, Hội Thánh dẫn các em đến tự do đích thực.

Trong Nghi thức phụng vụ, khi xin BTRT cho con mình, cha mẹ cam kết đảm nhận việc giáo dục đức tin Ki-tô giáo cũng như việc phát triển đức tin trong Chúa Ki-tô và ân sủng của BTRT cho con em mình. Bên cạnh đó, nhiệm vụ giáo dục đức tin cho con cái cũng được sự giúp đỡ của cha mẹ đỡ đầu. Như vậy, bí tích Rửa Tội cho trẻ em mà không được bảo đảm việc giáo dục Ki-tô giáo sau đó được xem là một việc làm vô ích.

Trường hợp các trẻ nhỏ sinh ra trong hoàn cảnh “cha mẹ chưa kết hôn” hoặc “cha mẹ ly dị”, hay cha mẹ không là người công giáo hoặc tôn giáo khác, mà họ vẫn xin hoặc chấp nhận cho con được lãnh nhận bí tích Rửa Tội thì sao? Hội Thánh vẫn có thể chấp nhận cho em được rửa tội nhưng với điều kiện là các bậc phụ huynh phải cam kết bảo đảm và cho phép các em được đến các lớp giáo lý để được hấp thụ nền giáo dục Ki-tô giáo.

Trong thời gian khá lâu, người công giáo nghĩ rằng, những trẻ em không được rửa tội sẽ “xuống hoả ngục”. Công Đồng Vatican II, cách đây 50 năm, đã xác định rằng những ai không biết Tin Mừng, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, dựa theo những chỉ dẫn của lương tâm, nhờ vào ơn Chúa soi sáng, thực hành Thánh Ý Thiên Chúa, họ cũng có thể có được sự sống đời đời (x. Lumen Gentium, số 16).

 

5. DIỄN TIẾN NGHI THỨC BÍ TÍCH RỬA TỘI

Ý nghĩa của BTRT được chứa đựng trong các nghi thức cử hành. Các cử chỉ, lời nói của nghi thức biểu thị sự phong phú của ân sủng của bí tích mà người thụ nhân sẽ lãnh nhân. Nghi thức của bí tích rửa tội được diễn ra ở các nơi khác nhau.

(1) Ở ngoài nhà thờ: Nghi thức tiếp nhận

Giờ đã điểm, mọi người tập trung ở ngưỡng cửa nhà thờ hay một chỗ thích hợp bên ngoài nhà thờ.

Lời chào hỏi vắn tắt của linh mục như một chất vấn cha mẹ cũng như người đỡ đầu hoặc thụ nhân về việc quyết định xin rửa tội cho con mình hoặc bản thân.

Khi lãnh bí tích Rửa Tội, người Ki-tô hữu nhận một tên gọi đặc biệt trong Hội thánh. Trong truyền thống của Hội Thánh thường được chọn tên một vị thánh như là một gương mẫu thánh thiện cho người nhận tên, và ngài sẽ chuyển cầu cho họ nơi Thiên Chúa. Việc đặt tên mới này cũng cho thấy rằng, mọi người có tên riêng và Thiên Chúa biết từng người qua tên gọi, và Người cũng gọi từng người đích danh.

Tiếp đến, linh mục, cha mẹ và người đỡ đầu là việc ghi dấu thánh giá của Chúa Ki-tô Cứu Thế trên trán thụ nhân. Đây là dấu chỉ cho thấy người sắp lãnh nhận phép rửa tội sẽ thuộc về Đức Ki-tô và sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Dấu thánh giá còn là biểu thị ơn Chúa cứu chuộc và là dấu hiệu đặc trưng của người Ki-tô hữu.

(2) Tiến vào nhà thờ: Phụng vụ Lời Chúa

Sau khi được ghi dấu ấn Chúa Ki-tô, người sắp chịu phép rửa tội có một vị trí trong cộng đoàn dân Chúa. Họ đủ tư cách để bước vào nhà Chúa để cùng với cộng đoàn lắng nghe Lời Hằng Sống. Họ bước qua ngưỡng cửa nhà thờ để tiến vào nhà Chúa. Đây cũng là dấu chỉ của cuộc vượt qua, họ bước từ bóng tối vào miền ánh sáng. Họ không còn là người xa lạ, nhưng đã thực sự trở thành con Thiên Chúa, con cái của sự tự do. 

Khi tiến vào nhà thờ, quyển Thánh kinh cần được rước cách long trọng. Điều này nói lên ý nghĩa Lời Chúa dẫn đường cho dân Chúa, và Lời Chúa sẽ nói với họ trong cộng đoàn phụng vụ. Chính Chúa hiện diện trong buổi cử hành này qua Lời của Người.

Việc công bố Lời Chúa trong cộng đoàn phụng vụ soi sáng cho các dự tòng và công đoàn ý muốn của Thiên Chúa. Chúa nói với dân Người, đồng thời dân Chúa cũng đáp lại bằng việc lắng nghe và đối lại qua các ý nguyện chung (lời nguyện giáo dân). Đây là hành động đức tin gắn liền với bí tích Rửa Tội. Thật vậy, bí tích Rửa Tội là bí tích của đức tin vì đây chính là cửa dẫn vào đời sống đức tin.

Lời Chúa có sức biến đổi và giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ ma quỷ và tội lỗi. Lời nguyện trừ tà và xức dầu dự tòng trong bí tích Rửa Tội cũng nói lên ý nghĩa của sự giải thoát người sắp chịu phép rửa khỏi tội lỗi và thắng vượt kẻ cầm đầu và xúi giục là ma quỷ. Họ được xức Dầu Dự Tòng hoặc đặt tay và họ công khai nói lên quyết tâm từ bỏ Satan. Tiếp đến, họ tuyên xưng đức tin của Hội Thánh mà họ được uỷ thác qua bí tích sắp lãnh nhận. (x. Rm 6,17)

(3) Đến giếng rửa tội: nghi thức chính yếu của bí tích Rửa Tội

Thời điểm quyết định đã tới, người sắp chịu phép rửa được dẫn đến giếng rửa tội hay một nơi gần cung thánh để cử hành nghi thức chính yếu của bí tích. Linh mục bắt đầu bằng việc làm phép nước. Nước rửa tội cần được thánh hiến qua lời nguyện “xin ban Thánh Thần”. Hội Thánh cầu xin Chúa Cha, nhờ Chúa Con, ban quyền nằng Thánh Thần xuống trên nước sắp được sử dụng, để người sắp chịu phép rửa “được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần” (Ga 3,5).

Nước biểu tượng cho sự sống, Nó tưới gội, tái sinh và làm cho sạch sẽ. Người chịu phép rửa nhận dấu chỉ đổ nước trên đầu hoặc trên trán gợi lên ý nghĩa của việc dìm xuống nước của nghi thức xưa. Việc đổ nước và đọc công thức biểu thị và thực hiện việc ngưởi dự tòng từ đây chết đối với tội lỗi và bước vào đời sống mới của Thiên Chúa Ba Ngôi, nên giống Chúa Ki-tô trong mầu nhiệm Vượt Qua. Việc dìm xuống ba lần hay đổ nước ba lần trên đầu người dự tòng trong nghi thức biểu hiện cùng chết với Chúa Ki-tô (ba ngày) để rồi, cùng Phục Sinh với Người trong đời sống mới.

Tiếp đến, người tân tòng được xức Dầu Thánh. Dầu được sử dụng trong truyền thống của Hội Thánh. Công dụng của dầu là thấm nhập vào người và không tẩy rửa được. Cho nên, việc xức dầu được giám mục thánh hiến, biểu thị việc ban Thánh Thần cho người tân tòng, một dấu ấn không thể xoá nhoà. Họ trên nên Ki-tô hữu, nghĩa là “được xức dầu” bằng Chúa Thánh Thần, được tháp nhập vào Đức Ki-tô, Đấng được xức dầu để trở thành tư tế, ngôn sứ và vương đế (x. Nghi thức Rửa Tội Trẻ Em, số 62).

Cuối cùng, người tân tòng nhận áo trắng, tượng trưng cho việc đổi mới hoàn toàn. Từ đây họ “mặc lấy Chúa Ki-tô” (Gal 3,27), nghĩa là được phục sinh với Người. Chiếc áo trắng còn là biểu tượng cho tâm hồn trong trắng, vừa được tẩy sạch bởi dòng nước rửa tội. Người Ki-tô hữu phải giữ tâm hồn trong sạch như chiếc áo trắng suốt đời sống cho tới ngày ra trình diện trước toà Chúa. Cây nến cháy sáng cũng được trao cho người tân tòng. Cây nến này được thắp lên từ nến phục sinh,biểu thị Đức Ki-tô là ánh sáng trần gian, soi sáng người tân tòng. Trong Đức Ki-tô, họ là “ánh sáng thế gian” (Mt 5, 14; x, Pl 2, 15).

Nghi thức được kết thúc với Kinh Lạy Cha. Người tân tòng đã là con Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Ki-tô, nên có thể xướng lên lời kinh của con cái Thiên Chúa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” Kể từ đây, người tân tòng sẽ sống và bước đi trong bình an của Chúa Kitô, điều này được thể hiện qua lời chào chúc và giải tán.

 

Ai có thể ban Bí tích Rửa tội?

Thừa tác viên thông thường của Bí tích Rửa tội là các Giám mục và linh mục; trong Hội Thánh Latinh còn có cả các phó tế. Trong trường hợp cần thiết, mọi người đều có thể ban Bí tích Rửa tội, miễn là họ có ý làm điều Hội thánh làm. Người ban Bí tích Rửa tội đổ nước trên đầu ứng viên và đọc công thức Ba Ngôi khi Rửa tội: “T…,tôi Rửa tội cho [ACE..] nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

                                                                                       Giáo Lý Toát Yếu, số 260

 

6. HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI

Bí tích Rửa tội mang lại những hiệu quả nào?

Bí tích Rửa tội tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí tích Rửa tội cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hóa, nhờ ơn công chính hóa giúp tháp nhập vào Ðức Kitô và Hội thánh Người. Bí tích này cho tham dự vào chức tư tế của Ðức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các người Kitô hữu. Bí tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí tích Rửa tội thuộc về Ðức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Ðức Kitô (ấn tín).

Giáo Lý Toát Yếu, số 263

Nền tảng cuộc sống của người Ki-tô hữu, bí tích Rửa Tội là cửa dẫn vào đời sống trong Chúa Thánh Thần. Nó đánh dấu một sự tái sinh vào đời sống mới trong Chúa Ki-tô, và đồng thời, nó cũng là lối dẫn vào các bí tích khác.

  • Qua bí tích Rửa Tội, tất cả mọi tội và hình phạt do tội đều được tha. Không có gì có thể ngăn trở người tân tòng vui hưởng hạnh phúc Nước Trời.
  • Qua bí tích Rửa Tội, người tân tòng trở nên “tạo vật mới”. Họ được tham dự vào sự sống của Chúa Ba Ngôi. Họ trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa. Họ thuộc trọn về Chúa Ki-tô và được Người đóng ấn thiêng liêng không thể xoá nhoà. Họ được trao ban các nhân đức và ơn Thánh Thần, Ngài sẽ làm cho đời thực hành các nhân đức hoàn hảo.
  • Qua bí tích Rửa Tội, người tân tòng được thấp nhập vào Hội Thánh. Họ là thành viên của cộng đoàn tín hữu. Họ trở thành “người cầu nguyện sống động” trong Hội Thánh. Từ đây, nhờ Lời Chúa nuôi dưỡng, họ lớn lên trong đời sống thiêng liêng và cũng là người rao giảng Lời được đón nhận. Hằng ngày, nhờ kết hợp của Chúa Ki-tô nhờ lắng nghe Lời Chúa, họ được nuôi dưỡng và tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng, đồng thời họ được tiếp tục được nuôi dưỡng và tăng trưởng nhờ năng lãnh nhận các bí tích khác, nhất là bí tích Hoà Giải và Thánh Thể.
  • Nhờ bí tích Rửa Tội, người tân tòng được tham dự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Ki-tô. Từ đây, họ được mời gọi tham dự vào mọi hoạt động tông đồ và sứ vụ của Hội Thánh.

 

7. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI ĐỠ ĐẦU

“Trong mức độ có thể được, phải liệu cho người sắp chịu Bí Tích Rửa Tội có một người đỡ đầu. Nhiệm vụ của người đỡ đầu là tham dự vào việc khai tâm Kitô giáo của người lớn sắp rửa tội; còn đối với nhi đồng sắp rửa tội, người đỡ đầu phải cùng với cha mẹ đem em nhỏ đến chịu rửa tội, rồi cộng tác với cha mẹ giúp em bé đã được rửa tội sống đời sống Kitô giáo cách xứng đáng và tận tụy chu toàn những bổn phận gắn liền với Bí Tích Rửa Tội”.

Giáo Luật, điều 872

Thường thì người đỡ đầu được chọn bởi người sắp được rửa tội, hay cha mẹ của trẻ nhỏ, hoặc cha sở hay người thế quyền cha mẹ sẽ lựa chọn. Người đỡ đầu là người trưởng thành hay ít là đã được mười sáu tuổi trọn, để có đủ khả năng để đồng hành và hướng dẫn con đỡ đầu của mình. Họ phải là người công giáo, đã chịu Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Mình Thánh,  và có đời sống xứng hợp với Ðức Tin và chức vụ sắp lãnh nhận. Dĩ nhiên, họ phải là người không mắc một hình phạt giáo luật và nhất là người đỡ đầu không phải là cha hay mẹ của người được rửa tội.

Trong nghi thức rửa tội, linh mục chủ sự chất vấn người đỡ đầu về sự hiểu biết và trách nhiệm cùng với cha mẹ giáo dục con đỡ đầu trong đời sống đức tin. Họ cùng với linh mục và cha mẹ ghi dấu thánh giá trên trán con đỡ đầu của mình. Cử chỉ này biểu thị sự xác nhận vai trò của họ đối với người sắp rửa tội. Trong phần phụng vụ Lời Chúa, cũng nên cho người đỡ đầu đọc Lời Chúa hoặc ít là đầu lời nguyện tín hữu. Tiếp đến, họ cùng với cha mẹ của trẻ nhỏ tuyên xưng đức tin. Đến phần chính của nghi thức, người đỡ đầu, theo đúng nghĩa, hai tay đỡ đầu con thiêng liêng của mình trong phần đổ nước trên đầu của trẻ nhỏ. Trong phần diễn nghĩa, linh mục trao nến cháy sáng được đốt lên từ nến phục sinh cho người đỡ đầu để họ chăm nom và lo lắng cho con mình được Chúa Ki-tô soi sáng, luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong Đức tin.

Trường hợp rửa tội cho người lớn, vai trò của người đỡ đầu rất quan trọng. Họ là người mẫu mực, đồng hành và người giúp đỡ người dự tòng ngay từ những ngày đầu tiên trong giai đoạn dự tòng, đặc biệt là trong các nghi thức nhập đạo diễn ra trong suốt giai đoạn dự tòng, người đỡ đầu luôn hiện diện và chứng nhận sự lớn lên trong đời sống đức tin của con đỡ đầu của mình. Sau bí tích Rửa Tội, người đỡ đầu còn phải tiếp tục sứ vụ của mình trong vai trò nuôi dưỡng đức tin của người tân tòng và nhất là đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện.

CHUẨN BỊ RỬA TỘI CHO TRẺ EM

(1)    Để em bé được rửa tội cha mẹ phải gia nhập giáo xứ và tham dự sinh hoạt phụng vụ của giáo xứ;

(2)     Tham dự lớp chuẩn bị rửa tội của giáo xứ;

(3)    Chọn người đở đầu;

(4)    Điền đơn xin rửa tội trẻ em và nộp lại cho giáo xứ;

(5)    Gặp linh mục cử hành bí tích để chuẩn bị nghi thức.

Lm. Gs L̉ê Ngọc Ngà